Tác giả: Chris Paten
Dịch giả: Mai Vũ Phạm
20-7-2020
Rõ ràng Nga và Trung Quốc đang cố gắng làm suy yếu các nền dân chủ tự do bằng cách tấn công vào các giá trị nền tảng dù cho vẫn có những người Tây phương bênh vực họ. Các xã hội mở phải đoàn kết lại để bảo vệ những gì họ biết là đúng đắn.
(London) – Từ lâu, chúng ta đã quá chậm chạp để nhận ra, chưa nói đến việc phản kháng, vai trò của Tổng thống Nga Vladimir Putin và mô hình kinh tế chủ nghĩa Lenin thành công của Trung Quốc, trong việc làm suy yếu các nền dân chủ tự do.
Tôi đã nhìn thấy rõ vấn đề từ khía cạnh của Nga khi là ủy viên của Liên minh châu Âu về các vấn đề đối ngoại từ năm 1999 đến 2004. Quá nhiều nước châu Âu, dẫn đầu là Ý, dưới quyền Thủ tướng Silvio Berluscon, cho rằng họ có thể bang giao với Putin, và thậm chí có thể biến ông ta thành một đồng minh chiến lược. Trong thực tế, Putin đang duy trì một chế độ vốn tìm cách lật đổ trật tự quốc tế sau Thế chiến II và phá vỡ cả EU và liên minh xuyên Đại Tây Dương. Chế độ Putin đã bắt nạt các nước láng giềng, xâm chiếm các nước khác, và thủ tiêu các nhà bất đồng chính kiến ngay cả ở lãnh thổ của các quốc gia khác.
Hơn nữa, Putin và nhóm thân hữu hiểu rất rõ điểm yếu của chủ nghĩa tư bản tự do: sự tham lam của những người vốn dĩ đã giàu có. Chỉ cần xem đồng tiền Nga đã mua được nhiều phần của thủ đô Luân Đôn – bất động sản, doanh nghiệp, và giới chính trị quyền lực – trong thập niên 1990 và trong thế kỷ này. Chiến tranh công nghệ thông tin và đồng tiền Nga gần đây đã can thiệp cả chính trị Mỹ và Anh.
Cho đến gần đây, mối đe dọa của Trung Quốc ít được chú ý. Nhưng kể từ khi đại dịch virus corona bắt đầu gây ra sự chết chóc toàn cầu, thì Tập Cận Bình đã lãnh đạo một chiến dịch khắc nghiệt toàn cầu để áp đặt lợi ích của chế độ cộng sản Trung Quốc đối với phần còn lại của thế giới. Khẳng định sự thật giản dị này không phải là kỳ thị người Trung Quốc, vốn là điều mà những người ủng hộ đảng Cộng sản Trung Quốc muốn mọi người nghĩ như thế. Vấn đề nằm ở chính đảng Cộng sản Trung Quốc, với các nhà lãnh đạo hung hăng và cứng nhắc nhất kể từ thời Mao Trạch Đông.
Tập Cận Bình thù ghét các giá trị tự do thể hiện trong các văn bản mà ông đã ban hành cho các quan chức đảng, chính phủ và quân đội Trung Quốc năm 2013. “Thông cáo về thực trạng hiện tại của hệ thống tư tưởng” của Tập Cận Bình đã chi tiết những thứ có thể làm suy yếu sự lãnh đạo của đảng Cộng sản, từ tự do báo chí, đến hệ thống dân chủ nghị viện.
Thật không may cho Hồng Kông, thành phố này có hầu hết các giá trị tự do mà Tập căm ghét. Mặc dù Trung Quốc hứa sẽ tôn trọng các giá trị này sau khi giành lại chủ quyền đối với Hồng Kông vào năm 1997, nhưng Tập hiện đang cai trị khu vực này bằng nỗi sợ hãi, được duy trì bởi “bộ máy đáng ghét” của một nhà nước công an trị. Học giả lừng danh Perry Link đã so sánh cơ chế kiểm soát của đảng Cộng sản Trung Quốc với con trăn khổng lồ quấn trong chiếc đèn chùm: Bất cứ lúc nào nó cũng có thể rớt và đè nghẹt bạn, nhưng bạn không bao giờ biết khi nào điều này sẽ xảy ra.
Cuộc tấn công vào quyền tự trị và pháp trị của Hồng Kông bằng Luật an ninh được thông qua vội vã, mà Trung Quốc áp đặt trên Hồng Kông vào cuối tháng 6, chỉ là một trong những vi phạm gần đây của Tập. Trong vài tháng qua, Trung Quốc đã đe dọa bạo lực từ Ấn Độ đến Úc, Canada đến Biển Đông, và từ Nhật Bản, Đài Loan đến châu Âu.
