Chương 4: Thời Kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất: Từ Triệu Đà cho đến cuộc chinh phục của Mã Viện
4.1 Triệu Ðà khởi nghiệp
Theo Sử Ký
và Hán thư, Triệu Ðà vốn người Chân Ðịnh (vùng Hà Bắc Trung Quốc hiện
nay). Năm 214 trước Công Nguyên, Tần Thủy Hoàng phái 50 vạn quân chinh phục
vùng Bách Việt ở Lĩnh Nam, diệt các nước Nam Việt, Mân Việt, Ðông Âu và Tây Âu
(thuộc vùng Quảng Ðông, Quảng Tây và miền nam tỉnh Quý Châu hiện nay) lập ra ba
quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng, Triệu Ðà được cử giữ chức huyện lệnh huyện Long
Xuyên thuộc quận Nam Hải.
Khi Tần Thủy
Hoàng băng vào năm 209 TCN, bọn Trần Thắng, Ngô Quảng tụ tập nông dân nổi lên
chống nhà Tần. Lúc đó dân chúng oán ghét chính sự nhà Tần "trăm họ sinh
lòng oán giận, trong mười nhà muốn nổi loạn có đến bẩy nhà" (Sử Ký -
Tần Thủy Hoàng bản kỷ) vì vậy mọi người hùa theo. Trung Quốc đại loạn.
Lúc bấy giờ
Nhâm Ngao làm chức đô úy quận Nam Hải. Thấy Trung Quốc đại loạn cũng muốn tự
lập một nơi, nhưng nhìn quanh không thấy ai có thể giúp mình được. Ðến khi Nhâm
Ngao đau nặng gần chết mới cho gọi Triệu Ðà đến Phiên Ngung (Quảng Châu hiện
nay) khuyên Ðà nên nhân lúc Trung Quốc rối loạn hãy tổ chức cát cứ ở phương
Nam. Ngao khuyên Ðà rằng:
- Phiên Ngung
dựa vào núi là nơi hiểm trở. Nam Hải từ đông sang tây rộng có đến mấy nghìn
dậm, lại có người đất Bắc (Trung Quốc) giúp đỡ, có thể lập thành một nước được.
Rồi Nhâm Ngao
viết giấy ủy cho Triệu Ðà làm đô úy Nam Hải. Sau khi Ngao chết, Ðà lên thay,
truyền hịch cho bọn quan lại dưới quyền coi các cửa quan vùng Ngũ Lĩnh dặn dò
phòng bị. Ðà lại dùng cớ giết những quan lại do nhà Tần lập mà không theo mình
và bổ những người ủng hộ mình lên thay. Năm 207 TCN, nhà Tần bị diệt, Ðà đem
quân đánh chiếm cả hai quận Quế Lâm và Tượng lập ra nước gọi là Nam Việt và
xưng là Nam Việt Vũ Vương. Mặc dầu dựa vào những người phương Bắc di cư đến
vùng Lĩnh Nam để dựng nghiệp, nhưng Triệu Ðà đã khéo sử dụng và mua chuộc tầng
lớp quý tộc, tù trưởng bộ lạc Bách Việt để củng cố chính quyền của mình.
Năm 206 TCN,
Lưu Bang đánh thắng Hạng Vũ, thống nhất Trung quốc lập ra nhà Hán. Năm 196 TCN,
Hán Cao Tổ sai Lục Giả xuống phong cho Ðà làm Nam Việt Vương. Mặc dầu thần phục
nhà Hán, nhưng Ðà vẫn giữ được nguyên quyền lực của mình tại địa phương. Cao Tổ
mất, Cao Hậu nhiếp chính (187-180 TCN) nghe lời tấu của các quan ra lệnh cấm
bán các đồ điền khí cho Nam Việt. Triệu Ðà cho rằng Trường Sa Vương đã dèm pha
điều ấy với Cao Hậu nên tự tôn làm Nam Việt Vũ Đế rồi đem quân đánh Trường Sa.
Hán cho quân sang đánh Nam Việt, nhưng đạo quân viễn chinh này bị dịch lớn
không ra khỏi được biên giới. Khi Cao Hậu mất, Văn Đế tức vị, ra lệnh bãi binh.
Ðược yên tại mặt bắc rồi, nhân thế, Triệu Ðà đã tìm cách khuếch trương thế lực
ra các nước lân bang. Chính trong thời gian này, nước Âu Lạc đã bị Triệu Ðà xâm
lược.
Cuộc chiến giữa Âu Lạc và Triệu Ðà
Lúc Triệu Ðà
củng cố quyền lực của mình tại vùng Nam Hoa và thành lập nước Nam Việt có lẽ
cũng chính là lúc mà An Dương Vương dựng lên nước Âu Lạc tại nước ta. Sử Ký của Tư Mã Thiên chỉ viết một
cách ngắn ngủi rằng:
- Cao hậu
mất, tức bãi binh. Nhân thế Ðà lấy binh lực uy hiếp, lấy của cải đút lót khiến
Mân Việt và tây Âu Lạc thần phục.
Ðiều này cho
thấy nước Âu Lạc bị diệt vong vào khoảng năm 180 TCN khi Cao Hậu chết. Nhưng
trước đó, giữa Triệu Ðà và An Dương Vương có chiến tranh không và chiến tranh
như thế nào thì Sử Ký không hề nhắc đến. Truyền thuyết mà các sử gia Việt Nam
sử dụng để kể lại về thời này đều dựa theo truyện "Thần Kim Quy" đã
được ghi ở trên. Sau khi An Dương Vương nhận được móng rùa:
- Vua sai
Cao Lỗ làm nỏ, lấy vuốt rùa làm lẫy, gọi là nỏ "Linh Quang Kim Quy thần
cơ". Sau Việt Vương là Ðà cử binh xâm lược, Vua đem quân giao chiến, lấy
nỏ thần ra bắn. Quân Ðà thua to, chạy về Trâu Sơn đắp lũy đối chiến không dám
ra đánh bèn xin hòa. Vua vui lòng nghe theo, để phía Bắc sông Tiểu Giang thuộc
Ðà cai trị, phía nam thì vua cai trị.
Không bao
lâu Ðà cầu hôn, Vua gả con gái là Mỵ Châu cho con trai Ðà là Trọng Thủy. Trọng
Thủy dỗ Mỵ Châu cho xem trộm nỏ thần rồi ngầm làm một cái lẫy nỏ khác thay cho
vuốt rùa. Sau đó nói dối xin trở về phương Bắc thăm cha.
Theo Lĩnh Nam
Chích quái, sau khi được lẫy nỏ thần rồi, Ðà lại mang quân đánh. An Dương Vương
thua ra biển. Nước Âu Lạc từ đó bị diệt. Trọng Thủy đuổi theo đến biển thấy Mỵ
Châu bị giết ở đó bèn cũng tự vẫn chết theo.
Truyền thuyết
về nỏ thần và Mỵ Châu - Trọng Thủy cũng được ghi lại trong thư tịch Trung Quốc.
Thủy Kinh Chú dẫn Giao Châu Ngoại Vực ký viết rằng:
- Nam Việt
vương là Triệu Ðà đem quân đánh An Dương Vương. An Dương Vương có người thần là
Cao Thông xuống giúp, làm cho vương một cây nỏ thần, bắn một phát chết ba trăm
người. Nam Việt Vương biết là không thể đánh được bèn lui quân về đóng ở huyện
Vũ Ninh. Sau Việt Vương sai thái tử là Thủy hàng phục An Dương Vương. An Dương
Vương không biết Cao Thông là thần, đối đãi vô đạo. Thông liền bỏ đi, nói với
vua rằng "giữ được nỏ ấy thì làm vua cả thiên hạ. Không giữ được nỏ ấy thì
mất cả thiên hạ." An Dương Vưong có con gái là Mỵ Châu. Thấy Thủy đẹp
trai, Châu bèn cùng với Thủy tư thông. Thủy bảo Châu lấy nỏ của cha cho xem rồi
ngầm cưa trộm cho gẫy. Xong trốn về nói với Việt Vương. Việt Vương mang quân tiến đánh.
An Dương Vương đem nỏ ra bắn thì nỏ gẫy. An Dương Vương thua chạy xuống thuyền
ra biển. Việt Vương hàng phục được các Lạc tướng.
Tương tự như
vậy, Việt Kiệu Thư cũng chép:
- Vua man
có con gái là Lan Châu, đẹp và giỏi nghề làm nỏ. Triệu Ðà sai con sang làm rể,
không đầy ba năm học được cách chế nỏ và phá nỏ. Bèn sai quân đi đánh bắt được
vua man đem về.
Sử Ký và Hán Thư không chép đến tên thái tử Triệu Trọng Thủy, nhưng đều chép rằng khi Triệu Ðà chết, cháu nội là Hồ lên thay. Ðiều đó khiến ta có thể nghĩ rằng truyền thuyết nói Trọng Thủy chết ở Âu Lạc có lẽ cũng đúng.
Căn cứ vào những thư tịch ta có thể thấy rằng Triệu Ðà đã đem quân xâm lược Âu Lạc nhiều lần. Tuy nhiên vì quân của An Dương Vương rất giỏi nghề bắn nỏ nên quân của Triệu Ðà bị thua. Việt Kiệu Thư chép "người man ở Nam Việt thời Tần rất mạnh, về phép dùng nỏ lại càng hay lắm, mỗi phát tên bằng đồng có thể xuyên qua hơn chục người. Triệu Ðà rất sợ". Tài bắn nỏ này vì vậy có thể được thần thoại hóa ra thành nỏ thần. Ðể có thể chinh phục được An Dương Vương vì vậy Triệu Ðà phải gởi Trọng Thủy sang làm con tin để dò xét hư thực. Thần thoại "An Dương Vương”: An Dương Vương không biết Cao Thông là thần, đối đãi vô đạo. Thông liền bỏ đi," có thể là tượng trưng cho việc An Dương Vương mất sự ủng hộ của dân chúng. Ngoài ra Sử Ký viết "Ðà lấy binh lực uy hiếp, lấy của cải đút lót khiến Mân Việt và Tây Âu Lạc thần phục," cho thấy rằng Triệu Ðà đã dùng của cải mua chuộc các Lạc tướng để bỏ An Dương Vương theo Ðà.
Dù sao chăng nữa, các tư liệu còn lại không nhắc nhở gì đến những kháng cự của dân Âu Lạc với chính quyền mới của Triệu Ðà. Ðiều này cho thấy rằng dân Lạc đã chấp nhận sự cai trị của nhà Triệu một cách khá nhanh chóng.
