Đối lập cần thiết và là yêu nước



Trên hệ thống tuyên truyền của nhà nước Việt Nam, khi khẳng định quyền lãnh đạo độc tôn và tuyệt đối của đảng Cộng sản, người ta thường cho, một, đa đảng và cùng với đa đảng, quyền đối lập là điều không cần thiết; và hai, thậm chí, cho mọi sự đối lập đều là phản động, hơn nữa, phản quốc.

Những luận điệu như vậy vừa không chính xác vừa lừa bịp.

Dân chủ có nhiều hình thức khác nhau nhưng bản chất của nó bao giờ cũng là một: công nhận, bằng luật pháp và trên thực tiễn, quyền lựa chọn, tham gia và kiểm soát của công dân đối với những quyết định quan trọng có ảnh hưởng đến mọi người. Sự lựa chọn chỉ có ý nghĩa khi có hai hoặc nhiều khả năng khác nhau. Do đó, không thể có sự lựa chọn trong cơ chế độc đảng. Không có sự lựa chọn, người ta cũng không thể tham gia và cũng không thể kiểm soát. Không có ba yếu tố ấy, người ta cũng không có cả tự do.

Ở Anh, từ thế kỷ 19, sau đó, ở các quốc gia thuộc khối Thịnh vượng chung (Commonwealth of Nations), người ta đặt ra danh hiệu “đối lập trung thành” để hợp thức hóa quyền đối lập cả về phương diện chính trị lẫn phương diện đạo đức. Ở các quốc gia dân chủ khác ở Tây phương, không có khái niệm đối lập trung thành, nhưng trên thực tế, người ta vẫn thừa nhận và bảo vệ quyền đối lập, xem đó như một biểu hiện chính, hơn nữa, điều kiện căn bản của dân chủ.

 
Đối lập có bốn chức năng chính:

Thứ nhất là phản biện các chính sách do chính phủ đưa ra. Về phương diện nhận thức luận, nếu mọi người đều có nguy cơ sai lầm thì mọi chính sách của mọi chính phủ cũng đều có nguy cơ sai lầm. Phản biện cần thiết vì nó làm hạn chế nguy cơ sai lầm ấy. Về phương diện chính trị, bất cứ chính sách nào cũng có lợi cho một thành phần nào đó, và ngược lại, gây bất lợi cho một hoặc nhiều thành phần khác. Ngay chuyện đơn giản như quyết định tăng ngày nghỉ lễ trong năm, một mặt, có thể khiến mọi người vui; mặt khác, lại làm giới chủ nhân khổ sở vì họ vẫn phải trả lương cho nhân viên trong những ngày nghỉ lễ ấy. Vai trò của đối lập ở đây là cân bằng quyền lợi của các thành phần khác nhau trong xã hội. Không có đối lập, trong những trường hợp như thế, chính phủ rất dễ thiên lệch và trở thành bất công, và trên hết, trở thành thiếu dân chủ.

Thứ hai là kiểm tra các hoạt động của chính phủ cũng như các thành viên trong chính phủ. Bản chất của chính trị là quyền lực. Bản chất của chính phủ là việc thực thi quyền lực. Nhưng bản chất của quyền lực lại là vô giới hạn. Người có quyền lực không bao giờ tự giác về các giới hạn của quyền lực của mình. Trong lịch sử không hiếm người lên cầm quyền từ thiện ý và thiện chí dân chủ nhưng khi nắm được quyền lực rồi lại trở thành những tên độc tài, và để bảo vệ sự độc tài của mình, trở thành tàn bạo. Vai trò của đối lập là thường xuyên kiểm soát chính phủ để một mặt, chính phủ giữ được tính chất khả kiểm (accountability) và từ đó, sự minh bạch (transparency), hai điều kiện thiết yếu của dân chủ; mặt khác, ngăn chận mọi nguy cơ lạm dụng và thao túng quyền lực vốn là tiền đề của độc tài.

