Chim nhại
Chim nhại tiếng Anh là mockingbird. Mocking hay mimicking là bắt chước hoặc nhại lại trong tiếng Việt. Mockingbird là một loại chim có khả năng và thói quen nhại lại khoảng 20 tiếng hót của các loại chim khác. Ngoài ra, chim nhại có thể bắt chước được cả tiếng chó sủa, tiếng còi xe hơi, tiếng côn trùng, và ếch nhái. Danh từ khoa học của loại chim này là “mimus polyglotoss” có nghĩa là “nhại” được nhiều “ngôn ngữ” khác nhau.
“Chim nhại là một loại chim không làm điều gì có hại mà chỉ hót cho chúng ta vui. Nó không phá phách vườn tược của người, không làm tổ trong kho chứa bắp, nó không làm một điều gì ngoại trừ hót từ con tim của chúng cho chúng ta nghe. Đó là tại sao giết một con chim nhại là một tội ác.” 1/
Trong tác phẩm của Harper Lee, chim nhại tượng trưng cho sự vô tội, thơ ngây, trong trắng. Như vậy giết chim nhại là tiêu diệt sự vô tội, phá hoại sự ngây thơ, trong trắng. Tên của cuốn sách Giết Con Chim Nhại không có liên hệ nhiều với nội dung cuốn sách về nghĩa đen, nhưng đóng vai trò biểu tượng quan trọng của cuốn tiểu thuyết.
Tác giả
Giết Con Chim Nhại là một tác phẩm văn học nổi tiếng của Hoa Kỳ ra đời vào năm 1960. Tác giả tên là Harper Lee sanh vào năm 1926 tại Monroeville, Alabama, ở tận cùng miền Nam nước Mỹ. Cha của tác giả là Amasa Coleman Lee, một luật sư, một nhà lập pháp cấp tiểu bang, và hậu duệ của Tướng Robert E. Lee. Ở bậc trung học, Harper Lee đặc biệt quan tâm về văn chương. Sau khi tốt nghiệp trung học vào 1944, Harper Lee theo học tại Huntingdon College ở Montgomery, Alabama, và tiếp tục quan tâm về văn chương và viết văn, không chú ý gì đến thời trang và hò hẹn bạn bè. Harper Lee trở thành một thành viên của một hội văn chương danh dự.
Ít lâu sau, Harper Lee thuyên chuyển vào University of Alabama tại Tuscaloosa, tham dự viết báo cho trường đại học và tạp chí trào phúng Rammer Jammer, và sau cùng trở thành chủ bút của tạp chí này. Vào năm thứ ba, Harper Lee được nhận vào trường luật với dự định theo đuổi sự nghiệp của cha. Trường này cho phép sinh viên bậc cử nhân theo học để lấy bằng luật. Sau một năm học luật, Harper Lee bỏ ngành này để tiếp tục nghiên cứu về văn chương.
Một năm sau tác phẩm đầu tay của Harper Lee đoạt được giải thưởng nổi tiếng Putlizer về văn chương và một số giải thưởng khác. Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Newsweek, tác giả nói “Viết là một việc khó nhất trên thế giới… nhưng viết là việc duy nhất làm tôi hạnh phúc hoàn toàn.” 2/
Vào năm 1962, hãng phim Universal Studio cho ra đời cuốn phim To Kill a Mockingbird dựa vào tác phẩm của Harper Lee. Diễn viên Gregory Peck đóng vai Luật sư Atticus Finch, một nhân vật chính trong truyện. Cuốn phim nhận được ba Academy Awards: (1) Diễn viên xuất sắc: Gregory Peck; (2) Kịch bản viết cho phim: Horton Foote; (3) Mỹ thuật: Henry Bumstead, Alexander Golitzen, and Oliver Emert. Ngoài ra phim To Kill a Mockingbird còn nhận nhiều giải thưởng khác gồm ba giải của Golden Globe và một giải của Cannes Film Festival.
