Thuyết Tịnh Canh của Hứa Hành với Chủ Nghĩa Cộng Sản


Huế 1920 - 1929. Ảnh minh họa



PHAN KHÔI

NguồnSông Hương, Huế, 25/10/1936


I

Bấy giờ dân Nga còn ở dưới cánh tay áp chế của vua Nicolas II, nhưng giữa họ vẫn truyền bá cho nhau cái tư tưởng quá khích. Bởi vậy những sách nói về chủ nghĩa xã hội bán rất chạy.

Theo lời viên tùy phái, thừa dịp ấy, y lấy một đoạn sách nói về cái thuyết "tịnh canh" của Hứa Hành trong sách Mạnh Tử dịch ra tiếng Nga, thêm lời bàn giải, in ra một tập nhỏ chừng mấy chục trang, rồi gởi đi bán khắp cả nước Nga cho đến các nước ở Âu châu. Sách bán chạy lắm. Trong chưa đầy hai năm mà in đi in lại mười mấy lần, tính cả thảy số phát hành đến hơn 20 vạn cuốn.

Đành rằng viên tùy phái ấy biết đánh vào chỗ hiếu kỳ của người Nga nên mới thành công, mà cũng bởi cái thuyết rất xưa ấy đương thích hợp với tư triều của họ nữa.

Cái đồ bỏ xó trong tủ sách phương Đông hơn hai ngàn năm nay, sang đến phương Tây lại hóa ra của lạ, của quý, thật không ai ngờ!

Kể ra người nước Nam ta đọc sách Mạnh Tử cũng đã đến hơn ngàn năm. Trước đây chừng 20 năm, con nít cỡ 12 tuổi, vẫn thuộc sách ấy như cháo. Từ nho trẻ đến nho già, ai nấy có thể đọc trầm cả một chương nói về Hứa Hành ấy, nhưng chẳng hề có ai để ý.

Bây giờ thì không còn ai đọc Mạnh Tử nữa. Thật là một cớ rất chánh đáng cho tôi thuật lại cái thuyết họ Hứa ở đây.

Thuở đó Mạnh Tử đương ở nước Đằng (một nước chư hầu nhỏ về thời đại Chiến Quốc). Văn Công vua nước ấy, nghe lời thầy, toan lập lại phép tỉnh điền. Có một người tên Hứa Hành, từ nước Sở qua nước Đằng, xin nhập tịch làm dân. Văn Công cho y ở. Y cùng đồ đệ vài mươi người đều làm lấy mà ăn, hoặc đóng dép, hoặc dệt chiếu.

Trần Tương, học trò của Trần Lương, – Lương là một nhà nho có tiếng ở nước Sở – cùng em mình tên Tân, cũng từ nước Tống sang nước Đằng, tình nguyện ở làm dân.

Trần Tương thấy Hứa Hành mà mến phục hết sức. Y bỏ cả cái học của mình mà học theo Hứa Hành. Tương một hôm đến ra mắt Mạnh Tử, thuật lời của Hứa Hành rằng:

– Vua nước Đằng thì thật là vua hiền, nhưng chưa nghe đạo. Kẻ hiền cùng cày mà ăn, mỗi ngày hai bữa thổi nấu lấy và làm cả việc cai trị. Thế mà nước Đằng hiện có lẫm đụn kho tàng thì chỉ là hại dân để nuôi mình thôi, có hiền gì đâu?

"Kẻ hiền với dân cùng cày mà ăn", ấy là cái thuyết tịnh canh đó. Không rõ Hứa Hành chủ trương có chánh phủ hay không chánh phủ, y chỉ nói kẻ hiền thì làm như vậy.

Cho được bác cái thuyết tịnh canh, Mạnh Tử lừa Trần Tương bằng từng câu hỏi rồi dần dần đặt y vào chỗ bí:

– Hứa tử có phải trồng lúa rồi mới ăn được chứ?

– Phải. – Tương đáp.

– Hứa Tử còn phải dệt vải mới có mà mặc chứ?

– Không, Hứa Tử mặc áo lông.

– Hứa Tử có đội mũ không?

– Có.

– Đội mũ gì?

– Mũ trắng.

– Hứa Tử tự dệt lấy ư?

– Không, lấy thóc đổi mũ.

– Sao Hứa Tử không dệt lấy?

– Vì e hại cho sự cày.

– Hứa Tử vẫn lấy chảo và nồi để nấu và lấy đồ bằng sắt để cày chứ?

– Phải.

– Y tự làm lấy ư?

– Không, đều lấy thóc mà đổi cả.

Đối với cái thuyết tịnh canh, những câu vấn đáp trên đó như đã đặt phục linh sẵn rồi, Mạnh Tử bèn mở thế công:

– Một bên lấy thóc đổi các đồ dùng đã chẳng làm hại gì thợ rèn thợ gốm, thì bên kia, thợ rèn thợ gốm đem đồ dùng đổi thóc, há lại làm gì hại nông phu ư? Vả Hứa tử sao không làm luôn cả thợ rèn thợ gốm, để mọi việc đều lấy của nhà ra mà dùng, làm gì cứ mỗi thứ mỗi phải trao đổi, sao mà Hứa tử chẳng sợ phiền như vậy?

