Gái anh hùng Trưng Nữ Vương
Nếu hỏi trong lịch sử của ta, người nào là người làm cách mạng trước hết, thì chắc ai cũng phải trả lời rằng: Hai bà Trưng là tổ cách mạng chớ ai nữa. Lịch sử cách mạng của ta xưa nay, hai người đờn bà đứng trương đầu vậy.
Kể từ lúc ta dựng nước từ đời Hồng Bàng cho tới họ Triệu, rồi nước ta phải thuộc vào nhà Hán bên Tàu, họ lấy đất ta làm quận huyện của họ. Trong khoảng mấy trăm năm, người mình cúi đầu ở dưới quyền thống trị người Tàu, không có một người tu mi nào dám cất đầu lên chống cự, đừng nói chi là con gái. Hai chị em bà Trưng dám ra dựng cờ tự do, cử binh phục quốc, oanh liệt trong mấy năm trời, khiến cho nước Nam là một nước tự chủ và mở đường cho những ông Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục, Đinh Tiên Hoàng về sau nầy, ấy là việc cách mạng ở nước mình từ xưa, hai bà thiệt là người khởi xướng lên trước.
Bà Trưng Trắc vốn là con dòng Lạc tướng. Lạc tướng tức là một chức quan võ về đời Hùng Vương. Bà lấy chồng tên là Thi Sách, làm quan ở đất Châu Diên, tức là một bộ lạc thuộc về quận Giao Chỉ.
Thuở đó (111 năm trước và 39 năm sau Thiên Chúa giáng sanh) nhà Hán bên Tàu cai trị ta đã một trăm năm chục năm, quan lại ròng những lũ tham tàn, chánh trị hết sức là nghiêm khắc, dân tình khổ sở không biết bao nhiêu mà nói. Lúc ấy có quan Thái thú của Tàu phái sang trấn thủ bên ta là Tô Định, tánh rất tham tàn độc ác, ham ăn hối lộ, giết hại lương dân ; chồng bà Trưng Trắc là Thi Sách vì một chuyện hờn riêng, mà bị Tô Định giết chết.
Bà Trưng Trắc bèn cùng với em là Trưng Nhị tụ tập dân chúng, kéo tới dinh Thái thú, bắt Tô Định giết chết, để báo thù cho chồng. Nhân đó hai chị em dựng cờ khởi nghĩa, mưu đuổi hết quan Tàu đi ; anh hùng hào kiệt vì oán giận người Tàu đã lâu đời, nay thấy dịp này, cho nên về theo đông lắm.
Quân của bà rất là hăng hái, đi tới đâu là binh Tàu chạy dài tới đó, không dám chống cự ; nhờ vậy mà chẳng bao lâu, 65 thành ở đất Lãnh Nam, đều về tay bà chiếm cứ hết. Dân thấy công lao cứu nước của bà lừng lẫy to tát như vậy, bèn tôn bà lên làm Trưng Nữ Vương, đóng đô ở đất Mê Linh (tức là tỉnh Vĩnh Yên ở ngoài Bắc bây giờ).
Cách ba năm sau (nghĩa là sau Thiên Chúa giáng sanh 43 năm), vua Hán Quang Võ bên Tàu sai Phục Ba tướng quân là Mã Viện đem binh sang đánh. Hai bà đem binh đón đánh binh Tàu ở hồ Lãng Bạc (tức là hồ Tây ở Hà Nội (1*)), bị thua, phải chạy về đóng ở Cẩm Khê (ngày nay là phủ Vĩnh Tường thuộc tỉnh Vĩnh Yên). Binh Tàu theo đuổi, hai bà phải đem binh chạy miết về hạt Phú Thọ. Mã Viện khuyên dụ ra hàng, nhưng hai bà nhứt định không chịu, thâu góp binh tàn, giao chiến cùng quân Tàu một trận nữa cũng thất bại luôn; hai chị em bèn cùng nhau nhảy xuống sông Hát Giang tự vẫn.
Từ đó ta lại thuộc về nước Tàu.
Tục truyền hai bà nhảy xuống sông Hát Giang, rồi trôi tới sông Nhĩ Hà, về địa phận làng Đồng Nhân ở gần Hà Nội. Người làng vớt lên chôn cất và lập đền thờ, cứ mỗi năm đến ngày mùng năm tháng hai ta, thì làng ấy có làm lễ rước thần và cúng tế trọng thể lắm.
Trong đền thờ hai bà ở làng Đồng Nhân bây giờ, có người dâng một tấm biển đề bài thi ngũ ngôn sau nầy:
Một bụng em cùng chị,
Hai vai nước với nhà,
Thành Mê khi đế bá,
Sông Cấm lúc phong ba.
Ngựa sắt mờ non Vệ (1)
Cờ lau mở động Hoa (2)
Ngàn năm bia đá tạc,
Công đức nhớ hai bà.
cô ĐÀO HOA
Mẹ ông Nguyễn Cao
Bài vận văn nầy tụng dương chuyện bà mẹ ông Nguyễn Cao. Ông người Bắc kỳ, ở đời Tự Đức, đậu thủ khoa, làm quan đến Bố chánh. Sau khi triều đình Huế hòa với nước Pháp, ông phải giải chức về nhà. Có người cáo ông toan khởi nghĩa, ông bị đòi đến trước mặt các quan Tây. Các quan đãi ông tử tế, pha rượu mời uống. Song ông tức giận quá, bèn vớ ly rượu đập bể, lấy mảnh chai mổ bụng mình, ruột đổ ra cả đống. Liền có thầy thuốc Tây đến băng bó cho; nhưng ông quyết không sống, lại cắn lưỡi mà chết. (*) Bấy giờ có người khóc ông bằng một bài thơ, có câu rằng : Thệ tâm thiên địa lưu trường xích; thiết xỉ giang sơn thổ thiệt hồng. Còn chuyện bà mẹ ông, xem trong bài đủ rõ. Chỉ nói thêm rằng tên Lý trưởng ấy khi đó bị người ta trói lại giải quan, sau mang án trảm quyết.
