Cổ Pháp điện nơi đặt ngai thờ các vị vua Triều Lý |
6.1 Lý Bí và bước đầu trong tiến trình dành độc lập
Năm 502, tể tướng Tiêu Diễn cướp ngôi nhà Tề lập ra nhà
Lương. Thứ sử Giao châu của Tề là Lý Khải chiếm giữ châu quận chống không chịu
thần phục nhà Lương. Nhưng sau đó Khải bị trưởng sử của châu là Lý Tắc đem quân
giết chết. Chức trưởng sử của một châu dưới thời đô hộ của Trung Quốc là viên
quan đứng thứ nhì trong châu và luôn luôn là một người dân bản xứ. Việc Lý Tắc
giết Lý Khải cho thấy các hào tộc địa phương đã tích cực tham gia vào các cuộc
tranh chấp triều đại tại Trung Quốc. Sau khi giết Lý Khải, Lý Tắc được nhà
Lương phong ngay cho làm Giao Châu thứ sử. Tuy nhiên dư đảng của Khải vẫn còn
và năm 516, Lý Tắc phải đối phó với một cuộc nổi dậy do Nguyễn Tông Hiếu cầm
đầu.
Lý Tắc có vẻ như có những quan hệ khá thân cận với những
họ thế tộc cầm đầu triều đình Lương. Dưới thời ông những người thuộc các hào
tộc địa phương được khuyến khích lên Kiến Nghiệp cầu công danh. Hai trong số
những người đó là Lý Bí và Tinh Thiều.
Theo Lương thư, thì Lý Bí là thổ nhân, tức là
người Việt, người châu Giao, nhưng theo thư tịch Việt Nam, Đại Việt Sử Ký toàn
thư thì tổ tiên ông là người Hán, cuối đời Tây Hán, nhân chạy loạn Vương Mãng
lánh sang ở châu Giao, sau bảy đời trở thành người Việt. Lý Bí là người thuộc
giòng giõi hào tộc của châu Giao. Đến đời Lương, thanh thế của giòng họ ông đã
trải rộng ra trên vùng Vũ Bình phía Bắc sông Hồng. Cần nhắc lại, Vũ Bình là một
quận mới được cắt từ quận Giao Chỉ ra vào thời Tấn để kiểm soát vùng núi phía
Bắc đồng bằng sông Hồng và họ Lý đời đời được coi là một họ vũ dũng. Theo các
thư tịch còn lại, thì ông tài kiêm văn vũ; lúc nhỏ có lên kinh đô nhà Lương làm
quan, nhưng theo Lương Thư thì chức nhỏ "không thỏa mãn nỗi ước vọng của
ông", thành ra bất đắc chí, bỏ về quê quán. Sau đó ông giữ một chức quan
võ ở Đức Châu (Nghệ An) rồi cũng thất chí bỏ về. Từ đó, ông ở lại quê, chiêu
tập nhân dân và các hào trưởng địa phương mưu khởi nghĩa chống lại nhà Lương.
Lý Bí lên kinh đô nhà Lương làm quan thời nào ta không
rõ; nhưng nếu ông gặp Tinh Thiều trong thời gian ở kinh đô nhà Lương thì có lẽ
là trước năm 521. Tinh Thiều người Giao Châu, nổi tiếng là tài cao học rộng.
Khoảng năm 521, Thiều lên kinh đô Kiến Nghiệp của Lương kiếm một chức quan. Lại
bộ thượng thư nhà Lương là Sài Tổn cho rằng họ Tinh không phải là vọng tộc nên
chỉ cho Tinh Thiều làm chức Quảng Môn Lang tức là chức gác cổng thành phía Tây
của kinh đô Kiến Nghiệp. Tinh Thiều lấy thế làm hổ thẹn bỏ về Giao châu, rồi
cùng Lý Bí mưu tính việc khởi nghĩa.(Lương Thư - Sài Tổn Truyện)
Triệu Túc
Người thứ ba trong số lãnh tụ cuộc khởi nghĩa là Triệu
Túc, các thư tịch của Trung Quốc như Lương Thư, Trần Thư, đều không nhắc
nhở gì đến Triệu Túc và con trai của ông, Triệu Quang Phục cả. Thư tịch của ta
chép Triệu Túc là tù trưởng Chu Diên "cảm tài đức" của Lý Bí mà đem
quân đến theo. Như vậy Triệu Túc có lẽ là giòng dõi Lạc tướng của dân Lạc.
Chu Diên là một trong những huyện đầu tiên được triều Hán
thiết lập tại đồng bằng sông Hồng. Trong lịch sử, Chu Diên được biết như là quê
quán của Thi Sách, chồng bà Trưng Trắc, của giòng họ Đỗ thời Tấn và của bố con
Triệu Túc và Triệu Quang Phục. Thời Hán, Chu Diên nằm vào khoảng giữa hai con
sông Hồng và sông Đáy, có lẽ là gần vùng Hà Nội hiện nay; nhưng càng về các
triều đại sau vị trí của Chu Diên càng lùi xuống phía nam. Đến thời Lý Bí, Chu
Diên có lẽ nằm ở vùng đồng lầy chỗ sông Hồng đổ ra biển. Dưới thời Lương hầu
hết vùng này hãy còn là đầm lầy và chưa được khai thác vì hệ thống đê sông Hồng
chưa được xây dựng đến đó. Dân chúng vì vậy có lẽ ít bị Hán hóa so với những
vùng khác và vẫn còn giữ những truyền thống văn hóa Lạc cổ. Kể từ khi Mê Linh
được đổi thành quận Tân Xương với một đạo quân chiếm đóng thường trực, Chu Diên
đã trở thành trung tâm của nền văn hóa Lạc Việt còn lại và là lãnh đạo của
những người Lạc không chịu thần phục văn hóa Hán. Việc Triệu Túc đi theo Lý Bí
có lẽ đã khiến cho toàn bộ những người Lạc Việt chuyển sang theo cuộc khởi
nghĩa.