– Nhưng mà một trăm nghề thợ, không có thể đã cày lại còn gồm lấy mà làm được cả.

Đến đây Mạnh Tử tiến lên mà chiếm thế thắng:

– Thế thì cái việc trị thiên hạ, há lại có thể đã cày mà còn làm luôn cả được ư? Có phần việc của đại nhân, có phần việc của tiểu nhân... Cho nên có lời cổ ngữ rằng: Người thì nhọc lòng, kẻ thì nhọc sức; người nhọc lòng thì trị người; kẻ nhọc sức thì bị người trị; kẻ bị người trị phải làm mà nuôi người; còn kẻ trị người thì được người nuôi: ấy là cái nghĩa suốt dưới trời nầy.

Kế đó Mạnh Tử theo lịch sử mà kể ra bao nhiêu vị đế vương đời xưa, cả đời lo làm việc thiên hạ, lo cho dân đủ ăn và ở, chứ không rồi đâu lo việc cày; mà việc cày là việc của nông phu, của dân, của người dưới lo làm để phụng dưỡng người trên.

Cái lý luận của Mạnh Tử dùng để bác cái thuyết tịnh canh, chỉ có mấy lời đó là yếu điểm. Ngoài ra thầy còn trách anh em Trần Tương sao đã mấy chục năm thờ thầy mình Trần Lương, người học đạo Chu Công, Khổng Tử, mà đến khi thầy chết lại bội đi để theo Hứa Hành, quân mọi rợ man di!

Lẽ thật không có chia bờ cõi. Lời trách ấy cũng kể cho là vô giá trị. Bây giờ chúng ta chỉ nên đếm xỉa đến cái lý luận của Mạnh Tử dùng mà biện bạch đó thôi.

Một điều chúng ta đáng tiếc, lúc đó sao không có dịp cho Mạnh Tử gặp Hứa Hành để chính hai viên chủ tướng ra trận với nhau. Trần Tương chỉ là một tín đồ của cái thuyết tịnh canh mới vừa gia nhập, thì có tài sức đâu đủ đối địch với nhà hùng biện Mạnh Kha, trạng sư của phái phú hào, của chủ nghĩa tư bản?

Có lẽ cũng vì cớ ấy mà từ đó đến giờ, trong học giới và trong lịch sử nước Tàu không thấy có ai lặp lại thuyết tịnh canh lần nào nữa, mà cũng không thấy có ai nhắc đến tên Hứa Hành. Người ta có thể nói rằng cái thuyết ấy bị Mạnh Tử bài xích cho một phen rồi tịt mất.

Cho đến ngày nay, bên Tây nổi lên chủ nghĩa cọng sản hơi giống với thuyết tịnh canh, mà rồi cái thuyết ấy với con người sáng tạo ra nó mới được sống lại, chẳng phải ở giữa nước Tàu mà ở giữa một nước hoặc mấy nước bên Âu châu.

II

Thuyết "tịnh canh", trong bài trước tôi đã nói, không biết người sáng tạo ra nó chủ trương rằng có chánh phủ hay không chánh phủ. Theo thuyết ấy, trong một nước (còn chưa biết có nước hay không nữa) mọi người đều cày lấy mà ăn, dù cho kẻ giữ việc cai trị cũng phải cày. Nếu còn có người giữ việc cai trị thì có lẽ là còn có chánh phủ. Ấy, cái chỗ khó nghĩ cho trôi, khó nói cho thông, khó thực hành cho đâu ra đó là ở đó.

Nhưng, ở nước Đằng còn có lẫm đụn kho tàng, Hứa Hành cho là hại dân để nuôi mình, thì lại ra như là y chủ trương không chánh phủ. Không chánh phủ, theo ý kiến nhiều học giả thời nay, chẳng phải là sự không có thể được, người ta buộc nó với một cái điều kiện: hết thảy loài người không một ai là không tốt nghiệp trường đại học; và cho được thực hiện cái thời hoàng kim ấy, người ta còn hẹn ít nữa là sáu ngàn năm sau! Bắt từ ngày chúng ta đây kể đi, còn sáu ngàn năm nữa họa may mới đến thời kỳ mà nhân loại không cần có ai cai trị; thế thì ngược trở lên hơn hai ngàn năm trước, sao có thể nẩy cái tư tưởng ấy ra được trong óc một tên nông dân là lão Hứa Hành?

Thôi, không luận là có chánh phủ hay không chánh phủ. Hứa Hành đã nhận có người giữ việc cai trị, tức là nhận có người cầm chủ quyền; người cầm chủ quyền ấy cũng không luận là vua hay là gì, chỉ một điều bắt họ cùng cày với dân, là sự không thể được, cho nên bị Mạnh Tử đánh đổ đi là phải lắm.

Như Mạnh Tử đã dùng những câu hỏi vặn để phản bác lại đó: Hứa Hành còn không thể vừa cày lại vừa làm thợ dệt, thợ rèn, thợ gốm được, thì sao người cai trị, ta bảo họ có thể vừa cai trị lại vừa cày được?

