Sai lầm của Việt Nam Quốc Gia - GS Lê Xuân Khoa


Bài học lịch sử này được trích từ Chương 10, cuốn "Việt Nam 1945-1995 – Chiến tranh, Tị nạn và Bài học Lịch sử" của Giáo sư Lê Xuân Khoa. Trước 1975, GS Lê Xuân Khoa giảng dạy Triết học Đông phương ở Đại học Văn Khoa và là Phó Viện trưởng Đại học Saigon. Sau 1975, ông là Chủ tịch Trung tâm Tác Vụ Đông Nam Á (Southeast Asia Resource Action Center) và Giáo sư Thỉnh giảng tại trường Cao Học Nghiên cứu Quốc tế (SAIS) và Viện Chính sách Đối ngoại (FPI) thuộc Đại học Johns Hopkins, Washington, DC. Năm 1996, GS Lê Xuân Khoa về hưu và hiện cư ngụ tại Irvine, California.

Chương 10 Sai lầm của Việt Nam Quốc Gia          

Chương Một và Chương Năm trên đây đã có dịp phân tích những nguyên nhân thất bại của các đảng phái quốc gia trong cuộc tranh giành với đảng cộng sản vai trò lãnh đạo dân tộc chống thực dân Pháp, từ trước 1945 cho đến hội nghị Genève 1954. Chính phủ Trần Trọng Kim, thuộc phe quốc gia nhưng không chống Việt Minh, đã được đánh giá khá đầy đủ ở chương Một. Chương này sẽ chỉ nhận định khái quát về các chính quyền quốc gia trong cuộc chiến tranh chống Pháp, trước và sau Hiệp định Élysée (Auriol-Bảo Đại) năm 1949, và chú trọng nhiều hơn vào những chính phủ ở miền Nam trong hai mươi năm xung đột với miền Bắc. Thời kỳ hậu-Genève này gồm có Đệ nhất Cộng Hòa với chính quyền Ngô Đình Diệm (1955-1963), bốn năm chuyển tiếp gồm Hội đồng Quân nhân Cách mạng, các chính phủ Nguyễn Ngọc Thơ, Nguyễn Khánh, Trần Văn Hương, Phan Huy Quát, Nguyễn Cao Kỳ (1963-1967), và cuối cùng là Đệ nhị Cộng Hòa với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu (1967-1975).

Sai lầm căn bản của tất cả các chính phủ quốc gia là không có một chính sách và một chiến lược hữu hiệu để tranh thủ nhân tâm chống lại chiến dịch tuyên truyền của chính phủ cộng sản miền Bắc. Trong cuộc “chiến tranh nhân dân” do đảng cộng sản điều động, mặt trận chính trị còn quan trọng hơn cả mặt trận quân sự, vì quan hệ giữa quân với dân được ví như cá với nước, không có nước (dân) thì cá (quân) không sống được. Bộ đội du kích kiểm soát được dân bằng cách sống gần gũi với dân và nhờ sự che chở của dân, mặc dù cũng đe dọa hay trừng phạt dân trong những trường hợp bất hợp tác. Cán bộ cộng sản làm công tác tuyên truyền không rao giảng chủ nghĩa Mác-Lênin mà chỉ nhấn mạnh vào chính nghĩa của cuộc chiến là lòng yêu nước: nếu trước kia chống thực dân Pháp để đòi lại độc lập thì nay chống đế quốc Mỹ để cứu nước và bảo vệ độc lập. Ngoài ra, vì đối tượng chính là dân chúng ở nông thôn, cuộc tuyên truyền được nhấn mạnh vào việc bôi xấu chế độ VNCH và thổi phồng những “tội ác của Mỹ-Ngụy,” trong khi hứa hẹn đem lại cho dân chúng một cuộc sống yên ổn, hạnh phúc và tự do hơn.

Trước khi kiểm điểm những sai lầm của các chính quyền quốc gia, ta hãy đánh giá tính chất chính đáng của các chính quyền ấy qua hai cuộc chiến tranh từ 1945 đến 1975. Để cho việc nhận định về các chính quyền chống cộng không bị thiếu sót, những chính quyền do Pháp dựng nên trước khi Quốc Gia Việt Nam chính thức thành lập do Hiệp định Élysée 1949 cũng cần được nhắc đến.

Ngay sau khi Hiệp định Sơ bộ 6 tháng Ba 1946 được ký kết, Pháp đã chuẩn bị cho ra đời một Chính phủ Nam kỳ Tự trị nhằm chống lại điều khoản đầu tiên của hiệp định dự liệu tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để cho nhân dân ba miền ở Việt Nam tự quyết định về vấn đề thống nhất lãnh thổ. Ngày 12 tháng Ba, ủy viên Cộng hòa Pháp ở miền Nam Jean Cèdile tuyên bố Hiệp định 6 tháng Ba chỉ có tính cách địa phương giữa ủy viên Cộng hòa Pháp ở miền Bắc là Sainteny và Việt Minh, không có giá trị đối với phần lãnh thổ ở phía Nam vĩ tuyến 16. Lời phủ nhận của Cèdile trái ngược với quyết định của chính phủ Félix Gouin chấp thuận hiệp định này. Trong cùng một ngày, Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh, đại biểu Hội đồng Tư vấn Nam kỳ, đề nghị với Cèdile cho Nam Kỳ tiến đến tự trị bằng cách được hưởng những điều kiện tương tự như Hiệp định Sơ bộ 6 tháng Ba cho miền Bắc. (1)

Sau một chiến dịch bằng báo chí như tờ Tân Việt và Le Populaire, và một loạt những cuộc biểu tình do Đảng Dân Chủ Nam Kỳ và Mặt Trận Bình Dân Nam Kỳ tổ chức, Cédile sắp đặt cho một phái đoàn do Nguyễn Văn Xuân cầm đầu sang Pháp ngày 23 tháng Tư để vận động cho Nam Kỳ tự trị. Đây là âm mưu của d’Argenlieu và Cédile nhằm mục đích phá Hội nghị Việt-Pháp về vấn đề thi hành Hiệp định Sơ bộ khai mạc ngày 19 tháng Tư tại Đà-lạt. Phái đoàn Nguyễn Văn Xuân tới Paris ba ngày trước khi một phái đoàn Quốc Hội Việt Nam do Phạm Văn Đồng hướng dẫn sang viếng thăm thiện chí Quốc hội và Chính phủ Pháp. Ngày 11 tháng Năm, hội nghị Đà-lạt không đạt được kết quả, phải hoãn vô thời hạn. Hồ Chí Minh quyết định sang Paris để hỗ trợ cho phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Fontainebleau như một nỗ lực cuối cùng cho việc thi hành hiệp định sơ bộ. Phái đoàn Việt Nam đáng lẽ do Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam cầm đầu, nhưng ông Tam vào ngày chót cáo bệnh không đi nên Phạm Văn Đồng, khi đó đang ở lại Paris để chờ phái đoàn, được chỉ định làm trưởng đoàn. Hồ Chí Minh cùng phái đoàn lên đường ngày 31 tháng Năm thì ngay ngày hôm sau, 1 tháng Sáu, Chính phủ Tự Trị Nam Kỳ được thành lập. (2)

Chính phủ Nam kỳ Tự trị do Nguyễn Văn Thinh cầm đầu được Pháp cho ra đời chính là để phủ nhận Hiệp định sơ bộ 6 tháng Ba và phá hoại những cố gắng cứu vãn hòa bình của Hồ Chí Minh tại Hội nghị Fontainebleau. Chính phủ ấy gồm một số trí thức và nghiệp chủ thân Pháp đích thực là một chính phủ bù nhìn dựa vào thế lực của Pháp, hoàn toàn không có một cơ sở chính đáng nào về chủng tộc và lịch sử, và đi ngược lại nguyện vọng của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, nghĩ cho cùng, những người chủ trương Nam kỳ tự trị không hẳn là những người phủ nhận gốc rễ chủng tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc. Ngoài cảm tình và lòng ngưỡng mộ văn hóa Pháp mà họ chịu ảnh hưởng sâu đậm hơn do quy chế thuộc địa, họ còn có những quyền lợi vật chất và tinh thần cần được bảo vệ trước viễn tượng của một nước Việt Nam thống nhất dưới chế độ cộng sản. Do đó, chủ trương Nam kỳ tự trị cần được hiểu như một nhu cầu chính trị, một phản ứng tự vệ của một địa phương trước sự đe dọa bị chiếm đoạt và trừng phạt của một chính quyền cộng sản trung ương từ miền Bắc. Muốn tự vệ và bảo vệ quyền lợi của mình, giới trí thức và nghiệp chủ ở miền Nam không có đủ khả năng chống lại làn sóng cách mạng do Việt Minh lãnh đạo nên bắt buộc phải dựa vào đồng minh là Pháp để hai bên cùng có lợi. Lúc này Bảo Đại chưa xuất hiện như một giải pháp và một cơ hội cho các đảng phái quốc gia có thể liên kết với nhau thành một lực lượng chính trị đối phó với Việt Minh.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh, Thủ tướng Chính phủ Nam Kỳ Tự Trị, được biết là một người có lòng tốt và không có đầu óc kỳ thị Nam-Bắc, ngoài nhu cầu chính trị trước mắt. Khi miền Bắc bị nạn đói năm 1945, ông đã đáp ứng lời kêu gọi của chính phủ Trần Trọng Kim, thành lập một tổ chức quyên được khá nhiều tiền cứu giúp nạn nhân đói kém. Vụ ông treo cổ tự tử sau hơn bốn tháng làm thủ tướng, dù vẫn còn là một nghi vấn chưa được giải đáp rõ rệt, được nhiều người tin là vì ông bất mãn với những lời hứa hẹn không thực hiện của Pháp về những quyền lợi chính trị và kinh tế của miền Nam, và ông hối hận vì đã tin tưởng sai lầm vào chính phủ Pháp. Cựu Hoàng Bảo Đại cũng xác nhận như vậy.

Sau khi Lê Văn Hoạch được Hội Đồng Tư vấn Nam Kỳ bầu làm Thủ tướng thay thế Nguyễn Văn Thinh, vai trò của Bảo Đại càng ngày càng được nhắc đến như một giải pháp thích hợp, có thể được Pháp và Hoa Kỳ hỗ trợ để đối phó với cộng sản và xây dựng một nước Việt Nam độc lập, dân chủ thân Tây phương. Giữa tháng Hai 1947, Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp (MTQGLH) (3) họp ở Nam Kinh ra tuyên ngôn ủng hộ Cựu Hoàng Bảo Đại để thành lập một chính phủ đoàn kết quốc gia. Các nhân vật chính trị miền Nam như Nguyễn Văn Tâm, Trần Văn Tỷ, Nguyễn Tấn Cường, Trần Văn Hữu bắt đầu chuyển hướng sang lập trường thống nhất ba kỳ. Ngày 23 tháng Tám, Thủ tướng Lê Văn Hoạch tiếp xúc với Bảo Đại ở Hong Kong và khi trở về muốn cải tổ chính phủ theo chiều hướng của MTQGLH nhưng gặp khó khăn từ phía Pháp và một số người trong Hội đồng Tư vấn Nam kỳ. Ngày 9 tháng Chín, Bảo Đại triệu tập ở Hong Kong hội nghị tham khảo MTQGLH và đại diện các đảng phái chính trị và tôn giáo từ ba miền ở trong nước. Hội nghị ra tuyên cáo chung yêu cầu Bảo Đại ra cầm quyền và mở cuộc đàm phán với Pháp nhằm đem lại hòa bình và độc lập cho Việt Nam. Ngày 18 tháng Chín, Bảo Đại ra tuyên cáo với quốc dân, nhắc đến việc hai năm trước ông đã từ bỏ ngai vàng của tổ tiên để tránh một cuộc đổ máu giữa người Việt và người Việt. Ông cho biết đã chọn cuộc sống lưu vong để không gây trở ngại cho chính quyền mới mà đa số nhân dân khi đó đã lựa chọn vì tin tưởng sẽ đem lại được hòa bình và hạnh phúc cho dân tộc. Tuy nhiên sau hai năm kinh nghiệm đau thương, nhân dân mong mỏi đất nước thoát khỏi nạn chiến tranh và được sống dưới một chế độ chính trị mới. Vì vậy, ông long trọng tuyên bố:

Đáp lời kêu gọi của quốc dân đồng bào, tôi nhận lãnh nhiệm vụ được quốc dân giao phó và sẵn sàng tiếp xúc với nhà cầm quyền Pháp. Tôi sẽ cùng với họ xem xét một cách khách quan những đề nghị đã nhận được.

Trước hết, tôi muốn đạt được độc lập và thống nhất đúng với nguyện vọng của đồng bào, tiến đến các thỏa hiệp về những đảm bảo giữa đôi bên, và có thể đoan chắc rằng lý tưởng mà chúng ta đã anh dũng theo đuổi trong một cuộc chiến khốc liệt sẽ phải đạt được.

Như vậy, tôi sẽ tận lực hòa giải mối mâu thuẫn giữa các nhóm với nhau, bởi vì một khi chúng ta đã đạt được mục đích thì không có gì có thể chống lại việc vãn hồi hòa bình. Tôi muốn duy trì nền hòa bình này để đem lại an ninh và thịnh vượng cho đồng bào. Thời gian sẽ làm dịu bớt những tình cảm mãnh liệt. Trong tình đoàn kết, tất cả mọi người Việt Nam sẽ xây dựng lại xứ sở đẹp đẽ của chúng ta trên những nền tảng mới, khơi nguồn sinh lực trong những truyền thống mạnh mẽ của chúng ta.” (
4)

Vì Pháp vẫn muốn duy trì chính phủ Nam kỳ tự trị, ngày 29 tháng Chín, chính phủ Lê Văn Hoạch từ chức. Nguyễn Văn Xuân được Hội đồng Tư vấn ủy cho lập chính phủ mới. Đây là một lỗi lầm rất lớn của Pháp vì phá hoại chính nghĩa quốc gia của các chính phủ do Bảo Đại cầm đầu sau này.

Điều đáng tiếc là phe quốc gia đã bỏ lỡ những cơ hội tốt đẹp nhất cho giải pháp Bảo Đại có thể đạt được mục tiêu độc lập và thống nhất cho đất nước. Hội nghị 9 tháng Chín 1947 do Bảo Đại triệu tập ở Hong Kong lần đầu tiên quy tụ được khá đầy đủ đại diện các đảng phái và tôn giáo ở trong và ngoài nước, gây được nhiều tiếng vang và có triển vọng được sự ủng hộ rộng rãi của mọi giới. Theo sử gia Joseph Buttinger, trong một cuộc gặp gỡ ở Hong Kong với William Bullitt, cựu Đại sứ Mỹ ở Pháp và Liên Xô, Bảo Đại được biết là Hoa Kỳ sẽ ủng hộ một chính phủ Việt Nam không cộng sản. (5) Những chính khách chủ trương Nam Kỳ tự trị cũng đã nhận thấy cơ sở chính đáng cho một liên minh chính trị toàn quốc và đã bắt đầu ủng hộ hoặc tham gia vào MTQGLH. Kỳ Ngoại Hầu Cường Để cũng viết thư cho Chủ tịch Quốc Hội Pháp yêu cầu thương thuyết với Bảo Đại. Như vậy, nếu các đoàn thể quốc gia đại diện cho cả ba miền có thể kết hợp thành một lực lượng hậu thuẫn cho Bảo Đại để tranh đấu với Pháp thì chính nghĩa quốc gia sẽ được sáng tỏ và có nhiều hi vọng được Hoa Kỳ và quốc tế ủng hộ. Tuy nhiên, cơ hội này đã bị làm hỏng vì hai nguyên nhân chính:

Thứ nhất, là sự phá hoại của Pháp bằng việc lung lạc Hội Đồng Tư Vấn Nam Kỳ và xây dựng vai trò Nguyễn Văn Xuân trong ý đồ thành lập một Liên Minh Ba Kỳ. Theo sự tiết lộ của Bảo Đại, khi thấy chính phủ Nam Kỳ Tự Trị không có hi vọng tồn tại, các giới chính trị Pháp nghĩ đến một giải pháp “trung đạo”, giữa giải pháp mác-xít và giải pháp quân chủ, nghe có vẻ phù hợp với triết lý Khổng-Mạnh. Ý đồ của ông Xuân là trong giai đoạn đầu thành lập Liên Minh Ba Kỳ: miền Bắc với Hồ Chí Minh, miền Trung với Bảo Đại, và miền Nam với Nguyễn Văn Xuân. Giai đoạn thứ nhì là loại bỏ Hồ Chí Minh cộng sản và Bảo Đại quân chủ để xây dựng một chính thể cộng hòa tiến bộ. Cuộc khủng hoảng chính trị ở Pháp đưa đến sự sụp đổ của chính phủ Ramadier và dư luận bất lợi ở trong nước đã khiến cho ý đồ liên minh ba Kỳ không thể tiến hành được. Nguyễn Văn Xuân đổi tên “Chính phủ Cộng Hoà Nam kỳ Tự trị” thành “Chính phủ Lâm thời miền Nam,” nhưng ý niệm ly khai vẫn còn đó.6

Thứ hai —và đây mới là nguyên nhân chính— là sự bất đồng ý kiến giữa các lãnh tụ chính trị quốc gia. Giải pháp Bảo Đại có nhiều triển vọng thành công trong những năm 1947-1949 khi lực lượng Việt Minh còn yếu kém vì chưa được Liên Xô và Trung Quốc viện trợ. Ý thức được vai trò cần thiết và thời cơ thuận lợi của mình, Bảo Đại đã đòi Pháp những điều kiện có lợi cho Việt Nam hơn là bản hiệp định sơ bộ 6 tháng Ba hay bản tạm ước 14 tháng Chín 1946 giữa Hồ Chí Minh và Marius Moutet. Trong một buổi hội kiến với Dân biểu Walter H. Judd và các thành viên trong Tiểu ban Ngoại vụ của Hạ viện Mỹ thăm Việt Nam vào cuối tháng Mười Một, 1953, Bảo Đại kể lại rằng buổi tối trước ngày ký Hiệp ước Élysée 8.3.1949, Việt Minh đã cử đại diện tới gặp chính phủ Pháp, đặt vấn đề: “Tại sao các ông lại nhượng bộ nhiều thế? Chúng tôi sẽ ký với các ông một hiệp định ngưng bắn khác theo những điều khoản của hiệp định 1946.” (7) MTQGLH có triển vọng trở thành một liên minh chính trị có uy tín, quy tụ được đông đảo các đảng phái chính trị, các tổ chức tôn siáo và đoàn thể quần chúng trên toàn quốc để hậu thuẫn cho Bảo Đại trong những cuộc thương nghị đem lại độc lập, thống nhất và hòa bình cho xứ sở. Khi đó, Hồ Chí Minh cũng muốn điều đình với Pháp, nhưng cần phải ngăn chặn MTQGLH lôi cuốn những phần tử yêu nước không cộng sản trong Mặt trận Việt Minh. Kết quả là một số lãnh tụ quốc gia bị ám sát như Huỳnh Phú sổ, giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo, Nguyễn Văn Sâm, một trong những người cầm đầu MTQGLH, và Trương Đình Tri, Chủ tịch Hội Đồng An Dân Bắc phần và là cựu Bộ trưởng Y tế trong Chính Phủ Liên Hiệp của Việt Minh.

Nhược điểm cố hữu của phe quốc gia là không thể nào kết hợp được với nhau thành một khối, vì khác biệt ý kiến hoặc vì quyền lợi cá nhân hay bè phái. Tất cả các nhà lãnh đạo đảng phái hay đoàn thể tôn giáo, xã hội đều thấy mình quan trọng như nhau, không có một lãnh tụ nào vượt trội có đủ uy tín và quyền lực để mọi người tuân phục như Hồ Chí Minh đối với Mặt trận Việt Minh. Các lãnh tụ chính trị cùng một Đảng như Đại Việt cũng có năm ba phe, chẳng hạn phe Nguyễn Tôn Hoàn (miền Nam) không ưa phe Phan Huy Quát (miền Bắc). Thủ Tướng chính phủ trung ương Trần Văn Hữu chống Thủ hiến miền Trung Phan Văn Giáo, và cuộc vận động của Phan Văn Giáo với Bảo Đại để ông kiêm nhiệm Tư lệnh Sư đoàn miền Trung đã khiến tư lệnh người Pháp Lorillot nhận xét rằng Thủ hiến Giáo muốn tạo ra “một quốc gia trong một quốc gia.” (8) Trần Văn Hữu cũng chống Thủ hiến Bắc Việt Nguyễn Hữu Trí vì ông Trí chỉ trích ông Hữu tham nhũng và kiêm nhiệm quá nhiều bộ (9) và đòi hỏi các Bộ Quốc phòng, Kinh tế và Giáo dục cho đảng Đại Việt. Tướng de Lattre phải can thiệp và hòa giải. Phe Công giáo ở Bùi Chu, Phát Diệm dưới sự lãnh đạo của Giám mục Lê Hữu Từ và Phạm Ngọc Chi thì muốn tồn tại trong tư thế độc lập nên khai thác cả hai phía Hồ Chí Minh và Bảo Đại, tức là vừa kháng chiến chống Pháp vừa nhận viện trợ của chính phủ quốc gia. Số giáo dân khi ấy đi theo Việt Minh cũng còn khá nhiều. De Lattre phải sang Vatican vận động Đức Giáo Hoàng nên vào đầu tháng Mười Một 1951, Khâm Mạng Tòa Thánh tại Đông Dương John Dooley triệu tập Hội Nghị các Giám Mục Đông Dương tại Hà Nội và ra thông cáo chung gửi các tín hữu Ki-tô, nhấn mạnh rằng:

Đức Thánh Cha của chúng ta đã tuyên cáo rằng tuyệt đối không bao giờ có thể vừa theo Cộng sản vừa theo Ki-tô giáo được, và người Ki-tô nào gia nhập đảng cộng sản thì thực tế tách rời khỏi Giáo hội. Chẳng những Đức Thánh Cha cấm các giáo dân không được gia nhập đảng cộng sản mà còn không được cộng tác với họ hay giúp đỡ họ nắm chính quyền dù dưới hình thức nào….(10)

Bảo Đại không phải là một lãnh tụ chính trị có khả năng tổ chức và chỉ huy một Mặt Trận tranh đấu với tinh thần cách mạng, mà chỉ là một khuôn mặt tượng trưng, được kính nể với tư cách một cựu hoàng đế và cựu “cố vấn tối cao” của chính phủ Hồ Chí Minh. Bảo Đại cần có một chính phủ gồm những người yêu nước có uy tín. Trong khi đó, MTQGLH hay bất cứ hình thức liên minh nào khác của các tổ chức quốc gia đều chỉ được thành lập do yêu cầu nhất thời của tình thế, nhưng không thể nhất trí trong đường lối, thống nhất trong cơ cấu tổ chức và kỷ luật làm việc. Với quan niệm lãnh đạo phong kiến cổ truyền, các lãnh tụ chính trị không chấp nhận ý kiến khác biệt hay đối lập và cũng không tuân hành nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số. Bởi thế, các liên minh chính trị quốc gia luôn luôn có một cơ cấu lỏng lẻo, thiếu lãnh đạo, chỉ có bề ngoài dân chủ mà không có tinh thần dân chủ, và vì vậy có thể tan rã dễ dàng.

Các nhà lãnh đạo chính trị quốc gia, vì cạnh tranh với nhau, cần phải chứng tỏ tinh thần ái quốc cao độ của mình nên thường không chịu chấp nhận cả những giải pháp ôn hòa vì không muốn để cho đối phương có lý do chỉ trích hay kết tội là “phản quốc”. Một lãnh tụ có tầm cỡ như Hồ Chí Minh, sau khi ký hiệp định sơ bộ 6 tháng Ba 1946 trong một tình thế phải nhượng bộ để tồn tại, cũng đã phải long trọng thề với quốc dân là “Hồ Chí Minh này không bán nước!” để trấn an lòng bất mãn trong nội bộ Việt Minh và những lời cáo buộc của các đảng phái quốc gia. Khác với Hồ Chí Minh là người cộng sản nhưng sẵn sàng hợp tác với người quốc gia như một phương tiện để đạt tới cứu cánh, Nguyễn Hải Thần và Nguyễn Tường Tam rút ra khỏi MTQGLH sau hội nghị 9 tháng Chín ở Hong Kong vì thấy có một số người thân Pháp từ miền Nam sang tham dự. (Nguyễn Tường Tam là một trí thức không thuộc phái cổ truyền nhưng có tinh thần quốc gia quá khích.) Thái độ không chấp nhận khác biệt và sợ bị mang tiếng nhượng bộ làm bế tắc mọi cuộc thảo luận, làm cùn nhụt tinh thần linh động và sáng tạo, yếu tố cần thiết để đạt được đồng thuận. MTQGLH thay vì được tăng cường lại suy yếu dần đến chỗ tan rã. Ngô Đình Diệm ủng hộ giải pháp Bảo Đại và đã thuyết phục được nhiều nhóm công giáo kháng chiến rời bỏ Việt Minh, rốt cuộc đã từ chối lời yêu cầu của Bảo Đại thành lập chính phủ hồi tháng Năm 1949, cũng chỉ vì không thỏa mãn với bản Hiệp ước Élysée giữa Auriol và Bảo Đại.

Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam và Ngô Đình Diệm đại diện cho nhóm yêu nước quá khích, không coi việc thỏa thuận với Pháp vào những năm cuối thập kỷ 1940 như bước đầu cần thiết để tiến đến độc lập và thống nhất hoàn toàn. Trong khi đó, Hồ Chí Minh là một chính trị gia thực tế và mưu lược, sẵn sàng tạm chấp thuận những điều kiện kém thuận lợi để có đủ thời gian xây dựng lực lượng. Thái độ bất hợp tác của những người chống Pháp cực đoan và tình trạng phức tạp của những đoàn thể quốc gia làm cho Bảo Đại càng ngày càng trở nên cô đơn trước trách nhiệm lịch sử nặng nề. Thêm vào đó là những hoạt động phá hoại của Pháp và những đại điền chủ miền Nam vừa mua chuộc vừa chia rẽ các lực lượng Bình Xuyên, Cao Đài và Hòa Hảo. Việt Minh, dưới sự điều động của tướng Nguyễn Bình, cũng triệt để khai thác cơ hội này. Nhiều nhân vật có khả năng và uy tín không muốn tham gia chính phủ và chọn thái độ “chờ xem”, tạo thành một lớp người mà thuật ngữ đương thời gọi là những “nhân sĩ trùm chăn.” Tình hình đó đã làm cho phe quốc gia không được Hoa Kỳ tin tưởng và ủng hộ mặc dù Hoa Kỳ rất bất mãn với chính sách thực dân của Pháp ở Đông Dương. Thái độ lạnh nhạt của Hoa Kỳ làm cho Bảo Đại rất thất vọng vì, theo nhận định của Bộ trưởng Quốc phòng Phan Huy Quát, “Bảo Đại không thể xác định được chính sách của Mỹ đối với Việt Nam thật ra như thế nào. Mặc dù ông hiểu, và chấp nhận việc Mỹ cần trông cậy vào Pháp trong công cuộc phòng thủ Tây Âu, Bảo Đại thắc mắc không hiểu tại sao Mỹ không hết lòng ủng hộ cho Việt Nam đạt được nguyện vọng gần như hoàn toàn độc lập, đặc biệt là về quân sự, vì một nước Việt Nam mạnh sẽ rất có lợi chẳng những cho Pháp mà còn cho toàn thể khối Tây phương.”

