Nhìn Lại Sử Việt - Chương 2: Tổng quan về lịch sử Việt Nam

Mỹ Sơn
 “Herodotus của Halicarnassus đã viết lại dưới đây những tìm tòi của mình để giữ lại những chuyện của quá khứ, để viết lên những thành quả đáng ngạc nhiên của chính chúng ta và của những dân tộc khác, và đặc biệt để chỉ cho thấy tại sao họ và chúng ta lại đi vào con đường chiến tranh.”

Đó là câu mở đầu cuốn lịch sử cuộc chiến giữa đế quốc Ba tư và thế giới Hy Lạp của Herodotus, có thể nói là cuốn lịch sử đầu tiên của nhân loại. Câu này tóm lại một đặc tính căn bản của lịch sử, tức là ghi lại những chuyện xảy ra trong quá khứ. Nhưng cũng như Herodotus đã viết ở trên, ghi lại quá khứ không, không đủ. Lịch sử còn có nhiệm vụ giải thích. Giải thích tại sao mọi chuyện lại diễn ra như vậy, nhất là trong trường hợp lịch sử một dân tộc. Không những chúng ta cần phải tìm hiểu những chuyện gì đã xảy ra cho dân tộc ta, mà ta còn phải tìm hiểu những chuyện xảy ra đó nó ảnh hưởng và đóng góp như thế nào vào sự hình thành của dân tộc.

Người sử gia tìm cách vẽ lại lịch sử vì vậy cần phải tính đến những thay đổi khả dĩ có thể làm thay đổi chiều hướng lịch sử trong mỗi sự kiện lịch sử ghi lại mà nếu không có, có thể khiến lịch sử đi về một hướng khác. Đó là những “bước ngoặc lịch sử” mà không lịch sử dân tộc nào không có.

Lịch sử Việt Nam cũng vậy. Dân tộc ta hiện nay khác hẳn với dân tộc ta cách đây trên hai ngàn năm. Trong quá trình tiến hoá của dân tộc Việt chúng ta đã trải qua nhiều giai đoạn. Mỗi giai đoạn được đánh dấu bởi một bước ngoặc quan trọng mà nếu không xảy ra thì sẽ đưa dân tộc Việt Nam vào một con đường khác, biến diễn biến lịch sử của chúng ta khác hẳn đi. Những bước ngoặc đó tuy không phải ngẫu nhiên, nhưng cũng không tất yếu phải xảy ra. Chúng là một hậu quả vừa của những lực tác động lâu dài, vừa là hậu quả của một số những tình cờ lịch sử, độc nhất có thể không bao giờ xảy ra lần nữa. Mỗi bước ngoặc này mở đầu cho một giai đoạn lịch sử mới mà những diễn tiến của nó lại là tiền đề cho một bước ngoặc tới, đưa lịch sử nước Việt sang một trạng thái khác. Vậy thì những bước ngoặc trong lịch sử Việt Nam là những bước ngoặc nào?

Nhìn lại lịch sử Việt Nam suốt từ thời lập quốc đến nay, ta có thể thấy nước ta đã trải qua sáu bước ngoặc quan trọng. Bước ngoặc thứ nhất xảy ra khi dân tộc Lạc bắt đầu tiếp xúc với sự bành trướng của Hán tộc từ phương Bắc xuống. Các tiếp xúc này có thể bắt đầu từ thời An Dương Vương nhưng chỉ trở nên chặt chẽ hơn từ khi nước Âu Lạc bị xáp nhập vào quốc gia Nam Việt của Triệu Đà. Trong một thời gian dài kể từ khi An Dương Vương mất nước cho đến cuối nhà Tây Hán, một cuộc đấu tranh âm ỷ diễn ra để xem dân tộc Lạc có thể tồn tại như một dân tộc thuộc nền văn minh Đông Nam Á hay không.

Bước ngoặc lịch sử thứ hai xảy ra khi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thất bại, Mã Viện bắt đầu việc Hán hóa toàn diện xã hội Lạc cũ. Giai đoạn này, kéo dài gần một nghìn năm từ đầu nhà Đông Hán cho đến cuối nhà Đường khi Ngô Quyền cuối cùng đánh bại quân Nam Hán dựng nền độc lập cho dân tộc Việt.