Thứ ba là nối liền xã hội và chính trị. Bất cứ đảng cầm quyền nào cũng có nguy cơ tách rời dân chúng. Cầm quyền càng lâu nguy cơ ấy càng lớn. Đối lập, ngược lại, để phát triển và có sức mạnh, cần phải luôn luôn vận động quần chúng, cất lên tiếng nói của quần chúng. Qua các cuộc vận động ấy, nó xã hội hóa công dân vào các sinh hoạt chính trị dân chủ. Sự đối đầu thường xuyên của chính phủ và đối lập, do đó, sẽ duy trì mối quan hệ tốt đẹp và lành mạnh giữa chính trị và xã hội. Nó thổi sinh khí cả cho chính trị lẫn cho xã hội. Sinh khí ấy không những bảo vệ đạo đức cầm quyền mà còn bảo vệ cho cả đạo đức công dân: bất cứ ai cũng có ý thức sâu sắc là mình đang sống với người khác và cần thỏa hiệp với người khác để tạo nên một xã hội hài hòa và phát triển.

Thứ tư là chuẩn bị thay thế chính phủ để lên cầm quyền. Nếu mục tiêu chính của dân chủ là nhằm hạn chế quyền lực, dấu hiệu của sự hạn chế ấy được đo lường, trước hết, ở tính chất nhiệm kỳ của chính phủ: Không có ai hay đảng phái nào có thể cầm quyền vĩnh viễn hoặc quá lâu. Để việc chuyển tiếp quyền lực được êm thắm, người ta phải củng cố vai trò của các lực lượng đối lập. Ở các quốc gia theo hệ thống chính trị Westminster của Anh, người ta xem lực lượng đối lập như một thứ chính phủ, gọi là chính phủ trong bóng tối (shadow government) hoặc chính-phủ-đang-chờ-cầm quyền (government-in-waiting). 

Chính phủ trong bóng tối cũng có nội các, cũng có bộ trưởng này bộ trưởng nọ. Các chức vụ ấy đều có lương, hơn nữa, những người nắm giữ các chức vụ ấy còn được tạo điều kiện để tiếp cận các nguồn thông tin thuộc loại tối mật của quốc gia. Được chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy, khi lên cầm quyền, người ta không bị ngỡ ngàng, và do đó, chính trị quốc gia không rơi vào khủng hoảng.

Với bốn chức năng ở trên, đặc biệt, hai chức năng đầu tiên, các lực lượng đối lập đóng góp vào việc xây dựng đất nước và bảo vệ các giá trị của đất nước không thua kém gì chính phủ, những kẻ đang cầm quyền. Theo dõi các cuộc thảo luận có khi rất căng thẳng giữa chính phủ và các phe đối lập ở các nước dân chủ Tây phương, người ta dễ có cảm tưởng như chứng kiến sự chia rẽ và dễ cho sự chia rẽ ấy dẫn đến nguy cơ làm suy yếu quốc gia, nhưng trên thực tế, không phải. Những sự thảo luận ấy chỉ làm quốc gia họ mạnh hơn, ngay cả khi chúng làm quốc gia tạm thời suy yếu, từ đó, thất bại trong một trận chiến nào đó (ví dụ chiến tranh Việt Nam) thì trên tổng thể chúng vẫn có lợi: chúng bảo vệ được tính chất tự do và dân chủ, một đặc trưng và là một giá trị của chế độ. Chiến thắng của chế độ dân chủ trên chế độ độc tài Mác xít vào cuối thập niên 1989 và đầu thập niên 1990 chính là chiến thắng của những giá trị cao quý ấy.

Trong ý nghĩa vừa nêu, người ta có thể nói: đối lập, khi hạn chế nguy cơ sai lầm cũng như nguy cơ trở thành độc tài của chính phủ, là yêu nước. Trong khi chính phủ thường chỉ nhắm đến việc củng cố quyền lực và quyền lợi của đất nước, các phe đối lập lại thường tập trung bảo vệ các giá trị cao quý và phổ quát làm nền tảng cho văn hóa chính trị của đất nước.

