Trần Dần 1926 - 1977 |
40 năm sau Nhân Văn, Trần Dần đã chỉ thấy những hòm bản thảo của mình: 2/3 bị tiêu tán, mục nát, 1/3 còn lại bị kết án chung thân trong trạng thái nằm. Vậy mà vẫn viết. Viết đều. Bởi ông cho rằng viết hay ghi là phương pháp duy nhất nói chuyện với mình khi không thể nói được với ai.
Từ 1958, "ghi trở nên một hình phạt", người thanh niên 32 tuổi ấy đã bị "đòn ngấm quá cuống tim rồi". Tác phẩm chịu chung số phận với người: gần 30 tập thơ, 3 cuốn tiểu thuyết, và không biết bao nhiêu bản thảo đã bị mối mọt.
Trần Dần tên thật Trần Văn Dzần, sinh ngày 23/8/1926 tại Nam Định trong một gia đình giàu có. Mất ngày 7/1/1997 tại Hà Nội. Đậu Thành Chung ở Nam Định, lên Hà Nội học, đậu Tú Tài.
Tháng 11/1946, cùng với Đinh Hùng, Trần Mai Châu, Vũ Hoàng Địch xuất bản tạp chí Dạ Đài. Trên Dạ Đài số 1 ra ngày 16/11/46, công bố bản "Tuyên ngôn tượng trưng" ký tên Trần Dần, Trần Mai Châu, Vũ Hoàng Địch. Nhưng Đinh Hùng mới thực là "chủ soái", bởi thơ của cả nhóm: Trần Dần, Trần Mai Châu, Vũ Hoàng Địch, Nguyễn Văn Tậu, đều chịu ảnh hưởng Đinh Hùng.
Bài Về nẻo thanh tuyền của Trần Dần là một ví dụ, những câu thơ mở đầu, đậm mầu sắc Mê hồn ca:
Đời bỏ ta nằm dưới Thủy Cung
Mờ đi! ơi ánh nguyệt vô cùng
Hồn ta qua xứ ma làm loạn
Nên thác trong đường trận hỏa công
Về NVGP, có những sự việc đã bị chôn sống, tưởng rồi sẽ tan trong lòng đất. Có những sự thực đã bị bóp méo đến độ dị dạng. Trong hơn nửa thế kỷ, người ta đã quen sống với những quái thai dị đạng đó: những xuyên tạc, bôi nhọ được đề cao như những chân lý. Ngờ đâu, những con chữ trong hòm lại có ngày đứng dậy, thuật lại truyện mình. Tập Trần Dần ghi 1954-1960 là một trong những tư liệu hòm, tự khai, tự quật. Tác phẩm mở ra những dòng chữ đầu tiên để lấp những trang còn trắng về một thời kỳ văn học sử, còn chưa được biết, còn chưa được viết.
Tập Trần Dần ghi 1954-1960 thực chất là ba quyển sách gồm một: Phần đầu tích lũy những suy nghĩ về sáng tạo. Phần thứ nhì, tác giả quay lại chiến dịch đấu tố với những hình ảnh khủng khiếp kinh hoàng. Phần thứ ba, viết về cuộc sống cải tạo trong những năm kỷ luật. Với một lối viết tốc ký, ngắn gọn, thể hiện mỹ học khổ đau của Trần Dần.
Chuyện cải tạo sau Nhân Văn, nằm trong lối tốc ký ấy:
"9/9/58 (...) Ðêm, tôi thiếp đi trong mộng ác. Tay mưng, đau nhất là ở những chỗ đã thành chai mà lại mưng tái lại. Mọi bắp thịt suốt đêm lọc acide, và chôn cất những tế bào chết vì lao lực quá sức... Lục đục suốt đêm như vậy trong toàn bộ xác thịt tôi.
10/9/58 (...) Gió khiếp quá. Hàng sư đoàn gió bấc trèo qua núi lúc nào đổ xuống đồng cỏ. Suốt buổi sáng, mùa hè bị đánh tan nát. Nắng bị gió may thổi mát đi, nguội lửa.
Gió tốc mái, rứt mấy lá gồi chuồng bò. Cây cành bị túm tóc, vật vã kêu gào, gió vẫn không tha. Các tàu chuối bị tước xơ ra. Có tàu rách mướp, trông hệt một con rết xanh khổng lồ, hàng nghìn chân xanh ngọ ngoạy điên cuồng, cào trong không khí, cái đuôi nó bị giữ rịt ở thân, nó lồng lộn ngang ngửa, không thoát. (...)
Các nón lá bị gió nó hất chụp mặt. Nó kéo ra sau, quai nón xiết cổ như thừng thắt cổ! Bụi phả vào mắt chúng tôi, chưa dụi xong, gió đã ném thêm. Bọn tôi đào gốc, đã nhọc, còn bị lũ gió may kia trêu chọc. Nó đùa dai chứ... Có lúc tôi cuốc đất, mắt nhắm tịt, một anh mù làm việc".
Về những ngày sôi động sau 2 cuộc Chỉnh huấn ở Thái Hà ấp, 16/4/1958, Trần Dần ghi:
"Hiện nay Nguyễn Hữu Ðang, Thụy An, Minh Ðức đã bị bắt, chẳng bao lâu sẽ ra tòa. Báo chí vẫn tiếp tục diệt đánh Nhân Văn Bộ 6 Giai Phẩm Mùa Xuân. Bộ 6 đã buông nhau ra. Bọn Nhân Văn Giai Phẩm cũng ô-rơ-voa nhau hết (...) Sỹ Ngọc đóng cửa, miễn tiếp khách. Bản thân tôi, do chỗ đã tự giác đình bản tư tưởng thù địch (thứ tự giác kết quả của áp lực...) nên mọi mặt khác, tôi cũng đình bản cả giao du, đình bản cả việc viết lách. Có nên đi gặp những đồng chí lãnh đạo để hỏi những việc cần phải làm không? Ði thì lại sợ bị hiểu lầm. Nhưng nếu ngồi nhà, tiêu cực đợi, có khi còn bị hiểu lầm gấp bội. (...)
