Nhân Văn Giai Phẩm: một tư trào, một vụ án, một tội ác




Nhân Văn Giai Phẩm: một tư trào, một vụ án, một tội ác
(Mạc Định)

"Nhân Văn - Giai Phẩm" là một tư trào trong giới trí thức miền Bắc Việt Nam hồi giữa thập niên 50. Nó phản ánh những băn khoăn, trăn trở, suy nghĩ của những người trí thức nhạy cảm trước tình cảnh đau thương của người dân, họ phê phán những điều tệ hại trong xã hội hồi đó và khẩn khoản đề đạt lên ban lãnh đạo của đảng cộng sản (lúc đó mang tên Đảng lao động) những đề nghị để cải tiến tình hình. Tư trào đó nói lên khát vọng dân chủ tự do, nhất là tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do sáng tác.


Xét sâu xa về thực chất thì đó là một trào lưu dân chủ, bước đầu của sự chống đối chính sách của đảng cầm quyền và chế độ mà đảng ấy áp đặt cho nhân dân. Đúng vậy, đây chỉ là bước đầu mà thôi. Sự chống đối hồi đó còn ở mức độ rất thấp, rất ôn hòa, hoàn toàn chỉ biểu hiện trên mặt báo chí, dưới hình thức văn nghệ, trong lời nói dè dặt, nhẹ nhàng, có khi bóng bẩy, ẩn dụ. Cố nhiên, trong chế độ cực quyền hết sức khắc nghiệt hồi đó, khi mọi người chỉ được phép ca ngợi đảng và lãnh tụ hoặc chỉ biết giữ mồm giữ miệng làm thinh, thì những lời lẽ dù nhẹ nhàng, dè dặt, nhưng công nhiên phê phán sự lãnh đạo của đảng, đã là một sự thách thức lớn đối với chế độ đương thời và là sự thể hiện cao độ lòng dũng cảm đáng phục của lớp sĩ phu Bắc Hà.


Hồi giữa thập niên 50, tư trào "Nhân Văn - Giai Phẩm" cuốn hút khá mạnh trí thức miền Bắc thuộc đủ mọi giới: nhà văn, nhà thơ, giáo sư, luật sư, nhạc sĩ, họa sĩ, kỹ sư, diễn viên, ca sĩ, sinh viên, học sinh...


Các quan điểm về văn học, nghệ thuật, cũng như về chính trị, kinh tế của tư trào này được trình bày rõ nét nhất trên tờ báo "Nhân Văn" và các tập "Giai Phẩm", nên người ta gọi tư trào này bằng cái tên "Nhân Văn - Giai Phẩm" .


Bối cảnh chung

 
Để hiểu được nguyên nhân ra đời của tư trào này, cần phải nhắc lại tình hình Việt Nam, nhất là miền Bắc Việt Nam hồi thập niên 50 và vài sự kiện đáng kể trên thế giới thời đó.


Sau khi nắm được quyền bính ở nhiều vùng trong nước, đảng cộng sản đã quên ngay những lời hứa hẹn về dân chủ, tự do mà họ đã hào phóng tung ra khi chưa cầm quyền và ngày càng siết chặt nền chuyên chế của một nhóm người trong đảng đối với nhân dân mà, mỉa mai thay, họ gọi một cách bịp bợm là nền chuyên chính dân chủ nhân dân!


Tháng 7 năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết sau thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ; đất nước ta bị chia cắt làm hai miền, chính quyền của đảng cộng sản tiếp nhận miền Bắc. Ngay sau đó, một triệu dân miền Bắc, đa số là nông dân công giáo, đã bỏ nhà cửa, ruộng đất, tài sản chạy vào miền Nam để thoát khỏi nền thống trị cộng sản.


Cuộc cải cách ruộng đất, kèm theo việc chỉnh đốn tổ chức, bắt đầu từ năm 1953, được mở rộng hầu như khắp miền Bắc từ năm 1954 đến năm 1956, đã gây nên một làn sóng bất bình to lớn trong nhân dân vì những hành động quá tàn bạo chẳng những đối với địa chủ, mà cả đối với nông dân, cán bộ, đảng viên ở nông thôn nữa. Một số nơi đã xảy ra những "vụ lộn xộn", mà đặc biệt nghiêm trọng là ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, nông dân đã nổi dậy chống chính quyền đến nỗi các lãnh tụ cộng sản phải điều quân đến đàn áp tàn khốc.
Từ tháng 9 năm 1955, toàn miền Bắc, đặc biệt là ở thành thị, đảng cộng sản siết chặt hơn nữa sự kiểm soát nhân dân bằng cái chế độ gọi là "quản lý hộ khẩu", theo đúng khuôn mẫu Liên Xô và Trung Quốc. "Quản lý hộ khẩu" càng làm nổi bật hơn nữa tính chất cảnh sát của chế độ miền Bắc. Đến lúc đó thì sự kiểm soát của đảng cộng sản đối với cuộc sống của người dân đã đến mức toàn diện: cả về sự cư trú, đi lại, cả về sự sản xuất, làm ăn, cả về tư tưởng, tình cảm...


Bạn đọc chắc khó lòng tưởng tượng một điều (gần như là một điều luật bất thành văn) mà hồi đó hầu như mọi người phải tuân theo: chẳng những cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên, cán bộ chỉ huy và binh sĩ trong quân đội, mà cả các viên chức, nhân viên công sở mỗi khi lập gia đình đều phải báo cáo trước và được sự "thông qua" của cấp bộ đảng!


Trong một chế độ như vậy, lẽ dĩ nhiên, mọi quyền tự do của công dân, mọi quyền của con người bị chà đạp không thương xót. Vì thế bầu không khí chính trị, xã hội rất ngột ngạt và căng thẳng đè nặng trên cả miền Bắc Việt Nam. Trong lúc đó, trên thế giới đã xảy ra nhiều sự kiện có tác động khá mạnh đến tâm tư của con người. Mặc dù bị nhà cầm quyền ra sức bưng bít, những cuộc đấu tranh tư tưởng, học thuật trong giới trí thức các nước gọi là "xã hội chủ nghĩa", như Ba Lan, Hungarie, Nam Tư... và ngay cả ở Trung Quốc láng giềng dưới chế độ hà khắc của họ Mao (cuộc tranh luận giữa Hồ Phong và Chu Dương) đã làm nhiều người trí thức bàn tán xôn xao.


Nhưng đặc biệt gây chấn động mạnh nhất đối với dư luận xã hội là tiếng vang của Đại hội XX Đảng cộng sản Liên Xô (ĐCSLX) hồi tháng 2 năm 1956. Qua những tin tức đã bị cắt xén, tỉa gọt, dư luận xã hội, nhất là trong giới trí thức, đã biết được phần nào về những hành động tàn bạo, những tội ác man rợ của Stalin, người mà giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã luôn luôn tôn vinh hơn thánh sống. Lẽ tự nhiên, dư luận xã hội không thể không liên hệ những hành động tội ác của Stalin với hành động của những học trò ông ta và của họ Mao trên đất nước Việt Nam. Lòng bất bình của nhân dân càng thêm sôi sục. Để tránh nguy cơ một cuộc bùng nổ xã hội, giới lãnh đạo cộng sản, hồi tháng 9 năm 1956, bắt buộc phải thừa nhận những "sai lầm" trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, phải tiến hành "sửa sai" và phải vờ vĩnh "trừng phạt" những kẻ phạm "sai lầm". Đồng thời họ hứa hẹn "mở rộng" dân chủ và tự do.


Còn ở Đông Âu, sau vụ bạo động ở Poznan (Ba Lan) thất bại, nhân dân Hungarie đã vùng lên trong một cuộc khởi nghĩa mãnh liệt để chống lại nền thống trị cộng sản mà Liên Xô đã áp đặt cho họ. Ngày 2.11.1956, xe tăng Liên Xô đã đè bẹp cuộc khởi nghĩa nhân dân ở Budapest. Những tin tức ấy làm cho tình hình ở miền Bắc thêm sôi động.

Đấy, tư trào "Nhân Văn - Giai Phẩm" đã xuất hiện trong bối cảnh như thế.
Sau đây xin tóm lược những trang sử bi đát của tư trào đó.

Dâng sớ Thiên Tào

Hồi cuối năm 1954 đầu năm 1955, một nhóm văn nghệ sĩ trong quân đội - gồm toàn những người đã tham gia kháng chiến chống Pháp lâu năm, nhiều người đã dự trận Điện Biên Phủ và là đảng viên cộng sản - đã họp nhau lại để chuẩn bị những đề nghị (chứ không phải là yêu sách!) với đảng cầm quyền nhằm cải tiến công tác văn nghệ trong quân đội. Đề nghị thì nhiều, nhưng chung quy có thể thu gọn trong một câu mà nhà văn Trần Dần đã thay mặt cả nhóm đứng ra trình bày với Nguyễn Chí Thanh, ủy viên Bộ chính Trị, chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội: "Trả văn nghệ cho văn nghệ sĩ". Như thế có nghĩa là văn nghệ sĩ chấp nhận sự lãnh đạo chính trị của đảng, còn đảng thì phải thừa nhận rằng sáng tác văn nghệ là công việc của văn nghệ sĩ, đảng đừng can thiệp thô bạo vào việc sáng tác của họ. Chỉ có thế thôi! Nhưng những người lãnh đạo của đảng đã vội hô hoán lên là nhóm văn nghệ sĩ kia "phủ nhận sự lãnh đạo của đảng", là "quan điểm tự do tư sản, phản động!" Thế là nhiều người bị nghi ngờ, theo dõi, giám sát, trước hết là Trần Dần. Hồi đó, những người lãnh đạo đã nhanh chóng quên bẵng quyển sách viết về trận Điện Biên Phủ, "Người người lớp lớp", mới xuất bản và được hoan nghênh của nhà văn!


Cũng cần nói thêm rằng, hồi đó, Trần Dần đang gặp phải bi kịch lớn trong cuộc đời riêng. Sau khi về Hà Nội, nhà văn trẻ tuổi ấy đã yêu một thiếu nữ ngoài 20 tuổi. Lẽ dĩ nhiên, đó là chuyện bình thường. Nhưng dưới con mắt đầy "cảnh giác" của những người lãnh đạo thì đó là việc không bình thường chút nào, vì người yêu của nhà văn là một cô gái Hà Nội, nghĩa là ở vùng bị địch chiếm trước đây(!), hơn nữa, lại là một giáo dân Thiên Chúa giáo(!), lại còn được ủy quyền cho thuê mấy ngôi nhà(!) mà chị đã tự nguyện giao lại cho chính quyền thành phố. Cho nên mối tình đó "chưa được công nhận", không được tán thành. Người ta xét đoán về "lập trường", "quan điểm", về "giai cấp tính", "tư tưởng tính", về "ảnh hưởng tư sản"... Hoàng Cầm đã viết: "Người ta rút những câu to lớn nhất trong hàng chục pho sách chính trị để quy kết cho một mối tình". Và Trần Dần càng bị nghi ngờ là đã bị "trúng viên đạn bọc đường", bị "sa lưới địch"!

