Nguyên Tắc Tách Biệt Nhà Nước và Tôn Giáo tại Mỹ





Từ những thời kỳ đầu trong lịch sử của mình, người Mỹ đã bác bỏ khái niệm tôn giáo được chính thức hóa hoặc được chính phủ ủng hộ, một khái niệm đã thống trị - và chia cắt - nhiều nước châu Âu. Việc tách biệt nhà thờ và nhà nước đã được nêu trong Điều bổ sung sửa đổi thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ, trong đó quy định “Quốc hội sẽ không ban hành một đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo, hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng...”.

Điều bổ sung sửa đổi thứ nhất có vẻ rất rõ ràng, song đôi khi ngay cả các chuyên gia Hiến pháp Hoa Kỳ cũng gặp phải khó khăn khi muốn tạo một đường phân cách rõ ràng giữa chính quyền và tôn giáo tại Hoa Kỳ. Sinh viên tại các trường công lập có thể không cầu nguyện công khai trong lúc ở trường, song các phiên họp Quốc hội Hoa Kỳ thường khởi đầu với lời cầu nguyện của một vị bộ trưởng. Các thành phố có thể không trưng bày cảnh Thiên chúa giáng sinh tại những nơi công cộng, song khẩu hiệu “Chúng ta tin tưởng vào Chúa” lại xuất hiện trên đồng tiền của Hoa Kỳ, và tiền quyên góp cho các tổ chức tôn giáo có thể được dùng để khấu trừ thuế thu nhập. Những sinh viên theo học tại các trường cao đẳng, đại học có liên hệ với nhà thờ có thể được nhận tiền vay từ Liên bang như các sinh viên khác, song em ruột của họ lại có thể không được nhận tiền của Liên bang giành riêng cho việc theo học tại các trường tiểu học hoặc trung học tôn giáo.

Có lẽ không bao giờ có thể giải quyết được những mâu thuẫn hiển nhiên này. Thực ra, chúng bắt nguồn từ một bất cập trong bản thân Điều bổ sung sửa đổi thứ nhất, theo đó quy định Quốc hội không chính thức hóa mà cũng không can thiệp vào tôn giáo. Việc cố gắng tìm ra một hướng đi rõ ràng giữa hai mệnh đề đó là một trong những công việc tế nhị nhất của các công chức Hoa Kỳ.

GIẢI THÍCH ĐIỀU BỔ SUNG SỬA ĐỔI THỨ NHẤT

Một trong những khu định cư lâu dài đầu tiên ở nơi được gọi là các khu kiều dân Bắc Mỹ được thành lập bởi những nhà Thanh giáo người Anh, những người theo thuyết

Can-vin bị gạt ra ngoài lề ở quê hương họ, nơi mà Nhà thờ của Anh được chính thức hoá. Những người Thanh giáo định cư ở bang Massachusetts, nơi họ đã phát triển thịnh vượng. Họ coi thành công của mình là dấu hiệu rằng Chúa phù hộ cho họ, và họ cho rằng những người bất đồng với quan điểm tôn giáo của họ không đáng được dung thứ.

Khi những người lãnh đạo thuộc địa trục xuất một trong những thành viên của mình là Roger Williams vì bất đồng với tăng lữ, Williams đã đáp lại bằng việc sáng lập ra một khu kiều dân riêng biệt, sau này trở thành bang Rhode Island nơi mà mọi người được hưởng tự do tôn giáo. Hai bang khác cũng khởi đầu như những nơi trú ẩn cho những người bị trừng phạt vì tín ngưỡng tôn giáo của họ: bang Maryland là nơi nương náu của những tín đồ Công giáo và bang Pennsylvania của Hội giáo hữu - một nhóm tín đồ đạo Tin lành mà các thành viên theo thuyết về cuộc sống đơn giản và chủ nghĩa hòa bình.