NGUYỄN HƯNG QUỐC

 -----//-----


Đối lập như một điều kiện của dân chủ và phát triển

Không thể căn cứ trên một số khía cạnh tích cực trong đời sống kinh tế, xã hội và chính trị Việt Nam hiện nay để bác bỏ nhu cầu về sự hiện hữu của một lực lượng đối lập với chính quyền. Nếu không muốn nói ngược lại: Việt Nam phát triển chừng nào càng cần có đối lập chừng ấy.

Bởi đối lập là yếu tính của chính trị và là điều kiện không thể thiếu của dân chủ và của phát triển.

Nói đến chính trị là nói đến quyền lực. Trừ thứ quyền lực tuyệt đối, chuyên chế của vua chúa ngày xưa cũng như của một số chế độ độc tài hiện nay, mọi quyền lực chính trị trong thời hiện đại và mang tính hiện đại đều được xây dựng trên cơ sở sự đồng thuận của đa số. Nhưng đa số không phải là tất cả. Ở các quốc gia Tây phương, cái gọi là “đa số” ấy - vốn được nhìn thấy trong các cuộc đầu phiếu phổ thông - thường chỉ nhích hơn 50% một chút. Được lên cầm quyền từ một đa số trên 50%, bản chất của mọi quyền lực, do đó, đều bất toàn.

Ý thức về sự bất toàn ấy dẫn đến sự tương nhượng. Không phải ngẫu nhiên mà trong các bài diễn văn chiến thắng sau mỗi lần bầu cử ở các quốc gia Tây phương, tân lãnh tụ bao giờ cũng nhấn mạnh đến ít nhất hai điểm: một, cám ơn những người đã bỏ phiếu bầu mình; và hai, cam kết sẽ phục vụ mọi người chứ không phải chỉ phục vụ những người trong đảng mình hoặc những người đã bầu cho mình. Nói thế, là ngay từ đầu, đã chứng tỏ sự tương nhượng.

Nhưng ở đời, rất hiếm có sự tương nhượng tự nguyện. Trong hầu hết các trường hợp, người ta tương nhượng vì bị sức ép. Sức ép ấy, ở các xã hội dân chủ Tây phương, xuất phát từ cái khối gần 50% bỏ phiếu cho phe hoặc các phe đối lập. Người thắng cử biết là rất khó lãnh đạo được đất nước và cũng khó được tái cử nếu không tranh thủ cái khối thiểu số ấy. Những người thất bại cũng biết rõ, nếu không muốn nói là càng biết rõ, điều đó. Bởi vậy, tuy thất cử, người ta vẫn tiếp tục tranh đấu để không ngừng tạo nên sức ép đối với chính quyền để chính quyền phải luôn luôn tương nhượng. Đó chính là một trong những vai trò của đối lập.

Nói cách khác, đối lập, trước hết, là để chính quyền phải tương nhượng. Chấp nhận tương nhượng là chấp nhận tôn trọng người khác. Nhưng người khác không phải chỉ là một con số. Người khác còn là một quyền lợi: Tôn trọng người khác, do đó, là tôn trọng quyền lợi của những người không thuộc đảng mình, không bầu cho mình. Người khác cũng còn là một ý kiến: Tôn trọng người khác, do đó, thực chất là biết lắng nghe những quan điểm khác biệt, thậm chí, đối nghịch.

Biết lắng nghe và biết chia sẻ là một trong những cách tốt nhất để hoàn thiện chính sách, do đó, để phát triển.

Đó là lý do tại sao các xã hội dân chủ và phát triển trên thế giới đều đề cao sự tương nhượng, từ đó, không những chấp nhận mà còn khuyến khích đối lập.

Những gì cần thiết cho tiến trình phát triển và dân chủ hoá trên thế giới thì không thể không cần thiết cho Việt Nam.
 

Nguyễn Hưng Quốc