Vốn không phải là một người làm cách mạng cho nên khi gặp hoàn cảnh khó khăn và phức tạp, Bảo Đại dễ chán nản với đời sống chính trị và dễ bị lôi cuốn vào những lạc thú sa đọa của một cựu hoàng thất thế. Kể từ khi được Bảy Viễn mua chuộc bằng tiền của sòng bạc Đại Thế Giới ở Chợ Lớn ngoài số tiền lương bổng, trương mục ngân hàng và bất động sản ở Pháp, Bảo Đại càng ngày càng tránh né trách nhiệm và không còn uy tín của một vị nguyên thủ quốc gia. (12) Tương lai chính trị của Bảo Đại coi như chấm dứt khi ông nhận hối lộ của Bình Xuyên, đồng ý với Pháp ủng hộ tập đoàn mafia này và còn muốn đưa Bảy Viễn ra làm Tổng trưởng.

Đại sứ Mỹ Collins, dù đồng ý với Cao ủy Pháp Ely chống Ngô Đình Diệm, cũng là người không chịu chấp nhận Bảy Viễn trong sinh hoạt chính trị miền Nam.

Một cơ hội thứ hai rất lợi cho giải pháp Bảo Đại là Quốc Dân Đại Hội họp tại Sài-gòn từ 10.10 đến 17.10.1953 với hơn hai trăm đại biểu của ba miền đất nước. Trần Trọng Kim, cựu Thủ tướng không đảng phái, được bầu làm Chủ tịch. Đại Hội này đã làm cho Pháp bị “sốc” bất ngờ vì ra quyết định dứt khoát tuyên bố “nước Việt Nam độc lập không gia nhập Liên Hiệp Pháp” và sau khi thâu hồi đầy đủ chủ quyền “sẽ ký với Pháp một hiệp ước liên minh trên căn bản bình đẳng…” (13) Với tinh thần ái quốc và khí thế hăng say của các đại biểu toàn quốc vào lúc đó, đáng lẽ Đại Hội đã có thể giương cao ngọn cờ chính nghĩa trước dư luận trong nước và thế giới để áp lực Pháp phải nhượng bộ và yêu cầu Mỹ giúp đỡ. Một Hội Đồng hay Ủy Ban Thường Vụ đáng lẽ phải được thành lập ngay sau đó để thiết lập một chương trình hành động giúp cho Bảo Đại có thêm uy thế điều đình, đòi Pháp thực hiện cụ thể những điều cam kết để cho nhân dân trong nước đều thấy rõ. Đáng tiếc là sau Quốc Dân Đại Hội chỉ thấy có những vận động từ phía Pháp nhằm sửa đổi quyết định “quá khích” ngày 17 tháng Mười. Đại sứ Mỹ Heath lúc đó cũng không muốn làm cho Pháp bị mất mặt trong khi các tổ chức chính trị quốc gia chưa tập hợp được thành một lực lượng đáng kể. Cựu Thủ tướng Trần Trọng Kim đã lớn tuổi và suy yếu, sau Đại Hội phải lên Đà Lạt dưỡng bệnh hơn một tháng sau đó thì mất. Không có người lãnh đạo, không có tổ chức phối hợp các hoạt động hậu Đại Hội, các lãnh tụ quốc gia mất dần khí thế và mất luôn cơ hội tốt đẹp này.

Các chính quyền quốc gia sau 1954 cũng không làm nổi bật được chính nghĩa tranh đấu cho tự do dân chủ và không chứng tỏ được bằng những hành động cụ thể sự quan tâm đến an sinh hạnh phúc của nhân dân. Thời Đệ nhất Cộng Hòa, Tổng thống Ngô Đinh Diệm đã có công lấy lại được nền độc lập thật sự cho miền Nam Việt Nam, dẹp tan được cuộc nổi loạn của Bình Xuyên, và đem lại tình trạng ổn định chính trị và xã hội cho dân chúng. Ông đã tạo dựng được cơ sở cho một chế độ dân chủ với triển vọng làm cho vùng lãnh thổ phía Nam vĩ tuyến 17 trở nên phồn thịnh và tự do. So với chế độ cộng sản miền Bắc, chế độ dân chủ ở miền Nam có triển vọng trở thành tương tự như tình trạng giữa Tây Đức và Đông Đức hay Nam Hàn và Bắc Hàn. Tuy nhiên, do quan niệm trị nước lỗi thời đưa đến độc tài gia đình trị, Tổng thống Diệm đã làm mất sự ủng hộ của nhân dân trong nước và chống lại các khuyến cáo của Hoa Kỳ một cách thiếu khôn ngoan đến độ bị đảo chánh và hãm hại.

Ngô Đình Diệm (1901-1963) là một nhân vật có nhiều đức tính đáng khâm phục nhưng cũng có những nhược điểm lớn trong vai trò của một nhà lãnh đạo chính trị. Ông là con thứ tư trong một gia đình chín anh chị em mà bốn người đã bị giết vì lý do chính trị. Thân phụ là Ngô Đình Khả làm Thượng thư bộ Lễ trong triều đình Thành Thái, nhà vua Việt Nam đã bị Pháp lưu đày sang đảo Réunion năm 1916 cùng với hoàng tử kế vị là vua Duy Tân vì cả hai đều mưu đồ chống Pháp. Ngô Đình Khả có hai thành tích đáng kể: thứ nhất là sáng lập trường Quốc Học là trường trung học đệ nhất cấp đầu tiên (thời Pháp gọi là École Primaire Supérieure tức Cao đẳng Tiểu học) vừa dạy bằng tiếng Việt vừa dạy bằng tiếng Pháp ở Huế; thứ hai là không chịu cùng với các đại thần trong triều đình tuân lệnh Khâm sứ Ferdinand Lévecque ký tên chung trong tờ biểu yêu cầu vua Thành Thái thoái vị năm 1907. Vì việc này, ông bị giáng chức và phải về hưu khôngđược lãnh tiền hưu dưỡng. Cũng do việc này, ông đã được dân gian truyền tụng trong câu: “Đày vua không Khả, đào mả không Bài.” (14)

Ngô Đình Diệm học rất giỏi, làm luận văn tiếng Pháp ở trường Quốc Học được chấm hạng nhì. Sau khi đậu bằng Thành Chung Trung học đệ nhất cấp), ông trở về nhà học thêm La-tinh và chữ Nho, hai năm sau 18 tuổi được mời vào dạy trường Quốc Tử Giám. Xăm 20 tuổi thi và được nhận vào trường Hậu Bổ tức là trường đào tạo quan chức. Ba năm sau ông đậu thủ khoa trong số hai mươi người tốt nghiệp, đi tập sự trong hai năm thì được cử làm tri huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị. Năm 1929, mới 28 tuổi, ông được bổ nhiệm làm Tuần phủ tỉnh Phan Thiết. Ông Diệm làm quan nổi tiếng thanh liêm và cương trực, được nhiều người kính phục.

Năm 1932, khi Bảo Đại về nước chính thức cầm quyền dưới chế độ bảo hộ của Pháp, Ngô Đình Diệm được bổ nhiệm làm Thượng thư bộ Nội Vụ với sứ mạng thực hiện cải cách bộ máy hành chánh để thiết lập nền quân chủ lập hiến. Chỉ ba tháng sau, ông xin từ chức vì đề nghị của ông thành lập Viện Dân Biểu với quyền lập pháp không được chính quyền bảo hộ chấp thuận. Hành động này cho thấy thái độ không nhân nhượng về chính trị của ông Diệm khiến giới ngoại giao Mỹ thường gọi ông là con người “all-or-noth- ing” (được tất cả hay không có gì, nói theo kiểu Việt Nam là ‘được ăn cả ngã về không’), một cá tính mà ông đã duy trì cho đến ngày bị hạ sát ba mươi năm sau. Sau khi từ chức Thượng thư, ông lui về sống cuộc đời ẩn dật nhưng vẫn ngấm ngầm ủng hộ các hoạt động chống Pháp của Hoàng thân Cường Để từ bên Nhật. Ông cũng liên lạc cả với những nhà ái quốc Á châu khác như Subha Chandra Bose của Ấn độ và Soekarno của In-đô-nê-si-a là những chính trị gia cũng đang trông cậy vào Nhật trong công cuộc giải phóng đất nước của họ. Do những hoạt động này, ông bị mật thám Pháp nghi ngờ và lùng bắt. Theo Nguyễn Phú Đức, “Ông Diệm trốn thoát và ẩn náu trong nhà của một viên chức toà lãnh sự Nhật ở Huế. Nhiều năm sau, khi đã trở thành Tổng thống miền Nam Việt Nam, ông đã trả ơn cho người bạn Nhật, khi đó đã về hưu khỏi Bộ Ngoại Giao Nhật, bằng cách bổ nhiệm ông ta làm một viên chức không chính thức của Đại Sứ Quán Việt Nam tại Tokyo.” (15) Tháng Ba 1945, sau khi Nhật lật đổ Pháp ở Đông Dương, Bảo Đại muốn tìm Ngô Đình Diệm để trao chức Thủ tướng, nhưng có lẽ để tránh quá lộ liễu trong việc ủng hộ phe Cường Để, Nhật đã đề nghị với Bảo Đại mời Trần Trọng Kim đứng ra lập chính phủ. Nếu ông Diệm ra làm Thủ tướng vào lúc đó thì năm 1954 ông hẳn khó lòng được Hoa Kỳ nhiệt tình hỗ trợ, và cơ hội chính trị có thể đã vào tay ông Phan Huy Quát hay Trần Văn Đỗ.

Ở đây có một nghi vấn cần được giải đáp về lý do ông Diệm không được mời hay không nhận lời làm thủ tướng. Theo Trần Trọng Kim, ông Diệm rất ngạc nhiên về việc người Nhật không cho ông biết chuyện Bảo Đại đang thành lập chính phủ. Ông Kim cũng nhắc lại lời Bảo Đại trả lời ông là đã không liên lạc được với ông Diệm, và khi ông hởi cố vấn Nhật thì lúc đầu được trả lời là chưa biết ông Diệm ở đâu sau lại nói ông Diệm đau chưa về được. (16) Nhưng theo bản hồi ký riêng của cố vấn Nhật Marc Masayuki Yokoyama thì Ngô Đình Diệm đã được mời lập chính phủ nhưng từ chối vì lý do sức khỏe, nhưng ít lâu sau thì Yokohama được biết thật ra ông Diệm từ chối vì hai “lý do bí mật”: thứ nhất là ông đã thề trung thành với Kỳ Ngoại Hầu Cường Để và không muốn phục vụ Bảo Đại mà ông cho là thân Pháp; thứ hai là ông muốn lấy lại Nam bộ và ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng mà lúc này Nhật chưa muốn trả lại cho Việt Nam.(17) Tài liệu của Trần Trọng Kim xem ra đáng tin cậy hơn vì Yokohama viết bản phúc trình cho nhà cầm quyền Pháp dưới dạng hồi ký cá nhân không công bố, còn Trần Trọng Kim viết Một Cơn Gió Bụi năm 1949 được xuất bản công khai khi Ngô Đình Diệm, Bảo Đại và những chứng nhân khác như Hoàng Xuân Hãn và Tùng Hạ đều còn sống, và không có người nào đính chính. Chắc hẳn Yokohama không muốn nhìn nhận lý do ông đã không liên lạc với ông Diệm vì chính phủ Nhật khi đó không muốn bị chỉ trích là ủng hộ phe thân Nhật.

Tháng Chín 1945, sau khi Việt Minh đã nắm được chính quyền ở miền Bắc và miền Trung, Ngô Đình Diệm khi đó đang ở Vĩnh Long với bào huynh là Giám mục Ngô Đình Thục. Ông bỏ ra Huế chưa rõ vì mục đích gì nhưng đến Tuy Hoà thì bị Việt Minh bắt đem ra giam giữ ở Tuyên Quang. Chính trong thời gian này ông được tin ông Ngô Đình Khôi bị giết và đến tháng Hai 1946 thì có cuộc gặp gỡ Hồ Chí Minh-Ngô Đình Diệm ở Hà Nội như đã được tường thuật trong chương trước. Bernard Fall ghi nhận hai nét nổi bật trong con người Ngô Đình Diệm: lòng can đảm không chịu thỏa hiệp dù biết rằng mình có thể bị giết, và tinh thần gia đình đến độ cố chấp vì đã đặt tình nghĩa anh em lên trên quyền lợi chung của quốc gia. Nhiều người có thể nhận xét Ngô Đình Diệm không phải là một chính trị gia khôn ngoan biết thích ứng với tình thế và sử dụng thời cơ nhưng không thể không thán phục lòng can đảm của ông. Vấn đề Ngô Đình Diệm từ chối hợp tác với Hồ Chí Minh cũng không hẳn vì lòng cố chấp đó chuyện ông Ngô Đình Khôi bị giết mà có thể vì ông hiểu rõ dụng tâm chính trị của ông Hồ. Tuy nhiên, tinh thần vì gia đình của ông như được chứng tỏ trong thời gian làm Tổng thống VNCH quả thật là một nhược điểm lớn khiến cho ông trở thành một nhà độc tài gia đình trị.

Năm 1949, sau khi hiệp định Ếlysée được ký kết, Ngô Đình Diệm được Bảo Đại yêu cầu đứng ra thành lập chính phủ mới, nhưng ông từ chối vì không đồng ý với nền độc lập nửa vời mà Pháp trao trả. Thay vì làm Thủ tướng, ông cùng với Giám mục Ngô Đình Thục và bào đệ Ngô Đình Nhu thành lập đảng Xã Hội Thiên Chúa Giáo vừa chống Việt Minh vừa đòi Pháp trả lại độc lập và thống nhất cho Việt Nam. Khi thấy hoạt động trong nước còn gặp nhiều khó khăn và đang bị Việt Minh lùng bắt, ông phải bỏ ra nước ngoài để tìm cách vận động sự giúp đỡ của Hoa Kỳ. Năm 1950, ông cùng Giám mục Ngô Đình Thục sang Nhật tìm cách tiếp xúc với tướng Douglas MacArthur, nhưng không được MacArthur ủng hộ. Do lời khuyên của Wesley Fishel, giáo sư chính trị tại Đại học Michigan, ông Diệm sang Hoa Kỳ để vận động trực tiếp với chính quyền Eisenhower nhưng cũng không thành công vì Hoa Kỳ vừa bận tham chiến ở Triều Tiên vừa không muốn làm mất lòng nước Pháp. Trong khi đó, Giám mục Ngô Đình Thục được Hồng Y Spellman tiếp kiến và nhận lời ủng hộ Ngô Đình Diệm. Năm 1951, sau khi cùng Giám mục Thục sang Rôma, Pháp và Bỉ, ông Diệm trở lại Mỹ và ngụ tại Chủng viện Maryknoll ở Ossiming, New York, sau rời sang Lakewood, New Jersey. Ông được nhiều trường Đại học mời nói chuyện về chiến tranh chông Pháp ở Việt Nam, nhấn mạnh rằng cuộc chiến tranh chống Cộng sản ở Việt Nam sẽ không thể thắng lợi nếu Pháp không chịu trao trả độc lập hoàn toàn cho Quốc Gia Việt Nam. Nhờ sự giới thiệu của Hồng Y Spellman, ông Diệm có nhiều dịp gặp gỡ các nhân vật trong Chính phủ và Quốc hội Mỹ. Dân biểu Walter H. Judd và các Thượng Nghị sĩ Mike Mansfield và John F. Kennedy là những người nhiệt tình ủng hộ ông.

Tháng Năm 1953, Ngô Đình Diệm sang Bỉ, ngụ tại nhà dòng Bénédictine ở Saint-André-les-Bruges. Tại đây ông gặp Linh mục Raymond de Jaegher, tác giả cuốn The Enemy Within (Kẻ Nội Thù), là người có nhiều hiểu biết về hoạt động cộng sản ở Á châu. Linh mục Jaegher sau trở thành cố vấn của chính phủ Diệm. Đầu năm 1954 trước tình hình nguy ngập của Pháp ở Điện Biên Phủ, Bảo Đại lại yêu cầu Ngô Đình Diệm về nước lập chính phủ mới, nhưng ông vẫn từ chối vì Pháp chưa chịu bỏ vai trò chủ động. Cho đến khi hiệp ước Laniel-Bửu Lộc được ký kết ngày 4 tháng Sáu 1954 công nhận Việt Nam hoàn toàn độc lập, (18) ông Diệm mới thấy có điều kiện thuận lợi. Ngày 16 tháng Sáu, ông nhận lời yêu cầu của Bảo Đại thành lập chính phủ với điều kiện được trao toàn quyền về chính trị và quân sự. Ngày 7 tháng Bảy (song thất), Ngô Đình Diệm chính thức cầm quyền với một nội các 18 người. (19)

Ngay từ những ngày đầu, chính phủ Ngô Đình Diệm đã gặp phải nhiều trở ngại quá lớn khiến không một quan sát viên nào dám tin rằng ông có thể vượt qua và tồn tại được. Chưa kịp ổn định cơ cấu chính quyền, thủ tướng Diệm đã bị tướng Nguyễn Văn Hinh, thứ trưởng Quốc phòng kiêm Tổng Tham mưu trưởng, công khai chống đối và tính chuyện đảo chánh. Lê Văn Viễn, tức Bảy Viễn, cầm đầu lực lượng Bình Xuyên, dọa tấn công bằng vũ lực nếu ông Diệm không cho tham gia chính quyền. Do sự mua chuộc các giáo phái của Hoa Kỳ, (20) chưa đầy hai tháng sau ngày thành lập chính phủ, ông Diệm đã phải cải tổ chính phủ với sự tham gia của một số đại diện của Cao Đài và Hoà Hảo. (21) Tuy nhiên, ông cương quyết không chấp nhận Bình Xuyên mặc dù bị áp lực của Bảo Đại. Tinh trạng bấp bênh của Ngô Đình Diệm trong thời gian đầu tiên nắm chính quyền đã được hai sử gia người Pháp Jean Lacouture và Philippe Devillers nhận xét rất đúng như sau:

Các giáo phái Cao Đài, Hoà Hảo và lực lượng Bình Xuyên đã thiết lập được những giang sơn riêng: Cao Đài kiểm soát vùng lầy Bắc, Hoà Hảo vùng Tây Nam, Bình Xuyên vùng ngoại thành Saigon. Ngay trong chính phủ, Diệm cũng phải dành chỗ cho những nhân vật của hai giáo phái. Trong hang ngũ quân đội cũng có những đơn vị của Bình Xuyên. Sau hết, quân đội viễn chinh Pháp, từng bảo vệ đắc lực những người tiền nhiệm của Diệm, đã công khai bày tỏ thái độ không ưa ông… Hơn nữa, các viên chức người Pháp đang còn nắm giữ nhiều chức vụ then chốt trong chính quyền đã không chịu tha thứ cho người kế vị hoàng thân Bửu Lộc về những phương cách đối xử không thân thiện đôi với những điều mà ông coi là “tàn tích của thực dân”. Sau hết, việc Việt Minh nắm chính quyền ở miền Bắc đã đẩy vào miền Nam hàng trăm ngàn dân tị nạn, phần đông là người Công giáo, để cho miền đất nước đã tám năm bị tàn phá vì chiến tranh và kiệt quệ về kinh tế, nay phải chịu thêm gánh nặng. Một xứ sở tan nát, ung thối, ngất ngư, đã bị kết án tử hình nhưng đang được hoãn thi hành, đó là tình trạng Việt Nam khi Ngô Đình Diệm đứng ra lèo lái.” (22)

Tình trạng bất ổn định vẫn tiếp tục vì Pháp không ngừng vận động Hoa Kỳ thay thế Diệm. Bảo Đại cũng theo Pháp chống Diệm, muốn đưa Nguyễn Văn Xuân ra làm Thủ tướng hoặc ít nhất cũng là Phó Thủ tướng với Nguyễn văn Hinh trở lại chức Tổng Tham mưu trưởng và Bảy Viễn làm Bộ trưởng Nội vụ. Các giáo phái cũng đi hàng hai. Trần Văn Soái đi với Diệm nhưng vẫn liên lạc và giúp đỡ Ba Cụt. Chính phủ Diệm chỉ có thể tồn tại nhờ áp lực của Hoa Kỳ đối với Pháp và Bảo Đại mặc dù chính Đặc sứ J. Lawton Collins cũng muốn thay Ngô Đình Diệm. Ngày 19.11, Hinh phải rời khỏi Việt Nam sau khi kế hoạch đảo chánh bị Lansdale phá vỡ. Khi các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo và lực lượng Bình Xuyên dưới danh nghĩa Mặt trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia ra tối hậu thư yêu cầu Diệm phải cải tổ chính phủ trước ngày 26.3.1955, Nguyễn Thành Phương và Trình Minh Thế đều có ký tên. Collins phải triệu Phương và Thế đến gặp để khiển trách và dọa cắt tiền trả lương quân đội Cao Đài. Được sự ủng hộ của Cao ủy Pháp Paul Ely, Bình Xuyên gia tăng các hoạt động đe dọa lật đổ chính phủ. Ngày 30 tháng Ba, Bình Xuyên bắt đầu những hoạt động khiêu khích như tấn công Bộ Tổng Tham Mưu và pháo kích Dinh Độc Lập. Diệm cho quân nhảy dù tấn công Tổng Nha cảnh Sát do Bình Xuyên kiểm soát. Ely cố thuyết phục Collins áp lực Diệm phải nhượng bộ nhưng Diệm vẫn cương quyết không chấp nhận Bình Xuyên. Ngày 1 tháng Tư, Collins đề nghị với Washing­ton cho tiến hành kế hoạch thay thế Diệm. Sau khi tham khảo Thượng Nghị sĩ Mansfield, ngoại trưởng Dulles chỉ thị cho Collins ủng hộ Diệm trong việc loại trừ Bình Xuyên nhưng yêu cầu ông mở rộng thành phần chính phủ, nếu không Mỹ sẽ cúp viện trợ. Collins và Ely dàn xếp được cuộc hưu chiến giữa Bình Xuyên và quân đội chính phủ.

Trước tình trạng căng thẳng và bế tắc giữa cuộc vận động chống Diệm của Pháp-Bảo Đại và lập trường không khoan nhượng của ông Diệm đối với Bình Xuyên, ngày 20 tháng Tư, Collins trở về Washington để thuyết phục chính phủ thay thế Ngô Đình Diệm bằng Phan Huy Quát hay Trần Văn Đỗ. Ngày 26, ông Diệm cách chức Tổng Giám đốc cảnh sát Công an của Lại Văn Sang (Bình Xuyên) và thay thế bằng Đại tá Nguyễn Ngọc Lễ của Quân đội Quốc gia. Sang không chịu bàn giao, tuyên bố chỉ nhận lệnh của Bảo Đại. Bảo Đại cũng yêu cầu Mỹ có biện pháp trong vòng 24 tiếng đồng hồ nếu không sẽ quyết định đơn phương. Sau khi gặp Collins ngày 27.4, Dulles đồng ý gửi điện cho Sứ quán Mỹ ở Sàigon tiến hành kế hoạch thay thế Diệm. (23) Sáng hôm sau, Lansdale gửi điện về Washington yêu cầu tiếp tục ủng hộ Diệm. Vào buổi trưa, Bình Xuyên tấn công Thành Cộng Hoà và pháo kích bằng súng cối vào Dinh Độc Lập. Cuộc chiến giữa lực lượng nổi loạn và quân đội chính phủ chính thức bắt đầu. Bảo Đại cử Nguyễn Văn Vỹ làm Tổng Tư lệnh quân đội và ra lệnh cho thủ tướng Diệm qua Pháp hội kiến. Diệm không chịu tuân hành. Lansdale gửi khẩn điện về Mỹ xác quyết là không có thủ tướng thân Pháp nào chống được cộng sản và Ngô Đình Diệm vẫn là người xứng đáng nhất. Dulles chỉ thị cho Sứ quán ở Sài-gòn hủy bỏ công điện thay thế Diệm và Tổng Thống Eisenhower triệu tập phiên họp của Hội Đồng An ninh Quốc gia. Kết quả là Hoa Kỳ quyết định tiếp tục yểm trợ miền Nam Việt Nam và chỉ trích Pháp không chịu hợp tác.

Một số tác giả cho rằng Hoa Kỳ vội vã hủy bỏ ý định thay thế Ngô Đình Diệm khi thấy ông đánh thắng được Bình Xuyên. Thật ra, Dulles chỉ ra lệnh cho Sứ quán Mỹ ngưng xúc tiến kế hoạch thay thế Diệm để chờ xem kết quả việc ông đối phó với phe nổi loạn. Chỉ đến khi Diệm đã dẹp yên được loạn quân thì Hoa Kỳ mới thực sự ủng hộ và đề cao ông như một đại lãnh tụ. Biên bản phiên họp thứ 246 của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ thuật lại lời của Ngoại trưởng Dulles như sau:

…Những khó khăn hiện thời là do hai nguyên do chính: Thứ nhất là những giới hạn của Thủ tướng Diệm với tư cách lãnh đạo một chính phủ. Trong khi Diệm có những ưu điểm đã được nhiều người biết khỏi cần phải nói tới, thực tế là ông xuất phát từ miền Bắc và ông không tin cậy ở những người khác, có thể với lý do chính đáng. Hơn nữa, ông không muốn trao quyền cho ai. Mặc dù những khuyết điểm ấy, ông Diệm lẽ ra cũng đủ sức đối phó với tình hình nếu không vì một giới hạn căn bản thứ nhì —đó là sự thiếu ủng hộ vững chắc của người Pháp. Trong khi các nhà lãnh đạo chính phủ như (Thủ tướng) Mendès France, (Tổng trưởng) Edgar Fauré và Tướng Ély đã miễn cưỡng hợp tác với Diệm, thì những viên chức thuộc địa Pháp tại Việt Nam đã làm đủ mọi cách để phá hoại ông. Hai giới hạn chính yếu này đã đem lại một tình trạng khiến Tướng Collins phải kết luận là chúng ta cần phải tìm người thay thế Diệm.

Thật ra, chúng ta từ lâu nay đã nói với người Pháp là chúng ta sẵn sàng xem xét việc thay thế Diệm nếu họ có thể kiếm được một người. Họ vẫn chưa làm được việc ấy….

Chiều hôm qua, chúng tôi ở Bộ Ngoại giao đã gửi đi một loạt công điện phức tạp phác thảo những phương cách thay Diệm và chính phủ của ông. Tuy nhiên, vì những biến chuyển và vụ bùng nổ tối hôm qua, chúng tôi đã chỉ thị cho nhân viên Sứ quán ở Sài-gòn hoãn thi hành kế họach thay Diệm. Những biến chuyển trong đêm qua có thể đưa tới việc ông Diệm bị lật đổ hoặc ông sẽ ra khỏi cuộc hỗn loạn như một đại anh hùng. Vì thế chúng ta đang chờ xem kết quả trước khi tính đến việc quyết định ông Quát hay ông Đỗ sẽ là người thay thế
. (24)

Ngày 29.4, thủ tướng Diệm triệu tập một phiên họp với các nhân sĩ chính khách và đại diện 18 đoàn thể tại Dinh Độc Lập tham khảo ý kiến về tình hình chính trị trong nước và mệnh lệnh của Bảo Đại đòi ông sang Pháp. Ngày hôm sau, hơn hai trăm đại diện đoàn thể họp tại toà Đô chính Sài-gòn do lời mời của Nguyễn Bảo Toàn (Việt Nam Dân Xã Đảng), Hồ Hán Sơn (Việt Nam Phục Quốc Hội) và Nhị Lang (Mặt Trận Quốc Gia Kháng Chiến Việt Nam). Hội nghị thành lập Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng Quốc Gia, ra tuyên ngôn đòi truất phế Bảo Đại và yêu cầu Ngô Đình Diệm thành lập chính phủ mới để dẹp loạn Bình Xuyên, thu hồi độc lập hoàn toàn, đòi Pháp rút hết quân về nước và tổ chức bầu cử Quốc Hội.