Thậm chí sau khi thông qua Hiến pháp vào năm 1787 và Đạo luật về Quyền con người (bao gồm Điều bổ sung sửa đổi thứ nhất) vào năm 1791, giáo phái Tin lành vẫn tiếp tục được hưởng địa vị ưu tiên tại một số bang. Ví dụ, bang Massachusettes không xóa bỏ quan hệ giữa nhà thờ và chính quyền cho tới tận năm 1833. (Khi được viết ra, Điều bổ sung sửa đổi thứ nhất chỉ áp dụng cho chính quyền Liên bang chứ không cho các bang. Điều bổ sung sửa đổi thứ mười bốn, được thông qua vào năm 1868, cấm các bang “cướp đi của bất kỳ ai sinh mệnh, tự do hoặc tài sản mà không theo một quy trình do luật định”. Điều khoản này được giải thích là các bang phải bảo vệ các quyền - bao gồm quyền tự do tôn giáo - được bảo đảm bởi Đạo luật về các quyền).

Trong thế kỷ XX, quan hệ giữa nhà thờ và chính quyền đã đạt đến một giai đoạn xung đột mới - sự xung đột giữa trách nhiệm công dân và lương tâm cá nhân. Những nét lớn của một cách tiếp cận tới sự xung đột đó hình thành trong một số phán quyết của Tòa án Tối cao.

Có lẽ đáng chú ý nhất trong số đó là vụ Sở Giáo dục bang Tây Virginia kiện Barnette (1943). Vụ kiện phát sinh từ việc một số thành viên của giáo phái Chứng nhân Thượng đế từ chối chào cờ Hoa Kỳ trong lúc ở trường học, một điều được quy định trong luật của bang. Những người theo giáo phái Chứng nhân tranh luận rằng vì tín ngưỡng của họ cấm đoán những lời thề trung thành như thế nên họ đã bị ép buộc phải làm trái với lương tâm của mình. Ba năm trước đó, Tòa án Tối cao đã ủng hộ một điều luật gần tương tự như vậy - một quyết định đã bị chỉ trích thẳng thừng. Trong một vụ kiện vào năm 1943, Tòa Tối cao trên thực tế đã tự bác bỏ phán quyết của mình bằng việc viện dẫn một điều khoản khác trong Điều bổ sung sửa đổi thứ nhất, điều khoản về đảm bảo tự do ngôn luận. Việc chào cờ được coi là một dạng ngôn luận, một điều mà chính quyền bang không thể buộc các công dân của mình phải thi hành.

Kể từ đó, Tòa án Tối cao đã tạo ra những ngoại lệ khác đối với pháp luật thay mặt cho những nhóm tôn giáo nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn một sự phân biệt giữa các vấn đề về lương tâm cá nhân và hành động có tác động xấu tới người khác. Chính vì thế, những thành viên của Nhà thờ Chúa Giê-su của Những vị thánh ngày nay (những tín đồ của giáo phái Mormon) đã bị bỏ tù vào thế kỷ 19 vì thực hiện chế độ đa thê (sau này Nhà thờ Mormon không thừa nhận chế độ đa thê nữa). Gần đây hơn, có những bậc cha mẹ bị buộc tội sơ suất mang tính tội phạm vì không chịu tìm kiếm trợ giúp y tế cho con cái ốm đau của mình, để cho chúng bị chết, mặc dù tín ngưỡng tôn giáo của những người cha mẹ đó thể hiện rằng họ từ chối việc điều trị vì lòng tin sẽ là phương thuốc.

NHỮNG TÍN ĐỒ TIN LÀNH - TỰ DO VÀ BẢO THỦ

Đã có nhiều đợt sóng cổ vũ tôn giáo quét qua nước Mỹ. Một trong số đó xảy ra vào những năm 1740, gọi là Sự Thức tỉnh Lớn, hợp nhất nhiều chi phái Tin lành trong một nỗ lực nhằm chiến thắng một cảm giác tự mãn đã phương hại tôn giáo có tổ chức. Một làn sóng Thức tỉnh Lớn thứ hai tràn qua bang New England vào đầu thế kỷ XIX.

