Võ hậu là một vị hoàng đế anh minh, một nhà chánh trị đại tài, một tay vận động nữ quyền kịch liệt, chẳng có đắc tội gì với lịch sử hết.
Hỏi đến Võ hậu, thì phần nhiều người mình đều trả lời : “Tôi biết mà! Võ hậu là một vị nữ vương đời nhà Đường, là một con dâm phụ nhứt thiên hạ.” Phần nhiều chỉ biết có vậy thôi, thành ra mỗi khi nói đến Võ hậu, ai cũng muốn rủa muốn nguyền, ác cảm khinh bỉ lạ lắm. Đó là một chỗ thiên kiến, chỉ do ở sự đọc tiểu thuyết tầm thường mà ra, chớ không chịu nghiên cứu về lịch sử, thành ra không biết Võ hậu là một người đàn bà kỳ kiệt ở trong lịch sử loài người, có sức thông minh, có tài chánh trị, có khí anh hùng, ít ai bì kịp. Một người đàn bà tài giỏi như vậy, có lý nào nên vì mấy điều tật hư thói xấu mà bỏ hẳn đi, không nói tới nữa sao. Vẫn biết rằng những tội độc ác của Võ hậu là đáng bỉ đáng khinh, nhưng mà những tài giỏi của Võ hậu ta cũng phải khen phải biết mới được. Đó là ý kiến của tác giả bài dưới đây, mà cũng là ý kiến của bổn báo đăng bài nầy lên vậy.
P.N.T.V
Tục An Nam ta, người đàn bà nào mà hanh hao, lang dâm trắc nết, thì thường bị người ta mắng là “đồ Võ hậu”. Mặc dầu kẻ mắng đó chẳng biết Võ hậu là ai, cũng có quyền dùng cái danh từ ấy được; vì từ xưa tới nay ai nấy đã công nhận Võ hậu là tội nhân rồi, hai chữ “Võ hậu” đã như là đại biểu cho sự dâm loạn giữa loài người rồi, khi dùng nó cũng chẳng khác dùng chữ “đồ chết vằm” hay là “đồ voi xé”, không cần phải suy xét nữa.
Tôi nói, Võ hậu nếu chẳng lên ngôi hoàng đế giữa nước Tàu từ xưa, nếu chẳng cầm quyền hành trong tay ngót nửa thế kỷ, nếu chẳng làm cho bọn đàn ông cúi đầu trước mặt mình, thì đâu có mang một cái ô danh đến ngày nay; thậm chí bêu xấu cả ở xứ An Nam, là xứ chẳng có dính líu gì hết.
Võ hậu là đàn bà! Theo con mắt và cái óc người Tàu – mà An Nam cũng vậy, – hễ đàn ông làm vua thì họ tôn kính sợ phục, cho là danh phận đương nhiên; còn đàn bà làm vua thì bấy giờ họ lại kiếm điều mà vu hãm cho, nói xấu cho, hầu cho vị nữ hoàng ấy thành ra một người có tội trong lịch sử, để răn kẻ đời sau.
Theo lễ chế của thánh hiền đặt ra “đàn bà không được dự việc ngoài”. Các nhà vua đời xưa, cũng có nhiều nhà lập điều luật nầy mà dặn lại con cháu: “Bà mẫu hậu không được ngự ra chốn triều đình mà xử đoán việc chánh”. Các người đàn ông cách mấy ngàn năm trước đã giành riêng cái quyền chánh trị về phần mình, làm cho mắt và óc người ta đã quen đi rồi; nếu có một người đàn bà dám đứng ra mà cướp lấy quyền ấy thì tài chi thiên hạ chẳng lấy làm lạ mà muốn đánh đổ đi?
Ấy là bởi thói quen, không đáng trách. Nhưng chỉ nên nực cười một điều, là đàn ông làm vua, dầu có phải là người ngu hèn đến đâu đi nữa, người ta cũng cứ việc cúi đầu mà lạy, nhận hai chữ quân thân là địa nghĩa thiên kinh; còn đàn bà mà làm vua, dầu cho khôn ngoan tài giỏi đến đâu, bọn sử gia cũng cho là “gà mái gáy sớm mơi” (1*) mà buông lời phỉ báng!
