Tại sao bầu cử là trụ cột của nền dân chủ?



Các cuộc bầu cử tự do và công bằng là yếu tố cơ bản đảm bảo sự đồng thuận của nhân dân, là trụ cột của nền chính trị dân chủ. Các cuộc bầu cử là cơ chế chủ yếu để chuyển hóa sự đồng thuận đó thành quyền lực của chính phủ.

Những thành tố của bầu cử dân chủ

Jeane Kirkpatrick từng là học giả và cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc đã đưa ra định nghĩa như sau: “Bầu cử dân chủ không chỉ đơn thuần là hình thức… Chúng là những cuộc bầu cử cạnh tranh, theo định kỳ, với thành phần tham gia mở và mang tính quyết định, qua đó các nhà hoạch định chính sách của một chính phủ được nhân dân bầu lên. Nhân dân có quyền tự do chỉ trích chính phủ, công khai phê phán và đề xuất các chính sách thay thế.

Bầu cử dân chủ mang tính cạnh tranh. Các đảng phái chính trị và các ứng cử viên đối lập phải có quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và đi lại để công khai chỉ trích chính phủ và đưa ra trước cử tri các chính sách và các ứng cử viên thay thế. Nếu chỉ cho phép phe đối lập tiếp cận lá phiếu thì chưa đủ. Đảng cầm quyền có thể có lợi thế vì đang nắm quyền, nhưng các nguyên tắc và thủ tục tranh cử phải công bằng. Mặt khác, quyền tự do hội họp dành cho các đảng đối lập không ám chỉ tình trạng lộn xộn hay bạo lực. Đó là tranh luận.

Các cuộc bầu cử dân chủ diễn ra định kỳ. Các nền dân chủ không bầu lên các nhà độc tài hay các tổng thống suốt đời. Các quan chức được bầu lên phải có trách nhiệm trước nhân dân. Nếu muốn tiếp tục được ủy nhiệm nắm quyền, họ phải quay trở lại với cử tri tại các cuộc bầu cử giữa kỳ và phải đối diện với khả năng không được bầu.

Các cuộc bầu cử dân chủ có tính mở. Khái niệm tư cách công dân và cử tri phải đủ rộng để bao gồm tất cả dân chúng trưởng thành. Một chính phủ được bầu lên bởi một nhóm nhỏ, không nhiều thành phần tham gia, thì không phải là một nền dân chủ - dù công việc trong nước vận hành dân chủ đến mức nào đi nữa. Một trong những đặc điểm quan trọng của dân chủ trong lịch sử là cuộc đấu tranh của các nhóm bị đẩy ra ngoài lề - các nhóm sắc tộc, chủng tộc hoặc các nhóm tôn giáo thiểu số, phụ nữ - nhằm giành quyền công dân đầy đủ và cùng với đó là quyền được bầu cử, nắm giữ các chức vụ và tham gia đầy đủ vào đời sống xã hội.

Các cuộc bầu cử có tính quyết định. Chúng quyết định giới lãnh đạo của chính phủ trong một thời gian nhất định. Những quan chức được bầu lên bằng phổ thông đầu phiếu nắm giữ quyền lực, chứ không đơn thuần chỉ là các nhà lãnh đạo bù nhìn.

Các nền dân chủ, phát triển dựa trên sự cởi mở và tính trách nhiệm, với một ngoại lệ quan trọng nhất: bản than việc bầu cử. Để hạn chế tối đa khả năng bị trả thù, các cử tri ở một nền dân chủ phải được bỏ phiếu kín. Đồng thời, việc bảo vệ thùng phiếu và kiểm phiếu phải được tiến hành công khai nhất có thể, để công dân tin tưởng rằng kết quả là chính xác và chính phủ thực sự đã dựa vào “sự đồng thuận” của họ.

Tôn trọng đối thủ

Một trong những khái niệm khó chấp nhận nhất đối với một số người, đặc biệt là ở những quốc gia mà việc chuyển giao quyền lực thường diễn ra bằng bạo lực, đó là “chấp nhận đối thủ”. Tuy nhiên, đây là một ý tưởng quan trọng. Nó có nghĩa là về cơ bản tất cả các bên trong một nền dân chủ đều có chung cam kết đối với những giá trị cơ bản. Các đối thủ chính trị không nhất thiết phải thích người khác, nhưng họ phải có thái độ khoan dung với họ và thừa nhận rằng mỗi người đều có một vai trò quan trọng và hợp pháp. Hơn thế nữa, các nguyên tắc cơ bản của xã hội phải khuyến khích sự khoan dung và phép lịch sự trong các cuộc tranh luận công khai.

Khi các cuộc bầu cử đã xong, người thua phải chấp nhận quyết định của cử tri. Nếu đảng cầm quyền thất bại, đảng đó phải chuyển giao quyền lực hòa bình. Bất chấp người thắng là ai, cả hai bên phải nhất trí hợp tác trong việc giải quyết những vấn đề chung của xã hội. Phe đối lập tiếp tục tham gia vào đời sống chung với sự thừa nhận rằng họ đóng vai trò quan trọng ở bất cứ nền dân chủ nào. Phe đối lập không phải trung thành với những chính sách cụ thể của chính phủ mà là trung thành với tính hợp pháp cơ bản của nhà nước và tiến trình dân chủ.

Rốt cuộc thì các cuộc bầu cử dân chủ không phải là một cuộc đấu tranh sinh tồn mà là một cuộc cạnh tranh để phục vụ.

Quản lý bầu cử

Ở mỗi nền dân chủ, cách thức các quan chức được bầu lên rất khác nhau. Ví dụ, ở cấp độ quốc gia, các nghị sĩ có thể do các các khu vực bầu cử bầu ra - trong đó mỗi khu vực bầu một đại diện. Quy định này được gọi là hệ thống bầu cử “người thắng được tất”. Một cách khác, theo hệ thống tỷ lệ đại diện, số đại diện của mỗi đảng ở cơ quan lập pháp tính theo tổng phiếu bầu trên toàn quốc. Các cuộc bầu cử cấp tỉnh và địa phương có thể theo mô hình ở cấp quốc gia này.

Dù theo hệ thống nào đi nữa, các tiến trình bầu cử phải được đánh giá là công bằng và cởi mở để kết quả bầu cử được công nhận là hợp pháp. Các quan chức phải đảm bảo quyền tự do rộng mở cho người tham gia đăng ký cử tri hoặc chạy đua vào một chức vụ; điều hành hệ thống công bằng nhằm đảm bảo việc bỏ phiếu kín nhưng kiểm phiếu mở, công khai; ngăn chặn gian lận phiếu bầu và nếu cần thiết kiểm lại phiếu và giải quyết tranh chấp bầu cử.


Nguồn: Phòng Thông tin-Văn hóa, Đại sứ quán Hoa Kỳ