Cái đồng hồ của người Việt Nam
Phan Khôi
Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s.97 (27.8.1931)
Người nước Mỹ nước Anh có chung một câu tục ngữ rằng: Thì giờ tức là tiền bạc. Câu ấy có lắm ý hay. Nói chính cái thì giờ ấy là vật làm ra tiền bạc, phí thì giờ không khác gì phí tiền bạc, một cái ý hay; hoặc nói cái giá trị của thì giờ cũng bằng của tiền bạc, tiếc thì giờ như tiếc tiền bạc, ấy lại một cái ý hay nữa. Tổng chi đàng nào cũng là khuyên người ta phải coi thì giờ là quý, như ta nói: Một tấc bóng, một tấc vàng.
Đã coi thì giờ quý như tiền bạc, cho nên dùng thì giờ cũng phải như dùng tiền bạc. Nghĩa là dùng tiền bạc phải có mực nhứt định, phải biết hạn chế, thì dùng thì giờ cũng phải có mực nhứt định, cũng phải biết hạn chế. Đó lại là một ý hay hiểu bên ngoài lời nói nữa vậy.
Phàm vật trời sanh ra hay người chế tạo ra, đều có chỗ dùng của nó. Con heo để ăn thịt cũng như con ngựa để cỡi; cây bút để viết cũng như cây dù để che mưa. Phàm vật, hễ ta dùng không trúng chỗ dùng của nó thì tự nó thành ra vô ý nghĩa, mà ta cũng không nhận lãnh được sự ích lợi bởi nó mà ra.
Do hai nghĩa trên đó: một nghĩa tiếc thì giờ, một nghĩa sắm vật ra để lợi dụng, mà người Tây mới chế ra cái đồng hồ.
Cái đồng hồ trong tay người Âu Mỹ là để làm mực thước cho sự dùng thì giờ, cũng như cuốn sổ dự toán, cuốn sổ lưu thủy để làm mực thước cho sự dùng tiền bạc. Trong nhà nào đã sắm ra sổ dự toán và sổ lưu thủy thì mọi sự tiêu dùng hằng năm hằng ngày của nhà ấy không bỏ lọt ra ngoài sổ được; nghĩa là đã có sổ thì sổ phải cho đúng. Đằng nầy, không có đồng hồ thì thôi; đã có đồng hồ thì cũng phải cho đúng. Ấy là cái đồng hồ của người Tây.
Hình như vật gì không do người bổn xứ khởi đầu chế ra mà bắt chước dùng của xứ khác, thì thường hay làm sai cái ý nghĩa của vật ấy. Có kẻ sợ cho những chữ dân quyền, tự do, bình đẳng, rút câu lại rồi chỉ làm rối cho người phương Đông, sự sợ ấy chẳng phải không có một vài phần chánh đáng đâu. Coi như cái đồng hồ khi đã vào tay người Việt Nam chúng ta thì biết. Cái vật có thiệt chất ở trước mắt mà còn biến đổi công dụng đi được như thế, huống chi cái vật bằng tinh thần kia, không thấy được, không cầm giữ được, thì người ta sợ nó đốc ra giống khác, há chẳng phải lắm sao? Tuy vậy, vì thời đại bắt buộc, người mình rày về sau không có thể bỏ đồng hồ mà không dùng cũng như không có thể bỏ dân quyền, bình đẳng, tự do mà không dùng; miễn là dùng một cách có ý thức, khiến cho vật gì cũng trúng dụng và có ích lợi cho mình là được.
Trong thành ngữ tiếng ta có một lời mà người ta hay dùng đến lắm, là: Cơm vua ngày trời. Trong câu nói nào có dùng chữ cơm vua ngày trời, ấy là tỏ ra ý ăn hết chừng nào thì ăn, làm được chừng nào thì làm, không bị hạn chế và thôi thúc chi hết. Cho nên cũng lại có cái thành ngữ làm việc quan để phát minh cho nhau. Phê bình một công việc gì của người nào làm mà nói rằng đó là làm việc quan, thì cũng chẳng khác gì nói rằng đó là làm lấy rồi, làm hà rứa, làm đù đưa đủng đởn, tới đâu hay đó. Phải, phàm kẻ làm việc quan, đều có cái quan niệm cơm vua ngày trời, ăn hết chừng nào thì ăn, làm được chừng nào thì làm, không bị hạn chế thôi thúc, thì có tội gì làm đúng đắn, làm kịp thời kịp vụ làm chi! Bởi vậy cho nên ngày xưa chúng ta không có đồng hồ. Chẳng những vì khoa học không có, chẳng làm được đồng hồ; mà chính là vì cái quan niệm cơm vua ngày trời và làm việc quan ấy nó choán sẵn trong đầu rồi, không có sự cần nên không sanh ra khoa học mà không làm đồng hồ được.