Ngày 30.4, Quân đội Quốc gia tiến đánh căn cứ chính của Bình Xuyên ở bên kia cầu chữ Y. Sau ba ngày chống cự, Bình Xuyên phải bỏ Sàigòn-Chợ Lớn và rút về cố thủ ở Rừng Sát. Đám tàn quân này hoàn toàn tan rã vào tháng Chín khi quân quốc gia do Đại tá Dương Văn Minh chỉ huy mở chiến dịch Hoàng Diệu càn quét Rừng Sát. Bảy Viễn phải chạy trốn sang Cam-bốt rồi sang Pháp. Sau chiến dịch này, Dương Văn Minh được thăng chức Thiếu tướng. Đầu tháng Sáu, quân quốc gia lại mở chiến địch Đinh Tiên Hoàng tấn công bản doanh của lực lượng Hoà Hảo ở Cái vồn và Thốt Nốt, Long Xuyên. Trần Văn Soái (Năm Lửa) và Lê Quang Vinh (Ba Cụt) phải bỏ chạy sang Cam-bốt.

Những cố gắng tuyệt vọng của Pháp chống Diệm trong quyết định tiêu diệt Bình Xuyên và cưỡng lệnh của Bảo Đại càng làm cho Hoa Kỳ ủng hộ Diệm mạnh hơn. Ngày 10 tháng Năm, ông Diệm cải tổ chính phủ, cắt bớt một số Bộ và giảm thành phần nội các từ 22 người xuống 14, phần lớn là chuvên gia. (25) Cuối tháng Năm, Hoa Kỳ cử Frederick Reinhardt làm Đại sứ thay thế Collins. Đầu tháng Sáu, tướng Ely cũng về Pháp, tướng Jacquot lên thay. Phong trào chống Bảo Đại được phát động mạnh mẽ trong khi Ngô Đình Diệm bác bỏ lời yêu cầu của Phạm Văn Đồng và Hồ Chí Minh mở hội nghị hiệp thương để thảo luận về tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Ngày 23 tháng Mười, một cuộc Trưng cầu Dân ý được tổ chức để dân chúng miền Nam lựa chọn theo Bảo Đại hay Ngô Đình Diệm. Khi đó Bảo Đại đã trở lại thân Pháp và đang ủng hộ Bình Xuyên, do đó chắc chắn là ông phải thất bại vì đã mất hết tín nhiệm trong dân chúng. Tuy nhiên, ban tổ chức trưng cầu dân ý đã sắp đặt cho việc thắng cử của Ngô Đình Diệm quá bảo đảm đến độ ông được tới 98.2 phần trăm phiếu trong khi Bảo Đại chỉ được 1.1 phần trăm. Bằng chứng gian lận lộ liễu nhất là ở nhiều nơi số phiếu ủng hộ ông Diệm nhiều hơn số cử tri. Chẳng hạn riêng vùng Sàigòn-Chợ Lớn có 450,000 cử tri ghi danh mà số phiếu bầu lên tới 605,025.

Ngày 26 tháng Mười, Thủ tướng Ngô Đình Diệm trở thành Tổng thống đầu tiên của miền Nam, quốc hiệu là Việt Nam Cộng Hòa!

Mặc dù nổi tiếng là người có lý tưởng, liêm khiết và can đảm, Ngô Đình Diệm đã phạm nhiều sai lầm chính trị trong hơn tám năm cầm quyền ở miền Nam Việt Nam. Ông có một quan niệm trị nước theo truyền thống Nho giáo trong cương vị của một tín đồ Ki-tô giáo kiên quyết thi hành sứ mệnh mà ông tin tưởng được Thiên chúa trao cho.

Ông Diệm có thể bị chỉ trích là phản lại truyền thống Nho giáo vì ông đã truất phế Bảo Đại, tức là phản lại nguyên tắc “trung quân” (trung thành với vua) của đạo Khổng. Thật ra, tương quan giữa vua (quân) và bầy tôi (thần) theo truyền thống Nho giáo là tương quan hai chiều trên căn bản “lễ” và “trung” như Khổng Tử đã nói: “Quân sử thần dĩ lễ, thần sự quân dĩ trung” (Vua lấy lễ mà khiến bầy tôi, bầy tôi lấy trung mà thờ vua). (26) Mạnh Tử còn diễn giải tương quan vua tôi này một cách rất cụ thể khi nói với Tề Tuyên Vương: “Vua xem bày tôi như tay chân thì bày tôi xem vua như bụng như lòng. Vua xem bày tôi như chó như ngựa thì bày tôi xem vua như người lạ trong nước. Vua xem bày tôi như đất như cỏ thì bày tôi xem vua như giặc như thù.” (27) Bởi thế, khi vua ra những mệnh lệnh trái ngược với ý nguyện của dân, tức là trái với ý trời, bày tôi có quyền cưỡng lại. Xưa kia, Thành Thang đánh vua Kiệt để dựng nhà Thương, Vũ Vương đánh vua Trụ để dựng nhà Chu, được Khổng Tử ghi nhận là làm cách mạng, thuận theo ý trời và hợp với lòng người (Thang Vũ cách mệnh, thuận hồ thiên nhi ứng hồ nhân). Hành động đó được gọi là “điếu dân phạt tội”, tức là cứu dân mà đánh kẻ có tội.

Như vậy, việc Ngô Đình Diệm cưỡng lệnh và truất phế Bảo Đại trong tình thế chính trị ở miền Nam năm 1955 phải được coi là chính đáng, hợp với lòng dân và đúng với triết lý chính trị Khổng-Mạnh. Rõ ràng là sau hiệp định Genève, Bảo Đại không còn tin tưởng gì vào tương lai chính trị của phe quốc gia, cũng không thấy có hi vọng được Hoa Kỳ ủng hộ. Do đó, ông quay về liên kết với Pháp và trông cậy vào những nguồn lợi bất chính do Bình Xuyên cung cấp để tiếp tục cuộc sống vương giả trên đất Pháp. Khi đó, Ngô Đình Diệm một mặt phải lo định cư gần một triệu người tị nạn từ miền Bắc, một mặt cố gắng thâu hồi chủ quyền độc lập ở miền Nam để tạo dựng chính nghĩa quốc gia chống lại miền Bắc cộng sản. Riêng về điểm sau này, ông vừa phải ngăn chặn những âm mưu đảo chánh trong nội bộ do Tham mưu trưởng Nguyễn Văn Hinh cầm đầu, vừa phải đối phó với những nhóm giáo phái làm chính trị và lực lượng phiến loạn Bình Xuyên được Pháp khuyến khích và ủng hộ. Ngô Đình Diệm chỉ chống lại Bảo Đại khi thấy Bảo Đại đã phạm vào những lỗi lầm chính trị và đạo đức trái ngược với quyền lợi của quốc gia dân tộc.

Tuy nhiên, khi Ngô Đình Diệm đã làm chủ được tình hình chính trị và quân sự ở miền Nam thì ông lại bắt đầu thiết lập một chế độ độc tài gia đình trị. Có thể nói rằng quan niệm trị nước của ông Diệm căn bản là quan niệm “dân chi phụ mẫu” (cha mẹ của dân) của đạo Khổng mà ông đã thực hiện từ thời ra làm quan gần ba mươi năm về trước. Ông cương quyết đòi lại nền độc lập cho quốc gia và thành thật mong muốn đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân và làm cho miền Nam trở nên giàu mạnh, hơn hẳn chế độ cộng sản ở miền Bắc. Thêm vào đó, với tư cách một tín đồ Công giáo nhiệt thành, ông tin tưởng đã được Thiên Chúa trao cho sứ mệnh thiêng liêng khi ông trở thành Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà và ông càng kiên quyết thực hiện sứ mệnh thiêng liêng ấy. Trên nền tảng tinh thần đó, ông không chấp nhận những quan điểm khác biệt và không tha thứ ai làm trái ý ông. Ngày 15.1.1956, ông giải tán Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng để loại trừ những người có công với ông trong việc lật đổ Bảo Đại nhưng cũng là những lãnh tụ chính trị độc lập như Nguyễn Bảo Toàn, Hồ Hán Sơn và Nhị Lang.

Ngày 4 tháng Ba 1956, cuộc bầu cử Quốc Hội Lập Hiến được diễn ra gồm 123 dân biểu mà hầu hết là người của chính phủ hay thân chính phủ. Ngày 17 tháng Tư, Tổng Thống Diệm gửi thông điệp cho Quốc Hội đưa ý kiến về việc soạn thảo Hiến Pháp, về việc này, Bernard Fall viết: “Ông (Diệm) dẫn lời của Emmanuel Mounier, tác giả của chủ nghĩa Nhân Vị, để cảnh giác các nhà lập pháp về những nguy cơ của nền dân chủ Tây phương, ‘đem tự do tương đối cho một thiểu số nhưng đồng thời làm suy giảm hiệu năng của Quốc gia.’ Ông cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam cần phải bác bỏ cả hai chủ nghĩa cực đoan là Phát-xít và Cộng sản.” (28) Sau vài lần duyệt xét và đề nghị sửa đổi bản dự thảo, Tổng thống Diệm chính thức ban hành bản Hiến Pháp ngày 26 tháng Mười, 1956. Ngoài những quyền hành thông thường của vị nguyên thủ quốc gia dưới chế độ Tổng Thống, Hiến Pháp VNCH còn dành cho Tổng Thống những quyền đặc biệt trong địa hạt an ninh và tình trạng khẩn cấp. Tổng Thống có nhiệm kỳ là 5 năm và có thể ứng cử ba nhiệm kỳ liên tiếp, về mặt dân quyền, bản Hiến pháp cũng bao gồm đầy đủ mọi quyền tự do căn bản của dân chúng như bất cứ một nước dân chủ nào ở Tây phương, nhưng trong thực tế có nhiều hạn chế và vi phạm.

Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, không thể không nhắc đến hai đạo luật khắt khe do dân biểu Trần Lệ Xuân, tức bà Ngô Đình Nhu, là tác giả. Thứ nhất là Luật Bảo Vệ Gia Đình, ban hành ngày 29 tháng Năm 1958, còn được gọi nôm na là “luật cấm ly dị” trừ khi được Tổng Thống cứu xét và cho phép. Thứ nhì là Luật Bảo Vệ Luân Lý, ra đời bốn năm sau, cũng thường được biết dưới tên nôm na là “luật cấm nhảy đầm” ở bất cứ nơi nào, ngay cả trong những tiệc vui của gia đình. Trên thực tế, đạo luật này còn cấm nhiều thứ khác như cấm ngừa và phá thai, cấm nghề mãi dâm, đấu quyền Anh, chọi gà, mê tín dị đoan. Tháng Sáu 1962, khi đạo luật vừa được ban hành, một số nhà báo Mỹ hỏi bà Nhu tại sao lại có sự cấm đoán gắt gao như thế, nhất là lại áp dụng luôn cho cả người ngoại quốc, bà Nhu trả lời rằng “người Á châu không quen thói dâm đãng giữa đàn ông và đàn bà, con trai và con gái,” và rằng người Mỹ “đến Việt Nam là để giúp chúng tôi chứ không phải để nhảy đầm.” (29) Ngoài ra, cần phải nhắc đến sắc lệnh số 10/62 hạn chế tự do cá nhân do Tổng Thống ban hành ngày 16.5, qui định mọi cuộc hội họp hay tụ họp dù là xum họp gia đình cũng phải có giấy phép của Sở Cảnh sát địa phương.

Về mặt an ninh, từ tháng Giêng 1956 đã có sắc lệnh số 6/56 của Tổng Thống cho phép các cơ quan an ninh bắt giữ bất cứ người nào có hành động phương hại đến an ninh quốc gia. Tháng Năm 1959 lại có đạo Luật số 10/59 thiết lập Toà Án Quân Sự Lưu Động để gia tăng hiệu lực ngăn chặn những hoạt động khủng bố của cộng sản. Tháng Năm 1962, Tổng thống lại ra sắc lệnh số 11/62 thiết lập Toà Án Quân Sự Mặt Trận tại ba Vùng Chiến thuật với thẩm quyền kết án chung thân mà người bị kết tội không được phép kháng cáo. Các bản án tử hình đều được trình lên Tổng Thống xem xét và quyết định. Tất cả những văn kiện pháp lý này đều có lý do chung là ngăn ngừa và trừng trị những hành động phá hoại của cộng sản, nhưng thực tế cũng nhắm cả vào những thành phần đối lập không cộng sản. Đó là một sai lầm chính trị quan trọng của Ngô Đình Diệm không những làm suy yếu hàng ngũ quốc gia mà còn khiến cho nhiều người yêu nước ở miền Nam đồng ý hợp tác với cộng sản. Thật khác hẳn chủ trương liên hiệp với những lãnh tụ quốc gia, dù chỉ là sách lược tạm thời, của Hồ Chí Minh sau Cách mạng tháng Tám 1945 để xây dựng và củng cỗ lực lượng kháng chiến chống Pháp. Sách lược đó cũng đã được sử dụng thành công chống lại Ngô Đình Diệm mà kết quả là sự ra đời của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam.

Trong những năm đầu của chính quyền Ngô Đình Diệm, chiến dịch tố cộng và diệt cộng đã truy lùng và trừng phạt không những các cán bộ cộng sản nằm vùng mà còn cả những người đã đi theo Việt Minh chống Pháp mặc dù họ không phải là đảng viên cộng sản. Những người này đã không chọn di cư ra Bắc sau khi hiệp định Genève chia đất nước làm đôi nhưng, ngoại trừ một số rất ít, đều không ủng hộ chính phủ Diệm. Cuối năm 1958 có tin là 1,000 người đã bị giết ở trại tập trung Phú Lợi khiến Hà Nội tổ chức biểu tình phản đối và đòi Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến (UHQT) điều tra. Thân nhân của nhiều cán bộ ra Bắc tập kết cũng bị bắt giữ, tra khảo và làm tiền bởi các viên chức địa phương. Tác giả Bùi Tín nhắc lại những biện pháp hãi hùng đối với những nạn nhân của chiến dịch tố cộng:

… các chiến dịch tố cộng, diệt cộng, với sắc lệnh 10/59, đưa máy chém khắp các vùng để trừng trị các lực lượng cộng sản đang ẩn dấu trong dân. Hà Nội gọi đó là cuộc chiến tranh một bên trong các tài liệu tổng kết.

Các chiến dịch tố cộng ở đồng bằng sông Cửu Long, ở khu 5, bắt vợ con những người “cộng sản” (thật ra phần lớn chưa hoặc không phải cộng sản, chỉ là những người kháng chiến chống thực dân Pháp) từ bỏ những người chồng đi tập kết ra Bắc; những người kháng chiến cũ, gia đình họ bị quản thúc, kiểm soát gắt gao, gây nên một không khí rất căng thẳng.
(30)

Đối với các đảng phái quốc gia có khả năng trở thành đối thủ trong cuộc tranh giành quyền lực thì những cuộc thanh trừng đã được chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện từ đầu năm 1955, trước khi dẹp yên loạn quân Bình Xuyên và những nhóm tôn giáo đối lập. Ở miền Trung, vào tháng Ba, Ngô Đình Cẩn đã dẹp xong các mật khu của Đại Việt tại Ba Lòng (Quảng Trị) và Phú Yên. “Kế tiếp, bắt đầu tiêu diệt các hệ Việt Nam Quốc Dân Đảng tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kontum và nhiều tỉnh khác. Tại Quảng Nam, trên 20 người bị bắt giữ, kể cả Trịnh Thể, Nguyễn Tiến Long, Trần Bích Kiện, Hồ Văn Anh, Phan Thiệp (Quận trưởng Tam Kỳ) cùng nhiều giáo viên trường Khải Định Huế.” (31)

Khi thành lập chính phủ cũng như trong những lần cải tổ nội các, Ngô Đình Diệm đều không muốn có sự tham gia của Phan Huy Quát, một lãnh tụ Đại Việt cũng được Hoa Kỳ tin cậy. Trong cuộc bầu cử Quốc Hội Lập Hiến tháng Ba 1956, ứng cử viên đối lập Phan Quang Đán đắc cử nhưng không được công nhận vì “gian lận”, và bị thua phiếu ứng cử viên chính phủ trong lần bầu lại. Năm 1959, ông Đán ra tranh cử lần nữa và trúng cử với đa số phiếu nhưng vẫn bị loại vì “vi phạm luật bầu cử”. Một ứng cử viên đối lập khác là Nguyễn Trân cùng đắc cử với ông Đán ở Sài-gòn cũng bị loại với cùng một lý do. Ngày 15.3.1958, Nghiêm Xuân Thiện, cựu Tổng trấn Bắc phần, trong một lá thư ngỏ “Gửi Dân biểu của tôi” đăng trên tuần báo Thời Luận do ông làm Chủ nhiệm, nhận xét rằng:

“Dưới thời chính phủ phong kiến thực dân Nguyễn Văn Tầm, “trong những cuộc bầu cử hội đồng tỉnh và hội đồng xã, dân chúng bị dọa nạt và ép buộc phải đi bầu, nhưng còn khá hơn những cuộc bầu cử của quí vị, vì không có ai dùng xe cam- nhông chở lính vào Sài-gòn để “giúp việc bỏ phiếu”… Quí vị lấy làm hãnh diện đã tạo lập cho Việt Nam một chính thể mà quí vị nghĩ là tương tự như nước Mỹ. Nếu có tương tự thì cũng như một toà nhà chọc trời và một ngôi nhà mái tôn giống nhau ở chỗ cùng là những nơi có người ở.

Ở Hoa Kỳ, Quốc Hội đích thực là một nghị trường và các dân biểu là những nhà làm luật tức là những người tự do và có công tâm không sợ hãi chính phủ, biết rõ nhiệm vụ của họ và dám đem ra thực hiện.
Ở đây, dân biểu là những viên chức chính trị làm luật như một xướng ngôn viên trên đài phát thanh, lớn giọng đọc những bản văn đã được soạn sẵn từ trước.(32)

Ngay sau đó, báo Thời Luận bị đóng cửa và chủ nhiệm Nghiêm Xuân Thiện bị đưa ra tòa về tội phỉ báng chính quyền và bị xử mười tháng tù giam.

Ngày 26 tháng Tư 1960, mười tám nhân vật danh tiếng họp báo tại khách sạn Caravelle công bố lá thư chung gửi Tổng thống Ngô Đình Diệm kêu gọi “khẩn cấp thay đổi chính sách, ban hành các quyền tự do dân chủ để có thể cứu vãn tình thế và đưa đất nước ra khỏi cơn nguy biến.” Lá thư nhấn mạnh đến những vụ bắt bớ, giam cầm và xử án phi pháp, nạn lũng đoạn hàng ngũ công chức và quân đội của các tổ chức chính trị của chính quyền đưa đến những vụ thăng thưởng hay trừng phạt bất công, các tệ nạn độc quyền kinh tế và tham nhũng làm cho dân chúng mất niềm tin và dễ bị cộng sản lôi cuốn. Lá thư chung này, được dư luận đặt tên là “Bản Tuyên cáo Caravelle,” (33) đã không được ông Diệm quan tâm đến.

Bộ Ngoại giao Mỹ, qua Đại sứ Elbridge Durbrow, tìm mọi thuyết phục ông Diệm cải thiện các điều kiện chính trị và bộ hành chánh nhưng không có kết quả. Ngay cả cố vấn cải cách điền địa và phát triển nông thôn Wolf Ladejinsky rất có thiện cảm với Diệm cũng trở nên lạnh nhạt và xa lánh ông. Chỉ còn một người vẫn còn nhiệt tình ủng hộ ông Diệm là Edward G. Lansdale không được Bộ Ngoại giao cho trở lại Việt Nam.

Ngày 11.11.1960, một số tiểu đoàn Nhảy Dù do Đại tá Nguyễn Chánh Thi và Trung tá Vương Văn Đông cầm đầu thực hiện một cuộc đảo chánh, chiếm giữ một số cơ quan chính phủ và bao vây Dinh Độc Lập. Nhóm sĩ quan này được sự ủng hộ của một số chính trị gia chống Diệm như Hoàng Cơ Thụy, Phan Quang Đán, Phan Khắc Sửu. Cuộc đảo chính bất thành vì mục đích chính của những người làm đảo chính chỉ nhằm ép buộc ông Diệm thay đổi chính sách và lập chính phủ mới. Đại sứ Mỹ giữ thái độ trung lập và khuyến khích hai bên thương thuyết. Ông Diệm hứa thay đổi chính trị nhưng kéo dài cuộc điều đình cho đến khi viện binh của Trần Thiện Khiêm và Huỳnh Văn Cao từ Mỹ Tho và Biên Hoà về giải cứu ngày 12.11. Nhóm cầm đầu đảo chính phải bỏ trốn qua Nam – Vang.

Sau vụ đảo chính hụt này, tình hình chính trị và quân sự của VNCH càng ngày càng bất lợi. Ngô Đình Diệm nặng tay hơn với: Từng thành phần đối lập và kiểm soát sự trung thành của quân đội chặt chẽ hơn trước. Trong khi đó, Hoa Kỳ vẫn không thể thuyết phục ông thực hiện những cải cách chính trị và ngăn chặn nạn bè mái tham nhũng. Đại sứ Durbrow báo cáo tình trạng bi quan và cho rằng cần phải thay đổi lãnh đạo trong một tương lai gần.

Ngày 27.2.1962, hai phi công Nguvễn Văn cử và Phạm Phú Quốc cất cánh từ Biên Hoà trong một phi vụ oanh tạc quân cộng sản ở Gò Công thình lình đổi hướng bay về Sài-gòn, ném bốn trái bom và bắn một số hoả tiễn vào dinh Độc Lập. Hai ông Diệm, Nhu đều thoát nạn, chỉ có bà Nhu bị thương nhẹ. Sau vụ ám sát hụt này, Tổng thống Diệm càng tin chắc mình luôn luôn được ơn trên che chở.

Ngô Đình Diệm mất dần những người bạn Mỹ ủng hộ ông. Mặc dù không tìm cách xa lánh Diệm như Ladejinsky, Lansdale rất quan tâm đến những sai lầm trầm trọng của người lãnh đạo VNCH và đã không ngần ngại nói thẳng những điều lo ngại và những lời khuyến cáo rất chân tình của mình. Lá thư của Lansdale gửi Ngô Đình Diệm ngày 30 tháng Giêng 1961 sau hai tuần trở lại Việt Nam quan sát tình hình cho thấy rõ thái độ của người bạn có công lớn nhất và đáng tin cậy nhất của Tổng thống Diệm. Sau khi cám ơn ông Diệm về cuộc tiếp đón nồng hậu và tỏ nỗi vui mừng được gặp lại ông, Lansdale xác nhận tình cảm thân thiện của Tổng thống Kennedy và các nhà lãnh đạo quốc phòng và ngoại giao đối với ông Diệm sau khi nghe Lansdale tường thuật về kết quả chuyến đi. Sau đó, Lansdale thẳng thắn nói đến những điều ông đã ghi nhận được trong những cuộc tiếp xúc với các giới ở Việt Nam, theo đó “nguy cơ hiện thời của Ngài phát xuất từ những hành động của chính Ngài. Họ nói rằng Ngài muốn tự làm lấy quá nhiều việc, rằng Ngài không chịu trao trách nhiệm thực sự cho người khác và cứ can thiệp vào việc làm của họ, rằng Ngài cho rằng mình không bao giờ sai lầm, và rằng có quá nhiều tổ chức của Ngài như Đoàn Thanh Niên Cộng Hòa và Đảng Cần Lao được thành lập do ép buộc —nghĩa là người ta gia nhập vì sợ— chứ không phải là những tổ chức thật sự bắt nguồn từ trong lòng người Việt Nam. Tôi tin rằng sẽ có nhiều tiếng nói chỉ trích riêng tư ở bên đây khi tin tức lan truyền về những phản ứng thuận lợi đối với bản phúc trình của tôi.

Cách trả lời hay nhất cho những lời chỉ trích đó là hành động của Ngài ở Việt Nam. Những người chỉ trích sẽ phải im miệng trước những việc làm của Ngài. Một việc Ngài có thể làm là thông báo sắp cải tổ chính phủ. Ngài cũng có thể làm cho Hội đồng An ninh của Ngài trở nên sống động hơn. Xin Ngài nhớ đề nghị của tôi: triệu tập các tư lệnh quân đội và tỉnh trưởng từ các Quân khu 1 và 5 về họp với Hội đồng An ninh. Ngài có thể tuyên bố trước hội nghị này và cho truyền thanh tới nhân dân trên toàn quốc. Xứ sở của Ngài cần được Ngài nâng cao tinh thần. Đồng bào của Ngài cần được biết rằng Việt Nam đang bị hiểm họa Cộng sản, rằng chính phủ hoan nghênh sự giúp đỡ của mỗi người dân, và rằng Việt Nam phải được và sẽ được gìn giữ trong độc lập và tự do.

Sau khi nói chuyện, Ngài trao việc điều khiển phiên họp cho Phó Tổng thống Thơ hay Bộ trưởng Thuần. Đây phải là một phiên họp kín. Tôi tin rằng mỗi tỉnh trưởng, mỗi chỉ huy quân sự, và các đại biểu vùng sẽ báo cáo công khai và thẳng thắn những vấn đề khó khăn ở địa phương họ. Việc này Ngài đã làm một lần trước đây, vào tháng Hai 1955, và thật là một hành động rất khôn ngoan và lành mạnh. Ngài sẽ được nghe nhiều điều, không phải chỉ những vấn đề xấu mà cả những ý kiến tốt nữa.

Phiên họp sẽ rất lợi cho Ngài nếu có sự tham gia của một số người Mỹ đang muốn giúp Ngài. Hãy mời những người mà Ngài tin là thành thật. Họ cũng sẽ học được rất nhiều và sẽ trở nên thực tế hơn trong nhiệm vụ của họ ở Việt Nam. Tôi nghĩ nên mời McGarr và Colby.

Bây giờ điều làm tôi hết sức lo ngại là phe chính trị đối lập với Ngài. Tôi đã bỏ ra nhiều ngày giờ để suy nghĩ về chuyện này từ khi rời Việt Nam. Có nhiều lời đàm tiếu và cảm nghĩ xấu trong nhiều giới ở Sài-gòn. Những điều đó xấu và tệ đến độ tôi lo ngại có thể khiến những người thiếu suy xét sẽ toan tính một vụ đảo chính khác. Ngài là một trong những lãnh tụ vĩ đại của Thế giới Tự do và một người bạn mà tôi vô cùng quý mến. Vì vậy, xin Ngài hãy nhận lấy những lời bộc lộ rất thân tình của tôi.