Chế độ cai trị của nhà Triệu và Xã Hội Âu Lạc
Mặc dầu đã
đánh bại được An Dương Vương và chiếm được nước Âu Lạc, nhưng Triệu Ðà có lẽ đã
không đưa ra những thay đổi gì nhiều trong cơ cấu cai trị cũng như xã hội dân
Việt cổ. Nhà Triệu chia Âu Lạc thành hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân và cử hai
quan sứ coi. Công việc của hai viên sứ này có lẽ chỉ tập trung vào việc bảo đảm
cho con đường thương mại quốc tế với các nước ở phía nam và tây cũng như là
trung tâm thương mại nơi họ ở. Các nghiên cứu lịch sử thương mại quốc tế đã
chứng minh được rằng trong những từ thế kỷ thứ hai và thứ ba trước Công Nguyên
đã hình thành một con đường thương mại hàng hải quốc tế nối suốt từ thế giới La
Mã bên Âu châu tới đế quốc Hán tại phương đông. Con đường này đi từ Ðịa Trung
Hải qua Ai Cập, vòng qua bán đảo Arab đến Ấn Ðộ rồi lại từ Ấn Ðộ đi qua quần
đảo Indonesia tới Phù Nam (tức miền nam Việt Nam hiện nay) sang Trung Quốc.
Nước Văn Lang và Âu Lạc là một chặng đường quan trọng của con đường hàng hải
này.
Ngoài việc cử hai viên sứ đó ra, cơ cấu cai trị của Âu Lạc dưới nhà Triệu hầu như không đổi so với thời An Dương Vương và Hùng Vương. Các Lạc tướng vẫn cai trị dân như cũ. Ngay cả con cháu của An Dương Vương chắc cũng được Triệu Ðà để lại tiếp tục làm vua như cũ vì sau này Hán thư có nhắc đến một Tây Vu Vương tính nổi lên chống lại quân Hán và bị bộ hạ của mình mà Hán Thư gọi là "một tả tướng quân của cổ Âu Lạc" giết.
Nhà Triệu diệt vong
Trung Quốc
đến thời Hán Vũ Đế (140-87 TCN) đã trở thành một đế quốc rộng lớn và hùng mạnh.
Hán Vũ Đế đã tích cực tìm cách mở rộng bờ cõi. Phía Bắc, quân Hán đã tiến công
Hung Nô chiếm được một vùng đất rộng lớn gồm đất Lũng Tây, Bắc Ðịa, Hà Tây (tức
là vùng tây bắc Thiểm Tây và Cam Túc hiện nay) mở đường thông thương với các
nước miền Tây vực. Sứ thần nhà Hán đã đến tận An Tức (Iran hiện nay) và Thận
Ðộc (Ấn Ðộ hiện nay). Về phía đông, năm 108 TCN quân Hán đã tiến công diệt nước
Triều Tiên của họ Vệ và mở quan hệ với Nhật Bản. Thành ra việc Nam Việt nằm
chặn con đường thương mại hàng hải quốc tế là một cản trở mà Hán sớm muộn cũng
phải tìm cách thanh toán.
Về phần Nam Việt, sau khi Triệu Ðà chết vào năm 137 TCN, cháu là Triệu Hồ lên thay. Hồ hèn nhát yếu đuối bị Hán dụ cho con là Anh Tề sang làm con tin ở triều Hán. Anh Tề ở Trường An lấy một người vợ Hán là Cù thị. Hồ chết. Anh Tề về thay, lập Cù thị làm hoàng hậu và con Cù thị là Hưng làm thái tử. Anh Tề tuy tỏ lòng thần phục Hán nhưng vẫn muốn duy trì chính quyền độc lập của mình. Tuy nhiên khi Anh Tề chết, Triệu Hưng lên thay; Hán sai tình nhân cũ của Cù thị là An Quốc Thiếu Quý sang dụ Cù thị và Triệu Hưng xin nội thuộc nhà Hán. Tể tướng nhà Triệu là Lữ Gia hết sức chống đối. Hán Vũ đế bèn sai Hàn Thiên Thu mang hai ngàn dũng sĩ sang Nam Việt nhằm giết Lữ Gia. Lữ Gia cùng em đem binh giết Cù thị và Triệu Hưng cùng sứ giả Hán, lập con trưởng của Anh Tề là Thuật Dương Hầu Kiến Ðức vốn là con người vợ Việt lên làm vua rồi đem quân đánh tan quân Hàn Thiên Thu.
Nhân cớ đó, Hán Đế phái 10 vạn quân gồm các tội nhân và
quân lâu thuyền cùng một số người Việt đầu hàng dưới quyền chỉ huy của Phục Ba
Tướng Quân Lộ Bác Ðức chia làm năm đạo sang đánh Nam Việt. Mùa đông năm 111
TCN, quân Hán vào Nam Việt, phá đạo quân tiền phương của Nam Việt rồi tiến đánh
Phiên Ngung. Lữ Gia và Kiến Ðức bỏ thành chạy ra biển nhưng sau đó bị chính các
quan lại của mình bắt đem nộp cho Lộ Bác Ðức. Nước Nam Việt đến đó là diệt
vong. Trong cuộc chiến giữa nước Nam Việt và nhà Hán, đất Âu Lạc hoàn toàn
không tham dự. Chiến trận chỉ xảy ra trong vùng Quảng Đông và Quảng Tây Trung
Quốc, và quân Lộ Bác Đức cũng không có tiến cả vào vùng đất của Âu Lạc nữa. Sử
Ký của Tư Mã Thiên chép rằng khi nghe tin quân Hán đến, quan giám Quế Lâm
của Nam Việt đã dụ Âu Lạc đầu hàng. Còn Giao Châu Ngoại Vực ký chép:
- Lộ tướng quân (tức Lộ Bác Đức) đến Hợp Phố, hai sứ
giả của Việt Vương đem một trăm con bò, một ngàn hũ rượu cùng sổ hộ khẩu của
dân hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân đến nộp. Bèn cho hai sứ giả đó làm thái thú
Giao Chỉ và Cửu Chân, các lạc tướng cai quản dân như cũ.
Vài nhận xét về nhà Triệu và Triệu Đà
Các sử gia của ta ngày xưa không cho nhà Triệu là một nhà
ngoại tộc. Cuốn sử đầu tiên của nước ta, Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu
đời Trần đã mở đầu với nhà Triệu. Khi Nguyễn Trãi viết Bình Ngô Đại Cáo ông đã
mở đầu “Tự Triệu, Đinh, Lý, Trần chi triệu toạ ngã quốc, dữ Hán, Đường, Tống,
Nguyên nhi các đế nhất phương” (Từ
Triệu, Đinh, Lý, Trần gây nền độc lập, cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên làm đế một
phương). Những điều đó đủ cho ta thấy rằng tổ tiên ta coi nhà Triệu cũng là một
triều đại của dân tộc Việt không khác gì các triều đại độc lập như Đinh, Lê,
Lý, Trần về sau này. Tại sao tổ tiên ta lại phân biệt giữa nhà Triệu và những
triều đại Hán cai trị nước ta về sau này? Không phải rằng các cụ ta không biết
Triệu Đà là người Hán, chính sử của ta đã viết rất rõ về lai lịch Triệu Đà cũng
như là về nhà Triệu.
Có lẽ các nhà viết sử cũ của ta đã không đặt nặng việc Triệu Đà là người Hán, mà trái lại coi Triệu Đà là người đã đứng lên đại diện cho phương Nam chống lại sự bành truớng của Hán tộc. Vả lại để có thể tự lập chống lại với đế quốc Hán, Triệu Đà đã phải dựa vào sự ủng hộ của những người Việt. Và trong các điều kiện đó, chính Triệu Đà cũng đã bị Việt hóa. Theo Sử Ký của Tư Mã Thiên, khi Triệu Đà tiếp sứ Hán là Lục Giả, ông đã ngồi xổm theo kiểu của những người Việt. Vì vậy nhà Triệu, tuy rằng là một triều đại lập ra bởi một người phương Bắc, nhưng vẫn được người Nam coi như là một triều đại của mình.
Điều đáng chú ý là Triệu Đà cũng được người Trung Quốc
tôn sùng. Đối với họ ngược lại Triệu Đà là người Hán đầu tiên mở đường cho Hán
tộc tiến xuống vùng Lĩnh Nam. Tuy nhiên cần phải nói rằng việc tôn sùng Triệu
Đà tại Trung Quốc chỉ bắt đầu vào đời Đường khi các vùng Quảng Đông, Quảng Tây
và Quý châu đã bị ràng buộc chặt chẽ vào quỹ đạo của người Hán.
4.2 Chính Sách cai trị dưới thời Lưỡng Hán
Sau khi diệt nhà Triệu, Hán đổi đất Nam Việt thành Giao
Châu, đặt một viên quan thứ sử cai trị. Trị sở của châu được đặt tại Mê Linh.
Mê Linh cũng là trị sở của quận Giao chỉ và của toán binh Hán đóng đồn tại đây
dưới quyền của một viên đô úy. Dưới châu là quận có một viên thái thú cai trị.
Theo pháp chế của nhà Hán, thứ sử không can thiệp trực tiếp vào việc cai trị
của các quận. Đó là công việc của các thái thú. Hàng năm thứ sử đi tuần các
quận để thanh tra việc trị dân của các thái thú ra sao. Giao Châu được chia làm
9 quận . Ba quận trong đó, Giao Chỉ và Cửu Chân và Nhật Nam nằm trong cương vực
nước ta hiện nay. Dưới các quận là huyện. Tại Âu Lạc cũ, pháp chế nhà Hán vẫn
để các Lạc tướng quyền cai trị như cũ tức là vẫn được hưởng các quyền lợi trước
kể cả quyền thế tập. Những bộ xưa của nước Văn Lang như vậy nay đã biến thành
các huyện của Hán và các Lạc tướng trở thành "huyện lệnh" được lĩnh
"ấn đồng, tua xanh" (Giao Châu Ngoại Vực Ký). Theo Sử Ký
và Hán Thư thì chính sách của Tây Hán đối với những vùng đất mới chính
phục là "lấy tục của nó mà cai trị". Chế độ cai trị của nhà Hán như
vậy không khác gì của nhà Triệu. Các Lạc hầu, Lạc tướng nay trở thành những
quan lại của triều Hán được cấp ấn phong nhưng không bị ràng buộc gì nhiều.
