Trong mấy bài vừa nói trên, có một chỗ tôi đã chỉ ra cái chế độ đại gia đình hình như đời xưa không có; mà trái lại, đời xưa lại thiệt hành cái lối tiểu gia đình: coi như vua Thuấn không ở chung với cha mình thì đủ biết.
Tôi cứ theo sách mà đoán ra, lúc bấy giờ, Cổ Tẩu, cha Thuấn, riêng một cái gia đình; còn Thuấn, riêng một cái gia đình của mình. Cổ Tẩu ở với vợ kế mình, cùng con trai nhỏ của hai người là tên Tượng, vì tên Tượng chưa có vợ nên tùng cư với phụ mẫu là phải. Còn Thuấn đã cưới hai con gái vua Nghiêu, nên cùng hai vợ mình ở riêng ra một nhà; cái nhà ấy, trong sách gọi bằng “cung” 宮, tức là cái nhà, sau khi Tượng lập mưu giết Thuấn, tưởng Thuấn chết rồi thì qua đó định chiếm đoạt luôn cả đồ vật nữa.
Chuyện nầy cách bốn ngàn năm trước, có đáng thuật lại làm chi. Có điều vì vua Thuấn là một người mà xưa nay tôn là bậc đại hiếu, cho nên tôi phải coi là chuyện rất có giá trị mà thuật lại.
Kinh Lễ, người nói sách của học trò đức Khổng chép, kẻ nói của Hán nho chép, chẳng biết ai nói nhằm. Chỉ biết kinh ấy chủ trương rằng nàng dâu phải có nghĩa vụ hầu việc cha mẹ chồng. Trong đó có một thiên, kêu là Nội tắc, dạy về sự con cái và nàng dâu thờ cha mẹ cùng cha mẹ chồng rất rõ. Một câu tổng quát bổn phận nàng dâu như vầy: “Nàng dâu thờ ông gia bà gia cũng như thờ cha mẹ mình”. (1*) Mà theo như Nội tắc, con thờ cha mẹ, hồi gà mới gáy, phải chỗi dậy, súc miệng, rửa mặt, đội khăn, mặc áo, tới chỗ cha mẹ nằm mà hỏi thăm; cha mẹ có cần sai việc gì thì làm, có ngứa thì gãi, v.v... Nay nói “nàng dâu thờ ông gia bà gia cũng như thờ cha mẹ mình”, thế nghĩa là cũng phải làm tất cả các việc đó vậy.
Nếu bảo rằng hồi gà mới gáy, nàng dâu phải dậy, súc miệng rửa mặt, khăn áo tới thăm ông gia bà gia, thì duy có ở chung một nhà mới làm được như vậy mà thôi, có phải không? Nếu vậy thì kinh Lễ cũng đã chủ trương cái chế độ đại gia đình nữa; mà sự chủ trương ấy, ta có thể nói rằng, khác với sự thiệt hành của vua Thuấn là bậc đại hiếu có một xưa nay.
Vua Thuấn có hai vợ mà ở riêng, nghĩa là không đồng cư với cha mẹ mình. Nhà Thuấn với nhà Cổ Tẩu cách nhau xa gần không biết; nhưng dầu có gần chăng nữa cũng không có thể mỗi buổi sáng mỗi làm theo như Nội tắc dạy. Bởi vì, đi ăn cướp ai hồi gà mới gáy, kêu cửa kêu ngõ om sòm, làm mất giấc ngủ vợ chồng ông Cổ Tẩu, bà ấy vốn cay nghiệt, liệu bả có dậy vác cây mà phang cho không?
Như vậy, ta có thể quyết đoán rằng vua Thuấn cùng hai vợ mình hẳn không làm như Nội tắc được, vì đi ban đêm không tiện, mà nhứt là vì ở riêng nhà thì cách trở. Vả lại nhơn đó ta cũng suy biết được rằng vua Thuấn hiếu là hiếu ở chỗ nào kia, chớ ngài không bo bo giữ những sự vụn vặt như Nội tắc nói, là sự con hầu đứa ở có thể thay thế cho mình cùng vợ mình; và ngài cũng không lấy sự ở chung với cha mẹ làm hiếu đâu.
Kinh Lễ chủ trương nàng dâu phải thờ cha mẹ chồng như cha mẹ mình, tức là cũng chủ trương luôn cái chế độ đại gia đình nữa, vì có theo lối đại gia đình, con trai có vợ rồi mà còn ở chung với cha mẹ, thì nàng dâu mới làm được như vậy chớ. Từ kinh Lễ có sự chủ trương ấy, rồi xã hội Tàu và ta tuân theo hai ngàn năm nay; những sự như Nội tắc dạy, hồi gà gáy đầu đi thăm viếng cha mẹ, thì một vạn người gần như không người nào làm được; nhưng sự ở chung với cha mẹ thì đâu đó đã thành ra lề lối.