Võ hậu mà bị mang tiếng xấu, đến nỗi cái tên bà bị làm thành ra một danh từ sỉ nhục cho người An Nam dùng mà mắng đến ngày nay, là chỉ bởi cái lẽ nói trên kia. Chớ lấy lẽ công bình mà xét, thì thiệt chẳng thấy bà có tội tình chi; chẳng những thế, mà còn có nhiều điều tỏ ra bà là một bậc nữ anh hùng xưa nay chưa hề có.
Người ta nói xấu Võ hậu là “nói cho bõ ghét”, theo như lời tục An Nam ta. Chỉ vì ghét mà nói cho bõ, chớ nào có ai biết Võ hậu là người ra sao, nhân phẩm thế nào ; sử xanh còn đó, dầu cho đã bị bọn đàn ông thay đen đổi trắng đi nữa, song những sự thiệt cũng vẫn sờ sờ ; xin độc giả cùng tôi tra xét lại những điều dưới nầy hầu để thân oan cho một người đàn bà vô tội.
Lược truyện của Võ hậu
Võ hậu (2*) họ Võ, người ở Hứa Châu, sanh ra trong năm thứ 5 hiệu Trinh Minh triều vua Cao Tổ nhà Đường tức là năm 622 theo Tây lịch. Hồi 13 tuổi được tuyển vào cung vua Thái Tôn. Ở trong cung 13 năm thì vừa gặp vua Thái Tôn án dá;(3*) theo lệ bấy giờ, Võ hậu vào chùa Cảm Nghiệp thế phát (4*) làm bà vãi.
Trong khi Võ thị còn làm chức tài nhân, hầu hạ vua Thái Tôn (5*), thì Cao Tôn đương làm Thái tử, một hôm vào cung, trông thấy Võ thị mà phải lòng. Đến lúc Võ thị ở chùa, thì Cao Tôn đã lên ngôi rồi, ngày kia ngự tới chùa hành hương, thấy tình cảnh Võ thị mà cảm thương, mủi lòng và bịn rịn. Rồi đó Võ thị để tóc lại, trở vào cung hầu vua Cao Tôn. Ít lâu chi đó, được lập lên làm hoàng hậu, bấy giờ Võ thị độ tròn trèm 30 tuổi.
Theo sử chép, sự quan hệ của Cao Tôn và Võ thị trước khi lập làm hoàng hậu chỉ có vậy đó. Nhưng cứ đó mà suy thì có lẽ hai người đã dan díu với nhau từ khi vua Thái Tôn đương còn. Về việc nầy, các nhà bàn sử đều phi nghị, cho là “phụ tử tụ bưu” (cha con lấy chung một người đàn bà), làm bại hoại luân thường, là một cái ố điểm trong lịch sử vậy.
Khi Cao Tôn lên làm vua, đã có lập hoàng hậu là Vương thị rồi, sau phế đi mà lập Võ hậu. Võ hậu lập lên được 5 năm, thì Cao Tôn giao quyền chánh cho bà, bà được xử đoán mọi việc thay vì vua.
Cao Tôn ở ngôi 24 năm thì thăng hà. Bấy giờ Võ hậu lập thái tử là Trung Tôn lên nối ngôi, mà mình thì lâm triều xưng chế. Được một năm lại phế Trung Tôn đi mà lập Đệ Tôn, (6*) Đệ Tôn còn thơ ấu, bà lập lên cho có, chớ kỳ thiệt bà là vua rồi.
Thế mà chưa lấy làm thích, cách đó 5 năm, đến năm 690 theo Tây lịch thì bà xưng mình là hoàng đế, đổi quốc hiệu là Châu, (7*) dứt hẳn cơ nghiệp nhà Đường. Bấy giờ bà đã 66 tuổi.
Võ hậu ở ngôi hoàng đế được 15 năm, đến năm 705 theo Tây lịch thì thăng hà, thọ 82 tuổi. Con là Trung Tôn lại lên ngôi vua, cơ nghiệp nhà Đường được lập lại. Kể từ ngày bà lâm triều xưng chế cho đến ngày thăng hà cộng là 21 năm; nếu kể từ ngày vua Cao Tôn giao quyền chánh cho bà cộng là 45 năm.
