Hoàng Cầm: Hận Nam Quan



Những văn nghệ sĩ thành viên chính của Nhân Văn Giai Phẩm (NVGP) phần lớn đều đã giữ trọng trách trong nền văn nghệ kháng chiến: Lê Đạt làm thư ký riêng cho Trường Chinh (1947), rồi phụ tá cho Tố Hữu (1949). Tử Phác, làm trưởng phòng Văn Nghệ Tuyên Huấn Trung Ương (1951). Đặng Đình Hưng, đoàn trưởng kiêm chính trị viên đoàn Văn Công Nhân Dân Trung Ương (1952). Hoàng Cầm, đoàn trưởng Văn Công Tổng Cục Chính Trị (1952). Trong bài Múa sạp thấu lòng Tử Phác, Hoàng Cầm cho biết, thời 51- 52, Tử Phác là "cấp trên" của ông, chính Tử Phác đã "chỉ thị" cho Hoàng Cầm (trưởng đoàn văn công) và Mai Sao, nghiên cứu và thực hiện điệu múa sạp.

Những chi tiết trên đây giải thích tại sao NVGP có thể thành tựu được, bởi những văn nghệ sĩ chủ trương phong trào, nắm giữ các cơ sở chính của nền văn nghệ kháng chiến lúc bấy giờ: Trong quân đội, Tử Phác trách nhiệm báo Sinh Hoạt Văn Nghệ (tiền thân của Văn Nghệ Quân Đội). Về dân sự, Lê Đạt và Nguyễn Hữu Đang trách nhiệm tờ Văn Nghệ. Hoàng Cầm và Đặng Đình Hưng điều khiển toàn bộ Văn công quân đội và dân sự. Từ tháng 1/1956, Hoàng Cầm nắm nhà xuất bản Văn Nghệ, vì vậy mà một số tác phẩm không chính thống đã được in trong những năm 1956 -1958. 


Hoàng Cầm sinh ngày 22/2/1922, tại làng Phúc Tằng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; nguyên quán làng Lạc Thổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh; mất ngày 6/5/2010 tại Hà Nội. Tên thật là Bùi Tằng Việt (chữ ghép của Phúc Tằng và Việt Yên). Cha: Bùi Văn Nguyên, dạy học và làm thuốc, có thời đã theo Quốc Dân Đảng, là bạn của Xứ Nhu, tức Nguyễn Khắc Nhu. Mẹ: Nguyễn Thị Duật, bán hàng xén. Bút danh khác: Lê Thái, Lê Kỳ Anh, Bằng Phi...

Hoàng Cầm: Hận Nam Quan 

Phi Khanh bị bắt sang Tàu, Nguyễn Trãi bí mật theo cũi cha, để cùng chết. Tới Nam Quan, Phi Khanh bắt con phải trở về, tìm đường khởi nghiã. Kịch thơ Hận Nam Quan, trước 1954, đã được giảng dạy trong vùng quốc gia, học sinh thuộc lòng những đoạn thơ:

- Con yêu quý! Chớ xuôi lòng mềm yếu
Gác tình riêng, vỗ cánh trở về Nam!
Con về đi! Tận trung là tận hiếu
Đem gươm mài bóng nguyệt dưới khăn tang
(...)

- Ôi sung sướng, trời sao chưa nỡ tắt
Về ngay đi ghi nhớ Hận Nam Quan
Bên Kim Lăng cho đến ngày nhắm mắt
Cha nguyện cầu con lấy lại giang san.


Đó là trích đoạn bài học thuộc lòng thời tiểu học, nhưng toàn thể kịch thơ là một tác phẩm "cổ điển" của học sinh trung học. Trong những đêm văn nghệ Tết, học sinh miền Nam thường có màn trình diễn Hận Nam Quan. Hoàng Cầm đi vào lòng dân tộc như thế.