Vào năm 1966, Harper Lee được Tổng thống Lyndon B. Johnson mời vào Hội đồng Nghệ thuật Quốc gia (National Council of the Arts). Vào năm 1991, Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ tổ chức một cuộc điều nghiên độc giả. Kết quả là cuốn truyện của Harper Lee được xem là một cuốn sách ảnh hưởng đến cuộc đời của người Mỹ rất nhiều, chỉ sau cuốn Thánh Kinh. Vào năm 2007, Tổng thống George W. Bush đã trao Presidential Medal of Freedom cho Harper Lee vì sự đóng góp của tác giả cho truyền thống văn chương của Hoa Kỳ.
Harper Lee vừa qua đời vào ngày 19 tháng 2, 2016 ở tuổi 89 tại Monroeville, Alabama.
Những nhân vật chính
To Kill a Mockingbird bao gồm 11 nhân vật chính và 35 nhân vật phụ. Những nhân vật nào trong tác phẩm của Harper Lee là những con chim nhại? Jeremy Atticus “Jem” Finch và Jean Louise “Scout” Finch, hai người con của Ls Atticus Finch; Charles Barker “Dill” Harris, bạn hàng xóm vào mùa hè của Jem và Scout; Tom Robinson, người đàn ông da đen, nạn nhân tiêu biểu của nạn kỳ thị chủng tộc sâu xa tại miền Nam; Arthur “Boo” Radley, người đàn ông hàng xóm; và Dolphus Raymond, một người đàn ông da trắng, chán ghét đạo đức giả trong xã hội da trắng, chọn sống trong xã hội da đen, lấy vợ da đen, giả vờ nghiện rượu để xã hội không để ý đến mình.
Những con chim nhại đó phải sống lẫn lộn với những nhân vật ác độc như Bob Ewell, một đàn ông da trắng nghiện rượu nặng, sống bằng trợ cấp của chánh phủ, bịa chuyện Tom Robinson hãm hiếp con gái của mình là Mayella Ewell, một cô gái sống cô đơn, thiếu thốn tình thương, nghèo đói của thời kỳ đại khủng hoảng kinh tế 1929-1933; Horace Gilmer, một đàn ông da trắng kỳ thị người da đen nặng nề, một luật sư đóng vai công tố viên trong vụ xử Tom Robinson.
So sánh truyện và thực tế
Harper Lee nói rằng cuốn sách To Kill a Mockingbird không phải là cuốn truyện viết về chính gia đình mình. Nhưng trên thực tế có khá nhiều điểm trùng hợp giữa cuốn tiểu thuyết và thực tế.
Cha của Harper Lee, Amasa Coleman Lee, cũng là một luật sư như Atticus Finch. Vào năm 1919, Ô. Lee cũng bào chữa cho hai người da đen bị tình nghi giết người và cũng không thành công. Các nạn nhân bị treo cổ. Sau vụ án này, Ô. Lee không tham gia vào vụ án nào khác. Mẹ của Harper Lee mất khi bà 25 tuổi. Còn mẹ của Jem và Scout mất khi chúng 10 và 6 tuổi. Bà Harper Lee có người anh trai cũng hơn bà bốn tuổi. Lúc nhỏ Harper Lee có tính tình giống con trai, hay nổi nóng và đánh lộn như Scout. Gia đình của Harper Lee cũng có một người quản gia da đen đến giúp việc hàng ngày. Anh em Jem và Scout có một bạn hàng xóm là Dill. Harper Lee cũng có người bạn trai thời thơ ấu là Truman Capote. Dill sống với dì cạnh nhà Scout vào mùa hè. Truman Capote cũng sống với dì gần nhà Harper Lee khi mẹ đi New York. Cả Truman lẫn Dill đều có có trí tưởng tượng dồi dào và cả hai đều thích đọc truyện.
Ở cuối đường của nhà Harper Lee có một ngôi nhà luôn luôn đóng kín cửa, giống như căn nhà của Arthur “Boo’ Radley cùng đường với nhà của Jem và Scout. Người con trai trong gia đình cũng bị rắc rối với pháp luật và cũng bị người cha giữ trong nhà suốt 24 năm cho đến khi chết vào năm 1952. Thực tế còn có một số điểm tương tự như trong truyện nhưng không rõ ràng như những điểm vừa kể.
