Đôi khi con người có những mong muốn mâu thuẫn nhau. Họ muốn an toàn nhưng lại thích thú mạo hiểm; họ muốn có tự do cá nhân, nhưng cũng đòi bình đẳng xã hội. Nền dân chủ cũng vậy. Nhưng điều quan trọng là phải nhận thức được rằng nhiều mâu thuẫn này, thậm chí cả nghịch lý, đều hiển hiện ở mọi xã hội dân chủ.
Xung đột và đồng thuận
Theo Larry Diamond - học giả đồng thời là nhà văn - giữa xung đột và đồng thuận tồn tại một nghịch lý cơ bản. Ở nhiều phương diện, dân chủ chỉ là một tập hợp những quy định quản lý xung đột. Đồng thời, mâu thuẫn này phải được quản lý trong những giới hạn nhất định và dẫn đến sự thỏa hiệp, đồng thuận hay những hình thức nhất trí khác được tất cả các bên chấp nhận là hợp pháp. Bất cứ sự thiên vị nào đều có thể đe dọa sự cân bằng. Nếu như các nhóm coi dân chủ chỉ là một diễn đàn để họ bày tỏ nhu cầu thì xã hội có thể đổ vỡ từ bên trong. Nếu chính phủ gây sức ép lớn nhằm đạt được sự đồng thuận, bất chấp ý kiến của nhân dân thì xã hội có thể bị đổ vỡ từ bên trên.
Không có giải pháp đơn giản nào để cân bằng xung đột và đồng thuận. Dân chủ không phải là một cỗ máy có thể tự vận hành được khi những các nguyên tắc hợp lý được đưa vào. Một xã hội dân chủ cần phải có sự cam kết của người dân, theo đó chấp nhận xung đột chính trị và tri thức là điều tất yếu và điều cần thiết là phải có sự khoan dung. Từ góc độ này, chúng ta phải nhận thức được rằng nhiều xung đột trong xã hội dân chủ không phải là sự xung đột giữa “đúng” hay “sai”, mà là xung đột về cách diễn giải thế nào là quyền dân chủ và ưu tiên xã hội.
Giáo dục và dân chủ
Giáo dục là một phần thiết yếu của bất cứ xã hội nào, đặc biệt quan trọng đối với một nền dân chủ. Thomas Jeferson viết: “Nếu một quốc gia muốn được ngu dốt và tự do trong một nền văn minh hóa có nghĩa là họ mong muốn những gì chưa bao giờ xảy ra và sẽ không bao giờ xảy ra”.
Có sự gắn kết trực tiếp giữa giáo dục và các giá trị dân chủ. Trong các xã hội dân chủ, nội dung và thực tiễn giáo dục hỗ trợ cho những thực tiễn trong quản lý dân chủ. Quá trình truyền bá giáo dục này cực kỳ quan trọng ở một nền dân chủ bởi vì các nền dân chủ hiệu quả đều năng động, xây dựng những mô hình quản lý yêu cầu người dân phải tư duy một cách độc lập. Cơ hội tạo ra những thay đổi tích cực về chính trị - xã hội nằm trong tay của người dân. Chính phủ không được coi hệ thống giáo dục là phương tiện truyền bá cho học sinh mà cần dành nguồn lực cho giáo dục giống như nỗ lực đảm bảo những nhu cầu cơ bản khác của người dân.
Đối lập với các xã hội chuyên chế tìm cách áp đặt thái độ tiếp thu bị động, mục tiêu của nền giáo dục dân chủ là đào tạo ra những công dân độc lập, biết đặt vấn đề và thực sự quen với những quan niệm và thực tiễn dân chủ. Chester.E. Finn Jr., nghiên cứu viên cao cấp của Viện Chính sách Giáo dục Hoover nói: “mọi người sinh ra vốn đã có ham muốn tự do cá nhân, nhưng lại không biết về những dàn xếp chính trị và xã hội giúp mang lại tự do lâu dài cho bản thân và con cái họ…Cần phải có những dàn xếp đó. Họ cần phải biết về chúng”. Tìm hiểu về dân chủ bắt đầu từ trường học và tiếp tục khi chúng ta tham gia vào đời sống công dân, đồng thời xuất phát từ sự tò mò muốn biết những loại thông tin có thể tiếp cận được trong một xã hội tự do.
Xã hội và dân chủ
Chủ nghĩa hợp hiến dân chủ về cơ bản là nền tảng theo đó các xã hội đạt đến sự thật - dù không hoàn thiện - thông qua xung đột và thỏa hiệp các ý tưởng, các thể chế và cá nhân. Dân chủ là thực dụng. Ý tưởng và giải pháp cho các vấn đề không được kiểm nghiệm trên nền tảng một hệ tư tưởng cứng nhắc mà được kiểm nghiệm trong một thế giới thực, ở đó người ta tranh luận, trao đổi, chấp nhận hay loại bỏ chúng.
Như học giả Diane Ravitch nhận xét: “xây dựng liên minh là bản chất của hành động dân chủ. Xây dựng liên minh là chỉ cách cho các nhóm lợi ích thương lượng với nhau, thỏa hiệp và vận hành trong hệ thống hiến pháp. Bằng việc thiết lập liên minh, các nhóm có quan điểm khác nhau tìm hiểu cách tranh luận một cách hòa bình, theo đuổi mục tiêu của họ một cách dân chủ và cuối cùng để tồn tại trong một thế giới đa dạng”.
Khai thác hết năng lượng của một người vì những mục tiêu của người đó sẽ làm tăng bản sắc cá nhân. Chính phủ tự quản không phải lúc nào cũng tránh được sai lầm, chấm dứt được xung đột dân tộc, đảm bảo phát triển kinh tế hoặc giữ vững hạnh phúc. Tuy nhiên, nó cho phép tranh luận công khai để xác định và sửa chữa những sai lầm; cho phép các nhóm gặp gỡ và giải quyết những khác biệt; mang đến cơ hội phát triển kinh tế và giúp nâng cao tiến bộ xã hội và sự bày tỏ của cá nhân.
Josef Brodsky, cố thi sĩ người Nga và là người đoạt giải Nobel viết: “Một người tự do khi thất bại anh ta sẽ không đổ lỗi cho ai”. Điều này hoàn toàn đúng đối với công dân ở các nền dân chủ. Họ phải chịu trách nhiệm về vận mệnh của xã hội nơi họ sinh sống.
Bản thân dân chủ không đảm bảo điều gì. Thay vào đó, nó đưa đến những cơ hội thành công và cả nguy cơ thất bại. Trong lời khẳng định mang tính cảnh báo nhưng đầy triết lý của Thomas Jeferson, dân chủ hứa hẹn “cuộc sống, sự tự do và mưu cầu hạnh phúc”.
Dân chủ khi đó vừa là sự hứa hẹn và là một thách thức. Dân chủ hứa hẹn loài người tự do, hợp tác với nhau, tự quản lý theo cách hướng tới thực hiện những khát vọng về tự do cá nhân, cơ hội kinh tế và công bằng xã hội. Dân chủ là thách thức bởi vì sự thành công của nền dân chủ phụ thuộc vào chính các công dân chứ không phải ai khác.
Nguồn: Phòng Thông tin-Văn hóa, Đại sứ quán Hoa Kỳ