Xã hội ta luôn luôn tự ngắm mình, ve vuốt mình. Cho nên mới có sự tha hoá như hôm nay. Nhân loại chỉ một lần như thế, thời cộng sản nguyên thuỷ. Xã hội ấy xa rồi. Đến xã hội nô lệ, đã có những thằng hề. Phong kiến còn có gián quan có ngự sử. Họ là hồi quang soi dọi cho nhà cầm quyền. Chúng ta nổ pháo hoàn thành cách mạng. Nhưng đây là thời kỳ khác. Việc bắt chước thời nguyên thuỷ là một sự chế giễu lịch sử
Tôi không ngắm mình. Nghề văn luôn luôn bất trắc. Có thể mai đây, tôi phải bỏ bút. Luôn luôn người ta phải lựa chọn một cách lương thiện nhất.
Mỗi con người có thể và cần tìm cho mình một lối sống. Mỗi nhà văn đến với văn học theo con đường của mình. Tôi đặt chức trách công dân lên trên vai trò nhà văn. Cá nhân tôi, tôi nghĩ: những bi kịch của dân tộc lớn hơn mọi chuyện gia đình... Hãy tha thứ cho sự nóng vội của tôi. Bây giờ tôi cần nói ngay. Chờ đến khi tôi hiểu được hết... có khi người ta không cần tôi nữa.
Nhiệm vụ tối thượng nhà văn - giải ảo tưởng. Cái đó cao hơn hết.
Biết ơn dân là chuyện cũ mà không cũ. Quên dân quá lâu. Việc đó gây ra tai vạ cho cả hai. Tôi nói điều đó, với ý nghĩ: phải hiểu đám đông. Sau cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cần cuộc đấu tranh nâng cao dân trí. XHCN kiểu ta trước đây, là kiểu trại lính. Trêu ghẹo nó, chịu tai vạ.
Nhưng khi luồng thông tin hồi đáp bị chặt đứt - xã hội không thể lành mạnh.
Tôi thua kém mọi người ở đây về rất nhiều điều. Mọi người cho tôi là liều lĩnh. Tôi không liều lĩnh. Ta đi theo cách mạng, vì một xã hội tự do. Tôi biết tôi là hậu sinh. Tôi thấy các bậc đàn anh sống trong một thời đầy đau khổ. Kiểu xã hội trại lính chỉ đẻ ra những gia nô. Tôi biết nhiều người những nghệ sĩ, đã trở thành gia nô.
Lịch sử đang được nói tới rất hàm hồ. Nhiệm vụ trí thức tìm lại chân lý bị đánh rơi. Tôi rất thương những người bị thất sủng về vườn đốt than. Nhưng không còn con đường nào khác. Người trí thức phải chiến đấu cho công bằng xã hội. Các trí thức đi theo CNXH không còn rung động với cuộc sống đau khổ của nhân dân. Trong những năm qua, nhiều trí thức bó giáo lai hàng, bởi chế độ không chỉ nắm dạ dày, mà còn nắm vận mệnh. Tôi hiểu tình trạng trí thức tan nát mong manh. Cơ chế thiếu dân chủ đẩy họ vào bóng tối.
Người ta không thể hy sinh thế hệ này thế hệ khác vì một lý tưởng ảo. Tôi thấy đau lòng khi thấy các anh có tài phải sống trong đau khổ. Chế độ chuyên chế bao giờ cũng tiêu diệt trí thức. Trước bóp mồm bóp mũi người ta không cho người ta nói. Nay khủng bố họ bằng con đường êm dịu hơn. Cắt đứt tất cả quan hệ, làm cho họ ung thối đi không còn khát vọng.
Một xã hội không thể tiến lên, nếu không có trí thức. Xã hội tiêu diệt trí thức là man rợ, là có tội với lịch sử. Nhân dân đau khổ cũng là nhân dân thần thánh. Nhưng trong mòn mỏi có lúc họ bao che cho tội ác. Chúng ta cần đấu tranh cho thể chế cụ thể. Quốc hội thông qua luật báo chí. Tôi nghĩ rất lạ. Trong đó có cái ý không được in những bài ở nước ngoài. Chân lý được quy nạp trên những quyết định trái chiều. Nếu không ai được nói khác đi, xã hội sẽ chìm vào bóng tối chuyên chế.
Tại sao tự do quan trọng?
Mấy thời kỳ vừa qua, đẻ ra một lớp quý tộc mới. Đó không phải những người có tài. Mà là những rập khuôn, là những công chức ngoan ngoãn. Quyền lực đem theo những món lời khác. Xã hội chỉ có bọn lập trường giả tạo, bọn cơ hội.
Không có điều luật nào quyết định được sự suy nghĩ. Trí nhớ không thể bị chi phối bởi quyền lực. Không có lưỡi dao nào chặt được trí nhớ người ta, chỉ để phần có lợi còn lại. Tự hoàn thiện của nhà nước là điều kiện sống còn của xã hội.
Đại hội nhà văn: Có người tâm huyết, có người cơ hội, có người lừng chừng.