Vuốt râu hùm

Tiếp đó, vào giữa tháng 3 năm 1955, có cuộc phê bình tập thơ "Việt Bắc" của Tố Hữu xuất bản hồi cuối năm trước. Giá như Tố Hữu là một người bình thường thì có lẽ không có chuyện gì xảy ra cả. Đằng này nhà thơ Tố Hữu lại là ủy viên Trung ương đảng, trưởng ban tuyên huấn trung ương của đảng, người nắm trong tay vận mệnh của nền văn hóa, văn học, nghệ thuật của cả miền Bắc "xã hội chủ nghĩa", cho nên việc phê bình thơ Tố Hữu vô hình trung có tính chất chính trị cao! Trong lúc bao nhiêu kẻ nịnh bợ ca ngợi, bốc thơ Tố Hữu lên tận mây xanh, thì một số nhà văn, nhà thơ "cứng đầu", như Hoàng Cầm, Hoàng Yến, Lê Đạt, Trần Dần... lại dám nói đến mặt yếu kém của thơ Tố Hữu! Đặc biệt, Trần Dần đã nhận xét thơ Tố Hữu "nhỏ bé, nhạt nhẽo trước cuộc sống vĩ đại" và "Tố Hữu mắc sai lầm thần thánh hóa lãnh tụ". Cả gan chê "thơ cách mạng" của Tố Hữu là nhỏ bé, nhạt nhẽo, Trần Dần lại còn dám động đến lãnh tụ! Tội tày trời! Lại một làn sóng ào ạt đả kích nhóm văn nghệ sĩ "cứng đầu" trên báo chí, trong các buổi họp bằng những lời buộc tội rùm beng "tư sản", "phản động", "phản cách mạng", dường như hòa nhịp với các trận đấu tố trong cải cách ruộng đất đang mở rộng ở nông thôn.


Thế là Trần Dần và Tử Phác bị bắt giam. Trong thời gian đó, giải thưởng văn học 1954 được công bố. Về thơ: giải nhất - Tố Hữu; giải nhì - Trần Hữu Thung, Xuân Diệu, Tú Mỡ; giải ba - Hồ Khải Đại. Về truyện: Giải nhất - Nguyên Ngọc, Tô Hoài; giải nhì - Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Văn Bổng; giải ba - Phùng Quán, Trần Kim Trác. Ba người nữa được giải khuyến khích. Còn những nhà văn, nhà thơ như Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, v.v... thì không hề được chú ý tới. Nhà văn lão thành cương trực Phan Khôi đã nói tới trong tập "Giai Phẩm Mùa Thu" những bê bối trong việc này. Nhà văn Nguyễn Tuân cũng vạch ra sự bất công đối với Trần Dần. Nhiều văn nghệ sĩ nói rõ tính chất bè phái, bênh che cho nhau của những người lãnh đạo văn nghệ để đưa những tác phẩm xoàng của họ lên chiếm giải.


Sau ba tháng bị giam giữ, Trần Dần và Tử Phác được thả ra với cái án kỷ luật quái gở "cấm sáng tác" và bị đưa xuống nông thôn "tham quan" cải cách ruộng đất.

Nợ văn chương

Đầu năm 1956, một số nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng như Hoàng Cầm, Lê Đạt, Văn Cao, Sỹ Ngọc, Nguyễn Văn Tý, v.v... chủ trương ra tập "Giai Phẩm 1956" (sau này gọi là "Giai Phẩm Mùa Xuân") do nhà xuất bản Minh Đức, tức là Trần Thiếu Bảo, một người đã từng theo kháng chiến, ấn hành. Trong tập đó, đáng chú ý có các bài "Chống công thức", "Ông bình vôi" của Lê Đạt, "Cái chổi quét rác rưởi" của Phùng Quán và bài thơ "Nhất định thắng" của Trần Dần làm trong nhà giam. "Giai Phẩm Mùa Xuân" vừa ra khỏi nhà in lập tức bị những người lãnh đạo văn nghệ, như Hoài Thanh, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Đình Thi... mạt sát đả kích dữ dội và bị thu hồi. Hoàng Cầm kể lại: "Người ta cho rằng cái bè phái độc quyền trong giới văn nghệ bị công kích (bắt đầu từ cuộc phê bình tập thơ "Việt Bắc") đã tìm cách trả thù"... "Từ những ngày Tết mưa lã chã, cái bè phái độc quyền trong văn nghệ bắt đầu họp đứng họp ngồi để tìm cách đối phó với cái "Giai Phẩm". Một không khí ngạt thở đè nặng lên những anh em có bài trong tập sách đó. Rồi đến một đêm, bài thơ "Nhất định thắng" bị đem ra luận tội"... Trong đêm đấu tố thơ Trần Dần tại cuộc họp đông đảo văn nghệ sĩ trong Hội Văn Nghệ (sau này là Hội Nhà Văn) nhà thơ Trần Dần bị quy là phản động. Hoàng Cầm viết tiếp: "Thôi thế là đêm luận tội này đã đóng cái án tử hình xuống một bài thơ, xuống một con người, đồng thời là một sự đe dọa nặng nề chung cho anh chị em văn nghệ sĩ đang muốn tìm những lối sáng tác khác với cái bè phái kia".

Thực ra những lời buộc tội các tác giả có bài trong "Giai Phẩm Mùa Xuân" mà lũ cai tù văn nghệ và đám bồi bút theo đóm ăn tàn đưa ra, có tính chất vu khống đến mức lố bịch.

Bài thơ "Ông bình vôi" của Lê Đạt có những câu:

"Những kiếp người sống lâu trăm tuổi
Y như một cái bình vôi
Càng sống càng tồi
Càng sống càng bé lại...
"

thì người ta không đưa ra luận tội công khai trước đám đông, vì sợ động đến "Cha già dân tộc", mà cẩn thận găm vào hồ sơ hình sự như một tội tày đình để hỏi tới sau này.

Còn Trần Dần bị buộc tội là "phản bội", "phản động", "bôi đen chế độ", "xuyên tạc thực tế tốt đẹp của miền Bắc"... vì trong bài "Nhất định thắng", ông đã "phơi bày" những nét chân thật, như chuyện "đi Nam" (ý nói việc dân chúng miền Bắc bỏ chạy vào miền Nam), "hàng ế", "hai năm chưa thống nhất đất nước"... Những câu thơ nói lên tâm trạng tác giả lúc buồn

"Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ
"

được láy đi láy lại trong bài thì bị kết tội là tác giả "cố tình nhấn mạnh Đảng là nguyên nhân của cái xã hội thê thảm ở miền Bắc". Có người nói: "Cờ đỏ là cờ của Đảng, của đất nước, nó phải tung bay trong nắng ấm, gió lộng, chứ không thể rủ xuống dưới mưa sa"!


Thực ra, trong lúc hăng say đánh "phản động", không mấy ai nhớ đến vài đoạn khác của tác giả như:

"Trời đã thôi mưa... thôi gió
Đã thấy nắng lên trên màu cờ đỏ"...
hoặc

"Hôm nay
Trời đã thôi mưa, thôi gió
Nắng lên đỏ phố, đỏ nhà
Đỏ mọi buồng tim lá phổi
Em ơi! Đếm thử bao nhiêu ngày mưa"...

Trần Dần còn bị buộc tội "phạm thượng" nghiêm trọng, vì hai câu thơ này nữa:

"Ôi! Xưa nay Người vẫn thiếu tin Người
Người vẫn thường hốt hoảng trước tương lai"...

Người sao lại viết hoa? người viết hoa "chỉ có thể dùng để tôn xưng Hồ chủ tịch"! Tội "phạm thượng" tày trời! Phan Khôi đã viết trong bài "Phê bình lãnh đạo văn nghệ" rằng khi nghe lời "phê phán" như vậy, ông ngỡ như mình đang chiêm bao sống dưới cái thời quân chủ, khi những chữ thuộc về Hoàng thượng thì "bá tánh" không được dùng!


Thực ra, đêm đấu tố thơ Trần Dần chủ yếu là nhằm khủng bố tinh thần văn nghệ sĩ, chứ không phải để quyết định số phận của ông, vì số phận của ông đã được giới lãnh đạo đảng cầm quyền quyết định từ trước rồi: ông bị bắt lần thứ hai! Trong nhà giam, phẫn uất quá nhà thơ cắt cổ tự tử, nhưng không chết, sau này vẫn mang cái sẹo ở cổ. Những chuyện đó xảy ra hồi tháng 2 năm 1956. Cũng trong tháng đó đã diễn ra cuộc Đại hội XX lịch sử của ĐCSLX, còn trong tháng 4 thì Trung ương Đảng lao động Việt Nam (ĐLĐVN) đã bàn về Đại hội XX. Từ 28.4 đến 3.5.1956, hội nghị cán bộ trung cao cấp họp để nghiên cứu các nghị quyết của Đại hội XX và của Trung ương ĐLĐVN. Chính tại hội nghị này, được ảnh hưởng của làn gió phê bình của Đại hội XX, nhiều cán bộ đã mạnh dạn vạch trần tệ sùng bái cá nhân trong đảng, vạch trần nạn độc tài, độc đoán, những sai lầm trong cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức, quản lý hộ khẩu, thương nghiệp (lúc đó gọi là mậu dịch)... Tình trạng căng thẳng cao độ trong xã hội đã ảnh hưởng mạnh đến bầu không khí sôi sục của hội nghị.


Ngày 5.5, Trần Dần được thả ra. Ngày 26.5, Lục Đỉnh Nhất tuyên bố phong trào "Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng" ở Trung Quốc. Ngày 13.6, tờ "Nhân Dân Nhật Báo" ở Bắc Kinh đăng bài đó thì sinh viên Việt Nam liền dịch và đăng ngay trên báo tường trường đại học tổng hợp Hà Nội, trong lúc đó báo "Nhân Dân" ở Hà Nội cứ chần chừ mãi đến ngày 30.9 mới đăng.


Trước sức ép của dư luận trong đảng và ngoài xã hội, mãi đến tháng 9.1956, hội nghị Trung ương đảng mới thừa nhận "những sai lầm nghiêm trọng" trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, đề ra việc "sửa sai" và "cất chức" Trường Chinh, Hồ Viết Thắng, Lê Văn Lương và Hoàng Quốc Việt. Trung ương đảng cũng đã quyết định "mở rộng dân chủ, bảo đảm quyền tự do dân chủ".

"Quả bom tạ"

Một làn gió mát đầy hy vọng thổi vào tâm hồn những người trí thức, văn nghệ sĩ yêu tự do. Vì thế, những người trước đây đã ra "Giai Phẩm Mùa Xuân" (tập ấy đã bị thu hồi), lần này lại chủ trương ra "Giai Phẩm Mùa Thu" tập I, tập II và "Giai Phẩm Mùa Đông". Ngày 29.8, "Giai Phẩm Mùa Thu" tập I ra mắt với những bài "Bệnh sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ" của Trương Tửu, "Bức thư gửi một người bạn cũ" của Trần Lê Văn, "Chống tham ô lãng phí" của Phùng Quán và đặc biệt là bài phê bình nảy lửa "Phê bình lãnh đạo văn nghệ" của Phan Khôi. Độc giả miền Bắc Việt Nam từ bấy lâu chỉ được đọc những lời ngọt ngào tâng bốc lãnh đạo, bây giờ được nghe những lời thẳng thắn, đĩnh đạc, mạnh dạn phê bình lãnh đạo, thốt ra từ miệng một nhà nho cương trực đã 70 tuổi


Hồi đó, trên tờ "Thời Mới" ở Hà Nội (tờ báo tư nhân còn sót lại của ông Hiền Nhân), có người viết rằng bài viết của cụ Phan như một "quả bom tạ" thả xuống Hà Thành.
 