Tất nhiên, một vài người ở các xã hội tự do – bao gồm cả Vương quốc Anh – cho rằng, điều này sẽ không xảy ra, hoặc Trung Quốc là đối tác quá quan trọng để phản đối. Các lý do cúi đầu trước Trung Quốc ngày càng dày đặc. Bởi chúng ta không thể thay đổi Trung Quốc từ bên ngoài, thế thì tại sao phải tố cáo các vi phạm nhân quyền, như cách đối xử man rợ của Trung Quốc đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương?
Những người bênh vực cho đảng Cộng sản Trung Quốc cảnh báo chúng ta không nên chọc phá con rồng Trung Quốc khi thế giới đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế, bởi chúng ta cần thị trường khổng lồ của Trung Quốc. Còn cách hành xử của Vương quốc Anh đối với Trung Quốc trong thế kỷ XIX, hoặc các chế độ kinh tởm khác mà người Anh hiện vẫn đang bang giao thì sao? Thực tế, một số người trong những kẻ “ngu dốt hữu dụng” dường như thường xác định lợi ích quốc gia của Vương quốc Anh bằng cách xem xét quốc gia này chấp nhận sự phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều đến mức độ nào.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra với các giá trị cốt lõi tạo nên bản sắc chính trị và văn hóa của Vương quốc Anh nếu chúng ta không ra sức bảo vệ chúng? Và liệu Vương quốc Anh có đủ sức mạnh để tự mình làm điều đó hay không?
Tôi hết lòng đề nghị độc giả tìm đọc cuốn sách mới tựa đề “Twilight of Democality: The Failure of Politic and the Parting of Friends.” (Hoàng hôn của Dân chủ: Sự thất bại của chính trị và sự chia ly của những người bạn). Tác giả Applebaum triển khai lập luận của mình bằng tài hùng biện và chứng ngôn cá nhân, chỉ trích sự xói mòn của các giá trị của xã hội mở và tự do phóng khoáng trong ba thập kỷ qua. Cuốn sách của cô là một lời nhắc nhở thực tế về bài học mà tất cả các nhà dân chủ nên rút ra được từ việc đọc tác phẩm uy tín của tác giả Karl Popper, “The Open Society and Its Enemies,” (Xã hội mở và Kẻ thù của nó), được viết trong những giờ đen tối nhất của nền dân chủ tự do trong Thế chiến II.
Bằng cách cho phép bản sắc chính trị của Anh bị nhấn chìm trong một hoài cổ hẹp hòi về một quá khứ không tồn tại – là một thế giới quan hướng nội được nuôi dưỡng bởi sự ô hợp của những kẻ hoang tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội – nhiều người ủng hộ Brexit đã quên đi sự khác biệt giữa đúng và sai về các vấn đề thế giới. Họ cũng không thèm hiểu rằng, chúng ta cần phải hợp tác với các nền dân chủ tự do khác để đối phó với những kẻ bắt nạt Trung Quốc và Nga.
Chúng ta phải đoàn kết lại để bảo vệ các giá trị dân chủ đã làm cho nửa sau của thế kỷ XX tốt đẹp hơn nhiều, so với nửa đầu thấm đẫm máu. Các xã hội tự do – mà Hoa Kỳ dưới thời một tổng thống biết tin tưởng vào các liên minh, các đồng minh EU, Canada, Úc, New Zealand và bạn bè châu Á, bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc – nên trở thành các đối tác để cùng nhau bảo vệ những gì chúng ta biết là đúng đắn.
Trong một bài tiểu luận xuất sắc trên tạp chí The Atlantic chỉ trích các chính trị gia cao cấp của Đảng Cộng hòa đã cộng tác với nhà lãnh đạo mà chúng ta biết là sai – Tổng thống Donald Trump, tác giả Applebaum nhắc lại một người Ba Lan vĩ đại, ông Władysław Bartoszewski. Ông Bartoszewski bị cả Đức quốc xã và Cộng sản cầm tù, sau đó ông giữ chức Ngoại trưởng dưới thời hai chính phủ dân chủ của Ba Lan sau khi Liên Xô sụp đổ.
Điều gì đã hướng dẫn ông Bartoszewski trong suốt cuộc đời dũng cảm và vinh dự của mình? Ông nói đó không phải là các ý tưởng lớn, trừu tượng. Mà đó là một nguyên tắc đơn giản mà mọi người đều biết: “Chỉ cần cố gắng sống tử tế”.
Đối với tôi, đó dường như là lời khuyên khá tốt cho tất cả các nhà dân chủ. Lời khuyên này có thể rất hữu ích để lưu tâm trong thời kỳ hỗn loạn đang chờ đợi ở phía trước.