Trong khoảng gần một ngàn năm Bắc Thuộc kể từ sau Mã Viện này, xã hội dân Lạc đã qua nhiều giai đoạn chuyển đổi để trở thành một xã hội khác, xã hội Việt, hầu như khác hẳn với xã hội cũ. Việc chuyển đổi này diễn ra qua nhiều thời kỳ, với mỗi thời kỳ đánh dấu bởi một số những bước ngoặc nhỏ. Thời kỳ đầu tiên có thể gọi là thời kỳ Hán Lạc diễn ra ngay sau cuộc chinh phục của Mã Viện. Trong thời kỳ này, tầng lớp quý tộc cũ của dân Lạc thời Hùng Vương hầu như bị tiêu diệt hoàn toàn. Một số bị giết. Một số bị lưu đầy sang Trung quốc - Mã Viện đầy 300 gia đình quý tộc dân Lạc sang Trường Sa, Hồ Nam. Một tầng lớp quý tộc mới xuất hiện bao gồm những quan lại và quân sỹ người Hán theo Mã Viện sang đất Lạc cùng với những tầng lớp quý tộc người Lạc cũ đầu hàng Hán. Đầu tiên tầng lớp quý tộc này đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ cho đất Giao Chỉ tiếp tục nằm trong đế quốc Hán, nhưng dần dà họ bị Lạc hóa và có một nhận thức về sự khác biệt giữa xã hội mà họ sống với xã hội Hán mà họ để lại ở phương Bắc. Giai đoạn này kết thúc với đỉnh cao  quyền lực của nhóm này qua vai trò của Sỹ Nhiếp và gia đình họ Sỹ vào thời Tam Quốc. Nhóm này tìm cách tạo ra một sự tổng hợp giữa những giá trị Nam và Bắc, Đông Nam Á và Trung Quốc.

Nhưng việc tiêu diệt gia đình họ Sỹ dưới thời Ngô Tôn Quyền đã làm hỏng những cố gắng đó và mở đầu cho một thời kỳ mới, tạm gọi là thời kỳ Lạc Việt. Xã hội tại Giao châu dưới thời Tôn Quyền không còn là xã hội cũ nữa mà đã bị Hán hóa rất nhiều. Từ Lạc xã hội này  đã trở thành Việt. Những cố gắng cuối cùng của một số những quý tộc Lạc cũ tại những vùng xa ảnh hưởng của Trung Quốc như cuộc khởi nghĩa của bà Triệu đã thất bại. Trong giai đoạn này xã hội, đặc biệt là tầng lớp quý tộc Giao Châu bị dao động dưới hai khuynh hướng, khuynh hướng trung thành với đế quốc Hán và khuynh hướng muốn tách khỏi đế quốc Hán để tạo dựng lên một quốc gia riêng của mình. Các cuộc tranh chấp này được tiêu biểu bởi hai giòng họ, họ Lý và họ Đỗ, trong đó họ Đỗ đại biểu cho khuynh hướng trung thành với đế chế và họ Lý chủ trương tách ra thành một quốc gia riêng.

Các cuộc đấu tranh bên trong nội bộ giữa các giòng họ chung quanh việc trung thành hay không đối với đế chế đã kết thúc với cuộc khởi nghĩa của Lý Bí và việc thành lập đất nước Vạn Xuân. Khuynh hướng độc lập đã chiến thắng và chỉ còn vấn đề thời gian trước khi vùng Giao Châu trở thành một nước độc lập tách rời ra khỏi đế quốc Trung Hoa. Cũng trong giai đoạn này, một biến đổi lớn xuất hiện tại vùng đồng bằng sông Hồng. Sau mấy trăm năm dưới sự kiểm soát của đế quốc Trung Hoa, những làng mạc tại vùng này đã bắt đầu bị ảnh hưởng sâu đậm của nền văn hóa thống trị, mở đầu cho sự phân tách dân Lạc cổ thành ra hai tộc người khác nhau, Việt và Mường.  Sự phân chia này cuối cùng đã hoàn tất trong giai đoạn thuộc nhà Đường. Sự tham gia của Triệu Túc và con là Triệu Quang Phục vào cuộc khởi nghĩa của Lý Bí đánh dấu sự đồng hóa hoàn toàn của những người Hán ngụ cư vào xã hội Lạc Việt.