Dầu vậy, cái tiếng đồng hồ lại là tiếng cũ của ta. Xứ ta ngày xưa, duy có các nơi công sở lớn, nhứt là trong cung vua, có dùng cái hồ bằng đồng đựng nước đầy ở trong, rồi thả lên một cái gáo có xoi lỗ nhỏ, lần lần nước vào cái lỗ ấy làm cho cái gáo chìm xuống thì có kiểng đổ, thế là một giờ hay bao nhiêu đó: nhờ cách ấy mà chia thời khắc, và kêu nó bằng đồng hồ. Cái đồng hồ kiểu xưa ấy, duy nhà vua mới có; mà chỗ dùng của nó là cốt để khảo nghiệm những điều quan hệ về thiên văn, cũng theo đó mà định những giờ tốt xấu trong sự mê tín, chớ không phải để làm mực thước cho sự làm việc như các thứ đồng hồ ngày nay.
Từ khi giao thông với người Tây, họ đem nhiều kiểu đồng hồ qua bán cho ta: kiểu để đứng, kiểu treo trên tường, kiểu bỏ túi, kiểu đeo tay, bất kỳ kiểu gì, ta cũng kêu là đồng hồ hết. Mặc dầu nó không phải cái hồ bằng đồng cũng kệ, ta chỉ thấy nó có cái đặc tánh để đo thì giờ cũng như đồng hồ xưa của ta rồi ta kêu đại đi. Hoặc giả vì cái danh bất chánh ấy mà nó mất cái công dụng cố hữu của nó đi cũng chưa biết chừng!
Ngày nay, từ thành thị đến thôn quê, hầu hết nhà nào của người Việt Nam cũng có ít nữa là một cái đồng hồ hoặc để đứng hoặc treo. Lại người nào đi ra đường mà ăn mặc bảnh, thì hầu hết trong lưng hoặc trong túi họ cũng có mang theo cái đồng hồ trái quít. Trong đám phụ nữ mà bà nào cô nào vào hạng kim thời thì bề nào cũng có cái đồng hồ vàng sáng ửng đeo nơi cổ tay trái trắng nõn trắng nà. Khi vào nhà họ hay gặp họ, giá tôi giả dại mà hỏi chớ sắm những đồng hồ ấy làm chi, thì họ ắt trả lời rằng sắm để coi giờ. Nhưng, đối với câu trả lời ấy tôi còn ngờ lắm, mười người, tôi không tin đến năm sáu!
Cái đồng hồ để coi giờ, phải chạy luôn, và nhứt là phải chạy cho đúng. ở đâu người ta cũng lấy đồng hồ của nhà giây thép(*) làm thầy, vì nhà giây thép lấy giờ ở sở thiên văn, cho nên nói đúng đó là đúng với của nhà giây thép. Một người nếu ở luôn nhà mình, ăn rồi làm, làm rồi ngủ, không dính dấp với ai, thì đồng hồ của họ không đúng cũng không hại chi. Chớ còn đã giao thiệp nhiều, được hẹn gặp người nầy kẻ khác luôn luôn, được mời ăn đám ăn tiệc luôn luôn, mà đồng hồ không đúng thì thật là hại lắm, hại cho mình cũng lây đến cho người nữa.
Một ông giáo học kể cho tôi nghe câu chuyện về một buổi nhóm hội đồng ở Cần Thơ cách bốn năm trước, thật đáng buồn cười. Kể xong, ông ấy kết luận rằng: Nếu có đồng hồ mà không đúng thì không có là hơn; vì mình tin cái đồng hồ sai, nó có thể làm hại việc mình.
Số là, hôm ấy, chiều thứ năm, trường nghỉ. Thừa dịp ấy, ông đốc hẹn trước cùng các thầy hết thảy, vào lúc 4 giờ thì tựu tại chỗ phòng việc ông đốc mà bàn một vấn đề quan hệ trong trường. Ông giáo nói chuyện với tôi đó có hai cái đồng hồ, một cái để trên bàn, một cái ông đeo tay, mà ông đều mới gióng lại, cho chạy theo đồng hồ nhà trường cách tuần lễ trước. Buổi chiều ấy, khi hai cái đồng hồ của ông đều chỉ 3 giờ 40 thì vừa có năm ông giáo khác đến chơi. Phải chi hồi đó mà rủ nhau đi nhóm hội thì vừa lắm.