Trong những năm bà cầm quyền chánh trị, thiên hạ lặng yên, thần dân thiếp phục; theo sử nói thì bấy giờ trong nước lại là lúc lắm nhơn tài, cho đến một người đàn ông rất là danh vọng trong lịch sử nước Tàu là ông Địch Nhân Kiệt, cũng chịu làm tể tướng luôn mười mấy năm trời, thủy chung cúi đầu trước mặt vị nữ hoàng ấy mà không dám manh lòng phản đối. Trừ ra có một mình Từ Kính Nghiệp, trong khi bà đổi Đường làm Châu có cử binh chống lại, song thất bại mà thôi.
Sao gọi là một vị hoàng đế anh minh?
Võ hậu là người thông minh, có học thức; nói thiệt tình, nếu bà là đàn ông, thì chắc người ta đã tôn cho là ông vua thánh. Đừng so sánh đâu xa làm chi, cứ đem mà so với vua Cao Tôn thì thấy bà “đáng vì vương” hơn mười phần. Cao Tôn người đã khù khờ, lại ham chơi, hay đau yếu, mà cũng vì phục cái tài bà, chịu thua, nên mới giao quyền cho bà. Thử kể sơ một đôi việc mà nghe, đủ biết Võ hậu không kém gì các ông minh quân khác.
Hồi nhà Đường đã có lập ra cái chế độ khoa cử, kêu là “thi minh kinh”, học trò thi có nhiều sự gian dối. Trong năm Võ hậu xưng đế rồi, bày ra phép “điện thí”, bắt cử tử vào ứng thí trong đền vua một ngày, để kén lấy thiệt tài. Phép điện thí ấy, các nhà vua đời sau đều tuân hành mãi mãi cho đến ngày hết khoa cử.
Các vua nhà Đường trước kia có đặt ra phép “ngự sử giám quân”, nghĩa là sai một viên ngự sử ở triều ra giám đốc một đạo quân nào để chia quyền của ông tướng đạo quân ấy. Võ hậu bạo gan dám phế trừ cái chế độ ấy đi. Khi bà sai Vi Đãi Giá đi đánh Thổ Phồn, có kẻ xin phái ngự sử theo, bà phán rằng: “Các đấng minh quân đời xưa khi sai một ông tướng đi đánh giặc, là đem hết việc chốn biên cương mà phó trong tay người. Từ bày ra phép ngự sử giám quân, thì mỗi một việc gì ông tướng cũng phải trình báo với ngự sử. Quan lớn mà lại phải đi chiều quan nhỏ, đã là trái lẽ rồi; huống chi không có trọn quyền thì làm việc sao cho thành?” Lấy cớ đó mà bỏ phép giám quân đi, cái kiến thức như vậy ông vua tầm thường sao có bì kịp!
Từ xưa vẫn dùng võ tướng coi việc binh, khi bọn nầy có binh quyền lớn trong tay, thường hay ỷ mình mà chống lại với triều đình. Võ hậu bắt đầu dùng văn thần coi việc binh; như Địch Nhân Kiệt, Lâu Sư Đức đều là tướng văn mà kiêm chức tướng võ, cho nên cả đời bà khỏi cái hoạ võ tướng chuyên quyền.
Võ hậu có độ lượng rộng rãi, biết người và khéo dùng, vì vậy mà những bậc hiền tài đều phục tình, chịu ở dưới tay. Như Địch Nhân Kiệt gặp việc gì cũng hay nói thẳng mà can gián, thì bà nghe theo và tỏ lòng tin cậy. Lâu Sư Đức là người siêng năng cẩn thận, thì bà kính trọng và dùng cho làm tướng. Ngụy Nguyên Trung vì ngay thật mắc tội, thì bà minh tuyết cho trong lúc hầu đem đi hành hình. Ấy là kể sơ mấy điều đại khái.