Hơn 20 ngày sau, Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Trần Duy... cho ra đời tờ báo "Nhân Văn", do Phan Khôi làm chủ nhiệm, Trần Duy làm thư ký tòa soạn. Số 1 của báo "Nhân Văn" ra ngày 20.9, tuyên bố là "báo "Nhân Văn" đứng dưới sự lãnh đạo của Đảng lao động Việt Nam, theo chủ nghĩa Mác-Lênin với tinh thần thực tiễn, để xúc tiến công cuộc củng cố miền Bắc, thống nhất nước nhà, để đi đến thực hiện xã hội chủ nghĩa, theo như ý muốn của Đảng cũng là ý muốn của nhân dân cả nước". Trong số đó, có những bài làm độc giả rất chú ý, vì tính chất khác thường, như "Ý kiến của Luật sư Nguyễn Mạnh Tường Giáo sư đại học" về vấn đề mở rộng tự do và dân chủ, bài "Chống bè phái trong văn nghệ" của Trần Công, nhẹ nhàng nhưng thẳng thắn nêu rõ sự độc đoán của nhóm người lãnh đạo văn nghệ, bài thơ "Nhân câu chuyện mấy người tự tử" của Lê Đạt, với lời kêu gọi "Phải hiểu, phải yêu, phải trọng con người" và đặc biệt là bài hồi ký "Con người Trần Dần" của Hoàng Cầm, hé tấm màn bí mật về sự đàn áp tự do tư tưởng, tự do sáng tác, về việc Trần Dần hai lần bị bắt. Báo "Nhân Văn" vừa ra đã có tiếng vang rất lớn trong nhân dân các thành phố, người ta chuyền tay cho nhau đọc và bàn tán sôi nổi.

Ngày 25.9, báo "Nhân Dân" của đảng đăng bài của Nguyễn Chương (dù không nêu chức danh, nhưng ai cũng biết đó là phó trưởng ban tuyên huấn trung ương của đảng) với những lời vu cáo chính trị hoàn toàn vô căn cứ, cố ghép báo "Nhân Văn" vào tội chính trị: "Muốn nhân việc phê bình lãnh đạo văn nghệ hẹp hòi, mệnh lệnh mà làm cho người ta tưởng rằng toàn bộ sự lãnh đạo của Đảng lao động Việt Nam và toàn bộ chế độ chính trị ở miền Bắc là độc đoán, độc tài, chà đạp con người, không có nhân văn". 


Tiếp sau đó là một loạt bài khác đăng trên các báo của đảng cũng lặp lại những luận điệu tương tự: báo "Nhân Văn" đánh vào đảng lãnh đạo, vào chế độ, nói một cách khác, "phản động", "phản cách mạng"! Đồng thời Sở báo chí trung ương của Thủ tướng hạn chế lượng giấy mà báo "Nhân Văn" được mua để in và bày ra trò thi hành kỷ luật báo "Nhân Văn". Còn Bộ công an, lẽ cố nhiên, từ lâu đã được lệnh "bám sát các đối tượng" văn nghệ sĩ chống đối này.

Trong lúc đó, người dân thành thị "đói khát sự thật" đã lâu ngày, say sưa tìm đọc, cổ động cho báo "Nhân Văn"; nhiều độc giả quên cả sợ, công khai bênh vực báo "Nhân Văn", đập lại luận điệu vu khống của các báo đảng. Tờ "Trăm Hoa" của nhà thơ Nguyễn Bính không chịu đăng bài chỉ trích báo "Nhân Văn" do Thiết Vũ, cán bộ của Sở báo chí, đưa đến, sau đó Nguyễn Bính bị Thiết Vũ hành hung. Sinh viên cho ra tờ "Đất Mới" do Bùi Quang Đoài làm chủ bút, còn tờ "Thời Mới" của Hiền Nhân lâu nay vẫn hiền lành, giờ đâm ra "trở chứng", cứ nêu ra những "sai lầm" của đảng và đề nghị sữa chữa...
Vượt qua biết bao nhiêu trở ngại do nhà cầm quyền gây ra, báo "Nhân Văn" tiếp tục ra đều đến số 5. Bạn đọc hoan nghênh "Ý kiến nhà sử học Đào Duy Anh" về mở rộng tự do, dân chủ và các bài bàn về vấn đề đó, như "Nỗ lực phát triển tự do, dân chủ" của Trần Duy, "Hiến pháp Việt Nam và Hiến pháp Trung Hoa bảo đảm tự do, dân chủ, như thế nào" của Nguyễn Hữu Đang, "Bài học Ba Lan và Hung-ga-ri" của Lê Đạt (ký bút danh Người Quan Sát), đã nêu ra những đề nghị đáng chú ý. Về văn nghệ, kịch "Xem mặt vợ" của Hoàng Tích Linh, truyện ngắn "Con ngựa già của Chúa Trịnh" của Phùng Cung, chuyện vui "Thi sĩ máy" của Như Mai (ký bút danh Châm Văn Biếm), thơ Văn Cao, Hoàng Tố Nguyên, đăng trên báo đều được độc giả tán thưởng.


Nhưng sức ép của giới cầm quyền ngày một mạnh: người ta tổ chức những buổi nói chuyện ở các trường, các công sở, các khu phố "vạch mặt" báo "Nhân Văn" chống đảng, chống chế độ, gây khó khăn cho việc đấu tranh thống nhất nước nhà... vì thế không được đọc và phổ biến báo ấy. Thế mà nhiều sinh viên, học sinh có cảm tình với báo vẫn tự nguyện mang báo đi bán.
Trong lúc đó, tiếng vang của cuộc nổi dậy ở Hungarie đã làm cho nhà cầm quyền lo sợ. Bộ chính trị Trung ương đảng quyết định chấm dứt tình trạng "dân chủ không có lãnh đạo" này. Thế là "nhà đạo diễn" Tố Hữu đã... tổ chức mọi việc!

Trận càn quét

Tức thì một loạt bài trên báo chỉ của đảng hô hoán lên rằng "từ số 4 và số 5, báo "Nhân Văn" đã chuyển hẳn sang vấn đề chính trị" (lời buộc tội mập mờ nhưng rất nguy hiểm!), và những cây bút chính của báo được gán cho những "mỹ từ", như "bọn phá hoại", "phản cách mạng"... Đến trung tuần tháng 12, Tố Hữu la ó lên rằng trong số 6, Nguyễn Hữu Đang viết bài xã luận trắng trợn xúi giục quần chúng biểu tình nhân dịp Quốc hội sắp họp, mặc dù số 6 mới lên khuôn, chưa in. Thế là cán bộ Liên hiệp công đoàn Hà Nội được lệnh phải tức tốc đến nhà in Xuân Thu bắt công nhân "hãm" việc in báo lại. Và thật là nhịp nhàng, "đồng bộ" như trong một chiến dịch, ngày 15.12.1956, báo "Nhân Dân" đăng lời tuyên bố của 235 văn nghệ sĩ Nam Bộ (trên báo chí chỉ công bố tên 41 người) lên án "báo "Nhân Văn" là một phương tiện để cho địch lợi dụng gây sự hiểu lầm miền Bắc, gây chia rẽ Bắc Nam"! 


Cũng trong ngày hôm đó, 180 nhà báo ở Hà Nội (hoàn toàn không ghi tên ai cả) lên án báo "Nhân Văn" "nói sai sự thật, xuyên tạc nhiều vấn đề với dụng ý bôi xấu chế độ ta", "gây hoang mang, chia rẽ trong nhân dân và vô cùng phương hại đến công cuộc giành thống nhất nước nhà"! Cũng trong ngày hôm đó, bác sĩ Trần Duy Hưng, chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội ra quyết định đóng cửa báo "Nhân Văn". Cũng trong ngày hôm đó, Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa Hồ Chí Minh ra sắc lệnh về báo chí, trong đó có quy định: nếu vi phạm những điều cấm, như tuyên truyền chống chế độ, chống chính phủ, nói xấu các nước bạn, xúi giục dân chúng làm loạn... thì bị phạt tù từ 5 năm đến chung thân, bị tịch thu một phần hay toàn bộ tài sản. Sắc lệnh được công bố thì các tờ báo "Trăm Hoa", "Giai Phẩm", "Đất Mới"... đều bị bóp chết không kèn không trống.

Hồn tự do vẫn sống

Để bù lại lỗ trống, đảng cầm quyền cho ra tờ tuần báo "Văn" của Hội nhà văn do đảng lãnh đạo. Thế nhưng, báo "Nhân Văn", "Giai Phẩm", cũng như "Trăm Hoa", "Đất Mới"... dù bị giết chết, mà tinh thần "Nhân Văn - Giai Phẩm" - tức là lòng khao khát tự do, dân chủ - vẫn còn sống mạnh mẽ. Báo "Nhân Văn" lại "hiện hồn" trên những trang báo "Văn". Sau thời kỳ đầu "theo đúng lập trường của đảng", báo "Văn" với những cây bút có tiếng như Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Tế Hanh... dần dần trở nên "lệch lạc". Trên trang báo số 21, ngày 17.9.1957, Phùng Quán lại xuất hiện với bài thơ "Lời mẹ dặn":

"Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét,
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét,
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu... "

Đến số 24, Hoàng Cầm ra mắt bạn đọc tuần báo "Văn" với "Tiếng hát". Rồi Trần Duy vẽ tranh châm biếm "Một phương pháp xây dựng nghệ thuật", Minh Hoàng cho ra "Đống máy", Phan Khôi cho ra "Ông Năm Chuột". Bạn đọc gặp lại Trần Dần trên trang báo "Văn" với bài thơ "Hãy đi mãi". Không thể chịu được nữa! "Hồn" của "Nhân Văn - Giai Phẩm" vẫn còn phảng phất đâu đây trong giới trí thức miền Bắc! Đảng đành phải làm một việc thất nhân tâm: đình bản tuần báo "Văn", bóp chết tên "âm binh" do chính tay đảng vừa đẻ ra! Thế là báo này chỉ ra vẻn vẹn được 37 số đã chết yểu!

Nhưng, như thế vẫn chưa "đào tận gốc trốc tận ngọn" cái khát vọng tự do, cái tinh thần "Nhân Văn - Giai Phẩm" đáng ghét kia được, nên giới lãnh đạo của đảng đã thi hành một kế hoạch "triệt để".