Ông Nguyễn Cao, nhà nho đất Bắc,
Chết, để gương nghĩa liệt cho ta ;
Con hiền, mẹ thánh đẻ ra,
Nam mô ! xin kể chuyện bà thân ông :
Cụ bà vốn con dòng thi lễ ;
Lấy chồng vừa mới đẻ một trai,
Phu quân nhuốm bịnh qua đời ;
Bấy giờ bà trạc đôi mươi tuổi ngoài.
Thân góa bụa, con người nhan sắc,
Thêm cảnh nhà bần bạc đơn cô,
Xưa nay những lũ hung đồ
Thị hùng quen thói dâm ô là thường :
Tên lý trưởng ở làng bên cạnh,
Những toan dùng sức mạnh bẻ hoa ;
Lừa khi bà ở nhà ra,
Đón đường bóp vú, giăng ca ngỏ lời,
Rằng : “Hãy lấy ta đây thì khá ;
Không, đố nàng ở góa cho yên !
Là người, có phải là tiên ?
Dầu tiên đi nữa, có tiền cũng mua ! ”
Bà riêng nghĩ : mình thua trăm lẽ,
Yếu mà toan chống khỏe được sao ?
Cười cười nói nói ngọt ngào,
Xin chờ mãn khó (*), sẽ trao tơ hồng.
Về, bà cứ như không một mực,
Đêm ngày lo chăm chút nuôi con.
Nuôi con cho trộng (**), cho khôn,
Rồi ta thấm máu mà chôn cái thù !
Lòng căm tức mấy thu ôm đợi,
Thằng bé Cao vừa mới lên mười,
Nhìn con, như cái hoa tươi !
Nhìn mình, khó nỗi ở đời với con !
Bên chú Lý bôn chôn giục mãi,
Tang mãn rồi, sao phải đợi mong ?
Bên bà, vừa có tin thông :
Hẹn ngày sắm lễ cúng chồng một diên (*) ;
Mời thầy Lý, làng trên, xã dưới,
Dự tiệc nầy ; tiệc cưới hôm sau.
Được tin mừng rỡ xiết bao ;
Ai hay sét đánh trên đầu đứa gian !
Ngày hôm ấy, trước bàn thờ nhả,(1)
Hương phun mây, đèn tỏa lửa hồng,
Xóm làng đủ mặt tây đông,
Ai coi mụ góa tế chồng thì coi.
Bà lạy, rồi hẳn hoi đứng giữa,
Thong dong mà kể thửa đầu đuôi,
Rằng : “Từ nó phạm đến tôi,
Tấm lòng tủi nhuốc chẳng nguôi bao giờ
Hiềm vì chút con thơ, thơ quá,
Phải giả ngơ, nấn ná qua ngày,
Sống thừa còn đến hôm nay,
Liều thân tỏ tấm lòng nầy với ai ! ”
Bà vừa nói chỉ ngay chú Lý :
“Nó là thằng ỷ thế hành hung”.
Trong cơn kể lể ung dung.
Cầm dao cắt vú liệng tung giữa nhà !
Trăm con mắt đỏ hoa đom đóm,
Lưỡi thụt vô, răng cộp cộp hàm,
Ai đời có gái phi phàm !
Chết oanh, chết liệt, chết làm cho kinh,
Làm cho khiếp mấy anh nam tử !
Giựt nẩy mình, ngã ngửa người ra !
Kể chi trong đám quần thoa,
Lạy bà ! đời có một bà mà thôi !
Mẹ đã thế con rồi cũng thế,
Ông Nguyễn Cao, tiếng để ngàn thu :
. . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . .(*)
CHƯƠNG DÂN
Bà Hiếu Chiêu hoàng hậu
Bà họ Đoàn, con gái thứ ba ông Đoàn Công Nhạn, sau phong là Thạch quận công, người huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam.
Bà vốn con nhà làm ăn, song có tư tánh thông minh, khác với hạng gái thường. Tuổi vừa tuần cập kê, bà vẫn theo ở cùng cha mẹ, chuyên việc làm cỏ hái dâu.
Đời bấy giờ chúa Nguyễn trị vì miền nam Trung kỳ. Ngày kia, chúa là đức Hi Tôn giá ngự đất Quảng Nam, có con ngài là đức Thần Tôn(**) đi theo.
Nhân đêm có trăng, đức Thần Tôn ngồi chiếc thuyền con dạo chơi trong sông Bến Đền (nay đổi là làng Phi Phú, cũng còn gọi theo tiếng nôm là Bến Đền) thình lình nghe tiếng người con gái hát trong đám dâu, hát rằng :
Tai nghe chúa ngự thuyền rồng,
Thiếp thương phận thiếp má hồng nắng mưa !