Cuộc khởi nghĩa của Lý Bí
Chính sách của nhà Lương là đối với những châu lớn và
quan trọng như châu Giao hoặc Quảng là dùng tôn thất làm thứ sử để kiểm soát
chặt chẽ tình hình. Thời bấy giờ thứ sử Giao Châu là Vũ Lâm Hầu Tiêu Tư. Tiêu
Tư là tôn thất nhà Lương. Họ Tiêu là một trong những cự tộc phương Bắc chạy về
nam uy quyền rất lớn. Chính sử Trung Quốc cũng phải thừa nhận rằng Tiêu Tư là
một tên tàn bạo, tham lam làm mất lòng dân. Trần Bá Tiên, tên tướng Lương về
sau này đánh bại Lý Bí cũng nói rõ nguyên nhân những cuộc "phản loạn"
của dân chúng là do "tội của các ông tôn thất".
Sử liệu không nói rõ cuộc khởi nghĩa của Lý Bí tiến hành
như thế nào. Lương Thư chép "Lý Bí liên kết với hào kiệt các châu
đồng thời làm phản". Như vậy có nghĩa rằng cuộc nổi dậy không chỉ xảy ra
riêng ở châu Giao không mà thôi mà còn có thể xảy ra tại châu Ái (Thanh Hóa) và
châu Đức (Nghệ An) nữa. Cuộc khởi nghĩa nổ ra vào tháng chạp năm Đại Đồng thứ
bảy đời Lương Vũ Đế (tháng giêng năm 542) và đã thành công một cách dễ dàng. Sử
cũ chép rằng khi nghe tin Lý Bí nổi dậy, Tiêu Tư sợ hãi vội đem của cải vàng
bạc đút lót cho Lý Bí rồi chạy trốn về Quảng Châu. (Lương Thư chép Tiêu
Tư trốn về Việt Châu). Chắc hẳn khi Tiêu Tư chạy trốn rồi thì bọn quan lại nhà
Lương kẻ thì đầu hàng quân khởi nghĩa, kẻ thì chạy trốn về Bắc, không cần phải
nhắc đến nữa.
Ba tháng sau đó cuộc phản công của quân Lương đã tiến
hành. Lương Thư chép "Tháng ba năm Đại Đồng thứ 8 (tức là tháng 4
năm 542) sai thứ sử Việt Châu là Trần Hầu, thứ sử La Châu là Ninh Cự, thứ sử An
Châu là Lý Trí, thứ sử Ái Châu là Nguyễn Hàn cùng đi đánh Lý Bí tại Giao Châu".
Đoạn văn này của Lương Thư cho thấy, vùng Thanh Hóa (Ái châu) cũng như
vùng duyên hải phía Bắc vịnh Bắc Việt (An Châu bao gồm vùng Quảng Yên và các
đảo vịnh Hạ Long) lúc đó có lẽ vẫn còn nằm trong tầm kiểm soát của nhà Lương.
Như vậy trong ba tháng đầu của cuộc khởi nghĩa có lẽ Lý Bí mới kiểm soát được
vùng châu thổ sông Hồng mà thôi.
Cả Lương Thư cũng như sử ta đều không chép đến
cuộc phản công này ra sao, nhưng ta có thể chắc chắn rằng cuộc phản công này đã
thất bại mau chóng và lực lượng của Lý Bí đã tràn sang được đến cả Thanh Hoá và
Nghệ An (Ái Châu và Đức Châu) cũng như là vùng An Quảng vì Đại Việt Sử Ký
Toàn Thư đã chép rằng mùa hè năm 543 khi quân Lâm Ấp sang cướp phá quận Cửu
Đức thì đã bị quân của Lý Bí đánh bại và như ta sẽ thấy về sau này Lý Bí đã
mang quân đánh quân Lương tại Hợp Phố chứ không đợi sang đến nước ta.
Thất bại trong cuộc tái chinh phục đầu tiên, Lương tổ
chức một cuộc tấn công lần thứ hai vào cuối năm 542. Theo Lương Thư, mùa đông
năm Đại Đồng thứ 8 (542) Lương Vũ Đế xuống chiếu cử thứ sử Cao Châu là Tôn
Quýnh, thứ sử Tân Châu là Lư Tử Hùng điều khiển binh mã đi đánh Lý Bí. (Tân Châu
và Cao Châu là những châu nhỏ cắt từ Quảng Châu cũ ra, thuộc tỉnh Quảng Tây
ngày nay).
