Nhất Linh bắt đầu viết Dòng Sông Thanh Thủy ngày 28/11/1960. Cuốn đầu, Ba Người Bộ Hành, 248 trang, viết trong vòng một tháng. Hai tập sau chắc cũng viết rất nhanh bởi toàn bộ ba cuốn, hơn 600 trang, được nhà Ðời Nay in năm 1961, hai năm trước khi Nhất Linh quyết định tự chấm dứt đời mình.
Tại sao lại có Dòng Sông Thanh Thủy? Một bộ tiểu thuyết thoát ra ngoài cõi viết của Nhất Linh, một người mà cho đến năm 1960 vẫn đặt vấn đề chính trị ra ngoài văn học? Phải chăng Nhất Linh muốn để lại một tự phán của nhà văn Nhất Linh về nhà chính trị Nguyễn Tường Tam, và qua đó là bản án của văn học đối với cách mạng?
Dòng Sông Thanh Thủy là một trường giang tiểu thuyết, gồm: Ba Người Bộ Hành, Chi Bộ Hai Người và Vọng Quốc. Dòng Sông Thanh Thủy viết về một thời kỳ cách mạng Việt Nam tại Trung Hoa, thời kỳ 44-45, trên trục Côn Minh, Khai Viễn, Mông Tự, Hà Giang mà hoạt động chính trị của Việt Minh và Việt Nam Quốc Dân Ðảng thời đó, ở vào thế phải diệt lẫn nhau bằng những phương tiện ám sát, thủ tiêu tàn bạo nhất. Hai nhân vật chính trong truyện: Ngọc, cán bộ Việt Quốc, Thanh, cán bộ Việt Minh, đều biết họ có nhiệm vụ phải giết người kia nhưng đồng thời họ cũng yêu nhau bằng một tình yêu tuyệt đối: tình yêu đến chết.
Về văn phong và nghệ thuật, Dòng Sông Thanh Thủy không phải là tác phẩm nổi bật nhưng là cuốn sách mạnh nhất về tư tưởng và chính trị của Nhất Linh, ông điều tra về con người, về các guồng máy chỉ đạo con người, về tội ác, về các sự nhân danh lý tưởng, tổ quốc dẫn đến tội ác, về chỗ đứng của tình yêu, bên cạnh tội ác. Tóm lại là sự sa đọa của con người trong các guồng máy cách mệnh, Việt Quốc và Việt Minh nói riêng, và qua đó là sự sa đọa của con người trong các guồng máy cách mạng nói chung.
Dòng Sông Thanh Thủy không phải là cuốn tiểu thuyết chống Cộng sản, bênh Việt Nam Quốc Dân Ðảng, ở đây Nhất Linh đứng ngoài địa vị đảng trưởng, ông dùng địa vị nhà văn để xét về những hành động tàn bạo của những con người bẩm sinh hiền lành, có lòng nhân ái, nhưng khi đã bị rơi vào guồng máy cách mạng (như những đảng viên Việt Nam Quốc Dân Ðảng hay Việt Minh), có thể trở thành những kẻ sát nhân lạnh lùng, không một chút rùn tay, chùn bước. Dòng Sông Thanh Thủy là tác phẩm phản đề, phản lại những mẫu người cách mệnh trước, như Dũng, như Trúc v.v..., những nhân vật lãng mạn đi làm cách mạng mà không nhúng tay vào tội ác. Với Dòng Sông Thanh Thủy, Nhất Linh xác định: cách mạng và tội ác đi đôi với nhau, không thể khác. Và trong Dòng Sông Thanh Thủy, Nhất Linh nhà văn, kết án Nguyễn Tường Tam nhà cách mạng, để đưa ra một thực tại thứ nhì: cái đẹp trong văn chương và ý nghĩa nhân bản của văn học sẽ còn tồn tại lâu dài, như những câu thơ của Tô Ðông Pha vẫn sống mãi mãi trong lòng người, trong khi những Chu Du, Tào Tháo ... đều đã trôi vào quên lãng. Chứng cớ là 40 năm trôi qua, Nhất Linh nhà văn vẫn còn tồn tại, trong khi nhà cách mệnh Nguyễn Tường Tam đã đi vào dĩ vãng của lịch sử. Ðó là ý nghĩa sâu xa của tác phẩm.
o0o
Dòng Sông Thanh Thủy được cấu trúc như một tiểu thuyết trinh thám mà các đối thủ rình tìm chỗ hở của nhau để ra tay, lồng trong không khí toàn thể là sự nghi ngờ, một nỗi nghi ngờ bệnh hoạn: không biết đối phương là ai? Là gián điệp một chiều hay hai chiều? Kẻ mình sắp giết có phải là nội giám của phe địch hay oan? Hay chính mình là kẻ sẽ bị phe địch giết trước? Ba Người Bộ Hành là sự rình rập tay ba giữa Ngọc, Tứ và Nghệ. Chi Bộ Hai Người đối chất, dò thám giữa Thanh và Ngọc, và Vọng Quốc theo dõi đường về cõi chết của hai người.