Ấy là tiếng bà Đoàn thị hát đó, vì bà nhân đêm trăng đi hái dâu, thì tức cảnh mà hát như vậy.
Đức Thần Tôn nghe được, lấy làm lạ và cảm động lắm, khiến người dò hỏi, mới biết là nàng con gái nhà họ Đoàn. Ngài bèn cậy người đến nói, và nạp vào tiềm để(***), bà rất được yêu chuộng.
Sau rồi đức Thần Tôn lên nối ngôi chúa, bà Đoàn thị được làm chánh cung. Bà sanh được một người con trai, về sau kế nghiệp tức là đức Thái Tôn(*).
Năm Tân sửu, năm thứ tư hiệu Vĩnh Thọ nhà Lê, tức là năm 1661, bà thất lộc, (**) về sau được tôn làm Hiếu Chiêu hoàng hậu.
Bà Từ Tuyên thái phi
Bà, tên là Trương Ngọc Chữ, người làng Như Quỳnh, tỉnh Bắc Ninh, con gái lớn của ông Trương Đệ, sau phong là Đô chỉ huy sứ.
Bà con nhà hàn vi, diện mạo tầm thường, song nói có giọng thanh như chuông.
Hồi còn con gái, ngày kia, bà cắt cỏ ở bên đường cái quan. Bấy giờ chúa Trịnh là Tấn Quang Vương (tức Trịnh Bính) (***) đi chơi, xe cộ rầm rộ, đi ngang làng Như Quỳnh. Nhân dân nghe chúa đi ngự thảy đều sợ hãi trốn tránh. Một mình bà ngồi yên cắt cỏ, như là không nghe thấy gì hết. Khi đạo ngự chúa đã đến sát một bên, bà cũng cứ cắt cỏ như thường, cất giọng hát rằng :
Tay cầm bán nguyệt xênh xang,
Một trăm thức cỏ lại hàng tay ta.
Rồi lại hát rằng :
Mặc ai che tán che tàn,
Ta đây mặc sức nghinh ngang cõi bờ !
Giọng hát nghe hay lắm. Chúa Trịnh lấy làm lạ, dạy quan thị giá đòi bà đến mà hỏi rằng :
− Đạo ngự ta đi, nơi nào nhân dân nghe thấy cũng trốn lánh hết cả; mi là con gái nhà ai mà lại dám hát om sòm ở trước xa giá ta?
– Tôi là con gái nhà dân – bà thưa – ở làng Như Quỳnh, vâng lời cha mẹ tôi sai cắt cỏ ở đây. Chúa đi ngự thì cứ việc đi; còn tôi cắt cỏ thì cứ việc cắt, sao chúa lại hỏi tôi làm chi?
Chúa Trịnh nghe, càng lấy làm lạ và sanh lòng ái luyến, bèn khiến ngừng đạo ngự lại, đòi cha mẹ bà đến, xin lấy lễ cưới bà.
Sau bà vào cung, được chúa yêu lắm. Bà đẻ ra Hi Tổ Nhân vương (tức là Trịnh Cang) (*). Bấy giờ cả anh em nhà bà và họ hàng đều được phú quý vinh hiển không ai bằng. Nhà cửa của cải cha mẹ bà ở làng Như Quỳnh đều sửa sang lại cả, trở nên dinh tòa rất đẹp. Lại cất một nóc nhà thờ, đặt tên là Chí Nguyện cung. Lại còn lập nhiều chùa chiền nữa, đều là nguy nga rực rỡ. Ngày nay vẫn còn dấu cũ ở làng ấy.(**)
Bà nghè Sáu tiền
Nguyễn Bá Dương, ở về cuối đời nhà Lê, người làng Nguyễn Xá, mà vợ là người làng Hoàng Mai, thuở trước vốn là cô hàng bán rượu ở kinh đô Thăng Long.
Bá Dương thuở nhỏ có tiếng hay chữ, nhà nghèo, không đủ ăn đủ mặc, theo thầy ở chốn kinh đô, làm đầu bếp cho thầy mà học nghề văn. Song tánh lại hào mại, ưa rượu, hay ra quán ăn chả chó, đánh chén không tiền trả, mắc nợ dây dưa hoài.
Khoa bính tuất đời Cảnh Hưng, Bá Dương vô trường thi, văn làm hay lắm, song thiếu một đoạn văn kim, anh em đều bảo không chắc đậu được, song Bá Dương tự phụ, nói thế nào mình cũng đậu. Lại chén.
Cũng đến cái quán thịt chó mà chàng va thường uống đó, chủ quán bèn hỏi nợ cũ. Bá Dương nói rằng : đợi ngày mai treo bảng ở Quảng Văn đình, ta sẽ trả cho !
Chủ quán mắng rằng : Treo bảng hay không treo bảng mặc kệ thầy ; tôi đây chỉ biết đòi nợ chả chó !
Nói thế rồi chủ quán lột áo Bá Dương. Chàng va phải ở trần, cái quần cũng rách tả tơi. Ai nấy thấy tội nghiệp, đều nói giùm, song chủ quán không nghe.
Có cô hàng rượu, ngồi gần đó, thấy vậy thương tình, hỏi thầy mắc bao nhiêu?
– Sáu tiền – Bá Dương trả lời như vậy.
– Này sáu tiền đây, trả cho họ, sau thầy có thì trả lại cho tôi, không thì thôi.
Cô hàng rượu lấy tiền trong thúng ra, đưa cho Bá Dương và nói như vậy.