Bọn Ðang - Minh Ðức - Thụy An thân thì bị cầm tù, tội ác thì đem bêu đầu trên báo chí. Vai trò của bọn chúng trong các vụ phá hoại 3 năm đang được vạch trần. Phan Khôi thì đóng cửa, nằm khàn, không đọc báo. Trương Tửu, Trần Ðức Thảo làm gì? Còn cả loại B chúng tôi hiện ra sao? Làm gì? Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Ðạt đang tiếp tục kiểm thảo ở cơ quan, cùng với những Quang Dũng, Trần Lê Văn, v.v...
Chúng tôi đi sâu vào kiểm điểm sáng tác hơn nữa. Kiểm điểm sáng tác cho sâu mới thật là khó sao! Cứ như phải rứt bỏ một mảng thịt của mình.(...) Tôi chịu cái hình phạt ấy, nhẫn nại và đau khổ. Hình phạt của một người bị bung dừ (...) Tôi vừa là một tội nhân, vừa phải cố tách mình ra, làm một đao phủ thủ, hành hạ cái chủ nghĩa xét lại có thực trong tôi và đám Nhân Văn".
Những người nhân văn ấy, đã phải nhận tội, phải "cắt bỏ những mảng thịt của mình", phải tự chửi rủa mình, phải tìm gặp lãnh đạo, phải tố cáo bạn bè để xin một chút ơn huệ thừa, nhưng rồi cũng không ai thoát được guồng máy, không ai tránh khỏi bị "ninh nhừ".
Con người nhất định thắng ấy, sau trận Thái Hà, đã thua, đã hàng, đã nhận tội, đã ly khai những lý tưởng ngày trước, đã phải đứng về phía bên này, để nhìn "bọn" bên kia: gồm những "tên thủ lĩnh chủ nghiã xét lại" Nguyễn Hữu Đang, "tên phá hoại" Minh Đức, "con mụ gián điệp" Thụy An..., đã xuống đến nấc thang cuối cùng của sự "giẻ rách hoá" con người."
10/12/1959, Trần Dần ghi: "Sớm mai tòa án xử Thụy An gián điệp và Nguyễn Hữu Ðang phá hại, cả hai: hiện hành. Tôi không có giấy gọi cho dự, có lẽ vì không có vị trí gì ở đó. Không phải là nhân chứng, cũng không phải là đại biểu của nhân dân...
Người có một cái gì văng vắng. Tôi đã có đứng với nhóm Ðang cầm đầu. Tôi đã ly khai với "lý tưởng" đó. Cả khi đứng ở đó, cả khi ly khai, cả bây giờ, tôi vẫn cứ rớm máu. Chao ơi! Con đường để đi đến chỗ "Đúng" mới nhiều máu làm sao? Tương lai có để dành cho tôi nhát dao nào nữa không? Đang đã nhìn thấy cái sai lớn của Đang chưa?(...)
Ngoài trời mưa bụi. Rét xoàng. Không có gió. Ðôi lúc vài tiếng chuông xe đạp. Năm nay rét muộn. Ðang ra tòa cuối năm. Tôi cũng không thể nào nhởn nhơ với sự kiện này. Chao ôi! Con đường để đi tới chỗ "Ðúng" mới nhiều máu làm sao!"
Từ lâu "ghi trở nên một hình phạt". Nhưng vẫn ghi.
Cuốn sổ 1958, ghi lại con đường của những người muốn ngoi lên để đi đến chỗ "Đúng". Ai cũng muốn tìm một đường "máu" để thoát thân: biết đâu Đảng chả đoái thương mà nghĩ lại? Phương tiện nào cũng tốt kể cả "khai". Cả "tố".
Bao nhiêu khuôn mặt đã bước trên con đường "nhiều máu "ấy? Trần Dần ghi. Bao nhiêu khuôn mặt đã vo ve sự "Đúng" ấy? Trần Dần ghi. Bao nhiêu tên tuổi đã đạt được sự "Đúng" ấy? Trần Dần ghi. Bao nhiêu khuôn mặt đã "Sai." Trần Dần ghi.
Cả đúng lẫn sai đều lầm than, đều tiến dần tới tha hóa. Họ tan tác cả. Họ chia tay. Có những oán hận, căm thù. Chính quyền đã thành công trong sự "giẻ rách hoá" con người, như lời Lê Đạt.
Thành công lớn nhất của guồng máy là đã đánh vào những yếu tố thiêng liêng nhất của con người: đánh vào tình bạn, tình người, đánh tan tác hết.
Những người nhân văn không chết, nhưng họ bị rút máu, rút gân, rút dần sinh lực. Họ đều rời rã, đều muốn hàng. Nhiều người đã đầu hàng, trong đó có Trần Dần. Họ muốn được lãnh đạo thương xót, họ muốn được lãnh đạo đoái hoài. Họ đã xuống đến đáy vực, họ chịu hết nổi. Họ sẵn sàng "chút lòng trinh bạch từ nay xin chừa" nhưng người ta vẫn lạnh lùng quay đi. Người ta vẫn không cho ngoi lên. Cái phận người nhỏ nhoi. Phận người nhân văn bị sa lầy, lún xuống, trong thời không nhân văn của dân tộc mình. Câm và điếc. Như đã chết.
Và điều đó chỉ có mỹ học khổ đau của Trần Dần mới viết nên được.
Tác giả : Thụy Khuê