Có nhiều ông vua có tiếng là khá, song khi đã sa mê điều gì thì chìm đắm vào đó, bao giờ chết mới thôi. Võ hậu không hề như vậy. Bà ưa tường thụy lắm nên có kẻ tạo ra đồ giả dâng lên để được thưởng. Một lần, có người dâng con rùa, dưới bụng có chữ “Thiên tử vạn niên”. Lý Chiêu Đức là một ông quan tại triều, muốn làm cho lòi sự giả ra, lấy dao cạo tróc bốn chữ ấy; bà liền ban khen và từ đó tin dùng Lý hơn trước. Tên Tăng Hoài Nghĩa tức như đứa “đĩ đực” của bà, bà yêu nó lắm, nó bèn lên mặt, gặp quan tể tướng Tô Lương Tự mà làm phách không thèm chào. Tô Lương Tự nổi giận, sai người vả mặt nó. Nó lọt tọt vào mét với Võ hậu. Phải như Trụ vương với nàng Đát Kỷ mà gặp sự như vậy, thì dễ chịu lắm hay sao? Nhưng bà thì bà phán cùng Tăng Hoài Nghĩa rằng: “Nhà ngươi có ra vào thì do cửa phía Bắc, chớ còn Nam nha là chỗ quan Tể tướng làm việc, ai biểu ngươi léo quéo lại đó làm chi?” Đến nỗi như Trương Xương Tôn là kẻ bế thần bà yêu và cưng như trứng mỏng, thế mà có dính hiềm nghi về chánh trị một chút, là bà sai bắt đem hạ ngục liền.
Bà lại hay yêu kẻ có tài, biết trọng nhà văn học Lạc Tân Vương là một tay tài tử thời bấy giờ, lúc Từ Kính Nghiệp khởi binh, Lạc làm bài hịch, kể tội bà không sót một điều và cổ động một cách rất thống thiết. Bài hịch ấy đến nay vẫn còn truyền lại trong sử sách. Khi bà dẹp yên giặc Từ Kính Nghiệp rồi, đọc đến bài hịch, lấy làm cảm động và hỏi ai làm ra. Người ta thưa rằng Lạc Tân Vương. Bà liền than thở mà rằng: “Con người có tài như thế nầy, mà khiến cho lưu lạc không gặp thời, ấy thật là cái lỗi của tể tướng” − rồi tha cho, không bắt tội.
Sao gọi là nhà chánh trị đại tài?
Theo như cái quan niệm nhà Nho ta xưa nay, thì chánh trị với đạo đức có một, tức như Khổng Tử nói “Vi chánh dĩ đức” trong Luận ngữ. Song theo cái quan niệm đời nay thì chánh trị và đạo đức là hai đường, không đem đạo đức mà bó buộc nhà chánh trị được; cho nên hễ là nhà chánh trị thì thường là xỏ xiên, láu lỉnh, độc ác, lên tay xuống ngón ở ngoài vòng đạo đức.
Đây tôi phân biệt hai cái quan niệm ấy, tôi không có ý phê bình cái nào dở, cái nào hay. Tôi chỉ nói trước cho độc giả biết rằng trong khi tôi nói Võ hậu là nhà chánh trị đại tài, là nói theo cái quan niệm đời nay, dẹp đạo đức lại một bên.
Cái chánh sách của Võ hậu tức là cái chánh sách độc tài (dictature) của những nhà chánh trị ghê gớm đời bấy giờ, mà còn thủ đoạn thì là thủ đoạn “trị thẳng tay”. Bà có một dật sự hay lắm để làm chứng câu ấy.
Hồi còn làm tài nhân đời vua Thái Tôn, bà mới chừng dưới hai mươi tuổi. Bấy giờ vua có một con ngựa kêu bằng “thần tuấn” to, mạnh, hay, mà có chứng lung, không ai trị nổi. Võ hậu khi ấy dầu đẹp và trẻ, nhưng còn lút trong đám ba ngàn cung nữ, nào ai biết tới, vậy mà dám đánh bạo chường mặt ra tâu cùng vua rằng: “Thần thiếp dám cam đoan trị được con ngựa ấy, chỉ xin thánh thượng ban cho ba vật: một là cái roi sắt, hai là cái tầm sắt, ba là một thanh gươm. Ban đầu sẽ dùng roi sắt mà trị nó; nó không phục thì dùng đến tầm sắt; bằng nó không phục nữa thì chỉ có lấy gươm mà cắt họng nó đi cho rồi.” Vua Thái Tôn nghe nói phải, cười mà khen rằng: “Úy cha chả là cô bé có khí phách!”
Thái Tôn là ông vua có hùng tài đại lược, nên Võ hậu không có thể thò được ngón gì ra. Đến khi bà đã tròng với Cao Tôn và liệu đã ăn sấp được vua rồi, thì toàn đem cái thủ đoạn trị con ngựa thần tuấn ấy mà đối phó với hoàn cảnh trong chánh giới.