Thời gian độc lập của Lý Bí và những người thừa kế ông như Triệu Quang Phục, Lý Phật Tử kéo dài được 60 năm, một giai đoạn kéo dài hai thế hệ và đã để lại một dấu ấn sâu rộng vào trong lòng xã hội Việt. Chính vì vậy mà ba trăm năm thuộc Đường, một đế quốc có một nền văn minh vào hàng rực rỡ nhất của nhân loại cũng không thể nào khiến cho dân Việt chấp nhận ở lại trong lòng đế chế nữa. Trong giai đoạn này, giai đoạn Đường Việt, dân Việt hấp thụ rất nhiều từ nền văn minh Đường, ngay cả trong ngôn ngữ - việc tách rời tiếng Việt khỏi tiếng Mường bắt đầu từ giai đoạn này. Chế độ cai trị thời Đường cởi mở hơn cho những người sống tại Giao châu, có những người Việt đã thành đạt lớn tại triều đình Đường, như Khương Công Phụ trở thành tể tướng thời Đường Đức Tông. Nhưng những điều đó không đủ ngăn chặn những khát vọng độc lập của người Việt. Và khi nhà Đường suy yếu và sụp đổ, cơ hội độc lập đã đến. Sau một thời gian dài tự trị dưới thời họ Khúc, đất Việt đã hoàn toàn được giải phóng và trở thành một quốc gia độc lập dưới Ngô Quyền.

Chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền đánh dấu một bước ngoặt mới quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Mặc dầu còn những liên hệ mật thiết với đế quốc Trung Hoa, nhưng vận mệnh đất Việt không còn gắn liền với vận mệnh đế quốc này nữa. Người Việt đã có thể tự do vạch một con đường cho đất nước và dân tộc mình. Xã hội mà Ngô Quyền thành lập vương triều mới là một xã hội phong kiến cát cứ, có nhiều điểm tương tự với xã hội phương Tây thời Trung cổ. Sau nhiều thập niên loạn lạc vào cuối triều Đường, những hào tộc ở các địa phương đã tự thành lập những tiểu vùng dưới sự cai quản của mình và trở thành những lãnh chúa. Giống như những lãnh chúa tại phương Tây, họ chịu sự quản chế phần nào của chính quyền trung ương nhưng hầu như độc lập trong vùng lãnh thổ của họ. Tuy nhiên trái với tình trạng của phương Tây thời Trung cổ, xã hội phong kiến Đại Việt lúc đó không có những đô thị với tầng lớp thị dân làm một đối trọng đối với các lãnh chúa và triều đình trung ương. Chính vì vậy mà chế độ phong kiến Đại Việt đã không tạo ra được những sự thay đổi dẫn đến một thể chế dân chủ như tại Tây phương.

Chế độ phong kiến Đại Việt trong những năm đầu sau khi nhà nước Đại Việt mới được thành lập chịu những áp lực phân hóa địa phương rất mạnh. Tàn dư của những tinh thần địa phương đó còn tồn tại cho đến ngày nay. Sau khi Ngô Vương mất, lực ly tâm của cái tinh thần địa phương này đã tạo ra tình trạng Thập Nhị Sứ Quân. Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn Thập Nhị Sứ Quân, kiến lập ra triều Đinh, nhưng vẫn không có thay đổi gì trong xã hội. Xã hội Đại Việt dưới các triều Đinh, Tiền Lê, Lý và Trần vẫn là một xã hội phong kiến, phân chia rõ rệt thành các giai cấp trong đó giai cấp quý tộc là giai cấp thống trị.

Mặc dầu dưới chế độ phong kiến này, công và thương không bị coi rẻ như ở những triều đại sau, công nghệ và thương mại đạt được nhiều bước phát triển tốt đẹp, nhưng thiếu những thành thị lớn với một tầng lớp thị dân độc lập cho nên không thể tạo ra được một giai tầng thứ ba (third estate). Cơ sở tài chánh nhà nước vẫn nằm ở trong tay nông dân tại các làng xã mà một phần đã bị chia sẻ cho các tầng lớp quý tộc qua các điền trang. Chính vì vậy khi chế độ phong kiến bắt đầu suy thoái, khi kinh tế điền trang chiếm quá nhiều các tài nguyên của nhà nước, thì một cuộc khủng hoảng xảy ra mà hầu như không có biện pháp giải quyết. Cuộc khủng hoảng vào cuối triều Lý đã không được giải quyết tận gốc mà chỉ thay thế một tầng lớp quý tộc cũ của triều Lý bằng một tầng lớp quý tộc mới của triều Trần. Những chính sách mà triều đình nhà Trần đưa ra trong những năm đầu, hạn chế bớt điền trang của các quý tộc, khuyến khích nông nghiệp đã tạo được một số những ổn định trong đời sống xã hội, nhưng ba cuộc chiến tranh chống nhà Nguyên liên tiếp trong ba mươi năm đã làm đất nước kiệt quệ. Việc phát triển thái ấp điền trang vào cuối triều Trần cũng có tác động như vào cuối triều Lý. Nó làm cho chính quyền trung ương càng ngày càng không có đủ nhân lực cũng như tài lực để đối phó với những khó khăn thời thế tạo ra. Các cải tổ của cha con Hồ Quý Ly nhằm củng cố chính quyền trung ương, hạn chế điền trang, hạn chế nô tỳ chỉ là những biện pháp nửa vời không có tác dụng bao nhiêu. Và đất nước lại một lần nữa rơi vào tay đế quốc Trung Hoa khi nhà Minh dưới triều Vĩnh Lạc trở nên cường thịnh muốn phát triển sức mạnh của họ ra ngoài biên giới truyền thống của đế chế.