Những nhân vật chính (cán bộ Việt Quốc và Việt Minh) xuất thân ở những môi trường khác nhau, làm cách mệnh vì tình cờ hơn là vì lý tưởng.
Ngọc (Việt Quốc) đang đi học, vì nhà sa sút nên phải bỏ dở để học nghề đan ren ở làng bên cạnh. Ngọc yêu Thúy, con ông chủ. Thúy mất vì ho lao. Ðang bàng hoàng vì cái chết của Thúy, Ngọc được Lê, anh ruột Thúy dẫn vào cách mạng, trở nên một cán bộ chuyên nghiệp, giữ việc giao liên và thủ tiêu những phần tử Việt Minh. Thanh (Việt Minh) được lệnh quyến rũ Ngọc, trà trộn vào hàng ngũ Việt Quốc ở Vân Nam và Hà Giang để triệt hạ toàn bộ. Thanh thuộc lớp người trưởng giả, con nhà giàu, có học, lấy chồng nhưng người chồng chơi bời, tiêu hết tiền hồi môn của vợ, hai người ly dị, Thanh gặp người tình thứ nhì, lại bị lừa lần nữa, chán nản sự đời, gia nhập Việt Minh.
Những nhân vật khác cũng theo cách mệnh vì những lý do cá nhân hơn là vì lý tưởng, như Nam, trước làm y tá, vì nhà sa sút nên phải lấy một người chồng Tàu, rồi theo chồng sang Văn Sơn; chồng chết, ở hẳn lại Vân Nam, hành nghề thầy thuốc, đỡ đẻ giúp người, gia nhập Việt Quốc, thi hành các vụ thủ tiêu. Nam, dưới mắt Ngọc, "nàng là người rất hiền lành thế mà bây giờ nàng cũng giết người không khác gì chàng" (Ba Người Bộ Hành, trang 110). Về việc Nam thủ tiêu Vương Ðức, một cán bộ Việt Minh, Ngọc nghĩ: "chàng chưa hiểu được tại sao một người đàn bà nhu mì như Nam lại có thể giết người, mà lại tự ý giết một cách độc ác như thế, chàng thốt nhớ lại câu Thanh nói: "Bị cái guồng máy nó lôi kéo." [...] Ý nghĩ về cái tốt, cái xấu ở đời lại lảng vảng trong đầu óc chàng, [...] cũng như Tứ và Nghệ, đều là những người tốt, có lòng nhân đạo [...] Ngay lúc Nam kể cho chàng nghe về việc giết (Vương) Ðức, chàng không khỏi ghê tởm vì lòng độc ác của con người; chàng thấy thương hại cho Ðức khi bị Nam bóp cổ; đôi mắt mờ ấy biết đâu đã không đau khổ vì không hiểu và biết đâu Ðức không có cha mẹ, vợ con hay một người yêu và trước khi chết đã không nghĩ tới những người thân yêu đó" (Ba Người Bộ Hành, trang 115)
Ngọc không hiểu hành động của Nam, một người phụ nữ hiền lành, một bà đỡ, một thầy thuốc chữa bệnh cho người nghèo, một người cứu nhân độ thế mà lại có thể giết người không gớm tay, cũng như Ngọc không hiểu được chính mình, chỉ ít lâu sau sẽ nhúng tay vào việc thủ tiêu hai cán bộ Việt Minh, Tứ và Nghệ, một cách tàn ác và lạnh lùng không kém.
o0o
Ba Người Bộ Hành, viết về hành trình rình rập giữa Ngọc, Tứ và Nghệ. Cả ba đều đã dùng những thủ đoạn "dối trá, gian giảo, độc ác để hạ thủ nhau": "Họ rình nhau như những con thú dữ mà người nào cũng vì một lý tưởng mình cho là cao đẹp" (Ba Người Bộ Hành, trang 207). Ở đây, Nhất Linh đã viết những trang thản nhiên và rùng rợn nhất về tội ác của con người, nhân danh cách mạng. Ngọc dẫn Tứ và Nghệ đến một chỗ được gọi là "chỗ ấy", tức là nơi Ngọc sẽ thi hành bản án; trên đường đi xuyên núi rừng, phong cảnh hùng vĩ, Ngọc vừa đi vừa hát "Chàng cất tiếng hát cao giọng, đi thật mau cho bước chân ăn nhịp với bài hát mà chàng cố hát thật mau:
Hồn nước muôn năm sống cùng non nước!