Tuy nhiên, không phải tất cả các giáo sĩ ở New England đều đồng tình với lời kêu gọi phục hưng. Một số người đã từ bỏ ý tưởng về vận mệnh theo thuyết Can-vin, theo ý tưởng này thì Chúa đã chọn những người sẽ được cứu rỗi - “những người được chọn” - và không cho con người khả năng tác động tới số phận của mình thông qua những việc thiện hoặc các biện pháp khác. Một số mục sư thuyết giáo rằng tất mọi người đều có ý chí tự do và có thể được cứu rỗi. Những người khác thậm chí còn có quan điểm tự do hơn, từ bỏ rất nhiều tín ngưỡng Cơ đốc giáo truyền thống. Họ chịu ảnh hưởng của tư tưởng tiến bộ đã trở nên phổ biến ở Hoa Kỳ. Giống như việc khoa học điều chỉnh hiểu biết của chúng ta về thế giới tự nhiên, họ cho rằng lý trí cần thúc đẩy việc đánh giá lại các học thuyết tôn giáo.

Giáo phái Tin lành Tự do ở Mỹ vào thế kỷ 19 được liên kết với những trào lưu tương tự ở châu Âu, nơi mà các học giả đọc và lý giải Kinh thánh theo một cách mới. Họ đặt vấn đề về tính đúng đắn của những phép màu theo kinh thánh và những tín ngưỡng truyền thống về tác giả của những quyển kinh. Họ cũng tranh luận về sự thách thức đối với thuyết tiến hóa của Charles Darwin. Nếu con người đã tiến hóa từ các loài động vật khác, như hầu hết các nhà khoa học đều tin tưởng, thì câu chuyện về Ađam và Eva, tổ tiên của loài người theo kinh thánh, không thể đúng được.

Điều phân biệt những tín đồ Tin lành tự do của thế kỷ XIX với bản sao của họ trong thế kỷ XX là niềm lạc quan về khả năng tiến bộ của con người. Một số mục sư thời kỳ đầu tin tưởng rằng nhà thờ có thể thúc đẩy sự tiến bộ bằng cách nỗ lực đổi mới xã hội. Theo tinh thần của sách Phúc âm, họ bắt đầu làm việc nhân danh những người dân nghèo thành thị. Những giáo sĩ tự do ngày nay - không chỉ những giáo sĩ đạo Tin lành mà cả Công giáo và các giáo phái khác nữa - có thể ít tin tưởng hơn rằng sự tiến bộ chắc chắn sẽ xảy ra, song nhiều người trong số họ vẫn tiếp tục nỗ lực đại diện cho người nghèo bằng cách thu xếp nơi trú ẩn cho những người vô gia cư, cung cấp thức ăn cho người đói, tổ chức những trung tâm trông trẻ vào ban ngày, và lên tiếng về các vấn đề xã hội. Nhiều người tích cực hoạt động trong phong trào giáo hội toàn thế giới, phong trào này tìm cách đưa tới sự hợp nhất những tín đồ Cơ đốc vào một giáo hội.

Trong khi những tín đồ Tin lành tự do tìm cách nới lỏng học thuyết thì những người bảo thủ lại tin rằng việc rời xa chân lý của Thánh kinh là phi lý. Nhánh đạo Tin lành của họ thường được gọi là phái “Phúc âm”, xuất phát từ lòng nhiệt thành của họ đối với sách phúc âm trong Kinh Tân ước.

Những tín đồ Cơ đốc của phái Phúc âm nghiêng về một cách tiếp cận tham gia say mê đối với tôn giáo, và những buổi lễ của họ thường tạo cảm xúc mạnh, với dàn đồng ca và những bài thuyết giáo ấn tượng gợi lên những phản ứng mạnh mẽ từ phía giáo đoàn. Đặc biệt, miền Nam trở thành một pháo đài của kiểu “tôn giáo cổ” này, và nhà thờ Rửa tội bảo thủ rất có ảnh hưởng ở vùng đó. Trong những thập niên gần đây, một số nhà thuyết giáo đã đưa bài giảng đạo của mình lên truyền hình, thuyết giáo như những “nhà truyền giáo từ xa” cho Đông đảo người nghe.