Hai mươi năm cai trị của nhà Minh đã đẩy xã hội Đại Việt đi vào một bước ngoặt mới. Trong cố gắng đồng hóa dân Đại Việt, nhà Minh đã mang toàn bộ thể chế xã hội tại Trung Quốc áp dụng vào Đại Việt. Xã hội phong kiến cũ dưới thời Lý Trần có thể coi như toàn bộ bị xóa bỏ. Một xã hội mới được tạo dựng lên, trong đó giai cấp quý tộc cũ không còn quyền hành nữa. Những cố gắng “Nho hóa” của triều Minh đã được triều Lê sau đó tiếp tục, nhất là dưới triều Lê Thánh Tông. Các tầng lớp quý tộc thời Lê, những vương công đại thần nay không còn có điền trang thái ấp nữa. Họ cũng không có quyền có nô tỳ, có quân đội riêng. Quyền lực tập trung vào trong tay chính quyền trung ương. Xã hội dưới triều Hậu Lê được tổ chức rập khuôn như xã hội Trung Quốc; thành phần sĩ phu được coi trọng trong khi công và thương nghiệp bị coi rẻ.

Tuy rằng triều Lê đã cố gắng để loại bỏ những thế lực địa phương, tập trung chính quyền vào trung ương nhưng cố gắng này không hoàn toàn thành công. Sự suy thoái của nhà hậu Lê, bắt đầu từ sau khi Hiến Tông băng, đã mở đường cho cuộc tranh chấp giữa những tập đoàn miền đồng bằng sông Hồng và những tập đoàn miền Thanh Nghệ với hậu quả là đất nước Đại Việt bị chia cắt thành hai, một bên là tập đoàn đồng bằng sông Hồng đại biểu là nhà Mạc và bên kia là tập đoàn miền Thanh Hóa đại biểu là họ Trịnh, mang tiếng phù Lê nhưng thực tế là nắm toàn bộ chính quyền trong tay mình.  Cuộc nội chiến giữa họ Trịnh và nhà Mạc chưa chấm dứt thì trong nội bộ hai phe Thanh Nghệ lại có sự chia rẽ. Họ Nguyễn, một trong những tập đoàn lớn ở miền Thanh Nghệ và liên minh với họ Trịnh chống lại nhà Mạc tách ra lập một triều đại mới ở vùng Thuận Quảng. Cuộc nội chiến Trịnh Nguyễn kéo dài trên 200 năm với những giai đoạn dài đình chiến cho đến khi một hậu duệ của họ Nguyễn, Nguyễn Ánh thống nhất đất nước vào năm 1800.

Một bước ngoặt mới trong lịch sử Đại Việt đã xuất hiện vào thế kỷ thứ 17. Với sự hiện diện của người Âu, một tôn giáo khác cũng xuất hiện và càng ngày càng đóng một địa vị quan trọng trong lịch sử nước ta: Thiên Chúa giáo.

Những người Âu đầu tiên đến Việt Nam là người Bồ Đào Nha. Ngay từ năm 1516 đã có những tầu buôn Bồ Đào Nha cập bến các hải cảng Việt Nam và Chiêm Thành để buôn bán. Cho đến khoảng giữa thế kỷ 16, một số những giáo sỹ Bồ Đào Nha cũng đã có mặt để truyền giáo. Tại Việt Nam những người này hầu hết cập bến trong vùng kiểm soát của chúa Nguyễn vốn nằm trên hải lộ đi từ Ấn Độ Dương sang Trung Quốc. Tiếp theo người Bồ Đào Nha lần lượt xuất hiện những tầu buôn của các nước Hòa Lan, Anh và Pháp với công ty hàng hải Đông Ấn Hòa Lan (VOC), Anh (EIC) và Pháp (CIO).

