Phan Khôi: Lãnh đạo tinh thần Nhân Văn Giai Phẩm




Xuất thân trong một dòng họ mà người dựng nghiệp là Bà Cố, một phụ nữ độc lập, kiên cường, được giáo dục trong ý chí bất khuất của người thầy Trần Quý Cáp, chịu ảnh hưởng môi trường Duy Tân từ buổi thiếu thời, Phan Khôi có đầy đủ điều kiện để trở thành nhà trí thức tranh đấu cho dân chủ lừng danh của thế kỷ XX.

Ngày nay một phần tác phẩm Phan Khôi đã được in lại, nhưng cuộc đời thực của ông vẫn chưa được soi tỏ. Hệ thống xuyên tạc và bôi nhọ Phan Khôi trong hơn nửa thế kỷ đã tạo cho quần chúng sự e ngại khi nhắc đến tên ông, nỗi hoài nghi về con đường tranh đấu của ông.

Chúng tôi cố gắng tìm lại cuộc đời đích thực của Phan Khôi, ưu tiên qua những điều do chính ông viết ra, lượm lặt trong các truyện ký, truyện ngắn như: Lịch sử tóc ngắn, Chuyện bà cố tôi, Bạch Thái công ty thơ ký viên, Đi học đi thi, Ông Bình Vôi, Ông Năm Chuột và bài trả lời phỏng vấn, do bà Phan Thị Nga (vợ Hoài Thanh) viết lại, năm 1936. Những tài liệu của gia đình như Phan Khôi niên biểu của Phan Cừ, Phan An (Chương Dân thi thoại, Đà Nẵng, 1996) và Nhớ cha tôi (Đà Nẵng, 2001) của Phan Thị Mỹ Khanh, về niên biểu, cũng phỏng chừng, nhiều sự kiện trước sau lẫn lộn, có chỗ viết sai. Những bài đánh Phan Khôi của Nguyễn Công Hoan, Đào Vũ... dù rất nhơ bẩn, nhưng có vài chi tiết dùng được, bởi những người này đã có dịp gần Phan Khôi trong 9 năm kháng chiến, nghe ông kể nhiều chuyện rồi xuyên tạc đi, để buộc ông tội phản quốc.



Tóm tắt tiểu sử và niên biểu

- Sinh: 6/10/1887 (20/8/Đinh Hợi) tại làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Mất: 16/1/1959 tại Hà Nội. Cha: Phan Trân. Mẹ: Hoàng Thị Lệ, con gái tổng đốc Hoàng Diệu.

- Bút hiệu: Chương Dân, Khải Minh Tử, Tân Việt (chung với Diệp Văn Kỳ, Nguyễn Văn Bá), Thông Reo (chung với Nguyễn An Ninh), Tú Sơn (phiên âm chữ Tout Seul-Một Mình, để nhại Tú Mỡ)... Riêng trên báo Sông Hương (1936-1937), có hơn 10 tên khác nhau: Phan Khôi, Sông Hương, Ngự Sử, Phan Nhưng, Tú Vườn, Bê Ca, K, PK, TV, ... chắc chắn là Phan Khôi; còn TT, TM, PTT... có thể cũng là Phan Khôi. Vì vậy việc xác định văn bản Phan Khôi không dễ dàng.


- 1906, đỗ tú tài Hán học (những nơi ghi 1905 là sai vì 1905 không có kỳ thi hương).

- 1906-1907: Bỏ khoa cử, học quốc ngữ và chữ Pháp (với Lê Thành Tài). Hoạt động trong phong trào Duy Tân. Theo Phan Châu Trinh cắt tóc ngắn, làm bài Vè cúp tóc.

- 16/2/1908 ra Hà Nội học tiếng Pháp ở trường Đông Kinh Nghiã Thục, nhưng tới nơi, trường đã bị đóng cửa. Lánh về Nam Định, học với Nguyễn Bá Học được 3 tháng thì bị bắt giải về Quảng Nam. Bị tù 3 năm. Trong tù, làm bài Dân quạ đình công, tự học tiếng Pháp, nhờ thầy Ưng Điển (các con ông ghi Ưng Diễn) ra bài. 1911, ra tù. 

- 1912, vào học trường dòng Pellerin ở Huế được vài tháng, bà nội mất, trở về làng chịu tang, rồi ở lại quê.