Khiếp sợ trước thanh thế quá lớn của Lý Bí, có lẽ vì sự
thất bại quá nhanh của cuộc chinh phục trước, Tôn Quýnh và Lư Tử Hùng đã chần
chừ e ngại không chịu tiến quân. Viện cớ là đã bắt đầu vào múa xuân tại phương
Nam, dịch bệnh bắt đầu hoành hành trong đám quân Bắc, Tôn và Lư dâng biểu xin
hoãn đến mùa thu hãy tiến đánh. Nhưng thứ sử Quảng Châu là Tiêu Ánh (một tôn
thất nữa của nhà Lương) không nghe. Lại thêm Tiêu Tư lúc đó đang trú ngụ tại
Quảng Châu thúc dục thêm nên bọn Tôn, Lư phải tiến binh.
Quân Lương tới Hợp Phố thì gặp quân của Lý Bí. Truyền
thuyết của ta có nói đến một chiến thắng lớn tại Hợp Phố. Lương Thư và Trần
Thư thì không nhắc nhở gì đến, chỉ nói đóng ở Hợp Phố, quân sỹ mười phần
chết tới bảy phần. Bọn sống sót đều sợ binh địch bỏ trốn. Tôn Quýnh và Lư Tử
Hùng phải dẫn tàn quân về Quảng Châu. Tiêu Tư dâng biểu về triều vu cho Tôn
Quýnh, Tử Hùng "giao thông với giặc, dùng dằng không tiến". Lương Vũ
Đế bèn hạ chiếu bắt cả hai rồi xử tử ở Quảng Châu.
Trong khi đó, tại phía Nam, Lâm Ấp lợi dụng châu Giao có
loạn, mang quân đánh quận Đức Châu. Nhưng tháng 5 năm 543, tức là sau khi phá
được quân Lương rồi, Lý Bí sai tướng là Phạm Tu mang quân đánh Lâm Ấp, phá được
quân của vua Lâm Ấp là Cao Thức Luật Đà La Bạt Ma (Rudravarman) tại Cửu Đức.
Biên giới phía nam từ đó lại yên.
Sự thành lập đất nước Vạn Xuân
Sau khi đã dẹp yên phương bắc, bình định phưong nam,
tháng giêng năm sau (tháng 2, 544) Lý Bí chính thức lên ngôi hoàng đế, tự xưng là
Nam Việt Đế, đặt niên hiệu là Thiên Đức, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân. Đại Việt Sử
Ký Toàn Thư chép rằng sở dĩ đặt tên nước như vậy là vì "Ý mong xã tắc được
bền vững đến muôn đời", định đặt trăm quan, phong Triệu Túc làm thái phó,
Tinh Thiều làm tướng văn, Phạm Tu làm tướng võ, xây đài Vạn Xuân để làm nơi
triều hội. Tuy nhiên không phải rằng mọi người trong nước đều quy phục Lý Bí.
Ông đã phải đối phó với một số những bộ lạc thiểu số cũng như là một số hào
trưởng địa phương không chịu phục tùng chính quyền mới. Sự tích bà Triệu có nhắc đến chuyện Lý Nam Đế
đánh dẹp Bình Lâm (Thanh Hóa) được bà Triệu hiển linh hóa phép giúp cho chiến
thắng. Nhân đó, vua mới phong bà là "Bật chính anh liệt hùng tài trinh
nhất phu nhân". Theo Việt Điện U Linh Tập, Lý Bí phong cho Lý Phục
Man chức tướng quân, coi một vùng từ Đỗ Động (Thanh Oai, Hà Đông) đến Đường Lâm
(Phúc thọ, Sơn tây) để phòng ngừa Di, Lão.
Triều đình Lý Bí đặt ra chắc hẳn cũng giống như là cách
tổ chức triều đình của Trung Quốc. Chúng ta không rõ rằng trong thời gian ngắn
ngủi mà ông làm vua, ông đã làm được những gì, nhưng chắc hẳn điều ông phải
quan tâm nhất là phòng vệ biên giới phía Bắc. Công việc hành chánh, cai trị
chắc hẳn Lý Bí hoàn toàn phó cho Tinh Thiều. Cần chú ý là Triệu Túc được phong
làm thái phó. Chức thái phó đầu tiên xuất hiện vào đời nhà Chu có nghĩa là thầy
của vua. Chức này được Vũ Vương phong cho Khương Thượng và sau này Thành Vương
phong cho Chu Công. Chức này được phong cho Triệu Túc khiến ta có thể nghĩ rằng
đây là một cố gắng để hội nhập xã hội Việt Hán hóa mà tiêu biểu là Lý Bí với xã
hội cổ truyền của dân Lạc tạo ra một tinh thần dân tộc mới.
Lý Bí và Tinh Thiều tiêu biểu cho tầng lớp người đã bị
Hán hóa. Họ đã lên tận kinh đô Kiến Nghiệp của Trung Quốc để tìm chức quan.
Thất vọng họ đã trở về để tìm con đường độc lập. Nhưng ý tưởng của họ về độc
lập cũng chỉ là một đế chế Trung Quốc thu nhỏ với tôn hiệu hoàng đế và niên
hiệu như của Trung Quốc vậy. Triệu Túc, trái lại tiêu biểu cho tầng lớp xã hội
cổ truyền Lạc Việt. Không có dấu hiệu gì cho thấy ông đã sang Trung Quốc để tìm
kiếm công danh. Sự hòa hợp giữa hai yếu tố Hán và Lạc trong thời Lý Bí đã tạo
ra một xã hội mới, xã hội Việt, có đủ khả năng dần dà dành lấy độc lập và gìn
giữ được độc lập từ tay người Hán. Với Lý Bí, Tinh Thiều và Triệu Túc, xã hội
Việt đã trưởng thành với một ý thức dân tộc rõ rệt. Sau Lý Bí, việc Việt Nam
tách ra khỏi đế quốc Hán là một điều tất nhiên và chỉ là vấn đề thời gian mà
thôi.