Sự hiện diện của các tập đoàn người Âu đó đã làm thay đổi cục diện chiến tranh giữa các nước tại Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Súng và nhất là đại bác đã xuất hiện từ trước khi người Âu sang đến vùng này. Ngay từ đầu thế kỷ 15, con trưởng của Hồ Quý Ly là Hồ Nguyên Trừng đã biết đúc súng thần công để chống quân Minh (Hồ Nguyên Trừng sau này được quân Minh đem về Bắc và giúp nhà Minh lập ra đội Thần Cơ Doanh (pháo binh) để chống lại quân Mông Cổ). Nhưng kỹ thuật vũ khí của người Âu nhất là trên phương diện hải quân đã vượt xa khả năng kỹ thuật của các chúa Trịnh, Nguyễn của Việt Nam cũng như là các vua chúa khác trong vùng Đông Nam Á.

Vào lúc đó, vũ khí do người Âu làm ra được coi như là những vũ khí tốt nhất trên thế giới và cả hai bên đều muốn lợi dụng những khả năng chuyên môn của người Âu để đạt được ưu thế đối với bên kia. Trong cuộc chạy đua kiếm ngoại viện này, vùng Đàng Trong của các chúa Nguyễn có ưu thế hơn Đàng Ngoài của chúa Trịnh vì vùng biển miền Trung của chúa Nguyễn nằm ngay trên đường hàng hải quốc tế từ Âu châu sang Trung Quốc vốn là mục tiêu chính của các cuộc buôn bán của người Tây Dương. Tại Huế, các chúa Nguyễn đã thuê một người Bồ Đào Nha, Joao da Cruz lập một xưởng đúc súng để cung cấp pháo binh cho đàng trong vào cuối thế kỷ thứ 16, trước cả khi các nhà truyền giáo đến Việt Nam. Các chúa cũng thuê các pháo thủ Bồ Đào Nha để huấn luyện cho binh sỹ của mình về pháo binh. Đó là một yếu tố quan trọng giúp họ Nguyễn chiến đấu được cân bằng với họ Trịnh (G.Maybon, Histoire moderne du pays d'Annam 1592-1820). Ngoài nguồn súng tự cấp và mua của người Bồ Đào Nha, các chúa Nguyễn còn một nguồn khác về súng là do các tầu buôn nước ngoài bị đắm ở ngoài khơi bờ biển miền Trung. Các vụ đắm tầu này xảy ra rất nhiều trong nửa đầu của thế kỷ thứ 17 vì các nhà hàng hải lúc đó còn chưa am tường vị trí những hòn đảo và bãi đá ngầm chung quanh các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các tầu đắm này đều bị các chúa Nguyễn tịch thu, xung công các hàng hóa và vũ khí. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến những cuộc đụng độ giữa chúa Nguyễn và các công ty Đông Ấn của Anh và Hoà Lan khiến các công ty này đi ra miền Bắc thông thương với chúa Trịnh. Công ty Đông Ấn của Hoà Lan còn đã có lần liên minh với chúa Trịnh để tấn công chúa Nguyễn, nhưng đã không thành công. Quân đội chúa Nguyễn trong thời đó được coi như là một quân đội mạnh nhất của Đông Nam Á, đặc biệt là về hải quân.

Tình hình thay đổi vào cuối thế kỷ thứ 18 khi triều chính của cả hai nhà Trịnh Nguyễn đều suy thoái. Cuộc khởi nghĩa nông dân của anh em nhà Tây Sơn đã quét sạch cả hai triều đại vào trong bóng tối của lịch sử mang theo cả ngai vàng vua Lê vốn đã không còn ý nghĩa gì từ gần hai trăm năm. Sau khi đánh bại đội quân xâm lược của nhà Thanh sang can thiệp theo lời khẩn cầu của vị vua cuối cùng triều Lê, Lê Chiêu Thống, đối thủ cuối cùng của nhà Tây Sơn là một di duệ của giòng họ Nguyễn, Nguyễn Ánh.

Quan hệ phức tạp giữa chính quyền của các chúa cũng như của Tây Sơn đối với các nước phương Tây cũng thể hiện qua chính sách của các chính quyền này với những người theo đạo Thiên Chúa. Đối với các chúa, đạo Thiên Chúa chỉ là một giáo phái dân gian, chỉ cần phải đàn áp khi tôn giáo này tỏ ra muốn thách đố quyền cai trị của họ. Nhưng vấn đề có phức tạp hơn vì những người truyền giáo là những người Âu và những người này, hay ít nhất là những đồng hương của họ, nắm trong tay bí quyết làm ra những vũ khí mà sự hiệu nghiệm cao hơn là vũ khí mà các vương triều Đại Việt có thể làm được. Chính vì vậy mà những giáo đồ Thiên Chúa giáo trở thành những con tin để cho các chúa, nhất là chúa Trịnh dùng để uy hiếp các giáo sỹ lấy vũ khí.