Cái thuyết kỳ quặc ấy hơn hai ngàn năm trước bị đánh đổ ở Trung Hoa; thế mà đến trước đây ba mươi năm nó lại được hoan nghênh ở một nước sắp có cuộc xã hội cách mạng, ấy là vì nó có chỗ tương tợ với chủ nghĩa cọng sản.

Cọng sản có một cái tín điều rất lớn, là: "các tận sở năng, các thủ sở nhu": mỗi người đều làm việc hết tài trí của mình, mỗi người đều lấy đủ sự cần dùng của mình. Ấy, bốn chữ "các tận sở năng", cũng gần như cái nghĩa của hai chữ "tịnh canh".

Người ta nói, ông Lénine hồi trước hay ông Staline bây giờ cũng vậy, giữ theo cái tín điều ấy, mỗi người ngoài sự làm việc cai trị ra, mỗi ngày phải làm mấy giờ đồng hồ về cái nghề của mình. Nghĩa là cái người cầm chủ quyền của một nước ấy phải có làm việc vào sự sống hàng ngày của xã hội mới được. Nếu người ấy vốn theo nghề cày thì cứ cày; còn như làm thợ mộc hay thợ rèn thì cũng vẫn phải mỗi ngày mấy giờ giữ cái nghề thợ mộc hay thợ rèn của mình. Có thế mới là "các tận sở năng", có thế mới là bình đẳng.

Quả thế thì cái đặc điểm ấy của chủ nghĩa cọng sản thật có giống với thuyết "tịnh canh". Chỉ khác là một đằng buộc phải chuyên một sự cày, còn một đằng, không cứ cày, nhưng buộc phải làm một nghề nào cũng được, cái nghề có giúp cho sự sống xã hội.

Nếu, ngoài việc cai trị, ngoài việc cầm chủ quyền một nước, ông Lénine hay ông Staline thật có làm cái nghề của mình nữa thì ta cũng nên tiếc cho thầy Mạnh Tử không sống lại để thấy mấy lời hùng biện của mình đã gặp được những chứng cứ tương phản! Đó, người ta vừa trị thiên hạ vừa cày đó, có sao đâu!

Nhưng, tôi có đi đâu đâu mà biết được cái sự thực ở tận bên nước Nga. Sau khi đọc sách và xem báo, chỉ làm cho tôi thấy ra như loài người từ xưa đến nay, ít nữa là từ hồi Hứa Hành, Trần Tương đến giờ, cứ mê hoảng mà chạy theo thuyết này, thuyết khác, chủ nghĩa này, chủ nghĩa khác, có lẽ là mình đã bị những cái to tát ấy đánh lừa mà mình không tự biết.

Một người đã cầm vận mạng một nước mà bảo rằng họ có thể đi làm cái việc những người thường phải làm hàng ngày thì tôi phải cho là nói đùa mà chơi. Tôi thấy ông Lénine hay ông Staline thì cũng chẳng khác nào ông Mussolini hay ông Hitler. Cái tướng tinh ho ra khói, khạc ra lửa ấy, dễ dàng gì mà bảo họ cầm cái liềm, cái bay hay cái búa?

Bây giờ người ta khôn lắm, họ không khờ nữa để mà hứng lấy hai chữ "hoàng đế" vào mình và đội mũ miện lên đầu cho thiên hạ ganh ghét. Họ nhận sơ sơ cái chức chủ tịch như ông Tưởng Giới Thạch đủ được rồi, mà kỳ thực cái quyền lợi của họ còn quá ông vua. Mussolini, Hitler mà cho đến Staline nữa, tôi thấy họ đều là "lụt lịt mà chín mà mười" như Tưởng Giới Thạch cả.

Người như thế mà Hứa Hành bảo họ "tịnh canh", tôi cho là khờ rồi. Đến bảo theo cái tín điều "các tận sở năng" tôi cũng còn lấy làm ngại nữa.

Con người ở thì ở trong thâm cung, trên có lưới sắt chăng để ngừa tạc đạn ám sát, đi ra thì với mấy chục đội vệ binh cùng mật thám, ròng chỉ sợ có kẻ thịt mình ‒ con người ấy mà bảo họ "cùng cày" là cùng cày với ai?

Staline mới rồi, chẳng biết có đau ốm gì không mà tin tức truyền khắp thế gian, bảo ông ta có bệnh nguy hầu chết. Con người mà cả thế giới coi là lợi hại đến nỗi rủa cho chết như thế, sao ta có thể bắt họ làm cái việc của một người thường?

Theo tôi tưởng, "tịnh canh" hay "các tận sở năng", cái tư tưởng ngộ nghĩnh ấy phải đến lúc vô chánh phủ mới thực hiện được. Loài người hãy đợi sáu ngàn năm nữa. Còn bây giờ, chỉ nói mà chơi!...

Sáu ngàn năm nữa cũng chẳng lâu la mấy!...

PHAN KHÔI

Nguồn: Sông Hương, Huế, s. 13 (25 Octobre 1936), tr. 1, 10;

s. 14 (31 Octobre 1936), tr. 1.