Nói chung chính sách cai trị của nhà Tây Hán đối với dân Lạc tương đối nhẹ nhàng. Dân Lạc không phải chịu các thứ thuế như tại nơi chính quốc. Lương ăn, tiền bạc, vật dụng đều được chở từ các quận cũ ở gần tới (Hán thư - Hóa Thực Chí). Triều đình Hán đòi hỏi chính là những đồ cống nạp phần nhiều là những thổ sản và những đố quý hiếm tại Trung Quốc như sừng tê, ngà voi, đồi mồi; những loại trái cây như quít, vải, nhãn, chuối, vân vân (Hán Vũ Đế đặt chức Quất quan - quan coi quít - để lo việc kiếm quít dâng lên triều đình Hán tại Trường An và chức Tu Quan để lo việc tổ chức dân cống trái cây và thức ăn tại Giao Chỉ. Nhiệm sở các quan này ở Liên Lâu (nay là huyện Thuận Thành, Bắc Ninh gần Hà Nội). Số đồ cống nạp tương đối không nhiều. Hán Nghi Thức của Linh Phú viết rằng:
- Cửu Chân, Giao Chỉ, Nhật Nam dùng hai sừng tê dài 9 tấc và một mai đồi mồi. Uất Lâm dùng một ngà voi dài 3 thước trở lên và 20 bộ lông chim trĩ để thay vàng.
Có lẽ chính vì vậy mà những cuộc nổi dậy của dân Lạc trong những năm đầu của triều Tây Hán hầu như không thấy được nhắc đến trong những bộ sử thời đó. Cuộc nổi dậy độc nhất được ghi chép là cuộc nổi dậy của Tây Vu Vương (tức là hậu duệ của An Dương Vương được Triệu Đà tiếp tục cho giữ tước sau khi diệt nước Âu lạc) vào năm 106 TCN, năm năm sau khi nước Nam Việt bị Hán diệt. Nhưng ngay cả cuộc nổi dậy này cũng không có tầm mức quan trọng gì cho lắm vì Tây Vu Vương đã bị ngay chính bộ hạ của mình giết. Hán Thư chép lại là Tây Vu Vương nổi lên nhưng đã bị viên Tả Tướng Quân cũ của Âu Lạc là Hoàng Đồng chém chết. Trong hơn một trăm năm dầu dưới sự cai trị của nhà Tây Hán, mặc dầu nằm trong đế quốc Hán, nhưng đối với người dân thường của xã hội dân Lạc không có một biến động lớn gì xảy ra. Người ta vẫn tiếp tục sống như dưới thời Hùng Vương và An Dương Vương. Nhưng đến những năm đầu tiên của thiên niên kỷ mới, với sự sụp đổ của chính quyền trung ương Hán tại Trường An, lịch sử của xã hội dân Lạc bước vào một bước ngoặt lớn mở đường cho một giai đoạn mới, giai đoạn người Lạc biến thành Việt.
Sự suy tàn của nhà Tây Hán và ảnh hưởng của nó với đất Giao Chỉ
Vào vào cuối triều Tây Hán, Trung Quốc đại loạn; các tầng
lớp quý tộc, đại thương nhân cướp ruộng đất của dân trong khi sưu cao thuế nặng
đã đẩy càng ngày càng nhiều nông dân vào đường cùng nổi lên làm loạn. Năm 1
trước Công Nguyên, Bình Đế lên làm vua mới có 9 tuổi, thái hậu lâm triều, trao
quyền chính lại cho Vương Mãng. Bốn năm sau, Mãng giết Bình Đế và đến năm 8 sau
Công Nguyên Vương Mãng tự xưng hoàng đế đặt quốc hiệu là Tân. Việc tiếm hiệu
của Vương Mãng đã tạo điều kiện cho dân chúng và các chính quyền cát cứ ở các
nơi đồng loạt nổi lên. Chính quyền Vương Mãng tan rã. Năm 23, Lưu Tú, một dòng
dõi vua Hán đã phá được những thế lực cát cứ khác, lên ngôi tại Lạc Dương lập
lại nhà Lưu Hán, sử gọi là Đông Hán hay Hậu Hán. Khi Vương Mãng tiếm hiệu, châu
mục quận Giao Chỉ là Ðặng Nhượng, thái thú quận Giao Chỉ là Tích Quang cùng các
thái thú khác dưới quyền Ðặng Nhượng không chịu thần phục mà tách ra cát cứ một
phương. Ðến năm 29 (năm thứ 5 hiệu Kiến Vũ đời Quang Vũ Đế) khi Lưu Tú đã lên
ngôi ở Lạc Dương rồi, chức Chinh Nam đại tướng quân của Ðông Hán là Sầm Bành
vốn xưa là bạn thân của Ðặng Nhượng mới viết thư và cử người xuống gặp Ðặng
Nhượng thuyết hàng. Nhượng bèn mang bọn thái thú dưới quyền về hàng Quang Vũ.
Thế là đất Giao Chỉ lại thuộc về nhà Hán.
Trong thời gian Trung Quốc rối loạn trên, nhiều người Hán
chạy loạn xuống đất Giao Chỉ sinh cơ lập nghiệp. Những thành phần này phần lớn
là giới quý tộc, sỹ đại phu và địa chủ. Sang Giao Chỉ họ liên lạc và kết hợp
với đám quan lại người Hán có sẵn tại địa phương. Được sự trợ giúp của những
thành phần mới này, các quan lại người Hán bắt đầu can thiệp nhiều hơn vào xã
hội địa phương, mở đầu cho việc Hán hóa. Những cố gắng mới của các quan lại này
lại được củng cố thêm bởi chính sách của nhà Đông Hán với các vùng này.
Chính sách cai trị của nhà Đông Hán
Nhà Đông Hán bỏ chính sách "ky my" (ràng buộc)
của nhà Tây Hán đối với đất Giao mà áp dụng một pháp chế hà khắc giống như tại
Trung Nguyên. Guồng máy hành chánh cai trị của nhà Ðông Hán tại các châu quận
khá nặng nề.
Ðứng đầu châu Giao Chỉ là một viên thứ sử. Giúp việc cho
thứ sử là các viên tòng sự. Châu Giao có tất cả bảy viên tòng sự, công tào coi
việc tuyển bổ quan lại; binh tào cai việc quân; bạc tào coi việc sổ sách tiến
nong, thuế má... Dưới chức tòng sự là các chức giả tá coi việc văn thư thời
tiết, pháp luật.
Dưới châu là quận. Châu Giao chỉ có bảy quận, trong đó ba
quận, Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam là ba quận thuộc địa phận Việt Nam hiện
nay. Ðứng đầu mỗi quận là một viên thái thú, có một quận thừa giúp việc về hành
chánh và một viên đô úy coi việc quân. Các quận ở ngoài biên thì đặt chức
trưởng sử. Giúp cho thái thú cai trị quận có các tào mỗi tào có một viên duyện
làm việc và chức thư tá coi việc giấy tờ. Tất cả guồng máy hành chánh này đều
ăn lương từ thuế thu được của châu và quận chứ không nhận được bổng lộc gì của
trung ương.
Thuế má được đánh như tại Trung Quốc, ngoài ra tại mỗi
quận tùy theo lớn nhỏ, còn đặt ra những chức diêm quan (coi về muối), thiết
quan (coi về sắt), công quan (quan lại coi về thuế các sản phẩm thủ công), thủy
quan (coi thuế đầm ao, đánh cá). Chính sách Hán hóa được coi trọng, mỗi quận có
trên hai mươi vạn dân được cử một người "hiếu liêm" để đưa vào triều
làm quan.
Dưới quận là huyện có chức huyện lệnh. Những huyện lệnh này đầu tiên cũng theo như lệ thời Tây Hán do các Lạc tướng cai trị. Vì vậy những huyện này có thể tương đương với những bộ của thời Hùng Vương hoặc An Dương Vương. Với hệ thống hành chánh này, chính quyền Ðông Hán đã đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của các Lạc tướng cũng như là đặt một gánh nặng thuế khóa lên đầu nhân dân Lạc vốn chưa từng chịu những ràng buộc như vậy. Nếu thêm vào đó tình trạng tham nhũng bóc lột của các thái thú người Hán được cử sang cai trị thì một cuộc nổi dậy dĩ nhiên là không thể tránh được và đó là điều đã diễn ra với cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.
Chính sách Hán hóa và cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng
Sử Trung Quốc cũng như sử ta đều ca tụng Tích Quang và
Nhâm Diên như là những người có công "khai hóa" cho dân tộc ta. Nhưng
có một điều mâu thuẫn đáng chú ý trong việc này là tại sao với công khai hóa
như vậy mà ngay sau đó tại châu Giao đã có một cuộc khởi nghĩa lớn đến nỗi Hán
Quang Vũ, mặc dầu còn bận rộn các vấn đề tại Trung Nguyên đã phải gởi một tên
tướng tài lão luyện như Mã Viện sang đàn áp?
Tích Quang làm thái thú Giao Chỉ từ thời Bình Đế nhà Tây Hán, sau về hàng Đông Hán tiếp tục làm thái thú Giao Chỉ cho đến khi được Tô Định sang thay thế. Hậu Hán thư ca tụng Tích Quang là:
- Xưa ở thời Bình đế, người Hán Trung là Tích Quang làm thái thú Giao Chỉ dậy dỗ dân Di dần dần hóa theo lễ nghĩa. Cuối đời Vương Mãng, Tích Quang đóng cửa biên giới chống cự.
Đành rằng Tô Định là một kẻ mà theo bài biểu của Mã Viện gởi cho vua Hán "thấy tiền là sáng mắt lên" nhưng nếu Tích Quang đã có công như Hậu Hán thư viết "dậy dỗ dân Di khiến họ dần dần đi theo lễ nghĩa" thì chẳng lẽ một khi Bà Trưng nổi lên không có ai nhớ công đức của Tích Quang mà theo Hán chống lại sao. Còn Nhâm Diên làm thái thú quận Cửu Chân đúng vào thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa. Hậu Hán thư chép:
- Diên đến Cửu Chân dậy dân cầy cấy, khai khẩn ruộng nương, khiến bách tính no đủ. Lại dân Lạc Việt không biết phép giá thú, đều theo dâm hiếu, không thành lứa đôi, không biết đạo cha con, không biết đạo vợ chồng. Diên bèn đưa thư xuống các huyện khiến đàn ông từ 20 tuổi cho đến 50 tuổi; đàn bà từ 15 đến 40 tuổi phải theo tuổi tác mà lấy nhau. Ai nghèo không có tiền làm đồ sính lễ thì khiến từ trưởng lại trở xuống phải bớt bổng lộc ra để chẩn cấp. Người ta cưới nhau cùng một lúc đến hơn hai nghìn người. Năm đó mưa thuận gió hòa, mùa màng phong đăng, người sinh con mới biết giống nòi, mới biết tộc họ. Đều nói rằng "khiến ta có được như thế này là nhờ ngài Nhâm vậy". Nhiều người đặt tên con là Nhâm. Vì thế bọn Man Di, Dạ Lang ở ngoài cõi mộ nghĩa giữ nơi biên ải. Diên bèn bãi bỏ quân lính trinh sát đi.