Lại càn quét, lại đấu tố

Việc đầu tiên là đảng giao cho Tiểu ban văn nghệ trung ương tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt toàn bộ tổ chức, cán bộ của Hội nhà văn, ngành và Hội âm nhạc, ngành và Hội mỹ thuật, ngành sân khấu, ngành điện ảnh, các trường đại học, nhất là khoa văn, khoa sử. Theo báo cáo của Tố Hữu đọc ngày 4.6.1958 tại Hội nghị Ban chấp hành Hội liên hiệp văn học nghệ thuật thì "nhóm "Nhân Văn - Giai Phẩm" đã lũng đoạn nặng nề về tư tưởng và tổ chức những cơ quan xung yếu của Hội nhà văn. Từ báo "Văn" đến nhà xuất bản, từ Ban nghiên cứu sáng tác, Ban liên lạc với nước ngoài đến câu lạc bộ, quỹ sáng tác" (xem sách "Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta với thời đại ta" của Tố Hữu, tr. 151). Đối với các ngành và các hội văn học, nghệ thuật khác, Tố Hữu cũng có nhận xét tương tự. Thế là một đợt "chỉnh đốn tổ chức" được tiến hành nhằm thải loại những người "có vấn đề" và đưa những người "có lập trường vững" để thay thế. Trong các trường đại học, người ta gạt ngay những người "có liên quan" đến "Nhân Văn - Giai Phẩm" ra khỏi bục giảng.

Tiếp đó, Bộ chính trị Trung ương đảng ra nghị quyết ngày 6.1.1958 về việc chấn chỉnh công tác văn nghệ, do Trường Chinh ký. Cũng theo lời của Tố Hữu: "dưới ánh sáng của nghị quyết Bộ chính trị, mở ra hai lớp học tập cho ngót năm trăm anh chị em văn nghệ sĩ" (Sđd, tr. 152). Cái gọi là "học tập" đó của "anh chị em văn nghệ sĩ" có thực chất là gì?
 

Trên danh nghĩa công khai, các lớp "học tập" do Tiểu ban văn nghệ trung ương của đảng phụ trách, nhưng Tiểu ban này phối hợp rất chặt chẽ với một vụ của Bộ công an lo cái việc gọi là "bảo vệ văn hóa". Tất cả những ai có giấy triệu tập đều phải có mặt. Ban lãnh đạo lớp "học tập" bí mật sơ bộ "phân loại" những người đến lớp, đại thể ra thành mấy loại: "đối tượng" (tức là đối tượng đấu tranh, những người sẽ bị "đấu", ban lãnh đạo xếp họ vào loại "bọn phản động", "bọn phá hoại"...), "những người có vấn đề" (tức là những người bị coi là có "sai lầm", nhưng chưa hẳn là "ngoan cố"), "những người lưng chừng" (tức là những người chưa tích cực đấu tranh) và "chỗ dựa" (tức là những người "có lập trường vững" và tích cực đấu tranh, trong đám này không ít kẻ ghen tỵ, bọn vô tài tâng công, nịnh bợ cấp trên (2) để ngoi lên địa vị). 

Khi chia tổ, người ta chú ý phân bố làm sao ở mọi tổ đều có "chỗ dựa" mạnh để bảo đảm "thắng lợi". Mở đầu lớp học, ban lãnh đạo tuyên bố rõ trong cuộc đấu tranh, mỗi người chỉ có một chỗ đứng, hoặc về "phe ta" hoặc về "phe địch", không thể lưng chừng. Tố Hữu nói một cách văn vẻ là "lựa chọn đất đứng nào trong giai đoạn mới của cách mạng nước ta" (Sđd, tr. 133). Học xong nghị quyết Bộ chính trị, mỗi người phải "liên hệ", làm "kiểm thảo" để "bộc lộ" sai lầm của mình, rồi trình bày trước tổ để mọi người "góp ý kiến", "chất vấn", "phê phán", còn người "kiểm thảo" thì phải trả lời mọi câu "chất vấn" cho đến khi nào tổ "chấp nhận". Đối với những "đối tượng" và những người "có vấn đề" thì thực chất của quá trình này là một "cuộc đấu tố" với mọi kiểu "tố giác", "hỏi cung tập thể", "mớm cung" để người "kiểm thảo" cuối cùng phải nhận "tội". Những "đối tượng", sau thời gian "học tập" ở lớp, còn "được" công an "làm việc" một cách tích cực.

"Tố đại hội "

Để chuẩn bị dư luận cho việc đàn áp nhóm "Nhân Văn - Giai Phẩm" từ cuối tháng 3 đến tháng 5, tháng 6, tất cả các báo của đảng đồng loạt đăng những bài "tố cáo", "vạch mặt" với lời lẽ rất thô bỉ nhưng không có chứng cớ cụ thể gì. Đọc những bài ấy, độc giả khách quan không thể không liên tưởng đến những lời "tố khổ" của những người nông dân bị đội cải cách ruộng đất xúi giục trong các trận "đấu" địa chủ thật cũng như địa chủ bị quy oan. Đây là "mẫu mực" của lối đấu tố thời đó (mà sau cải cách ruộng đất, nông dân gọi là "tố điêu", "tố đại hội") thốt ra từ miệng những người mang danh là trí thức!
 

Nguyễn Đình Thi lớn tiếng "vạch mặt": "Rọi sáng vào cái ổ "Nhân Văn - Giai Phẩm" ấy, chúng ta thấy hiện lên những tên tác động tinh thần, mật thám, những bọn lái buôn văn nghệ, những tên phản cách mạng già đời, tất cả bọn chúng ngoặc với một số người văn nghệ từ chỗ sa đọa đi tới phản động về chính trị... Trong đời sống, những phần tử "Nhân Văn - Giai Phẩm" đã trở lại là những "cậu ấm con quan", "công tử nhà giàu", có cả những chủ nợ lãi, chủ nhà thổ lậu, hoặc những kẻ sống nửa lưu manh, không có đất đứng trong xã hội" ("Nhân Dân", số 1511, 1.5.1958).
 
Xuân Dung "tố" Thụy An làm "gián điệp": "... có người (hiện đương ở Hà Nội) lại trông thấy Thụy An ngồi chung xe với tên tướng giặc Cô-nhi, ấy là chưa kể có tin nó vào Sài Gòn rồi lại trở ra Hà Nội, một tháng trước khi tiếp quản... Giải phóng thủ đô, nhiều người lạ lùng vì sự có mặt của con này. Riêng với cái việc xuống Hải Phòng khi ta chưa tiếp quản, rồi lại về Hà Nội một cách đàng hoàng cũng đủ cho ta suy nghĩ" ("Thủ Đô", 23.4.1958).


Hồng Vân "tố cáo" Nguyễn Hữu Đang: "Hắn là con một tên chánh tổng ở Thái Bình. Chính gia đình địa chủ cường hào này đã rèn luyện cho hắn cái đầu óc thích "ăn trên ngồi trốc", thích địa vị với nhiều thủ đoạn nham hiểm và tàn nhẫn... Trong chiến tranh thế giới thứ hai, đế quốc lồng lộn khủng bố, toàn bộ Đảng ta rút vào bí mật. Không những các cán bộ, đảng viên, mà cả những đoàn viên thanh niên dân chủ cũng bị lùng bắt. Còn Nguyễn Hữu Đang vẫn hoạt động công khai trong phong trào truyền bá quốc ngữ" (Tạp chí "Văn Nghệ", số 12, 5.1958).
 

Xuân Ba "đấu" Trần Thiếu Bảo: "Là con một chủ hàng cơm ở Thái Bình, do lừa lọc gian giảo, bợ đỡ bọn công sứ và quan lại phong kiến trở nên giàu có, Trần Thiếu Bảo mở hiệu sách Minh Đức, sau đó lại chạy chọt để được làm hội viên Hội trí thể dục do tên công sứ Pháp làm hội trưởng... Được tên tơ-rốt-kít Trương Tửu mách nước, bọn chúng tổ chức lễ kỷ niệm Vũ Trọng Phụng (Vũ Trọng Phụng là người thế nào và đánh giá tác phẩm Vũ Trọng Phụng ra sao, sau này sẽ được nhân dân chứng minh thêm)" (Sách "Bọn "Nhân Văn - Giai Phẩm" trước tòa án dư luận", tr. 53).
 
Hoài Thanh "luận tội" Trương Tửu: "Cách mạng Tháng Tám thành công ngày 19.8.1945. Ba tuần sau, vào ngày 10.9.1945, Trương Tửu xuất bản quyển "Tương lai văn nghệ Việt Nam". Trong quyển sách cũng như trong lời tựa, hoàn toàn không có lấy một lời nói đến Cách Mạng Tháng Tám... Vẫn một lối huênh hoang và bịp bợm cũ, nó làm như chỉ có nó mới là triệt để cách mạng. Một mặt nó bóp méo, bịa đặt để vu khống... Một mặt khác nó xuyên tạc lời nói của các lãnh tụ. Nó trích dẫn Mác đả kích chính quyền phản động cũ để gián tiếp đả kích chính quyền ta" ("Văn Nghệ", số 11, 4.1958). 


Để sổ toẹt đoạn đường theo kháng chiến của Trương Tửu, Bùi Huy Phồn viết: "Có người thấy Trương Tửu theo đuổi được chín mười năm (kháng chiến) cũng là một điều kỳ lạ. Tôi thì tôi muốn đặt ngược lại vấn đề: Trương Tửu theo kháng chiến có phải là thực tâm tán thành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của chúng ta, hay còn vì "mục đích" gì khác nữa?"; "...Trong khi giảng dạy ở trường đại học, hoặc nói chuyện với những sinh viên thân cận, Trương Tửu đưa ra một mớ lý luận sặc mùi tơ-rốt-kít nếu không là gián điệp: nào là "giai cấp công nhân sắp hết vai trò sản xuất, quân đội sắp hết vai trò chiến đấu trong thời đại nguyên tử này". Đề làm gì, nếu không nhằm làm tê liệt ý chí đấu tranh và sản xuất của các tầng lớp cơ bản trong nhân dân ta?" ("Văn Nghệ", số 12, 5.1958).

Phạm Huy Thông "vạch mặt" Trần Đức Thảo: "Trở nên môn đệ của Giăng Pôn Xác, Thảo đã tham gia những hoạt động văn hóa và chính trị phản động của nhóm "Thời Nay" do Xác chỉ huy, nêu cao thuyết "sinh tồn", một thuyết phản động về triết học và chính trị, chủ yếu nhằm chống lại phong trào cộng sản ở các nước phương Tây... Thảo vu khống Đảng cộng sản Pháp có đầu óc đế quốc thực dân(!), phỉ báng chính sách ngoại giao của ta mà Thảo cho là đầu hàng, phản bội(!). Nói về Hiệp ước sơ bộ 6.3.1946, Thảo đã phụ họa với bè lũ tơ-rốt-kít, chống lại chính phủ ta và đã thốt lên những lời thóa mạ thô bỉ, rất hỗn xược với các lãnh tụ của ta" ("Nhân Dân", 4.5.1958).

Thế Lữ viết về Phan Khôi: "Phan Khôi phản cách mạng, ngấm ngầm chống đảng lãnh đạo cách mạng từ trong kháng chiến, đó là việc hiện giờ ta đã thấy rõ hiển nhiên... Phan Khôi vẫn khoe là được Hồ chủ tịch tặng một chiếc áo lụa, và kể cho tôi nghe một chuyện gặp Hồ chủ tịch. Ơ± chuyện được áo, tôi không thấy ông ta tỏ ra một ý nào gọi là cảm kích. Phan Khôi không cảm thấy được rằng một cử chỉ đơn giản đó của Người biểu trưng cho một tình bao dung nhân ái rộng lớn dồi dào của đạo đức cách mạng" ("Nhân Dân", số 1501, 12/4/1958).