Chủ đề của Giết Con Chim Nhại
Một chủ đề quan trọng của cuốn truyện là sự cộng sinh giữa thiện và ác. Trong xã hội có kẻ tốt người xấu. Sự thù hận, thành kiến và ngu dốt đe dọa những người ngây thơ vô tội như Tom Robinson và Boo Radley. Ngay trong một người cũng có lẫn lộn tốt xấu. Sự tốt xấu thay đổi theo thời gian. Những đứa trẻ thấy mọi người đều tốt cả vì chưa gặp ai xấu. Từ tuổi thơ ngây qua đến giai đoạn kinh nghiệm, người trưởng thành ắt hẳn phải nhìn thấy cái xấu, như Jem, Scout, và Dill đã chứng kiến sự dối trá, kỳ thị và bất công khi cha chúng thất bại trong việc bào chữa cho Tom Robinson tại tòa án vì sự vu khống của cha con Ewell.
Chủ đề thứ hai của To Kill a Mockingbird là sự bất bình đẳng trong xã hội. Gia đình Finch ở trên thượng từng mức thang xã hội ở Maycomb. Dưới đó là những người ở trong thị trấn. Kế tiếp là những người nông dân dốt nát và bên dưới nữa là những kẻ lười biếng như cha con Ewell. Cộng đồng da đen mặc dù có những người có khả năng có tài vẫn phải nằm bẹp ở đáy tận cùng của xã hội. Sự phân chia đẳng cấp xã hội cứng nhắc như vậy thật là phi lý và mang tính cách hủy hoại làm cho xã hội mất sự hài hòa và khả năng thăng tiến.
Như Jem giải thích cho Scout: “Có bốn loại người trong xã hội. Có loại người bình thường như chúng ta và những người hàng xóm. Có loại người như gia đình Cunningham sống trong rừng. Loại người giống như gia đình Ewell sống cạnh đống rác, và những người da đen.” Nhưng dưới con mắt ngây thơ của Scout, trên thế giới này chỉ có một loại người. Đó là người.
Sau khi To Kill a Mockingbird được xuất bản và trở thành cuốn sách bán chạy nhất vào năm 1960, những người da trắng ở miền Nam đồng loạt tổ chức những cuộc biểu tình chống đối cuốn tiểu thuyết. Để trả lời gián tiếp những người này, trong một cuộc phỏng vấn, Harper Lee tuyên bố rằng “Một nhà văn nên viết về những gì tác giả biết và viết một cách trung thực.” 3/ Ảnh hưởng của cuốn sách To Kill a Mockingbird rất sâu rộng, đã giúp cho phong trào đòi quyền công dân (civil rights) đang phát triển lớn mạnh thêm. Chống lại nạn kỳ thị chủng tộc là chủ đề quan trọng nhất của cuốn sách.
Biểu tượng của việc chống nạn kỳ thị chủng tộc là Ls Atticus Finch, một người đàn ông da trắng can đảm và cương trực. Ông dám đứng lên chống lại cả một xã hội mang nặng thành kiến sai lầm đối với người da đen. Một điều may mắn là Atticus Finch không thật sự hoàn toàn bị đơn độc trong cuộc tranh đấu cam go cho lẽ phải. Cảnh sát trưởng Heck Tate, một người da trắng, nhưng tin vào việc bảo vệ những người vô tội. Thay vì chỉ định một luật sư tầm thường để bào chữa cho Tom Robinson, Chánh án John Taylor, một người da trắng, đã yêu cầu Atticus Finch, một luật sư có kinh nghiệm, bênh vực cho bị cáo. Trong phiên tòa, Atticus Finch đã chứng tỏ là một luật sư điêu luyện, Ông đã đưa ra những bằng cớ rõ ràng để chứng minh Tom Robinson vô tội, nhưng cũng không thay đổi được thành kiến và sự kỳ thị của bồi thẩm đoàn gồm toàn là người da trắng. Dù không thành công trong vụ án Tom Robinson, Atticus Finch tạo hi vọng cho nhiều người, nhất là những người gốc Phi châu, rằng thật sự có những người da trắng làm những điều phải.