Nhưng khi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng nổ ra, quận Cửu Chân của Nhâm Diên cũng bị kéo theo vào cuộc nổi dậy và cũng như các thái thú khác, Diên cũng chỉ "thoát được thân mình mà thôi" (Hậu Hán Thư)
Trên thực tế chính những cố gắng "khai hóa" của
những người như Tích Quang và Nhâm Diên cùng với chính sách cai trị của nhà
Đông Hán là những nguyên nhân sâu xa dẫn đến cuộc nổi dậy của toàn vùng Lĩnh
Nam dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng. Sự tham tàn của Tô Định cũng như là cái
chết, nếu có, của Thi Sách chỉ là một yếu tố phụ, một giọt nước cuối cùng đã
làm tràn cái ly đã chứa đầy những căm phẫn trước đó. Nếu không có những lý do
trên ta sẽ không thể hiểu được tại sao những quận xa xôi như Thương Ngô ở tận
phía Bắc tỉnh Quảng Tây cũng như Nhật Nam lại có thể cùng Hai Bà Trưng nổi dậy
như vậy.
4.3 Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng
Xã Hội Giao chỉ vào lúc Hai Bà Trưng khởi nghĩa
Bà Trưng quê ở châu Phong
Giận
người tham bạo thù chồng chẳng quên
Chị
em nặng một lời nguyền
Phất
cờ nương tử thay quyền tướng quân
Ngàn
Tây nổi áng phong trần
Ầm ầm
binh mã tới gần Long Biên
Hồng
quần nhẹ bước chinh yên
Đuổi
ngay Tô Định dẹp yên biên thành
Đô kỳ
đóng cõi Mê Linh
Lĩnh
Nam riêng một triều đình nước ta.
Đó là những lời miêu tả cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng
trong Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca mà hầu hết chúng ta đã từng học qua khi
còn nhỏ. Nhưng nếu chỉ có vì trả thù chồng mà hai bà nổi lên khởi nghĩa thì làm
sao có thể kéo theo sự ủng hộ của toàn bộ quần chúng châu Giao bao gồm cả bảy
quận để thành lập một triều đình riêng ở đất Lĩnh Nam?
Xã hội Giao Chỉ vào thời Hai Bà Trưng là một xã hội tương
đối trù phú. Nông nghiệp và thủ công nghiệp phát triển đã đủ để nuôi sống một
số dân lên đến xấp xỉ một triệu người, đông nhất trong bảy quận của Giao Châu
và còn đủ để xuất cảng gạo sang bán tại Cửu Chân và Hợp Phố nữa. Những đồ điền
khí bằng sắt dần dần thay thế những món đồ làm bằng đồng thau đã giúp người
nông dân khai phá được những vùng đất khó làm hơn ở vùng châu thổ sông Hồng,
nơi mà nước biển đã bắt đầu rút ra khỏi chốn mà cổ địa chất học còn gọi là vịnh
Hà Nội. Trong lúc Trung Quốc còn đang rối loạn, thì Giao Chỉ là một cõi yên
bình. Thứ sử Đặng Nhượng đã giữ được châu Giao là nơi yên tĩnh nhất trong toàn
bộ đế quốc Hán rộng lớn. Nhưng nhiều đám mây đen đã bay đến làm u ám bầu trời
yên bình đó. Tuy các Lạc tướng vẫn còn giữ quyền cai trị những vùng đất của
mình và vẫn được lưu truyền chức vụ đó cho các con của họ, nhưng người Hán đã
càng ngày càng can thiệp sâu vào việc cai trị. Tình hình yên tĩnh ở Giao Chỉ đã
thu hút một số ngày càng đông người Hán chạy loạn sang, không những chỉ dân
thường mà cả những hạng sỹ đại phu, quý tộc, địa chủ. Những người này, qua
những quan hệ về tộc thuộc với quan lại người Hán tại Giao Chỉ, chắc hẳn đã
sinh cơ lập nghiệp tại đây. Tuy rằng sau loạn Vương Mãng, khá đông những người
Hán này đã trở về phương Bắc, nhưng số còn lại cũng không nhỏ. Ví như tiên tổ của
Lý Bí (tức Lý Nam Đế) vốn là người Hán, vào cuối đời Tây Hán, khổ vì loạn lạc,
lánh sang ở nước Nam trải bảy đời thành người Nam (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư),
hoặc như tổ tiên của Sỹ Nhiếp vốn người Vấn Dương nước Lỗ "đến khi có
loạn Vương Mãng, rời sang ở Giao Châu, trải qua sáu đời đến Nhiếp" (Tam
Quốc Chí - Ngô thư, Sỹ Nhiếp truyện)
Việc lập nghiệp của những tầng lớp quý tộc Hán này chắc
hẳn thế nào cũng có đụng độ với những quyền lợi của tầng lớp quý tộc Lạc, những
Lạc tướng. Các người Hán mới sang có thể chiêu mộ dân chúng đi khẩn hoang ở
những vùng đất mới, hoặc là chiếm hữu đất đai có sẵn của các làng xã dân Lạc,
nhưng chắc hẳn phần lớn tập trung tại những khu vực thị tứ, nơi có sẵn những
quan lại và binh lính người Hán như Mê Linh, Liên Lâu, Tư Phố, Cư Phong vân
vân. Tại những nơi này, sự ràng buộc chèn ép của giới quan lại Hán đối với giới
quý tộc Lạc chắc hẳn rất là gay gắt.
Chính sách thu thuế của triều đình Đông Hán, cùng với
những cố gắng Hán hóa đối với người Lạc cũng đóng góp thêm vào những bất mãn âm
ỷ trên. Khi Tích Quang còn làm thái thú, có thể y đã khéo léo trung hòa những
bất mãn này giữ cho chúng khỏi nổ bùng lên. Nhưng sau khi Tích Quang được gọi
về Bắc, Hán Quang Vũ gởi Tô Định sang thay làm thái thú Giao Chỉ. Theo bài biểu
của Mã Viện, Tô Định là người mà "thấy tiền thì dương mắt lên; thấy
giặc thì nhắm mắt lại, sợ chinh chiến.." (Hậu Hán Thư - Mã Viện
Truyện) tức là môt kẻ vừa tham lam lại vừa hèn nhát. Đến đây phong trào
phản kháng của dân Việt bèn dâng lên mãnh liệt. Và chẳng bao lâu sau, toàn bộ
nhân dân Giao Chỉ đã nổi dậy, kéo theo sự nổi dậy của toàn thể châu Giao.
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa đầu
tiên của người dân Lạc chống lại sự cai trị của đế quốc phương bắc. Hai Bà Trưng,
chị là Trưng Trắc, em là Trưng Nhị là con gái Lạc tướng Mê Linh. Lĩnh Nam
Chích Quái viết hai bà Trưng họ Hùng, là dòng dõi Hùng vương. Thủy Kinh
Chú của Trung Quốc cũng chép bà Trưng là con gái Lạc tướng Mê Linh. Mê Linh
vốn là bộ tộc của Hùng Vương vì vậy bà Trưng là giòng dõi Hùng Vương chắc là
đúng. Chồng bà Trưng Trắc, Thi Sách, là con Lạc tướng Chu Diên, cũng là giòng
họ quý tộc của dân Lạc. Bà là một người mà sử Trung Quốc cũng phải công nhận
rất "hùng dũng", "có can đảm dũng lược" (Hậu Hán Thư -
Giao Chỉ Truyện). Sử cũ của ta dựa vào truyền thuyết nói rằng bà Trưng thù
Tô Định giết chồng nên cử binh đánh đuổi Tô Định. Lĩnh Nam Chích Quái kể
lại:
- Thời ấy Tô Định ở Giao Châu rất tham bạo; nhân dân rất khổ sở. Trắc thù Định giết chồng, bèn cùng em là Nhị dấy binh đánh Định, vây hãm Giao Châu. Các quận Nhật Nam, Cửu Chân và Hợp Phố đều hưởng ứng.
Tuy nhiên các sử liệu của Trung quốc không thấy nhắc nhở gì đến việc Tô Định giết Thi Sách cả. Hậu Hán Thư chỉ chép rằng:
- Thái thú Tô Định lấy pháp luật ràng buộc. Trắc căm giận cho nên làm phản. Lúc đó người Lý ở Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng.
Còn Thủy Kinh Chú thì viết rõ hơn:
- Con Lạc tướng Chu Diên tên là Thi, lấy con gái Lạc tướng Mê Linh là Trưng Trắc làm vợ. Trắc là người có can đảm dũng lược, cùng Thi khởi binh đánh phá các châu quận, hàng được các Lạc tướng; họ đều suy tôn Trắc lên làm vua đóng đô ở huyện Mê Linh, được thu thuế hai năm ở hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Về sau Hán sai Phục Ba tướng quân Mã Viện đem quân đánh, Trắc, Thi chạy vào Kim Khê Cứu, ba năm mới bắt được.
Theo sử cũ, hai bà khởi binh ở Mê Linh. Sau khi phá song đô úy trị, tức là đồn quân trú đóng của Hán tại đó liền tiến đánh quận trị của Giao Chỉ ở Liên Lâu (nay là huyện Thuận Thành, Bắc Ninh gần Hà Nội). Châu trị của Giao châu cũng ở đó, thành ra khi phá được Liên Lâu thì chính quyền cai trị châu Giao cũng hoàn toàn tan rã. Cuộc nổi dậy của dân chúng Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố cũng làm tan rã chính quyền tại các quận đó. Quan lại Hán kẻ thì bị nghĩa quân giết chết, kẻ thì trốn chạy về Trung Quốc. Hậu Hán Thư chép "thứ sử Giao chỉ và các thái thú chỉ giữ được thân mình mà thôi".
Hậu Hán Thư chép hai bà sau đó chiếm được 65 thành. Đời Đông Hán, mỗi thành như vậy là một huyện. 65 huyện là một con số rất lớn vì cả châu Giao chỉ mới có 56 huyện chia ra như sau: Nam Hải 7, Thương Ngô 11, Uất Lâm 11, Hợp Phố 5, Giao Chỉ 12, Cửu Chân 5, Nhật Nam 5. Nếu con số 65 thành mà Hậu Hán Thư nói rằng hai bà chiếm được là đúng thì điều đó có nghĩa là ngoài toàn bộ vùng Lĩnh Nam ra, nghĩa quân của hai bà còn đánh chiếm được một số thành ở vùng Sở, Việt của nhà Đông Hán nữa. Có một số người đã khẳng định là thấy miếu thờ hai bà tại vùng sông Tương thuộc Hồ Nam. Tuy nhiên điều này khó mà đúng. Những miếu thờ hai vị thần nữ tại vùng này hầu như chắc chắn là thờ Nga Hoàng, Nữ Anh, hai người vợ của vua Thuấn mà truyền thuyết Trung Quốc nói là đã chết tại đây sau khi Thuấn đi tuần thú phuơng nam không về. Tuy nhiên ngay cả trong trường hợp Hậu Hán Thư chép nhầm 56 thành thành ra 65 thành thì điều đó cũng cho thấy rằng với cuộc khởi nghĩa của hai bà, toàn bộ châu Giao, từ phía nam Ngũ Lĩnh đã không nằm trong tay nhà Hán.