Đàn áp đối lập chính trị bằng cách bắt giam người hay đóng cửa báo sẽ chỉ làm cho những lời chê trách biến thành những xúc cảm thù hận và đưa đến sự thành lập các tổ chức bí mật và những âm mưu chống lại Ngài… Nếu Ngài có thể tập hợp những người đối lập soạn thảo một chương trình cứu quốc với những ý kiến cụ thể và có thể làm chương trình này một cách tự do giữa họ với nhau ngoài chính phủ, Ngài sẽ chuyển
một phần lớn năng lực chính trị của họ thành một việc làm xây dựng. Họ sẽ tranh luận với nhau, người này cố thuyết phục người kia chấp nhận ý kiến của mình thay vì sử dụng năng lực chính trị của họ vào việc đả kích Ngài….

Có lẽ hành động khôn ngoan nhất là kêu gọi giới trẻ trong thành phần đối lập. Hay nhất là chính Ngài đích thân nói chuyện với họ. Ngài có thể cho họ biết rằng Việt Nam đang lâm vào tình thế bị đe dọa mất tự do, rằng mọi người Việt Nam phải làm việc để cứu lấy tự do, rằng Ngài biết các chính trị gia đối lập không đồng ý với tất cả các chương trình của Ngài, nhưng việc điều hành một chính phủ đang bị Cộng sản tấn công kịch liệt không thể đơn giản như sự suy nghĩ của những người chỉ trích. Ngài muốn họ không chỉ chê trách chính quyền. Nếu họ có ý kiến hay, họ hãy viết xuống và thỏa thuận về một chương trình mà họ tin là có thể cứu được đất nước. Không phải chương trình của Cộng sản mà là chương trình của những người Việt Nam tự do. Nếu họ ngồi xuống viết và thỏa thuận với nhau về một chương trình như vậy, Ngài có thể bảo đảm với họ rằng Ngài sẽ không cản trở đường đi của họ —dù cho điều đó có nghĩa là sự thành lập một đảng đối lập duy nhất và mạnh mẽ.

Ngài cũng có thể nói với họ như Ngài đã nói với tôi năm 1955 và 1956—rằng điều mơ ước của Ngài là nướcViệtNam có hai đảng chính trị mạnh. Ngài có thể nói rõ rằng Ngài mời gọi những người trẻ tuổi trong các nhóm đối lập vì họ là những người có trách nhiệm xây dựng tương lai. Họ sẽ sống trong tương lai. Có quá nhiều chính trị gia lớn tuổi đang sống trong quá khứ hay chỉ đi tìm quyền lực một cách vị kỷ….
(34)

Lá thư này được trích dẫn gần hết để chứng tỏ mối thân tình và lòng sốt sắng giúp đỡ của Lansdale đối với Ngô Đình Diệm. Tuy nhiên, dù đã có công “cứu” ông Diệm hồi tháng Tư 1955 (bằng điện văn gửi ngoại trưởng Dulles, chống lại cuộc vận động thay Diệm của Đại sứ Collins), lại đích thân giúp cho ông Diệm loại được Nguyễn văn Hinh và các lực lượng vũ trang chống đối lúc đó (bằng việc hối lộ các giáo phái) và tồn tại được nhiều năm sau, Lunsdale nay đã không thể thuyết phục được ông Diệm nghe theo những lời khuyến cáo thực tế và đầy thiện chí của mình.

Một người bạn thân khác của ông Diệm là Wesley R. Fishel, giáo sư chính trị và là trưởng đoàn cố vấn của Đại Học Michigan giúp cho VNCH về tổ chức và điều hành bộ máy chính quyền từ 1954. Fishel gặp ông Diệm ở Nhật năm 1950, giới thiệu ông với các nhân vật ở Mỹ và hết sức bênh vực chính quyền Diệm cho đến khi ông và nhóm cố vấn Michigan thất vọng với hai ông Nhu-Diệm, bắt đầu chỉ trích chế độ và kết quả là chương trình Michigan bị hủy bỏ năm 1962.

Thượng Nghị sĩ Mike Mansfield, người đã thuyết phục Tổng thống Eisenhower và Ngoại trưởng Dulles ủng hộ Ngô Đình Diệm trước áp lực của Pháp và các lực nổi loạn trong những năm 1954-1955, cũng trở nên thất vọng với Diệm mấy năm sau đó. Đại sứ Durbrow kể lại rằng, trong dịp trở về Washington điều trần trước Thượng Viện năm 1960, ông có gặp riêng Mansfield và được vị Thượng Nghị sĩ này nói chuyện về “những chính sách thiếu dân chủ, tình trạng tham nhũng và những nhược điểm khác của chính phủ Diệm.” Theo Durbrow, khi đó Mansfield đã “hoàn toàn lạnh nhạt với Diệm.” (35) Đáng chú ý nhất là, sau chuyến đi Việt Nam tháng Mười Hai 1962, Mansfield đã viết một bản phúc trình cho Tổng Thống Kennedy về những sai lầm của ông Diệm và đề nghị Hoa Kỳ nên rút ra khỏi Việt Nam trước khi bị sa lầy trong “một cuộc nội chiến tuyệt vọng” của miền Nam chống cộng sản miền Bắc. Ông cũng đích thân gặp Kennedy để nói rõ quan điểm của mình. Sau cuộc tiếp kiến này, Kennedy nói với phụ tá Kenny O’ Donnell, “Tôi tức giận Mike vì ông ta đã bất đồng ý với chính sách của chúng ta, nhưng tôi cũng tự giận mình vì tôi đã thấy chính mình đồng ý với Mike.” Trong lần gặp gỡ thứ nhì với Mansfield, Kennedy cho hay ông đồng ý sẽ rút hết cố vấn quân sự ra khỏi Việt Nam, nhưng không thể làm chuyện này cho tới năm 1965, sau khi đã tái đắc cử. Sau đó, Kennedy tâm sự với Charles Bartlett, phái viên thân cận ở Bạch Cung của tờ Chattanooga Times: “Chúng ta không cầu mong ở lại Việt Nam. Những người ở đó ghét chúng ta. Có thể họ sẽ tống cổ chúng ta ra khỏi nơi đó bất cứ lúc nào. Nhưng tôi không thể bỏ một miền đất như vậy cho cộng sản để rồi vẫn được dân chúng bầu lại tôi.” (36)

Trước tình hình suy yếu của VNCH năm 1960, Đảng Cộng sản đã không bỏ lỡ cơ hội tiến hành chiến dịch Đồng Khởi được bắt đầu từ 1959 ở các tỉnh miền Trung, tiếp theo Nghị quyết thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Công cuộc sách động quần chúng đấu tranh vũ trang và chính trị lan tràn xuống các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, phá hoại các khu trù mật và thiết lập một hệ thống “chính quyền cách mạng” hoạt động công khai hay bí mật tùy theo mức độ “giải phóng” ở mỗi địa phương. Tình hình chính trị miền Nam sau cuộc đảo chánh hụt 11.11 của nhóm Nguyễn Chánh Thi -Vương Văn Đông cũng đủ chín để Hà Nội giúp các đảng viên và thân hữu của họ ở miền Nam cho ra đời một tổ chức chính trị có danh nghĩa chính thức trong cuộc tranh đấu chống Mỹ và lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm. Ngày 20 tháng Mười Hai 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập và công bố Bản Tuyên ngôn và Chương trình Mười Điểm (xem thêm chương Bảy).

Ngoài chính sách độc tài gia đình trị, chính phủ Diệm còn phạm nhiều sai lầm trong việc hoạch dịnh và thi hành các chương trình tranh thủ nhân dân chống cộng.

Trước hết là cải cách điền địa (ngoài Bắc gọi là cải cách ruộng đất). Quyền sở hữu đất đai thời thực dân đã tạo ra nhiều bất công xã hội do tình trạng bất bình đẳng giữa thiểu số đại điền chủ và đa số nông dân nghèo khó. Điều này đặc biệt đúng ở miền Nam với 2.5 phần trăm đại điền chủ sở hữu 45 phần trăm tổng số ruộng đất trong khi 73 phần trăm tiểu điền chủ chỉ có được 15 phần trăm. Với 80 phần trăm dân chúng sống ở nông thôn, cải cách điền địa để san bằng những bất công ấy là một việc làm cần thiết của chính quyền ở miền Nam để lôi cuốn sự ủng hộ của đa số dân chúng. Điều đáng nói là ở miền Bắc thực ra không có nhu cầu cải cách ruộng đất vì 98.2 phần trăm đất đai thuộc quyền sở hữu của những người chỉ có tư 5 ha trở xuống. (37) Do đó, như đã thấy ở chương Ba, việc ấn định thành phần địa chủ ở nông thôn miền Bắc đã rất lúng túng và gượng ép, đến độ có nhiều trường hợp phải “đôn” trung nông và phú nông lên thành địa chủ để có đủ tỉ lệ người đem ra đấu tố, như kết quả sửa sai cho thấy ở khu Tự trị Việt Bắc đã có đến 83 phần trăm hộ bị “quy sai” (xem chương Ba.) Chính sách cải cách ruộng đất của Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ là một sự áp dụng máy móc của mô hình đấu tranh giai cấp đã được thực hiện ở Nga và Trung Quốc nhưng không thích hợp ở Việt Nam.

Qua chính sách cải cách ruộng đất kiểu cộng sản, chính quyền miền Bắc đã gây dựng được một tầng lớp bần nông và cố nông làm nền tảng, với hàng trăm ngàn người tình nguyện làm dân công đưa đến chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Mặc dù chính sách cải cách ruộng đất đã giết oan quá nhiều người khiến cho Đảng và Nhà nước phải nhận lỗi trước nhân dân và tìm cách sửa sai, các chương trình hợp tác hóa nông nghiệp và tập thể hoá ruộng đất trong những năm về sau đã làm cho ngay cả các giới bần nông và cố nông cũng cảm thấy bất mãn. Tuy nhiên, sau hàng chục năm được nhà nước tuyên truyền, tổ chức và kiểm soát chặt chẽ, dân chúng đã quen chịu đựng nỗi đau khổ hiện tại và hi vọng ở hạnh phúc tương lai.

Chính sách cải cách điền địa ở miền Nam, qua Dụ số 57 ngày 22 tháng Mười 1956, mang tính chất ôn hoà, vừa không làm cho quyền lợi của địa chủ bị thiệt hại nhiều, vừa cải thiện cuộc sống của nông dân nghèo bằng cách giảm địa tô và tạo cơ hội cho tá điền trở thành địa chủ. Theo luật, đại điền chủ chỉ được giữ lại tối đa 100 ha ruộng, số còn lại sẽ bị truất hữu để bán lại cho các tá điền. Số ruộng truất hữu sẽ được chính phủ bồi thường 10 phần trăm bằng tiền mặt và 90 phần trăm bằng trái phiếu. Tá điền được giảm địa tô xuống 25 phần trăm vụ mùa thu hoạch so với 50 phần trăm khi trước. Tá điền có quyền mua ruộng truất hữu, tối đa mỗi gia đình là 5 ha, trả cho nhà nước trong 12 năm. Tiền mua ruộng bằng số tiền nhà nước bồi thường cho chủ điền.

Trên thực tế, việc thi hành không đơn giản như vậy. Nhiều người trong chính phủ Ngô Đình Diệm kể cả những cấp lãnh đạo ở địa phương đều thuộc thành phần trung hay đại điền chủ. Trong thời gian chiến tranh, vì họ phải bỏ lên thành thị nên ruộng đất của họ bị Việt Minh tịch thu và phân phát cho các tá điền. Theo Dụ số 57, họ được khôi phục quyền sở hữu ruộng đất, được hưởng địa tô dù bị giảm một nửa, và những người có trên 100 ha đều được tiền bồi thường trên số ruộng bị truất hữu. Tá điền, mặc dù được ưu đãi hơn so với thời Pháp thuộc, cảm thấy bị thua thiệt so với thời sống dưới sự kiểm soát của Việt Minh họ được cấp ruộng mà không phải trả, hay trả rất thấp, địa tô. Ngoài ra họ còn bị các viên chức địa phương sách nhiễu và làm tiền trong các thủ tục vay tiền nhà nước và làm giấy tờ mua ruộng truất hữu. Do đó, chính sách cải cách điền địa của Ngô Đình Diệm đã không thành công, tạo cơ hội cho cộng sản phản tuyên truyền, xúi dục nông dân bất hợp tác. Chính sách cải cách điền địa càng thất bại hơn nữa khi MTGPMN ra đời năm 1960 đã chủ trương phát không ruộng đất cho nông dân hoặc giảm địa tô xuống mức độ tượng trưng.

Năm 1959, chính phủ Ngô Đình Diệm thiết lập chương trình “khu trù mật,” được coi như một sáng kiến tách rời nông dân ở những vùng hẻo lánh ra khỏi vòng ảnh hưởng và kiểm soát của cộng sản. Mỗi khu trù mật được xây dựng như một thành phố nhỏ ở một địa điểm gần các trục lộ giao thông, thuận tiện cho các sinh hoạt nông nghiệp, tiểu thương và tiểu công nghệ, có máy phát điện, trường học, nhà thương, chùa và nhà thờ. Mỗi gia đình được cấp 3,000 mét vuông và vật liệu xây nhà, cộng thêm một mảnh vườn để trồng cây với chuồng heo chuồng gà có khả năng sinh lợi tức. Mỗi khu trù mật là một thành lũy với những đội dân vệ vũ trang để bảo vệ an ninh và ngăn chặn sự xâm nhập của cộng sản. Mặc dù được quan niệm tốt đẹp như vậy, chương trình khu trù mật vẫn không đạt được kết quả mong đợi. Chỉ hai năm sau chương trình này bị dẹp bỏ khi mới thành lập được 20 khu trù mật trên tổng số 80 theo kế hoạch dự trù.

Các quan sát viên ngoại quốc đều cho rằng chương trình khu trù mật thất bại vì kéo dân ra khỏi nơi sinh sống lâu đời của họ để tập trung họ vào một khu xa lạ khiến họ phải làm lại cuộc sống từ đầu. Điều này chỉ đúng một phần vì làng mạc ở miền Nam không khép kín và tổ chức chặt chẽ với những truyền thống lâu đời như ở miền Bắc. Đã đành người dân nông thôn ở đâu cũng không muốn rời bỏ nơi quen thuộc nhưng họ cũng sẵn sàng thích ứng nếu cuộc sống mới thực sự đem lại cho họ sự yên ổn và hạnh phúc. Lý do chính vẫn là tệ nạn quan liêu, tham nhũng của các viên chức cầm quyền địa phương khiến họ thường bị sách nhiễu và đời sống vẫn bị khó khăn, thiếu thốn. Họ bị cắt xén các vật liệu được chính phủ cung cấp hoặc phải trả tiền túi ra mua. Họ ít khi ra khỏi khu trù mật vì lý do an ninh hay vì bị chính những người có nhiệm vụ bảo vệ họ hạch hỏi, gây khó dễ để làm tiền khi biết họ ra ngoài để buôn bán làm ăn. Nhiều tỉnh trưởng muốn lập công với Tổng thống đã bắt dân làm việc quá sức để phá kỷ lục mau chóng lập khu trù mật hoặc kịp trình diễn một bề ngoài sung túc của khu trù mật khi Tổng thống tới kinh lý, tháng Ba năm 1962, khu trù mật được thay thế bằng chương trình “Ấp Chiến lược.” Chương trình này, do Sir Robert Thompson quan niệm, đã được thực hiện thành công trong chiến dịch tiễu trừ cộng sản ở Mã-Lai trong thập niên 1950 nhưng trong những điều kiện khác với Việt Nam. Giữa năm 1961, kinh tế gia Eugene Staley được Tổng thống Kennedy phái sang Việt Nam nghiên cứu tình hình. Giáo sư Vũ Quốc Thúc được cử làm đối tác phía VNCH để làm việc với giáo sư Staley. Trong bản phúc trình cho Kennedy, ngoài những đề nghị cải thiện đời Sống kinh tế, xã hội và chính trị ở miền Nam, Staley còn nhấn mạnh đến nhu cầu tăng cường lực lượng dân vệ và nghĩa quân để bảo vệ an ninh cho dân chúng. Ông đề nghị xây dựng một hệ thống ấp chiến lược như những tiền đồn chống cộng của nhân dân Việt Nam. Tổng thống Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu rất tán thành ý kiến này và coi đây là cơ hội tốt để hoàn thiện quan niệm về khu trù mật. Ông Nhu đích thân điều động chương trình.

Khác với quan niệm của Thompson về ấp chiến lược là lập hàng rào an ninh bên ngoài những thôn ấp hiện hữu, ông Nhu chủ trương tiến hành xây dựng những địa điểm chiến lược mới và dân chúng tập trung vào đó được cung cấp các phương tiện cần thiết để bảo vệ an ninh và phát triển cuộc sống. Ngoài việc được phân phát vũ khí và huấn luyện chiến đấu, dân trong ấp còn có phương tiện thông tin trực tiếp với các lực lượng quân sự địa phương trong trường hợp khẩn cấp. Dân chúng sẽ được chính phủ giúp đỡ nâng cao cuộc sống và do đó sẽ đoàn kết làm hậu thuẫn cho chính phủ trong công cuộc chống cộng. Ấp chiến lược được đưa lên thành quốc sách có tầm quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, mọi tính toán lý thuyết tốt đẹp này lại thất bại một lần nữa khi thực hiện. Do chỉ tiêu phải hoàn tất 7,200 ấp chiến lược trong năm đầu tiên (38) trên tổng số dự định là 14,000, nhiều ấp chiến lược đã được thành lập một cách vội vàng, cẩu thả và dân chúng bị áp lực làm việc quá sức, chịu sự kiểm soát gắt gao và phải đóng góp nhiều thì giờ vào công tác phòng vệ. Việc xây dựng ấp chiến lược quá nhiều và quá nhanh cũng làm suy giảm khả năng của quân đội trong việc bảo vệ dân chúng ở những vùng do chính phủ kiểm soát. Lợi dụng những nhược điểm này, bộ đội cộng sản gia tăng tấn công các ấp chiến lược yếu và cắt đứt các đường tiếp viện của quân đội. Hệ thống ấp chiến lược tan rã dần.

Năm 1963 các biến chuyển bất lợi cho chính quyền Ngô Đình Diệm liên tiếp xảy ra đưa đến cái chết thê thảm của các ông Diệm, Nhu, Cẩn và sự sụp đổ của đệ Nhất Cộng Hoà. Ngày 2 tháng Giêng, quân đội VNCH mở cuộc tân công vào Ấp Bắc, một địa điểm do cộng sản kiểm soát thuộc quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho, cách tây - nam Sài gòn khoảng 40 dặm. Mặc dù đông gấp bốn lần quân địch và có sự yểm trợ của xe thiết giáp và máy bay trực thăng, ba tiểu đoàn bộ binh của VNCH đã bị quân cộng sản phục kích gây thiệt hại nặng nề. Họ chỉ rút lui khi quân quốc gia được một tiểu đoàn dù đến tiếp cứu. Ngày 25.2, phúc trình Mansfield khuyến cáo Hoa Kỳ nên rút khỏi Việt Nam được công bố khiến cho quan hệ Việt - Mỹ trở nên căng thẳng. Tinh thần chống Mỹ của gia đình Tổng thống Diệm lên đến cao độ. John Mecklin, cố vấn toà Đại sứ, báo cáo về bộ Ngoại giao Mỹ rằng “sự cay đắng bị đè nén này có thể gây hậu quả tai hại cho quan hệ của chúng ta với chính phủ Việt Nam hơn là một sự phản đối công khai. (39) Vào cuối tháng Ba, ông Nhu có một “buổi thảo luận đặc biệt của Quân ủy Cần Lao” với Trung tướng Tôn Thất Đính, Tổng tư lệnh Quân đoàn III và Thủ đô Sàigòn và Đại tá Lê Quang Tung, Chỉ huy trưởng Lực lượng Đặc biệt, để ra chỉ thị về các biện pháp ngăn chặn đảo chánh do Mỹ sắp đặt. (40)

Từ tháng Tư 1963 trở đi, một chuỗi biến cố giữa chính quyền và Phật giáo dẫn đến cuộc đảo chính 1 tháng Mười Một. Nguyên nhân đầu tiên là lệnh cấm treo cờ Phật giáo ngoài khuôn viên chùa chiền trong ngày lễ Phật Đản. Thông thường cờ của tôn giáo nào cũng chỉ treo ở những nơi thờ tự của tôn giáo ấy, nếu đôi khi có ngoại lệ thì chẳng có gì đáng để cho chính quyền phải ngăn cấm. Tuy nhiên, riêng năm 1963 thì xảy ra chuyện đáng tiếc về vụ treo cờ Công giáo và cờ Phật giáo ở thành phố Huế. Đầu tháng Tư, nhân dịp lễ Ngân Khánh kỷ niệm 25 năm Tổng Giám mục Ngô Đình Thục được thụ phong giám mục, (41) cờ Vatican được treo nhiều nơi ngoài nhà thờ ở Huế và những vùng phụ cận. Đầu tháng Năm, để chuẩn bị tổ chức lễ Phật Đản, các Phật tử treo cờ Phật giáo tại tư gia nhiều hơn cờ Công giáo trong dịp chúc mừng Tổng Giám mục Ngô Đình Thục. Điều này dễ hiểu vì đa số dân Việt Nam vốn theo đạo Phật từ lâu. Do sự can thiệp của Tổng Giám mục Thục, ngày 6.5 Phủ Tổng thống ra lệnh không cho treo cờ Phật giáo ngoài khuôn viên các chùa. Ngày 8.5, Thượng Tọa Trí Quang thuyết pháp tại chùa Từ Đàm, phản đối lệnh cấm và tố cáo chính quyền đàn áp Phật giáo. Sau đó, khoảng ba ngàn Phật tử xuống đường biểu tình phàn đối chính phủ. Phó Tỉnh trưởng Đặng Sỹ cho lệnh cảnh sát và quân đội giải tán đám biểu tình khiến cho 8 người chết và 15 bị thương. (42)

Các cuộc biểu tình của tăng ni và Phật tử lan ra một số tỉnh miền Trung và đặc biệt ở Sài-gòn trong khi những cuộc điều đình giữa chính quyền và các nhà lãnh đạo Phật giáo chưa đạt được kết quả. Ngày 11.6, Thượng tọa Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài-gòn. Tấm hình của vị tu sĩ ngùn ngụt lửa do Malcom Browne, phái viên AP, chụp được bỗng nhiên làm sôi nổi dư luận thế giới về cuộc tranh đấu của Phật Giáo Việt Nam. Tổng thống Diệm lúc đầu muốn giải quyết vấn đề Phật giáo một cách ổn thỏa, nhưng ông trở nên bất lực trước những lời tuyên bố của bà Ngô Đình Nhu (Trần Lệ Xuân) có tính cách nhục mạ đối với các nhà lãnh đạo Phật giáo, đồng thời kịch liệt chỉ trích Hoa Kỳ can thiệp vào nội bộ Việt Nam.

Ngày 7.7, nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, một lãnh tụ của VNQDĐ và Đại Việt Dân Chính uống thuốc độc tự tử để phản đối chính quyền đưa ông ra Tòa Án Mặt Trận xét xử cùng với những người liên quan đến vụ đảo chính hụt gần ba năm trước (11.11.1960.) Bác sĩ Trần Kim Tuyến, Giám đốc Sở Nghiên cứu Chính trị phủ Tổng Thống —cơ quan mật vụ được CIA yểm trợ để kiểm soát các phần tử chống đối chính phủ— là người đầu tiên trong chính quyền âm mưu đảo chính nhằm loại bỏ hai vợ chồng ông Ngô Đình Nhu trước nguy cơ sụp đổ của VNCH. Cùng chủ mưu trong vụ này là Đại tá Phạm Ngọc Thảo, (43) Tổng Thanh tra chương trình Ấp chiến lược. Âm mưu của Tuyến-Thảo được sự ủng hộ của một số sĩ quan trẻ, một số nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị. Được tin này, Lucien E. Conein, nhân viên CIA đang làm cố vấn cho Bộ Nội Vụ, báo tin cho người bạn thân là Trung tướng Trần văn Đôn khi đó cũng đang bàn tính chuyện đảo chính với các tướng Lê Văn Kim, Dương Văn Minh và Trần Thiện Khiêm. Tướng Khiêm gặp Đại tá Thảo và chặn được kế hoạch đảo chính sớm này. Sau đó, Trần Kim Tuyến bị Ngô Đình Nhu nghi ngờ và đẩy đi làm Tổng Lãnh sự bên Ai Cập. (44)

Đêm 21.8, Ngô Đình Nhu điều động Lực Lượng Đặc Biệt tấn công chùa Xá Lợi, bắt giữ hàng trăm tăng ni, trong đó có hai nhà lãnh đạo giáo hội Phật giáo Hòa thượng Thích Tịnh Khiết và Thượng tọa Thích Tâm Châu. Đồng thời, tại Huế và nhiều nơi khác cũng xảy ra những vụ tấn công chùa chiền và bắt bớ tăng ni, Phật tử. Sau vụ này, Đại sứ Cabot Lodge được Tổng thống Kennedy chấp thuận quyết định “không ngăn cản” cuộc đảo chánh nếu Tổng thống Diệm không chịu thay đổi đường lối lãnh đạo và loại bỏ vai trò của vợ chồng ông Nhu.

Khi biết là quan hệ với Washington có thể phải đoạn tuyệt, hai ông Nhu và Diệm tỏ ra muốn thương thuyết với Hà Nội. Ý định này có thể đã nảy sinh từ cuối tháng Năm khi Hồ Chí Minh tuyên bố trong một buổi phỏng vấn với nhà báo Úc Wilfred Burchett rằng chính phủ Ngô Đình Diệm và MTGPMN có thể thương thuyết ngưng bắn và thành lập một chính phủ liên hiệp. Thủ tướng Phạm Văn Đồng, khi được Mieczyslaw Maneli, Trưởng đoàn Ba-Lan trong UHQT, thăm dò khả năng hiệp thương với miền Nam, còn cho biết rõ rệt hơn: “Vấn đề chính là Mỹ phải ra đi. Trên cơ sở chính trị này, chúng tôi có thể thương thuyết về mọi chuyện. Tất cả mọi chuyện.” (45) Một vài cuộc tiếp xúc bí mật giữa ông Nhu và đại diện của Hà Nội được diễn ra như Ellen J. Hammer đã thuật lại, và cả Đại sứ Pháp Roger Lalouette lẫn Trưởng đoàn Ba-Lan Mieczyslaw Maneli cũng đều biết. (46) Tuy nhiên, những cuộc tiếp xúc này rõ rệt chỉ có tính cách thăm dò. Ngày 2.9, qua sự thu xếp của Đại sứ Ý d’Orlandi và Chủ tịch UHKSQT Goburdhun, Ngô Đình Nhu tiếp Maneli tại Dinh Gia Long để được biết tin tức chuyến đi Hà Nội của ông ta hồi tháng Bảy. Theo Maneli, khi được hỏi về khả năng trao đổi kinh tế và văn hoá giữa Nam và Bắc như một bước đầu để tiến đến thoả hiệp về chính trị, Phạm Văn Đồng không những chỉ nhấn mạnh rằng trở ngại chính không phải là Diệm mà là sự hiện diện của Mỹ, ông còn gợi ý về bước đầu của hiệp thương là mở đường bưu điện và đổi gạo ở miền Nam lấy than đá ở miền Bắc.