- 1913, kết hôn với Lương Thị Tuệ, quê huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, con Lương Thúc Kỳ, đỗ cử nhân 1900, làm quan tại Huế; sau dạy trường Dục Thanh (trường đầu tiên của phong trào Duy Tân, mở năm 1905 ở Phan Thiết). 

- 1908, Lương Thúc Kỳ bị bắt, bị tù Côn Đảo tới 1917. Bà Lương Thị Tuệ có 8 con: Phan Thao, Phan Cừ, Phan Thị Hựu Khanh, Phan Thị Bang Khanh, một con trai chết lúc 10 tuổi (năm 1935), Phan Thị Mỹ Khanh, Phan Thị Tiểu Khanh, Phan Trản. Bà Nguyễn Thị Huệ, vợ thứ nhì, gặp tại Hà Nội, chung sống từ 1935, có ba con: Phan Nam Sinh, Phan Thị Thái, Phan Lang Sa (sau tự đổi tên thành Phan An Sa).

- 1913-1916, Phan Khôi mở trường dậy học tại quê nhà.

- 1916 triều đình bỏ thi lối cũ (khoa thi hương cuối, ở Bắc: 1915 và ở Trung: 1918). Phan Khôi nghỉ dậy, trở lại trường học tiếng Pháp với thầy Lê Hiển (các con ông ghi Lê Hiên), cùng với học trò. Thái Phiên rủ tham gia kháng chiến vua Duy Tân, nhưng Phan không nhận. Lý do: không tin tưởng ở cách mạng bạo động, chọn con đường hoạt động văn hoá.

- 2/1918 - 5/1919, Nguyễn Bá Trác giới thiệu vào Nam Phong, viết bài quốc ngữ đầu tiên, trên Nam Phongsố 8 (2/1918), khai trương mục Nam Âm thi thoại, diễn đàn phê bình thơ sớm nhất ở Việt Nam. Đi Huế với Phạm Quỳnh dự tế Nam Giao (19/3/1918 - 3/4/1918).

- 6/1919, bỏ Nam Phong vào Sài Gòn, viết cho Quốc dân diễn đàn; rồi Lục Tỉnh Tân Văn, ít lâu sau bị sa thải vì viết bài công kích một viên chức cao cấp Pháp sắp lên làm toàn quyền

- Tháng 9/1919, Phan Khôi trở về quê Quảng Nam.

- 3/1920 ra Hải Phòng, làm thư ký cho Bạch Thái Bưởi (1/5/1920 đến 31/12/1920).

- Cuối 1920: Nhận việc dịch Kinh Thánh (dịch toàn bộ Tân Ước và 1/3 Cựu Ước) trong 5 năm (1920-1925) từ bản Hán và Pháp văn ra quốc ngữ.

- 1921-1922, viết cho Thực Nghiệp dân báoHữu Thanh ở Hà Nội.
1922 Phan Khôi vào Nam, có thể đã liên lạc và hoạt động với nhóm Nguyễn An Ninh, Dejean de la Bâtie, khi Nguyễn An Ninh từ Pháp về lập báo La Cloche fêlée (1923).

- 1922-1925: Xuống Cà Mau ẩn náu. Học tiếng Pháp qua thư từ với Dejean de la Bâtie. Tiếp tục dịch Kinh Thánh.

- 1925, Phan Châu Trinh từ Pháp về, giao cho Phan Khôi việc viết lại lịch sử đời ông.

- 24/3/1926 Phan Châu Trinh mất: Phan Khôi soạn bản Hiệu triệu quốc dân đi dự đám tang Phan Châu Trinh và viết Lịch sử Phan Châu Trinh.

- 1926-1928: Phan Khôi viết cho các báo Thần Chung, Đông Pháp thời báo, Văn Học, ở Sài Gòn và Đông Tây ở Hà Nội. Tháng 5/1928, phê bình Trần Huy Liệu, đặt vấn đề "Viết sử cho đúng" trên Đông Pháp thời báo.