Ngày nay ta noi tấm gương anh hùng,
Dù khó thế mấy quyết cùng nhau bước,
Làm cho vang tiếng cháu con nòi giống Tiên Long.
Chàng chuyển sang điệp khúc:
Mau, mau đồng lòng, tay cầm tay, trông cờ nước, ta đều bước,
Tuốt gươm, thề với núi sông ...
Hồn nước muôn năm sống cùng ...
Bài hát ấy là của Lưu Hữu Phước, đảng viên Việt Quốc trong thời kỳ bí mật từ trong nước truyền ra." (Ba Người Bộ Hành, trang 214)
Trong suốt cuộc hành trình, Ngọc sung sướng thưởng thức cảnh đẹp, say sưa với những nhịp bước hùng ca như thế, và sau khi đã bỏ thuốc độc trong cà phê cho Tứ và Nghệ rồi, "chàng nhấc thây của Nghệ và Tứ đem ra đặt sát gần bức vách núi rồi đẩy mạnh một cái. Hai cái xác rơi từ trên cao xuống, lọt vào khe mấy tảng đá. Ðứng ở trên còn thấy hở ba cái chân, Ngọc bẻ một cành cây rậm lá quăng xuống, chàng phải quăng xuống bốn năm cành mới có một cành trúng và che phủ mấy cái chân hở. [...]
Ngọc ngẩng lên: trời cao và xanh, lơ lửng một vài đám mây trắng. Các ngọn núi bao bọc chung quanh dưới ánh sáng mùa thu trong có một vẻ đẹp rực rỡ mà vẻ đẹp của trời thu như còn xa hơn nữa; nắng đẹp ở vườn sau nhà Thanh, nắng làm rám da mấy quả lựu và làm hồng đôi gò má Thanh đương đứng ngắm những cánh hoa lựu trắng, nắng còn đẹp ở những nơi xa xa nữa; lúc này Nga đương ra vườn cất quần áo đã khô, lòng chợt nhớ đến chồng, mong ngày chồng về; nắng đẹp ở trong vườn người chị thân yêu của chàng giờ này có lẽ đương cau mũi và mắng chàng:
- Thằng Ngọc chết tiệt, đi đâu biệt tích không một lá thư gửi thăm nhà." (Ba Người Bộ Hành, trang 237-238)
Phải có một bản lĩnh cao cường như Nhất Linh mới có thể hòa trộn tội ác trong một bối cảnh trời cao, mây rộng, yêu nước và yêu người như thế. Trong con người, không thể phân biệt được đường ranh thiện ác như Nhất Linh đã dẫn đầu tiểu thuyết bằng hai câu thơ của Nguyễn Du: Trời kia đã bắt làm người có nhân, đã mang lấy nghiệp vào thân, và lời của Pascal: Vérité en deça des Pyrénées, erreur au delà, bên này dãy núi Pyrénées là sự thực, bên kia là sai lầm.
Nhất Linh đã thay rặng Pyrénées của Pascal bằêng dòng sông Thanh Thủy. Ở Nhất Linh, trong con người không có rặng Pyrénées, cũng không có dòng sông Thanh Thủy, hoặc nếu có thì cả núi lẫn sông đều chìm lấp trong cái vực chung thiện ác là trái tim.
Ngọc và Thanh là tên của loài lan quý, lan Thanh Ngọc mà Nhất Linh đã nâng niu bên dòng suối Ða Mê. Dòng Sông Thanh Thủy in 10 bản trên giấy Thanh Ngọc và trong 17 phụ trang do chính Nhất Linh vẽ, lan Thanh Ngọc được minh họa ở trang đầu với hai câu thơ:
Sắc trong Thanh Ngọc hương thơm mộng
Một thoáng mơ tiên thoảng xuống trần.
Bài thơ và bức họa mở đầu cho tiểu thuyết Dòng Sông Thanh Thủy như để giới thiệu chân dung hai người, vừa trong như Ngọc, vừa Thanh như lan, nhưng cũng lại là những kẻ giết người không gớm tay, khi họ bị guồng máy cách mệnh cuốn về hai phe đối đầu: quốc gia và cộng sản.