Trong lúc Lý Nam Đế ổn định nội bộ ở châu Giao thì bên
Trung Quốc lại xảy ra nhiều biến loạn. Vì vậy nhà Lương phải tổ chức những cuộc
bình định tại châu Quảng trước khi có thể dòm ngó đến châu Giao. Năm Đại Đồng
thứ 11 (545) Lương chủ sai Dương Phiêu làm Giao Châu thứ sử, Trần Bá Tiên làm
tư mã tổ chức cuộc tái chiếm. Đất nuớc Vạn Xuân lại sắp sửa rơi vào một cuộc
can qua mới.
6.2 Cuộc Chinh Phục của Trần Bá Tiên
Sau cuộc phản công thất bại của Tôn Quýnh và Lư Tử Hùng,
nhà Lương phải mất hai năm sau mới tổ chức được một cuộc chinh phục mới. Một
phần là vì lúc đó, bên Trung Quốc cũng có loạn khiến cho Lương không rảnh tay
để dòm ngó xuống miền nam. Tại Quảng châu, sau khi Tôn Quýnh và Lư Tử Hùng bị
giết. Em Tử Hùng là bọn Tử Liệt, Tử Lược cùng bọn gia thuộc ở Giang Nam là Đỗ
Thiên Hợp, Đỗ Tăng Minh cùng với con cháu của Tôn Quýnh đều nổi lên để báo thù
tiến đánh Quảng Châu. Phải mãi đến năm Đại Đồng thứ 10, thứ sử Quảng Châu là
Tiêu Ánh mới giết được Đỗ Thiên Hợp, dụ hàng được Đỗ Tăng Minh và bình định
được châu Quảng. Lập được công lớn trong vụ bình định này là viên tham quân Quảng
Châu, Trần Bá Tiên.
Năm Đại Đồng thứ 11 (545), nhà Lương cho Dương Phiêu làm
Giao Châu thứ sử, Trần Bá Tiên làm Giao Châu tư mã, lãnh thái thú Vũ Bình cùng
với Dương Phiêu lo tổ chức việc chinh phục lại châu Giao. Bá Tiên là một viên
tướng giỏi nhất của triều Lương hồi đó và sau này nhờ vậy đã cướp ngôi triều
Lương lập ra triều đại cuối cùng của Nam triều: triều Trần, nhưng đó là chuyện
về sau. Tại Quảng Châu Bá Tiên tuyển mộ thêm nhiều lính để sửa soạn việc chinh
phục. Trần Thư chép:
- Cao tổ (chỉ Bá Tiên) tuyển được nhiều người vũ dũng,
khí giới sắc bén, Phiêu mừng nói:”phá được giặc chắc hẳn là Trần tư vũ này”.
Rồi ủy cho Bá Tiên kinh lược mọi chuyện quân sự. Quân sỹ
tụ họp ở Phiên Ngung (thành phố Quảng Châu hiện nay). Bấy giờ thứ sử Định Châu
là Tiêu Bột cũng được lệnh mang quân đến hội cùng đánh Giao Châu. E ngại truớc
cái gương thất bại của bọn Tôn Quýnh và biết binh sỹ mình sợ đi xa, Tiêu Bột
tìm cách thuyết phục Dương Phiêu không nên đánh Giao Châu. Bột bèn dùng những
lời lẽ ngon ngọt dụ dỗ Phiêu. Phiêu bèn tụ tập tất cả các tướng sỹ lại để bàn
tính. Trần Thư chép:
- Cao tổ đứng lên nói;"Giao Chỉ phản loạn đó là
tội của mấy ông tôn thất nên mới sinh ra
mầm loạn nổi lên ở một số châu, tích lũy đến cả mấy năm nay. Ông Định Châu,
muốn kiếm cái lợi ám muội gì mà trước mắt không kể đến đại kế, Tiết hạ (chỉ
Dương Phiêu) đã vâng lệnh phạt tội, cần nên sống chết vì việc đó, tại sao lại
có thể nhát sợ mấy ông tôn thất mà coi nhẹ phép nước, Nay nếu muốn đoạt người,
nhụt chúng thì hà tất phải mang quân sang Giao chỉ hỏi tội làm gì. Về ngay cũng
đã có cớ rồi vậy.
Phiêu bèn cho Bá Tiên làm tiên phong mang quân đi trước.
Tháng sáu năm đó quân Lương tới Long Biên. Lý Nam Đế mang ba vạn quân ra chống
chọi với quân Lương ở Chu Diên. Quân ta bị thua phải lui về giữ cửa sông Tô
Lịch, dựng thành lũy để chống cự với quân Bá Tiên. Bá Tiên tiến đánh, Lý Nam Đế
lại thua nữa, chạy về giữ thành Gia Ninh. Bá Tiên mang quân tới vây thành.
Dương Phiêu cũng mang đại quân đến tiếp ứng. Hai bên cầm cự nhau tới mấy tháng.