Miền Bắc ở cách khá xa đường hàng hải chính đi từ châu Âu sang Trung Quốc và Nhật Bản. So với miền Nam, miền Bắc có ít sản phẩm có thể bán được sang các nước châu Âu hơn. Chính vì vậy mà các chúa Trịnh đã dùng những biện pháp khác nhằm thu hút sự giúp đỡ của các người Tây Dương. Một trong những biện pháp được sử dụng là tôn giáo. Trong suốt thế kỷ 17 và nửa đầu thế kỷ 18, các chúa làm áp lực với Macao qua các giáo sỹ giòng Tên (Jesuit). Việc đàn áp hoặc thả lỏng cho các tín đồ công giáo cũng như là việc truyền đạo của các giáo sỹ tùy thuộc vào các đơn đặt hàng - phần lớn là những khẩu trọng pháo - có đến hay không hoặc là đến sớm hay đến muộn.

Cuộc chiến đấu giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn cuối cùng đã kết thúc với chiến thắng của Nguyễn Ánh được sự trợ giúp của những lính đánh thuê phương tây do một giáo sỹ Thiên chúa giáo La Mã, Bá Đa Lộc tuyển từ bên Pháp sang sau khi thỏa hiệp Versailles ký giữa đại diện của Nguyễn Ánh với vương triều Pháp của vua Louis 16 không được thi hành vì những biến động cách mạng tại Pháp. Nhưng không phải chỉ Nguyễn Ánh cầu viện sự giúp đỡ của các nước Tây Phương. Phía Tây Sơn, Nguyễn Nhạc đã từng đề nghị một liên minh với Anh và Nguyễn Huệ cũng nhiều lần ngỏ ý với Bồ Đào Nha để mua vũ khí và tuyển huấn luyện viên cho quân đội của mình nhưng không thành công.

Trên phương diện văn hóa văn hóa xã hội, các thế kỷ mà đất Đại Việt bị chia cắt này lại là những thế kỷ mà tiếng Việt được hoàn chỉnh. Nền văn học chữ nôm, phát xuất từ những năm đầu đời Trần đã lên đến một đỉnh cao vào cuối thế kỷ thứ 18. Trong khi đó xã hội Đại Việt, mặc dầu những cố gắng “nho hóa” của thời Lê Sơ đã dần dần tách ra khỏi lý tưởng Nho Giáo đó. Tại miền Bắc tuy rằng các kỳ thi tuyển vẫn được mở ra thường xuyên, nhưng số người được đỗ càng ngày càng ít đi. Tại miền nam, các kỳ thi hầu như không được mở ra và các chúa Nguyễn đã trở lại như những triều đại độc lập đầu tiên, dựa vào Phật Giáo để tiện việc cai trị. Việc chúa Nguyễn đứng ra lập chùa Thiên Mụ tại Huế là một bằng chứng điển hình.

Trên phương diện kinh tế, mặc dầu nông nghiệp vẫn là chính, và các nghề công thương bị coi rẻ, nhưng việc tiếp xúc buôn bán với phương tây cũng đã thúc đẩy việc xuất hiện một tầng lớp phú thương. Nguyễn Hữu Chỉnh là một trong những người xuất thân từ tầng lớp thương nhân này. Mặc dầu vậy, sự phân chia Đại Việt thành ra hai vương triều khác biệt trong đó mọi liên lạc và quan hệ giữa nhân dân hai miền hầu như đều bị cấm đoán đã tạo thành ra hai xã hội có nhiều đặc tính khác nhau. Sự cách ly giữa hai miền tuyệt đối đến nỗi, năm 1714, chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Chu muốn dò xét tình hình Đàng Ngoài đã phải nhờ hai thương nhân Trung Quốc người Phúc Kiến là Bình và Quý đi đường biển sang Quảng Đông rồi do cửa Nam Quan vào Lạng Sơn đến Thăng Long. Tuy nhiên hai người đó cũng chỉ vào được tới Nghệ An rồi phải trở ra rồi theo đường cũ trở về Phú Xuân vì trấn thủ Nghệ An là Lê Thì Liêu kiểm soát biên giới rất chặt chẽ