- 1929-1932: Thời kỳ hoạt động mạnh nhất, viết cho các báo Thần Chung, Phụ Nữ Tân Văn (PNTV), Trung Lập, ở Sài Gòn; Đông Tây, Phổ Thông, ở Hà Nội, đặt những vấn đề:
  • 1929, Phê bình Khổng giáo trên Thần Chung. Nữ quyền và Viết tiếng Việt cho đúng trên PNTV. 1930, Khai sinh thể loại bút chiến văn học với Phạm Quỳnh và Trần Trọng Kim trên PNTV. 
  • 1931, viết bài Cái cười của con rồng cháu tiên trên PNTV, phê bình cuốn Cay đắng mùi đời của Hồ Biểu Chánh: đây là bài phê bình văn học đầu tiên viết theo lối hiện đại. 
  • Đầu năm 1932, công bố bài Một lối "thơ mới" trình chánh giữa làng thơ và bài thơ Tình già, cả haiđược coi là bản tuyên ngôn của Thơ mới,trên Tập văn mùa xuân, báo Đông Tây, rồi PNTV.
- 1933 ra Hà Nội viết cho Thực Nghiệp và Phụ Nữ thời đàm. 1934 về Huế viết cho Phụ Nữ Tân Văn tái bản, rồi làm chủ bút báo Tràng An.

- 1936-1937: Lập báo Sông Hương tại Huế (1/8/1936-27/3/1937). Viết cho Hà Nội báo. Xuất bản Chương Dân thi thoại (1936).

- 1937-1941: Vào Sài Gòn dậy trường Chấn Thanh. Viết tiểu thuyết. In cuốn Trở vỏ lửa ra (1939). Viết báo Tao Đàn từ tháng 3/1939. 1940, viết cho Dân Báo. 1941 trường Chấn Thanh đóng cửa. Phan Khôi về Quảng Nam ở đến 1946.
19/8/1945: Việt Minh cướp chính quyền. 2/3/46: Thành lập chính phủ liên hiệp. 6/3/1946: Hồ Chí Minh ký hiệp định sơ bộ với Pháp.

Theo Nguyễn Công Hoan, tháng 6/1946, trong một buổi mít tinh ở Quảng Nam, Phan Khôi lên diễn đàn đả phá hiệp định sơ bộ. Phan Khôi được bầu làm Chủ nhiệm chi bộ Quảng Ngãi của Việt Nam Quốc dân đảng.

Theo Hoàng Văn Chí: Cán bộ địa phương định phá hủy nhà thờ Hoàng Diệu, Phan Khôi cực lực phản đối, họ toan bắt Phan Khôi, nhưng nể Phan Thao con trai ông, là cán bộ cao cấp. Phan Khôi viết thư cho Huỳnh Thúc Kháng (Bộ trưởng Nội vụ trong chính phủ liên hiệp) nhờ can thiệp. Hồ Chí Minh giải quyết khéo léo: viết thư mời Phan Khôi ra Hà Nội, nhưng giao cho Phan Bôi, em họ (tức Hoàng Hữu Nam, Ủy viên Trung ương đảng, Thứ trưởng bộ nội vụ), phụ trách việc quản thúc. Phan Khôi ra Hà Nội, nhưng không chịu ở nhà Phan Bôi, lên 80 Quan Thánh ở với Khái Hưng.

Theo Nguyễn Công Hoan, đêm 12/7/1946, công an bao vây nhà Khái Hưng, Phan Khôi bị bắt tại đây. Theo Hoàng Văn Chí, sau ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), Phan Bôi được lệnh đưa Phan Khôi lên Việt Bắc. Phan dịch sách và làm biên khảo. Theo Đào Vũ, nhà cửa, ruộng đất của gia đình Phan Khôi ở Điện Bàn bị tịch thu trong Cải cách ruộng đất.

- 1954 - 1955: Về Hà Nội, gặp lại vợ con từ Quảng Nam ra. Ở số 51 Trần Hưng Đạo.

- 1956: Lãnh đạo tinh thần phong trào NVGP. Làm chủ nhiệm báo Nhân Văn.

- 1957: Được cử đi Bắc Kinh dự lễ kỷ niệm 100 năm sinh Lỗ Tấn, có Tế Hanh đi cùng.

