Khổng Miếu tọa lạc trên khu đất có diện tích 6.200 m2 cạnh đường Phan Bội Châu, thuộc khối phố Mỹ Thạch Bắc, phường Tân Thạnh, TP Tam Kỳ, Quảng Nam |
BỚI RA MỘT VẤN ĐỀ BỎ XÓ:
HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI CỦA KHỔNG MIẾU Ở NƯỚC TA
Phan Khôi
Đăng trên Sông Hương 12/1936
Cái gì hễ có lúc thịnh tất phải có lúc suy. Trong lúc nó suy đó, người ta đối phó với nó phải quyết lấy một trong hai đường: bỏ hẳn nó đi hay là sửa mới nó lại.
Không lấy một trong hai đường ấy mà cứ để lây lấc qua ngày, rồi thì cái đã suy ấy tất phải mỗi ngày một mòn mỏi mà đến tiêu diệt, tiêu diệt một cách lặng thinh, không ai biết.
Các Khổng miếu ‒ hay Văn miếu, ‒ các Văn chỉ, các hội Tư văn, tức là những cái cơ quan của nhà Nho họp lại thờ vị Giáo chủ mình, giữa chúng ta đây, hiện đương ở vào cái trường hợp mà tôi vừa nói đó.
Ấy thế mà đã lâu nay nó là một vấn đề bỏ xó, chẳng ai hề nói đến gọi là. Các ông đỗ cử nhân, phó bảng, tiến sĩ, làm quan đến nhất nhì phẩm, hiện giờ cũng chưa đến chết hết, giá lấy thế lực họ ra giải quyết vấn đề này, không được nhiều cũng được ít, vậy mà họ chẳng hề vi sử [b] đến.
“Mưa khi nào vuốt mặt khi ấy”. Đức Khổng Tử bây giờ không làm mưa cho họ và con cháu họ nữa, thôi thì họ chẳng vuốt mặt cũng chẳng hề gì!
Hay là một cái quả báo cho đức Khổng? Bình sinh, ngài hay tùy thời lắm nên đến ngày nay, đối với ngài người ta cũng tùy thời!
Mặc dù thế nào, thấy một việc đáng nói thì cứ nói, vì bổn phận chúng tôi phải nói.
***
Sự thờ đức Khổng ở xứ ta có hai hạng: một là của quan, một là của tư. Của quan như Văn miếu ở kinh đô, nhà vua thờ; Văn miếu ở mỗi tỉnh, hàng tỉnh thờ. Đã là của quan thì bao giờ cũng “làm việc quan” chiếu lệ, ngoài sự mỗi năm hai kỳ tế xuân và thu ra, không có gì đáng kể.
Đáng cho ta để ý nhất là Văn miếu thuộc về hạng của tư. Trong các làng, nhiều làng có thờ Thánh, có hội Tư văn, nhưng quy mô nhỏ hẹp, ảnh hưởng chẳng là mấy, cũng nên lược đi không nói mà chỉ nói tới Văn miếu hàng huyện.
Hầu hết các huyện trong hai xứ Trung và Bắc, đều có Văn miếu là miếu thờ đức Khổng. Từ triều Tự Đức giở về trước, đó là một cái cơ quan tông giáo mà kiêm cả giáo dục, ngôn luận, thưởng phạt, lại đôi khi chánh trị nữa. Cái cơ quan ấy có tiếng gọi tắt là “hàng huyện”. Hàng huyện thuở xưa nghe đến tên đã đủ cho người ta lạnh mình. Nhờ có các bậc lão thành trọng vọng đứng ra làm lãnh tụ, các kẻ dưới phụ họa theo mà có thế lực lớn. Bao nhiêu những sự bất pháp xảy ra giữa dân gian, hàng huyện đều can thiệp đến và sự can thiệp đều có hiệu quả. Cho đến nỗi trong huyện hay trong tỉnh gặp phải một vị quan tham ô, hàng huyện nói một tiếng là tức khắc người ấy phải tự xử: xin đổi đi hay cáo mà về. Năm Giáp Thân, sau Kinh thành thất thủ, cuộc Cần Vương khởi nghĩa cũng nhiều nơi do hàng huyện mà ra.
