Theo trình độ tiến hóa của loài người ngày nay, thì về phe phụ nữ ta cũng phải có một nền văn học. Bởi vì trải xem cái tình thế trong các nước hiện thời, loài người đã gần đến ngày bình đẳng rồi, bên nam bên nữ cũng đều gánh vác công việc với xã hội như nhau, thì sự học vấn tri thức, có lẽ đâu chỉ để riêng cho đờn ông mà thôi hay sao ?
Nước ta từ xưa tới nay, vẫn theo cái chế độ trọng nam khinh nữ, đờn bà sanh ra chỉ là cái vật phụ thuộc cho đờn ông thôi. Bởi vậy cho nên đờn bà chẳng cần cho học, mà tự đờn bà cũng không cần học làm gì, vì họ nói rằng chỉ một mình đờn ông đi học cũng là đủ rồi. Nhơn đó mới có câu phong dao rằng Sáng trăng trải chiếu hai hàng, cho anh đọc sách cho nàng quay tơ.
Nhưng tới ngày nay, thì sự bất bình ấy không còn có thể để được nữa. Sự học để nuôi trí khôn, nó cần cho người ta cũng như là sự ăn để nuôi xác thịt. Đờn ông biết nuôi trí khôn mình, mà không cho đờn bà cũng nuôi trí khôn, thì khác nào như cấm họ ăn để nuôi xác thịt ? Như vậy có thể nào được ở đâu. Câu phong dao trên kia không còn thích hiệp với thời thế ngày nay nữa. Tôi muốn nói rằng : Quay tơ là chức phận của đờn bà, song cái chức phận ấy nó cũng như là chức phận của đờn ông cầm cày hay là cầm búa ; đến như sự học thì lại là một bổn phận khác, không ai kém ai, hai hàng chiếu trải ở dưới trăng ngày nay, phải để cho anh đọc sách mà nàng cũng đọc sách !
Bởi phụ nữ nước ta xưa nay đã chịu dốt nát từ đời nọ đời kia như vậy, cho nên trong đám chị em mình mà được một vài tay biết chữ, biết làm câu thơ, câu văn, thì đời đã cho là một sự lạ lùng hiếm có. Những người biết chữ ấy, hãy còn để tiếng đến bây giờ, làm của báu cho những nhà cầm viết khi nào muốn khoe khoang cho nữ giới thì lại đem ra.
Nhưng mà nhớ đi nhớ lại, trước sau cũng chỉ có mấy người : cô Nguyễn Thị Điểm, cô Hồ Xuân Hương, bà huyện Thanh Quan là cùng, đó ai còn kể hơn được nữa.
À, mà còn cô Phạm Lâm Anh, người huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, là người ở vào đời chúa Nguyễn nữa. Cô nầy con nhà quan, học chữ Tàu giỏi, về sau lấy thầy học của mình là Nguyễn Dưỡng Hạo, hai vợ chồng làm thi xướng họa với nhau, in thành một tập, gọi là Chiến cổ đường thi tập. Sự ấy có thấy chép trong bộ Đại Nam liệt truyện tiền biên.
À, mà còn ba bà công chúa con vua Minh Mạng nữa. Ba bà đều học giỏi, hay thơ, đều có thi tập, một bà là Diệu Liên công chúa nổi tiếng hơn hết, nổi tiếng đến bên Tàu, có nhiều nhà danh sĩ Tàu phê bình vào trong tập thi của bà.
Ráng mà nhớ cho mấy đi nữa, cũng chỉ kể được chừng ấy là cùng. Chừng ấy có đủ kể là nền văn học của phụ nữ Việt Nam hay không ? Chỉ biết làm ba bài thi mà thôi, có đủ gọi là văn học không ? Không đủ.
Đã gọi là văn học thì không thể sơ sài như vậy được. Huống chi theo cái khuynh hướng của văn học đời nay, lấy sự trực tiếp có ảnh hưởng đến xã hội làm cần, nếu gọi là văn học mà chỉ ngâm thơ chữ Hán như cô Lâm Anh và bà Diệu Liên, thì ngày nay dầu có cũng vô ích.
Nếu vậy thì chị em ta phải thú thiệt rằng nền văn học của nữ giới ta, từ xưa tới nay, chưa hề có bao giờ.
Có chăng là từ ngày nay.
Ngày nay chị em chúng ta phải lập riêng một nền văn học cho chị em chúng ta.
Chị em phải nhớ rằng cái nền văn học tương lai đó là chung cho cả đờn bà Việt Nam, chớ không phải đâu là riêng của một vài người nào, cho nên mỗi chị em mình đi học, là phải bỏ vào đó một chút công để xây dựng cái nền ấy lên mới được.
Chị em lại nên nhớ rằng văn học là một vật để xúi giục cái mỹ cảm của con người ta, nhứt quý là nó có ảnh hưởng đến đồng bào mình, cho nên nó phải gồm đủ cả các thể, chớ không phải là chỉ biết ngâm một vài bài thi, viết một vài bài báo, mà đã gọi là văn học được đâu. Cho nên chúng ta phải lập cái nền ấy ở trên một miếng đất rộng rãi, tức là sự tri thức của chúng ta. Nghĩa là chị em mình phải gia công học vấn, đừng có để cho thua kém đờn ông.
Tôi ngày thường có một điều suy nghĩ quá bạo, tiện đây muốn đem bày tỏ cùng chị em để càng thêm mạnh cho cái lý thuyết của bài tôi viết đây.
Tôi nghĩ rằng đương thời buổi nầy mà đám nữ lưu mình còn chưa chịu ra nhận lấy gánh văn học làm gánh riêng của mình, ấy là một sự bất lợi cho loài người, cho xã hội. Thiệt vậy, vì đời nay là đời trọng khoa học cơ xảo, tranh tài đua sức với nhau, ta nên để cho đờn ông họ làm những công việc ấy, vì sức của họ xứng đáng với công việc. Còn việc văn học là việc nhẹ, ta nên gánh đỡ cho họ là phải.
Huống chi đờn bà chúng ta, có nhiều cái tư cách rất là thích hiệp với văn học. Chúng ta có những cái tánh trầm tĩnh, nhẫn nại, dùng những cái tánh ấy mà nghiên cứu văn học, thì không có gì hạp cho bằng, có lẽ chúng ta theo nghề văn học còn dễ dàng hơn đờn ông nữa.
Còn có một điều thích hiệp nữa, là văn học chuyên trọng về đường tình cảm, mà chúng ta là giống có tình cảm nhiều hơn đờn ông, thì thật là tiện lợi cho chúng ta biết mấy.
Văn học ngày xưa là đồ để cho đờn ông nhờ nó mà mưu lấy công danh phú quý, thì chị em mình không thèm dự vào làm chi cũng phải ; còn văn học đời giờ là một sự cần dùng cho xã hội, huống chi lại hiệp với tánh chất đờn bà, thì đờn bà chúng ta há nên từ chối cái thiên chức ấy đi hay sao ?
Bắt đầu từ đây chúng ta phải gia công hiệp sức nhau lại mà gây dựng lên nền văn học của phụ nữ Việt Nam. Chị em ta hãy gắng lên.(*)
P.N.T.V.
Nguồn:
Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 1 (2.5.1929)
(*) Bài này ký tên tòa soạn nhưng chính do Phan Khôi viết. Ông cho biết điều này khi trả lời ông Thế Phụng (PNTV. số 6).