Ngày 29.8, giữa lúc quan hệ Saigon-Washington đang cực kỳ căng thẳng và một cuộc đảo chánh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, Tổng thống de Gaulle lên tiếng kêu gọi hai miền Nam, Bắc tham dự một hội nghị hòa bình, thống nhất và trung lập. Mặc dù Tổng thống Diệm không đáp ứng tích cực lời kêu gọi này, và dù ông Nhu đã thông báo cho Đại sứ Lodage về nội dung những cuộc gặp gỡ giữa ông với Maneli và với đại diện miền Bắc để chứng tỏ ông không giấu giếm việc tìm hiểu đối phương đồng thời xác nhận không đồng ý với đề nghị trung lập của de Gaulle, ông Nhu cũng muốn gửi một tín hiệu cảnh cáo Hoa Kỳ rằng hậu quả của việc ngưng ủng hộ Ngô Đình Diệm sẽ là một chính phủ trung lập đòi Mỹ rút ra khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, tín hiệu đó lại càng khiến cho Mỹ muốn mau chóng lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm. Maneli tiếp tục đóng vai trung gian không chính thức giữa Ngô Đình Nhu và Phạm Văn Đồng, nhưng chưa có điều gì cụ thể thì cả hai ông Nhu, Diệm đã bị hạ sát trong cuộc đảo chính 1 tháng Mười Một.

Sai lầm chính của Tổng thống Ngô Đình Diệm trong vụ Phật giáo là chỉ nghe lời những người trong gia đình và che chở họ ngay cả khi ông biết những người đó làm sai, như trường hợp Tổng Giám mục Thục và bà Nhu. Công bằng mà nói, ông Diệm là người Công giáo đang ở vị thế cầm quyền tất không khỏi có những hành vi đối xử có lợi cho Công giáo, nhưng điều đó không có nghĩa là các ông Diệm, Nhu và Cẩn có chủ trương kỳ thị và đàn áp Phật giáo. Quyết định sai lầm của ông Diệm khi chiều ý TGM Thục về vụ treo cờ lúc đầu là do tình cảm gia đình, khi bị phản đối thì lại phản ứng vì tự ái, thay vì thỏa mãn những thỉnh nguyện bình thường của Phật giáo, ông lại áp dụng luật lệ không công bằng khiến phát sinh một phong trào tranh đấu mang tính chất chính trị bị cộng sản lợi dụng. Đến lúc đó thì ông Nhu nhúng tay vào và chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ là do những quyết định chính trị sai lầm của ông Nhu. Vì tin tưởng mạnh mẽ ở khả năng và thiện chí của mình và vì tình gắn bó chặt chẽ với gia đình, Tổng thống Diệm đã chống lại mọi khuyến cáo hay áp lực tách ông ra khỏi những người thân, nhất là Ngô Đình Nhu là người mà ông tin tưởng có thể giúp ông giải quyết được mọi chuyện khó khăn. Giả thử cuộc đảo chánh thành công trong việc loại bỏ hai vợ chồng ông Nhu và ông Cẩn bằng cách giam giữ, giết chết hoặc lưu đày họ ra ngoại quốc, Tổng thống Diệm chắc chắn sẽ có những phản ứng tiêu cực và không khi nào chịu hợp tác với (và bị hạn chế bởi) những người đã phá hủy hệ thống quyền lực và triết lý cai trị của ông. Người Mỹ đã không hiểu được điều này khi tìm mọi cách “tách Nhu ra khỏi Diệm”.

Nói như vậy không có nghĩa là biện minh cho việc hạ sát Tổng thống Diệm và hai ông Nhu, Cẩn. Mặc dù sai lầm vì chính sách độc tài và tinh thần gia đình trị, ông Diệm không phạm những tội ác đối với dân tộc và đất nước để có thể bị giết chết một cách tàn nhẫn sau khi đã gọi cho những người cầm đầu đảo chính đến bắt mình. Không ai có thể phủ nhận ông là một người nhiệt thành yêu nước và ngay cả Chủ tịch Hồ Chí Minh, kẻ thù chính trị của ông, cũng đã bày tổ thái độ kính trọng lòng yêu nước và tinh thần can đảm của ông. (47) Những người lãnh đạo nước Mỹ, dù có ghét đầu óc độc lập của ông Diệm đến đâu, cũng chưa bao giờ có thái độ khinh thường ông như đối với các tướng lãnh đã lật đổ và thay thế ông. (48) Ngô Đình Nhu, éminence grise của Tổng thống Diệm, thông minh nhưng nhiều thủ đoạn, là người chịu trách nhiệm chính về những biện pháp sai lầm của chế độ. Tuy nhiên, ông cũng phải được nhìn nhận là một trí thức yêu nước và có lý tưởng, dù thiếu thực tế với học thuyết “cần lao nhân vị” của ông. Khi xảy ra chuyện Phật giáo là lúc ông đang lo đối phó với các áp lực của Hoa Kỳ tách rời ông ra khỏi ông Diệm. Ông rất bực mình không hiểu tại sao Tổng thống phải quan tâm và can thiệp vào chuyện treo cờ Phật giáo. (49) Tuy nhiên, ông cũng có một nhược điểm lớn là luôn luôn bênh vực bà vợ ông ngay cả khi bà phát biểu những lời lẽ xúc phạm quá đáng đối với Phật giáo.

Ngô Đình Cẩn có thể đã gây nhiều kẻ thù không những chỉ về phía đảng viên cộng sản mà cả trong hàng ngũ các đảng phái quốc gia, nhất là VNQDĐ và nhóm Đại Việt Cách Mạng mà ông đã triệt hạ ở miền Trung. Nhưng riêng về vụ Phật giáo thì ông lại là một nạn nhân của chính gia đình ông. Ngay từ đầu, ông Cẩn đã bất đồng ý kiến với TGM Ngô Đình Thục về vụ cấm treo cờ Phật giáo. Ông vốn có quan hệ tốt với chùa Từ Đàm và thường giúp đỡ cho Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Khi có những người Công giáo đến gặp ông phàn nàn về việc ông tài trợ cho Phật giáo, ông bực mình gắt, “Đã đến lúc họ cần được giúp đỡ. Dưới thời Pháp người Công giáo đã được đủ mọi thứ. Nay đến lượt tín đồ đạo Phật.” (50) Nhưng từ khi TGM Thục được Vatican bổ nhiệm về Huế năm 1961 thì vai trò của ông Cẩn bắt đầu bị lấn át và mất dần thế lực. Đầu năm 1963, Ngô Đình Nhu phái người thân tín ra nhắn với ông Cẩn là ông nên sang Nhật nghỉ một thời gian nhưng ông không chịu. Khi Phủ Tổng thống ra thông tư về vụ cấm treo cờ, ông Cẩn ra chỉ thị cho Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đẳng không thi hành và đã cử phái đoàn chính phủ tham dự lễ Phật Đản tại chùa Từ Đàm. (51)

Việc hạ sát các ông Diệm, Nhu, Cẩn là những quyết định chính trị mà cả Hoa Kỳ và những người làm đảo chánh đều có trách nhiệm nhưng sau này lại đổ lẫn cho nhau. Nhóm tướng lãnh có thể lo ngại rằng nếu các ông Nhu, Diệm không bị giết, sau này các ông ấy sẽ có thể trở lại cầm quyền và trả thù. Nhưng ai cũng thấy rõ là vào thời điểm của cuộc đảo chánh 1963, chính phủ Ngô Đình Diệm đã hoàn toàn bị thất thế cả về đối nội lẫn đối ngoại. Đại đa số các giới quân sự, chính trị và dân chúng trong nước đều chống đối. Dư luận thế giới đều bất mãn và Hoa Kỳ đã quyết định chấm dứt hợp tác với Ngô Đình Diệm. Khi Tổng thống Diệm bị lâm nguy, không thấy có một hành động can thiệp nào của các lực lượng “Thanh niên Cộng hòa” hay “Phụ nữ Liên đới” mà ông bà Nhu vẫn tự hào là những lực lượng nòng cốt với hàng triệu thành viên. Nhiều người từng ủng hộ Ngô Đình Diệm đã thấy sự sai lầm của ông và đã trở nên thờ ơ hay chống đối. Như vậy, trong trường hợp hai ông Nhu, Diệm không bị giết và chỉ bị lưu đày ra ngoại quốc, các ông cũng không còn cơ hội nào để có thể trở lại lãnh đạo cuộc chiến đấu chống cộng sản. Cho dù hai ông có tìm cách liên kết với cộng sản để tính chuyện trung lập hóa miền Nam và chấm dứt vai trò của Mỹ ở Việt Nam, các ông cũng không còn có những điều kiện để nói chuyện được với họ, nhất là khi tình hình chính trị và quân sự đã trở nên thuận lợi cho họ.

Tổng thống John F. Kennedy đã thật tình bị “sốc” khi hay tin Tổng thống Diệm bị hạ sát giữa lúc đang họp với các cố vấn. Ông đứng phắt lên, mặt tái nhợt đi và chạy vọt ra khỏi phòng họp. Tướng Taylor cho biết khi đó mặt Kennedy lộ “một vẻ xúc động và choáng váng… mà tôi chưa từng thấy bao giờ.” (52) Theo McCone, Giám đốc CIA hồi đó, Kennedy vẫn nhấn mạnh trong các phiên họp là không thể đối xử với ông Diệm cách nào tệ hơn là lưu đày, nhưng thật khó mà tin là ông không biết được rằng khi Hoa Kỳ cho phép làm đảo chánh thì có thể sẽ phải có giết chóc. Không ít người trong chính quyền Kennedy ngạc nhiên về cái chết của hai ông Diệm, Nhu. Khi nhà báo Marguerite Higgins hỏi Phụ tá Ngoại trưởng Roser Hilsman “Anh cảm thấy thế nào về bàn tay dính máu của anh?” ông ta trả lời : “Này Maggie, cách mạng bao giờ chả tàn nhẫn thế nào cũng phải có nạn nhân.” (53) Mặc dù lập trường của chính quyền Kennedy trong giai đoạn chót vẫn là “không ngăn cản một cuộc đảo chính” (not to thwart a coup), ngày 30 tháng Mười, Hilsman đã điện sang Sài-gòn một thư nội bộ trong đó ông đã tiên liệu một biến cố Gotterdămmerung (Hoàng hôn của các thần linh) và căn dặn về việc lật đổ các ông Nhu, Diệm: “Chúng ta cần khuyến khích nhóm đảo chính chiến đấu đến cùng và phá tan dinh (Độc lập) nếu cần để đạt được thắng lợi. Điều kiện cho gia đình họ Ngô là đầu hàng vô điều kiện vì nếu không họ sẽ tìm cách gạt được cả các lực lượng đảo chính lẫn Hoa Kỳ. Nếu gia đình bị bắt sống, vợ chồng ông Nhu phải được tống xuất sang Pháp hay bất cứ nước nào muốn nhận họ. Ông Diệm phải được đối xử tùy theo ý muốn của các tướng lãnh.” (54) Sau cuộc đảo chánh, Ngoại trưởng Dean Rusk đánh điện sang cho Đại sứ Cabot Lodge, “Tôi muốn bày tỏ lòng ngưỡng mộ của tôi đối với việc ông đã điều động xuất sắc một loạt các biến cố rất khó khăn và phức tạp.” (55)

Người hài lòng nhất về cuộc đảo chánh vẫn là Đại sứ Lodge. Ông là người chủ trương thay thế chính phủ Diệm từ trước khi sang Việt Nam làm Đại sứ. Ngay trong ngày đầu ở nhiệm sở (24.8), chưa kịp trình ủy nhiệm thư, Lodge đã điện về Bộ Ngoại giao ý kiến của ông cho rằng việc thuyết phục ông Diệm loại bỏ ông Nhu là vô ích và đề nghị tiếp xúc thẳng với các tướng lãnh. Ngày 29.8, ông xác nhận với Bộ Ngoại giao: “Trò chơi đã bắt đầu. Chúng ta đã bị đẩy vào một tiến trình không thể trở lui là lật đổ chính phủ Diệm.” (56) Theo lời tướng Trần văn Đôn, khi ông và tướng Lê Văn Kim đến gặp Lodge ngày 2.9, “ông ta đã vô cùng niềm nở và ca ngợi sự thành công của chúng tôi”. (57) Trong điện văn gửi về Bộ Ngoại giao, Lodge đề nghị giải thích với dư luận về cái chết của hai ông Diệm, Nhu là “ngoài ý muốn của họ (các tướng lãnh) và đây là chuyện chẳng may xảy ra trong một cuộc đảo chính mà trật tự không thể được đảm bảo ở khắp mọi nơi.” (58) Dù sao chăng nữa, Lodge cũng đã nhìn nhận vai trò và trách nhiệm của Hoa Kỳ trong bản báo cáo hàng tuần gửi Tổng thống Kennedy ngày 6.11: “Điều cũng chắc chắn là nền đất mà mầm đảo chính được gieo xuống và mọc lên thành một cây to lớn là do chúng ta sửa soạn, và cú đảo chính đã không thể nào xảy ra nếu không có sự chuẩn bị của chúng ta.”

Về trường hợp Ngô Đình cẩn, ngày 2.11 Bộ Ngoại giao Mỹ đã có chỉ thị rõ ràng cho Lãnh sự ở Huế: “Cần phải cho Ngô Đình Cẩn tị nạn nếu sinh mạng ông ta bị nguy hiểm do bất cứ phía nào. Nếu cho ông ta tị nạn thì giải thích cho nhà cầm quyền ở Huế biết rằng thêm chuyện bạo hành sẽ làm hại thanh danh của chế độ mới đối với quốc tế. Cũng nhắc cho họ biết rằng Hoa Kỳ đã có hành động tương tự để bảo vệ Thích Trí Quang và không thể làm kém hơn về trường hợp ông Cẩn.” (59)
Ngày 4.11, Bộ Ngoại giao lại gửi điện hỏa tốc cho Đại sứ Mỹ ở Sài-gòn khẳng định rằng “cần phải tránh việc hãm hại Ngô Đình Cẩn. Bộ tin rằng chúng ta phải hết sức cố gắng đưa ông ta và, nếu cần, bà mẹ của ông ra khỏi nước thật sớm, bằng phương tiện của chính chúng ta nếu nhờ đó họ có thể ra đi mau chóng. Trong khi đó, chúng ta phải tận dụng mọi khả năng để bảo vệ họ.” (60)
Sau cuộc đảo chính, Ngô Đình Cẩn đến lánh nạn tại tu viện Dòng Chúa Cứu Thế. Sáng ngày 5.11, ông dời sang Lãnh sự quán Mỹ, nhưng tướng Đỗ Cao Trí cho lãnh sự Mỹ biết rằng ông được lệnh của Sài-gòn yêu cầu lãnh sự Mỹ giao ông Cẩn cho ông, nếu không ông không thể bảo đảm an toàn cho lãnh sự quán. Lãnh sự Mỹ xin ý kiến của Washington và được trả lời là Cẩn có thể được giao cho tướng Trí nếu Đại sứ quán Sàigòn đồng ý và xác nhận rằng các tướng đảo chánh sẽ không giết ông Cẩn. Lãnh sự Mỹ điện thoại vào Sài-gòn và được Lodge cho phép thỏa mãn lời yêu cầu của tướng Trí. Khi ông Cẩn tới Sàigòn bằng máy bay Mỹ, Đại sứ Lodge ra lệnh giao ông cho nhà cầm quyền quân sự Việt Nam với điều kiện là ông sẽ không bị xử tử. Như vậy, những chỉ thị trước đó của bộ Ngoại giao về việc bảo vệ sự an toàn của ông Cẩn đã không được thi hành. Đại sứ Lodge cũng không làm gì khi Ngô Đình Cẩn bị kết án tử hình ngày 22 tháng Tư, 1964 và bị đem ra bắn ngày 10 tháng Năm 1964. (61)

Sau khi Đệ nhất Cộng hoà bị lật đổ, miền Nam trải qua nhiều biến cố chính trị và quân sự quan trọng đưa đến cuộc chiến thắng và thống nhất đất nước của đảng Cộng sản. Trong bốn năm đầu (1963-1967) các tướng làm đảo chánh mất nhiều thì giờ vào việc tranh giành và bảo vệ quyền lực hơn là hoạt động quân sự khiến cho miền Nam lâm vào tình trạng bất ổn định chưa từng thấy dưới thời Ngô Đình Diệm.
Lúc đầu, một Hội đồng Quân nhân Cách mạng (HĐQNCM) do tướng Dương Văn Minh cầm đầu được thành lập để giám sát chính phủ. Chức vụ Thủ tướng được giao cho cựu Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ nhưng mọi quyết định quan trọng về chính sách và nhân sự đều thuộc thẩm quyền của HĐQNCM. Hiến pháp Đệ nhất Cộng hoà bị bãi bỏ nhưng không có một văn kiện pháp lý nào thay thế. Chưa đầy ba tháng sau, tướng Nguyễn Khánh làm một cuộc “chỉnh lý”, bắt các tướng Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Mai Hữu Xuân và Tôn Thất Đính đưa lên Đà-Lạt quản chế về tội âm mưu với Pháp trung lập hóa Việt Nam. Tướng Khánh thay ông Nguyễn Ngọc Thơ làm Thủ tướng và lập thêm ba chức Phó Thủ tướng gồm một lãnh tụ chính trị (Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn, đảng Đại Việt), một chuyên gia kinh tế tài chánh (Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh), và một quân nhân (thiếu tướng Đỗ Mậu). Chỉ hai tháng sau, cuộc hợp tác giữa tướng Khánh và đảng Đại Việt tan vỡ vì thực quyền vẫn nằm trong tay tướng Khánh khi ông thay đổi gần hết các tỉnh trưởng bằng những quân nhân thuộc phe ông dù không có kiến thức và kinh nghiệm hành chánh. Tháng Tư 1964, Bộ trưởng Nội vụ Hà Thúc Ký, lãnh tụ Đại Việt Cách Mạng, từ chức để phản đối. Phó Thủ tướng Nguyễn Tôn Hoàn bị tướng Khánh đẩy ra khỏi chính phủ, sau đó ông bỏ đi ngoại quốc.

Trong bản phúc trình gửi cho Tổng thống Johnson hồi tháng Ba, Bộ trưởng Quốc phòng McNamara bày tỏ nỗi lo ngại về tình trạng bất ổn định ở miền Nam do sự xáo trộn của bộ máy hành chánh từ trung ương tới địa phương: “Cơ cấu kiểm soát chính trị từ Sài-gòn xuống tới các thôn xã hầu như tan biến mất. Trong số bốn mươi mốt tỉnh trưởng tại chức ngày 1 tháng Mười Một (1963), ba mươi lăm người bị thay thế. Chỉ trong ba tháng, chín tỉnh đã thay ba tỉnh trưởng; một tỉnh thay tới bốn… Hầu hết các chức vụ chỉ huy quân sự quan trọng đã thay đổi hai lần.” (62) Giới tranh đấu Phật giáo bất mãn với tướng Khánh, thường phát động những cuộc biểu tình đòi hỏi loại bỏ các thành phần chế độ cũ (đảng Cần Lao, Công giáo hay thân Công giáo) ra khỏi chính quyền.

Tháng Tám, tướng Khánh đưa ra bản “Hiến Chương Vũng Tàu” (do một nhóm luật gia soạn ở Vũng Tàu) để tạo lập cơ sở pháp lý cho chính quyền. Lần này, ông bị sinh viên Sài-gòn ào ạt xuống đường phản đối bản hiến chương bảo vệ tham vọng chính trị của quân đội. Nguyễn Khánh nhượng bộ, tuyên bố bãi bỏ Hiến Chương Vũng Tàu và triệu tập phiên họp của HĐQNCM để lựa chọn thành phần lãnh đạo mới. Khi đó, ông đã tạo được một lực lượng mới trong số các sĩ quan trẻ được người Mỹ mệnh danh là “Young Turks” có nghĩa tương tự như “Hảo hán Trẻ tuổi.” Cuối tháng Tám, nhóm này tái bầu Nguyễn Khánh làm Thủ tướng và thay thế HĐQNCM bằng một tam-đầu-chế gồm ba tướng Khánh-Minh-Khiêm. Hình thức chính quyền mới này không làm hài lòng cả hai giới Phật giáo và Công giáo. Nhiều cuộc biểu tình của hai bên tiếp tục xảy ra. Khi tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh vùng I, ủng hộ các cuộc biểu tình tranh đấu của Phật giáo thì tướng Khánh tuyên bố thành lập một Thượng Hội đồng Quốc gia có nhiệm vụ soạn thảo Hiến pháp mới và lựa chọn thành phần của một chính phủ dân sự trong vòng hai tháng.

Ngày 13 tháng Chín lại có một cuộc đảo chánh do hai tướng Lâm Văn Phát, cựu Bộ trưởng Nội vụ và Dương Văn Đức, tư lệnh vùng IV ở đồng bằng Cửu Long. Cuộc đảo chính này bất thành vì “hảo hán” Nguyễn Cao Kỳ kịp giải cứu tướng Khánh và dọa ném bom tiêu diệt lực lượng của hai ông tướng bất mãn.

Thượng Hội đồng Quốc gia được thành lập với Chủ tịch là Phan Khắc Sửu, nhà chính khách đối lập từng bị bắt giam thời Ngô Đình Diệm, và Thủ tướng là Trần Văn Hương, một nhà giáo đạo đức từng là cựu Đô trưởng Sài-gòn. Nhân dịp này, tướng Khánh gửi tướng Minh đi ngoại quốc thăm viếng ngoại giao các nước bạn, đồng thời đẩy tướng Khiêm đi làm Đại sứ ở Hoa Kỳ. Chính phủ Trần Văn Hương chỉ tồn tại được ba tháng vì không chịu nhượng bộ trước những đòi hỏi của nhóm Phật giáo tranh đấu. Sau khi THĐQG từ chối giải nhiệm một số tướng tá, ngày 20 tháng Mười Hai, tướng Khánh và nhóm “Young Turks” giải tán luôn THĐQG và thay thế bằng “Hội đồng Quân lực” (HĐQL). Chuyện này đã làm cho Đại sứ Taylor nổi giận và xúc phạm danh dự các tướng trẻ trong buổi gặp gỡ ngày 21.12 như đã nói đến ở chương 8 trên đây. Ngày 27 tháng Giêng 1965, HĐQL giải tán chính phủ Trần Văn Hương nhưng giữ lại Phan Khắc Sửu và đưa ông vào chức vụ Quốc trưởng.

Ngày 16 tháng Hai, HĐQL thành lập chính phủ mới do Bác sĩ Phan Huy Quát làm Thủ tướng. Chỉ vài ngày sau, hai tướng Lâm Văn Phát và Dương Văn Đức lại tham gia vào một cuộc đảo chính do Đại tá Phạm Ngọc Thảo chủ mưu, nhưng lần này vẫn bị tướng Nguyễn Cao Kỳ dọa dùng không quân đập tan. (63) Các tướng trẻ bây giờ cũng đã chán tướng Khánh nên nhân dịp này áp lực ông phải ra đi với chức vụ Đại sứ lưu động. Chính phủ dân sự Phan Huy Quát chỉ lâu được bốn tháng vì giữa Thủ tướng Quát và Quốc trưởng Sửu có sự bất đồng ý kiến trầm trọng về vấn đề nhân sự trong chính quyền. Mượn được cớ mâu thuẫn giữa các chính trị gia, ngày 14 tháng Sáu, HĐQL giải tán chính phủ dân sự và thiết lập một hệ thống chính quyền mới gồm ủy ban Lãnh đạo Quốc gia (UBLĐQG) và ủy ban Hành pháp Trung ương (UBHPTƯ). Tướng Nguyễn Văn Thiệu được cử làm Chủ tịch UBLĐQG còn tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ tịch UBHPTƯ, tức Thủ tướng chính phủ.

Như vậy chỉ trong vòng 20 tháng, miền Nam đã trải qua hơn mười biến cố chính trị trong đó có năm thể chế không có hiến pháp (64) (từ HĐQNCM đến UBLĐQG), sáu chính phủ (tướng Khánh hai lần làm thủ tướng), ba lần tướng lãnh loại trừ nhau (Khánh loại Đôn-Kim-Xuân-Đính, Khánh loại Minh-Khiêm, các tướng tá trẻ loại Khánh) và hai cuộc đảo chánh bất thành. Giữa những lần thay đổi ấy là những cuộc biểu tình của tín đồ Phật giáo, Công giáo và sinh viên ở nhiều nơi trong nước, tạo nên một tình thế hỗn loạn gần như vô chính phủ. Tình trạng bất ổn chính trị vào thời điểm 1964- 1965 đã được Đại sứ Taylor mô tả một cách châm biếm nhưng rất đúng: “Cuộc chiến diễn ra trên bốn mặt trận: chính phủ chống các tướng, Phật giáo chống chính phủ, các tướng chống đại sứ, và các tướng chống Việt Cộng, tôi hi vọng vậy.” (65) Muốn đầy đủ hơn nữa, còn phải thêm ba mặt trận: “Phật giáo chống Công giáo, các tướng chống các tướng, và các chính trị gia chống lẫn nhau.” Lẽ dĩ nhiên, phe hưởng lợi nhiều nhất trong tình trạng khủng hoảng này là Hà Nội và Mặt trận Giải phóng Miền Nam.

Sự kiện quân đội trở lại nắm lấy chính quyền gây nên một phong trào chống đối còn mạnh mẽ hơn trước, nhất là từ phía Phật giáo. (66) Lần này, sự chống đối còn có thêm một đối tượng là Hoa Kỳ sau khi Tổng thống Johnson bay sang Honolulu để họp với hai tướng Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ (7-9 tháng Hai 1966). Tình hình căng thẳng nhất là ở Huế và Sài-gòn với hàng chục ngàn người biểu tình chống chính phủ quân nhân và chống sự can thiệp của Hoa Kỳ vào Việt Nam. Đầu tháng Ba, tướng Nguyễn Chánh Thi bị UBLĐQG cất chức tư lệnh vùng I và tướng Nguyễn Văn Chuân được cử ra thay thế. Tướng Chuân không ổn định nổi tình hình rối loạn gia tăng nên chỉ đến cuối tháng Năm, vùng I đã có thêm ba tư lệnh mới lần lượt thay thế nhau là Huỳnh Văn Cao, Tôn Thất Đính và Hoàng Xuân Lãm. Trong tháng Năm, Phật tử biểu tình chiếm đài phát thanh Nha Trang, Huế và Đà Nẵng. Hai ni cô tự thiêu ở Huế và Sài-gòn trong cùng một ngày. Phòng Thông tin Hoa Kỳ và Lãnh sự quán ở Huế lần lượt bị đốt phá. Trước tình thế gay go ấy, tướng Kỳ được sự hỗ trợ của Đại sứ Lodge và tướng Westmoreland, điều động quân đội và cảnh sát dã chiến từ miền Nam ra Huế chặn đứng được các hoạt động chống chính quyền và chống Mỹ. Thượng Tọa Thích Trí Quang bị đưa vào Sàigòn giam lỏng tại bệnh viện Nguyễn Duy Tài, còn tướng Nguyễn Chánh Thi thì phải sang Mỹ “chữa bệnh mũi.” Một số tướng tá khác bị bắt buộc hồi hưu hay giải ngũ.