- 1958: Nhân Văn Giai Phẩm bị thanh trừng. Phan Khôi bị đuổi khỏi 51 Trần Hưng Đạo, dọn về 10 Nguyễn Thượng Hiền, rồi 73 phố Thuốc Bắc.
Phan Khôi mất ngày 16/1/1959. Chôn ở nghĩa trang Hợp Thiện, phía đông Hà Nội. Trên mộ đề Chương Dân. Mộ phần bị "thất lạc" trong chiến tranh (theo gia đình).
Tinh thần bất khuất từ nhỏ

Thủa nhỏ Phan học chữ nho và chịu ảnh hưởng ông nội nhiều hơn cha. Năm lên bảy, mẹ qua đời. Khi cha đi nhậm chức tri phủ Diên Khánh, gửi Phan về bên ngoại cho người cậu làm tri phủ, là con cả Tổng đốc Hoàng Diệu trông nom. Ông phủ mướn thày dạy học con trai và Phan Khôi, nhưng ít lâu sau, Phan xin cha cho học nơi khác. Tại sao? Phan không nói rõ.

Nhưng sau này qua lời Ông Năm Chuột, Phan Khôi gián tiếp cho biết: Ông ngoại (Tổng đốc Hoàng Diệu) hết sức thanh liêm, làm Tổng đốc mà không có tiền lợp lại mái nhà (do ông bà để lại) đã tróc ngói. Người cậu làm tri phủ ba năm đã mua được mươi mẫu ruộng. Ông ngoại đánh Pháp, tuẫn tiết mà chết. Người cậu theo Pháp đàn áp nghiã quân.

Điều này chứng tỏ: từ lúc 8 tuổi, Phan đã nhìn rõ hành động của người cậu tri phủ, và đó chính là lý do khiến Phan xin cha cho học chỗ khác. Phan Trân gửi con cho Trần Quý Cáp. Phan Khôi học Trần Quý Cáp 10 năm, từ 9 tuổi đến 19 tuổi. Trần Quý Cáp là người thầy tiếp tục vun xới tinh thần ái quốc ở Phan Khôi.

Trong Đi học đi thi, Phan Khôi viết: "Tôi từ nhỏ có tư bẩm thông minh lạ. Lên 13 tuổi đã "cụ thể tam trương": Nghiã là về lối văn khoa cử, kinh nghiã ở trường nhất, thi phú trường nhì, văn sách trường ba tôi đều làm được cả trong tuổi ấy. Ông nội tôi và ông thân tôi đều để hy vọng vào tôi nhiều lắm. Ông nội tôi sống đến năm tôi 16 tuổi, đi thi khoa đầu, hỏng trường nhất, rồi người mới mất".

- 16 tuổi, Phan Khôi đi thi lần đầu (khoa 1903) hỏng trường nhất.

- 19 tuổi (1906), thi lần thứ nhì, chỉ đậu tú tài. Phan Khôi tức giận lắm.

Bởi từ khoa Giáp Ngọ (1894) trở đi, các học quan bắt đầu ăn đút lót, chấm gian, và đến khoa Bính Ngọ (1906) thì bị kiện. Phan Khôi viết: "Tôi là một kẻ đứng đơn với bọn Dương Thưởng kiện sự "thủ sĩ bất công" hồi khoa Ngọ, tôi đã làm cho mấy ông quan trường bị giáng bị cách thì tôi còn sợ gì mà chối?"

Vì vụ kiện này mà những kỳ thi sau, chính phủ bảo hộ phái người vào kiểm soát.
Và đó cũng là một trong những lý do tại sao Phan Khôi bỏ lối học khoa cử.

Ngoài ra Phan còn cho biết: "Nguyễn Bá Trác (1881-1945) đi thi năm Bính Ngọ (1906) không phải để đỗ, mà để làm bài thuê,kiếm tiền cho phong trào Đông du, rút cục lại đỗ cử nhân. Chính Nguyễn Bá Trác đã rủ Phan Khôi bỏ học. Phan học tiếng Pháp với Phan Thành Tài tại trường Diên Phong (trường đầu tiên của phong trào Duy Tân ở Quảng Nam). Sau Phan Thành Tài tham gia cuộc chính biến vua Duy Tân (1916), bị xử tử."

Năm 1906, đánh dấu ngõ quặt quan trọng trong cuộc cách mạng duy tân và cuộc đời Phan Khôi: bỏ học, theo Phan Châu Trinh cắt tóc ngắn, cổ động cắt tóc và làm bài Vè cúp tóc.