Căn cứ vào những sử liệu còn lại ta có thể thấy gì về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng? Các tài liệu của ta đều nói rằng Thi Sách bị Tô Định giết, hai bà vì báo thù chồng nên nổi lên khởi nghĩa. Điều đó đã thu hẹp ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thành một cuộc báo thù cá nhân. Có lẽ các sử gia sau này của Việt Nam vì mang nặng quan niệm phong kiến Tống Nho nên đã phải cho Thi Sách chết để giải thích vai trò mờ nhạt của ông chăng? Hậu Hán Thư, tài liệu gần với thời đại đó nhất đã không hề nói đến Thi Sách bị giết mà chỉ chép rằng "Thái thú Giao chỉ là Tô Định, lấy pháp luật ràng buộc, Trắc nổi giận nên làm phản". Còn Giao châu Ngoại Vực ký thì chép rõ là Trưng Trắc cùng Thi khởi binh. Tuy nhiên có một điều nổi bật khác là tất cả các sử liệu của ta cũng như của Trung Quốc đều nói rằng hai bà là người lãnh đạo cuộc nổi dậy và hai bà được các Lạc tướng cùng tôn sùng lên làm vua.
Nước ta từ thời kỳ Hùng Vương trở ra đã chuyển sang chế độ phụ hệ tuy rằng chưa chặt chẽ. Chế độ một chồng một vợ đã được thiết lập: đàn ông đi hỏi vợ chứ không phải con gái đi hỏi chồng nữa như những chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh hoặc Mỵ Châu, Trọng Thủy cho thấy. Như vậy tại sao Thi Sách nếu sống không lên làm vua mà lại để cho Trưng Trắc? Có thể là Thi Sách đã chết trong cuộc nổi dậy nên bà Trưng mới lên làm vua chăng? Trừ Giao Châu Ngoại Vực Ký ra, tất cả các sử liệu đều không nhắc đến vai trò của Thi Sách trong cuộc khởi nghĩa, trong khi mọi sử liệu đều nhấn mạnh đến cá tính của bà Trưng như "dũng mãnh, có tài thao lược" . Điều này cho thấy dù Thi Sách có còn sống chăng nữa, ông chỉ đóng một vai trò mờ nhạt trong cuộc khởi nghĩa này.
Việc Hai Bà Trưng được các Lạc tướng tôn lên làm vua cho
thấy, chế độ mẫu hệ của Việt Nam lúc đó tuy rằng đã bị thay thế nhưng những tàn
dư còn lại vẫn rất mạnh. Địa vị của người phụ nữ trong xã hội vẫn còn rất cao.
Người ta sẵn sàng chấp nhận vai trò của phụ nữ kể cả trong chính quyền và trong
quân sự. Vì vậy khi hai bà nổi lên trong các toán quân hưởng ứng đã có rất
nhiều nữ tướng (Thánh Thiên Công Chúa, Bát Nạn Công Chúa, Lê Chân ..vv)
Thần tích của một số làng còn lại cho thấy cuộc khởi
nghĩa của Hai Bà Trưng không phải là cuộc khởi nghĩa đầu tiên. Trước đó cũng đã
có những cuộc nổi dậy khác nhưng thất bại. Phải đến khi hai bà nổi lên, với sự
ủng hộ của hai giòng họ lớn vào bậc nhất của xã hội Lạc thời đó thì mới có đủ
khả năng đánh bại được những toán quân Hán đồn trú. Cuộc nổi dậy như vậy là đã
dựa vào những bất mãn của toàn dân mà thành công. Chính sách Hán hóa của nhà
Đông Hán không những tạo ra những căm hận trong xã hội dân Lạc mà cả trong
những xã hội khác bị Hán chinh phục, đặc biệt là trong những tộc Việt ở vùng
Lĩnh Nam và khu vực Ngô Sở. Chính vì vậy mà toàn bộ châu Giao đã nổi lên. Sau
khi đàn áp xong cuộc khởi nghĩa của hai bà, Mã Viện cũng đã phải đi đàn áp cuộc
nổi dậy của những người Sơn Việt ở Hồ Nam và viên tướng này đã chết ở đó.
Bà Trưng làm vua được chưa đầy ba năm thì Quang Vũ nhà
Hán sai Mã Viện đem quân sang đàn áp. Sử sách không chép rõ trong ba năm đó hai
bà đã làm được những gì. Thủy Kinh Chú chép rằng "Trưng Trắc thu
được thuế má hai năm tại Giao Chỉ và Cửu Chân". Điều đó cho thấy rằng
quyền hạn của hai bà chỉ bao gồm hai quận đó mà thôi. Những nơi khác tuy nổi
dậy khởi nghĩa nhưng không có quan hệ trực tiếp với chính quyền mới. Trong thời
gian hai bà làm vua, chắc hẳn các Lạc tướng vẫn nắm quyền trị dân như cũ và có
lẽ ngoài những người trực tiếp ứng mộ khởi nghĩa dưới trướng hai bà, đại đa số
quân đội vẫn còn nằm trong tay các lạc tướng. Chính vì vậy mà một khi phải đối
phó với một đội quân chính quy như của Mã Viện, hai bà đã mau chóng bị thua. Và
với sự thất bại của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, xã hội Lạc đã bước sang một
giai đoạn mới: giai đoạn Lạc Việt.
4.4 Từ Lạc chuyển sang Việt - Cuộc chinh phục của Mã Viện
Vào cuối thời Tây Hán, xã hội Trung Quốc bước vào chế độ
môn phiệt. Các nhà "đại gia" - địa chủ, phú thương, quan lại quyền quý
- chiếm đất của nông dân, nuôi nô tỳ kể đến hàng vạn. Nông dân đói khổ nổi lên
làm loạn. Vương Mãng lên ngôi đưa ra tân pháp tìm cách cải tổ nhưng đã bị các
hào gia và bọn quan lại cũ chống đối cuối cùng thất bại. Đến lúc Quang Vũ trung
hưng tình trạng lại càng tệ hơn nữa. Năm Kiến Vũ 16 (tức năm 39 sau Công
Nguyên) Quang Vũ ra lệnh cho các châu quận đo lại ruộng đất nhằm tước bớt đất
của các hào gia chia lại cho dân nghèo, quân bình bớt số thuế phú dân nghèo
phải chịu. Nhưng lệnh của vua ra lại bị bọn quan lại địa chủ chống đối làm
ngược lại đến nỗi "trăm họ ta thán, đón đường kêu oan" (Hậu Hán
Thư). Sang năm 40 các hào gia và binh lính nổi dậy tại khắp nơi, đặc biệt
là tại bốn châu Thanh, U,Từ, Ký (Sơn Đông, Hà Bắc hiện nay). Tại phương nam
ngoài cuộc khởi nghĩa của Hai bà Trưng tại Giao Chỉ còn có cuộc khởi nghĩa của
các tộc Sơn Việt tại các vùng Hồ Nam, Hồ Bắc, Quý Châu.
Chính vì vậy,
mặc dầu sau khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa đánh chiếm các châu quận tại Giao châu,
Quang Vũ đã ra lệnh cho các quận Trường Sa, Hợp Phố, Giao Chỉ, sắm sửa xe
thuyền, sửa sang cầu đường trữ sẵn thóc gạo để chuẩn bị chinh phục (Hậu Hán
thư - Giao chỉ truyện) nhưng phải đến hai năm sau, Hán mới thu thập đủ lực
lượng để mang quân sang đàn áp cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.
Mùa hạ, tháng
tư năm Kiến Vũ 18 (năm 42 CN) Hán Quang Vũ phong Mã Viện làm Phục Ba tướng
quân, Lưu Long làm phó tướng thống lĩnh bộ binh sang đàn áp dân Lạc. Chỉ huy
thủy quân là Đoàn Chí, được phong làm Lâu Thuyền tướng quân, hẹn họp nhau ở Hợp
Phố để cùng tiến vào Giao Chỉ.
Mã Viện, tự Văn Uyên, là một danh tướng của nhà Ðông Hán.
Viện trước theo Ngỗi Hiêu, sau bỏ Hiêu về theo Lưu Tú (Quang Vũ Đế) đã từng cầm
quân phá quân Khương tại Lũng Hữu và chống cự với Hung Nô ở Nhạn Môn. Khi được
Quang Vũ cử đi đánh Giao Chỉ, Viện đã vừa phá được cuộc khởi nghĩa của Lý Quảng
ở Hoản Thành. Sau này sau khi dẹp yên được Giao Chỉ, Viện lại được Quang Vũ cử
đi đánh những tộc Sơn Việt ở vùng Ngũ Khê (Quý Châu). Khi tiến sâu vào đất của
những tộc này, quân đội của Viện bị chặn đường ở Hồ Khẩu, các vùng núi cao bị
người Việt chiếm, tiến lên không được, lương thực không tới; quân lính không
chịu nổi thủy thổ bị dịch chết rất nhiều. Viện cũng bị bệnh chết trong quân.
Theo Hậu Hán thư, trong cuộc chinh phục chống lại
Hai Bà Trưng, quân Mã Viện có khoảng mười ngàn tên, lấy từ các quận Trường Sa,
Quế Dương, Linh Lăng (thuộc Hồ Bắc) và từ Thương Ngô (Giao châu) nhưng theo Thủy
Kinh Chú dẫn bài biểu của Mã Viện lên Hán Quang Vũ thì quân của Mã Viện khi
đi vào Giao Chỉ bao gồm "mười hai ngàn quân tinh nhuệ của Giao Chỉ, họp
với đại binh thành hai chục ngàn người. Thuyền xe lớn nhỏ hai ngàn chiếc" Điều
đó có nghĩa là trong thời gian tiến binh từ Bắc xuống đến Hợp Phố, Mã Viện đã
tuyển thêm được trên một vạn người tại châu Giao ở các quận Thương Ngô, Nam
Hải, Uất Lâm và Hợp Phố, tức là các quận thuộc miền nam Trung Quốc hiện nay.