Đầu tháng Sáu, UBLĐQG tuyên bố chuẩn bị bầu cử Quốc hội Lập hiến và mở rộng thành phần ủy ban với sự gia nhập của mười nhân vật dân sự đại diện các nhóm chính trị và tôn giáo. (67) Cuộc bầu cử được diễn ra ngày 13 tháng Chín 1966 với 118 đại biểu. Bản Hiến pháp của Đệ nhị Cộng hoà chính thức ra đời ngày 1 tháng Tư 1967, ấn định một chế độ Tổng thống có Thủ tướng và một Quốc hội lưỡng viện. Ngày 3 tháng Chín, cuộc bầu cử Tổng Thống được tổ chức với 11 liên danh ứng cử và sự tham gia bầu cử của 83% dân chúng. Liên danh Nguyễn Văn Thiệu-Nguyễn Cao Kỳ đắc cử với 34.8% số phiếu. So với tỉ lệ đắc cử thông thường của những nhà lãnh đạo độc tài là trên chín mươi phần trăm, tỉ lệ 34.8% này phản ảnh khá trung thực ý muốn của cử tri. Các quan sát viên và báo chí quốc tế chỉ ghi nhận một số vi phạm nhỏ ở địa phương.

Đáng chú ý là liên danh đứng hàng thứ nhì về số phiếu không phải là của những chính khách tên tuổi như Trần Văn Hương hay Phan Khắc Sửu, mà là của ứng cử viên chủ hoà Trương Đình Dzu với 17.2% số phiếu. (68) Đây là một kết quả bất ngờ biểu lộ tâm trạng của những cử tri dù không theo cộng sản nhưng đã chán ghét chiến tranh và không còn tin tưởng ở các giới lãnh đạo quân sự và chính trị ở miền Nam sau cuộc đảo chánh lật đổ Ngô Đình Diệm. Sứ quan Mỹ và CIA theo dõi rất sát tình hình tranh cử mà không tiên đoán được tầm ảnh hưởng của khuynh hướng chủ hòa. Trong các báo cáo hàng tuần gửi cho Tổng thống Johnson từ đầu tháng Năm, Đại sứ Bunker kiểm điểm khả năng và lập trường của những ứng cử viên quan trọng nhưng không một lần nào ông nhắc đến Trương Đình Dzu. Mãi đến khi thấy kết quả bầu cử, ông mới tìm hiểu và nhận định khá nhiều về ứng cử viên này. (69)

Mặc dù thắng cử, liên danh Thiệu-Kỳ thực ra chỉ là một sự hợp tác gượng ép của những người “đồng sàng dị mộng.” Mỗi ông đều đã chuẩn bị cho mình vai trò nguyên thủ quốc gia từ khi UBLĐQG tuyên bố sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội Lập hiến và sau đó là bầu người lãnh đạo nền Đệ nhị Cộng hòa. Cuộc tranh chấp giữa hai tướng Thiệu, Kỳ gay go đến độ hàng ngũ quân đội có nguy cơ bị đổ vỡ. Đó là lý do khiến Đại sứ Lodge chưa muốn tiến hành xây dựng một thể chế dân chủ ở Việt Nam. Trước khả năng tái phát tình trạng bất ổn với những cuộc biểu tình tranh đấu chống chính phủ và chống Mỹ ở Việt Nam, Lodge muốn quân đội tiếp tục kiểm soát chính quyền như ông đã ủng hộ HĐQL đối phó hữu hiệu với cuộc tranh đấu của Phật giáo năm 1965. Đầu năm 1967, ông khẳng định với Washington rằng chính phủ quân nhân đại diện cho “những lực lượng xây dựng nước nhiều kinh nghiệm nhất, liên kết chặt chẽ và đáng tin cậy nhất của xứ sở.” (70) Tuy nhiên, ông chẳng thể làm được gì để tạo được sự đoàn kết của các tướng lãnh Việt Nam. Sau khi bản Hiến pháp được công bố ngày 1 tháng Tư, cả hai tướng Thiệu và Kỳ đều công khai bày tỏ ý muốn trở thành “ứng cử viên của quân đội” trong cuộc tranh cử Tổng thống. Cuối tháng Tư, Lodge từ chức trở về Mỹ và trở thành cố vấn của Tổng thống Johnson. Đại sứ Ellsworth Bunker được cử sang thay thế. Trong suốt hai tháng trước thời hạn chót ghi danh ứng cử Tổng thống (30 tháng Sáu) Bunker nhiều lần gặp riêng cá nhân các ông Thiệu, Kỳ trong khi tướng Westmoreland cũng gặp tướng Cao Văn Viên, Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tổng Tham mưu trưởng, để yêu cầu phải tránh tình trạng phân hóa trong quân đội.

Các tướng lãnh lúc đó cũng rất lo ngại về nguy cơ quân đội bị chia rẽ và đã phải họp nhau nhiều lần để tìm cách giải quyết cuộc tranh chấp giữa hai phe Kỳ và Thiệu. Mặc dù tướng Viên đã tuyên bố từ đầu tháng Năm rằng quân lực không phải là một đảng chính trị nên không có ứng cử viên Tổng thống, (71) các tướng lãnh vẫn không muốn trao chính quyền cho phe dân sự. Trong phiên họp ba ngày (28-30 tháng Sáu) — ngay trước hạn chót ghi danh ứng cử— HĐQL họp khẩn cấp để áp lực hai tướng Thiệu, Kỳ phải hợp tác với nhau. Cuối cùng, Nguyễn Cao Kỳ tuyên bố nhường cho Nguyễn Văn Thiệu ứng cử Tổng thống và chấp nhận đứng chung liên danh với ông Thiệu. Ông Kỳ cho biết quyết định này là “một sai lầm lớn nhất trong đời tôi. Suốt từ năm 1975, không có một ngày nào mà tôi không hối tiếc.” (72) (Đáng lẽ ông phải nói suốt từ 1967 mới đúng). Đại sứ Bunker nhận xét rằng HĐQL đạt được kết quả này là nhờ ba yếu tố chính: quan trọng nhất là sự cam kết của Thiệu và Kỳ với Johnson ở hội nghị Guam, kế đó là nhu cầu thiết yếu của tình đoàn kết quân đội, thứ ba là việc tướng Dương Văn Minh đang lưu vong Bangkok tuyên bố ra tranh cử đang trở thành một nỗi đe dọa chung. Ngoài ra, một số tướng lãnh trong HĐQL có thể đã không bằng lòng về cuộc vận động quá sớm của tướng Kỳ và cách sử dụng áp lực của những người ủng hộ ông. Tuy nhiên, Bunker công nhận Kỳ “đóng vai trò chính trong quyết định cuối cùng” vì “ông ta dẫn đầu rất xa các ứng cử viên khác vào lúc đó… và chính Thiệu cũng nhìn nhận rằng ông không thể đắc cử được.” Bunker nhận xét đây là một hi sinh lớn của Nguyễn Cao Kỳ vì tình đoàn kết của quản đội và quyền lợi của đất nước. (73)

Tướng Kỳ tiết lộ rằng trước cuộc bầu cử, HĐQL đã bắt buộc tướng Thiệu ký một bản thỏa thuận mật theo đó ông phải chịu sự kiểm soát của một hội đồng tướng lãnh được lựa chọn từ HĐQL và không bị ràng buộc bởi Hiến Pháp. Văn kiện mật này xác định rằng “trong bất kỳ cuộc bầu cử nào, hội đồng tướng lãnh sẽ lựa ứng cử viên quân đội ra tranh cử Tổng thống. Sau khi đắc cử, ứng cử viên quân đội này vẫn còn là thành viên của hội đồng và luôn luôn phải hành động theo sự hướng dẫn của hội đồng”. Điều đó có nghĩa là sau khi trở thành Tổng thống, ông Thiệu vẫn tiếp tục là đại diện của quân đội và, trong thời chiến, trách nhiệm tối hậu điều hành việc nước vẫn do quân đội nắm giữ. Bản thỏa thuận được ký trong phiên họp đầu tiên của hội đồng tướng lãnh, trong đó có ông Thiệu. Tướng Kỳ cho biết “ông được bầu làm chủ tịch hội đồng. Như vậy, khi Thiệu được bầu làm Tổng thống, ông phải chia sẻ quyền hành với hội đồng. Với tư cách chủ tịch, tôi nắm nhiều quyền hơn cả ông Thiệu.” (74)

Mặc dù có sự cam kết riêng tư đó giữa ông Thiệu và các tướng lãnh (theo ông Kỳ thì “người Mỹ không bao giờ biết có chuyện này”) chỉ nửa năm sau, với sự khuyến khích và giúp đỡ của Đại sứ Bunker, ông Thiệu đã dân sự hóa được bộ máy chính quyền và thực sự trở thành một Tổng thống do Hiến pháp, nhất là sau khi ông Trần Văn Hương nhận lời làm Thủ tướng vào cuối tháng Năm thay thế ông Nguyễn Văn Lộc là người của tướng Kỳ. Trong bản phúc trình hàng tuần cho Johnson, Bunker viết: “Chiều hướng có sự tham gia nhiều hơn của giới dân sự vào chính quyền là điều mà chúng ta đã khuyến khích và nuôi dưỡng từ nhiều năm nay, bắt đầu bằng việc ủng hộ cuộc bầu cử Quốc hội Lập hiến. Dĩ nhiên là Thiệu nên giữ vai trò của một Tổng thống hiến định hơn là chỉ phục vụ với tư cách đại diện của một nhóm quân nhân đang tìm cách điều hành chính phủ từ hậu trường.” (75) Lời phát biểu này cho thấy bản mật ước giữa các tướng lãnh với ông Thiệu đã không có gì là mật đối với Mỹ, do đó hội đồng tướng lãnh trở nên vô hiệu và không thể ngăn cản được tiến trình dân chủ hóa và dân sự hóa chính quyền.

Điều đáng nói là tướng Kỳ bị mất dần thế lực và ảnh hưởng trong chính quyền. Ai cũng thấy rõ là sau khi tướng Kỳ nhường việc ứng cử Tổng thống cho tướng Thiệu, phe ủng hộ ông đã vô cùng bất mãn và chỉ chờ có cơ hội thuận tiện để phục hồi quyền lực cho ông. Tướng Kỳ dù không khuyến khích họ theo đuổi mục đích này nhưng cũng không tích cực ngăn chặn họ và vẫn bảo vệ các chức vụ của họ trong bộ máy chính quyền. Điều này khiến Hoa Kỳ rất quan tâm cho nên trong suốt thời gian từ trước khi có cuộc tranh cử Tổng thống cho đến sau khi chính phủ Trần Văn Hương được thành lập, Đại sứ Bunker đã thường xuyên nhắc nhở hai ông Kỳ và Thiệu (nhất là Kỳ) phải hợp tác với nhau để giữ vững chế độ và chiến đấu chống cộng. Trong mỗi bản báo cáo hàng tuần gửi cho Tổng thống Johnson, Đai sứ Bunker đều nhắc đến những nỗ lực hoà giải của ông mà ông không mấy lạc quan. Hai tổ chức chính trị được thành lập chỉ cách nhau mấy ngày trong tháng Ba: Mặt Trận Nhân Dân Cứu Quốc, thân Kỳ, do nghị sĩ (cựu trung tướng) Trần Văn Đôn cầm đầu, và Lực Lượng Tự Do Dân Chủ, thân Thiệu, do Tổng thư ký Phủ Tổng thống Nguyễn Văn Hướng (đảng Đại Việt) điều động. Khi Thiệu mời Trần Văn Hương làm thủ tướng, Kỳ có phản ứng tiêu cực rõ rệt. Bản tin AP ngày 17 tháng Năm tiên đoán sẽ có cuộc tranh chấp Thiệu-Kỳ về vấn đề bổ nhiệm một nội các mới. Kỳ cho rằng “Hương quá già, bướng bỉnh và ngoan cố.” (76) Kỳ cũng đã nói với cả Bunker và Phó Đại sứ Berger là “việc thay đổi từ Lộc sang Hương không có nghĩa là chính phủ sẽ mạnh hơn và đoàn kết hơn.” (77)

Ngày 2 tháng Sáu, chỉ một tuần sau khi chính phủ Hương được thành lập, một máy bay trực thăng Mỹ phóng lầm hoả tiễn vào trụ sở của Bộ Chỉ huy hành quân ở Chợ-lớn ngày 2 tháng Sáu làm cho nhiều người chết và hai bị thương, tất cả đều là những người thân tín của tướng Kỳ. (78) Mặc dù Đại sứ Bunker giải thích đây là một tai nạn do sai lầm về kỹ thuật gây ra, ông không đánh tan được giả thuyết rằng tình báo Mỹ biết được nhóm sĩ quan thân tướng Kỳ đang hội họp để âm mưu đảo chánh nên đã sắp đặt vụ “oanh kích lầm” để tránh tình trạng xáo trộn chính trị ở miền Nam. Cũng chỉ mấy ngày sau vụ này, Tổng thống Thiệu bổ nhiệm Đại tá Trần Văn Hai vào chức vụ Tổng Giám đốc cảnh sát Quốc gia thay thế Đại tá Nguyễn Ngọc Loan, cánh tay mặt của Phó Tổng thống Kỳ. Đại tá Đỗ Kiến Nhiễu cũng được bổ nhiệm làm Đô trưởng Sài-gòn thay cho Đại tá Văn Văn Của, em rể Đại tá Loan và là người bị thương trong vụ oanh kích lầm ở Chợ Lớn. Về những thay đổi nhân sự này, Đại sứ Bunker nhận xét:

Thiệu hành động trong lúc Loan, từ lâu vốn là “bête noire” của các chính trị gia dân sự cũng như của nhiều thành phần dân chúng, đang nằm trong bệnh viện, và trước khi ra tay đã thăng chức cho Loan lên Thiếu tướng. Dù sao, sự thay thế này là một bước dài trong việc thiết lập uy quyền hiến định của Thiệu… Việc thay thế Đô trưởng Văn Văn Của và những sĩ quan đã thiệt mạng trong tai nạn bi thảm do vụ pháo kích Bộ Chỉ huy Sài-gòn (mà tôi đã báo cáo tuần trước), tất cả đều là bạn của Phó Tổng thống Kỳ, được coi như một sự suy giảm quan trọng quyền lực của Kỳ. Có một số dấu hiệu cho thấy là nhiều nhóm chính trị bây giờ tin rằng Thiệu rõ ràng đang lên và, vì thế, họ đang xán lại gần ông ta. (79)

Cuối tháng Mười một, sau khi Richard Nixon đã thắng Hubert Humphrey trong cuộc tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ, Tổng thống Thiệu cử Phó Tổng thống Kỳ sang Paris để giám sát và hỗ trợ phái đoàn VNCH tại cuộc hoà đàm Paris do Đại sứ Phạm Đăng Lâm làm trưởng đoàn. Đây cũng là một cơ hội tốt để giải quyết vụ tranh chấp Thiệu-Kỳ vì, nếu ông Kỳ còn ở lại trong nước, thì như Bun­ker đã nhận xét, “mặc dù uy quyền tiếp tục bị giảm sút, Kỳ vẫn có thể chứng tỏ ảnh hưởng phân hóa”. (80) Từ nay mối quan tâm chung lớn nhất của cả Thiệu lẫn Kỳ là phái đoàn VNCH phải giành được vị thế chính đáng tại hội nghị Paris để bảo vệ sự vẹn toàn của một nửa nước Việt Nam không cộng sản.

Nguyễn Văn Thiệu lên làm Tổng thống VNCH vừa do may mắn vừa do sự khôn ngoan của ông trong việc cư xử với các tướng lãnh, các giới chính trị và Đại sứ Hoa Kỳ. Trong cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm, ông Thiệu mới là Đại tá chỉ huy Sư đoàn 5, được các tướng chủ mưu đảo chính móc nối và giao cho trách nhiệm bao vây Dinh Gia Long, nhưng khi ông đem quân tới thì hai ông Diệm và Nhu đã rời Dinh trong một chiếc xe nhỏ chạy vào Chợ Lớn. Ông vẫn đóng quân ở bên ngoài cho đến khi Đại tá Phạm Ngọc Thảo đem thêm quân đến chiếm Dinh. Sau này có dư luận cho rằng con người thận trọng Nguyễn Văn Thiệu đã cố ý kéo quân đến chậm và không tấn công Dinh vì chưa dứt khoát chống Tổng thống Diệm.

Trong gần hai năm đầu, trong khi các tướng đàn anh tranh chấp và loại trừ nhau thì ông Thiệu, khi đó đã được thăng Thiếu tướng, lặng lẽ ở trong hậu trường và trở thành người có thâm niên cao nhất trong đám “Young Turks”. Ông có chân trong HĐQNCM và khi ông Trần Văn Hương được chọn làm Thủ tướng thì ông làm Phó Thủ tướng. Khi Bác sĩ Phan Huy Quát thay ông Hương thì ông Thiệu vẫn giữ chức Phó Thủ tướng và kiêm luôn Tổng trưởng Quốc phòng. Như vậy, khi đám “Young Turks” đẩy được tướng Khánh đi Mỹ và HĐQL lấy lại chính quyền cho phe quân sự, ông Thiệu có thể trở thành Thủ tướng dễ dàng, nếu ông muốn. Tuy nhiên, trước những sự thay đổi chính phủ mau chóng trong mười mấy tháng trước đó, tướng Thiệu đã nhận chức Chủ tịch UBLĐQG và để cho tướng Kỳ giữ chức Chủ tịch UBHPTƯ, tức Thủ tướng Chính phủ. Lần này, con người thận trọng Nguyễn Văn Thiệu đã sơ sót không tính đến chuyện Hoa Kỳ muốn có sự ổn định chính trị ở miền Nam để lo việc chống cộng nên suýt nữa thì sự nghiệp chính trị của ông bị chấm dứt, nếu hai năm sau tướng Kỳ không chịu nhường cho ông ra ứng cử Tổng thống.

Ở đây cũng nên ghi nhận vài nét về tướng Nguyễn Cao Kỳ. Khác với tướng Thiệu thâm trầm, tính toán thận trọng và khéo thích ứng với hoàn cảnh, tướng Kỳ là con người hành động, quyết định theo cảm tính và không suy nghĩ thận trọng khi phát biểu. Nhờ tham gia vào cuộc đảo chánh 1.11.1963 (dù ông không thuộc thành phần chủ động) và nhất là vai trò quan trọng của Không quân. Kỳ đã lên lớn rất nhanh, từ trung tá (trước đảo chánh) đến thiếu tướng chỉ huy trưởng không quân chỉ trong vòng vài tháng, và hơn một năm sau đã lên đến địa vị thủ tướng chính phủ, một chức vụ mà trước đó ông chưa bao giờ mơ tưởng đến. Tuy không có kiến thức và kinh nghiệm chính trị, Nguyễn Cao Kỳ muốn thực hiện “công bằng xã hội” (như lời ông nói với Đại sứ Cabot Lodge), tuyên bố chính phủ của ông là “chính phủ của dân nghèo”, tung chiến dịch bài trừ tham nhũng và có một số chương trình phát triển xã hội như xây dựng nhà thương và trường học. Tư thế chính trị của tướng Kỳ lên cao nhất sau phiên họp với Tổng thống Johnson ở Honolulu đầu tháng Hai 1966, và quyền lực của ông cũng gia tăng sau khi dẹp yên vụ chống đối của Phật giáo miền Trung vào tháng Sáu năm đó. Nhưng trong cuộc cạnh tranh với tướng Thiệu làm ứng cử viên Tổng thống năm 1967, cũng chỉ vì quyết định theo cảm tính trong giây phút bốc đồng, tướng Kỳ đã bỏ lỡ một cơ hội thuận lợi duy nhất trong đời. Trong những năm làm Phó Tổng thống, ông Kỳ vẫn toan tính việc ra ứng cử Tổng thống năm 1971, nhưng ông bị mất dần ảnh hưởng, và Hoa Kỳ, qua vai trò của Đại sứ Bunker, cũng muốn duy trì ông Thiệu, một người trầm tĩnh và ứng xử thích hợp hơn với đường lối của Hoa Kỳ. Sau khi liên danh Thiệu-Hương đắc cử, Hoa Kỳ không để ý gì tới Nguyễn Cao Kỳ.

Trong vai trò Tổng thống, mặc dù Nguyễn Văn Thiệu không thể so sánh được với Ngô Đình Diệm về mặt uy thế và đạo đức cá nhân, ông đã cầm quyền được gần tám năm, xấp xỉ với thời gian cầm quyền của ông Diệm. Từ 1967 đến 1973, do cách cư xử khôn khéo và thận trọng, ông Thiệu không phải đương đầu với những đảng phái đối lập (ngoại trừ cuộc tranh chấp ngấm ngầm và dai dẳng với nhóm ông Kỳ). Trong thời gian này, ông cũng không có những chính sách độc đoán đến độ dân chúng bất mãn và nổi lên chống đối. Ông lập được một số thành tích đáng kể về cải cách ở nông thôn nhưng cũng tìm cách củng cố quyền hành, gây nên nạn bè phái và tham nhũng trầm trọng. Ông thích ứng được với vai trò chủ động của Hoa Kỳ trong thời kỳ “Mỹ hoá” chiến tranh, cho đến khi bị Nixon-Kissinger ép buộc chấp nhận hiệp định Paris 1973 mới kịch liệt chống lại nhưng rốt cuộc vẫn phải nhượng bộ (xem chương Bảy). Sau hiệp định Paris, vì Hoa Kỳ không những dứt khoát rút quân về nước mà còn cắt giảm viện trợ cho Việt Nam, Tổng thống Thiệu phải đối phó với những khó khăn càng ngày càng gia tăng và phạm nhiều lỗi lầm to lớn về chính trị cũng như quân sự.

Sau khi liên danh Thiệu-Kỳ thắng cử năm 1967, nhờ được sự khuyến khích của Đại sứ Bunker, ông Thiệu đã khéo léo dân sự hóa chính quyền, loại bỏ được thế lực của Phó Tổng thống Kỳ, và xây dựng được quyền lực của mình một cách hợp hiến và hợp pháp. Bunker nhận xét, “Thiệu đã rõ ràng chọn vai trò Tổng thống hiến định của toàn dân hơn là đại diện của các tướng. Đối với ông, điều này gồm có những nỗ lực liên kết với các lãnh tụ dân sự đồng thời sắp đặt lại cơ cấu quân đội, về phần các tướng, đặc biệt là đối với Kỳ, điều này có nghĩa là chấp nhận sự giảm bớt quyền lực chính trị.” (81) Nói cách khác, điều đó có nghĩa là bản thỏa ước “mật” mà ông Thiệu phải ký với hội đồng tướng lãnh về một chế độ quân phiệt trong bóng tối đã được vô hiệu hóa.
Rút kinh nghiệm thất bại của Ngô Đình Diệm, ông Thiệu không xây dựng một chính quyền độc đảng, mà chủ trương hợp tác với một liên minh các đảng phái chính trị, nhưng ông lại muốn liên minh này thân chính quyền hơn là một lực lượng đối lập. Chính vì thế mà “Mặt Trận” của Trần Văn Đôn cũng như “Lực Lượng” của Nguyễn Văn Hướng, dù chỉ là những tổ chức không có thực lực, đã không thể liên kết được với nhau. Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến của hai giáo sư đại học Nguyễn Ngọc Huy và Nguyễn Văn Bông ra đời vào tháng Năm 1969 cố gắng kết hợp tầng lớp trí thức thành một thế lực chính trị mới nhưng phong trào tiến triển chậm chạp vì đa số trí thức và chuyên viên vẫn dè dặt về hoạt động đảng phái. Đến cuối năm 1969, khi lãnh tụ Tổng Liên Đoàn Lao Công Trần Quốc Bửu với 250,000 đoàn viên cùng với nghị sĩ Trịnh Quang Quỹ thành lập Đảng Công Nông có khuynh hướng thân chính quyền thì ông Thiệu bắt đầu có một lực lượng quần chúng ở sau lưng, nhưng thực tế mới chỉ có “công” mà chưa có “nông”.

Khác với Ngô Đình Diệm là một nhà lãnh đạo độc tài đã có sẵn một quá khứ đầy uy tín, một lòng yêu nước nhiệt thành và niềm tin vững chắc vào quan niệm trị nước của ông (dù sai lầm), Nguyễn Văn Thiệu chỉ nhờ thời cơ mà trở thành nhà lãnh đạo và đã dùng sự khôn khéo để xây dựng được quyền hành rồi trở thành độc tài. Ông không chịu thực hiện những cải cách hành chánh mà chỉ dân-sự-hóa một phần chính quyền ở trung ương, trong khi củng cố quyền lực bằng một hệ thống chính quyền địa phương với các tỉnh trưởng là những quân nhân thuộc phe phái của ông. Ngoài ra, ông vẫn ngấm ngầm có đầu óc quân phiệt cho nên đã không chịu thay đổi chính sách động viên theo đó thanh niên đi quân dịch không có thời hạn nhất định, khiến cho tương lai đất nước thiếu ít nhất là một thế hệ trí thức. Hậu quả trước mắt là nhiều cơ quan công cũng như tư bị tê liệt vì thiếu chuyên viên. Củng cố quyền lực bằng một hệ thống quan chức và cán bộ theo bè phái và bằng những biện pháp quân phiệt tất nhiên sẽ đưa đến tình trạng tham nhũng và bất công xã hội trầm trọng, làm mất lòng tin của dân chúng và làm suy yếu khả năng phát triển đất nước. Đây là một lỗi lầm hết sức nghiêm trọng.

Đại sứ Bunker rất quan tâm đến việc chính quyền Thiệu quá chú trọng đến biện pháp gia tăng quân số hơn là các hoạt động dân sự cần thiết cho công cuộc bình định. Ông đưa ra thí dụ bệnh viện Đà-lạt có một chuyên gia gây mê duy nhất bị bắt đi quân dịch khiến cho các hoạt động giải phẫu của nhà thương bị hủy bỏ. Về sự quan trọng của bộ máy dân sự, Bunker cho biết: “Tôi đã nhiều lần nhắc nhở cả hai ông Thiệu và thủ tướng Lộc, và đã đưa cho ông Lộc một danh sách 3,000 công việc thiết yếu trong chính phủ mà những người phụ trách không nên bị đưa đi quân dịch trừ khi có người đủ điều kiện thay thể.” Ông phàn nàn: “Chính phủ Việt Nam chưa có những chỉ thị rõ rệt hay một cơ cấu có khả năng đảm bảo rằng chính phủ dân sự và những dịch vụ công ích có thể tiếp tục hoạt động hữu hiệu.” (82) Trên thực tế, chính phủ áp dụng chính sách biệt phái một số chuyên viên đi quân dịch về phục vụ trong các cơ sở hành chánh, nhưng phần lớn những quyết định biệt phái ấy được thi hành trên căn bản phe đảng hay hối lộ, và trong trường hợp nào cũng được coi như những biện pháp ân huệ nhằm bảo đảm sự trung thành của các đương sự.