Vào năm 1925, cuộc xung đột giữa đức tin bảo thủ và khoa học hiện đại đã được thể hiện rõ trong cái được gọi là cuộc xử án Scopes ở Tennessee. John Scopes, một giáo viên sinh học ở trường trung học, bị truy tố vi vi phạm một đạo luật của bang cấm giảng dạy thuyết tiến hóa tại các trường công lập. Scopes bị luận tội sau một phiên tòa nổi tiếng với luật sư hình sự giỏi nhất nước Mỹ thời đó, Clarence Darrow, làm luật sư bào chữa và vị cựu ứng cử viên tổng thống theo chủ nghĩa dân túy nổi tiếng William Jennings Bryan đại diện cho bên nguyên.

Kể từ đó, Tòa án Tối cao đã phán quyết rằng những điều luật cấm việc giảng dạy thuyết tiến hóa vi phạm điều khoản của Điều bổ sung sửa đổi nhất cấm việc chính thức hóa tôn giáo. Sau này, bang Louisiana đã thử một cách tiếp cận khác: Bang này cấm dạy thuyết tiến hóa trừ khi học thuyết về sự sáng tạo đặc biệt theo kinh thánh được dạy như một sự lựa chọn. Cả hành động này cũng bị Tòa Tối cao bác bỏ, coi đó là một sự chính thức hóa tôn giáo.

Bất chấp những phán quyết rõ ràng của Tòa án Tối cao, vấn đề nêu trên và các vấn đề tương tự về sự xung đột giữa lý trí và tín ngưỡng vẫn tồn tại. Những người bảo thủ trung thành với tôn giáo tranh luận rằng việc chỉ dạy thuyết tiến hóa nâng lý tính con người lên trên chân lý thiên khải và do đó chống lại tôn giáo. Và thậm chí một số nhà tư tưởng mà có thể được coi là những người tự do về các vấn đề khác cũng cho rằng ngành truyền thông và các định chế khác của nước Mỹ đã tạo nên một bầu không khí có xu hướng coi nhẹ, nếu không muốn nói là nhạo báng tổ chức tôn giáo. Trong khi đó, xu hướng tiến tới loại bỏ việc giảng dạy và thực hành tôn giáo khỏi các trường công lập đã khiến cho một số bậc cha mẹ gửi con mình tới các trường tôn giáo và một số người khác thì nuôi dạy con cái ở nhà.

CÔNG GIÁO VÀ CÁC TRƯỜNG HỌC TÔN GIÁO

Tính đến thời điểm của cuộc Nội chiến, hơn một triệu tín đồ Công giáo người Ai-len đã tới Hoa Kỳ. Tại một đất nước mà đa số là tín đồ Tin lành, họ và những người Công giáo thuộc các nguồn gốc khác đều phải chịu nhiều thành kiến. Mãi đến năm 1960, một số người Mỹ vẫn chống đối ứng cử viên tổng thống người Công giáo là John F. Kennedy với lý do rằng nếu được bầu chọn, ông sẽ tuân lệnh của Giáo hoàng. Kennedy đã trực tiếp đối phó với vấn đề này, cam kết sẽ là một vị Tổng thống Mỹ, và việc ông trúng cử đã giúp giảm đi rất nhiều thành kiến chống đối Công giáo tại Hoa Kỳ.

Mặc dù người Công giáo chưa bao giờ bị cấm tới trường học công hoặc bệnh viện, song bắt đầu từ thế kỷ XIX họ đã xây dựng những cơ quan của riêng mình, những cơ quan này đáp ứng các tiêu chuẩn được công nhận đồng thời tuân thủ những giáo lý của tín ngưỡng và đạo đức Công giáo. Mặt khác, Nhà thờ Công giáo không đòi hỏi các thành viên của mình phải tới những cơ quan do nhà thờ quản lý. Nhiều sinh viên người Công giáo theo học tại những trường công lập và các trường thế tục. Song các trường Công giáo vẫn đào tạo nhiều người Công giáo trẻ, cũng như một số lượng ngày càng nhiều những người ngoài Công giáo, những người mà cha mẹ của họ bị lôi cuốn bởi kỷ luật và chất lượng giảng dạy.