Nếu con cái có vợ có chồng rồi vẫn ở chung với cha mẹ, hay là ở chung luôn đến mấy đời như “cửu thế đồng cư” đi nữa, mà không có sanh ra điều gì khó chịu, thôi thì tốt lắm, còn nói làm chi? Ngặt vì cái tốt thì ít, vả lại ở đâu chưa thấy mà chỉ thấy ròng những điều khó chịu thôi, bởi vậy tôi mới ước ao người ta làm như vua Thuấn, bỏ phăng cái lối đại gia đình đi cho êm chuyện.
Dâu với bà gia ở trong một cái cảnh ngộ như nhau. Nghĩa là hai người cùng ở đâu đâu mà về, dính dấp vào cái giây huyết thống một nhà; khác nhau chẳng qua bà gia dính với đời cha, nàng dâu dính với đời con đó thôi. Cùng trong một cái cảnh ngộ như nhau, lẽ đáng thương nhau và hòa thuận êm thấm với nhau mới phải. Thế mà, phàm những xứ nào theo chế độ đại gia đình thì giữa bà gia với nàng dâu cũng đều sanh ra cái vấn đề không thể giải quyết được, là chỉ vì có một chút hai đàng ở chung chớ chẳng có gì khác. Hễ giải quyết được vấn đề gia đình tức là giải quyết được vấn đề ấy.
Vua Thuấn gặp bà mẹ ghẻ cay nghiệt, mà lại lấy vợ là con gái nhà vua; hai bà chúa nầy dầu biết kính nhường thuận thảo chăng nữa, nhưng nếu ở chung thì chi cho khỏi mụ gia kia gây chuyện ra mà hằng ngày sùng sục trong nhà? Huống chi thêm chú Tượng “ngạo” có tiếng, bề nào chú cũng đâm thọc mũi nhọt với mẹ ruột mình, rồi còn sanh ra cái giặc em chồng chị dâu là khác nữa. Muốn cho tránh khỏi những sự xấu có thể xảy ra đó, vua Thuấn chỉ có một nước ở riêng. Ở riêng ra là vô sự.
Chúng ta ngày nay, ai gặp cảnh nhà như vua Thuấn đó mà nếu ở riêng ra, thì bên ngoài họ đã đâu miệng mà đàm tiếu rồi. Thế nào cũng có kẻ nói: Chi thứ cha con, lại không chịu nhau nổi sao mà phải riêng tư? Quá lắm có kẻ nói: Thằng cha Thuấn muốn ở riêng đặng tung hoành với vợ nó cho dễ chớ có kể gì cha nó! Người làm con, cho đến người làm cha cũng vậy, cũng chỉ sợ tiếng đàm tiếu ấy mà cực chẳng đã phải ở chung. Ở chung! Cha con họ ở chung mà! Cha con họ có một bổn mà! Thiên hạ ngó vô, cha chả là phải thế; nhưng nói thiệt, mười nhà hết chín, chỉ có bà gia với dâu mà sanh giặc tối ngày.
Đã ở chung rồi, không nhiều thì ít, thế nào cũng có sự bất bình sanh ra trong gia đạo. Đối với sự bất bình giữa bà gia và nàng dâu ấy, những người thủ lễ theo Nho giáo, cứ nhè một bên nàng dâu mà trách rằng không biết thừa thuận; lại cũng trách luôn đến người chồng rằng không biết thiện xử việc gia đình. Nhưng, thứ ngồi đó mà trách người ta, có khó chi? Khó thay là kẻ ở trong cuộc, có nhiều khi sự thừa thuận cũng hóa ra uổng công, mà thiện xử cho mấy cũng phải được bên nầy mất bên nọ!
Làm dâu, vẫn có người không thừa thuận; làm chồng, vẫn có người không thiện xử. Nhưng xét ra cho kỹ, chẳng phải bên bà gia là không có lỗi trơn. Bà gia dầu có lỗi, những nhà nho thủ lễ cũng cứ chăm trách một mình nàng dâu, là vì ai nấy đã tin lời Tống nho, ông La Tùng Ngạn nói: “Trong thiên hạ chẳng có cha mẹ nào là không phải”.(1) Dựa câu ấy làm xương sống, bên bà gia càng được trớn mà phũ phàng thêm, bên nàng dâu càng bị đè mà căm tức thêm, vì đó nhiều khi đã sanh ra sự đại biến trong gia đình.
Thử kể ra đây vài chuyện, đủ thấy cái vấn đề bà gia nàng dâu, trừ phi bỏ cái chế độ đại gia đình, con cái có vợ có chồng rồi phải ở riêng, theo lối tiểu gia đình, thì không có cách nào giải quyết được hết.