Vua Cao Tôn nguyên có hai bà vợ yêu quý, là Tiêu Thục phi và Vương hậu. Hồi đầu Võ hậu mới để tóc vào cung, thì khéo làm cho Vương hậu trọng đãi mình và cùng nhau đánh đổ Thục phi. Sau khi Thục phi đổ rồi, người kình địch với bà chỉ còn có Vương hậu. Khi ấy, bà bèn lập thế truất bỏ những người làm vây cánh cho Vương hậu ở chốn triều đình, đoạn mới làm cho Vương hậu bị mà mình được lên chánh vị trung cung. Chỗ nầy tôi không tỏ ý khen hay chê; tôi chỉ nhìn thấy rằng cái ngón xỏ xiên, cái lòng nham hiểm, cái cánh tay lanh lợi của bà đó, thật chẳng kém gì nhà chánh trị nghề, nhà ngoại giao xảo đời nay vậy.
Muốn tóm cả cái quyền chánh trị vào tay thì tất trước phải ngồi trên cái địa vị cao sang và trọng yếu. Bấy giờ bà đã đạt được cái mục đích ấy rồi, nhưng còn đối với thần dân thì sợ nỗi người ta không phục. Bà khôn quá, cứ lấy danh nghĩa “đức vua chồng” là vua Cao Tôn như pho tượng gỗ kia mà làm cho thiên hạ lần lần phải phục mình. Sau khi vua giao quyền chánh cho 14 năm, thì có chiếu chỉ ra bắt thần dân phải xưng vua là “Thiên hoàng” xưng bà là “Thiên hậu”, còn khi nào kêu chung thì kêu bằng “Nhị thánh”. Lại sau đó 5 năm nữa, gặp ngày lễ nguyên đán, một mình bà đứng nhận lễ triều hạ của bá quan. Mỗi ngày một chút, làm cho con mắt thần dân quen đi, nhìn bà tức là hoàng đế nhà Đường mà không tự biết, cái chước ấy mới lại là thần diệu nữa. Các đế quốc đời nay đi chinh phục nước người, dời cái chánh quyền ở tay nầy qua tay khác mà không làm ngay một lần, vẫn theo cái kiểu “từng bước một” của bà Võ hậu đó.
Lúc còn vua Cao Tôn, bà muốn làm gì thì cứ lấy lưng vua mà làm, tức là cái thời kỳ còn dùng roi sắt. Đến lúc Cao Tôn băng rồi, bà lên xưng chế, kế đó lại chánh ngôi Thiên tử nữa, thời kỳ nầy đâu đặng chẳng dùng tầm sắt và gươm? Từ đây bà mới thiệt hành cái chánh sách trị thẳng tay, hễ ai thuận ta thì còn, nghịch ta thì chết.
Liền trong năm phế vua Trung Tôn, tức là năm 684 theo Tây lịch, Võ hậu lập ra phép “cáo mật” nghĩa là cho nhân dân bất kỳ ai, được phép đem việc bí mật của kẻ khác mà cáo với quan. Phép nầy thi hành nghiêm nhặt lắm, có lẽ còn hơn cái chế độ mật thám ngày nay nữa. Thử kể lấy một vài chuyện trong sử đã chép.
Một bọn lính đương uống rượu trong quán. Có một tên lính nói rằng: “Phải chi bọn mình biết trước nỗi nầy thì thà phò Lư Lăng vương (Trung Tôn) cho trọn còn hơn!” Không ngờ trong bọn có một người đứng dậy đi cáo rồi. Tiệc rượu còn chưa dẹp thì lính Võ hậu đã tới bắt hết thảy mà hạ ngục. Không bao lâu, kẻ nói phò Lư Lăng đó bị tội trảm và những kẻ kia tội giảo, còn người cáo mật thì được phong làm quan.
Hầu Tư Chỉ là một đứa vô lại, đã tố giác ra chuyện Bùi Trinh cùng Nguyên Danh mưu phản. Chẳng biết có thiệt trạng không, song hai người nầy đều bị tội. Còn Tư Chỉ thì xin làm ngự sử. Võ hậu nói rằng: “Nhưng mầy không biết chữ thì sao?” Tư Chỉ nói rằng: “Con chó mấy biết chữ, hễ cứ thấy kẻ trộm thì cắn là được”. Võ hậu liền cười mà cho làm ngự sử để thưởng công cho nó.