Bá Dương cầm tiền trả cho chủ quán và lấy áo lại, vừa mặc áo vào mình vừa hỏi: Cô ở đâu?
− Tôi ở trạm Hoàng Mai, con gái của ông Mỗ.
Bá Dương nhớ lấy mấy lời và nói cảm ơn, rồi ai đi đường nấy.
Ngày mai treo bảng, Bá Dương quả đậu Tấn sĩ thứ sáu. Khắp kinh đô đồn ầm rằng ông Tấn sĩ thứ sáu hôm nay tức là người bị lột áo ở trước hàng thịt chó hôm qua. Ai nấy đều hả dạ cho Bá Dương.
Bá Dương đăng khoa rồi, đi võng đến trạm Hoàng Mai, hỏi thăm nhà cô hàng rượu và xin cưới làm vợ.
Người đời bấy giờ có câu rằng :
Thiếu kim văn, đậu Tấn sĩ ; Mất sáu tiền, được bà Nghè.
CHƯƠNG DÂN
(Rút ở phần chữ nho trong Nam phong)
Mẹ ông Nguyễn Vĩnh
Nguyễn Vĩnh, người đời Lê, ở tỉnh Thanh Hóa, đậu Bảng nhãn, làm quan đến chức Tham chánh, người ta nói rằng ấy làm nên như vậy là nhờ có mẹ hiền.
Nhà nghèo khó, bà mẹ ông Vĩnh chuyên nghề buôn cám. Mua cám về rồi dần lại, lấy tấm nấu cháo, còn cám, đem chợ bán.
Ngày kia, bà đương bán cám ở chợ, chợ đông quá, người mua kẻ bán lấn nhau mà đi. Có cô con gái nhà quan mua cám của bà, bị chen chúc làm rớt chiếc xuyến vàng trong mủng cám của bà mà không hay. Về, lục mủng thấy chiếc xuyến, bà biết của cô ấy, bữa sau đem trả lại, cô mất xuyến đó cảm ơn bà không xiết.
Khi ông Vĩnh chưa đậu, nhân đi thi, làm bài thuê cho một người học trò ở huyện Quảng Xương đủ bốn trường, hẹn đến treo bảng, hễ đậu thì trả năm nén bạc. Đậu rồi, người ấy trả có một nén, rồi bặt, không tin tức gì nữa. Đã ba bốn tháng, ông Vĩnh muốn sang đòi nợ. Bà khuyên rằng: “Con đã làm cho người ta nên danh, mà bây giờ lại vì món tiền nhỏ, trở làm cho người ta mang xấu, người trung hậu há nên như vậy ư? Thà người ta phụ mình, chớ con chẳng nên đi đòi làm chi”. Ông Vĩnh nghe lời, bèn thôi.
Sự hiền đức của bà đại để như những việc ấy.
Nguyễn Vĩnh hồi nhỏ có tiếng là thần đồng, mà cũng nhờ bà dạy bảo rất nghiêm, nên sau ông ta mới đỗ đạt làm quan to.
Bà Lễ sư
Bà Lễ sư, họ Nguyễn, ở làng Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, hồi nhỏ có tư dung rất đẹp và thông minh lạ thường. Nhơn buổi trong nước loạn ly, cha của bà vì lánh nạn, đem cả gia quyến đi ở đất Cao Bằng. Bấy giờ bà mặc đồ con trai, theo thầy học tập, nổi tiếng hay chữ.
Hồi đó nhà Mạc cai trị miền Cao Bằng. Vừa gặp khoa thi Hội bà thi đậu thứ nhứt, còn ông thầy học của bà thứ nhì. Khi vào dự yến, chúa Mạc ngó thấy diện mạo ông Trạng sao giống đàn bà, hỏi ra, quả là đàn bà thiệt. Chúa Mạc bèn nạp vào hậu cung.
Sau nhà Mạc mất, bà dấu mình trong hang núi, kế bị bắt; bà nói với quân sĩ rằng: “Chúng mày đã bắt được tao, phải đem nộp cho chúa mày, chớ không được vô lễ với tao”. Chúng bèn đem bà nộp cho chúa Trịnh.
Bà vào cung chúa Trịnh, rất được yêu quý. Sau chúa Trịnh ấy mất, bà xuất gia đi tu.
Chúa khác lên nối ngôi, hỏi tìm người đàn bà nào hay chữ để dạy cung nhân, thì ai nấy đều tiến cử bà. Bà bèn trở vào cung, dạy các cung nữ, hiệu là Lễ sư.
Bà thờ hai triều chúa Trịnh, đều nhờ có văn chương mà được sủng dụng, thường ở luôn một bên chúa. Chúa có hỏi han gì thì bà viện dẫn văn nghĩa trong kinh sử cùng sự tích xưa ra mà thưa lại, thường được chúa khen luôn. Những quyển thi Đình và những bài văn của các quan làm ra, cũng phải trải qua tay bà sửa sang. Bài văn của Nguyễn Thọ Xuân đậu nhứt khoa Tân vị, dùng nhiều điển khó không ai hiểu hết, Chúa đem hỏi bà, bà giải đâu ra đó, chúa phải khen là học rộng.
Bà sống đến tám mươi tuổi mới mất, có làm bài văn bằng quốc ngữ kể chuyện nhà mình, song thất truyền.
