Cái quan niệm chung của xã hội đối với phụ nữ (Phan Khôi viết năm 1929)


Theo các nhà xã hội học đã khảo cứu về cái trạng thái xã hội đời thượng cổ thì lúc bấy giờ cái quyền trong gia đình là thuộc về đàn bà, về người làm mẹ, gọi là “mẫu quyền gia đình”; trải qua một thời đại khá lâu, rồi cái quyền ấy mới thuộc về đàn ông, về người làm cha, gọi là “phụ quyền gia đình(*), tức như lối gia đình hiện có ở nước ta.

Ngày nay các học giả nước Tàu đã lấy nhiều chứng cớ trong lịch sử nước mình làm chứng cho lời ấy là thật. Trong những chứng cớ ấy cớ điều nầy là mạnh hơn hết. Người đời thượng cổ đẻ ra chỉ biết có mẹ mà thôi, nên theo họ mẹ. Nghiệm như chữ Tánh      là họ, thì ghép chữ Nữ     với chữ Sanh      nghĩa là Nữ sanh vi tánh             , thì đủ biết. Mà thật vậy, bao nhiêu những họ có tiếng đời thượng cổ thì cái chữ nó đều có chữ Nữ   đứng một bên, như họ Dao     , họ Tỉ    , họ Cơ    , họ Khương    , họ Nuy    , họ Vân    , họ Cật    , vân vân.

Cái xã hội đời thượng cổ là xã hội thuộc về mẫu quyền, sự đó đã hiển nhiên rồi, không thể cãi chối được. Song tại làm sao mà về sau phụ quyền lại thay cho mẫu quyền, và sự trải qua trong cuộc thay đổi ấy thế nào, lịch sử không đủ tài liệu mà khảo cứu, nên các nhà xã hội học cũng đè chừng mà nói mỗi người một khác, phân vân không nhứt định.

Trên đó là cái công lệ cho sự phát triển (**) của một xã hội, đã do các nhà xã hội học tìm ra ; bất kỳ xã hội nào, dân tộc nào, không thể thoát khỏi cái công lệ ấy.

Nước ta, về đời thượng cổ, không có sách vở gì đủ làm chứng cứ ; song, theo cái công lệ trên đó thì chắc cũng đã trải qua một thời kỳ mẫu quyền dài bao nhiêu năm rồi mới đến cái chế độ phụ quyền.

Tôi suy nguyên ra như vậy để cho biết rằng những cái thuyết “nam tôn nữ ty”, cái thói “trọng nam khinh nữ” là do về sau đàn ông ỷ mạnh ăn hiếp đàn bà mà bày đặt ra, chớ vốn không phải là luật tự nhiên, và loài người lúc ban đầu cũng không hề như vậy đâu.

Sự khinh miệt đàn bà, bắt đầu có từ hồi phụ quyền thời đại, do những người đời xưa, mà ta kêu bằng thánh hiền đó bày ra. Thánh hiền càng đặt ra lễ giáo chừng nào thì đàn bà càng bị áp chế chừng nấy.

Những cái lễ giáo bất bình đẳng ấy không thể kể hết ra đây được ; ta chỉ xem cái thái độ của thánh hiền đối với đàn bà thì đủ biết. Khổng Tử nói rằng : “Chỉ có đàn bà con gái và kẻ tiểu nhân là khó nuôi : hễ gần chúng nó thì chúng nó vô lễ ; hễ xa chúng nó thì chúng nó oán”. Mạnh Tử cũng cho sự chìu lòn luồn cuối là “cái đạo của thiếp phụ”. Như vậy, đem đàn bà mà kể làm một loạt với tiểu nhân, cho cái phận đàn bà là phải chìu lòn luồn cúi thì thật là khinh miệt họ quá thể.

Tôi phải lấy làm lạ, sao thánh hiền đã dạy người ta ở có hiếu với mẹ, ở có nghĩa với vợ, mà lại đi khinh đàn bà ? Nhè những người mình vẫn khinh mà ở cho có nghĩa có hiếu thì ở làm sao được ?

Xã hội ta về đời cố hỉ, thôi thì đành không biết được ; chớ còn hơn ngàn năm nay, từ ngày học theo đạo Khổng, Mạnh, ở dưới lễ giáo thánh hiền, thì cái quan niệm chung của mọi người đối với đàn bà là vậy đó, rau nào sâu ấy, không cần phải nói.

Đẻ ra mà thấy là con gái một cái, thì đã khinh đứt đi rồi, cho nên :

Con gái trở vỏ lửa ra

Nữ sanh ngoại hướng

dầu là con thì cũng yêu cũng thương, song kể thì không kể, coi hẳn nó là ngoài vòng cốt nhục của mình, vậy nên lại có lời rằng :

Con gái là ngoại cần câu.