Cuối cùng thành bị phá vào tháng giêng năm sau (546). Như vậy là từ khi Trần Bá
Tiên mang quân vào châu Giao đến khi phá được thành Gia Ninh là mất tám tháng.
Thua tại Gia Ninh, Nam Đế chạy vào động Khuất Liêu, liên
lạc với các bộ tộc người Lão (có thể là những sắc tộc gốc Thái hiện nay) ở Tân
Xương (tức vùng Vĩnh Phúc Yên, Phú Thọ hiện nay), tụ tập tàn quân. Đến tháng 10
thu thập được vài vạn quân, ông lại từ trong động mang quân ra đóng ở hồ Điển
Triệt. Ông cho đóng rất nhiều thuyền bè thả đầy cả một hồ. Khí thế Nam quân lại
thịnh trở lại.
Trước tình thế đó, quân Lương sợ hãi, đóng ở của hồ không
dám tiến. Trần Thư kể lại rằng:
- Bí giữ hồ Điển Triệt, chỗ ranh giới với Khuất Liêu,
sai đóng thuyền bè chứa chật cả hồ. Chúng quân lo sợ, ngừng đóng tại cửa hồ,
không dám tiến. Cao tổ (Bá Tiên) nói với chư tướng rằng:"Quân ta đi đánh
đã lâu, tướng sỹ mỏi mệt, cứ cả năm cầm giữ lẫn nhau như thế này, sợ rằng đó
không phải là kế hay. Vả lại chúng ta, một cánh quân cô độc, viện binh không
có, lại đã vào sâu trong chốn tâm phúc của người ta, nếu như đánh một trận
không thắng thì mong gì sống. Nay nhân chúng thua chạy mấy lần, nhân tình chưa
vững, lại thêm Di Lão là đám quân ô hợp có thể dễ diệt, chính là lúc nên cùng
xuất quân liều chết mà đánh chứ vô cố mà ngừng lại thì sẽ không còn thời cơ
nữa.
Các tướng của Bá Tiên đều nín lặng không tên nào dám
hưởng ứng. Nhưng không may cho Lý Nam Đế, ngay trong đêm mà Trần Bá Tiên họp
các tướng đó, nước sông đột nhiên dâng cao chẩy ào vào trong hồ. Bá Tiên bèn
mang quân theo dòng nước tiến lên, lợi dụng lợi thế đánh trống hò reo. Quân của
Nam Đế không kịp phòng bị thành ra tan vỡ. Nam Đế lại phải chạy về động Khuất
Liêu rồi hai năm sau chết ở đó (tháng 4 năm 548). Cái chết của Lý Nam Đế sử ta
và sử Trung Quốc chép khác nhau. Theo sử ta thì Lý Nam Đế chạy vào động Khuất
Liêu, trong lúc ông đang tìm cách thu thập tàn quân và tụ tập những người thiểu
số ra đánh nữa thì ông bị bệnh chết, nhưng Trần Thư nói rằng, ông đã bị những
người Lão, nhận hối lộ của quân Lương giết chết, mang đầu dâng cho Trần Bá
Tiên. (Tại Tuyên Quang, cách thị xã Tuyên Quang khoảng 10 km trên đường đi Yên
Báy còn có đền thờ Lý Nam Đế ở trên núi. Tương truyền đây là nơi mà Lý Nam Đế
bị giết)
Căn cứ vào những lời trên của Trần Bá Tiên trong Trần
Thư, ta có thể thấy rằng sự thành công của quân Lương lần này tùy thuộc vào
một người đến mức nào. Thảng như tướng chỉ huy của quân Lương không phải là
Trần Bá Tiên thì cục diện lịch sử nước ta có lẽ đổi khác. Nhận định của Trần Bá
Tiên về sự ủng hộ của dân chúng đối với Lý Nam Đế "nhân tình chưa
vững" cho thấy rằng chính trong hàng ngũ quân đội của Lý Nam Đế có thể
cũng đã có những dao động. Lý Nam Đế mới làm vua chưa đầy một năm đã phải đối
phó với một cuộc xâm lược lớn của quân Lương. Gần một năm nữa đã trôi qua kể từ
khi ông thất bại ở Gia Ninh và phải chạy vào trong động Khuất Liêu. Tuy nhiên
sự kiện này cũng cho thấy tình trạng suy yếu đến mức nào của đế chế Trung Quốc
dưới thời nhà Luơng. Thành ra một khi Trần Bá Tiên trở về bắc, dẹp loạn Hầu
Cảnh rồi cướp ngôi nhà Lương thì châu Giao lại rơi vào tình trạng cũ.
Sau khi Lý Nam Đế chết, anh của ông là Lý Thiên Bảo chạy
vào được đến Cửu Chân, rồi cùng với một người là Lý Thiệu Long tập hợp được hai
vạn quân đi đánh Đức Châu giết thứ sử Đức Châu là Trần Văn Giới. Sau đó quân Lý
tiến ra vây Ái châu. Trần Bá Tiên lại tiến quân vào Cửu Chân và đánh tan nghĩa
quân của Lý Thiên Bảo. Bá Tiên được Lương phong làm Chấn Viễn tướng quân coi
binh mã bảy quận, lĩnh chức thái thú Cao Yên. Với thất bại của Lý Thiên Bảo,
đất nước Vạn Xuân non trẻ của Lý Nam Đế cuối cùng đã bị sụp đổ. Tuy nhiên khi
Trần Bá Tiên về bắc, Triệu Quang Phục và Lý Phật Tử đã nối theo Lý Nam Đế đuổi
được quân Trung Quốc và lập lại nhà nước độc lập tại Việt Nam thêm gần 60 năm
nữa cho đến khi cuối cùng nước ta lại mất vào tay nhà Tùy. Trong giai đoạn này
sử ta như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và Khâm Định Việt Sử Thông Giám
Cương Mục viết rất kỹ, trong khi đó sử Trung Quốc lại hầu như không nhắc
đến.