Người ta đồn rằng ngôi mộ tiên tổ nhà bà trước kia có một người thầy địa Tàu cất cho, thầy địa có để một câu đoán về ngôi mộ ấy rằng: “Nhứt cảnh chiếu tam vương”. Nghĩa là : một kiếng soi ba vua; thì về sau chính bà ứng vào câu đoán ấy.
Bà Thượng ghen
Ở về đời Lê, có ông Thượng thơ kia, vợ ghen quá. Ông Thượng có hầu, giấu ở nhà riêng, mỗi khi muốn đến cùng nàng hầu, thường biểu người cậy thái giám trong phủ chúa Trịnh ra đòi, nói dối rằng Chúa đòi vào có việc.
Lâu ngày, bà Thượng biết sự dối trá ấy.
Một hôm, chúa Trịnh là Nghị tổ (*) sai thái giám ra đòi quan Thượng thiệt. Bà ta tưởng dối như mọi khi, mắng ngay rằng : “Đòi, đòi cái đếch họ !..”.
Thái giám về, gởi lại cùng Chúa. Chúa giận lắm, sai ra đòi lại. Con trai của bà sợ hãi quá, chạy cầu cứu với hoạn quan là Hoàng Ngũ Phúc.
Ngũ Phúc bày cho rằng: “Nếu chúa đòi hỏi thì nói người đàn bà ấy điên đã lâu mà chưa hết, nên nói bậy bạ làm vậy, rồi ta sẽ ở trong mà hòa giải cho”.
Cha con quan Thượng vào chầu, nói y như lời Ngũ Phúc, chúa Trịnh bèn hết giận.
(Rút ở phần chữ nho trong Nam phong)
Từ Nhị Khanh
Từ Nhị Khanh, con gái nhà quan, ở làng Phấn Lục, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Nàng là vợ Phùng Trọng Quỳ, con trai quan Xăm thơ là Phùng Lập Ngôn, nhà ở phường Đồng Xuân, thành Thăng Long.
Vợ chồng ở với nhau ít lâu, Lập Ngôn được bổ vô làm quan ở Nghệ, Trọng Quỳ đi theo cha, để Nhị Khanh lại nhà.
Được vài năm cha chết tại lỵ, Trọng Quỳ đâm ra chơi bời, uống rượu đánh bạc, của cha để lại bao nhiêu tiêu phá hết, trở về hai tay không. Nhị Khanh hỏi thì Trọng Quỳ khai thiệt ra như vậy.
Trọng Quỳ về nhà rồi, vẫn không chừa nết cũ. Hàng ngày đánh bạc với tên Đỗ Tam, là tay lái buôn ở huyện Thanh Miện, làng Từ Ô. Nhị Khanh thường hay vừa khóc vừa can mà chàng cũng chẳng nghe.
Một hôm hai người đánh với nhau, bên Đỗ Tam bỏ ra nhiều tiền lắm, còn bên Trọng Quỳ không có đồng nào hết, bèn gán vợ để đánh, hễ thua ấy là mất vợ. Mà thua thiệt, đánh hoài thua hoài, Trọng Quỳ bèn biểu Nhị Khanh về với Đỗ Tam. Nhị Khanh xin trở về từ biệt cùng mấy đứa con, Trọng Quỳ cho phép.
Nàng về đến nhà, vỗ lưng hai đứa con mà nói rằng: “Cha bay đã vô lại mà lại bạc tình, mẹ chết đi nào có khó, chỉ vì một chút các con mà thôi”. Rồi nàng thắt cổ mà chết.
Sau đó, Trọng Quỳ đi qua phủ Quy Hóa, định tìm bạn cũ xin tiền, giữa đường buồn ngủ, nằm dưới gốc cây bàng mà nghỉ ngơi. Bỗng nghe nơi không trung có tiếng kêu rằng: “Có phải Phùng lang đó chăng? Đến ngày kia, khá đến trong đền Trưng vương đặng gặp nhau”. Nghe vậy, Trọng Quỳ rất lấy làm lạ và sanh nghi.
Tuy vậy, tới ngày hẹn, Trọng Quỳ cũng đến tại đền đó, nằm nơi gần cầu mà đợi. Canh ba, bỗng nghe có tiếng khóc từ xa lần lần đến gần; rồi có người đi sát đến trước mặt, nhận rõ ra, tức là Nhị Khanh vậy.
Trọng Quỳ bèn hỏi đầu đuôi. Nhị Khanh nói rằng: “Sau khi thiếp mất rồi, Thượng đế thương là khổ tiết, gia ân cho hầu việc ở đền này, chuyên giữ các văn thơ tấu sớ. Bữa trước nhân đi làm mưa, gặp chàng nên kêu gọi, nếu không thì chẳng có ngày giáp mặt nhau”.
Trọng Quỳ bèn nhận tội mình và tỏ ý ăn năn.
Nhị Khanh nói thêm rằng: “Thiếp thường đứng chầu, nghe các thần phán rằng: Vận nhà Hồ đã rốt, năm Bính Tuất sẽ có binh cách nổi lên, bấy giờ có vì chơn chúa họ Lê ra từ hướng tây nam; vậy chàng khá dạy dỗ hai con, bảo chúng nó bền lòng theo vì chơn chúa ấy, thì thiếp dầu chết cũng như sống vậy!” Nói rồi, nàng biến mất.
Trọng Quỳ từ đó không lấy vợ nữa, và nuôi hai con khôn lớn. Kịp lúc Lê Thái Tổ khởi binh ở Lam Sơn, hai con của Trọng Quỳ cũng cử binh theo về làm chức quan hầu cận vua.