Có biết bao "lời vàng ngọc" khác đã được viết lên trên các báo của đảng để "tố cáo" Trần Dần, Hoàng Cầm, Tử Phác, Trần Duy và những người khác trong nhóm "Nhân Văn - Giai Phẩm" không thể kể hết được! Cuối cùng, những người được gọi là "bị ảnh hưởng tư tưởng "Nhân Văn - Giai Phẩm", như nhà văn Nguyên Hồng, nhà thơ Tế Hanh, nhà văn Tô Hoài cũng phải viết bài trên báo đảng để nhận "tội" (xem "Nhân Dân" số 1451, 2.3.1958, số 1461, 12.3.1958, số 1463, 14.3.1958). Rồi hàng loạt, hàng loạt bài của các giới, công nông binh, trí thức... phát biểu ào ào trên báo, mặc dù số đông tác giả các bài này chưa hề đọc, thậm chí chưa hề biết mặt tờ "Nhân Văn" hay các tập "Giai Phẩm"! Sau cùng là những bài "thú tội" của Trần Dần, Trần Đức Thảo, Lê Đạt, Hoàng Cầm và Văn Cao được đăng lên báo.

Đạp xuống bùn đen

Đến lúc này thì ban lãnh đạo đảng đã có thể hò reo mừng "thắng lợi" và Tố Hữu đã có thể rầm rộ "báo công" trước đảng: ngày 4.6.1958, ông đọc "Báo cáo tổng kết cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại "Nhân Văn - Giai Phẩm"" tại hội nghị Ban chấp hành Hội liên hiệp văn học nghệ thuật. Ông nói: "...cuộc đấu tranh từ năm tháng nay chống nhóm phá hoại "Nhân Văn - Giai Phẩm" trên mặt trận văn nghệ, một cuộc đấu tranh quyết liệt, có tính chất quần chúng và toàn quốc, chưa từng thấy mấy chục năm nay... Dưới sự lãnh đạo kiên quyết và sáng suốt của đảng ta, cuộc giao phong tư tưởng vừa qua đã giành được thắng lợi lớn" (Sách "Xây dựng một nền văn nghệ lớn... ", tr. 133). 


Dường như tự coi mình là tổng công tố kiêm chánh án Tòa án Tối cao, Tố Hữu lớn tiếng tuyên bố: "Lật bộ áo "Nhân Văn - Giai Phẩm" thối tha, người ta đã thấy ra cả một ổ phản động toàn những gián điệp, mật thám, lưu manh, trốt-kít, địa chủ tư sản phản động, quần tụ trong những tổ quỷ với những gái điếm, bàn đèn, sách "chống cộng", phim ảnh khiêu dâm" (Sđd, tr. 138). Và - cũng như bọn cai tù văn nghệ tay chân của mình - Tố Hữu tự cho phép tha hồ thóa mạ, sỉ nhục trí thức, văn nghệ sĩ cách đây không lâu còn ở trong hàng ngũ của đảng hoặc đứng dưới lá cờ của đảng cộng sản, bằng những từ ngữ thô bỉ nhất: "bọn trốt-kít Trương Tửu, Trần Đức Thảo", "bọn Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, hai tên phản Đảng", "bọn Trần Dần, Tử Phác, những tên phản Đảng, những đứa con hư của Hà Nội cũ", "tên mật thám Trần Duy", "bọn Phan Khôi, mật thám cũ của thực dân Pháp", "bọn gián điệp Thụy An"... (Sđd, tr.141, 146...). 

Cuối cùng, Tố Hữu kết "tội" nhóm "Nhân Văn - Giai Phẩm" đã "ra mặt phản cách mạng, đánh thẳng vào chế độ và sự lãnh đạo của đảng... âm mưu gây biến động", "lũng đoạn Hội nhà văn và các cơ quan nghệ thuật, xây dựng "pháo đài" chống cách mạng ở trường đại học", "kích thích chủ nghĩa cá nhân tư sản, bôi nhọ chủ nghĩa cộng sản", "khiêu khích nhân dân chống lại chế độ và Đảng lãnh đạo", "chống lại nền chuyên chính vô sản", "chống lại toàn bộ cách mạng xã hội chủ nghĩa", "gieo rắc chủ nghĩa dân tộc tư sản", "chống lại chủ nghĩa quốc tế vô sản", "ra sức chửi rủa cái mà chúng gọi là chủ nghĩa Xta-lin, vu khống Đảng ta là "giáo điều", "nô lệ" và vu khống các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là Liên Xô, Trung Quốc". Tố Hữu lên án nhóm "Nhân Văn - Giai Phẩm" là "phản động", "phản cách mạng" vì đã "phản đối văn nghệ phục vụ chính trị, đòi "tự do độc lập" của văn nghệ, rêu rao "sứ mạng chống đối" của văn nghệ, phản đối văn nghệ phục vụ công nông binh, nêu lên con người trừu tượng", "đả kích văn nghệ kháng chiến của ta", "phủ nhận hoàn toàn phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, coi đó chỉ là một sản phẩm của "thời kỳ Xta-lin", "đòi "trả văn nghệ cho văn nghệ sĩ" thực ra là đòi đưa quyền lãnh đạo văn nghệ vào tay bọn phản cách mạng"... (Sđd, tr.144-193).

Sau đó, các ban chấp hành các hội văn học nghệ thuật đã họp để ra nghị quyết khai trừ Phan Khôi, Trương Tửu, Thụy An, Trần Dần, Lê Đạt ra khỏi Hội nhà văn, Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh ra khỏi ban chấp hành; khai trừ Trần Duy ra khỏi Hội mỹ thuật, Sỹ Ngọc, Nguyễn Sáng ra khỏi Ban chấp hành; khai trừ Tử Phác, Đặng Đình Hưng (thân sinh nhạc sĩ Đặng Thái Sơn) ra khỏi Hội nhạc sĩ sáng tác, Văn Cao, Nguyễn Văn Tý ra khỏi Ban chấp hành... Đó là mặt công khai, còn mặt "không công khai tuyên bố" thì một loạt văn nghệ sĩ, trí thức bị sa thải khỏi cơ quan, công sở, trường học, nhiều người bị bắt bớ, giam giữ, xét hỏi... Vẫn chưa đủ! Cần phải lập hồ sơ để dựng lên một vụ án! Một vụ án "điển hình"! Để trí thức, tư sản chống đối phải khiếp sợ khi đảng đưa miền Bắc "tiến lên chủ nghĩa xã hội"!

" Sổ đen" hay "sổ vàng "?

Dưới đầu đề "Cái ổ chuột "Nhân Văn - Giai Phẩm" bị vạch trần trước ánh sáng của dư luận", người ta đã công bố danh sách (một loại sổ đen) để bôi nhọ những văn nghệ sĩ đã tham gia "Nhân Văn - Giai Phẩm". Mời các bạn xem một đoạn để nhớ đến (như sổ vàng ghi công) những người đã bị đàn áp vì đấu tranh cho tự do và dân chủ: "Qua sự phát hiện của hai cuộc hội nghị (Tố Hữu thì nói là hai lớp học tập) nói trên, chúng ta được biết nhóm phá hoại "Nhân Văn - Giai Phẩm" bao gồm những tên đầu sỏ, những "cây bút" đã viết "hoặc nhiều hoặc ít" cho "Nhân Văn - Giai Phẩm" như: Thụy An, Nguyễn Hữu Đang, Trần Thiếu Bảo, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Phan Khôi, Trần Duy, Trần Dần, Lê Đạt, Tử Phác, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm, Sỹ Ngọc, Chu Ngọc, Văn Cao, Nguyễn Văn Tý, Phùng Quán, Trần Công, Trần Thịnh, Phan Vũ, Hoàng Huế, Huy Phương, Vĩnh Mai, Như Mai tức Châm Văn Biếm, Hữu Thung, Nguyễn Khắc Dực, Hoàng Tố Nguyên, Hoàng Yến, Thanh Bình, Yến Lan, Nguyễn Thành Long, Trần Lê Văn, Lê Đại Thanh, v.v... Nhưng đó không phải là tất cả (còn những tên chưa ra mặt)". (Sách "Bọn "Nhân Văn - Giai Phẩm" trước tòa án dư luận", tr. 309-310). Sau đó, còn thêm Hữu Loan và vài người khác nữa.


Hồ sơ đã lập xong, giới lãnh đạo đảng đã quyết định đưa một số người trong nhóm "Nhân Văn - Giai Phẩm" ra xét xử tại tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hồi đầu năm 1960. Để tránh tiếng xử "vụ án văn chương", theo chỉ thị cấp trên, tòa phải xử thành "vụ án gián điệp", phải xử "nhanh gọn" và hạn chế đến mức tối thiểu số bị cáo đưa ra tòa để dư luận không xôn xao nhiều. Năm người bị đưa ra xét xử là: Lưu Thị Yên (Thụy An), Nguyễn Hữu Đang, Trần Thiếu Bảo (Minh Đức) và hai tòng phạm - Phan Tài, Lê Nguyên Chi. Kể ra thì buộc tội gián điệp cũng "hơi khó" vì thực ra không có bằng chứng gì cụ thể, ngoài một chi tiết là Thụy An có quen biết với Maurice Durand, một nhà Việt học người Pháp ở trường Viễn Đông Bác Cổ! Nhưng tòa án của nền chuyên chính vô sản cũng đã có cách: Maurice Durand phải coi là "điệp viên" của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Thụy An quen biết, giao thiệp với M. Durand, tất nhiên là "gián điệp". Nguyễn Hữu Đang và Trần Thiếu Bảo cùng Thụy An cộng tác với nhau để ra báo "Nhân Văn" và "Giai Phẩm", dĩ nhiên đều là gián điệp! Vả lại, phiên tòa tuy được tuyên bố là "công khai", nhưng các nhà báo nước ngoài không được đến dự, còn các nhà báo trong nước và dân chúng thì... chỉ những người có "giấy mời" mới được vào. Còn luật sư biện hộ thì đã do đảng lựa chọn rồi, họ chẳng có trách nhiệm gì với thân chủ của họ!


Thế là ngày 21.1.1960, tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án các "tên gián điệp" Lưu Thị Yên (Thụy An) và Nguyễn Hữu Đang, mỗi người 15 năm tù, Trần Thiếu Bảo, giám đốc nhà xuất bản Minh Đức - 10 năm tù, hai tòng phạm Phan Tài và Lê Nguyên Chi - mỗi người 5 năm tù. Các báo đưa tin giật gân này với dòng tít lớn: "Tòa án nhân dân Hà Nội đã xử vụ gián điệp Nguyễn Hữu Đang - Thụy An" (3). Người dân Hà Nội bàng hoàng, nín lặng; nhiều người hoài nghi: không khéo lại như hồi cải cách ruộng đất!