Lòng dũng cảm đã được đề cao trong cuốn truyện. Trong đoạn văn giải thích về lý do tại sao lại nhận bênh vực cho Tom Robinson, Atticus Finch nói với Jem rằng “Bố muốn con thấy lòng dũng đảm thực sự là gì, thay vì nghĩ rằng dũng đảm là người đàn ông với khẩu súng trong tay. Đó là khi con biết con sẽ thất bại trước khi bắt đầu, nhưng con vẫn bắt đầu và con theo đuổi nó tới cùng dù có chuyện gì xẩy ra.” Lòng dũng cảm này cũng được ba đứa trẻ bộc lộ bằng cách từ chối về nhà, ở lại để bảo vệ Atticus Finch trước sự bao vây của đám đông muốn xông vào nhà tù bắt giết Tom Robinson. Chúng đã thành công làm đám đông tan hàng.
Atticus Finch là một anh hùng dưới mắt người da đen và ngay cả một số người da trắng trong cuốn tiểu thuyết. Atticus Finch không phải một vị thánh mà là một con người bình thường theo đuổi một số nguyên tắc đạo đức và giao tiếp, một luật sư có lương tâm và trách nhiệm, và một người cha đáng yêu. “Dù là ở nhà, hay ngoài đường phố, hay trong phòng xử tại tòa án, Atticus Finch cũng cùng là một người được ngưỡng mộ. Ông không phải là một nhà truyền giáo, cũng không phải là một người chạy theo lợi lộc, và cũng không phải là người mơ mộng thiếu thực tế. Atticus Finch là Atticus Finch.” 4/
Nhiều nhà phê bình cho rằng To Kill a Mockingbird là một cuốn tiểu thuyết có chủ đề chính là mối liên hệ chủng tộc tại Hoa Kỳ, đặc biệt là miền Nam. Nhà phê bình Harding Lemay đã viết: “Nỗi ô nhục gặm mòn tinh thần của những người miền Nam đã được khai thác trong vấn đề đối xử với người da đen.” 5/
Thật vậy, hãy nghe Atticus Finch giải thích cho các con về thế nào là kỳ thị chủng tộc:
“Khi các con lớn lên, các con sẽ thấy người da trắng lừa bịp người da đen hàng ngày trong cuộc sống của các con, nhưng để cho bố nói với các con một điều này và đừng bao giờ quên nó nhé – bất cứ khi nào một người da trắng làm điều đó với một người da đen, bất kể người da trắng đó là ai, ông ta giầu có như thế nào, hay xuất thân từ một gia đình danh giá như thế nào, người da trắng này là một thứ rác rưởi.” 6/
Và tiếp theo là một lời cảnh cáo mạnh mẽ và đáng sợ:
“Không có một điều gì làm cho bố ghê tởm hơn là một người da trắng hạ cấp lợi dụng sự dốt nát của một người da đen. Đừng tự lừa dối mình – tất cả sẽ tích lũy lại và một ngày nào đó chúng ta sẽ phải trả giá cho việc làm này. Bố hi vọng rằng điều đó sẽ không xẩy ra trong cuộc đời của các con.” 7/
Đúng 30 năm sau, đạo luật Civil Rights Act of 1964 ra đời tại Hoa Kỳ cấm mọi sự phân biệt dựa trên chủng tộc, mầu sắc, tôn giáo, giới tính, hay nguồn gốc quốc gia. Những người như Harper Lee, Atticus Finch, John Taylor là những người miền Nam đã góp phần không nhỏ vào sự thành công của phong trào đòi dân quyền.