Đã là con gái thôi thì không được học, không được chịu một thứ giáo dục với con trai. Tuy đã biết rằng “Dưỡng nam bất giáo như dưỡng lư, dưỡng nữ bất giáo như dưỡng trư”, nhưng cách giáo nữ của người mình dễ dàng lắm, sơ sài lắm, dạy đến mực nầy là cùng :

Con ơi nghe mẹ lời nầy :

Học buôn học bán cho tày người ta

Con đừng học thói chua ngoa,

Họ hàng ghét bỏ, người ta chê cười

Dầu no dầu đói cho tươi

Khoan ăn bớt ngủ, liệu bài lo toan

Phòng khi đóng góp việc làng,

Đồng tiền bát gạo, lo toan cho chồng

Trước là đắc nghĩa cùng chồng,

Sau là họ mạc cũng không chê cười

Con ơi nghe mẹ lời nầy !

Đó, dạy con gái là dạy làm vậy đó. Dạy phải chìu họ mạc, phải làm đầy tớ cho chồng. Còn ngoài ra, tri thức của một con người nên mở mang đến đâu, nhân cách của một con người ở đời phải thế nào, thì không hề dạy đến. Vì cớ không dạy ấy làm cho đàn bà trở nên ngu dốt, rồi xã hội lại theo mà cười chê, theo mà biếm nhẽ :

- Đàn bà đái không khỏi ngọn cỏ

- Phụ nhân nan hóa

- Ai trông thấy ma, biết đàn bà ăn bớt

- Đàn bà rúc không khỏi ba ông táo

- Đàn bà yếu chân mềm tay,

Làm ăn chẳng đặng, lại hay nỏ mồm

 

Tuy vậy, có phải hết thảy đàn bà đều là ngu dốt đâu. Tựu trung có lắm người dầu không được học mặc lòng, cũng có tài có đức, chẳng kém gì đàn ông. Nhưng mà thảm thay ! Người ta không thèm đếm xỉa đến, dầu giỏi trổ trời(*) cũng trối kệ, bởi vì :

Khôn ngoan cũng thể đàn bà,

Dẫu rằng vụng dại cũng là đàn ông

kia mà !

Đàn ông như nước, rửa ai nấy sạch

Đã là đàn ông thì như là có cái quyền vô thượng và có cả cái tài thần thông biến hóa nữa ! Rửa ai nấy sạch, chữ “ai” đó là chỉ đàn bà. Cho nên đàn bà không cần cho học cũng phải, vì nghĩ rằng nếu có bởi sự ngu dốt mà sanh ra điều dơ nhớp gì đi nữa, thì đã có đàn ông rửa cho.

Bởi vậy người ta đã định cho số phận của phụ nữ là phải chịu sút và không được tự chủ :

- Con gái thì ăn xó bếp, chết gầm chạn

- Con gái mười hai bến nước,

Bến trong thì nhờ bến dơ thì chịu

- Đàn bà như hột mưa sa

Hột vào gác tía, hột ra ngoài đồng.

 

Chính người đàn bà cũng tự nhận lấy cái số phận mình là thế, mà chỉ than van thôi, không dám trách móc ai :

Thân em như hột mưa rào,

Hột sa đáy giếng, hột vào vườn hoa.

 

Cho đến chia gia tài, theo thói thường, con gái cũng phải chịu phần ít, mà sự làm ăn lại là vất vả hơn con trai :

Sao ba đã đứng ngang đầu,

Em còn ở mãi làm giàu cho cha.

Giàu thì chia bảy chia ba,

Phận em là gái, được là bao nhiêu !

Đàn bà dầu có tài trí khôn ngoan mà muốn lo đến việc nước nữa cũng chẳng ai cho lo, muốn dự đến quốc sự nữa cũng chẳng ai cho dự :

Thành đổ đã có chúa xây ;

Can gì gái góa lo ngày lo đêm ?

Con mắt của mọi người xem đàn bà là như vậy, cho nên đàn bà đối với xã hội dường như không quan hệ gì lắm, có cũng được mà không cũng được, thậm chí chết đi bao nhiêu đàn bà cũng không tổn hại gì cho gia đình cho xã hội cả, người ta điềm nhiên như không mà nói rằng :

Bà chết thì khách đầy nhà ;

Ông chết thì cỏ gà đầy sân !

Nói tóm lại, cái quan niệm chung của xã hội ta đối với phụ nữ là như thế, là khinh dể đàn bà, coi đàn bà chẳng ra chi. Mà cái quan niệm ấy là do chế độ của xã hội, lễ giáo của thánh hiền mà ra vậy.

Ấy thế nhưng, theo sự thiệt, đàn bà có phải là đáng khinh đâu, có phải là đáng coi như không có đâu. Đọc mấy chương sau nầy, thì sẽ thấy cái nghĩa vụ của họ là nặng nề lắm, cái công lao của họ đối với xã hội là đáng khen ngợi lắm. Song, chế độ đã bày ra như vậy, lễ giáo đã buộc phải như vậy, thôi thì xã hội cứ hễ thấy đàn bà là khinh, không kể đến phần sự thiệt nữa.

Do cái quan niệm ấy, thành ra đàn bà dầu có công lao mấy đi nữa, có nghĩa vụ nặng nề mấy đi nữa, cũng không có quyền lợi bằng đàn ông ; mà có chăng, cũng không xứng đáng với nghĩa vụ.


Phan Khôi