Nhà Tây Sơn của ba anh em Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ đã diệt được hai vương triều Trịnh Nguyễn và đánh đuổi được sự can thiệp của quân Thanh, nhưng Nguyễn Huệ và con là Quang Toản cũng chưa thống nhất được toàn cõi đất nước vì dưới thời Quang Toản, miền Nam, từ Trấn Biên trở vào đến Hà Tiên lại bị Nguyễn Ánh chiếm được. Nguyễn Ánh thống nhất hai miền Nam, Bắc lập ra một triều đại mới, triều Nguyễn nhưng thực sự không mang lại một thay đổi nào cho xã hội Việt Nam. Tổ chức xã hội cũng như triều chính vẫn theo như những thế kỷ trước, mặc dầu lúc này một nguy cơ mới đã xuất hiện đe dọa nền độc lập của Việt Nam: việc bành trướng của các nước thực dân phương Tây.

Không phải là các vua triều Nguyễn không biết đến nguy cơ này, nhưng phản ứng của mỗi vị vua một khác. Nguyễn Ánh, ông vua đầu tiên của triều đại Nguyễn (niên hiệu Gia Long) áp dụng một chính sách mềm dẻo, tiếp tục cho các thuyền buôn phương Tây vào buôn bán cũng như sử dụng những người Pháp đánh thuê mà Bá Đa Lộc đã tuyển dụng cho ông, nhưng cũng cương quyết từ chối những đòi hỏi của Pháp khi nước này đòi thi hành hiệp ước Versailles, lấy cớ rằng thỏa hiệp này đã không được Pháp thực thi vì vậy không có lý gì đòi Gia Long phải thực hiện những cam kết của mình. Sang đời con ông, Minh Mạng đã áp dụng một chính sách khác, một mặt bế quan tỏa cảng không chấp nhận quan hệ với các nước phương Tây, sa thải cho về nước những người Pháp đi theo Gia Long lúc trước, nhưng mặt khác theo dõi chặt chẽ những diễn biến bên ngoài, tìm cách thu nhập những kỹ thuật của phương Tây để tự bảo vệ. Chính sách này của Minh Mạng đã bị các triều sau từ bỏ, dẫn đến việc chỉ bế quan tỏa cảng mà không biết đến những diễn biến bên ngoài, khiến cho khả năng tự bảo vệ của Việt Nam càng ngày càng yếu đi. Trong khi đó, các nước phương Tây với cuộc cách mạng kỹ nghệ vào giữa thế kỷ thứ 19 đã càng ngày càng cường thịnh hơn. Cuộc cạnh tranh dành thị trường và thuộc địa giữa các nước Âu châu trong thế kỷ thứ 19 đã dẫn đến việc biến hầu hết Á Châu thành thuộc địa của các nước phương Tây. Và Việt Nam đã không tránh khỏi số phận như vậy. Năm 1856, viện cớ các vua Việt Nam cấm giảng đạo và giết các giáo sỹ Thiên Chúa Giáo La Mã đến truyền đạo, một hạm đội Pháp và Tây Ban Nha do Rigault de Genouilly chỉ huy đã tấn công vào cảng Đà Nẵng. Một bước ngoặt mới đã tới trong lịch sử Việt Nam.

Trong cuộc xâm lược này, Pháp không phải là không gặp những cuộc chống cự từ phía triều đình Huế và dân chúng. Nhưng lần lượt, trong vòng ba mươi năm từ 1862, khi quân Pháp chiếm ba tỉnh miền đông Nam Kỳ cho đến 1885 khi triều đình Huế chấp nhận sự bảo hộ của Pháp trên toàn cõi ba kỳ và 1895, khi Pháp và nhà Mãn Thanh ký thỏa hiệp Thiên Tân trong đó nhà Thanh công nhận sự bảo hộ của Pháp tại Việt Nam, Việt Nam đã dần dà rơi vào trong tay đế quốc Pháp.

Trong suốt giai đoạn là thuộc địa Pháp, dân Việt Nam không ngớt có những cuộc đấu tranh dành độc lập. Phong trào này có thể chia ra làm bốn giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, gọi là giai đoạn Cần Vương, khi triều đình Huế còn đôi chút chủ quyền và còn có thể cưỡng chống lại Pháp, các sỹ phu tìm cách kêu gọi dân chúng các nơi tổ chức các cuộc chiến đấu chống lại Pháp. Giai đoạn này kéo dài cho đến khoảng những năm cuối của thế kỷ 19 với cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng. Khi triều đình Huế hoàn toàn nằm trong vòng kiềm tỏa của Pháp và các cuộc khởi nghĩa cần vương thất bại, phong trào chống đối Pháp đi vào một đường hướng khác.