Người Công giáo từ lâu đã nhận ra rằng sự tách biệt nhà thờ và nhà nước bảo vệ cho họ, giống như tín đồ của các tôn giáo khác, trong việc thực hành tín ngưỡng của họ. Song do chi phí của việc duy trì một hệ thống giáo dục riêng rẽ tăng cao, người Công giáo bắt đầu đặt vấn đề đối với một ứng dụng của nguyên tắc đó. Các bậc cha mẹ người Công giáo suy luận rằng những khoản thuế họ nộp góp phần chi cho các trường công lập, song họ đã tiết kiệm tiền cho chính phủ bằng việc gửi con mình tới các trường tư, nơi họ cũng phải trả học phí. Họ tìm cách để có thể giành được một phần ngân qũy công cộng thanh toán các chi phí giáo dục của họ. Những bậc cha mẹ gửi con tới các trường tư khác, không nhất thiết là trường tôn giáo, cũng tham gia vào nỗ lực này.

Cơ quan lập pháp của nhiều bang cảm thông với điều đó, song Tòa án Tối cao coi hầu hết những nỗ lực nhằm giúp đỡ trường học tôn giáo đều là phi hiến pháp. Tòa Tối cao cho rằng quá nhiều “sự dính líu” giữa nhà nước và nhà thờ là vi phạm điều khoản của Điều bổ sung sửa đổi thứ nhất cấm chính thức hóa tôn giáo. Những nỗ lực nhằm thay đổi sự tách biệt nhà thờ và nhà nước bằng cách sửa đổi Hiến pháp cho đến nay chưa thành công.

MẢNH ĐẤT CỦA NHIỀU TÍN NGƯỠNG

Cũng giống như người Công giáo, người Do Thái là một cộng đồng thiểu số nhỏ trong những năm đầu của nền cộng hòa Mỹ. Cho đến cuối thế kỷ 19, hầu hết người Do Thái ở Mỹ đều là người gốc Đức. Nhiều người trong số họ thuộc phong trào Cải cách, một nhánh tự do của đạo Do Thái mà đã tiến hành nhiều sự điều chỉnh cho phù hợp với cuộc sống hiện đại. Chủ nghĩa bài xích Do Thái, hay thành kiến chống người Do Thái, không phải là một vấn đề lớn trước cuộc Nội chiến. Song khi người Do Thái bắt đầu tới Hoa Kỳ với số lượng lớn thì chủ nghĩa bài xích Do Thái xuất hiện. Người Do Thái từ Nga và Ba Lan, vốn là những người Do Thái Chính thống tuân thủ nghiêm ngặt truyền thống và chế độ ăn kiêng của đạo Do Thái, sống co cụm ở những vùng lân cận thành phố khi họ mới tới Hoa Kỳ.

Thường thì trẻ con Do Thái học ở các trường công lập và nhận sự chỉ dẫn tôn giáo tại những trường đặc biệt của người Do Thái. Con cái của những người nhập cư Do Thái nhanh chóng đi vào các ngành nghề và vào các trường đại học ở Mỹ, nơi nhiều người trở thành những lãnh tụ trí thức. Nhiều người vẫn là tín đồ ngoan đạo, trong khi một số người khác tiếp tục coi bản thân mình là người Do Thái về mặt dân tộc, song lại chấp nhận một quan điểm thế tục, phi tôn giáo.

Để đấu tranh với thành kiến và sự phân biệt đối xử, người Do Thái đã lập ra Liên đoàn Chống phỉ báng B‟nai Brith, tổ chức này đóng một vai trò lớn trong việc giáo dục người Mỹ về sự bất công của những thành kiến và giúp họ ý thức được những quyền của không chỉ người Do Thái mà của tất cả các nhóm người thiểu số.

Cho đến những năm 1950, một mô hình ba tín ngưỡng đã bén rễ: người Mỹ được cho là chia thành ba loại cơ bản - Tin lành, Công giáo và Do Thái giáo. Thứ tự trên phản ánh sức mạnh về số lượng của mỗi nhóm: Theo kết quả điều tra của năm 1990, người Tin lành thuộc tất cả các giáo phái đạt 140 triệu người; người theo Công giáo là 62 triệu; và người theo Do Thái giáo là 5 triệu.