Hoàng Cầm 15 tuổi, nhưng thơ không hề non nớt, đã có những câu "tiên tri":

Đây là ải địa đầu nước Việt
Khóc trong lòng ghi nhớ Hận Nam Quan
Đây Nam Quan, quân Nguyên rời biển máu
Thoát rừng xương, tơi tả kéo nhau về
 

Hỡi quân Minh! Sao không nhìn lịch sử
Mà vội vàng ngạo nghễ xuống Nam phương?

Một ngày mai, khi Trãi này khởi nghiã,
Kéo cờ lên, phất phới linh hồn cha
Gạt nước mắt, nguyện cầu cùng thiên địa
Một ngày mai, con lấy lại sơn hà.
Nhưng bọn bán nước cầu vinh nào có nghe.


Đó là bi kịch Hoàng Cầm và bi kịch chung của dân tộc.



Kiều Loan 

 
Thân phận Kiều Loan lênh đênh như toàn bộ tác phẩm của Hoàng Cầm. Khởi thảo cuối xuân 1942 đến giữa 1943, đã tạm xong, Hoàng Cầm định đưa lên sân khấu Bắc Giang, nhưng bị viên chánh công sứ Pháp, thạo tiếng Việt, kiểm duyệt bỏ. Đến cuối 1943, ban kịch Hà Nội của Chu Ngọc định dàn dựng, cũng bị kiểm duyệt Pháp chặn. 


Luyện tập trong bốn tháng. Trình diễn trong bốn giờ. Sáng 26/11/1946, tại nhà Hát Lớn Hà Nội. Một buổi duy nhất, rồi bị Trần Duy Hưng ra lệnh đình chỉ. Đó là quyết định sai lầm đầu tiên của cách mạng về Kiều Loan. 


Hoàng Cầm kể: "Chúng tôi vừa hạ màn chót cho vở diễn lúc 1 giờ 15 phút. Sau những tràng vỗ tay kéo dài thì ông Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban dân tộc giải phóng thành phố Hà Nội cho người ra mời anh Chù, anh Linh và tôi lên trụ sở Ủy ban. Ông ra lệnh cho chúng tôi phải hoãn những đêm diễn đã được Ủy ban cho phép. Lý do: quân đội Pháp đã đánh Hải Phòng và càng ngày càng khiêu khích trắng trợn Hà Nội. (...) Thế là số phận vở kịch lại lênh đênh. Tôi ngậm ngùi se sẽ ngâm câu Kiều:


Phận bèo bao quản nước sa
Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh..."


Lần thứ nhì, 1948, Hoàng Cầm định trình diễn Kiều Loan trong ngày khai mạc Đại Hội Văn Hóa Toàn Quốc:

"Tôi đưa đơn đến tận tay anh Nguyễn Đình Thi, lúc đó đang là Tổng thư ký Hội Văn hoá cứu quốc, đơn kèm theo kịch Kiều Loan. Rồi tôi hồi hộp chờ đợi (...) Không khí cuộc gặp mặt bỗng trở nên nghiêm trang và lời mở đầu câu chuyện của anh Thi lại càng làm cho nó thêm lạnh nhạt, căng thẳng:

- Tôi đã nhận được vở kịch của anh. Cả lá đơn nữa. Anh Nguyễn Huy Tưởng và anh Nguyên Hồng đã giới thiệu Kiều Loan với tôi. Tôi cũng đã đọc qua (...)

- Rằng hay thì thật là hay!

Hai tiếng cuối câu đay xuống, tôi nghe như có vẻ vừa giễu cợt vừa hững hờ. Và anh Thi cũng chỉ nói có thế. Không hơn nửa lời. Rồi anh thu dọn sổ sách, như có ý bảo tôi "Về đi!". Cũng để cho anh lính mới làng văn biết rằng mỗi giờ mỗi phút với anh Thi là vàng ngọc đấy!"

Cũng Nguyễn Đình Thi này, năm 1956, sẽ nài nỉ Hoàng Cầm, lúc đó trách nhiệm nhà xuất bản Văn Nghệ, in giùm tập thơ không vần sửa thành có vần theo lệnh Tố Hữu. 