Tác phẩm của Nhất Linh, do đó không chỉ viết về một thời tranh chấp giữa Việt Minh và Việt Nam Quốc Dân Ðảng những năm 45, mà còn bao trùm những tranh chấp Quốc-Cộng, sau khi Nhất Linh mất. Những tranh chấp ấy không phải thời này mới có, mà có tự ngàn xưa:
"Thanh nói với Ngọc:
- Cái guồng máy ấy vẫn còn, còn mãi. anh đã xem Ðông Chu Liệt Quốc và Tây Hán chứ?
- Có, tôi có đọc nhiều lần.
- Ðấy, anh xem cái guồng máy đã có từ mấy nghìn năm trước. Anh chắc còn nhớ Vệ Ưởng nước Tần, Phạm Lãi với Văn Chủng nước Việt, Hàn Tín với Trương Lương đời Tây Hán. Vệ Ưởng, Văn Chủng, Hàn Tín đều bị cái guồng máy nó nghiền nát nhừ cũng như nó sẽ nghiến anh Ninh và cả anh nữa. [...] Anh bị lôi cuốn vào đó và tôi cũng vậy." (Chi Bộ Hai Người, trang 86)
Thanh, trong truyện, gần gũi với Nhất Linh, tâm hồn nghệ sĩ, yêu cái đẹp, có tư tưởng. Ðã bao lần Thanh muốn bỏ tất cả để tìm đến thiên thai với Ngọc. Họ đã sống những giây phút thần tiên, lãng mạn với nhau, đã đi thuyền trong trăng, đã dạo vườn đào Côn Minh như Lưu Nguyễn. Thanh đã muốn bỏ tất cả tục lụy, tranh chấp, chém giết, nhưng guồng máy không tha cho Thanh, không tha cho Thanh-Ngọc. Như Thanh, Nhất Linh cũng đã bỏ tất cả, lên Ðà Lạt tu tiên, tìm một cõi đam mê, vượt khỏi bậm bụi cuộc trần, nhưng rồi rút cục Nguyễn Tường Tam cũng không thoát khỏi guồng máy, lại trở về trần, trở về với đấu tranh chính trị, để rồi bị cái guồng máy chính trị ấy nghiền nát. Nhất Linh gánh cái nghiệp của nhà văn và nhà cách mạng: cả hai đều biết rất rõ về nhau nhưng không buông tha nhau và đeo đuổi nhau đến hơi thở cuối cùng. Văn chương và cách mạng đối với Nguyễn Tường Tam Nhất Linh như Ngọc và Thanh, như lan Thanh Ngọc, là một thứ tình yêu lạ lùng, tình yêu đến chết.
Khi Ngọc và Thanh biết đích xác nhiệm vụ của nhau, họ cùng đi với nhau đoạn đường cuối tên là Vọng Quốc. Họ cùng vọng quốc như nhau, cùng rời Côn Minh đi về biên giới, vượt cầu sang sông Thanh Thủy, về Hà Giang để phụng sự đất nước.
Ðất nước là của chung, nhưng cách phụng sự đất nước của đảng họ lại khác. Cho nên phải giết nhau. Ðoạn đường cuối ấy được Ngọc cảm nhận như sau: "Ngọc cho cuộc đi với Thanh về Hà Giang như một cuộc tìm kiếm thiên thai; thân chàng dù có bị guồng máy nghiến nát nhưng linh hồn chàng theo lời Thanh vẫn thường nói, sẽ tan đi như hạt muối trong nước hay biến thành một niềm vui hòa loãng trong cái mênh mông của hư vô. Phạm Lãi, Tây Thi chết đã mấy nghìn năm nhưng tâm hồn hai người vẫn tồn tại trong tâm hồn nhân loại." (Vọng Quốc, trang 92)
Trong hành trình này, có lúc tâm sự, hai người đã đồng ý với nhau rằng trước khi chết, nếu được nhìn một hình ảnh đẹp, nghe một điệu nhạc hay, thì cái chết chắc sẽ bớt đau hơn. Và rồi họ cũng đạt đến giây phút thần tiên ấy:
- Cái guồng máy ấy vẫn còn, còn mãi. anh đã xem Ðông Chu Liệt Quốc và Tây Hán chứ?
- Có, tôi có đọc nhiều lần.
