Phan Châu Trinh: Không bạo động, bạo động tất chết!


Tiểu dẫn của Huỳnh Thúc Kháng
 
Nói đến cụ Phan Châu Trinh, các báo thường hay nhắc bài điều trần cùng bài diễn thuyết của Cụ, mà có một điều lâu nay không ai nhắc đến là Cụ chính là một nhà báo xuất sắc trước 25 năm kia. Có một bài đăng trên tờ Đăng cổ tùng báo năm 1907 làm xã thuyết, dưới ký “Phan Châu Trinh lai cảo”, Ký giả còn nhớ lại được. Không nhớ toàn văn, song đại đoạn thì không sai, mà ở trong đó có một đôi câu danh ngôn, hiện còn nhiều người truyền tụng, tức là bài mà Cụ nêu cái đề là “Hiện trạng vấn đề”. Bài này có cả chữ Hán và bài dịch của tác giả. Ký giả chỉ nhớ chữ Hán, nay xin dịch như sau: 


Từ thế kỷ XIX trở đi, vết chân người Âu khắp cả thế giới, thương thuyền chiến hạm đi đến đâu, thì học thuật kỹ xảo cũng mang đến đấy, ai có ham muốn thì trút rương tuôn túi ra mà phân tặng, có ý khẳng khái ban cho mà không chút gì là bần rùn giấu tiếc. Đến lúc đã hấp thu đồng hóa thì dần dần bình đẳng với nhau, trên đàn giao tế không phân bờ cõi gì nữa. Trái lại, dân tộc nào mà giữ thói dã man, không mong tấn hóa, ôm lấy giấc mộng Hy Hoàng thì họ cứ để mặc, chỉ dùng pháp luật tương đương để cai trị mà thôi.

Trời thanh khí lặng, chén rượu dưới ngọn đèn khuya, tay dở quyền “Âu châu cận thế sử”, lúc bấy giờ hoa trái tim nở toe, tinh thần bay ra ngoài trời, mường tượng như mình đứng trên lầu cao mấy mươi tầng, thấy một vị thần mắt đưa tay ngoắt, trông ta mà mỉm cười, ấy là vị thần Tự do vậy. Úi chà! Đây là nơi nào? Mà xếp sách lại ngẫm nghĩ, nước mắt chảy tràn, tự than rằng: Trời mở ra mà mình tự đóng lại, không trách mình còn trách ai!

Nước ta từ ngày nước Pháp sang bảo hộ, trên mấy mươi năm, người mình học Tây học, chỉ làm được công việc phiên dịch, nói phô mà thôi, không có ai hấp thụ được chỗ tinh túy, phăn tìm đến nơi mầu nhiệm, về mà đào tạo ra học trò để làm việc vẻ vang cho nòi giống. Trái lại, bụng không một hột gạo mà nói chuyện thi thơ, tay không nửa đồng mà tự xưng Khổng Mạnh! Có lẽ da thịt huyết tủy của người nước mình, mấy ngàn năm nay đã bị cái hấp lực của huyết dẫn người Tàu chi phối hết cả, nên ngày nay đành làm nộm rối cho người Tàu mà không tự biết chăng? Không thế vì sao lửa đốt bên da mà không biết nóng, sét đánh ngang trán mà không biết sợ, thày hay bạn giỏi ở một bên mà không biết gắng sức bắt chước bước theo. Thậm nữa trằn trọc tráo trở, một hai toan tìm một nước thứ ba nào yêu mình thương mình mà vui lòng làm trò làm tớ?!

Ôi! Theo như tư tưởng người mình mà cầu có một ngày đạt được mục đích, thì khi nào địa cầu này thông với nguyệt cầu, nguyệt cầu thông với tinh cầu khác mà mối nguyện vọng ấy mới thỏa mãn được…

Hiện trong lúc ngủ say mới tỉnh xu hướng chưa định, học cũ học mới, ngả đường phân chia, công hội thương hội, chương trình chưa định, thành hiện ra một cái quái tượng, đầy nhà rối rít ồn ào, chưa giải quyết vội được. Nhân thế, có bọn phù hiêu vô ý thức, lợi dụng cơ hội, dựa hơi vương gió, truyền đơn dán giấy, phỉnh người lấy tiền, gây chuyện rắc rối. Những chuyện như thế, chính ai là người có học thức, có lòng với đời, đều lấy làm đau lòng xót dạ, muốn ngăn mà không sao làm được. Vậy mà nhiều kẻ không xét cho kỹ càng, hễ thấy ai cầm quyển sách mới, nói chuyện tân học, thì nhập chung với bọn kia, mà cho là một phái cử động dã man.

Ôi! Đã là người có học thức rõ tình lý, thì dầu như Ấn Độ nổi lên sụp xuống, Cao Ly đổi chủ thay thầy cũng không thèm làm thay. Dầu có không xét thời thế, không lượng tài lực, nỡ lùa mấy mươi vạn dân ngu không hay không biết kia, xô vào cái hầm nguy hiểm, để chồng dấu xe úp của bọn Kỳ Đồng “Thiên Binh” 1), sống bị người khác làm nhục, chết bị muôn đời mắng chửi sao? Bầy quạ đậu chung, không ai phân biệt con nào là trống mái, mà một con muông sủa bậy, thì toàn cả vùng ấy trở nên đám chông gai. Ấy chính là cái quái tượng hiện thời.

Tuy vậy, ở đầu mối giềng họa phúc, rẽ nhau không đầy một sợi tóc, ấy là cái chứng cứ của sự “được mất” xưa nay, may mà trong khoảng mấy năm gần đây, sách mới báo mới lần lần xuất hiện, người mình cũng dần dần tỉnh dậy mà nhân sự xẩy ra nói trên; Chính phủ Bảo hộ cũng hiểu rõ rằng cái giấc mê mộng của người Nam trên 40, 50 năm nay, nay đã tỉnh dậy mà đã biết hấp thụ Âu hóa. Nếu nhân thế mà thiệt lòng khai hóa cho dân mình, chỉnh đốn trường học, mở mang sinh kế nọ kia, lấy cái não chất thông minh của người mình mà được thầy dạy hết lòng chỉ đạo cho, thì trên thế kỷ XX này, người ta sẽ trở nên một nước thiếu niên mới nối chân theo nước Pháp, vẫn không phải là việc khó…

Vậy xin cùng nói lời chính cáo cùng người nước ta rằng: Không bạo động, bạo động tất chết! Không trông người nước ngoài, trông người nước ngoài tất ngu! Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, là “Chi Bằng Học”.


Phan Châu Trinh

(Báo Tiếng Dân số 613, ngày 9-8-1933)