Sau lần trình diễn duy nhất tại Hà Nội ngày 26/11/46, Kiều Loan bị đình chỉ. Hoàng Cầm cùng ban kịch rời Hà Nội, đi lưu diễn ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Sơn Tây, Thái Bình, đem Kiều Loan diễn ở các đình làng vùng Bắc Ninh, được gần một tháng.


Ngày 19/12/46 chiến tranh bùng nổ, ban kịch Đông Phương phải giải tán. Kịch bản Kiều Loan, bị thất lạc trong những năm kháng chiến. Bản chính do Lưu Quang Thuận giữ, khi Pháp nhẩy dù Bắc Cạn, bản thảo của các văn nghệ sĩ phải ném xuống hồ Ba Bể, trong đó có Kiều Loan.
Mãi đến 1970, nhờ một số bạn cũ còn giữ được bản đánh máy, Hoàng Cầm kết hợp, "trùng tu" lại bản thảo 1946. 1992, Kiều Loan được xuất bản sau khi sáng tác 50 năm. 


Kiều Loan chính là hoá thân của Hoàng Cầm. Những nghệ sĩ lớn thường tạo những tình huống có tính cách tiên tri. Sáng tác năm 1942, lúc Hoàng Cầm 20 tuổi và đã nổi tiếng. Trước một "tương lai sáng lạn" như thế, tại sao người thanh niên ấy lại nghĩ đến một nhân vật bi thảm như Kiều Loan? Rồi Kiều Loan sẽ "vận" vào số phận Hoàng Cầm như một thực tại đớn đau mà người nghệ sĩ không thoát khỏi, trong cuộc đổi đời của đất nước. Kiều Loan trong thời Pháp thuộc và dưới thời cách mạng, đều bị cấm, không vì tình cờ, mà vì nội dung tác phẩm:


Kiều Loan, con gái một cựu thần Tây Sơn, đi tìm chồng Vũ Văn Giỏi. Mười năm trước, theo lời Kiều Loan, Vũ lên đường giúp Quang Toản sau khi Quang Trung băng hà. Tới Phượng Hoàng Trung Đô, nghe tin Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền, Vũ ngả theo Nguyễn Ánh, trở thành Vũ tướng quân, bạo tàn càn quét những người dân chống lại nhà Nguyễn. Kiều Loan giả điên đến Phú Xuân, tại đây, nàng gặp ông già, thầy cũ của Vũ. Kiều Loan làm huyên náo cửa thành, cố tình bị bắt vào dinh, để nhìn lại người xưa. Kiều Loan và ông thày cũ bị giam trong ngục. Kiều Loan uống thuốc độc tự vận cùng với ông già. Trước khi chết, nàng chém người chồng phản bội. 


Kiều Loan, một bi hùng ca bao quát lịch sử dân tộc, dõi vào những mốc chính: Nam Bắc phân tranh. Nguyễn Ánh cầu viện Pháp để diệt Tây Sơn. Gia Long thắng trận trở thành độc tài chuyên chế, tiêu diệt những khuynh hướng đối lập.
Một nội dung như vậy, tất nhiên, không chỉ thực dân Pháp căm giận:

"Vì chính sự bạo tàn Ôi! Nước mắt
Bao nhiêu lần rỏ xuống những hồn oan?
Chính sự gì đi cầu viện ngoại bang
Về tàn sát những người dân vô tội"


Mà tất cả những kẻ cầu viện nước ngoài để vững quyền chấp chính cũng phải hổ mình. Một triều đình vừa "thống nhất sơn hà", nhưng lệnh đầu phát ra là lệnh cấm:


... Vua cấm đèn cấm lửa
Cấm dân gian đi lại ở kinh thành
Lệnh thứ nhì là cấm hát:
Vua có lệnh bắt những người hát nhảm
Đầu sẽ bêu sương gió nếp hoàng thành


Nhưng Kiều Loan, giai nhân tuyệt sắc, nào có sợ gì, nàng xuất hiện như một người điên, nàng cứ hát những lời phản biện:

Chị buồn chị hát vang lừng
Cỏ cây sa lệ núi rừng ngẩn ngơ

 
Kiều Loan là vở kịch thơ hay nhất của Hoàng Cầm và thời tiền chiến. Phải mười năm sau, Tâm sự kẻ sang Tần với bút pháp bay bổng của Vũ Hoàng Chương mới có thể kế vị. Kiều Loan nói lên chí khí bất khuất của Hoàng Cầm trong thi ca, tiên tri định mệnh đất nước: 


- Về cuộc Cải Cách Ruộng Đất:

Thà giết oan trăm mạng lương dân
Hơn để thoát một tên phản nghịch


- Về phong trào Nhân Văn Giai Phẩm:

Mà trước mắt, cuộc xoay vần thời thế
Gạt ra ngoài hầu hết bậc tài danh
Bọn hủ nho nhan nhản khắp triều đình
Nơi tù ngục chất đầy người nghiã khí
Gỗ mục, thép cùn múa tay trong bị
Lau sậy nghêng ngang làm cột trụ giang sơn


- Về cảnh chiến tranh cốt nhục tương tàn:


Một nước nhỏ mà phân chia Nam Bắc
Xâu xé nhau vì hai chữ lợi danh
Tam vương, ngũ đế, cướp đất phá thành
Mấy trăm năm nghe dân tình xao xao xác
Thay cái đạo làm người bằng giáo mác
Yến ẩm lầu cao... xương máu chan hòa


Hoàng Cầm kể :

Năm 1973, tôi bị mời ra Sở Công An Hà Nội để cảnh cáo lần đầu. Người tiếp là ông Nguyễn Doãn Nhạ, bảo: "Anh truyền bá những bài thơ có tư tưởng xấu cho thanh niên, sinh viên, rồi chúng đem truyền bá lẫn nhau để chửi Đảng. Chúng tôi là những người "canh-gác-cho-bầu-trời-tư-tưởng", gọi anh lên để cảnh cáo, anh phải thu hồi lại ngay tức khắc". Làm thơ ai chả muốn có người đọc, mà cái thơ nó đã đi ra, người ta đã thuộc lòng rồi, tôi "thu hồi" làm sao được. Tôi chỉ hứa từ nay không phổ biến bất cứ cái gì nữa. Rồi tôi phải viết kiểm thảo độ hai trang, mất độ 2 tiếng, nói rõ tư tưởng trong thơ, đại khái chỉ có nỗi buồn, buồn hiu hắt, chứ chả có gì xấu. Rồi họ cho về. Từ đấy tôi chẳng đọc thơ, chép thơ cho ai nữa, sợ nhỡ nó bắt được. Nhưng tôi chép riêng cho tôi một tập rất đẹp, độ 200 trang, khổ giấy to. Tôi đưa ông Bùi Xuân Phái vẽ cho tôi 3 tranh minh họa đẹp lắm, ông vẽ cả chân dung tôi nữa. Sau lại có bìa của Văn Cao, bìa chỉ trình bầy chữ, chứ không vẽ. Tôi giao cho Café Lâm giữ, dặn giữ kỹ, đừng cho ai đọc.

Chín năm sau, 1982, Hoàng Hưng, là nhà thơ trẻ mà tôi rất quý, ở Sài Gòn ra Hà Nội bảo: "Anh chép cho em cả tập Về Kinh Bắc để em mang vào Sài Gòn. Trong ấy họ thèm khát lắm". Hoàng Hưng xin Minh Đức cho tôi 200 tờ giấy đẹp. Thế là tôi chép, mỗi đêm chép một ít, độ 10 ngày xong. Chép xong, tôi đưa cho Hoàng Hưng. Hoàng Hưng hẹn lúc 10g30, 11giờ, đêm 18/8/1982 ở nhà Trần Thiếu Bảo, anh Bảo cũng mở quán cà phê hay rượu gì đó, đến uống chén rượu chia tay, mai em về Sài Gòn, đi tầu thủy. Trong quán cũng còn một vài người khách.