- Ðấy, anh xem cái guồng máy đã có từ mấy nghìn năm trước. Anh chắc còn nhớ Vệ Ưởng nước Tần, Phạm Lãi với Văn Chủng nước Việt, Hàn Tín với Trương Lương đời Tây Hán. Vệ Ưởng, Văn Chủng, Hàn Tín đều bị cái guồng máy nó nghiền nát nhừ cũng như nó sẽ nghiến anh Ninh và cả anh nữa. [...] Anh bị lôi cuốn vào đó và tôi cũng vậy." (Chi Bộ Hai Người, trang 86)
Thanh, trong truyện, gần gũi với Nhất Linh, tâm hồn nghệ sĩ, yêu cái đẹp, có tư tưởng. Ðã bao lần Thanh muốn bỏ tất cả để tìm đến thiên thai với Ngọc. Họ đã sống những giây phút thần tiên, lãng mạn với nhau, đã đi thuyền trong trăng, đã dạo vườn đào Côn Minh như Lưu Nguyễn. Thanh đã muốn bỏ tất cả tục lụy, tranh chấp, chém giết, nhưng guồng máy không tha cho Thanh, không tha cho Thanh-Ngọc. Như Thanh, Nhất Linh cũng đã bỏ tất cả, lên Ðà Lạt tu tiên, tìm một cõi đam mê, vượt khỏi bậm bụi cuộc trần, nhưng rồi rút cục Nguyễn Tường Tam cũng không thoát khỏi guồng máy, lại trở về trần, trở về với đấu tranh chính trị, để rồi bị cái guồng máy chính trị ấy nghiền nát. Nhất Linh gánh cái nghiệp của nhà văn và nhà cách mạng: cả hai đều biết rất rõ về nhau nhưng không buông tha nhau và đeo đuổi nhau đến hơi thở cuối cùng. Văn chương và cách mạng đối với Nguyễn Tường Tam Nhất Linh như Ngọc và Thanh, như lan Thanh Ngọc, là một thứ tình yêu lạ lùng, tình yêu đến chết.
Khi Ngọc và Thanh biết đích xác nhiệm vụ của nhau, họ cùng đi với nhau đoạn đường cuối tên là Vọng Quốc. Họ cùng vọng quốc như nhau, cùng rời Côn Minh đi về biên giới, vượt cầu sang sông Thanh Thủy, về Hà Giang để phụng sự đất nước.
Ðất nước là của chung, nhưng cách phụng sự đất nước của đảng họ lại khác. Cho nên phải giết nhau. Ðoạn đường cuối ấy được Ngọc cảm nhận như sau: "Ngọc cho cuộc đi với Thanh về Hà Giang như một cuộc tìm kiếm thiên thai; thân chàng dù có bị guồng máy nghiến nát nhưng linh hồn chàng theo lời Thanh vẫn thường nói, sẽ tan đi như hạt muối trong nước hay biến thành một niềm vui hòa loãng trong cái mênh mông của hư vô. Phạm Lãi, Tây Thi chết đã mấy nghìn năm nhưng tâm hồn hai người vẫn tồn tại trong tâm hồn nhân loại." (Vọng Quốc, trang 92)
Trong hành trình này, có lúc tâm sự, hai người đã đồng ý với nhau rằng trước khi chết, nếu được nhìn một hình ảnh đẹp, nghe một điệu nhạc hay, thì cái chết chắc sẽ bớt đau hơn. Và rồi họ cũng đạt đến giây phút thần tiên ấy:
"Thanh để hết cả tâm hồn khe khẽ ngâm, tiếng thoảng nhẹ như hơi gió trong đêm trăng sương mù:
Ðêm sương thoảng tiếng ai trong gió,
Lòng hỏi lòng biết có hay không?
Hay chăng tiếng vọng mơ mòng
Của lòng mình nói cho lòng mình nghe...
Tiếng ngâm rứt đã từ lâu nhưng dư âm còn vang mãi trong hồn Ngọc. Tự nhiên chàng nghĩ đến hôm đi chơi hồ, Thanh ngâm bài phú Xích Bích và nói bây giờ còn đâu Tào Tháo, Chu Du nhưng câu thơ hay của Tô Ðông Pha và ánh trăng trong trên dòng Xích Bích thì còn mãi mãi. Chàng nghĩ Thanh và chàng có thể lát nữa sẽ chết, Việt Quốc, Việt Minh ám hại lẫn nhau cũng không còn nữa. Nhưng tiếng ngâm của người yêu thì như mãi mãi bàng bạc trong không gian của những đêm sương lạnh." (Vọng Quốc, trang 208)
Có phải đó là chúc thư văn học của Nhất Linh? Phải chăng Nhất Linh muốn nhắn lại rằng những con người tranh giành nhau vì quyền lực, vì lý tưởng, rồi sẽ chết. Nhưng tiếng thơ không chết. Tô Ðông Pha không chết. Cho nên nhà chính trị Nguyễn Tường Tam có thể chìm trong quên lãng nhưng nhà văn Nhất Linh sẽ sống mãi với Ðôi Bạn, Bướm Trắng, Xóm Cầu Mới, Dòng Sông Thanh Thủy ... trong lòng người.