Trong giai đoạn kéo dài từ khoảng đầu thế kỷ cho đến những năm cuối của thập niên 1920, những nhà cách mạng Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm của phong trào canh tân tại Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu cũng như cuộc cách mạng Minh Trị tại Nhật. Các nhà cách mạng Việt Nam hồi đó nhận thức được rằng muốn lấy lại độc lập cần phải hấp thụ những thành tựu của văn minh phương Tây. Sự kiện tiêu biểu của giai đoạn này là phong trào Đông Du, việc thành lập các học hiệu Đông Kinh Nghĩa Thục tại Hà Nội. Nhân vật tiêu biểu trong giai đoạn này là Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh. Cả hai đều chủ xướng hủy bỏ lối học từ chương cũ mà thay bằng lối học thực tế của phương Tây nhưng một bên, Phan Bội Châu chủ trương dựa vào Nhật và Trung Quốc cùng dùng đường lối bạo động để dành lại chính quyền, trong khi bên kia, Phan Chu Trinh chủ trương ôn hòa hơn và học thẳng lấy nền văn hóa phương Tây từ Pháp và các nước Âu châu.

Cuộc cách mạng Tân Hợi tại Trung Quốc năm 1911 và cách mạng Bolshevic tại Nga năm 1917 đã ảnh hưởng mạnh đến những hoạt động cách mạng tại Việt Nam kể từ những năm 1930 trở đi. Trong giai đoạn này, cách mạng Việt Nam bắt đầu phân hóa thành hai phe quốc cộng với sự thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đông Dương Cộng Sản Đảng hầu như cùng một lúc vào năm 1930. Sau đó là sự xuất hiện của các đảng Đại Việt vào năm 1938.

Đại chiến thế giới lần thứ hai đã tạo ra một cơ hội ngàn năm một thuở cho Việt Nam dành lại độc lập khi vào năm 1940 Pháp đầu hàng Đức và Nhật Bản tiến chiếm Đông Dương vào năm 1941. Sau khi Nhật đảo chính Pháp vào ngày 9/3/1945, một khoảng trống quyền lực đả xảy ra mà chính phủ Trần Trọng Kim không đủ sức và cũng không đủ  ý chí để trám vào. Khi Nhật Bản đầu hàng vào tháng 8/1945, một cuộc chạy đua tranh quyền đã diễn ra với kết quả là đảng Cộng Sản Đông Dương qua Mặt Trận Việt Minh đã dành được quyền lực trước những đảng phái quốc gia.

Chiến tranh thế giới thứ hai chấm dứt mang lại kết quả là thế giới chẳng bao lâu lại phân chia thành hai khối: tư bản và Cộng sản. Một cuộc chiến tranh lạnh diễn ra trên toàn cầu giữa Mỹ và Liên Sô. Tình trạng này đã ảnh hưởng sâu đậm đến Việt Nam. Âm mưu của Pháp trở lại Việt Nam sau chiến tranh mở ra một cuộc chiến mới. Nhưng cuộc chiến thuộc địa của Pháp chẳng bao lâu đã chuyển dần sang hình thức một cuộc nội chiến, với sự thành lập Quốc Gia Việt Nam do cựu hoàng Bảo Đại cầm đầu với sự hợp tác của nhiều người thuộc các đảng phái cách mạng quốc gia được sự ủng hộ của Mỹ và bên kia là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do Hồ Chí Minh lãnh đạo được sự ủng hộ của Liên Sô, Trung Quốc và những nước thuộc khối Xã Hội Chủ Nghĩa.

Cuộc chiến Pháp Việt chấm dứt vào năm 1954 với Hội Nghị Genève. Cũng như thời Trịnh Nguyễn, nước Việt lại phân chia thành hai miền Nam Bắc. Nhưng hòa bình lập lại chẳng được bao lâu. Năm 1959, miền Bắc bắt đầu phong trào khởi nghĩa ở miền Nam để thống nhất đất nước. Một cuộc chiến mới bắt đầu, dần dà kéo theo sự can thiệp của ngoại bang, với Mỹ can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến vào năm 1965. Cuộc chiến cuối cùng kết thúc vào năm 1975, với thắng lợi của miền Bắc. Việt Nam thống nhất trở lại sau gần 30 năm huynh đệ tương tàn dưới ngọn cờ của đảng Cộng Sản. Một bước ngoặc mới trong lịch sử Việt Nam bắt đầu.

LÊ MẠNH HÙNG