Ông Nguyễn Đăng Tuân, ở tỉnh Quảng Bình, đậu cử nhân (?), làm quan lớn vào thuở Minh Mạng (1820-1840), là người chẳng những đáng mặt danh thần, lưu truyền trong sử sách, mà cũng là bậc hiền triết, làm gương sáng trong làng nho. Ông có bà mẹ già; vào lúc ông làm quan sang, thì bà ấy đã tám chín mươi tuổi. Ông từng tỏ ý muốn rước mẹ tới lỵ sở để tiện bề phụng dưỡng, song bà cụ không chịu đi, nhứt định ở nhà. Bởi vậy, trải bao năm ông ở triều ở quận, đều đem một nàng hầu theo mình; còn bắt phu nhân ở nhà hầu hạ bà cụ. Bà cụ, người đã khó tánh mà lại thêm tuổi già lẩn mã (2*) ở nhà rầy rà phu nhân hằng ngày; chiều lòn cách nào, bà cũng không vừa lòng. Phu nhân vốn tánh hiền lành, chẳng những không dám đôi co mà lại mỗi việc mỗi nhận lấy lỗi. Tuy vậy, bà cụ cũng không hồi tâm mà cứ một mực ghét phu nhân. Gặp khi ông về thăm, phu nhân bèn đem chỗ khổ tình ra mà tỏ cùng chồng. Độc giả có biết ông Nguyễn Đăng Tuân xử trí thế nào không? Ông nhè trước mặt mẹ mà trách mắng vợ thêm nữa: Trách sao không hết lòng chiều ý bà cụ để đến nỗi bà cụ không ưa. Tôi nhớ như trong sách, chỗ thuật chuyện nầy, người ta nói ông dùng roi mà hài tội phu nhân nữa kia!
Con trai ông Nguyễn Đăng Tuân là Nguyễn Đăng Giai, sau làm đến Tổng đốc Hà Nội, ở Hà Nội bây giờ còn kêu quen là ông thượng Giai, bấy giờ đã đậu cử nhân rồi, thấy vậy thì quỳ xuống khóc và xin cha tha thứ cho mẹ. Nhưng ông nghiêm nét mặt mà nói rằng: “Mầy biết thương mẹ mầy, chớ tao đây lại không biết thương mẹ tao hay sao?” Nói vậy rồi cứ việc trách mắng phu nhân hoài để cho vui lòng bà cụ.(2)
Tôi đọc một đoạn dật sự đó, tôi vẫn khen phục cái hiếu của ông Nguyễn, nhưng không bằng tôi thương xót cho cái tình cảnh khổ nhục của phu nhân! Phu nhân cũng là một con người như ai, mà vì đâu bị bóc lột hết quyền lợi, bị giày đạp hết nhân cách, ra thân như con đòi đứa ở? Giá phải phu nhân được đi với chồng, thì chẳng là đã võng tía lọng xanh, nghiễm nhiên một bà lớn, hạnh phước biết bao, sang trọng biết bao! Cái nầy, vì ở nhà nuôi mẹ, chịu thiệt mất những cái hạnh phước sang trọng ấy rồi, tấm thân còn bị dằn lên vật xuống! Vậy rồi phu nhân được cái gì? Chẳng qua cũng chỉ do cái miệng mấy ông nhà nho thủ lễ ấy khen cho mấy tiếng: “ấy là vợ hiền, ấy là dâu thảo” mà thôi !
Như ông Nguyễn Đăng Tuân đó thật là người thiện xử. Đã vui lòng mẹ, lại yên việc nhà. Nhưng cái thân của phu nhân thiếu điều như con trùn dưới lầy, cái lòng của phu nhân thiếu điều như tơ tằm từng đoạn, há chẳng đáng cho ông đoái tới mà thương sao? Phu nhân về với ông đã mấy chục năm trời, con cái đã thành đạt dường kia, ông chẳng cho vợ mình chung hưởng cái phước của nhà mình thì thôi, sao nỡ bắt phu nhân làm mọi? Không, tôi biết ông không có đâu bạc tình đến nỗi, nhưng vì cái cảnh khó nó buộc ông. Bởi vậy tôi mới nói: dầu có thiện xử đến đâu cũng phải được bên nầy mất bên nọ.
Nếu trong nhà không có người đàn ông thiện xử như ông Nguyễn Đăng Tuân, nhứt là không có người đàn bà “giỏi chịu” như phu nhân, thì ắt sanh ra đại biến. Ấy là như chuyện sắp kể: một tay bà gia ác nghiệt mà giết luôn hai nàng dâu và một đứa cháu nội trai.
Báo Đông phương ở Hà Nội, số 478, ra ngày 10 Juillet mới rồi, trong một bài ngắm cảnh sông Hương có truy thuật đến chuyện đại biến ấy.