Nay ở Khoái Châu còn có dòng dõi Trọng Quỳ. Còn đền Nhị Khanh còn ở làng Bình Lăng, huyện Thiên Thi. Có người nói đền thờ ấy nguyên ở Kim Động mà dời sang đó.
(Chuyện này nguyên thấy trong dã sử)
(Rút ở phần chữ nho của Nam phong)
Hai con gái ông Trần Nguyên Đán
Đời nhà Trần, ông Trần Nguyên Đán làm quan Tư đồ, tước Thượng hầu, có hai người con gái, lớn tên là Thái, nhỏ tên là Thai. Thượng hầu rước hai thầy nho dạy hai chị em học. Thầy Nguyễn Ứng Long dạy cô chị, thầy Nguyễn Hán Anh dạy cô em.
Nhơn được gần gũi hai cô, Ứng Long bèn làm thơ nôm ghẹo cô Thái và thầy trò tư thông với nhau; Hán Anh với cô Thai cũng vậy.
Cô Thái có nghén, Ứng Long liền đi trốn. Đến ngày sanh đẻ, ông Nguyên Đán hỏi người nhà rằng: Chớ nào Ứng Long ở đâu? Người nhà nói Ứng Long sợ tội đi trốn rồi.
Nguyên Đán nói rằng: “Nay vận nước đã vắn rồi, biết đâu việc nầy chẳng phải trời xui khiến, có lẽ cũng là cái phước cho nhà ta”. - Bèn vời hai thầy nho trở lại mà nói với rằng: “Người đời xưa đã vậy rồi, há chẳng thấy việc Văn Quân với Tương Như sao? Nếu được như Tương Như, có danh tiếng truyền đến đời sau, thì chính là sự muốn của ta vậy”.
Hai người rất lấy làm cảm ơn. Khi kết hôn cùng hai cô rồi, hai người càng siêng năng học tập, về sau thi đều đậu cả. Hán Anh làm quan đến Chuyển vận. Còn Ứng Long đến triều Hồ mới ra làm quan, đổi tên là Phi Khanh. Phi Khanh tức là cha Nguyễn Trãi, khai quốc công thần nhà Lê.
Nguyễn Bích Châu
Thuở nhà Trần, có người con gái nhà quan, tên là Nguyễn Bích Châu, tư dung đẹp đẽ, tánh tình lại cao thượng. Nàng rành nghề âm nhạc, lại biết chữ, hay văn. Vua Duệ Tôn nghe tiếng, đòi nàng vào cung hầu hạ.
Một đêm, vừa tiết trung thu, vua đứng dựa bao lơn, ngâm một câu rằng :
Thu thiên họa các quải ngân đăng, nguyệt trung đơn quế.
Ngâm đi ngâm lại, một chặp, rồi xây hỏi nàng Bích Châu rằng : Nàng có thể đối câu ấy được chăng?
Bích Châu vừa bước tới, vừa thủng thẳng đáp lại rằng :
Xuân sắc trang đài khai bửu cảnh, thủy để phù dung.
Vua thấy đối hay như vậy, khen ngợi hồi lâu, rồi lấy hai chữ “phù dung” mà gọi tên nàng, và từ đó yêu quý nàng hơn trước nữa.
Bấy giờ nhà Trần hơi suy, nàng Bích Châu thấy việc nước nhiều điều sai quấy, bèn thảo bài sớ dâng cho vua, goi là Kê minh thập sách. Bài sớ đặt bằng thể tứ lục, dịch đại lược như vầy :
Trộm tưởng :
Lo việc trị trước khi chưa loạn ;
Ở hồi an phải nhớ lúc nguy.
Vì tình người để đắm sự chơi bời,
Mà cuộc thế khó thường cho bình trị.
Cho nên,
Cao Dao gặp vua thánh cũng ngỏ lời răn dạy ;
Giả Phó đương lúc an mà sa lụy than dài.
Há phải rằng một mình một thế, làm chuyện câu kỳ ;
Song vì chưng yêu nước yêu vua, tính bề ngừa trước.
Thần thiếp Bích Châu nay:
Trẻ nương nhà lá;
Lớn dựa buồng tiêu.
Thừa long nhan, từng lắm lúc đoái thương;
Cơn yến hạnh, những đội ơn ban tứ.
Vá áo xiêm vua Thuấn, dám sánh mình là kẻ tu mi;
Cởi trâm lược bà Khương, xin qua mặt những hàng quan đái.
Kính dâng mười chước (1)
Ngỏ đặng một điều...
Những sự tỏ bày,
Toàn là thiết thiệt.
Cúi xin làm điều hay, bỏ điều dở, dám nhờ lượng thánh bao dong;
Hầu cho nước đặng trị, dân đặng an, để xiết lòng hèn mong mỏi !
Sau đó, quan trấn tướng là Đỗ Tử Bình báo tin có giặc Chiêm Thành nhiễu loạn phương nam, vua định chánh mình đem binh đi đánh, nàng lại dâng bài biểu can vua, dịch đại lược ra sau đây:
Trộm nghe :
Nghiêm Doãn lẫy lừng khuấy rối, từ trước đã quen ;
Hung Nô cứng cổ chẳng đầu, gần nay càng lắm.