Những tài liệu về nhà Tiền Lý đã được sử Trung Quốc viết
tản mạn ở trong nhiều tiết mục khác nhau trong các bộ sử triều Lương và triều
Trần thành ra có nhiều chỗ khiếm khuyết gây nhiều nghi vấn. Tình trạng này lại
càng rối ren hơn khi nhắc đến những sự kiện xảy ra tại châu Giao sau khi Lý Nam
Đế bại vong.
Nhưng ngay cả trong cuộc chiến của Lương chống lại Lý Nam Đế, vốn
đã được viết trong phần đế kỷ của Lương Thư và Trần Thư, cũng có những sự kiện
khiến chúng ta phải thắc mắc. Lấy thí dụ như việc thứ sử Đức Châu Trần văn Giới
bị Lý Thiên Bảo giết. Sự kiện này cho ta thêm một số dữ liệu về tình hình phân
tán thời đó. Đức Châu là vùng cực nam của nước ta thời đó, Trần Bá Tiên khi còn
đang chống nhau với Lý Nam Đế tại vùng Vĩnh Yên Phú Thọ bây giờ, chắc chắn là
không có thể mang quân vào đến tận Đức Châu để chiếm lại. Lương Thư và Trần Thư khi chép đến cuộc hành quân của Trần Bá Tiên
cũng chỉ nhắc đến Dương Phiêu làm thứ sử Giao Châu chứ không nói gì đến thứ sử
các châu khác.
Vả lại chính Lương Thư cũng chép việc tướng Phạm Tu của Lý Nam
Đế phá quân Lâm Ấp tại Cửu Đức (quận nằm phía nam Đức Châu, nay là Hà Tĩnh) tức
là chính nhà Lương cũng biết rằng Đức Châu nằm trong vòng cai trị của Lý Nam
Đế. Vậy thì phải chăng Trần Văn Giới có thể, hoặc là người của Lý Nam Đế tại
Đức Châu nhưng khi thấy Nam Đế bị thua nên đầu hàng nhà Lương và được Lương
tiếp tục cho giữ Đức Châu, hoặc là quan lại cũ của nhà Lương, sau khi Tiêu Tư
bỏ chạy về Quảng Châu, đã hàng Lý Nam Đế, và sau đó khi Trần Bá Tiên sang đã
phản lại quay trở về với Lương. Dù sao chăng nữa, sự kiện này cho thấy rằng thế
lực của Lý Nam Đế thực tế chỉ bao gồm một số vùng tại châu thổ sông Hồng và
vùng trung du mà thôi. Tại các khu vực khác uy quyền của Lý Nam Đế có thể không
có bao nhiêu và khi ông bị thất bại trước quân Lương thì hầu hết đã trở giáo
quay lại với nhà Lương.
Tình hình Giao Châu sau khi Trần Bá Tiên đem quân về bắc
hầu như không còn được nhắc tới trong các thư tịch của Trung Quốc nữa ngoại trừ
những mẩu ngắn trong phần liệt truyện của các viên quan lại Trung quốc có đôi
chút dính líu đến nước ta. Chính vì vậy một số nhà sử học nhất là nước ngoài đã
tỏ ra nghi ngờ về những điều được chép trong chính sử của ta về nhà Tiền Lý.
Người đầu tiên đưa ra những nghi ngờ này là Henry Maspéro. Trong một bài viết
đang trên Tập San, Kỷ Yếu của Viện Viễn Đông Bác Cổ "La Dynastie
des Lý Antérieur" số XVI năm 1916, Maspéro, dựa theo thư tịch Trung Quốc
cho rằng từ năm 541 cho đến năm 602 chỉ có ba cuộc khởi loạn ngắn:
1. Cuộc
khởi loạn của Lý Bí từ 542 đến 547
2. Cuộc
khởi loạn của Lý Xuân năm 590
3. Cuộc
khởi loạn của Lý Phật Tử năm 602
Maspéro cho rằng Triệu Quang Phục không phải là một nhân
vật có thật vì sử Trung Quốc không hề nhắc đến tên ông. Dẫn chứng những tài
liệu thư tịch Trung Quốc, Henry Maspéro chỉ ra rằng trong thời gian từ 548 cho
đến 602, đã có rất nhiều quan lại Trung Quốc được cử sang cai trị Việt Nam.
Điều Maspéro, vì chỉ trông cậy vào sử liệu Trung Quốc không nhận ra là điều đó
chưa hẳn đã có nghĩa là trong giai đoạn đó Việt Nam thực sự bị cai trị bởi vì
rất có thể các chức quan đó chỉ có danh mà không có thật, những viên quan được
phong đó không hề bước chân đến châu Giao. Trường hợp điển hình là Trần Bá Tiên
được phong làm Giao châu thứ sử năm 550. Nhưng lúc ấy Bá Tiên đang đi từ Giang
Tây về Kiến Nghiệp và Bá Tiên không hề trở lại Giao Châu vì chỉ một năm sau đó,
Bá Tiên đã làm thứ sử Giang Châu rồi sau làm thừa tướng và cướp ngôi nhà Lương.