Cốt truyện
Cốt truyện To Kill a Mockingbird khá giản dị, nhưng lối hành văn như kể truyện của tác giả một phần lớn đã giúp cho cuốn truyện thu hút được sự chú ý của độc giả. Một khi đã khởi sự đọc vài trang, người đọc dường như bị thôi miên để đọc tiếp cho đến hết truyện và lại còn mong ước nó không bao giờ chấm dứt.
Câu truyện xảy ra vào thập niên 1930 trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới. Vào thời điểm đó, hàng triệu người Mỹ mất việc làm. Nhiều người mất nhà, mất đất, mất cả nhân phẩm. Nhiều người bỏ đi kiếm việc làm ở nơi xa, nhưng khó khăn kinh tế xuất hiện khắp nơi. Một nửa số người Mỹ gốc Phi châu sống ở miền Nam bị đẩy vào tình trạng cùng cực. Ngay cả những việc làm lương thấp nhất thường dành cho người da đen cũng bị người da trắng chiếm đoạt. Tại Alabama cũng như ở những tiểu bang khác ở miền Nam nước Mỹ, sự phân chia chủng tộc là một lối sống vào giai đoạn này. Trường học, nhà thờ, bệnh viện, tòa án, và những nơi công cộng đều có những khu riêng dành cho người da đen. Ngay cả tại một số tòa án, người da đen phải tuyên thệ với bản Thánh Kinh khác.
Giáo sư Joanne Gabbin của James Madison University lớn lên trong hai thập niên 1950 và 1960 nói rằng khi còn là một đứa trẻ, bà đã nhìn thấy hình ảnh Emmett Till, một đứa bé da đen, 14 tuổi bị giết chỉ vì nó huýt sáo một người đàn bà da trắng. Vào thời đó, những người da đen thông thường không được chọn vào bồi thẩm đoàn. Do đó, phán quyết của tòa thường là bất công cho người da đen.
Không gian là thành phố yên lặng Maycomb (giả tưởng), Alabama, nơi hai anh em Jeremy Atticus “Jem” Finch và Jean Louise “Scout” Finch sinh sống cùng với cha hành nghề luật sư Atticus Finch. Trong nửa phần đầu của cuốn truyện, Harper Lee mô tả về cuộc sống yên bình nhưng nghịch ngợm của hai anh em Jem (10 tuổi) và Scout (6 tuổi) khi chúng đối tác với những người hàng xóm và cha của chúng. Vào mùa hè, hai anh em đón nhận thêm một đứa bạn trai cùng lứa tuổi, cháu ruột của một bà hàng xóm. Với trí tò mò và óc tưởng tượng, ba đứa trẻ tìm thú vui trong các cuộc thám hiểm và tìm hiểu những người cùng xóm với chúng, trong đó Boo Radley, người đàn ông da trắng quanh năm sống trong nhà và chỉ ra ngoài khi trời tối. Nhiều chuyện đồn đại về nhân vật kỳ quái này như chuyên ăn thịt sóc, mèo, và từng giết người, khiến bọn trẻ lại càng hiếu kỳ. Chúng vừa sợ Boo, vừa muốn chọc ghẹo anh ta, vừa muốn xem hình dạng như thế nào.
Vào một mùa thu đầu tiên đến trường học của Scout, trên đường về nhà, cô bé và anh tìm thấy món quà để trong hốc cây trên mảnh đất của Boo Radley. Chúng trở nên bạo dạn hơn và bắt đầu chọc ghẹo Boo Radley. Nhưng Atticus Finch cấm lũ trẻ không được làm như vậy mà phải thông cảm trước khi phán xét người khác. Ông nói với lũ trẻ:
“Các con không bao giờ thật sự hiểu được một người cho đến khi các con xét đoán sự việc từ quan điểm của người này, cho đến khi các con đặt mình vào địa vị của họ.”