Bởi mọi rợ có chi khác hơn là làm giặc ;
Mà đế vương cực chẳng đã lắm mới dùng binh.
Kìa quân Chiêm Thành,
Ở nơi mé biển,
Trước bởi nước ta có hía, động binh đao ra đến miệt Nhĩ Hà;
Nay vì dân ta mới an, khua trống trận rộn nơi biên cảnh.
Thương bấy đàn ruồi, múa men trong cỏ !
Khốn thay bầy chấu, đương địch với xe !
Duy có đấng thánh nhân
Lấy nhu trị thiên hạ,
Nhịn nào phải khiếp, há hoài hơi mà tranh với khuyển dương ?
Gốc, trước phải lo, xin nghỉ đánh, đặng vỗ an lê thứ.
Xưa Ngũ đế chỉ tu đức mà Tam Miêu lai cách ;
Đến Hạ vương, chẳng dụng binh mà Hữu Hộ quy hàng.
Ấy là chước rất hay.
Nhờ lượng trên nghĩ lại.
Bài biểu ấy dâng lên, vua không nghe theo. Nàng thấy mình nói vua đã chẳng nghe, thì quyết xin đi theo ra trận. Vua cho đi.
Đến ngày, đạo binh vua do đường thủy thẳng đến đất Kỳ Huê, có mấy ông già đón đường tâu rằng: Đằng trước có miếu thờ thần, rất là linh hiển, hễ khách bộ hành qua lại, mà có vào lễ bái thì đi được thuận gió xuôi buồm, không thì sẽ bị chìm đắm mà chết. Vua bèn đóng quân lại tại Bạch Tân Châu.
Sáng ngày ra, tàu binh của vua ra đến cửa biển, thình lình có trận gió dữ, cuộn vào thuyền rồng, vua truyền đậu quân lại để tránh gió. Đến đêm, vua năm chiêm bao thấy một người mặt mày dữ tợn, râu ria bờm xờm, đến thi lễ trước vua. Vua hỏi rằng :
- Ngươi là ai ?
- Tôi là quan Giao đô đốc ở biển nam, đi làm quan xa xuôi mà không có người tần tảo, nghe vua nhiều hầu lắm vợ, tình cờ lại gặp nhau đây, sóng gió ban ngày đó là chính tôi làm ra, để tỏ ý xin quân vương bớt lấy một người, nếu ban cho thì tôi cảm ơn, mà không, thì tôi cũng chẳng huề nhau đâu.
Vua trong mộng, nghe người kia nói như vậy, thì liền gật đầu, rồi sực tỉnh ra. Bèn kíp đòi các cung phi mà thuật cho nghe chuyện trong mộng, ai nấy đều thất sắc, làm thinh mà ngó nhau.
Nàng Bích Châu rưng rưng nước mắt, quỳ trước vua mà tâu rằng: Mấy ông già hôm họ đã nói có đền linh, lại nghiệm thấy sóng gió đêm nay thì đủ biết; thiếp nay xin hủy thân bồ liễu để trả nợ quân vương cho rồi.
Vua phán: Chết sống có mạng, họa phước bởi trời, ta có lẽ nào tin điều ma mị mà để hại đến thân nàng?
Song Bích Châu cứ nài xin mà rằng: Việc đã đến nơi rồi, nếu hoàng thượng còn trì nghi, e khi họa đến mà không tránh kịp. Huống chi trong khi hành binh, phải trọng bên tướng sĩ mà khinh bên ân ái, trong cơn nguy biến phải dứt tình, là sự thường.
Vua nghe mấy lời càng buồn xo.
Khi ấy gió lại thêm mạnh, sóng dậy đùng đùng, thuyền rồng đã mấy lần toan úp. Nàng Bích Châu vừa lạy vừa khóc mà rằng: Thiếp đội ơn đã nhiều, ngày nay nào từ một chết, chỉ tiếc rằng trước khi chưa phá được giặc mà chết đó thôi. Vừa nói vừa nhảy ùm xuống biển, thì luồng sóng vồ ngay lấy nàng, song còn nghe tiếng kêu rằng: Lạy tạ quân vương, từ nay thiếp không được hầu hạ nữa !
Vua cùng các cung phi đều sửng sốt, la khóc tưng bừng. Một chặp, gió yên sóng lặng, kíp sai người lặn xuống vớt xác nàng thì đã chìm đi đâu mất.
Sau đến đời nhà Lê, vua Thánh Tôn đi đánh Chiêm Thành, binh thuyền đến Kỳ Huê, ban đêm, thấy chiêm bao có một người đàn bà từ dưới nước lên, vừa lạy vừa khóc mà xin vua cứu mạng. Hỏi thì người ấy khai đầu đuôi, mình là cung nhân nhà Trần xưa kia mà bị Giao đô đốc hãm hại vân vân. Ấy tức là nàng Bích Châu vậy.
Vua Thánh Tôn phán rằng: Phu nhân thật là có nghĩa song bây giờ muốn ta cứu cho thì làm thế nào mà cứu được?