Những viên quan khác mà Maspéro dẫn tên đi sang cai trị Việt Nam từ năm 550 đến
557 cũng ở trong những trường hợp tương tự như vậy; tỷ như Hoàng Pháp Câu, được
phong làm Giao Châu thứ sử năm 552, nhưng sự thực chỉ ăn lương thứ sử Giao châu
chứ thực tế vẫn giữ chức huyện lệnh huyện Tân Kim (Giang Tây). Năm 1944, một
học giả Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tố đã đăng một loạt bài trên các báo Tri Tân
và Thanh Nghị bác bỏ luận cứ của Henry Maspéro về vấn đề nhà Tiền Lý.
6.3 Triệu Quang Phục và Lý Phật Tử
Trong khoảng 60 năm từ sau khi Lý Bí bại trận cho đến khi
nhà Tùy thống nhất Trung Quốc, tình hình Giao Châu ra sao sử ta và sử Trung
Quốc chép rất khác nhau. Đối với ta, đó là thời kỳ sau của nhà Tiền Lý với
Triệu Quang Phục và Lý Phật Tử, trong khi sử Trung Quốc thì không hề nhắc đến
Triệu Quang Phục mà chỉ nhắc đến Lý Phật Tử vào giai đoạn chót của thời kỳ này
khi nhà Tùy sai Lưu Phương sang chinh phục Giao Châu. Trong khi đó, sử Trung
Quốc lại nhắc đến Lý Hữu Vinh và Lý Xuân là những nhân vật không hề được sử
Việt Nam nhắc đến. Để có thể tìm hiểu sự thật lịch sử, chúng ta hãy đối chiếu
những gì ghi trong sử Việt nam và sử Trung Quốc để tìm một cách dung hòa.
Cuộc kháng chiến của Triệu Quang Phục và triều đại Lý Phật Tử theo sử Việt Nam
Theo chính sử Việt Nam, sau khi thành Gia Ninh bị thất
thủ, Lý Nam Đế phải chạy vào trong động Khuất Liêu (năm 546), ông đã ủy cho đại
tướng Triệu Quang Phục, con quan thái phó Triệu Túc giữ việc chống cự với Trần
Bá Tiên tại đồng bằng sông Hồng.
Thấy quân Bá Tiên quá mạnh, Triệu Quang Phục lui về giữ
đầm Dạ Trạch tại Chu Diên. Trần Bá Tiên đánh mãi không được. Lĩnh Nam Chích
Quái chép:
Quang Phục đem quân nấp
ở chầm. Chầm sâu và rộng, lầy lội, tiến binh rất khó. Quang Phục dùng thuyền
độc mộc đột xuất ra đánh cướp lương thực cầm cự lâu ngày làm cho quân giặc mệt
mỏi. Trong ba bốn năm không hề đối diện chiến đấu. Bá Tiên phải than rằng, ngày
xưa đây là chầm một đêm bay về trời nay là chầm một đêm cướp đoạt người.
Sau khi nghe tin Nam Đế mất (năm 548) Triệu Quang Phục
xưng vương hiệu gọi là Triệu Việt Vương. Bá Tiên rút quân về Bắc dẹp loạn Hầu
Cảnh ủy cho tỳ tướng Dương Sàn thống lãnh sỹ tốt. Quang Phục ăn chay, lập đàn
cầu đảo ở giữa đầm bỗng thấy Chử Đồng Tử cưỡi rồng hiện xuống cho móng rồng gắn
trên mũ đâu mâu, nhờ đó đánh đâu thắng đó giết được Dương Sàn lấy lại thành
Long Biên. Quân Lương thua chạy về bắc. Quang Phục lên làm vua được tới năm
571.
Trong khi đó, Lý Thiên Bảo chạy vào động Dã Năng dựng
nước ở đó tự xưng là Đào Lang vương, đến năm 555 thì mất. Tộc tướng là Lý Phật
Tử lên thay. Năm 557, Lý Phật Tử đem quân đánh nhau với Triệu Quang Phục ở Thái
Bình rồi chia đất ở bãi quân thần. Lý Phật Tử cho con trai là Nhã Lang lấy con
gái Quang Phục là Cảo Nương. Nhã Lang lừa Cảo Nương đánh cắp móng rồng rồi trốn
về với cha mưu đem quân đánh Quang Phục. Năm 571, Lý Phật Tử mang quân đánh úp
Triệu Quang Phục chiếm lấy cả nước lại xưng hiệu là Nam Đế (tức Hậu Lý Nam Đế)
đóng đô ở Phong Châu. Được 32 năm thì bị nhà Tùy diệt (năm 602).
Các sự kiện được viết trong chính sử Việt Nam như đã vừa
kể lại trên, hầu hết dựa vào các thần tích và truyền thuyết. Chúng có thể có
một cốt lõi sự thật lịch sử, nhưng đã bị bao bọc bởi một lớp huyền thoại và
thần thánh hóa những nhân vật. Chuyện Chử Đồng Tử hạ trần cùng với chuyện Nhã
Lang và Cảo Nương lập lại gần giống hệt như chuyện thần Kim Quy và Mỵ Châu
Trọng Thủy thời An Dương Vương. Quan hệ giữa nước ta và Trung Quốc cũng như
giữa nước ta và Lâm Ấp hầu như không được nói tới trong suốt giai đoạn trên 50
năm này, mặc dầu Lâm Ấp đang ở giai đoạn cường thịnh và chắc chắn là đã có
những cuộc xâm lược vào miền nam của nước ta thời đó.