 
Tuy nhiên, "vụ án gián điệp" mới chỉ là "phần nổi của băng đảo" mà thôi, còn "phần chìm" của nó ít ai được biết. Đó là hàng chục văn nghệ sĩ tài ba, giáo sư đại học uyên bác, nói chung là trí thức, khao khát tự do, có đầu óc biết suy nghĩ, bị bắt bớ, tù đày, bị tước quyền công dân trong nhiều năm mà không hề được xét xử công khai, minh bạch, như Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Trần Duy, Tử Phác, Đặng Đình Hưng, Trương Tửu, Trần Đức Thảo,v.v... Đó là trên một trăm văn sĩ, thi sĩ, giáo sư, giáo viên, luật sư, sử gia, nhạc sĩ, họa sĩ, kịch sĩ, sĩ quan... bị bắt giữ, xét hỏi, sa thải, mất việc, bị tước quyền sáng tác, bị cô lập, bị ghi vào lý lịch, ghi vào sổ đen để suốt đời bị kỳ thị, con cái bị vạ lây. Đó là hàng ngàn, có người nói hàng chục ngàn người ("Mặt Thật" của
Bùi Tín, tr. 161), ở các địa phương, các ngành, các đoàn thể... đã có cảm tình với "Nhân Văn - Giai Phẩm", đã ủng hộ công khai và bí mật, đã bênh vực, tàng trữ, chuyền tay nhau đọc các báo "Nhân Văn", "Giai Phẩm", "Đất Mới" cũng bị bắt giữ, xét hỏi, giam ngắn hạn, mất việc, bị cảnh cáo ghi lý lịch. Những người đó trong dân gian gọi là "Nhân Văn tỉnh", "Nhân Văn huyện", "Nhân Văn xóm"... Thật là một bi kịch lớn của nhân dân! Bao nhiêu đau thương! Biết bao cuộc đời tan vỡ!

Số phận sĩ phu

Thiết tưởng nên nhắc qua số phận bi đát của một số người đã tích cực tham gia hoặc ủng hộ "Nhân Văn - Giai Phẩm".


Phan Khôi (bút danh Chương Dân), một nhà nho, nhà báo tài ba, đã từng viết cho nhiều báo từ Bắc chí Nam, từng làm chủ nhiệm báo "Sông Hương", là người khởi xướng và cổ vũ phong trào thơ mới với bài "Tình già". Là một nhà nghiên cứu và bình phẩm văn thơ giỏi, với tác phẩm "Chương Dân thi thoại". Những bài ông viết về ngôn ngữ học rất có giá trị (xem tác phẩm"Việt ngữ nghiên cứu" của ông). Ông đã tham gia suốt cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông làm chủ nhiệm báo "Nhân Văn". Khi tư trào "Nhân Văn - Giai Phẩm" bị đàn áp, ông đã trên 70 tuổi, bị đấu tố dữ dội, bị vu khống làm mật thám cho Pháp, bị sỉ nhục vì đã thẳng thắn công khai phê bình lãnh đạo văn nghệ, công khai đưa ra ánh sáng những vụ bê bối bao che cho nhau của giới lãnh đạo, vì đã đứng đầu tờ "Nhân Văn" mà Tố Hữu coi là "lá cờ phản cách mạng, đánh thẳng vào Đảng và nhà nước" (Sđd, tr. 145). Ông đã qua đời ngày 6.1.1959 trong nỗi uất hận.


Nguyễn Hữu Đang, vốn là một đảng viên đảng cộng sản lâu năm, là Phó hội trưởng Hội truyền bá chữ quốc ngữ, người lãnh đạo Hội văn hóa cứu quốc, trưởng ban tổ chức lễ tuyên bố độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (VNDCCH) ngày 2.9.1945, thứ trưởng Bộ thanh niên, sau đó là thứ trưởng Bộ tuyên truyền trong chính phủ đầu tiên của nước VNDCCH. Bị coi là "linh hồn" của báo "Nhân Văn", ông bị đấu tố dữ dội, bị giam cầm, bị vu khống, rồi bị đưa ra xử án "gián điệp" và bị kết án 15 năm tù ngồi, chỉ vì trong nhiều bài viết ông đã nhận xét dè dặt "các quyền tự do dân chủ bị hạn chế quá nhiều" và đề nghị (cũng dè dặt) sửa đổi hiếp pháp hoặc bổ sung hiếp pháp 1946, đề nghị thực hiện quyền tự do dân chủ thực sự. Mãn hạn tù, ông trở về quê ở Thái Bình sống rất cực nhục và cô đơn, bị theo dõi như một "đối tượng" nguy hiểm. Trong bài báo gần đây, Phùng Quán đã kể lại chuyến đến thăm ông, khi ông gần 80 tuổi, sống rất nghèo khổ, ông thu góp từng vỏ báo thuốc lá để đổi lấy cóc, nhái, rắn làm thức ăn. Không có nhà cửa, ông ở đậu, và không muốn làm phiền chủ nhà khi mình chết, ông đã tìm cho mình một trũng vừa người dưới gốc bụi tre gần nhà để khi cảm thấy sắp đến giờ lâm chung thì bò ra đấy trút hơi thở cuối cùng!

 
Trương Tửu (bút danh Nguyễn Bách Khoa), giáo sư đại học, một nhà nghiên cứu uyên bác, trước đây đứng đầu nhóm "Hàn Thuyên", tác giả "Nguyễn Du và truyện Kiều", "Hai bà Trưng", "Tương lai văn nghệ Việt Nam", v.v... Khi trào lưu "Nhân Văn - Giai Phẩm" bị đàn áp, ông bị đấu tố dữ dội, bị đưa ra cho sinh viên đấu tố, xỉ vả, sau đó bị đuổi khỏi trường, bị bắt và bỏ tù từ năm 1957, vì ông bị giới lãnh đạo quy là "trốt-kít", vì ông đã có những quan điểm không giống họ, ông đòi hỏi phải có một chính sách "trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng" và cho rằng văn nghệ sĩ không nên làm chính trị, văn nghệ sĩ chân chính xưa nay đều đối lập với chính trị của giai cấp cầm quyền... Cũng như Trần Đức Thảo, ông đòi "trả văn nghệ cho văn nghệ sĩ", "trả chuyên môn cho các nhà chuyên môn", đòi thực sự mở rộng tự do dân chủ và các quyền tự do chân chính. Bị tù đày trong nhiều năm mới được thả ra; về nhà, ông làm nghề châm cứu để sinh sống. Hơn 30 năm ôm hận, vị giáo sư đại học có tài ba đang sống những ngày buồn đau của một nhà văn già trên 80 tuổi bị hắt hủi.


Trần Dần đã theo quân đội suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, là nhà văn, nhà thơ đang sung sức hồi những năm 50; thơ văn của ông hồi đó đang kỳ nở rộ, mang nặng những băn khoăn, nghĩ ngợi của con người có lương tâm và thể hiện những tìm tòi mới mẻ. Ông là người đầu tiên dũng cảm đưa ra yêu sách với giới lãnh đạo "trả văn nghệ cho văn nghệ sĩ". Vì hăng hái tranh đấu cho tự do sáng tác, ông bị bắt giam sớm nhất, hồi tháng 6 năm 1955. Sau bài "Nhất định thắng" được đăng trên "Giai Phẩm Mùa Xuân", ông bị đấu tố và bị bắt giam lần thứ hai, hồi tháng 2 năm 1956. Còn khi trào lưu "Nhân Văn - Giai Phẩm" bị đàn áp, ông lại bị đấu tố dữ dội, bị bắt, bị bỏ tù trong nhiều năm. Đến khi được thả ra, ông buồn đau, thờ thẫn, như người mất hồn... Và thực sự ông đã trở thành một người bệnh tâm thần!


Lê Đạt, một nhà thơ có tài, mang đầy những mộng ước sáng tạo, hăng say tìm tòi và cổ vũ cái mới. Vì làm bài thơ "Ông bình vôi", ông bị buộc tội ám chỉ "lãnh tụ", "phạm thượng", vì lời kêu gọi "chống công thức, giáo điều" mà bị buộc tội là phản nghịch, xúi giục nhân dân nổi dậy chống Đảng, chống nhà nước, ông bị đấu tố dữ dội, bắt bớ, tù đày trong nhiều năm. Sau khi ở tù ra, ông trở về với mẹ già, sống cô đơn và làm nghề mua bán giấy cũ để sống.


Và bao nhiêu người khác nữa, giáo sư đại học, triết gia Trần Đức Thảo, giáo sư đại học, luật sư Nguyễn Mạnh Tường, họa sĩ, nhà văn Trần Duy, nhà thơ nổi tiếng Hoàng Cầm, nhạc sĩ lừng danh, đồng thời là nhà thơ có tài Văn Cao, nhạc sĩ Tử Phác, nhạc sĩ Đặng Đình Hưng, nhà thơ, nhà soạn kịch Đoàn Phú Tứ, nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Bính, nhà văn Thụy An, thời trước đã làm chủ nhiệm báo "Đàn Bà", người xuất bản thiết tha với nền văn học nước nhà Trần Thiếu Bảo (Minh Đức), v.v... cũng chịu số phận chung: cuộc đời tan nát thảm thương!

Hậu quả không chỉ một thời


Vụ án "Nhân Văn - Giai Phẩm" là một tội ác ghê rợn của giới lãnh đạo đảng cầm quyền, không những nó chà đạp lên nhân phẩm, tự do, quyền của con người, giày xéo lên cuộc sống vật chất và tinh thần của bao nhiêu văn nghệ sĩ, trí thức tiên tiến nhất, sáng tạo nhất của một thời, mà nó còn hủy hoại cả một thế hệ văn nghệ sĩ đầy sức sống hồi đó, gieo rắc đầu óc sợ sệt của kẻ nô lệ, đè nén tinh thần độc lập và mạnh dạn sáng tạo của các thế hệ trí thức, văn nghệ sĩ lớp sau. Sự độc tài, chuyên chế, lộng hành của giới lãnh đạo nhân danh nền chuyên chính vô sản, hồi đó đã lên đến cao độ. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo, thuộc thế hệ sau, đã viết rất đúng trong bài thơ "Nhớ Nguyễn Bính":

..."Anh mang theo xuống đất cái thời
Đến nghĩ ngợi cũng cần xin phép".


Nhà thơ Trần Nam Hương, trong bài "Tạ lỗi cánh đồng" đã thổ lộ:

"Đã có một thời nỗi đau ta phải giấu
Ta đánh mất ta trong nửa con người
Bài thơ phải cắt đi phần thật nhất
Trang báo ta cầm chỉ đọc những niềm vui".


Hậu quả của sự thống trị cộng sản là cả một nền văn học, nghệ thuật, giáo dục, đạo đức của miền Bắc bị lụn bại, méo mó, què quặt và hầu như cả một thế hệ trí thức, văn nghệ sĩ miền Bắc bị đánh gục, bị dìm trong nỗi sợ triền miên. "Cứng" như Nguyễn Tuân mà cũng sợ. Đến cuối đời, ông đã bộc bạch: "Tao còn sống đến bây giờ là nhờ biết sợ". Cố nhiên, có những người không sợ, nhưng số đó rất hiếm. Có lẽ Nguyễn Chí Thiện là nhà thơ trẻ tuổi độc nhất vô nhị, đơn thương độc mã, dùng thơ ca dũng cảm chiến đấu chống đảng cộng sản, chống ách thống trị cộng sản. Nhưng những lời thơ hùng tráng, tiếng ca thống thiết của ông, cũng như chính con người của ông bị đảng cầm quyền giam chặt, giấu kín trong trại tù 27 năm trời, nên hầu như không mấy ai biết đến. Cho đến giờ, thơ ông vẫn là đồ quốc cấm.

Hãy sám hối!