Những quận này như đã nói ở trên, không nằm trong tầm kiềm soát của Hai Bà
Trưng, và nếu có nổi dậy cùng hai bà, chắc đã bị Hán mau chóng nắm lại quyền
kiểm soát. Mã Viện đã không gặp một trở ngại nào khi mang quân từ Hồ Nam qua
Quảng Đông, Quảng Tây cả; trái lại viên tướng Hán đã tăng cường được quân lực
lên gấp đôi so với khi phát xuất.
Khi hai đạo quân thủy lục hội lại tại Hợp Phố, Đoàn Chí
bị bệnh chết. Quang Vũ hạ chiếu cho Mã Viện thống xuất cả thủy lục quân tiến
công vào Giao Chỉ. Có lẽ vì phải phối hợp với cả thủy quân, nên Mã Viện không
đi theo đường núi qua ngả Lạng Sơn mà tiến vào địa phận Giao chỉ nhưng lại mở
đường theo ven biển. Hậu Hán Thư - Mã Viện truyện chép:
"Viện phải vượt bể vào Giao Chỉ. Thuyền ít không đủ
chở quân, bèn hỏi thăm những người đi núi rồi ven bờ bể theo núi mở đường hơn
nghìn dặm."
Phải gần một năm sau khi xuất quân, vào mùa xuân năm Kiến
Vũ 19 (43) Mã Viện mới tiến quân vào đến Lãng Bạc. Tại đây Mã Viện đã gặp quân
ta do bà Trưng Nhị chỉ huy từ Mê Linh xuống. Các sử của ta như Đại Việt Sử
Ký Toàn Thư và Việt Sử Thông Giám Cương Mục đều cho là Lãng Bạc là
Hồ Tây ở ngoại thành Hà Nội bây giờ. Nhưng nếu xét theo địa lý lịch sử thì lúc
đó Hồ Tây còn chưa thành hình mà mới chỉ là một nhánh sông của sông Hồng mà
thôi. Các tài liệu mô tả trong Hậu Hán Thư và Thủy Kinh Chú cho
thấy Lãng Bạc có thể là vùng đồi núi hiện nay là huyện Tiên Du thuộc Bắc Ninh.
Trong suốt thời gian Mã Viện tiến quân vào Việt Nam như
vậy Hai Bà Trưng làm gì thì không thấy
một sử liệu nào nói đến cả. Nhưng suốt con đường tiến quân từ Hợp Phố tới Lãng
Bạc sử không chép tới một cuộc kháng cự nào từ phía Hai Bà Trưng; điều đó đủ
cho thấy rằng Mã Viện đã tiến quân vào đất nước ta mà không gặp khó khăn gì. So
sánh với những điều được biết tại những trường hợp có một bối cảnh xã hội tương
tự như trường hợp của các tiểu vuơng quốc người Celt chống lại cuộc xâm lược
của La Mã dưới thời Julius Cesar thì chúng ta có thể đoán rằng lúc đó hai bà
đang còn phải tìm cách thuyết phục các Lạc tướng hợp binh lại dưới một sự chỉ
huy duy nhất thay vì mỗi bộ tộc chiến đấu lẻ tẻ và ô hợp.
Trận chiến tại Lãng Bạc chắc chắn là một trận đánh lớn.
Hai bên cầm cự nhau trong nhiều ngày, có thể đến một vài tháng. Đã có lúc, Mã
Viện, một tên danh tướng của Hán phải nao núng lo sợ rằng sẽ thua và bị chết ở
đây. Hậu Hán thư - Mã Viện truyện chép:
- Viện (sau khi phá được Hai Bà Trưng và được Quang Vũ
phong làm Tân Tức Hầu) sai giết bò, nấu rượu khao thưởng quan lại quân sỹ rồi
nghiêm trang nói "người em họ tôi là Thiếu Du thường thương hại tôi có
tính khẳng khái, ôm chí lớn và khuyên rằng kẻ sỹ sinh ra ở đời này chỉ nên mong
muốn làm sao có ăn có mặc, ra ngoài có xe, có ngựa yên ổn để trông coi phần mộ
tổ tiên tại quê quán; như vậy là đủ rồi chứ nếu cầu thêm nữa chỉ là tự làm khổ
mà thôi. Vào lúc ta còn đang ở kẹt giữa Lãng Bạc và Tây Lý (Tây Vu), địch còn
chưa bị diệt , dưới thì nước lụt, trên thì mây mù, khí độc bốc lên ngùn ngụt,
ngẩng trông lên thấy diều hâu đang bay sà rơi xuống nước. Khi nằm mới nhớ lại
những lời khuyên của Thiếu Du lúc sinh thời mà tiếc không biết làm sao đạt
được."
Nhưng cuối cùng trong trận này Mã Viện đã dành phần
thắng; quân ta tan vỡ, Hai Bà phải chạy về Cấm Khê. Theo Việt Điện U Linh
Tập, thấy phải cầm cự với Mã Viện lâu dài ở Lãng Bạc, các Lạc tướng chán
nản bỏ rơi Hai Bà và rút quân về địa phận của mình. Rất có thể rằng có một phần
quân sỹ của hai bà lại còn bỏ theo Mã Viện nữa. Trong bài biểu của Mã Viện sau
khi thắng được Hai Bà ở Giao Chỉ và trước khi đem quân vào Cửu Chân, Mã Viện đã
khoe với vua Hán rằng:
-..Thần có hơn vạn người Lạc Việt, trong đó có hơn hai
nghìn người tập quen chiến đấu cung có tên độc, bắn một lần mấy phát, tên bắn
như mưa, trúng ai nấy chết.
Dù sao chăng nữa,
trước tình thế đó, Hai Bà phải mang quân giao chiến chứ không thể nào dùng
chước cầm cự lâu dài để chờ cho quân Mã Viện mỏi mệt bị dịch bệnh mà phải rút.
Cuối cùng Hai Bà bị Mã Viện đánh thua. Theo sử Trung quốc, Mã Viện đem quân
đuổi theo, hai bên giao chiến nhiều lần, quân Hai Bà bị thua luôn, về sau Mã
Viện giết được Hai Bà bà dâng đầu Hai Bà về kinh đô Lạc Dương. Theo sử ta thì
không phải Hai Bà bị giặc giết mà đã tự vận tại sông Hát.
Cấm
Khê đến lúc hiểm nghèo
Chị
em thất thế phải liều với sông.
Lúc đó là vào mùa hạ tháng 5 năm Kiến Vũ thứ 19 (năm 43
CN)
Sau khi bình định được Giao Chỉ rồi Mã Viện mang quân vào
Cửu Chân đánh lực lượng của Hai Bà tại vùng này. Tướng của Hai Bà là Đô Dương
chống cự dũng mãnh nhưng cuối cùng phải thua. Hậu Hán thư chép
"Viện đem hơn hai ngàn lâu thuyền lớn nhỏ, hai vạn chiến sỹ đi đánh giặc
Cửu Chân là dư đảng Trưng Trắc. Từ huyện Vô Công đến huyện Cư Phong chém bắt
hơn năm ngàn người." (Cư Phong là một bộ tộc lớn thời Hùng Vương, chính
tại làng Đông Sơn thuộc huyện này là nơi đầu tiên phát hiện ra những đồ đồng
thau cho thấy sự tồn tại của thời đại Hùng vương). Thủy Kinh chú chép
"Thế là đất Cửu Chân yên".
4.5 Sự tan rã của xã hội Lạc và mầm mống hình thành của xã hội Lạc Việt
Với thất bại của Hai Bà Trưng và cuộc trấn áp của Mã
Viện, xã hội Việt Nam của nền văn hoá Đông Sơn cuối cùng đã tan rã. Sau khi
đánh bại xong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Viện ở lại Giao Chỉ trong hầu
hết năm Kiến Vũ 19 và tiến hành việc củng cố chính quyền Hán tại đất Lạc. Có thể
nói đây là một cuộc cách mạng xã hội đầu tiên tại Việt Nam.
Trong thời gian còn chiến đấu chống lại Hai Bà Trưng,
Viện đã giết rất nhiều những người mà Hán sử gọi là những "cừ suý"
tức là những Lạc tướng và những thành phần quý tộc của dân Lạc. Sau khi bình
định xong Cửu Chân, Viện còn đầy hơn 300 gia đình "cừ súy" khác lên
Linh Lăng (Hồ Nam). Thế là sau cuộc chiến, tầng lớp lãnh đạo của dân Lạc đã bị
tiêu diệt gần hết. Sau Mã Viện, danh từ Lạc tướng đã không được sử sách nhắc
nhở gì đến nữa chứng tỏ rằng tước vị Lạc tướng thế tập đã bị hủy bỏ. Nhằm xóa
bỏ đến cả ký ức các bộ tộc cũ, Viện cũng đã sửa đổi lại ranh giới các huyện, sáp
nhập những huyện nhỏ lại với nhau và chia những huyện lớn ra. Theo Thủy Kinh
Chú, Mã Viện đã "định lại các quận huyện và đặt lệnh trưởng". Như
vậy nếu trước kia quyền lực của các quan lại Hán chỉ tập trung vào một số trung
tâm lớn, còn tại các huyện (tức là các bộ tộc) quyền hành còn nằm trong tay các
Lạc tướng, thì nay quan lại Hán đã đi xuống tận các huyện. Ðể bảo vệ cho đám
quan lại mới này, cũng như là để tạo ra những trung tâm dân cư mới mà dân chúng
chắc hẳn phần lớn là người Hán, tại mỗi huyện Viện đều bắt xây thành lũy kiên
cố. Hậu Hán Thư chép: "Viện đi qua nơi nào đều xây thành quách cho
các quận huyện" đồng thời "đào ngòi, tưới nước sinh lợi cho dân"
Việc xây thành và đào ngòi tưới nước này cho ta thấy hai điều. Thứ nhất việc
xây thành có nghĩa là phải có binh lính Hán đồn trú nếu không thì xây thành chỉ
có hại chứ không có ích gì. Đào kênh khơi ngòi như vậy là Viện đã nối tiếp công
việc của Tích Quang và Nhâm Diên. Chắc hẳn khi đào kênh khơi ngòi này Viện đã
thiết lập chế độ đồn điền giúp cho quân Hán đồn trú có đủ khả năng tự cấp không
trông cậy vào lương thực ở bên ngoài. Theo Hậu Hán Thư, Viện đã áp dụng
chính sách đồn điền này khi ở Lạc Dương. Sự kiện quân Hán đồn trú để khai khẩn
đồn điền đã được Du Ích Kỳ đời Tấn ghi lại trong Thái Bình Quảng Ký:
- Ở phía Nam bờ sông Thọ Linh (tức là sông Gianh ngày
nay) có hơn mười nhà là những binh lính của Mã Văn Uyên còn sót lại không về.