Chính vì cái việc kể cuối cùng đó cũng như cái ấn sắt trui lửa đóng trên lưng hàng huyện, mà từ đó về sau nó không còn dám ngước mặt lên hay vểnh sừng ra xốc báng ai. Đã bốn năm mươi năm nay, hàng huyện không còn có ảnh hưởng đến dân gian nữa, dần dần đến không còn có ảnh hưởng tới sĩ phu của mình nữa.
Thế lực mất đã đành, mà giá trị cũng không còn. Hàng huyện ngày nay, đâu như đó, dưới mắt thức giả chỉ là một nơi góp tiền tay để mưu việc... xôi thịt.
Tôi đã thấy một hàng huyện làm cho tôi phát chán. Những người có khoa mục làm chức việc trong đó, họ tự coi mình chẳng khác đám chức việc làng: cũng dĩ công vi tư, cũng phù tiêu lạm chuẩn, có nhiều sự tồi bại quá, đến nỗi nói ra đây không nỡ.
Vai lãnh tụ, tức là các ông chánh phó phổ trưởng, thường là không biết giữ thể thống, hay tới lui cửa quan, sinh sự, kiếm chác, làm mất cả oai vọng của một đoàn thể.
Ngày nay, hạng người khoa mục cũ chết dần đi, người ta phải rủ rê hạng người khoa mục mới và nhặt nhạnh đến cửu phẩm, bá hộ, chánh hộ, chánh phó tổng là kẻ không có khoa mục cùng vào hội để cho rậm người. Nhưng có lắm tay thanh niên tân học vì thấy cái nội dung hủ bại như thế, họ cũng không buồn chơi với.
Hỏng bét! Nó đã hỏng bét rồi! Nhà Nho đã mang tiếng nhiều lắm rồi! Muốn khỏi mang tiếng, chỉ có: một là tự mình giải tán cái đoàn thể của mình đi một cách im lặng; một là sửa sang theo nền nếp mới.
Người ta mộc mạc quá đến nỗi không thấy đến chỗ cái đoàn thể nhà Nho ô trọc như thế là sỉ nhục cho đức Khổng mà lại nghĩ rằng hễ Văn chỉ còn tức là đạo Thánh còn. Bởi vậy, bây giờ bàn với họ sự giải tán tất họ không nghe.
Đã thế thì phải làm làm sao chớ. Trong từng huyện phải có một vài người hữu tâm đứng lên xướng suất việc cải cách. Nhất là phải giảm cúng tế, bỏ ăn uống mà để tiền giúp vào việc học hay mở các công cuộc khai trí cho nhau hầu có ích hơn. Chứ đã là một cơ quan tôn giáo mà cứ mỗi năm hai kỳ giết bò giết heo cúng tế rồi ăn, lại diễn ra lắm trò đê tiện cho công chúng khinh nhờn là khác nữa, thì rõ thật không còn gì đáng trách bằng.
Nếu cứ thế này mãi thì cái tương lai của Khổng giáo ở xứ ta thế nào, bây giờ cũng đoán ngay được: nó sẽ diệt vong!
Hỡi người có trách nhiệm! Sao không soi gương các tôn giáo khác? Có thấy người ta khoách trương truyền bá đạo của họ cách nào không? Còn mình cứ hàng năm xuân đình một bữa chén, thu đình một bữa chén, rồi ngồi tỳ tay vào trán mà than: Ôi! Thánh giáo lăng di!...[c]
PHAN KHÔI
Nguồn:
Sông Hương, Huế, s. 7 (12 Septembre 1936), tr. 1.
Chú thích
[a] cứu cánh 究 竟 (kết quả, mục tiêu) cuối cùng.
[b] vi sử 為 使 làm đến, động chạm đến.
[c] lăng di 陵 夷 trật tự tan rã, xuống dốc (theo Trần Văn Kiệm: sđd.)