Bấy giờ lại còn đặt ra nhiều những hình nghiêm phép nhặt để trừng trị những kẻ phản đối. Võ hậu đã giết mất bao nhiêu tôn thất nhà Đường, chẳng hề gớm tay. Bởi vậy ai nấy đều khiếp phục sát rạt hết thảy, . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Duy có một điều kẻ đọc sử chẳng nên bỏ qua, là sau khi thiên hạ khiếp phục rồi những hình pháp ấy lần lần bãi bỏ hết; và những kẻ thừa hành một cách quá tàn nhẫn, tức kêu là “khốc lại” bấy giờ, như bọn Châu Hưng, Lai Tuấn Thần, rốt lại cũng bị tru lục chẳng tha.
Sao gọi là một tay vận động nữ quyền kịch liệt ?
Có lẽ Võ hậu cầy cục bấy nhiêu năm, làm những việc nhẫn tâm bại lý cho được lên ngôi hoàng đế, cầm quyền chánh trong tay, là cốt để nâng cái quyền đàn bà lên và trả thù lại bọn đàn ông mấy mươi đời nay chăng. Chưa chắc. Nhưng cứ theo sử chép thì có nhiều việc làm chứng rằng Võ hậu là một người vận động nữ quyền.
Hồi vua Cao Tôn mới giao quyền cho bà, bà có về thăm Tịnh Châu là quê hương mình một lần. Bấy giờ bà đãi các người vợ quan (mạng phụ) một tiệc yến rất lớn; còn bao nhiêu đàn bà 80 tuổi trở lên đều phong cho chức Quận quân.
Triều vua Cao Tôn, Lân Đức thứ hai (665), bà xúi vua cử hành lễ phong thiện. (1) Trong khi tế Hoàng Địa Kỳ (Thần Đất) tại núi Xã Thủ, bà đứng dâng tuần rượu thứ nhì, còn một bà quý tộc nữa kêu là Việt quốc đại phi đứng dâng tuần rượu thứ ba. Cái quyền chủ tế xưa nay về đàn ông cả, bây giờ người ta mới thấy đàn bà đứng lần thứ nhứt. Sở dĩ có sự nầy là tại bà đã cãi lẽ với vua cứng cát lắm, bà nói rằng: “Trong khi tế Trời, hoàng đế đứng chủ tế, công khanh hầu việc, phải rồi; chớ còn tế Đất, thuộc về âm, mà cũng dùng đàn ông, coi kỳ quá; vậy xin để hoàng hậu hành lễ, các mạng phụ thì chấp sự”. Vua cho phải, bèn làm theo lời bà.
Sau đó 16 năm, trước khi Cao Tôn băng hai năm, bà mở cuộc đại yến, đãi bách quan cùng mạng phụ tại đền Lân Đức. Đọc suốt một bộ Thông giám cương mục, tức sử Tàu của Chu Hy làm ra, chép những cuộc đại yến của nhà vua có 16 lần, mà chỉ lần nầy có đàn bà dự tiệc. Ấy là theo lời một nhà khảo cứu kia đã nói.
Mấy điều trên đó tỏ ra rằng Võ hậu có ý nhắc cái địa vị đàn bà lên một bậc để cho họ mở mày mở mặt giữa loài người, kẻo xưa nay bị đàn ông giày vò luôn, mất cả tư cách.
Bà lại còn lợi dụng cái tâm lý hay kính quỷ thần của dân Tàu, mà làm cho người ta sanh cái lòng tôn trọng đàn bà. Sách Tàu có truyện rằng xưa kia bà Tây Lăng nguyên phi là vợ vua Hoàng Đế đã bày ra nghề tằm tơ. Trong năm Hiển Khánh nguyên niên (656) và Thượng Nguyên nhị niên (675), cũng về triều Cao Tôn, bà cử hành đại lễ tế Tây Lăng nguyên phi hai lần, kêu là lễ “tự tiên tàm”. Làm vậy cũng như nhắc cho thần dân nhìn cái áo lụa mình mặc mà nhớ rằng cái nầy là của một người đàn bà phát minh ra, tự nhiên phải nẩy lòng cảm ơn và sùng bái vậy.