Ngày nay, công thức ba tín ngưỡng đó đã trở nên lỗi thời. Tín ngưỡng Hồi giáo cũng có 5 triệu người Mỹ ủng hộ, nhiều người trong số đó là những người cải đạo Mỹ-Phi. Người ta ước tính rằng con số những nhà thờ Hồi giáo ở Hoa Kỳ - ngày nay là khoảng 1.200 - đã tăng gấp đôi trong 15 năm qua. Đạo Phật và Ấn Độ giáo đang phát triển với sự nhập cư của những người tới từ các nước nơi đó là những tôn giáo chính. Trong một số trường hợp, những nhà thờ Cơ đốc giáo trong thành phố mà có tín đồ di chuyển ra khu vực ngoại ô đã bán tòa nhà của mình cho những tín đồ Phật giáo, những người này sửa chữa lại chúng để phục vụ việc hành lễ của họ.

NHỮNG NGUYÊN TẮC CỦA SỰ CHẤP NHẬN

Nước Mỹ là một mảnh đất màu mỡ cho các tôn giáo mới. Những Nhà thờ Khoa học Cơ đốc giáo và giáo phái Đa thê có lẽ là những tín ngưỡng nổi tiếng nhất đã xuất hiện trên đất Mỹ. Do truyền thống không can thiệp vào các vấn đề tôn giáo của mình, Hoa Kỳ cũng đã trở thành ngôi nhà ấm cúng cho nhiều giáo phái nhỏ từ hải ngoại. Ví dụ, giáo phái Amish, con cháu của những người Đức nhập cư sống chủ yếu ở Penn-sylvania và các bang lân cận, đã sống rất bình dị, mặc quần áo đơn giản và xa lánh công nghệ hiện đại từ nhiều thế hệ.

Một số nhóm nhỏ được coi là những giáo phái bởi vì họ đi theo những tín ngưỡng cực đoan và có xu hướng ca tụng một nhân vật sáng lập. Miễn là các giáo phái và tín đồ của họ tuân thủ pháp luật, họ thường được để yên. Thành kiến tôn giáo rất hiếm thấy ở nước Mỹ, và các buổi gặp gỡ và sự hợp tác liên tín ngưỡng rất phổ biến.

Khía cạnh gây tranh cãi nhất của tôn giáo ở Hoa Kỳ ngày nay có lẽ là vai trò của nó trong chính trị. Trong những thập niên gần đây, một số người Mỹ đã dần tin tưởng rằng sự tách biệt nhà thờ và nhà nước đã được giải thích theo những cách chống đối tôn giáo. Những người thủ cựu tôn giáo và những người theo trào lưu chính thống đã hợp sức lại thành một phong trào chính trị mạnh mẽ gọi là phong trào Cánh hữu Cơ đốc. Một trong những mục tiêu của họ là, bằng cách sửa đổi hiến pháp hoặc luật pháp, lật lại các quyết định của Tòa án Tối cao cho phép việc phá thai và cấm cầu nguyện trong trường công lập. Ralph Reed, cựu Giám đốc Điều hành của Liên hiệp Tín đồ Cơ đốc đã ước tính rằng một phần ba số đại biểu tới dự Hội nghị đảng Cộng hòa năm 1996 là thành viên nhóm của ông hoặc các nhóm tín đồ Cơ đốc thủ cựu tương tự như vậy, đây là một tín hiệu cho thấy sự dính líu ngày càng tăng của tôn giáo trong chính trị.

Mặc dù một số nhóm công khai thể hiện niềm tin tôn giáo của mình, song đối với hầu hết người dân Mỹ, tôn giáo là một vấn đề cá nhân không thường được thảo luận trong các cuộc đàm thoại hàng ngày. Đại đa số thực hành tín ngưỡng của mình một cách lặng lẽ theo cách mà họ chọn - là thành viên của một trong những giáo phái truyền thống, hoặc tham gia vào những nhóm tín đồ không thuộc giáo phái cụ thể nào, hoặc với tư cách cá nhân không tham gia vào nhóm có tổ chức nào. Dù người Mỹ chọn cách thực hành tín ngưỡng của họ như thế nào thì họ cũng là những người theo đạo. Chín trong số mười người Mỹ thể hiện một khuynh hướng tôn giáo nào đó, và khoảng 70% là thành viên của các nhóm tín đồ tôn giáo.