Một buổi tối, Chánh án John Taylor ghé nhà Atticus Finch để yêu cầu ông biện hộ cho Tom Robinson, một người da đen, bị buộc tội hãm hiếp Mayella Ewell, một phụ nữ da trắng. Dù bị cư dân Maycomb chống đối, Atticus Finch vẫn đồng ý bào chữa cho Tom Robinson. Một số bạn ở trường trêu chọc Jem và Scout và gọi cha của chúng là “kẻ yêu bọn mọi đen.” Scout nổi nóng và đánh lộn với kẻ nhạo báng để bênh vực cha của mình. Trái lại khi người giúp việc da đen Calpurnia đưa đến thăm nhà thờ của người da đen, Scout và Jem được chào đón nồng hậu.
Vào đêm hôm trước phiên xử, Tom Robinson bị đưa về giam tại một nhà tù nhỏ tại quận Maycomb. Tiên đoán trước được rắc rối có thể xẩy ra, Cảnh sát trưởng Heck Tate nhờ Atticus Finch đến canh gác nhà tù. Chẳng bao lâu, một đám đông chừng 20 người do Walter Cunningham hướng dẫn, tụ tập trước nhà tù đòi giết Tom Robinson vì họ sợ tòa án sẽ tha bổng Tom. Jem, Scout, và Dill lẻn ra khỏi nhà và đến nhà tù xem Atticus Finch làm gì. Khi thấy ông bị bao vây, lũ trẻ lách qua đám đông đến cạnh để bảo vệ Atticus Finch. Scout nhận ra Ô. Walter Cunningham, cha một người bạn cùng trường và cũng là một thân chủ cũ của Atticus Finch. Scout nhắc lại những việc cha của mình đã làm cho Walter Cunningham và quận Maycomb khiến ông này xấu hổ và ra lệnh cho mọi người giải tán.
Ngày hôm sau ba đứa trẻ lại một lần nữa lẻn ra khỏi nhà, phiêu lưu đến tòa xem xử án. Tầng dưới của tòa không còn chỗ, ba đứa bé lên lầu ngồi xem chung với những người da đen. Lời khai của nhân chứng là hai cha con Ewell hoàn toàn bịa đặt. Bob Ewell là một người cha vô trách nhiệm, nghiện rượu nặng, hay đánh đập con cái, không có tiền nuôi con, khiến chúng phải kiếm sống bằng cách khai thác bãi rác chung quanh nhà. Mayella Ewell là con gái lớn của Bob Ewell, một thiếu nữ da trắng sống trong nghèo đói và cô đơn. Chính Mayella tấn công tình dục Tom Robinson nhưng không được đáp ứng. Mayella bị cha bắt gặp và đánh đập. Nhưng tại tòa, Mayella khai là Tom Robinson đánh và hãm hiếp mình.
Mayella khai bị đánh vào phía bên trái của mặt và Bob Ewell là người thuận tay trái. Trong khi đó, Tom Robinson luôn luôn dùng tay phải vì tay trái bị liệt vì một tai nạn lúc còn trẻ khi sử dụng máy tách hột ra khỏi bông gòn. Lời khai của Tom Robinson trái ngược với lời khai của hai nhân chứng.
Phần biện hộ của Ls Atticus Finch chấm dứt bằng một kết luận thành khẩn. Nó tóm tắt rành mạch vụ án Tom Robinson như sau:
“Thưa quý vị, tôi sẽ rất vắn tắt. Nhưng tôi muốn dùng thời gian còn lại của tôi với quý vị để nhắc nhở quý vị rằng vụ án này không khó khăn. Nó không đòi hỏi phải xem xét tỉ mỉ những dữ kiện phức tạp, nhưng vụ án này sẽ đòi hỏi quý vị cần phải chắc chắn rằng không có sự nghi ngờ hợp lý nào về tội của bị can. Để bắt đầu, vụ kiện này không bao giờ nên được đưa ra tòa xét xử. Tiểu bang không đưa ra một chứng cớ y khoa nào để chứng minh rằng tội ác mà Tom Robinson bị cáo buộc đã xảy ra. Thay vào đó lại dựa vào lời khai của hai nhân chứng, mà chứng cớ không những không đáng tin cậy trong cuộc thẩm vấn mà còn hoàn toàn bị phủ nhận bởi bị cáo. Bây giờ có chứng cớ chi tiết cho thấy rằng Mayella Ewell bị đánh đập tàn bạo bởi một người hầu như độc nhất bằng tay trái. Và Tom Robinson đang ngồi trước quý vị, đã tuyên thệ với bàn tay tốt của mình – tay phải.