1906: cắt tóc và làm vè cúp tóc

Việc cắt tóc và mặc âu phục do Phan Châu Trinh chủ trương năm 1906, là một hành động duy tânphản kháng: chống cổ hủ. Hai năm sau, khi vụ biểu tình chống thuế xẩy ra (còn gọi là Trung Kỳ dân biến, 1908), chính quyền bèn kết hợp: việc cúp tóc với việc biểu tình chống thuế, thành hành động nổi loạn, chống lại nhà cầm quyền.

Trong bài tự truyện Lịch sử tóc ngắn đăng trên báo Ngày Nay năm 1939, Phan Khôi kể lại đầy đủ các chi tiết: Từ 1906 trở về trước, đàn ông Việt vẫn để tóc dài rồi búi lại đằng sau ót thành một cái đùm. Ngoài Bắc thì đàn bà vấn tóc, còn từ Huế trở vào, đàn bà cũng búi tóc, thành thử nhìn sau lưng có thể lẫn lộn đàn bà với đàn ông. Giữa lúc toàn dân đang còn để tóc dài, thì vua Thành Thái đã cắt tóc ngắn, mặc đồ Tây và ông bắt cận thần phải cắt tóc. Năm 1905, vua ngự giá vào Quảng Nam, bị dân chúng chế nhạo. Năm sau, phong trào cắt tóc được Phan Châu Trinh phát động:

"Mùa đông năm 1906, thình lình ông Phan Châu Trinh đi với ông Nguyễn Bá Trác đến nhà tôi. Đã biết tin ông Phan mới ở Nhật về, tiên quân tôi chào mừng một cách thân mật với câu bông đùa này:“Cửu bất kiến quân, quân dĩ trọc!” Bấy giờ tôi có mặt ở đó, câu ấy khiến tôi phải chú ý xem ngay đầu ông Phan. Thấy không đến trọc, nhưng là một mớ tóc ngắn bờm xờm trong vành khăn nhiễu quấn.

Ở chơi nhà tôi ba hôm, lúc đi, ông Phan rủ tôi cùng đi sang làng Phong Thử, nơi hiệu buôn Diên Phong, là một cơ quan của các đồng chí chúng tôi lúc bấy giờ mới lập được mấy tháng. Tại đó, gặp thêm ông cử Mai Dị nữa, rồi bốn người chúng tôi cùng đi thuyền lên Gia Cốc, thăm ông Học Tổn (...) Giữa bữa cơm sáng đầu tiên, khi ai nấy đã có chén hoặc ít hoặc nhiều, ông Phan mở đầu câu chuyện, nói:

− Người đời, nhất là bọn nhà nho chúng ta, hay có tánh rụt rè, không dám làm việc. Mỗi khi có việc đáng làm, họ thường tìm cớ trách trút, có khi họ nói: Việc nhỏ, không xứng đáng. Trong ý họ, đợi đến việc lớn kia. Nhưng nếu họ đã có ý không muốn làm thì đối với họ việc nào cũng sẽ là nhỏ cả, thành thử cả đời họ không có việc mà làm!...

Ông Phan lúc đó gặp ai cũng hay diễn thuyết. Những câu chuyện luân lý khô khan như thế, mấy hôm nay ông đem nói với bọn tôi hoài, thành thử khi nghe mấy lời trên đó của ông, không ai để ý cho lắm, cứ tưởng là ông phiếm luận. Thong thả, ông nói tiếp:

− Nếu lấy bề ngoài mà đoán một người là khai thống hay hủ lậu thì trong đám chúng ta ngồi đây duy có ba anh − vừa nói ông vừa chỉ ông Trác, ông Dị và tôi − là hủ lậu hơn hết, vì ba anh còn có cái đùm tóc như đàn bà.

Cả mâm đều cười hé môi. Ba chúng tôi bẽn lẽn. Ông Phan lại nói: 

− Nào! Thử “cúp” đi có được không? Đừng nói là việc nhỏ; việc này mà các anh không làm được, tôi đố các anh còn làm được việc gì! Câu sau đó, ông nói với giọng rất nghiêm, như muốn gây với chúng tôi vậy. Ông Mai Dị đỏ mặt tía tai:

− Ừ thì cúp chứ sợ chi!
− Thì sợ chi!
− Thì sợ chi! 