Trong năm người có một người nói rằng: Vì còn sớm nên tới đây định rủ nhau đánh ít ván bài rồi hãy đi. Chủ nhà nghe nói thì chỉ đồng hồ mình cho khách biết rằng không phải sớm. Nhưng người nói đó lại móc đồng hồ của mình ra, đưa cho ai nấy coi, rõ ràng mới có 2 giờ 40. Như vậy là chạy mau hơn hai cái kia đến 1 giờ. Rồi mấy người kia cũng coi lại của mình thử: cái thì 2 giờ 50, cái thì tròn trèm 3 giờ, cái thì 3 giờ 20, chớ không có cái nào đến 3 giờ 40 hết. Người thứ nhứt nói khi nãy đó, bèn cãi trân trân rằng của mình là đúng, vì mới lấy theo đồng hồ nhà trường sớm mai nầy.
Trời bữa đó lại âm yêu, thành ra không nhắm bóng được. Chủ nhà nghĩ trong mấy cái đồng hồ có một mình cái của mình mau quá hơn hết, có lẽ là sai, bèn vẹn cho chạy như của người kia, và yên trí mà bày cuộc đánh bài. Đánh chơi cho đến lúc họ cho là đáng đi mới rủ nhau đi; tới nơi thì té ra đã tan nhóm, ai về nhà nấy từ bao giờ rồi. Năm ông giáo với ông giáo chủ nhà đó là sáu, sáng hôm sau bị quở, cái thì chắc rồi, khỏi nói!
Sau rõ lại thì ra cái đồng hồ chỉ 2 giờ 40 đó, chủ nó mới gióng lại hồi sớm mai nầy thật, có điều vô ý mà để chậm đi một giờ. Còn mấy cái kia, đều là đồng hồ cũ sửa lại, chạy dật dờ dật dưỡng, duy có cái vỏ ngoài còn coi được mà thôi. Thế là bảy cái đồng hồ mà hết năm cái không đúng.
Nói thì nghe như đặt điều nói láo, chớ chính tôi từng thấy có người đeo cái đồng hồ không chạy. Không chạy là vì máy ở trong đã hư hết, không còn có thể sửa nữa; nhưng mà vì nó đẹp nên cũng đeo cho có với người ta.
Lại có cách diện ngộ hơn nữa, là chỉ đeo cái giây chuyền suông mà không có đồng hồ. Một lần đi trên xe lửa, tôi thấy có ông nọ đến hỏi giờ ông kia, vì thấy ông nầy có cái giây chuyền đẹp lắm, một đầu gài nơi khuy áo, thả thòng xuống, còn đầu kia bỏ vào túi áo trên. Hỏi lần đầu, người bị hỏi muốn làm lơ; thét rồi ông ta cười và rút phứt cái giây chuyền ra, quả nhiên chỉ có nó trùm trũm! Cái cử chỉ thiệt tình của ông ấy ban thêm cho tôi được một sự đáng chú ý.
Xin độc giả chớ tưởng rằng hết thảy người mình dùng đồng hồ đều như cách tôi kể ra trên nầy đâu. Tất nhiên là có một số người biết dùng đồng hồ đúng. Lại hoạ chăng lắm mới có một đôi người đeo đồng hồ không chạy hay là chỉ có giây chuyền mà không có đồng hồ. Nhưng kể đến hạng đồng hồ chạy không đúng như của mấy ông thầy giáo trên đây thì nhiều lắm. Ai không tin, hãy để ý trong lúc đêm khuya thanh vắng, nghe những đồng hồ hàng phố đổ kiểng, thường so le nhau, hoặc đến mươi, mười lăm, hai chục phút, hoặc đến nửa giờ.
Cứ như những điều đã đem ra làm chứng cớ đó thì thấy cái bổn ý dùng đồng hồ của người mình không phải ở cả trong sự coi giờ. Trong mười phần thì cái bổn ý coi giờ chỉ có hai ba phần mà thôi, còn cái bổn ý để diện cho đẹp hay là cho có với người ta, cũng đến bảy tám. Như vậy là cái đồng hồ mất chỗ dùng của nó rồi, phải không?
Sở dĩ đồng hồ của người mình phần nhiều không đúng như vậy, là tại chúng ta không có cái quan niệm tiếc thì giờ như người Âu-Mỹ hay là có mà cái quan niệm ấy không được chơn xác cho mấy. Nếu nói trắng, đừng sợ mích lòng nhau, thì xin nói rằng: cái tâm lý cơm vua ngày trời của mấy thế kỷ trước, ngày nay nó vẫn còn vướng víu trong đầu chúng ta. Nếu bề trong, chúng ta còn giữ cái tâm lý ấy, mà bề ngoài, chúng ta dùng đồng hồ, thì quả thật, nó chỉ là một vật trang sức của chúng ta mà thôi vậy.