“Tôi không có điều gì ngoại trừ lòng thương hại từ trong thâm tâm của tôi dành cho nhân chứng chính của tiểu bang. Cô ta là một nạn nhân của sự nghèo khổ và ngu dốt tàn bạo. Nhưng sự thương hại của tôi không mở rộng đối với việc cô ta gây nguy hiểm cho tính mạng của một người, khi cố gắng để xóa bỏ tội lỗi của chính mình. Thưa quý vị bây giờ tôi nói tội lỗi vì chính tội lỗi đã thúc đẩy cô ta. Cô ta không dính vào một tội ác nào cả. Cô ta chỉ đơn thuần xâm phạm đến những quy tắc cứng nhắc và được tôn trọng lâu đời của xã hội, những quy tắc nghiêm khắc đến nỗi ai vi phạm sẽ bị xua đuổi ra khỏi chúng ta vì không thích hợp để sống chung. Cô ta phải tìm cách tiêu hủy những bằng chứng về sự phạm lỗi của mình. Nhưng bằng chứng đó là gì? Chính là Tom Robinson, một nhân mạng. Cô ta phải loại trừ Tom Robinson. Đối với cô ta, Tom Robinson là tang vật nhắc nhở điều mà cô ta đã làm.
“Cô ta đã làm gì? Cô ta cám dỗ một người da đen. Cô ta là người da trắng và cô ta cám dỗ một người da đen. Cô ta đã làm một vài điều không thể nói ra được trong xã hội của chúng ta: Cô ta hôn một người đàn ông da đen. Không phải là một ông chú cao tuổi, nhưng là một thanh niên khỏe mạnh. Không có quy tắc nào quan trọng đối với cô ta trước khi cô ta vi phạm, nhưng nó sẽ sụp đổ xuống đầu của cô ta sau đó.
“Những nhân chứng, ngoại trừ cảnh sát trưởng của quận Lincoln, trình diện trước quý vị - tại tòa – với sự tự tin đáng hoài nghi rằng lời khai của họ không nghi ngờ được; tự tin rằng quý vị sẽ đồng ý với họ về một giả thuyết – giả thuyết ác hại – rằng tất cả những người da đen nói láo; tất cả những người da đen căn bản là vô luân lý; tất cả những người da đen không có thể tin cậy được ở gần những phụ nữ của chúng ta, một giả thuyết tự nó đã sai lầm – mà tôi không cần phải chỉ dẫn cho quý vị.
“Và như vậy, một người da đen thầm lặng, khiêm tốn, đáng kính trọng, cả gan cảm thấy thương hại một người phụ nữ da trắng, đã phải nói những lời chống lại hai người da trắng. Bị can không có tội. Nhưng một người trong phòng tòa án này có tội.
“Thưa quý vị, trong đất nước này, tòa án của chúng ta là những cơ chế san bằng những bất công. Trong tòa án của chúng ta, tất cả mọi người đều bình đẳng. Tôi không là một người lý tưởng hóa để mà tin tưởng một cách vững chắc vào sự liêm chính của tòa án và hệ thống bồi thẩm đoàn của chúng ta. Đây không phải là lý tưởng đối với tôi. Đây là một thực tế làm việc sống động.
“Tôi tin chắc rằng quý vị sẽ cứu xét một cách dễ dàng những bằng chứng mà quý vị đã nghe, đi tới một quyết định, và trả người này về với gia đình của ông ta.
“Nhân danh Thượng Đế, hãy làm tròn nhiệm vụ của quý vị. Nhân danh Thượng Đế, hãy tin Tom Robinson.”