Nói đến trách nhiệm chính trong vụ án "Nhân Văn - Giai Phẩm", cũng như trong sự méo mó, què quặt của nền văn học, nghệ thuật, giáo dục, đạo đức của miền Bắc trong một thời gian dài thì phải kể trước hết đến Bộ chính trị Trung ương đảng đứng đầu là Chủ tịch đảng Hồ Chí Minh và các Tổng bí thư Trường Chinh, Lê Duẩn (Trường Chinh làm Tổng bí thư cho đến tháng 9/1956; Hồ Chí Minh kiêm nhiệm Tổng bí thư từ tháng 9/1956 đến tháng 9/1960; Lê Duẩn làm Tổng bí thư từ tháng 9/1960 cho đến khi mất)


Bộ chính trị thực tế độc quyền quyết định mọi việc. Còn trực tiếp phụ trách tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục hồi đó là Trường Chinh, cho nên trách nhiệm trực tiếp của Trường Chinh rất lớn. Vâng, chính ông Trường Chinh ấy đã từng làm chủ tịch ủy ban cải cách ruộng đất, một cuộc cải cách rập khuôn Trung Quốc, đã gây ra bao nhiêu tang thương cho dân tộc. Có người cho rằng sau cải cách ruộng đất, Trường Chinh bị mất uy tín lớn vì những sai lầm nghiêm trọng đã bị phát hiện, nên vớ lấy cơ hội có tư trào "Nhân Văn - Giai Phẩm" này để lập công với đảng hòng lấy lại uy tín. Ý kiến đó đúng hay sai thì còn phải bàn cãi. Nhưng điều này thì chắc chắn: Trung ương đảng đã chịu nhận những "sai lầm" trong cải cách ruộng đất, đã cho Trường Chinh thôi chức Tổng bí thư, nhưng lại vẫn để ông làm ủy viên Bộ chính trị và Trung ương đảng lại vẫn để Bộ chính trị rập khuôn Trung Quốc đem phương pháp "đấu tố" ở Trung Quốc để áp dụng đối với trí thức và văn nghệ sĩ Việt Nam, cho nên, trách nhiệm của Trung ương đảng rất lớn.

Cùng chịu trách nhiệm, phải đặc biệt nói đến Tố Hữu, chính ông là người bày mưu đặt kế, giúp Trung ương "chỉ huy" cái mà ông gọi là "trận giao phong tư tưởng" này. Ông là người hùng hổ, hò hét cổ vũ và trực tiếp điều khiển mọi việc "đấu tố", đàn áp trí thức, nên nhiều người cho là ông làm với tinh thần tâng công để leo lên địa vị cao. Có người nói: Tố Hữu là Hồ Viết Thắng trên "mặt trận" văn hóa, văn nghệ. Sự so sánh đó có mặt đúng vì cả hai ông đều dùng phương pháp rất tàn bạo, người thì đối với nông dân, người thì đối với trí thức, và đã gây ra vô vàn đau thương cho người dân. Nhưng có mặt không đúng là Hồ Viết Thắng sau đợt 5 cải cách ruộng đất, đợt mà đảng gọi là "chiến dịch Điện Biên Phủ ở nông thôn", hy vọng sẽ được vào Bộ chính trị, thì ông bị đưa ra khỏi Trung ương; còn Tố Hữu, sau trận đàn áp trào lưu "Nhân Văn - Giai Phẩm", thì lên như diều: được đưa vào Ban bí thư, rồi vào Bộ chính trị. Nhưng sự so sánh đó đúng hay không đúng thì chẳng mảy may làm giảm nhẹ số phận bi đát của người dân bình thường.


Cùng chịu trách nhiệm, cũng phải đặc biệt nhắc đến Lê Đức Thọ, ủy viên Bộ chính trị, trưởng ban tổ chức trung ương, Nguyễn Chí Thanh, ủy viên Bộ chính trị, chủ nhiệm Tổng cục chính trị quân đội, Trần Quốc Hoàn, ủy viên Bộ chính trị, bộ trưởng Bộ công an và Hoàng Quốc Việt, ủy viên Bộ chính trị (từ tháng 9.1960, ủy viên Trung ương), viện trưởng Viện kiểm sát tối cao, là những người góp phần đắc lực nhất trong vụ đàn áp này.


Ngoài ra, không thể không nhắc tới đám "cai tù văn nghệ" như Hoài Thanh, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Chương, Hồng Chương, Xuân Trường, Như Phong, Quang Đạm, Hoàng Xuân Nhị, Hồng Cương, Chính Hữu, v.v... cùng với lũ bồi bút theo đóm ăn tàn và công an văn hóa đã góp sức đàn áp, đấu tố, trừng trị, đè nén văn nghệ sĩ, trí thức cả về mặt thể chất lẫn về mặt tư tưởng, tinh thần. Họ đã được đảng cầm quyền trả công xứng đáng, đãi ngộ hậu hĩnh.


Cùng chịu trách nhiệm với Trung ương đảng, còn phải nói đến toàn bộ đảng cộng sản cầm quyền, trong đó có cả người viết những dòng này, vì hồi đó là một thành viên và cán bộ của đảng. Mọi đảng viên đều phải chịu trách nhiệm về việc làm của đảng. Hồi đó, hoặc vì mê muội, sùng bái cấp trên, hoặc vì sợ sệt ngậm miệng làm thinh để được an thân, nên nói chung, các đảng viên phó mặc Trung ương đảng muốn làm gì thì làm. Lẽ nào vì thế mà tránh né được trách nhiệm trong việc này?


Cùng chịu trách nhiệm còn phải nói đến chính bản thân văn nghệ sĩ, trí thức miền Bắc hồi đó, nhất là các vị có uy tín lớn, vị thế cao. Những văn sĩ, thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà phê bình nổi tiếng từ thời tiền chiến, nhờ tương đối có tự do sáng tác mà đã tạo nên những bông hoa tươi thắm của nền văn học, nghệ thuật nước nhà một thời, thì nay nhiều người vì sợ hãi đã phải đứng vào - hoặc bị lùa vào - trận tuyến chống "Nhân Văn - Giai Phẩm", gượng gạo phê phán hoặc miễn cưỡng ký tên vào những bản tuyên bố, tố cáo... Số im hơi lặng tiếng được thì rất ít. Ngoài ra, còn một số không ít đã xông tới với tâm địa tâng công, hùa theo "đánh đòn hội chợ" vào các bạn đồng nghiệp đang tranh đấu gay go cho nền tự do chung, cho tự do tư tưởng, tự do sáng tác.

Chính giữa lúc lưỡi gươm chuyên chính vô sản (mà thực ra có phải là chuyên chính của giai cấp vô sản đâu, thậm chí cũng không phải là của đảng, mà là của một nhóm nhỏ mấy người!) đang giáng xuống đầu các văn nghệ sĩ khao khát tự do, các trí thức nặng tình với dân chủ, thì hồi tháng 7.1957, nhà thơ trữ tình Xuân Diệu, tác giả các tập "Thơ thơ" và "Phấn thông vàng" nổi tiếng hồi tiền chiến, lại tung ra bài thơ "Chuyên chính vô sản", có những câu đọc lên nghe rợn cả người vì sự suy đồi đạo đức:

..."Ôi êm ái khi tay cầm vũ khí,
Chuyên chính của ta là thép cương kiên..."
..."Mặc chúng nó kêu lá rụng, hoa tàn
Tôi thẳng thắn ngợi ca nền chuyên chính".


Chế Lan Viên, tác giả tập thơ "Điêu tàn" nổi tiếng, cũng hăng hái không kém, ông xông xáo đang cố ngoi lên để được chỗ ngồi cao, được trọng vọng trong "bàn tiệc lớn", để rồi khi ở buồng riêng viết trong bài "Bánh vẽ" với những câu nghe đến xấu hổ:

"Chưa cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp..."


Thế thì còn nói chi đến lớp văn nghệ sĩ đàn em!


Khi nói đến trách nhiệm chung và riêng, người viết những dòng này không nhằm mục đích kêu gọi hận thù, càng không phải để kêu gọi báo thù! Không! Ngàn lần không! Mà chính là để mọi sự phải được minh bạch, rõ ràng trước Lịch sử. Lịch sử mà Lê Đạt đã nói đến trong bài thơ "Nhân câu chuyện mấy người tự tử":

"Lịch sử luôn luôn duyệt lại
Không ai lừa được cuộc đời
Rồi các anh sẽ phải trả lời
Trước tòa án ngày mai".

Khi chúng tôi nói đến trách nhiệm, chính là để kêu gọi một sự sám hối chung và riêng trước Lương tâm của mỗi người (4). Vì chỉ có sự sám hối chân thật mới có thể bảo đảm chắc chắn trong tương lai sẽ không còn sự lộng hành, độc tài độc đoán và những tấn thảm kịch của nhân dân sẽ không còn tái diễn. Vì chỉ có sự sám hối chân thật mới hy vọng xóa bỏ được cái chế độ cực quyền mà phần lớn loài người đã vứt ra bãi rác của Lịch sử, mới hy vọng xây dựng nên một xã hội tự do, dân chủ đích thực trên đất nước ta.

"Cởi trói" ?

Tháng 10 năm 1987, trong một cuộc gặp mặt văn nghệ sĩ, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã tuyên bố "cởi trói" cho văn nghệ sĩ. Báo chí Hà Nội đưa tin "anh chị em văn nghệ sĩ hồ hởi, phấn khởi hoan nghênh" lời tuyên bố đó. Hầu như không mấy ai nhận rõ toàn bộ tính chất lăng nhục văn nghệ sĩ, trí thức trong cái chữ "cởi trói" trịch thượng ấy, vì nó khẳng định tình cảnh "bị trói", bị mất tự do của họ từ trước đến nay dưới chế độ của đảng, vì nó xác nhận rõ ràng tính chất độc tài, đảng trị của chế độ, vì nó nhấn mạnh quyền tối thượng của đảng cộng sản trong việc quyết định số phận của họ, theo lối nói dân gian là "quyền sinh quyền sát" trong tay đảng, vì nó chứng thực thân phận nô lệ của họ: "trói" hay "cởi trói", hay "lại trói" cũng là quyền của đảng! Chắc là Tổng bí thư đảng không hề có ý định lăng nhục trí thức, văn nghệ sĩ, nhưng cái tâm lý của kẻ thống trị độc quyền đã thâm căn cố đế, ăn sâu vào tiềm thức các lãnh tụ cộng sản đến nỗi chữ đó phụt ra từ miệng Tổng bí thư một cách hoàn toàn tự nhiên! Và chúng ta chẳng lạ gì khi thấy hai năm sau, đảng không còn nhắc đến chính sách "cởi trói" nữa, còn dây dợ trói buộc vốn có trong tay đảng thì đã từ từ thít chặt lại rồi! Thời kỳ "lại trói" đã bắt đầu từ năm 1989!