Ông Trác rồi đến tôi lần lượt phù họa theo (...) Ông Mai Dị được hớt trước rồi đến hai chúng tôi. Mỗi người đều đầy ý quả quyết và tin nhau lắm, chẳng hề sợ ai nửa chừng thoái thác (...) Ở Gia Cốc về, chúng tôi chưa về nhà vội, còn định trú lại Diên Phong mấy ngày. Ở đó, chúng tôi yêu cầu các ông Phan Thúc Duyện, Phan Thành Tài, Lê Dư cũng làm như chúng tôi; luôn với năm, sáu mươi vừa người làm công, vừa học trò, đều cúp trong một ngày.  

Rồi hễ có vị thân sĩ nào đến chơi là chúng tôi cao hứng lên diễn thuyết, cổ động, khuyến họ cúp thảy cả. Trong số đó có ông tiến sĩ Trần Quý Cáp, thầy chúng tôi và các ông tú Hữu, tú Bân, tú Nhự, còn nhiều không kể hết. Ít hôm sau, ông Huỳnh Thúc Kháng ở Hà Đông ra, cũng cúp tại đó, chính tay ông Lê Dư cầm kéo hớt cho ông Huỳnh dù ông Lê chưa hề biết qua nghề hớt là gì.

Hôm ở Diên Phong về nhà, tôi phải viện ông Lê Dư đi về với. Thấy hai chúng tôi, cả nhà ai nấy dửng dưng. - Trước tôi mảng tưởng về nhà chắc bị quở dữ lắm, nhưng không, thầy tôi tảng lờ đi, bà tôi càng lạnh lùng hơn nữa, chỉ ba chặp lại nhìn cái đầu tôi mà chặc lưỡi. Dò xem ý bà tôi, hẳn cho rằng tôi đã ra như thế là quá lắm, không còn chỗ nói! (...)

Qua đầu năm 1907 giở đi, thôi thì cả tỉnh nơi nào cũng có những bạn đồng chí về việc ấy (...) Lúc này không còn phải cổ động nữa, mà hàng ngày có những người ở đâu không biết, mang cái búi tóc to tướng đến xin hớt cho mình. Bởi một ý đùa, tôi đặt một bài ca dao cho Đoan để mỗi khi hớt cho ai thì ca theo nhịp đó:           

              “Tay trái cầm lược,
               Tay mặt cầm kéo,
               Cúp hè! Cúp hè!
               Thẳng thẳng cho khéo!
               Bỏ cái hèn mầy,
               Bỏ cái dại mầy,
               Cho khôn, cho mạnh,
               Ở với ông Tây!” v.v…

"Giữa lúc đó có lời phao đồn ở Diên Phong, chúng tôi hay cưỡng bách người ta hớt tóc, đến nỗi khuyên không nghe mà rồi đè xuống cắt đi, thì thật là thất thực, không hề có thế bao giờ. Sự cưỡng bách ấy nếu là có trong vụ “xin xâu” năm 1908, do những kẻ cầm đầu đoàn dân thi hành. Tôi vắng mặt trong vụ ấy, nhưng sau nghe nói lại rằng mỗi một đoàn dân kéo đi, giữa đường nếu có ai xin gia nhập thì đều buộc phải hớt tóc; hoặc khi đoàn dân nghỉ ở một cái chợ thì người cầm đầu đứng ra diễn thuyết, bắt đàn ông trong chợ đều phải hớt tóc rồi mới cho nhập bọn đi theo mình. Cũng nhờ vậy mà sau vụ này, thấy số người tóc ngắn tăng giá lên rất nhiều. Hớt tóc cũng là một cớ buộc tội trong vụ án năm 1908 ở mấy tỉnh Trung Kỳ. Làm người không có việc gì cả, chỉ đã hớt tóc mà cũng bị ghép vào mặt luật bất ưng vi trọng, phải 18 tháng tù. Lại, cuộc phiến loạn năm 1908 ấy, trong các ký tài của người Pháp cũng gọi là “cuộc phiến loạn của đảng hớt tóc” (Révolte des cheveux tondus). Xem đó đủ thấy hớt tóc ở thời đại ấy bị coi là nghiêm trọng dường nào".

(Trích Lịch sử tóc ngắn, Tự truyện của Phan Khôi, Ngày Nay số 149, 15/2/1939).

Thụy Khuê