Ở một tỉnh phía bắc Trung Kỳ, có nhà kia, một mẹ sanh hai con trai, người lớn làm giáo học, còn người thứ cũng có làm chức quan gì đó. Nói vậy cho biết là một nhà lễ nghĩa; vì có lễ nghĩa mới có chuyện đại biến như vậy trong gia đình!
Người con cả trước kia có lấy một người vợ, và ăn ở cùng nhau tử tế, hơn năm thì đẻ được đứa con trai. Bà mẹ nguyên ở nhà quê, còn vợ chồng người con cả ở tỉnh. Sau khi có cháu rồi, bà già ấy lại đòi ra tỉnh ở hủ hỉ với cháu. Không ngờ mới ở có mấy ngày thì bà ta làm tan nát cái gia đình đương vui vẻ của con mình.
Không biết vì cớ gì mà bà bắt người con phải để vợ cho được mới nghe. Thầy giáo, là người đã nhồi chặt chữ lễ chữ hiếu trong sọ mình, bèn tuân lời mẹ mà đành dứt tình với vợ. Lúc người vợ ẵm con ra đi, có cắn một ngón tay mà thề thủ tiết cùng chồng. Nhưng sau khi nàng về, vì buồn duyên tủi phận rồi phát bịnh mà chết. Đứa con chưa dứt sữa, mất mẹ cũng chết luôn.
Chuyện đó xảy ra trước. Còn cách đây mới bốn năm, hai vợ chồng người con thứ vào ở Huế, có bà mẹ cùng ở với. Cũng vì bà ác nghiệt làm sao đó mà cô dâu thứ phải trầm mình nơi sông Hương. Trước khi nàng chết có viết một bức thơ cho báo Tiếng dân, thơ nói thế nào thì không rõ.
Ấy là cử ra vài chuyện có chứng cớ trong sách hoặc trên báo; còn những chuyện khác giống như vậy xảy ra trong nhiều nhà khác mà bỏ qua đi biết bao nhiêu. Rất lạ hơn hết lại có thứ bà gia nhè nàng dâu mà ghen, như ở Tây Ninh, bà kia có đứa con trai mới ngoài 20 tuổi mà đã để ba lần vợ, thét rồi không con gái nào dám lấy nó nữa, cũng chỉ vì bà nọ ghen dữ quá.
Tóm lại, bà gia mà ở chung với nàng dâu, thế nào rồi cũng không khỏi sanh rầy, người đàn ông có thiện xử thì lại phải binh mẹ bỏ vợ như ông Nguyễn Đăng Tuân, làm thế nào bên tình bên hiếu cho lưỡng toàn được? Muốn cho lưỡng toàn, chỉ có một nước ở riêng ra như vua Thuấn.
Ở riêng ra thì được, nhưng lại còn tùy theo cảnh nhà nữa. Như nhà con một, nếu người con ở riêng ra thì cha mẹ già yếu trông cậy vào ai? Theo xã hội bên Tây, mỗi người đều độc lập về kinh tế, sự ấy không thành ra vấn đề. Song ở xứ ta đây, trong một gia tộc còn phải nhờ lẫn nhau mà sống, cho nên khi bàn tới vấn đề nầy lại phải động đến vấn đề kinh tế, xin sẽ nói trong một bài khác.
PHAN KHÔI
Nguồn:
Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s.96 (20.8.1931)
Chú thích:
(1*) "Tử sự cữu cô như sự phụ mẫu" (nguyên chú chữ Hán; ở đây ghi phiên âm); "cữu" (cổ văn): bố chồng; "cô" (cổ văn): mẹ chồng (theo Trần Văn Kiệm, Giúp đọc Nôm và Hán Việt, Đà Nẵng, 2004)
(2) Chuyện nầy thấy trong bài hạnh trạng Nguyễn Đăng Tuân của Nguyễn Văn Siêu, in trong Phương Đình văn tập. Đây tôi nhớ mà thuật lại, chớ không phải dịch theo nguyên văn (nguyên chú của P.K.)
(1*) "Tử sự cữu cô như sự phụ mẫu" (nguyên chú chữ Hán; ở đây ghi phiên âm); "cữu" (cổ văn): bố chồng; "cô" (cổ văn): mẹ chồng (theo Trần Văn Kiệm, Giúp đọc Nôm và Hán Việt, Đà Nẵng, 2004)
(1) "Thiên hạ vô bất thị để phụ mẫu" (nguyên chú chữ Hán).
(2*) lẩn mã: chưa rõ nghĩa.
(2) Chuyện nầy thấy trong bài hạnh trạng Nguyễn Đăng Tuân của Nguyễn Văn Siêu, in trong Phương Đình văn tập. Đây tôi nhớ mà thuật lại, chớ không phải dịch theo nguyên văn (nguyên chú của P.K.)