Họ tự lấy họ là Mã và thông hôn với nhau. Nay có đến hai trăm nhà. Người Giao Châu
lấy lẽ họ là người lưu ngụ nên gọi họ là "Mã Lưu". Tiếng nói ăn uống
vẫn như người Hoa.
Nhưng điều quan trọng nhất mà Mã Viện làm khiến cho xã
hội dân Lạc thay đổi hẳn cục diện là buộc dân Lạc thay đổi những tập tục cũ của
mình để theo Hán. Hậu Hán Thư - Mã Viện truyện chép:
- Viện tâu rằng luật Việt và luật Hán khác nhau hơn mười
chuyện, nay xin làm sáng tỏ cựu chế đối với người Việt để ước thúc họ. Từ đó về
sau Lạc Việt tuân theo việc cũ của Mã tướng quân.
Cần lưu ý là Hậu Hán thư dùng chữ "luật" chứ
không phải chữ "pháp". Pháp có nghĩa là pháp luật, phép của nước như
trong đoạn tả nguyên nhân dẫn đến việc Bà Trưng khởi nghĩa, Hậu Hán Thư
chép "thái thú Tô Định dữ pháp thằng chi" có nghĩa là thái thú Tô
Định lấy pháp luật mà ràng buộc, trong khi tại đây dùng chữ "luật",
luật có nghĩa là tập tục của xã hội. Chúng ta không biết mười điều khác biệt
giữa luật Hán và luật Việt là gì, nhưng có thể rằng một trong những điều đó là
việc lấy họ để phân biệt rõ huyết thống phụ hệ. Tất cả các họ của Việt Nam cho
đến nay, từ họ Nguyễn, họ Lê cho đến các họ Dương, họ Mai đều là những họ xuất
phát tại Trung Quốc. Nếu Mã Viện bắt dân Lạc phải có họ để phân biệt "tính"
(tên) và "thị" (họ) thì điều này cũng không phải là lạ. Trong thời
cận đại, khi Pháp lập nền đô hộ lên đất Lào, Pháp cũng bắt người Lào phải lấy
họ để tiện việc sổ sách. Dân Lào chỉ mới có họ từ cuối thế kỷ thứ 19 mà thôi.
Còn tại Thái Lan, phải đến đời vua Chulalongkorn thì người Thái mới bắt đầu có
họ, khi vua Thái muốn bắt chước các nước Tây Phưong. Hiện nay tại Miến Điện và
Indonesia, dân chúng cũng chỉ có tên mà không có họ. Mười điều khác biệt đó
cũng chứng tỏ rằng xã hội Lạc vẫn còn là một xã hội có tổ chức và có những
phong tục tập quán riêng của mình mà dù thất bại cũng không hoàn toàn bị mất
đi.
Mặc dầu chế
độ Lạc tướng đã đi vào trong quá khứ, và một số lớn những Lạc tướng bị giết
hoặc bị Mã Viện lưu đầy sau khi khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thất bại, nhưng giới
quý tộc Lạc không vì thế mà không còn đóng một vai trò nào trong lịch sử về sau
này. Khi thiết lập chính quyền Hán tại các huyện của Giao Chỉ và Cửu Chân, Mã
Viện không thể nào dùng toàn người Hán được. Viện bắt buộc phải dùng những quý
tộc Lạc cũ, có thể là những người đã bỏ Bà Trưng để theo Viện hoặc là những
người đầu hàng sau khi Bà Trưng thất bại. Điều đó giải thích câu "xin làm
sáng tỏ cựu chế để ước thúc họ". Chắc hẳn khi nói vậy Viện đã đưa ra một
đề nghị với các Lạc tướng rằng hãy tuân thủ các luật pháp của đế quốc Hán để
đổi lại sự khoan hồng của Hán triều và cho tiếp tục phụ vào việc cai trị.
Thất bại của
cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đánh dấu cố gắng cuối cùng của xã hội Lạc nhằm
giữ lại những nếp sống và chế độ chính trị cũ. Tuy nhiên trong đống tro tàn của
xã hội cũ đó một xã hội mới đã manh nha. Việc trộn lẫn dân chúng thuộc các bộ
tộc khác nhau của xã hội Lạc, việc đưa người Hán sống tạp với người Lạc đã dần
dần làm nẩy sinh một cộng đồng mới trong đó những yếu tố truyền thống Lạc được
hỗn hợp với những yếu tố Hán để tạo ra một xã hội mới, xã hội Lạc Việt mà khả
năng tranh đấu để tồn tại mạnh mẽ hơn cổ xã hội Lạc nhiều.
Lạc, "Yueh", và Việt
Tổ tiên chúng
ta không phải là người Việt. Chúng ta không biết khi lập quốc, tổ tiên ta tự
gọi mình là gì, nhưng chắc chắn không phải là Việt, dù là Lạc Việt hay là một
tên Việt gì khác. Ta hãy tạm gọi bằng tên mà những người Trung Quốc đầu tiên
gọi dân ta, trước khi tên Việt được dùng một cách phổ biến; tên đó là Lạc. Tại
đây ta sẽ không nhắc lại đến những cuộc tranh cãi kéo dài từ trên năm mươi năm
nay chung quanh nghĩa chữ Lạc là gì? Hùng vương hay Lạc vương? vân vân...
Vậy thì Việt
là gì? Tại sao chúng ta lại trở thành Việt chứ không còn là Lạc nữa?
"Yueh" là danh từ người Hoa dùng để chỉ những dân tộc không phải
người Hán sống ở lưu vực phía Nam sông Trường Giang xưa kia. Người Hoa tự nhận
là văn minh. Họ cho họ là "Hoa"
- tinh hoa - và gọi những dân tộc
khác bằng những từ có tính miệt thị; phía tây gọi là nhung; phía bắc gọi là
địch; phía đông gọi là di; còn phía nam đầu tiên vì xưa kia chưa tiếp xúc nhiều
với những dân tộc ở phương nam họ gọi hết tất cả là "man", mọi rợ. Từ
"Yueh" mà dân Việt ta gọi là "Việt" là từ đầu tiên mà người
Hoa đặt ra để phân biệt những dân tộc ở phương nam mà một nền văn minh Hoa bành
trướng về phương nam bắt đầu tiếp xúc.
Sử gia Tư Mã Trinh đời Đường đã nói rất rõ rằng trước
thời Xuân Thu, nhà Chu chưa biết đến Việt. Như thế có nghĩa rằng chữ Việt lần
đầu tiên xuất hiện cùng với nước Việt của cuối đời Xuân Thu. Theo những thư
tịch của Trung Quốc, người ta biết rằng nước Việt này xuất hiện vào khoảng thế
kỷ thứ 5 trước Công Nguyên và lần đầu tiên được nhắc đến trong các bộ Tả Truyện
của Tả Khưu Minh và Việt Tuyệt Thư vốn là hai bộ sách viết vào thời Chiến Quốc
mà sau này được thời Hán sửa sang và thêm bớt khá nhiều. Việt lúc đó là một
danh từ riêng.
Thời Xuân Thu, văn minh Trung Hoa vượt ra khỏi khu vực
truyền thống của họ ở lưu vực các sông Hoài, Hà mà lan xuống phuơng Nam. Tại
vùng lưu vực sông Trường Giang họ bắt đầu tiếp xúc với những dân tộc không phải
là Hán mà quan trọng nhất là các nước Sở, Ngô và Việt. Sở, nằm ở ngay miền giữa
lưu vực sông Trường Giang - nay thuộc các tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc - là nước đầu
tiên bị Hán hóa với tầng lớp quý tộc cai trị du nhập văn hóa Hoa hạ ngay từ
những năm đầu của thời Đông Chu. Ngô và Việt nằm ở phía đông nam của Sở dọc
theo bờ biển.
Những nước này, Sở, Ngô và Việt đều bị những nước tập trung ở lưu vực sông Hà gọi chung là nam man cả. "Man" có nghĩa là hỗn độn không rõ. Người Trung Quốc thời Xuân Thu-Chiến Quốc hiểu về khu vực phía Đông, phía Tây , phía Bắc khá nhiều, nhưng với phía Nam họ không biết gì, thành ra đối với họ, những dân tộc phương Nam vẫn là một khối người hỗn độn không phân biệt được.
Những nước này, Sở, Ngô và Việt đều bị những nước tập trung ở lưu vực sông Hà gọi chung là nam man cả. "Man" có nghĩa là hỗn độn không rõ. Người Trung Quốc thời Xuân Thu-Chiến Quốc hiểu về khu vực phía Đông, phía Tây , phía Bắc khá nhiều, nhưng với phía Nam họ không biết gì, thành ra đối với họ, những dân tộc phương Nam vẫn là một khối người hỗn độn không phân biệt được.
Tuy nhiên cần nhớ rằng kiến thức của những người Trung
Quốc thời này về các dân tộc "Nam Man" không bao gồm dân tộc chúng ta.
Tầm ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc còn ở rất xa vùng đồng bằng sông Hồng.
Nhìn vào bản đồ, ta thấy từ Hồ Nam đi xuống lưu vực sông Tây Giang (tức là
Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay) tức là từ địa phận các nước Sở, Việt đi xuống
vùng mà người Hoa sau này gọi là vùng Lĩnh Nam còn bị cách bởi một rặng núi lớn
hiểm trở, rặng Hành Sơn. Việc giao thông giữa hai miền Hoa Trung và Hoa Nam chỉ
có thể thực hiện qua năm ngọn đèo chính gọi là Ngũ Lĩnh. Từ lưu vực sông Tây
Giang sang đến vùng đồng bằng Bắc Bộ, quê hương của người Lạc, tổ tiên của
chúng ta còn cách thêm nhiều rặng núi hiểm trở nữa. Điều đó cho thấy, sự tiếp
xúc của tổ tiên ta với người Hán rất ít và nếu có thì cũng chỉ một cách gián
tiếp mà thôi.