Một buổi nhóm hay là một bữa tiệc, thường thường có nhiều người lỗi giờ đã định. Thấy ai cũng tham van rằng công việc vì đó bị treo trễ, nhưng chẳng ai hề chịu đi cho đúng giờ. Bực mình nhứt là khi có ba bốn người hẹn nhóm nhau bàn tính một việc chi, cứ làm miếng giã gạo, hễ có người nầy thì không người kia, hễ có người kia lại thiếu người nọ, thét rồi việc bàn tính đó cũng theo thì giờ mà đi mất!
Người Tây họ hẹn với nhau, chẳng những chỉ giờ rõ ràng mà cũng chỉ đến phút rõ ràng. Người mình hẹn với nhau cứ nói sáng thứ năm hay chiều chúa nhựt, ít khi nói rõ mấy giờ sáng cùng mấy giờ chiều, chớ đừng nói hẹn đến phút nữa. Cái phút của đồng hồ đối với chúng ta, thành ra như vô dụng.
Lại cũng có khi hẹn với nhau rõ giờ rõ phút, mà rồi đến giờ ấy phút ấy còn chưa được gặp mặt nhau. Khi gặp nhau, đem đồng hồ ra kiện nhau thì quả nhiên mỗi cái đi mỗi đường.
Giữa chúng ta có kẻ hình như không nhìn thấy cái giá trị của thì giờ, lại cũng tưởng rằng sự thờ ơ nguội lạnh của mình đó chẳng gì đến nỗi làm hại cho người khác; sự giao tế trong xã hội nhơn đó có lắm điều khó khăn. Tức như câu chuyện một ông Phán ở Sài Gòn thuật cho tôi nghe mới đây, đủ làm chứng cho điều đó.
Ông Phán có người bạn sơ giao, tâm đầu ý hợp với nhau trong thơ từ, nhưng chưa gặp mặt, hai bên cũng đều khao khát thấy nhau. Ngày lễ Chánh chung tháng trước đây, ông Phán định đi thăm ông kia, nhưng lại vừa tiếp thơ ông ấy; trong thơ nói nội hai ngày 13 và 14, nếu không có điều chi trở ngại, sẽ đến viếng ông Phán tại nhà. Đọc xong bức thơ, ông Phán mừng thì mừng, nhưng không khỏi cằn rằn đôi chút. Vì ông nói rằng lâu lắm mới được vài ngày lễ, vốn toan đi đây đi đó mà chơi; không ngờ nay được thơ bạn nói lỏng lẻo như vầy, phải chi ai thì thôi, đã là người mình mong gặp thì âu là phải bóp bụng ở nhà luôn trong hai ngày hầu cho được gặp!
Theo ý tôi, ông Phán cằn rằn là phải. Còn ông kia, bạn sơ giao của ông Phán, nếu đã gởi thơ thì nên hẹn ngày hẹn giờ cho nhứt định; nhược bằng không nhứt định được thì tùy lúc nào đi được thì đi, chớ đừng gởi thơ trước làm chi. Gởi thơ trước mà lại nói lỏng lẻo, làm cho ông Phán không dám đi đâu một bước để chờ đợi mình trong hai ngày, thì tài chi ổng chẳng cằn rằn!
Quả thật tại người Việt Nam ta chưa nhìn rõ cái giá trị thật của thời gian là thế nào. Như vậy lại là tại mỗi người không có nhiều thứ công việc phải làm thường xuyên ngày nọ qua ngày kia. Bao giờ ai nấy đều có công việc phải làm, mà công việc lại chẳng phải một thứ, bấy giờ mới biết chi phối thì giờ, mới nhìn rõ giá trị thật của nó, mới bắt đầu dùng đến cái phút, và mới lấy đồng hồ cho đúng luôn luôn.
Bỏ cái quan niệm cơm vua ngày trời đi rồi mới dùng đồng hồ theo như chỗ dùng của nó, cũng như bỏ cái căn tánh cẩu thả đi rồi mới dùng được những chữ dân quyền, tự do, bình đẳng theo như ý nghĩa của nó. Hiện ngày nay thì những chữ dân quyền, bình đẳng, tự do ở trong nước Việt Nam cũng còn như cái đồng hồ của người Việt Nam!
Phan Khôi
Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s.97 (27.8.1931)
(*) nhà giây thép : nhà, sở, hoặc trạm bưu điện, ngành bưu điện.