Người ấy nói rằng : Nó là người tội ác đã đầy rẫy. Ngoài biển khơi đây có Quảng Lợi Vương là đấng cai quản nó. Nếu bệ hạ đưa một bức thơ trách Quảng Lợi Vương sao không kiềm chế nó, thì kẻ có tội kia ắt sẽ bị gia hình. Nói rồi người đàn bà biến mất.(1)
Vua thức dậy, dạy thị thần là Nguyễn Trọng Ý làm một bức thơ bắn ra ngoài biển. Thình lình thấy một trận ba đào nổi lên, rồi có con thuồng luồng ở dưới nước nhảy ngược lên, binh thuyền đuổi theo, nó cong đuôi mà trốn mất. Liền đó có cái thây người đàn bà nổi lên, mặt mày xinh đẹp như còn sống. Vua khiến liệm cái thây và chôn theo lễ hoàng hậu. Lại cất tạm một cái miếu tranh bên bờ biển, cúng tế một diên, đề một bài thơ vào nơi vách, rồi kéo quân đi.
Trận ấy vua đánh Chiêm Thành, tới đâu thắng đó, bắt được vua Chàm là Trà Toàn, trở về đi ngang qua chỗ cũ, dạy cất miếu khác, và cấp lính hầu, phong là Chế Thắng phu nhân. Đến nay người ta vẫn còn thờ, lửa hương không dứt.
(Lấy ở phần chữ nho trong Nam Phong)
Nguồn:
Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s.1 (2.5.1929) ; s.7 (13.6.1929);
s.10 (4.7.1929) ; s.14 (1.8.1929); s.15 (8.8.1929); s.16 (15.8.1929); s.20 (12.9.1929).
(*) Tôi tập hợp được 7 kỳ đăng Phụ Nữ Tân Văn dưới nhan đề chung Việt Nam phụ nữ liệt truyện ký các bút danh khác nhau. Các kỳ ký Chương Dân hiển nhiên là do Phan Khôi viết. Nhưng còn các bút danh khác, ví dụ Cô Đào Hoa, có lẽ là một cộng tác viên của báo; lại có vài kỳ không ký tên ai, chỉ ghi là “Rút từ phần chữ Nho trong Nam phong”, không rõ do ai trong tòa soạn Phụ nữ tân văn dịch thuật. Tôi in cả 7 kỳ sưu tầm được vì nghĩ rằng hầu hết là do Phan Khôi thực hiện (N.B.S.)
(1*) giới sử học thời nay xác định Lãng Bạc là vùng Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. (N.B.S.)
(1) Đổng Thiên Vương cỡi ngựa sắt phá được giặc Tàu rồi lên núi Vệ Linh mà bay lên trời mất (nguyên chú của bản gốc).
(2) Đinh Tiên Hoàng hồi nhỏ chăn trâu ở động Hoa Lư, đã biết lấy cỏ lau làm cờ, cùng những đứa con nít tập trận. Sau trở nên một vị vua anh hùng đánh đuổi được binh Tàu, dựng cờ độc lập trong nước (nguyên chú).
(*) Về Nguyễn Cao, xin xem sách : Thơ văn Nguyễn Cao,/ Phan Văn Các soạn, dịch, giới thiệu. Hà Nội, 1992 (NBS).
(*) mãn khó : ý nói đến lúc đoạn tang chồng.
(**) trộng : lớn (theo Từ điển phương ngữ Nam bộ, Sđd.).
(*) diên : bữa ăn lớn.
(1) Nhả, nghĩa là nhà ấy, nhà bà ấy (nguyên chú của P.K.)
(*) Có lẽ PNTV đăng chưa đủ toàn văn bài diễn ca.
(**) Đây là gọi theo miếu hiệu : Hi Tông tức Nguyễn Phúc Nguyên hay chúa Sãi (cầm quyền: 1613 – 34); Thần Tông tức Nguyễn Phúc Lan hay chúa Thượng (cầm quyền: 1635 – 48).
(***) tiềm để : chưa thật rõ nghĩa. H.T. Paulus Của (sđd.) giải nghĩa là “tiềm tàng, ẩn dật” – không thật thích hợp cho trường hợp này.
(*) Thái Tông tức Nguyễn Phúc Tần hoặc chúa Hiền (cầm quyền : 1648 – 87).
(**) thất lộc: chết.
(***) Thật ra Trịnh Bính mới chỉ là thế tử, chưa lên ngôi chúa đã chết. Sau đó Trịnh Cương được cho nối ngôi chúa của ông nội là Trịnh Căn, nhân đó truy phong Trịnh Bính (cha Cương) là Tấn Quang Vương.
(*) Trịnh Cương (hay Cang) tức Hy tổ Nhân vương (cầm quyền : 1709 – 29).
(**) Có lẽ tích này ít nhiều có vay mượn tích Ỷ Lan thái phi ; hoặc thuộc chung một môtip truyền thuyết hóa về sự gặp gỡ khác thường giữa các vị vua chúa với những phụ nữ sẽ trở thành “hậu”, thành “phi” của họ (NBS).
(*) Nghị tổ tức Trịnh Doanh (cầm quyền : 1740 – 67)
(1) Mười chước tứclà “thập sách”, song đoạn nầy mất đi, không rõ mười chước là những chước gì (nguyên chú).
(1) Chúng tôi rút bài trên này ở báo Nam phong dịch ra và đăng, là vì thấy bà Nguyễn Bích Châu là người đàn bà mà có văn chương lỗi lạc, khí tiết anh hùng ; còn những chuyện Giao đô đốc, Quảng Lợi Vương, cùng là hiển linh làm sóng, v.v... đều là chuyện hoang đường, tưởng đời khoa học này, ta không nên tin những chuyện ấy. Độc giả cũng nên hiểu ý của chúng tôi như vậy. (Lời của tòa soạn) (nguyên chú).