Bà lại có nhóm những nhà văn học như bọn Lư Tư Mậu, Phạm Lý Băng mà soạn ra sách Liệt nữ truyện 20 cuốn, và sách Cổ kim nội phạm một trăm cuốn, in phát cho thiên hạ, để chúng biết rằng xưa nay trong hàng phụ nữ cũng vô số người có tài có đức, chẳng kém gì đàn ông đâu.
Đến như việc sắp kể dưới đây thì thật là Võ hậu định ý phá cái gia đình thuộc về quyền cha và nâng người vợ lên cho được bình đẳng với người chồng.
Theo lễ đời xưa, cha còn thì để tang cho mẹ có một năm. Vả, cha mẹ sanh thành, công ơn như một, mà làm như vậy thì khác nào thừa nhận rằng công ơn của mẹ kém cha. Cái lẽ ấy chẳng qua là vì sự áp chế đàn bà mà đặt ra đó thôi. Võ hậu phản đối riết điều ấy. Nhằm năm bà được xưng là Thiên hậu (674), bà xin vua Cao Tôn hạ lịnh bỏ cái cổ lễ ấy mà định lại là cũng để tang ba năm, chỉ khác một chút áo lên gấu. Cái tang lễ Võ hậu sửa lại đây hạp với tâm lý của mọi người làm con lắm, nên từ đó đến giờ, hơn một ngàn hai trăm năm, người ta vẫn tuân theo, cả người Nam mình cũng vậy.
Trong khi ban ra cái lịnh nầy, vua Cao Tôn trầm trồ khen cái ý kiến của bà là rất hay rất phải; sau lúc thi hành, ai nấy đều phục tình, không có một lời nào dị nghị. Tôi nhắc thêm câu ấy để cho biết rằng những lễ chế của ông thánh đời xưa đặt ra, chẳng phải là đúng hết thảy đâu, thiệt có nhiều điều bức lòng người ta quá. Võ hậu hiểu thấu đến chỗ đó nên cải cách phăng đi, mà mọi người đều lấy làm hả dạ.
Đại khái Võ hậu đã làm được những điều như vậy. So với cuộc vận động nữ quyền ở các nước ngày nay, thiệt không thấm vào đâu; nhưng đương hồi đó, lấy tài lực một người đàn bà mà làm được đến thế cũng là đáng phục. Tiếc thay sau cái đời bà chẳng còn cô nào noi dấu, cho nên cái địa vị phụ nữ chẳng được tăng cao lên thì chớ, lại còn mỗi ngày mỗi thêm trụy lạc!
Lời biện hộ
Những chuyện kể trên nầy là do ở các sách chánh sử, như Cựu Đường thơ, Tân Đường thơ, Thông giám cương mục mà lặt ra, chớ chẳng phải tìm kiếm ở cái nguồn nào lạ mà hòng e rằng không thể tin được. Mà coi đó thì chẳng thấy Võ hậu có chỗ nào đáng cho người đời sau nhục mạ hết.
Những nhà bàn sử đại khái lấy hai điều mà rủa mắng bà: một là tàn ác; hai là dâm uế.
Hai sự nầy cũng có chép cả trong chánh sử, và trên kia tôi cũng đã thuật qua rồi. Song le, nếu lấy lẽ công bình ra mà nói, thì hai sự đó cũng chẳng đáng trách quá, vì có những cớ khác mạnh hơn để chống lại.
Đại phàm sau cuộc cách mạng thì thế nào cũng phải có sự chém giết lung. Cái đó như là một cái công lệ của lịch sử xưa nay, không thế nào tránh khỏi được. Vì nếu chẳng có cái thủ đoạn tàn nhẫn ấy thì khó mà làm cho trong nước được hòa bình an ổn. Như hồi Cao Tổ nhà Hán tru Tần diệt Hạng rồi, còn giết hết bao nhiêu công thần, lại giữa cuộc cách mạng nước Pháp cũng thấy chém người như chém chuối, đến nỗi người ta phải đặt tên riêng cho thời đợi bấy giờ là Khủng bố thời đợi (La Terreur, 1793-1794). Đàn ông tranh với đàn ông là cuộc cách mạng thường, mà còn phải đang tay giết người như vậy; huống chi cuộc cách mạng của Võ hậu, đàn bà tranh với đàn ông, là cuộc cách mạng đặc biệt, mà biểu từ bi hỉ xả rồi thành công được sao? cho nên sự tàn ác của Võ hậu là một sự bất đắc dĩ, cũng như trong các cuộc cách mạng khác, không dạn tay, không thể được.