Sai lầm lớn nhất về chính trị của ông Thiệu là không thực tâm cải tổ hệ thống chính quyền mà chỉ lo củng cố quyền hành, và đàn áp đối lập khi không thuyết phục được họ theo mình. Trước nguy cơ chung, nhất là từ sau khi ký hiệp định Paris, đáng lẽ ông Thiệu phải sớm thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc để có được sự hợp tác của những nhóm đối lập trong việc chuẩn bị đấu tranh chính trị với cộng sản về tương lai chính trị của miền Nam theo tinh thần hiệp định Paris. Ngoài ra, cần phải quyết liệt và mau chóng bài trừ tham nhũng để đem lại công bằng xã hội, lấy được niềm tin của dân chúng. Trong những điều kiện đó, một chính phủ đoàn kết rộng rãi của VNCH sẽ dễ được Quốc hội và chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ có uy tín và lợi thế hơn khi thảo luận với MTGPMN về vấn đề thi hành hiệp định Paris. Thời điểm này cũng thuận tiện để thăm dò và thảo luận thẳng thắn với MTGPMN về vấn đề hoà giải và khả năng hợp tác giữa hai bên ở miền Nam, về thời gian chuyển tiếp và những điều kiện thống nhất với miền Bắc. Việc thăm dò này sẽ cho thấy mức độ độc lập và ảnh hưởng của những nhân vật không cộng sản trong MTGPMN đối với giới lãnh đạo ở Hà Nội. Kết quả tích cực dù đạt được hay không cũng sẽ chứng tỏ được hành động có trách nhiệm của VNCH đối với dân tộc và đất nước. Lịch sử sẽ đánh giá trách nhiệm này của mỗi phe liên hệ.

Nhưng thay vì hành động với tinh thần trách nhiệm, ông Thiệu vẫn duy trì hệ thống chính quyền bất lực và tham nhũng, bắt giam những người đối lập khiến cho phong trào chống đối càng ngày càng lan rộng và quyết liệt. Từ giữa năm 1974, các tổ chức chống chính phủ được liên tiếp thành lập. Đáng kể nhất là “Phong trào Nhân dân chống Tham nhũng” của Linh Mục Trần Hữu Thanh ra cáo trạng kết tội chính phủ, “ủy ban Phối hợp Hành động” của Nghiệp đoàn Ký giả đòi hủy bỏ đạo luật 007 hạn chế báo chí đã khiến cho nhiều tờ báo phải đóng cửa và hơn 900 ký giả bị thất nghiệp, (83) “Lực lượng Luật sư Tranh đấu” của Luật sư Đoàn ra tuyên cáo phản đối việc bắt giữ trái phép các luật sư và thẩm phán, và đòi Tối cao Pháp viện phải can thiệp cho họ được thả. Ngoài ra, các đảng phái, tôn giáo cũng thành lập một mặt trận gọi là “Trận tuyến Nhân dân Cách mạng Tranh thủ Hòa bình”. Linh mục Phan Khắc Từ thành lập “ủy ban Bảo vệ Quyền lợi Công nhân,” và cùng với Đại đức Thích Hiển Pháp thành lập “Mặt trận Nhân Dân Cứu đói”. Phật giáo Ấn Quang huy động các Phật tử đòi chấm dứt chiến tranh. Phật giáo Việt Nam Quốc tự kêu gọi Tổng thống Thiệu từ chức. Các linh mục Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan và Trương Bá Cần đều là những tiếng nói mạnh mẽ chống chính quyền.

Khi ông Thiệu ban hành lệnh tổng động viên mới, hạn chế tuổi hoãn dịch vì lý do học vấn và bãi bỏ việc hoãn dịch vì lý do tôn giáo thì sinh viên, học sinh tổ chức bãi khóa. Hội đồng Liên tôn gồm 11 giáo phái, và các giáo phái Phật giáo tranh đấu cũng như ôn hoà, kể cả hệ phái phi chính trị nhất như Lục Hòa tăng, đều cực lực phản kháng lệnh tổng động viên. Mãi đến đầu tháng Tư 1975, Nguyễn Văn Thiệu mới yêu cầu tướng Trần Thiện Khiêm rời chức vụ Thủ tướng để cho Chủ tịch Hạ viện Nguyễn Bá cẩn thay thế và lập một “Chính phủ đoàn kết quốc gia”. (84) Lúc này đã quá trễ và không có một chính phủ mới nào, dù có thật sự đoàn kết rộng rãi, có thể cứu vãn được tình thế. Ngày 21.4, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức và bốn ngày sau được phi cơ quân sự Mỹ đưa sang Đài Loan đoàn tụ với gia đình.

Về quân sự, sai lầm lớn nhất của ông Thiệu là quyết định bỏ Cao nguyên ngày 14 tháng Ba 1975 gây nên một cuộc tháo chạy hỗn loạn của quân và dân miền Trung và những cuộc truy kích của bộ đội Bắc Việt khiến cho hàng trăm ngàn người bị chết và bị thương. Các tỉnh thuộc Quân khu I và II theo nhau bị thất thủ mau chóng dễ dàng. Chuyện này đã được nói đến ở chương Bảy nên không cần thuật lại ở đây.

Về mặt tích cực, ông Thiệu đã thực hiện được một cuộc cải cách hành chánh có tính dân chủ. Đó là việc tổ chức lại các hội đồng kỳ mục trong các làng xã mà các đại diện đều thật sự do dân lựa chọn qua bầu cử. Năm 1969, có 89.75 phần trăm làng thuộc vùng quốc gia kiểm soát đã bầu xong các chủ tịch và hội đồng đại diện. (85) Các hội đồng này đều được chính phủ giúp đỡ tổ chức và huấn luyện các đội dân vệ và cảnh sát để bảo vệ an ninh của làng xã. Đến tháng Chín đã đạt được chỉ tiêu 2 triệu đoàn viên Nhân Dân Tự Vệ cho năm 1969 và con số gia tăng mau chóng tới mức trên 3 triệu vào cuối năm. Tuy nhiên, lên đến cấp quận và tỉnh thì ông Thiệu vẫn giữ nguyên hệ thống cũ, tức là các quận trưởng và tỉnh trưởng đều là quân nhân do chính quyền chỉ định. Thay vì cải cách thì ông chỉ thay thế những người cũ bằng người mới trung thành với ông. Những cán bộ cao cấp tốt nghiệp Học viện Quốc gia Hành chánh chỉ được bổ nhiệm làm phó hay phụ tá không có quyền quyết định.

Một cải cách khác quan trọng hơn và có hiệu quả tích cực đối dân chúng nông thôn hơn thời Ngô Đình Diệm là cải cách điền địa. Chính sách mới của ông Thiệu gồm ba điểm: (1) địa chủ không được bắt tá điền trả địa tô thuộc những năm trước; (2) nông dân đã được Việt Cộng cấp ruộng đất trước đây sẽ không phải đóng thuế trong một thời gian; và (3) những nông dân này được quyền giữ ruộng đất do Việt Cộng cấp và được cấp bằng khoán để chính thức trở thành tiểu điền chủ. Đạo luật “Người Cày Có Ruộng” ngày 26 tháng Ba năm 1970 được coi là chương trình “cách mạng” nhất của tướng Thiệu, theo đó mức sở hữu ruộng đất của mỗi địa chủ được giới hạn tối đa là 15 ha, diện tích quá mức đó sẽ bị truất hữu để phát không cho nông dân nghèo. Mặc dù có ruộng đất bị truất hữu, các điền chủ vẫn không chống đối vì thực tế thì hầu hết ruộng đất của họ coi như đã mất khi có “chiến tranh giải phóng”, và họ lại được chính phủ bồi thường về số ruộng bị truất hữu. Sau ba năm thi hành luật “Người Cày Có Ruộng”, chỉ tiêu cấp phát 1 triệu ha đã được vượt qua với hơn 850,000 tá điền trở thành tiểu điền chủ. Tuy nhiên, vì những quan hệ gia đình hay quen biết với các cán bộ cộng sản từ những ngày kháng chiến chống Pháp, vì sợ bị khủng bố nếu ủng hộ chính quyền quốc gia, hay chỉ đơn giản vì muốn được đủ no và một đời sống yên ổn, người nông dân nghèo thường tránh né các hoạt động chống cộng mỗi khi có thể được. Phải đợi cho đến sau 1975, họ mới bày tỏ phản ứng thực sự khi nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thi hành chính sách tập thể hoá ruộng đất ở miền Nam. Nông dân vô sản nhờ luật “Người Cày Có Ruộng” của VNCH đã trở thành hữu sản và họ vô cùng bất mãn khi bị cưỡng bách bán lúa gạo và các sản phẩm khác cho nhà nước với giá rẻ. Không thể chống đốì bằng bạo động, họ chống đối thụ động bằng cách chỉ sản xuất vừa đủ ăn cho gia đình để không có số thặng dư phải bán cho nhà nước. Nền kinh tế chỉ huy ở nông thôn bị thất bại, sản xuất lương thực suy giảm trầm trọng khiến đất nước lâm vào tình trạng nghèo đói triền miên cho đến những năm cuối thập kỷ 1980 mới bắt đầu hồi phục nhờ chính sách “đổi mới kinh tế”, cho phép nông dân được bán sản phẩm của mình theo giá thị trường.

Những nét chính trên đây trong sự nghiệp chính trị của Nguyễn văn Thiệu cho thấy ông là người không có sáng kiến nhưng có khả năng tồn tại, biết đối phó một cách uyển chuyển với mọi khó khăn nội bộ cho đến khi ký hiệp định Paris. Ông khéo thích ứng với chính sách của Hoa Kỳ và tin tưởng ở sự giúp đỡ của Hoa Kỳ cho đến khi bị Đại sứ Graham Martin thúc dục từ chức, và ông chỉ từ chức trước khi miền Nam sụp đổ có chín ngày. Với tư cách một Tổng thống hợp hiến, ngoài việc vô hiệu hóa một cách êm thắm bản thỏa ước mật mà ông đã phải ký với Hội đồng tướng lãnh, ông Thiệu còn kiềm chế được hai cuộc khủng hoảng có nguy cơ tạo loạn: sinh viên hoạt động phản chiến và thương phế binh chiếm đất bất hợp pháp.

Tháng Tư 1970, sau khi một số lãnh tụ sinh viên bị bắt vì tình nghi hoạt động cho cộng sản, sinh viên Sài-gòn bắt đầu có những cuộc biểu tình và bãi khóa để phản đối khiến Đại học Sài-gòn phải đóng cửa. Một số Đại học ở các tỉnh cũng có sinh viên biểu tình chống chiến tranh và đòi thả những sinh viên bị bắt. Động lực chính của phong trào sinh viên phản chiến là chính sách quân dịch vô thời hạn, tình trạng tham nhũng bất công trong việc thi hành chính sách, và việc bắt giữ bừa bãi những người chống đối. Tuy nhiên, động lực này dễ được các cán bộ cộng sản lợi dụng để len lỏi vào hàng ngũ sinh viên khuyến khích các hoạt động chống chính phủ. Ngày 17, ông Thiệu triệu tập một phiên họp với các Viện trưởng Đại học Sài-gòn và Vạn Hạnh cùng một số giáo sư có uy tín sinh viên. Khi được yêu cầu khoan hồng đối với những sinh viên bị bắt, ông Thiệu cho hay là ông sẽ thả 22 sinh viên trong số 43 người bị bắt, nhưng số còn lại sẽ phải đưa ra toà xét xử. Dù sao, khi xét xử, ông sẽ khoan hồng cho những sinh viên bị tuyên án. Ông yêu cầu các giáo sư đóng vai trò liên lạc giữa sinh viên và chính phủ, và giải thích cho sinh viên về những vấn đề khó khăn, đất nước và sự khai thác để lợi dụng của cộng sản. (86) Chính sách “cây gậy và củ cà-rốt” này được ông Thiệu áp dụng đối với sinh viên chỉ có hiệu lực tạm thời và không chấm dứt được phong trào chống đối khi những nguyên nhân gốc chưa được giải quyết thỏa đáng. Hoạt động chống đối của sinh viên dễ bùng nổ lại mỗi khi có một cuộc khủng hoảng chính trị hay xã hội khác, như cuộc tranh đấu đòi quyền lợi của các thương phế binh.

Thương phế binh là một thành phần đông đảo gồm những người đã chiến đấu và hi sinh một phần thân thể cho công cuộc chống cộng nhưng họ không được hưởng những quyền lợi xứng đáng và phải chịu cảnh nghèo khổ của tầng lớp thấp nhất trong xã hội. Tình trạng bất mãn của họ bùng lên thành một phong trào chiếm hữu các đất trống và cất lên những căn nhà tồi tàn ngay trong khu vực Sài-gòn-Gia-định. Nhiều vụ xô xát xảy ra giữa thương phế binh và nhân viên công lực. Chính phủ vội vã yêu cầu Quốc hội biểu quyết dự thảo luật tăng tiền cấp dưỡng cho thương phế binh và cấp nhà ở cho những người thật sự có nhu cầu. Giải pháp này cũng chỉ có hiệu lực trấn an tạm bợ, vì tình trạng thiếu hụt chung của ngân sách và sự cắt giảm viện trợ Mỹ đã ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu của chính phủ về mọi mặt.

Đối với Hoa Kỳ, ngay sau khi chính thức nhận lời tham dự hội nghị Paris đầu năm 1969, ôngThiệu đã thay đổi lập trường từ chống cộng bằng quân sự sang thái độ sẵn sàng tìm một giải pháp chính trị với MTGPMN. Trong báo cáo về Washington, Đại sứ Bunker ghi nhận:

Khi tôi nói chuyện với Thiệu ngày 17 tháng Ba, ông ta đã đi xa hơn những lần trước, khi thảo luận về những vấn đề mà ông phải đối diện để đạt tới một giải pháp chính trị. Ông ta coi MTGPMN như một thực thể chính trị và thấy có những cách mà tổ chức này có thể tham gia vào đời sống chính trị của xứ sở. Một việc có thể làm là để cho họ tham gia vào những cuộc bầu cử như đã được qui định trong Hiến pháp, chẳng hạn những cuộc bầu cử địa phương, cuộc bầu cử nửa phần Thượng viện năm 1970, rồi đến cuộc bầu cử Hạ viện và Tổng thống năm 1971. Thiệu không cho rằng sửa đổi Hiến pháp là chuyện khó khăn nếu giải pháp chính trị đòi hỏi phải có tổng tuyển cử. Ông cảm thấy rằng việc quốc tế giám sát bầu cử, sự hiện diện của MTGPMN trong hội đồng bầu cử, hay sự tham gia của họ vào việc theo dõi các nơi bỏ phiếu đều có thể thực hiện được.

Bunker nhận xét thêm rằng: “Đây là một chặng đường dài kể từ tình hình một năm trước, khi mà vấn đề chỉ có thể được nói đến bằng một chiến thắng quân sự.” (87) Đáng chú ý là ông Thiệu đã nhất định không chịu ký thông cáo chung ngày 31.10.1968 với Tổng thống Johnson — một sự kiện có ảnh hưởng tới sự thất cử của ông Humphrey— nhưng ông lại thích ứng rất nhanh với chủ trương tiếp tục thương thuyết của Tổng thống Nixon, vì ông nghĩ rằng chính quyền Nixon sẽ tiếp tục ủng hộ ông. Dù rằng sau này ông cũng đã hết sức chống lại áp lực của Nixon, ông vẫn phải chấp thuận bản dự thảo cuối cùng của hiệp định Paris, theo đó Bắc Việt không cần phải rút quân về Bắc và Chính phủ Cách mạng Lâm thời của MTGPMN được công nhận như một thực thể ngang hàng với VNCH.

Nguyễn Văn Thiệu có thể bị chê là tham quyền cố vị, chỉ rời bỏ chức vụ khi ông thấy rõ vai trò của mình đã chấm dứt và tính mệnh có thể bị nguy hiểm nếu còn ở lại. Thật ra, ham muốn quyền hành là chuyện thường tình của những người làm chính trị, vì một khi đã nắm quyền ít người có thể từ bỏ được dễ dàng. Theo tin đồn, ông Thiệu có lần đã nói “Làm chính trị thì phải lì.” Quả thật ông Thiệu đã quá “lì” cho đến những ngày cuối cùng khi ông trả lời sự thúc dục của Đại sứ Martin ngày 20 tháng Tư: “Tôi sẽ từ chức khi tôi thấy cần.” Nhưng mọi sự phê phán về ông Thiệu chỉ nên nhắm vào những hành động sai trái của ông khi tìm cách củng cố quyền lưc và những quyết định sai lầm của ông về chính trị và quân sự trong cương vị người lãnh đạo của một nước. Ông Thiệu đã vượt qua được nhiều thử thách lớn nhưng rốt cuộc chỉ có thể tự cứu mình bằng cách ra khỏi nước khi Hoa Kỳ đã dứt khoát đoạn tuyệt với VNCH và bộ đội miền Bắc đang lăm le tiến vào thủ đô Sài-gòn từ mọi ngả.

Để kết luận về nền Đệ nhị Cộng Hoà, cần phải nhắc đến một sai lầm căn bản mà trách nhiệm không phải chỉ đổ lên vai hai ông Thiệu và Kỳ mà toàn thể Hội đồng tướng lãnh sau cuộc đảo chính lật đổ Đệ nhất Cộng hòa đều phải gánh chịu. Đó là việc các tướng lãnh cầm quyền đã bỏ phí bốn năm trời (1963-1967) vào việc tranh giành quyền lực hơn là hoạt động chống cộng và dựng nước. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, chủ tịch MTGPMN, đã gọi những vụ đảo chánh và chỉnh lý liên tiếp giữa các tướng quốc gia là “những món quà của Trời cho” và nhận xét khá đúng về thời kỳ này: “Kẻ thù của ta bị suy yếu về mọi mặt, quân sự, chính trị và hành chánh. Quân đội của họ đã phải chịu những thất bại nặng nề trên chiến trường và tình trạng đào ngũ của quân lính. Những lực lượng đặc biệt nòng cốt của Diệm đã bị loại. Hệ thống chỉ huy quân sự bị đảo ngược và mất hiệu lực vì những cuộc thanh trừng.” (88) Tình hình chính trị và quân sự đen tối đến độ tướng Westmoreland phải báo cáo với Washington vào cuối tháng Mười 1964 rằng “trừ khi thấy có triển vọng về sự xuất hiện thật sớm của một chính phủ có hiệu lực, hành động tấn công của Hoa Kỳ dù lớn mạnh đến đâu, ở trong hay ngoài Nam Việt Nam, cũng không thể một mình nó xoay chuyển được tình trạng tan rã đang xảy ra.” (89) Trước tình thế nguy ngập ấy, chính quyền Johnson phải quyết định “Mỹ hóa” cuộc chiến và ngày 8 tháng Ba 1965 bắt đầu đưa quân chiến đấu vào Việt Nam. Số quân tham chiến tiếp tục gia tăng lên đến cao nhất là 543,400 người vào ngày 30 tháng Tư 1969. Kết quả khi chiến tranh kết thúc là hơn 58,000 quân nhân Mỹ bị chết và đất nước Việt Nam ở cả hai miền bị tàn phá với hơn bốn triệu quân và dân bị thiệt mạng.

Ngay sau cuộc đảo chánh 1.11.1963, quân dân ở miền Nam nói chung đều có một niềm tin tưởng mới, hi vọng tình hình sẽ được cải thiện về mọi mặt. Các tướng lãnh đáng lẽ đã phải thiết lập một chính phủ lâm thời và những cơ cấu chuyển tiếp có nhiệm vụ cải tổ bộ máy chính quyền và quân đội, soạn thảo Hiến pháp Đệ nhị Cộng hoà, và thực hiện những cuộc bầu cử dân chủ để sớm có được một chính quyền hợp hiến có chính nghĩa đối với nhân dân trong nước. Trong những điều kiện ấy, quân đội VNCH sẽ được xây dựng thành một lực lượng chiến đấu hữu hiệu với sự giúp đỡ đầy đủ về vũ khí và kỹ thuật của Hoa Kỳ. Chuyện “Mỹ hoá” chiến tranh sẽ không có lý do để xảy ra và phong trào phản chiến ở Mỹ cũng không thấy có động cơ phải xuất hiện, vấn đề “Việt Nam hoá” chiến tranh lại càng không được đặt ra vì VNCH đã đảm nhận trách nhiệm ngay từ đầu. Với sự hỗ trợ thích hợp của Hoa Kỳ và thế giới tự do, VNCH sẽ ở vào một vị thế mạnh trong những cuộc thương thuyết về một giải pháp chính trị và trong khi chờ đợi đất nước thống nhất mà thời gian có thể kéo dài, như lời nhà ngoại giao miền Bắc Nguyễn Khắc Huỳnh đã dự đoán, “từ mười năm đến hai mươi năm” (xem chương 9), miền Nam có triển vọng trở thành một quốc gia giàu mạnh như Tây Đức hay Nam Hàn. Các tướng lãnh cầm quyền vì quyền lợi riêng đã để lỡ mất thời gian xây dựng quí báu đó.

Nền Đệ nhị Cộng hoà tuy ra đời muộn và trong những điều kiện còn khó khăn đã bắt đầu khởi sắc sau khi Bắc Việt thất bại trong chiến dịch TCK/TKN Tết Mậu Thân. Mặc dù bị tấn công bất ngờ, quân đội VNCH với sự trợ lực của quân đội Hoa Kỳ đã mau chóng đẩy lui được QGPMN ở khắp nơi chỉ trong vòng mấy ngày, trừ vùng lân cận Sài-gòn và cố đô Huế. Cả hai sự kiện được các chiến lược gia miền Bắc tiên liệu và mong đợi đều không xảy ra: Lính “ngụy” sẽ đào ngũ và dân chúng sẽ nổi dậy ủng hộ quân “giải phóng”. Ngược lại, sau cuộc tấn công này, dân chúng rất sợ hãi và ân hận cộng sản đã vi phạm thỏa thuận hưu chiến trong ngày lễ truyền thống thiêng liêng của dân tộc, biết ơn quân đội VNCH đã chiến đấu để bảo vệ họ, và ủng hộ công cuộc chống cộng của chính quyền mạnh mẽ hơn. Tinh thần chiến đấu của binh sĩ cũng lên cao và quân số VNCH tăng lên mau chóng về cả hai thành phần tình nguyện và quân dịch. Chỉ mấy tuần sau cuộc tấn công đợt 1 có 10,084 quân tình nguyện so với 3,924 vào tháng Hai năm trước; ngoài ra, có 10,600 thanh niên trình diện đi quân dịch so với 4,006 cũng vào tháng Hai năm trước. (90) Cuộc tổng công kích này cũng khiến cho lưỡng viện Quốc hội và những nhóm chính trị đối lập như Phong trào Phục hưng miền Nam, đều lên án sự vi phạm của cộng sản và hợp tác với các nỗ lực của chính quyền giúp đỡ nạn nhân ở các nơi. Một yếu tố khác cũng cần được nhắc đến là con số binh sĩ và cán bộ Việt cộng trở về theo chương trình Chiêu hồi tăng lên rất cao: trong sáu tháng đầu năm 1969 đã có 20,924 người hồi chánh, nhiều hơn gấp đôi tổng số của năm 1968. (91)

Trong mấy năm kế tiếp, dù miền Bắc vẫn tiếp tục đưa quân và vũ khí vào miền Nam và mở nhiều trận tấn công khác, đặc biệt nhắm vào quân Mỹ để đẩy mạnh phong trào phản chiến ở Hoa Kỳ, quân đội miền Bắc đã phải chịu những tổn thất nặng nề. Đặc biệt là trận đại tấn công mùa Xuân 1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp sử dụng gần 200,000 quân sĩ với 1,200 xe tăng và xe bọc sắt tân công vào ba mũi nhọn: Quảng trị (Quân khu I), Kontum và cao nguyên miền Trung (Quân khu II), và An Lộc (Quân khu III). Cả ba mặt trận diễn ra rất ác liệt suốt ba tháng trời, từ cuối tháng Ba tới cuối tháng Sáu, rốt cuộc Bắc Việt phải rút quân sau khi đã hi sinh khoảng 100,000 binh sĩ và thiệt hại trên một nửa số trọng pháo và chiến xa. (92) Tháng Ba 1973, tướng Trần Văn Trà được triệu ra Hà Nội để báo cáo về tình hình miền Nam. Trong một cuốn sách xuất bản năm 1982 nhưng bị cấm lưu hành ngay sau đó, tướng Trà có thuật lại nội dung những cuộc thảo luận trong phiên họp này. Các nhà lãnh đạo Hà Nội đều đồng ý về những khó khăn nghiêm trọng đang phải đối phó ở miền Nam. Quân số VNCH khi đó đã lên tới trên một triệu, được vũ trang đầy đủ về mọi mặt, lại có sự yểm trợ của máy bay B-52, trong khi quân giải phóng địa phương đã bị tiêu diệt gần hết từ trận Tết Mậu Thân và bộ đội chủ lực còn chưa được phục hồi sau trận đại tấn công mùa Xuân 1972. Tướng Trà viết: “Bộ đội của chúng ta đã kiệt sức và các đơn vị bị tan rã. Chúng ta không thể bù đắp được những mất mát. Chúng ta thiếu nhân lực, thực phẩm và đạn dược nên việc đối phó với kẻ thù hết sức khó khăn. Có những khi chúng ta phải rút lui để địch quân lấy lại sự kiểm soát nhân dân.(93) Cảnh oái oăm là trong khi thất bại nặng về quân sự như vậy, Bắc Việt vẫn chiếm được ưu thế trong những cuộc thương thuyết và Hoa Kỳ vẫn ép buộc VNCH phải chấp nhận những điều kiện hoàn toàn bất lợi trong bản hiệp định Paris.

Phong trào phản chiến, vụ từ chức của Tổng thống Nixon và quyết định bỏ rơi Việt Nam của Quốc hội và chính quyền Gerald Ford đã đem lại cho miền Bắc Việt Nam tất cả mọi điều kiện thuận lợi để xoay chuyển tình thế và thực hiện được cuộc tổng tấn công chiếm trọn miền Nam mau chóng dễ dàng. Đây là “những món quà của Trời cho” quí báu nhất đối với đảng Cộng sản và nhà nước VNDCCH. Sai lầm to lớn của Hoa Kỳ trong chính sách “Mỹ hóa” chiến tranh và thái độ vô trách nhiệm của các tướng lãnh cầm quyền ở miền Nam là những nguyên nhân chính đưa đến sự thất bại của Mỹ và sự sụp đổ của VNCH. Chính phủ Mỹ đã làm nhiều việc để đền đáp công lao của trên 58,000 quân nhân Mỹ bị chết và gần 160,000 người bị thương tật trong cuộc chiến ở Việt Nam. Chính phủ Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã long trọng tuyên dương công trạng của tử sĩ nhưng chỉ giúp đỡ được một phần nhỏ những cựu chiến sĩ và thương phế binh của họ. Trong khi đó, chính thể VNCH đã cáo chung, những quân nhân đã bỏ mình trong cuộc chiến không được yên thân dưới nấm mồ và những thương binh còn sống sót ở trong nước bị hắt hủi ở bên lề xã hội. Cho đến những năm gần đây mới có một số chương trình của người Việt Nam ở nước ngoài trở về giúp đỡ cho thương phế binh và nạn nhân chiến tranh của cả hai bên, và có dự án sửa sang lại mộ phần của những người đã hi sinh nhưng chưa được chấp thuận. Các cựu tướng lãnh VNCH, các nhân vật chính trị và cộng đồng Việt Nam hải ngoại nên tích cực tiếp tay cho những hoạt động có ý nghĩa này, vong linh của những vị tướng, tá đã anh dũng tuẫn tiết trong những giờ phút cuối cùng của VNCH hẳn sẽ cảm thấy hài lòng. Chính phủ Việt Nam ngày nay, nếu thật tình muốn hoà giải với ba triệu người Việt Nam ở nước ngoài mà đa số đã trở thành công dân của quốc gia định cư, trước hết cần hoà giải với những nạn nhân của cuộc chiến ở miền Nam, kể cả những người đã khuất. Hai câu thơ của Tô Thùy Yên, dẫn trên đầu sách, rất thích hợp với thực chất của chiến tranh Việt Nam và đáng được ghi nhớ trên đài tưởng niệm chung các chiến sĩ, có thể sẽ được dựng lên một ngày nào đó trong tương lai:

Quen, lạ, bạn, thù chung giấc ngủ,
Chung lời thương tiếc khắc trên bia
. (94)

Càng cần hoà giải hơn nữa khi đất nước đang ở một khúc ngoặt lịch sử quan trọng trong những tương quan quốc tế mới đòi hỏi sự đóng góp của mọi nguồn nhân lực và tài lực ở trong và ngoài nước. Mục đích đó chỉ có thể đạt được khi mọi người đều nhìn nhận rằng trong cuộc chiến tranh quốc gia-cộng sản, các chiến sĩ ở cả hai bên đều chiến đấu vì lòng yêu nước nhưng cũng bị biến thành công cụ của những thế lực quốc tế. Vì vậy, mọi người cần phải rút ra được bài học của quá khứ, thẳng thắn nhìn nhận các sai lầm và dẹp bỏ hận thù để cùng nhau đưa nước Việt Nam ra khỏi tình trạng tụt hậu và trở thành một quốc gia giàu mạnh, dân chủ và tiến bộ. Bởi vì sự thật đau lòng là cuộc chiến tranh tàn phá nhất và giết nhiều người nhất trong lịch sử Việt Nam thực tế là một cuộc chiến mà tất cả mọi phe đều thua, và nạn nhân chính vẫn là dân tộc và đất nước Việt Nam.