"Cởi trói" cho văn nghệ sĩ là một đề tài rộng. Ở đây, chỉ xin đề cập đến việc "cởi trói" cho văn nghệ sĩ, trí thức đã từng tham gia hoặc ủng hộ tư trào "Nhân Văn - Giai Phẩm" mà thôi. Chúng ta đã thấy gì? Những người bị giam giữ lần lượt và lẳng lặng ra khỏi tù, một số đổi án tù thành quản thúc, sau đó bỏ cả việc quản thúc, nhưng cơ quan an ninh vẫn bí mật coi họ là "đối tượng" để theo dõi. Rồi họ nhận được thẻ cử tri, được đi bầu quốc hội, dù chẳng có quyết định chính thức của một tòa án nào khôi phục quyền công dân cho họ. Hồi 1989, một số đã "được cho sinh hoạt lại" ở Hội nhà văn, nhưng không ai được trở lại công việc của họ. Rồi một số được mời đi dự Đại hội nhà văn. Gần đây một số đã được lĩnh tiền hưu. Thế là hết! Không một lời công khai của đảng và chính phủ nhận "lỗi", xin "lỗi"! Không một lời chính thức "minh oan"! Không một sự phục hồi danh dự, bồi thường danh dự!


Giới lãnh đạo cộng sản nhất mực từ chối việc chính thức và công khai xét lại vụ án "Nhân Văn - Giai Phẩm" kéo dài trên 30 năm trời. Họ cãi chày cãi cối: "Sự việc xảy ra đã lâu rồi, nhiều người không còn sống nữa, thì chẳng nên nhắc lại làm gì chuyện cũ", mặc dù ai cũng biết là đại đa số những người trong vụ án ấy vẫn sống sờ sờ trước mặt họ! Thậm chí trắng trợn hơn, Trần Trọng Tân, ủy viên Trung ương đảng, trưởng ban tư tưởng, văn hóa trung ương, đã tuyên bố: "Đảng có sai đâu mà phải xét lại!" Nghe nói nhà văn Phùng Quán đã gửi đơn cho Tòa án tối cao và Viện kiểm sát tối cao đòi nhà nước phải bồi thường thiệt hại vật chất cho văn nghệ sĩ bị kết án oan trong vụ "Nhân Văn - Giai Phẩm", nhưng cả tòa án lẫn viện kiểm sát của cái nhà nước tự xưng là "pháp quyền" ấy đã lờ tịt! Thật là một thái độ gian giảo của một kẻ quịt nợ!


Tập đoàn thống trị cộng sản hiện nay sợ nhắc đến và xét lại vụ án "Nhân Văn - Giai Phẩm", sợ "rút dây động rừng", vì lôi ra ánh sáng vụ án ấy thì còn biết bao nhiêu vụ án khác nữa! Từ những vụ ám hại các thủ lĩnh và đảng viên các đảng phái đối lập hay có thể trở thành đối lập, các vụ đàn áp, tàn sát các tu sĩ, tăng ni, tín đồ Công giáo, Phật giáo, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tin Lành...; các vụ giam cầm hãm hại những người bất đồng chính kiến, như việc bỏ tù nhà thơ Nguyễn Chí Thiện 27 năm trời, cho đến các cuộc đàn áp, thanh trừng nội bộ, như "vụ án xét lại - chống Đảng" (còn gọi là "vụ án Hoàng Minh Chính"), vụ án Hoàng Văn Hoan và những người cùng tư tưởng với ông, trong đó có thượng tướng Chu Văn Tấn...; cho đến các vụ đàn áp, bắt bớ, ám hại tăng ni, Phật tử trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; cho đến gần đây là "vụ án Nguyễn Đan Quế và Cao trào Nhân bản", "vụ án Đoàn Viết Hoạt và Diễn đàn Dân chủ", các vụ án các Thầy Hải Tạng, Trí Tựu, Hải Thịnh, Hải Chánh, Hạnh Đức, vụ án đàn áp, bắt bớ những người đứng đầu Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ, v.v... 


Đó là chưa kể đến những "vụ án" trong cải cách ruộng đất, vụ đàn áp nông dân Quỳnh Lưu và các nơi khác đã nổi dậy, các "vụ án" trong các cuộc "cải tạo xã hội chủ nghĩa", các vụ án ở các vùng dân tộc thiểu số, v.v... và v.v... Nếu lôi ra ánh sáng tất cả các vụ ấy thì ta sẽ thấy phơi bày ra cả một chuỗi dài tội ác đối với nhân dân mà kẻ tội phạm chắc chắn sẽ là tập đoàn thống trị cộng sản. Đó là lý do tại sao họ không chịu xét lại bất cứ một vụ án nào kể từ ngày họ cầm quyền đến nay. Về mặt này thì họ rất ngoan cố.

Hồn tự do bất diệt

Trước nguy cơ sụp đổ vì khủng hoảng trầm trọng của chế độ xã hội chủ nghĩa, giới cầm quyền đã phải nới lỏng phần nào về kinh tế, trong lúc vẫn siết chặt về chính trị, rồi lớn tiếng hô to là "cởi trói", "đổi mới". Nhưng những trò ảo thuật đó khó lọt qua cặp mắt sáng suốt của nhiều người. Ngay từ năm 1988, nhà thơ Nguyễn Duy đã hỏi:

"Đổi mới thật không hay giả vờ đổi mới?
Máu nhiễm trùng ta có thể thay chăng?"


Dù vậy, văn nghệ sĩ, trí thức cũng không bỏ lỡ cơ hội để vươn lên. Tinh thần "Nhân Văn - Giai Phẩm", hồn tự do bất diệt, bị đè nén, vùi dập hơn 30 năm, giờ lại trỗi dậy và đã tạo nên một bước chuyển mình mới của văn học, nghệ thuật, với Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu, Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Quang Lập, Phùng Gia Lộc, Trần Mạnh Hảo, Lê Lựu, Xuân Cang, Trần Huy Quang, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Duy, Trần Vàng Sao, Thanh Thảo, Xuân Quỳnh, Bùi Minh Quốc... trong văn thơ; Trần Văn Thủy, Đặng Nhật Minh, Việt Linh... trong điện ảnh; Văn Cao, Hoàng Diệp... trong âm nhạc; Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Bửu Chỉ... trong hội họa; Lưu Quang Vũ, Tất Đạt... trong ngành kịch; Lại Nguyên Ân, Nguyễn Đăng Mạnh, Hoàng Ngọc Hiến, Vương Trí Nhàn... trong lý luận và phê bình. Và rất nhiều người khác nữa thuộc thế hệ mới lên.


Thế nhưng, tập đoàn thống trị cộng sản run sợ khi thấy văn nghệ sĩ xông xáo lao vào những đề tài vô cùng bức xúc của xã hội, phanh phui những hành vi tội lỗi xúc phạm đến cuộc sống của con người, vạch trần những bất công xã hội và tầng lớp bóc lột mới trong xã hội - bọn cường hào mới, những cán bộ có chức có quyền ức hiếp thường dân, thì đảng vội vàng "lại trói" văn nghệ sĩ, trí thức: tờ "Lang Bian" ra đến số 3 thì bị đóng cửa, tổng biên tập Bùi Minh Quốc bị khai trừ ra khỏi đảng; tạp chí "Sông Hương" cũng bị đóng cửa, tổng biên tập Tô Nhuận Vĩ bị thi hành kỷ luật; nhà văn Nguyên Ngọc bị cách chức tổng biên tập tuần báo "Văn Nghệ"; nhà báo Vũ Kim Hạnh bị cách chức tổng biên tập báo "Tuổi Trẻ"... chỉ vì các báo và các tổng biên tập ấy đã mạnh dạn " đổi mới", dám nói lên sự thật hoặc một phần sự thật! Thật là nghịch lý


Đảng tuyên bố "đổi mới" thế mà những tờ báo, nhà báo, nhà văn... hăng hái "đổi mới" lại bị đảng trừng phạt! Thanh trừ xong các tờ báo và tổng biên tập mạnh dạn "đổi mới", đảng càng siết chặt chế độ kiểm duyệt và bắt đầu đàn áp mạnh những người tranh đấu cho tự do, dân chủ. Tháng 4 năm 1991, nữ văn sĩ Dương Thu Hương, tác giả "Bên kia bờ ảo vọng", "Những thiên đường mù", "Tiểu thuyết vô đề", đã bị bắt giam, những người ngưỡng mộ nhà văn cũng bị trù dập, bắt bớ. Trên 1000 nhân vật nổi tiếng ở phương Tây đã lên án hành động độc tài của nhà cầm quyền Việt Nam và đòi phải trả tự do cho nhà văn gan dạ. Phu nhân của Tổng thống Pháp Francois Mitterand cũng đã trực tiếp can thiệp. Cuối cùng nhà cầm quyền Hà Nội buộc lòng phải thả nhà văn ra. Tiếp đó họ lại bắt bớ, giam cầm, rồi đưa ra xử án rất nặng những chiến sĩ đấu tranh cho nhân quyền và tự do, dân chủ, như bác sĩ Nguyễn Đan Quế, sáng lập viên Cao trào Nhân bản, giáo sư Đoàn Viết Hoạt và nhóm "Diễn Đàn Tự Do", bất chấp sự phản đối của dư luận thế giới. Đến cả những người lãnh đạo Câu lạc bộ Những người kháng chiến cũ, như các ông Tạ Bá Tòng, Nguyễn Hộ... cũng không thoát khỏi sự đàn áp, giam cầm, quản thúc.

Tuy nhiên, khác hẳn với thời kỳ những năm 50, 60, văn nghệ sĩ, trí thức Việt Nam không còn khiếp sợ như trước: tình trạng a dua, hùa theo lãnh đạo để đánh bạn cầm bút hầu như không còn thấy, trừ một vài cá biệt "lộn giống" - nhà văn-chỉ điểm; trái lại, đang âm ỉ sự chống đối ngấm ngầm, thầm lặng đôi khi đã trở thành công nhiên, trực diện; một số tác phẩm văn nghệ bị cấm ở trong nước đã được đưa ra nước ngoài xuất bản, như "Ly Thân" của Trần Mạnh Hảo, "Tiểu Thuyết Vô Đề" của Dương Thu Hương và những bài luận văn của Hà Sĩ Phu (Nguyễn Xuân Tụ), Nguyên Phong Hồ Hiếu, Lữ Phương, Nguyễn Kiến Giang, Linh mục Chân Tín, v.v... Cùng với tiếng nói vô úy đại hùng của Hòa thượng Thích Huyền Quang, quyền Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đã vang lên những lời lẽ đanh thép của Dương Thu Hương, tiến sĩ Phan Đình Diệu, nhà ngôn ngữ họa Nguyễn Phan Cảnh... tố cáo chế độ cực quyền.


Hồn tự do bất diệt dù bị đè nén, vùi dập, nhưng vẫn âm ỉ, ngấm ngầm chờ dịp lại bùng lên. Bùng lên! Cho đến ngày chế độ cực quyền cộng sản đã bị loài người lên án, sẽ phải sụp đổ trên đất nước chúng ta. Cũng như Nguyễn Chí Thiện đã tiên đoán cách đây mấy chục năm, chúng ta tin rằng ngày đó nhất định sẽ đến:

"Sẽ có một ngày,
Con người hôm nay
Vất súng, vất cùm, vất cờ, vất Đảng,
Đội lại khăn tang, quay ngang vòng nạng oan khiên,
Về với miếu đường, mồ mả gia tiên"
Mấy chục năm trời bức bách lãng quên
Bao nhiêu thù hận tan thành mây khói ..."


Tác giả: Mạc Định - nhà biên khảo lão thành Hoàng Văn Chí