Nói đến sự dâm uế thì là chuyện kín trong buồng người ta, nhà bàn sử - mà cho ai cũng vậy - chẳng đáng đặt miệng vào. Tôi đã đọc qua sách Tử bất ngữ của Viên Mai, trong có một bài kêu là “Khống hạc giám bí ký” toàn nói chuyện dâm ô của Võ hậu. Những chuyện như vậy ai biết mà chép lại? thật là đáng ngờ. Song nếu thiệt chăng nữa, thì cũng chỉ là chuyện riêng của đàn bà, người quân tử nếu biết tự trọng thì đừng nói tới.
Còn cứ theo chánh sử, thì thấy có chép những lời đại khái như vầy:
“Trương Xương Tôn và Trương Dịch Chi, là hai chàng thiếu niên đẹp trai. Bà Thái Bình công chúa đưa cho vào trong cung, thì đều được gần gụi Thái hậu. Hai người thường dồi phấn, mặc đồ gấm vóc, được ban cho không xiết kể”.
“Thái hậu bắt Xương Tôn mặc áo lông, thổi ống sáo, cỡi con hạc gỗ dạo trong sân. Các văn sĩ đều làm thơ mà khen ngợi. Thái hậu lại chọn nhiều con trai trẻ và đẹp cho vào cung phụng chốn nội đình”.
Trước kia đã nói, vì con mắt và cái óc người ta đã quen đi, rồi thấy những chuyện như vầy cho là trái lẽ, chớ kỳ thiệt cũng là chuyện thường. Các ông vua nhốt trong cung đến những mấy ngàn đàn bà, hoang dâm vô độ, ấy là cái quyền của các ổng. Vậy thì bà vua Võ hậu chọn cung nhân bằng đàn ông để mua vui trong lúc “vạn cơ chi hạ”, cũng là cái quyền của bả. Như nói Võ hậu làm như vậy là thương luận bại lý, thì các ông vua làm như kia cũng như thương luân bại lý. Không trách thì thôi; đã trách thì nên trách hết thảy.
Hoặc giả ấy là một cuộc báo thù cũng nên. Bắt đàn ông dồi phấn, bắt mặc áo lông, cỡi hạc, đem cái anh tu mi nam tử ra làm trò đùa như vậy, há chẳng phải là Võ hậu định làm để trả cái thù bọn đàn ông bao lâu nay đã tồi tàn phụ nữ.
Thế là từ nay Võ hậu đã được tuyên cáo trắng án, ta chờ còn đem cái danh từ sỉ nhục ấy mà dùng.
Tôi viết bài nầy, cái ý thân oan cho một người đàn bà còn là ý thứ hai ; mà cái ý cốt của tôi là muốn cho chúng ta phê bình một người nào, phải xét rõ lịch sử, hoàn cảnh, tâm sự của người ấy rồi sẽ phê bình, chớ đừng có đụng đâu nói đó.
PHAN KHÔI
Nguồn :
Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s.53 (22.5.1930); s.55 (5.6.1930)
(1*) sớm mơi (viết theo phương ngữ Nam Kỳ): cũng như “sớm mai”.
(3*) án dá: vua chết (theo Đào Duy Anh: sđd)
(4*) thể phát: cắt tóc, cạo đầu (thế : cạo, gọt) (theo H.T.Paulus Của : sđd.)
(5*) Lưu ý: Cách gọi miếu hiệu các vua Trung Hoa và Việt Nam trên báo chí tiếng Việt trước 1945, các từ “Tôn” thực ra là “Tông”, do thực hiện lệ kiêng húy của triều Nguyễn (vua Thiệu Trị tên là Nguyễn Miên Tông).
(6*) Có tài liệu gọi là Duệ Tông (Lý Đán) (theo Niên biểu lịch sử Trung Quốc, bản dịch, Hà Nội: Nxb. Thế giới, 2001, tr.103).
(7*) Châu (đọc theo giọng Trung Bộ, Nam Bộ) cũng là Chu.
(1) Phong thiện cũng giống lễ tế giao, tế Trời Đất và các Thần, nhưng tế trên các núi cao. (nguyên chú của PK).