Sau khoảng hai giờ suy nghĩ, bồi thẩm đoàn tuyên bố Tom Robinson có tội mặc dù bằng chứng Tom Robinson vô tội khá rõ ràng. Cả phòng xử yên lặng, không một phản ứng nào bộc phát. Dường như người ta đã biết trước kết quả, dù rằng bồi thẩm đoàn mất nhiều thời giờ hơn để đi đến quyết định so với những vụ án khác. Những người da đen theo dõi vụ án trên lầu phòng xử và ba đứa bé da trắng buồn thảm ra mặt. Tất cả lặng lẽ đứng dậy tiễn đưa Atticus Finch ra về.
Trước khi chia tay, Ls Atticus Finch đã cho Tom Robinson biết rằng ông sẽ xin chống án và đưa vụ xử này lên tòa trên và Tom Robinson sẽ có cơ hội may mắn hơn. Mất tin tưởng vào công lý, Tom Robinson trên đường bị đưa vào nhà tù, đã bỏ chạy và bị bắn chết.
Kết luận
To Kill a Mockingbird là một tác phẩm có giá trị cho người lớn. Vì những chủ đề khá nặng nề như phân biệt chủng tộc, hãm hiếp, biện hộ và thẩm vấn tại tòa án, và luật pháp, cuốn sách sẽ không hợp với trẻ em mặc dầu trong cuốn tiểu thuyết, ba đứa trẻ Jem, Scout, và Dill được là những nhân vật chính cùng với tám nhân vật khác.
Tác giả đã khéo léo mô tả sự việc qua con mắt của Jem, Scout, và Dill nên đã làm cho những đề tài phức tạp trở nên dễ hiểu, không mang tính cách giáo điều và làm cho cuốn sách thú vị hơn.
Tên của cuốn sách cũng tạo thêm sự tò mò và chú ý của độc giả. Chính nhờ vậy mà tôi mua cuốn phim để xem trước vài lần rồi mới mua cuốn truyện về đọc. Câu hỏi đầu tiên khi khán thính giả xem cuốn phim hay người đọc cầm cuốn sách là con chim nhại trong truyện là ai và tại sao lại giết nó?
Theo nhận xét của tôi, cuốn phim hấp dẫn hơn cuốn tiểu thuyết nhờ có thêm âm thanh, hình ảnh và tài diễn xuất tuyệt vời của hầu hết các diễn viên, đặc biệt là Gregory Peck trong vai Ls Atticus Finch, Mary Badham trong vai Scout, và Phillip Alford trong vai Jem. Sự kết hợp của âm thanh và hình ảnh làm cho khán thính giả thêm hồi hộp.
Cuốn tiểu thuyết To Kill a Mockingbird là một thông điệp mạnh mẽ chống nạn kỳ thị chủng tộc một cách sâu sắc.
Chú thích:
1/ Mockingbirds don’t do one thing but make music for us to enjoy. They don’t eat up people’s gardens, don’t nest in corncribs, they don’t do one thing but sing their hearts out for us. That’s why it’s a sin to kill a mockingbird (To Kill a Mockingbird).
2/ “Writing is the hardest thing in the world … but writing is the only thing that has made me completely happy” Harper Lee.
3/ “A writer should write about what he knows and write truthfully” (Harper Lee).
4/ John Panagopoulos, “To Kill a Mockingbird review,” June 8, 2011
5/ Harding Lemay “Children Play, Adults Betray,” New York Herald Tribune, July 10, 1960.
6/ “As you grow older, you’ll see white men cheat black men every day of your life, but let me tell you something and don’t you forget it—whenever a white man does that to a black man, no matter who he is, how rich he is, or how fine a family he comes from, that white man is trash” (Harper Lee, To Kill a Mockingbird).
7/ “There's nothing more sickening to me than a low-grade white man who'll take advantage of a Negro's ignorance. Don't fool yourselves—it's all adding up and one of these days we're going to pay the bill for it. I hope it's not in you children's time." (Harper Lee, To Kill a Mockingbird).
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA, nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Nguồn: VOA