Tư Mã Thiên là người đầu tiên dùng từ Việt với một nghĩa
rộng hơn là chỉ nước Việt của Câu Tiễn. Ngoài việc dùng từ Việt để kể lại những
sự việc có quan hệ trực tiếp với nước Việt thời Xuân Thu và những di duệ của
nước này thời Tần Hán như Đông Âu, Tây Âu, Mân Việt vân vân, ông còn dùng từ
"Việt" với một nghĩa khác. Như Lưu Hy đời Hán giải thích, Việt có
nghĩa là vượt, để chỉ những tộc người nằm ngoài vòng "lễ nghĩa" của
nhà Chu, phù hợp với cách phân chia ảnh hưởng nhà Chu của Tư Mã Thiên. Bằng từ
Việt này Tư Mã Thiên chỉ những tộc người phương nam có ít nhiều tiếp xúc và
chịu ảnh hưởng của Hán tộc và để so sánh sự khác nhau giữa họ với những người
Hồ và Hán ở phương Bắc. Trong khái niệm Việt của Tư Mã Thiên ông đã loại trừ ba
khu vực, Sở, Ngô và dân Lạc của chúng ta. Điều đó cũng dễ hiểu. Sở và Ngô đã bị
đồng hóa vào nền văn hóa Hoa hạ, còn dân Lạc của chúng ta thì vẫn còn xa lạ
chưa tiếp xúc gì với văn hóa Hán cả. Chính cũng theo quan điểm này của Tư Mã
Thiên mà các nhà sử học Trung Quốc trong những đời sau này, khi tiếp xúc với
các dân tộc ở phương Nam khác như Lâm Ấp, Chân Lạp họ cũng không bao giờ gộp cư
dân những nước đó vào khái niệm Việt cả.
Khảo cổ học và cổ nhân chủng học cũng đã chứng minh sự
khác biệt của văn hóa cổ của dân Lạc với những nền văn hóa cổ đại phát triển
tại vùng Giang Nam. Các nghiên cứu về nhân chủng và cổ ngôn ngữ học cho thấy,
vào cuối thời kỳ đồ đá, trong lúc tại Đông Nam Á hình thành chủng tộc người Nam
Á thì tại miền Giang Nam cũng hình thành những tộc người nói tiếng Tày - Thái
tức là những dân tộc được Tư Mã Thiên gọi là Bách Việt.
Theo khảo cổ học, vào hậu kỳ thời đại đá mới ở Trung
Quốc, tương đương với giai đoạn Phùng Nguyên của Việt Nam, miền lưu vực sông Hà
đã phát triển hai nền văn hóa được mệnh danh là Nguỡng Thiều và Long Sơn. Đó
chính là những nền văn hóa cơ bản của Hán tộc. Trong khi đó tại vùng Giang Nam
cũng phát triển nhiều nền văn hóa khác mà đặc trưng là các món đồ gốm có hoa
văn in hình học khác với gốm màu của Ngưỡng Thiều hoặc gốm đen của Long Sơn.
Khu vực văn hóa này, tương đương với địa bàn mà các sử gia Trung Quốc gọi là
khu vực của những dân tộc Bách Việt được dặt tên là "Văn Hóa Đồ gốm hoa
văn in" (Ấn Văn Đào Văn Hóa). Về trình độ, văn hóa này tương đương với
trình độ của văn hóa Phùng Nguyên tại vùng châu thổ sông Hồng, nhưng những sản
phẩm đồ gốm của họ cũng khác hẳn với những sản phẩm đồ gốm tìm được trong những
cuộc khai quật khảo cổ tại Việt Nam về phương diện trang trí và hình dạng. Càng
về sau, trong lúc những sản phẩm đào được tại Việt Nam tiếp tục giữ những đặc
tính cơ bản của mình thì những sản phẩm đào được tại vùng Giang Nam đã ngày
càng mang thêm ảnh hưởng của vùng Hoa Bắc, với những hoa văn phảng phất trang
trí của đồ đồng thời Ân Chu.
Môt số những hiện vật đặc trưng của văn hóa Giang Nam
cũng đã đào được tại Việt Nam, tuy với một số lượng ít ỏi, trong khi một số
những hiện vật đặc trưng của dân Lạc cũng đã đào được tại vùng Giang Nam. Điều
này cho thấy giữa hai vùng có một quan hệ thương mại nào đó. Đặc biệt sang thời
đại đồng thau, sự khác biệt giữa hai vùng càng được thấy rõ rệt. Trống đồng,
đặc trưng của văn hóa Đông Sơn hầu như không được thấy tại vùng Hoa Nam này.
Tại Hoa Nam, trừ vùng Tấn Ninh (Vân Nam) nơi người ta đã phát hiện được một số
đồ đồng mang phong cách văn hóa Đông Sơn như trống đồng loại 1, dao găm chắn
tay ngang với lưỡi hình luợn sóng vân vân, còn toàn bộ vùng Giang Nam rộng lớn
còn lại, từ Hồ Nam, Hồ Bắc qua đến Giang Tây, Triết Giang, Phúc Kiến, Quảng
Đông, Quảng Tây cho đến nay người ta không hề tìm thấy được vết tích nào của
nền văn hóa Đông Sơn. Hầu hết những đồ đồng tìm được trong vùng này đều mang
phong cách của nước Sở hay là của văn hóa Đông Chu.
Những chứng tích khảo cổ học đó đã lại một lần nữa xác
định sự khác biệt giữa người Lạc, tổ tiên của chúng ta, và những tộc người mà
người Hán xưa gọi là Bách Việt hoặc Việt nhân hoặc Di Việt. Vậy thì tại sao tổ
tiên chúng ta đang từ Lạc trở thành Việt?
Những sách cổ nhất của Trung Quốc nói về dân ta không nói
đến tên Việt. Phải sang đến đời Đông Hán, đặc biệt là sau cuộc chinh phục của
Mã Viện, từ Việt mới được ghép vào với từ Lạc, trở thành Lạc Việt, để chỉ những
người dân tại vùng châu thổ sông Hồng và sông Mã. Tại sao lại có sự thay đổi
như vậy về phía những người Trung Quốc? Và tại sao người mình lại chấp nhận từ
Việt do Trung Quốc áp đặt thành tên của dân tộc mình để rồi nhiều người sau này
lại còn đi tìm nguồn gốc dân tộc từ những tộc Bách Việt ở Giang Nam cũng như là
còn nhận quàng cả những tác phẩm như Kinh Dịch của Trung Quốc làm của mình?
Đây là một vấn đề phức tạp và tế nhị có liên quan cả đến
tự ái dân tộc. Theo thiển ý, người Trung Quốc trong cái niềm tự hào bá quyền
nước lớn, luôn luôn giả sử rằng những dân tộc có "may mắn" được họ
chinh phục dần dà sẽ được khai hóa để trở thành người Hoa. Quá trình tiến hoá
này theo họ sẽ đi từ "man di" tức là hoàn toàn không có chút ảnh
hưởng văn hóa Hoa Hạ sang "Việt" để rồi cuối cùng trở thành Hoa. Đối
với người Hán, dân "man" ở Giao Chỉ sau mấy trăm năm tiếp xúc với văn
hóa Hán đã bắt đầu được khai hóa đủ để có thể trở thành Việt. Và để cho thấy sự
khác biệt giữa tộc Việt mới này với những tộc Việt khác ở vùng Giang Nam, chữ
Lạc đã được thêm vào cũng như là từ Điền Việt đã được người Hán ghép vào để chỉ
những dân tộc thuộc văn hóa Điền cổ xưa ở Vân Nam ngày nay.
Thế còn dân ta tại sao lại chấp nhận cái tên
"Việt"? Trái với người Nhật mà nền văn hóa có cơ hội được phát triển
độc lập không bị những áp lực từ bên ngoài, tổ tiên chúng ta đã phải đấu tranh
không ngừng để có thể tồn tại. Dưới ách thống trị của người Hán, và nhất là sau
cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thất bại, tầng lớp quý tộc cai trị cổ truyền
đã bị tiêu diệt và việc đấu tranh để bảo tồn những giá trị văn hóa và tinh thần
dân tộc đã phải đứng sau cuộc đấu tranh để có thể tồn tại dưới một chế độ cai
trị bóc lột, tàn ác và ngoại lai. Trong cuộc đấu tranh này, những giá trị nào
mà không có một đóng góp trực tiếp vào sự tồn tại đều phải bị gạt bỏ. Trong
trường hợp đó, việc chấp nhận từ Việt có một giá trị sinh tồn tương đối giúp người
Lạc có một chỗ đứng trong vũ trụ quan của thế giới người Hoa để mở đường cho
những tự hào về sau này trong câu thơ của Lý Thường Kiệt, "Nam Quốc sơn hà
nam đế cư". Bởi vì dù sao chăng nữa, "Việt" tuy rằng đứng ngoài
vòng kiềm tỏa của "lễ nghĩa" nhà Chu nhưng cũng là có văn minh. Theo
Tư Mã Thiên, thủy tổ của nước Việt đời Xuân Thu là con cháu Đại Vũ.
Vài nhận xét về từ "Giao Chỉ"
Từ "Giao Chỉ" lần đầu tiên được áp dụng để chỉ
nước ta là vào thời Triệu Đà. Triệu Đà sau khi diệt An Dương Vương bèn chia nước
Âu Lạc ra làm hai quận, Giao Chỉ và Cửu Chân đặt hai quan sứ cai trị. Nhưng từ
Giao Chỉ này có nguồn gốc xa xưa hơn. Theo Trần Văn Giáp, nghĩa chính và nghĩa
cổ nhất của Giao Chỉ được lấy từ thiên Vương Chế của Lễ Ký. Theo thiên này thì
nam man có một đất gọi là Điêu Đề Giao Chỉ; có ý nói ở đất đó, người ta khi nằm
thì đầu hướng ra ngoài, chân duỗi vào phía trong và gác chéo lên nhau. Một số
học giả người Hoa, và một số học giả Việt Nam cũng nhân vào đó khẳng định rằng
người Hoa đã biết đến đất ta từ thời Chu. Nhưng nếu xét kỹ trong Lễ Ký thì đoạn
văn này nói đến việc nước Trịnh. Trong thời Chu, Trịnh là một nước ở tỉnh Hà
Nam tồn tại từ khoảng 774 đến 500 TCN thì bị nước Hán diệt. Nếu xét vào bối
cảnh không gian và thời gian lúc đó, thì từ "nam man" này chỉ có thể
chỉ đến những dân tộc ở vùng lưu vực sông Trường Giang hoặc xa hơn nữa tối đa
là đến lưu vực sông Tây Giang là cùng. Điều mỉa mai là từ Giao Chỉ này đã tồn
tại và gắn liền với Việt Nam từ đó đến nay. Dưới thời Minh, vùng biển ngoài
khơi Việt Nam được người Minh gọi là Giao Chỉ Hải. Người Bồ Đào Nha đọc trại ra
thành Cochin để rồi từ đó có danh từ Cochinchina để chỉ miền Nam Việt Nam.
Thành ra mặc dầu không chỉ vùng đất của dân tộc ta, từ này vẫn gắn liền với
vùng đất này.
Toàn bộ: NHÌN LẠI SỬ VIỆT - LÊ MẠNH HÙNG
Toàn bộ: NHÌN LẠI SỬ VIỆT - LÊ MẠNH HÙNG