Tôi giao cho Hoàng Hưng tập Về Kinh Bắc, thì Hoàng Hưng lại có sẵn bìa do anh Văn Cao trình bầy và bốn tranh phụ bản của Bùi Xuân Phái. Vì Hoàng Hưng có nói với Bùi Xuân Phái và Văn Cao là em sẽ có tập Về Kinh Bắc của anh Hoàng Cầm, các anh cứ làm phụ bản, bìa cho em, khi nào anh ấy chép xong thì em đóng thành một tập mang vào Sài Gòn. Hoàng Hưng khoe tôi cái bìa của Văn Cao và bốn bức tranh của Bùi Xuân Phái, có ba bức tôi thích lắm bởi vì Bùi Xuân Phái đã đọc Về Kinh Bắc rồi và anh đã từng vẽ phụ bản cho tôi chín năm trước đây, bản tôi gửi Café Lâm.

Một hôm tôi mượn bản Café Lâm cho một anh bạn cùng quê, đến uống rượu muốn xem. Xem xong anh ấy đã trả lại và tôi để trên bàn trước cửa sổ, vậy mà ngay đêm hôm ấy tôi tìm lại không thấy nữa, bản Café Lâm cũng có bốn phụ bản của Bùi Xuân Phái rất đẹp. Mất thì sinh nghi. Mọi người bảo có lẽ cái tên Trần Tường Bách gì đó, nó lấy, nó là đứa thấy sách quý thì ăn cắp, mà đã có lần nó mang giấy bút đến xin tôi chép cho vài bài thơ trong cuốn Về Kinh Bắc rồi, có lẽ nó lấy chăng?

Trở lại việc tôi bị bắt, sau khi giao bản viết cho Hoàng Hưng tôi trở về nhà. Ngày hôm sau, 19/8 tôi vẫn bán rượu như thường. Đến sáng 20/8, khoảng 9 giờ, trong lúc vợ tôi đi chợ, ba người vào nhà, một anh tên là Phú và hai người lạ mặt bồng súng. Anh tên Phú đọc lệnh bắt, chiếu theo điều này, điều nọ, của bộ luật... tên Bùi Đăng Việt -họ nhầm, tên tôi là Bùi Tằng Việt- sáng tác, tàng trữ, lưu hành những tài liệu -họ không nói là thơ- đồi trụy phản động. Lệnh: khám nhà, tịch thu tài liệu và bắt do Nguyễn Doãn Nhạ, trưởng phòng Chính Trị Sở Công An Hà Nội, ký.

Khám từ 9 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Lấy đi tất cả, cả sách của con trai tôi đang học, nó đòi lại mới trả. Còn bất cứ một cuốn sách, báo, một tờ giấy nào, có một chữ của tôi trên bià, trên trang, hay ở góc nào, là họ lấy mang đi hết. Họ tịch thu cả thư riêng của tôi. Vợ tôi xin lại những bức thư và thơ tôi viết cho bà ấy hồi chúng tôi mới quen nhau nhưng họ cũng không cho. Nhưng cái đau đớn nhất là họ tịch thu tất cả chữ của tôi, không một chữ nào tôi viết ra mà thoát, một chữ, một câu, một câu thơ, một bài thơ, một quyển thơ... Lúc đó tôi đã bắt đầu viết kịch thơ Men đá vàng, ba màn viết xong được hai. Tôi nhớ màn đầu hay lắm. Nhưng bị tịch thu hết sạch, họ không để lại cho tôi một chữ nào!

Từ năm 1984 đến bây giờ, tôi đã đòi rất nhiều lần, qua đơn, qua lời nói: đó là tài sản của tôi -không phải là tiền- phải trả lại cho tôi, nhưng không có kết quả. Sau này, Sở Công An Hà Nội có những người tốt, họ cũng muốn tìm lại cho tôi, nhưng tìm không ra. Nếu là "tài liệu phản động" thì họ phải giữ lại để điều tra chứ? Tôi nghĩ là đã có lệnh đốt đi rồi. Ai ra lệnh đó chắc là họ không muốn sáng tác của tôi lưu lại cho đời sau, phải hủy, đó là số phận của tập Về Kinh Bắc và những bài thơ, những câu thơ, những chữ của Hoàng Cầm, năm 1982.


Tác giả: Thụy Khuê