GS Lê Xuân Khoa
 _____

Ghi chú:

1Hội đồng Tư vấn Nam kỳ do Cao ủy d’Argenlieu thành lập ngày 4.2.1946, gồm có Chủ tịch là ủy viên Cộng hòa Pháp Jean Cèdile và 12 đại biểu (8 Việt, 4 Pháp). Danh sách như sau: Nguyễn văn Thinh (y sĩ), Trần Tấn Phát (y sĩ), Trần Thiện Vàng (nghiệp chủ), Jacques Lê Văn Định (điền chủ), Nguyễn Thành Lập (Tổng lý Việt Nam Ngân hàng), Nguyễn tấn Cường (nghiệp chủ), Nguyễn Văn Tỵ (kỹ sư), Nguyễn Văn Thạch (dược sĩ), Joseph Béziat (luật sư), William Bazé (lai Pháp, chủ đồn điền), Clogne (dược sĩ), Gressier (lai Pháp, điền chủ.) Trần Tần Phát bị Việt Minh (?) ám sát ngày 29.3.1946. Đại tá Nguyễn Văn Xuân được cử vào thay thế.

2 Thành phần Chính phủ Nam kỳ tự trị: Nguyễn Văn Thinh, Thủ tướng; Nguyễn Văn Xuân, Phó thủ tướng; Trần Văn Tỷ, Tư pháp; Nguyễn Thành Lập, Tài chánh; Lưu Văn Lang, Vận tải (không nhận); Ung Bảo Toàn, Canh nông, Thương Mại và Kỹ nghệ; Nguyễn Thành Giang, Giáo dục; Khương Hữu Long, Lao động và Xã hội; Nguyễn Văn Tầm, Thứ trưởng An ninh; Nguyễn Tấn Cường, Thứ trưởng An ninh Sài-gòn/Chợ lớn; Đỗ Văn Trà,Thứ trưởng Vận tải.

3 Xem chú thích số 31, chương Hai, về việc thành lập MTQGLH ở Nam Kinh.

4Bao Dai, 184.

5 Joseph Buttinger, The Smaller Dragon: A Political History of Vietnam (New York: Frederick A. Praeger, 1958), p. 457.

6 Trước khi ký Hiệp định Vịnh Hạ Long (5.6.1948) dưới sự chứng kiến của Bảo Đại, Nguyễn Văn Xuân thành lập chính phủ mới và đổi tên là “Chính phủ Trung ương Lâm thời Việt Nam” thủ đô là Hà Nội. Ý niệm li khai đến đây chính thức cáo chung.

7 FRUS, 1952-1954, XIII: 892.

8 Chính Đạo, Việt Nam Niên Biểu: 1939-1975, tập B, 213.

9 Tướng De Lattre de Tassigny cho Đại sứ Heath biết là Trần Văn Hữu đã biển thủ quĩ mật của các bộ Ngoại giao, Thông tin và Nội vụ nhiều triệu đô- la, và có thể thuê kẻ ám sát ông nếu ông dọa tiết lộ tham vọng của Hữu. (FRUS, 1951,VI: 539).

10 Chính Đạo, tập B, 266.

11 FRUS, 1952-1954. XIII:587.

12 Theo Đại sứ Heath, dưới thời Nguyễn Phan Long, mỗi tháng Bảo Đại được 4 triệu đồng (khoảng 200,000 đôla.) Thời chính phủ Hữu, lương tháng này tăng lên 7 triệu (khoảng 350,000 đô-la.) Ngoài ra, Bảo Đại còn nhận của Bảy Viễn mỗi tháng khoảng 400,000 đôla. (FRUS, 1952-1954, XIII: 221-230). về việc Bảo Đại chuyển tiền ra ngoại quốc, Phan Huy Quát có một giải thích đáng chú ý, rằng đây là một vấn đề chính sách hơn là do lòng ham lợi vị kỷ. “Việc Bảo Đại có tiền ngoài tầm kiểm soát của Pháp ở Đông Dương sẽ cho ông một mức độ độc lập mà những nhà vua trước không có, một điều khiến cho nhiều vua về cuối đời bị phế bỏ phải sống nghèo túng.” (FRUS, ibid., 587.)

13 Xem chương Hai trên đây.

14 “Bài” là tên của Thượng thư Nguyễn Hữu Bài, người đã lên tiếng chống lại việc Khâm sứ Georges Mahé ra lệnh đào mộ vua Tự Đức để kiếm vàng. Ngoài tình đồng liêu với Ngô Đình Khả, Nguyễn Hữu Bài cũng là nhạc phụ của Ngô Đình Khôi, anh lớn của Thượng thư Ngô Đình Diệm. Năm 1945, Ngô Đình Khôi, làm quan đến chức Tổng Đốc Nam Ngãi, bị Việt Minh bắt cùng với người con trai duy nhất là Ngô Đình Huân đem đi thủ tiêu cùng một lúc với Thượng thư Phạm Quỳnh.

15 Nguyễn Phú Đức, The Vietnam War, bản thảo chưa xuất bản, trang 273.

16 Trần Trọng Kim, Một Cơn Gió Bụi, 44 và 50.

17 CAOM, HCI-101. Về vấn đề này và lai lịch của Marc Yokohama, xem chương 1, chú thích số 17.

18 Cuộc điều đình về hiệp ước “kiện toàn độc lập” này rất cần thiết và gấp rút để cho Quốc Gia Việt Nam có đủ danh nghĩa tham gia hội nghị Genève, bắt đầu từ 24.2.1954, nhưng cũng phải hơn ba tháng sau mới được chính thức ký kết.

19 Nội các Ngô Đình Diệm đầu tiên gồm có: Thủ tướng kiêm Nội vụ và Quốc phòng: Ngô Đình Diệm; Quốc Vụ Khanh: Trần Văn Chương; Tổng trưởng Ngoại giao: Trần Văn Đỗ; TT Tài chánh và Kinh tế: Trần Văn Của; TT Lao động và Thanh niên: Nguyễn Tăng Nguyên; TT Công chánh: Trần Văn Bạch; TT Y tế và Xã hội: Phạm Hữu Chương; TT Canh nông: Phan Khắc Sửu; TT Quốc gia Giáo dục: Nguyễn Dương Đôn; Bộ trưởng Phủ Thủ tướng: Trần Chánh Thành; BT Thông tin: Lê Quang Luật; BT đặc trách Công vụ Phủ Thủ tướng: Phạm Duy Khiêm; BT Nội vụ: Nguyễn Ngọc Thơ; BT Quốc phòng: Lê Ngọc Chấn; Thứ trưởng Quốc phòng: Hồ Thông Minh; BT Tư pháp: Bùi Văn Thinh; BT Kinh tế: Nguyễn văn Thoại; BT Tài chánh: Trần Hữu Phương.

20 Theo Bernard Fall, tướng Trình Minh Thế (Cao Đài) được trả 2 triệu đô-la, tướng Nguyễn Thành Phương (Cao Đài) được 3.6 triệu, tướng Trần Văn Soái tức Năm Lửa (Hoà Hảo) được 3 triệu (Fall, The Two Vietnams, 245-246).

21 Nội các cải tổ gồm có: Thủ tướng kiêm Nội Vụ và Quốc phòng: Ngô Đình Diệm, QVK, Ủy viên Quốc phòng: Trung tướng Trần Văn Soái, QVK, uỷ viên Quốc phòng: Trung tướng Nguyễn Thành Phương, TT Ngoại giao: Trần Văn Đỗ, TT Tư pháp: Bùi Văn Thinh, TT Thông tin và Chiến tranh Tâm lý: Phạm Xuân Thái, TT Tài chánh: Trần Hữu Phương, TT Kinh tế: Lương Trọng Tường, TT Canh Nông: Nguyễn Công Hầu, TT Công chánh: Nguyễn Văn Bạch, TT Kế hoạch và Kiến thiết: Nguyễn Văn Thoại, TT Y tế: Huỳnh Kim Hữu, TT Quốc gia Giáo dục: Nguyễn Dương Đôn, TT Xã hội: Nguyễn Mạnh Bảo, TT Lao động và Thanh niên: Nguyễn Tăng Nguyên, TT Cải cách: Nguyễn Đức Thuận, BT Quốc phòng: Hồ Thông Minh, BT đặc nhiệm Công vụ: Trần Ngọc Liên, BT Phủ Thủ tướng: Phạm Duy Khiêm, BT đặc nhiệm Phủ Thủ tướng: Bùi Kiện Tín, BT Nội Vụ: Huỳnh văn Nhiệm, Thứ trưởng: Nguyễn Văn Cát.

22 Jean Lacouture et Philippe Devillers, La Fin d’une Guerre (Paris: Editions du Seuil, 1960), 298-299.

23 Theo Collins, ông Diệm “quá quan tâm với những vấn đề nhỏ nhặt và không có được một sáng kiến xây dựng nào kể từ ngày nắm chính quyền. Những người có khả năng trong chính phủ đều khó chịu về thói quen của ông Diệm quyết định trên đầu họ, không để ý tới ý kiến của họ mà chỉ trông cậy vào hai người em và một số ‘gọi dạ bảo vâng’. Collins nhìn nhận Diệm người ngay thẳng, chống Cộng và chống thực dân nhưng ông lại hoàn toàn không biết nhân nhượng và, với thái độ của một nhà tu khắc khổ, ông Không thể nào đương đầu với những thực tại như Bình Xuyên và Cao Đài…” (FRUS, 1955-1957,I: 292-293).

24 ibid, 307-312.

25 Thành phần chính phủ gồm có: Thủ tướng kiêm TT Quốc phòng: Ngô Đình Diệm; TT Nội Vụ: Bùi Văn Thinh; TT Tư pháp: Nguyễn văn Sĩ; TT Ngoại giao: Vũ Văn Mẫu; TT Tài chính & Kinh tế: Trần Hữu Phương; TT Thông tin: Trần Chánh Thành; TT Giáo dục & Thanh niên: Nguyễn Dương Đôn; TT Xã hội & Y tế: Vũ Quốc Thông; TT Lao Động: Huỳnh Hữu Nghĩa; TT Canh Nông: Nguyễn Công Viên; TT Công chánh: Trần văn Mẹo; TT Điền thổ & Cải cách điền địa: Nguyễn Văn Thời; Bộ trưởng Phủ Thủ tướng: Nguyễn Hữu Châu; BT Quốc phòng: Trần Trung Dung.

26 Trần Trọng Kim, Nho Giáo (Saigon: Bộ Giáo Dục, 1971), quyển Thượng, 129.

27 ibid.. 217.

28 Bernard Fall, The Two Vietnams, 260-261.

29 ibid., 266.

30 Bùi Tín, Mây Mù Thế Kỷ (Westminster, CA: Đa Nguyên, 1998), 198-199.

31 Tuyên cáo ngày 7.4.1955 của VNQDĐ. Tài liệu Văn Khố Vincennes, Pháp, trích dẫn bởi Chính Đạo, Việt Nam Niên Biểu, tập I-C: 1955-1963, 24-25.

32 Bernard Fall, The Two Vietnams, 270-271.

33 Mười tám nhân vật này là: Trần Văn Văn, tốt nghiệp Cao đẳng Thương Mại Pháp, cựu Tổng Trưởng Kinh tế và Kế hoạch; Phan Khắc Sửu, Kỹ sư Canh nông, cựu TT Canh nông, cựu TT Lao động; Trần Văn Hương, giáo sư Trung học, cựu Đô trưởng Sài gòn-Chợ lớn; Nguyễn Lưu Viên, Bác sĩ, cựu giáo sư Y khoa, cựu Đặc ủy về Tị Nạn; Huỳnh Kim Hữu, Bác sĩ, cựu TT Y tế; Phan Huy Quát, Bác sĩ, cựu TT Giáo dục, cựu TT Quốc phòng; Trần Văn Lý, cựu Tổng trấn Trung phần; Nguyễn Tiến Hỷ, Bác sĩ; Trần Văn Đỗ, Bác sĩ, cựu Ngoại trưởng, Trưởng phái đoàn tại Hội nghị Genève 1954; Lê Ngọc Chấn, Luật sư, cựu Bộ trưởng Quốc phòng; Lê Quang Luật, Luật sư, cựu Đại biểu chính phủ tại Bắc phần, cựu TT Thông tin và Tuyên truyền; Lương Trọng Tường, Kỹ sư Công chánh, cựu BT Kinh tế; Nguyễn tăng Nguyên, Bác sĩ cựu Tổng trưởng Lao động và Thanh niên; Phạm Hữu Chương, Bác sĩ, cựu TT Y tế và Xã hội; Trần Văn Tuyên, Luật sư, cựu BT Thông tin và Tuvên truyền; Tạ Chương Phùng, cựu Tỉnh trưởng Bình Định; Trần Lê Chất, khoa bảng Tam trường 1903; Hồ Văn Vui, Linh mục, cựu LM Giáo phận Sài-gòn. đương kim LM Giáo xứ Tha La, Tây Ninh.

34 FRUS, 1961-1963,I: 21-23.

35 Mann, A Grand Delusion, 218.

36 Langguth, Our Vietnam, 208.

37 Những con số bách phân về diện tích ruộng đất và số điền chủ ở Bắc và Nam là do Bernard Fall sưu tầm (Fall, The Two Viet-Nams, 308).

38 Ngày 1.10.1962, Tổng thống Diệm loan báo trước Quốc Hội: “Việc xây dựng ấp chiến lược được ấn định là 600 ấp một tháng. Như vậy đến cuối năm 1962 sẽ có 9,253,000 dân tức hai phần ba tổng số dân chúng (ở miền Nam) sẽ sinh sống trong các ấp chiến lược.” (Đại sứ quán VNCH ở Paris: Bulletin du Vietnam, số 226, tháng Mười-Mười Một 1962, do B. Fall trích dẫn trong The Two Vietnams, p. 376).

39 FRUS. 1961-1963,111:154.

40 Tôn Thất Đính, 20 năm Binh nghiệp (San Jose, CA: Tuần báo Chánh Đạo xuất bản, 1998), 270.

41 Ngô Đình Thục làm Giám mục ở Vĩnh Long từ 1938 đến 1961 thì được Vatican thăng chức Tổng Giám mục địa phận Huế.

42 Có nghi vấn về nguyên nhân vụ nổ làm chết người liên quan đến cộng sản hay CIA, đến nay chưa được làm sáng tỏ. Xem Ellen J. Hammer, A Death in November (New York: E.p. Dutton, 1987), 114-116.

43 Xem chú thích số 62 dưới đây về Phạm Ngọc Thảo.

44 Trần Kim Tuyến không sang Ai Cập mà ở lại Hong Kong để tiếp tục âm mưu đảo chánh. Sau khi hai ông Diệm và Nhu bị giết, ông Tuyến trở về Việt Nam nhưng bị nhóm đảo chính bắt giữ một thời gian. Nhờ sự giúp đỡ của Phạm Xuân Ấn, phái viên báo Time, một đại tá cộng sản nằm vùng từng hợp tác với ông, Trần Kim Tuyến chạy thoát khỏi Việt Nam ngay trước khi Sài- gòn thất thủ. Ông sang định cư tại London và mất tại đó năm 1995.

45 Hammer, 222.

46 ibid., 224.

47 Ramchundur Goburdhun, Chủ tịch Ủy Hội Quốc Tế Kiểm soát Đình chiến, cho biết Hồ Chí Minh nhận xét rằng Ngô Đình Diệm với cá tính độc lập rất khó hợp tác với Mỹ vì Mỹ muốn kiểm soát mọi chuyện. Theo Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm là “một người yêu nước theo cách của ông ta” và nhắn Goburdhun: “Khi nào gặp ông Diệm thì bắt tay ông ta dùm tôi.” (Hammer, 222)

48 Một thí dụ về thái độ của chính phủ Mỹ coi thường Hội đồng các tướng lãnh và các chính phủ sau Ngô Đình Diệm là việc Johnson quyết định đưa quân Mỹ tham chiến vào Việt Nam tháng Ba năm 1965 mà không hề hỏi ý kiến hay báo trước cho chính phủ Việt Nam.

49 Hammer, 110.

50 Ibid, 109.

51 Tôn Thất Đính, 304.

52 Maxwell Taylor, Swords and Plowbares (New York: Norton, 1972), 301.

53 Hammer, 300.

54 ibid., 295.

55 Hammer, 300.

56 John Clark Pratt, Vietnam Voices: Perspectives on the War Y ears, 1941- 1975 (Georgia: The University of Georgia Press, 1999), 134.

57 Trần Văn Đôn, Our Endless War Inside Vietnam (San Rafael, California: Presidio Press, 1978), 109.

58 Embassy telegram, November 3, 1963.

59 U.S. Department of State telegram to Hue, Nov. 2, 1963.

60 “Flash” cable, U.S. Department of State to Saigon, Nov. 4, 1963.

61 Theo L.M. Cao Văn Luận, cựu Viện trưởng Đại Học Huế, ông có yêu cầu Đại sứ Lodge can thiệp và được hứa rằng “tôi sẽ làm mọi cách để ông cẩn khỏi bị phép án tử hình. Lời tôi hứa với cha hôm nay cũng là lời tôi đã hứa với Đức Giáo Hoàng… Vậy bây giờ trước mặt cha, tôi xin nhắc lại lời hứa đó, và nếu tôi không làm tròn lời hứa này, tôi sẽ từ chức Đại sứ Mỹ tại Việt Nam lập tức.” (L.M. Cao Văn Luận, Bên Giòng Lịch Sử Việt Nam 1940- 1975, Sacramento, CA: Tantu Research, 1983), 309. Không hiểu tại sao Đại sứ Lodge không giữ được lời hứa. Lý do ông từ chức vào cuối tháng Năm được nói đến là ông về nước để vận động Đảng Cộng Hoà cử ông ra tranh cử Tổng Thống tháng 11, 1964.

62 Dẫn bởi Frances Fitzgerald, Fire in the Lake (Boston: Little, Brown and Company, 1972), 254.

63 Phạm Ngọc Thảo hoạt động bí mật cho cộng sản từ lâu. vốn thuộc một gia đình công giáo theo Việt Minh kháng chiến, Thảo bỏ về hàng ngũ quốc gia và trở thành người thân tín của Giám mục Ngô Đình Thục. Thảo có công trong cuộc đảo chánh Ngô Đình Diệm. Khi tướng Khiêm bị đẩy sang Mỹ làm Đại sứ, Thảo đi theo làm tùy viên báo chí được mấy tháng. Sau khi mưu toan lật đổ Nguyễn Khánh bất thành, Thảo bỏ trốn nhưng sau đó bị bắt và giết chết một cách bí mật.

64 Có một hiến pháp chết yểu là “Hiến chương Vũng Tàu.” Khi tướng Kỳ làm Thủ tướng, có một bản Hiến Ước (19.6.1965) làm cơ sở pháp lý của chế độ. Mãi đến tháng Ba 1967, UBLĐQG mới có bản Hiến Pháp của nền Đệ nhị Cộng hoà. Cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào tháng Chín năm đó.

65 Đại sứ Maxwell Taylor trong một buổi nói chuyện với phóng viên báo chí Mỹ và ngoại quốc ở Sài-gòn. Dẫn bởi Richard Critchfïeld, The Long Cha­rade: Political Subversion in the Vietnam War (New York: Harcourt, Brace and World, 1968), 96.

66 Phật giáo chia làm hai: phe Ấn Quang do Thượng tọa Thích Trí Quang lãnh đạo tranh đấu quyết liệt; phe Viện Hoá Đạo, do Thượng tọa Thích Tâm Châu lãnh đạo, cũng chống chính phủ quân nhân nhưng có khuynh hướng ôn hoà.

67 Mười đại diện dân sự trong UBLĐQG gồm hai Phật giáo Hoà Hảo (Huỳnh Văn Nhiệm, Quản Hữu Kim), hai Công giáo (Nguyễn Văn Huyền, Vũ Ngọc Trản), hai Cao Đài (Trần Văn Ân, Văn Thành Cao), và hai nhân sĩ độc lập (cựu Phó thủ tướng Nguyễn Lưu Viên và cựu Ngoại trưởng Trần văn Đỗ).

68 Trương Đình Dzu, luật sư, đề nghị Hoa Kỳ ngưng ném bom Bắc Việt vô điều kiện, mở cuộc hội đàm giữa Sài-gòn và Hà Nội về việc ngưng đưa người và vũ khí vào miền Nam, thương thuyết với MTGPMN về các nguyện vọng hợp lý của họ, và kêu gọi triệu tập lại Hội nghị quốc tế ở Genève. Nhược điểm của Trương Đình Dzu là không được nhiều người tin cậy vì có tiếng xấu về đạo đức nghề nghiệp. Sau bầu cử, Dzu bị kết án 9 tháng tù về ::: ký chi phiếu không tiền bảo chứng và mở một trương mục bất hợp pháp ngân hàng Bank of America tại San Francisco, nhưng được thả trước thời hạn. Sau 1975, mặc dù thành tích chống chiến tranh, ông vẫn bị đưa đi học tập cài tạo.

69 Douglas Pike, ed., The Bunker Papers (University of California at Berke at fc The Asia Foundation, 1990), I: 151-152, 154-157.

70 Schulzinger, 254.

71 Pike, The Bunker Papers, I: 8.

72 Nguyen Cao Ky with Marvin J. Wolf, Buddha’s Child: My Fight to Save V ĩetnam. (New York: St. Martin’s Press, 2002), 247.

73 Pike, The Bunker Papers, I: 69.

74 Nguyen Cao Ky , 249

75 Pike, The Bunker Papers, II: 479.

76 ibid., 421.

77 ibid., 462.

78 Sáu người thiệt mạng là; Đại tá Nguyễn Văn Luận, Đại tá Phó Quốc Chụ, Trung tá Đào Bá Phước, Trung tá Nguyễn Ngọc Trụ, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sinh và Thiếu tá Nguyễn Bảo Thùy. Hai người bị thương là Đại tá Văn Văn Của, Đô trưởng Saigon, và Trung tá Trần Văn Phân, Chỉ huy trưởng cảnh sát Dã chiến. Có tin Tướng Lê Nguyên Khang, Tư lệnh Quân khu III kiêm Tổng trấn Saigon-Cholon, đến họp trễ nên thoát nạn.

79 Pike, ed., The Bunker Papers, II: 470.

80 Ibid„ 613.

81 ibid., 501.

82 ibid., 393-394.

83Ngày 10.10.1974, ủy ban này tổ chức “Ngày Ký giả đi ăn mày” để phản ứng chính phủ và lấy tiền giúp đỡ gia đinh các ký giả thất nghiệp. (Nguyễn Khấc Ngữ, Những Ngày Cuối Cùng của Việt Nam Cộng Hòa (Montréal: Tủ ‘ich Nghiên cứu Sử-Địa, 1979), 282.

84 Thành phần gồm có: Thủ tướng: Nguyễn Bá cẩn. Ba Phó thủ tướng: Phạm Văn Đỗng, đặc trách Tổng Thanh tra kiêm TT Quốc phòng; Nguyễn Văn Hảo, đặc trách sản xuất kiêm TT Canh nông và Kỹ nghệ; Nguyễn Xuân Phong, đặc trách hoà đàm. 15 Tổng trưởng: Ngoại giao: Vương Văn Bắc (lưu nhiệm); Tư pháp: Ngô Khắc Tịnh; Nội Vụ: Bửu Viên; Văn hoá, Giáo dục và Thanh niên: Nguyễn Duy Xuân; Tài chính: Lê Quang Trường (lưu nhiệm); Thương mại và Kinh tế: Nguyễn Văn Diệp; Kế hoạch: Nguyễn Tiến Hưng (lưu nhiệm); Công chnh và giao thông: Nguyễn Xuân Đức; Lao động: Vũ Công; Thông tin Chiêu hồi: Phan Hoà Hiệp; Xã hội: Trần Văn Mại; Phát triển Sắc tộc: Nay Luett (lưu nhiệm); Đặc trách Liên lạc Quốc hội: Phạm Anh; Quốc phòng: Trần văn Đôn. Ngoài ra chính phủ có 5 Cố vấn là: Trần Quốc Bửu, CT Tổng Liên đoàn Lao công; Lương Trọng Tường, Phật giáo Hòa Hảo; LM Cao Văn Luận, Công Giáo; Th.T. Thích Quảng Long, Phật giáo; và ông Nguyễn văn Thơ, độc lập. (Theo Nguyễn Khắc Ngữ, Những Ngày Cuối Cùng của Việt Nam Cộng Hoà, op. cit, 290-291).

85 Pike, ed., III: 709

86 ibid., 767.

87 ibid., 665. Những điều Thiệu nói riêng với Bunker không giống hẳn giải pháp hòa bình sáu điểm được ông đưa ra công khai trước Quốc hội ngày 7 tháng Tư, theo đó Bắc Việt phải rút hết quân về Bắc, tái lập vùng phi quân sự ở biên giới, không được sử dụng Lào và Cam-bốt làm căn cứ, các lực lượng chống đối chính phủ ở miền Nam (tức MTGPMN) phải tôn trọng Hiến pháp và luật lệ VNCH để có đầy đủ quyền bầu cử và ứng cử dưới sự kiểm soát của quốc tế.

88 Wilfred G. Burchett, Vietnam: Inside Story of the Guerilla War. New York: International Publishers, 1958, 3rd edition, 216.

89 McNamara, In Retrospect, 159

90 Pike. Ed., The Bunker Papers, II: 373.

91 ibid., Ill: 708.

92 Césari, 220.; Sorley, 339. Sau trận này, tướng Giáp bị thay thế bởi tướng Văn Tiến Dũng.

93 Kamow, 673; Sorley, 366.

94 Dẫn bởi Phan Lạc Phúc trong Bè Bạn Gần Xa (California: Văn Nghệ Xuất Bản, 2000), 418.