Về phần Trung Quốc lúc đó nhà Trần rất hèn yếu, Tùy Thư
chép
- Đến đời Trần, đất đai càng thu hẹp, tây mất Thục
Hán, bắc mất Hoài Phì, uy lực không vươn ra khỏi vùng Kinh Dương (tức các vùng
Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tây, Triết Giang hiện nay)
Nhưng tại vùng Lĩnh Nam (các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây),
các hào tộc địa phương cát cứ vẫn có đủ lực lượng để can thiệp vào công việc
nội bộ của ta. Thành ra muốn hiểu rõ thêm sự thực lịch sử ta phải trở lại chính
sử Trung Quốc để tìm thêm những dữ kiện khác bổ túc cho những điều mà sử ta chỉ
chép một cách khái quát.
Triệu Quang Phục và Lý Phật Tử theo sử Trung Quốc
Giai đoạn từ 547 cho đến 602 là một giai đoạn đại loạn
của lịch sử Trung Quốc. Chính vì vậy các sử gia chỉ tập trung nói đến chuyện
xảy ra tại Trung Nguyên; tình hình phương nam, nhất là tại Giao Châu hầu như
không hề được nhắc tới, ngoại trừ khi có những chuyện liên quan trực tiếp đến
tình hình tại Trung Quốc. Chính vì vậy mà những biến loạn sau khi Trần Bá Tiên
trở về không được sử Trung Quốc nhắc đến không phải là đã không xảy ra.
Ngược giòng lịch sử, ta thấy, bắt đầu từ năm 547 khi Trần
Bá Tiên trở về Bắc tình hình Trung Quốc luôn luôn rối loạn. Năm 548, Hầu Cảnh
nổi loạn, chiếm kinh đô, giết Lương Vũ Đế. Khi Bá Tiên định dẫn một đội quân
bắc phạt, thứ sử Quảng châu Nguyên Cảnh Trọng âm mưu giết Trần Bá Tiên chạy
theo Hầu Cảnh. Phải đến năm 549 Bá Tiên mới dẹp yên được Nguyên Cảnh Trọng và
mời Tiêu Bột làm thứ sử Quảng Châu. Năm 550, Trần Bá Tiên mang quân vượt qua
Ngũ Lĩnh đánh Hầu Cảnh, để Quảng Châu lại cho Tiêu Bột. Với vùng trung nguyên
trong giai đoạn hỗn loạn, Toàn bộ miền Lĩnh Nam (Quảng Đông, Quảng Tây và Việt
Nam) nằm trong tay cai quản của Tiêu Bột. Bột không phải là một tên tướng giỏi,
và uy quyền của Bột theo như Tư Mã Quang chép trong Tự trị Thông Giám
không vượt quá một khu vực vuông nghìn dặm (khoảng 500 km hiện nay). Như vậy có
thể nói rằng ảnh hưởng của Bột chỉ nằm chung quanh phạm vi thành phố Quảng Châu
hiện nay mà thôi.
Còn tình hình tại châu Giao trong giai đoạn đó thì sao?
Chắc hẳn rằng khi Trần Bá Tiên mang quân về bắc, Dương Phiêu với tư cách là thứ
sử Giao châu ở lại để tổ chức việc cai trị. Cả hai sách sử Lương thư lẫn
Trần thư đều không có truyện về Dương Phiêu nên ta không biết gì về tên
quan này, nhưng rất có thể là sau khi Trần Bá Tiên mang quân về, Dương Phiêu đã
bị Triệu Quang Phục đánh bại. Sử ta chép rằng Triệu Quang Phục giết được Dương
Sằn, phải chăng Dương Sằn chính là Dương Phiêu chép nhầm?
Tháng 11 năm 557, Trần Bá Tiên cướp ngôi nhà Lương, lập
ra nhà Trần. Toàn bộ vùng Lĩnh Nam náo loạn, Tiêu Bột, một tôn thất nhà Lương,
nổi dậy chống Trần Bá Tiên. Bột sai Âu Dương Ngủy mang quân lên phía Bắc đánh
Tiên, nhưng quân của Ngủy bị đánh bại, Ngủy bị bắt. Khi tin thất trận được
truyền đến Quảng Châu, đám bộ hạ của Bột đều tìm cách tự bảo vệ lấy thân và Bột
bị một tướng của mình là Trần Pháp Vũ giết chết. Sau khi Bột chết cả miền nam
rơi vào tình trạng hỗn loạn. Biết rằng họ Âu Dương là một họ có uy tín tại vùng
Lĩnh Ngoại, Bá Tiên thả Âu Dương Ngủy ra và cho xuống chinh phuc vùng Lĩnh Nam.
Chính sử Trung Quốc không nói Ngủy đã làm được những gì. Trần thư chỉ chép vắn
tắt: "Ngủy lấy được Quảng Châu, Lĩnh Nam đều bình định hết". Ngủy
được phong làm thứ sử Quảng Châu, đô đốc binh mả toàn bộ 19 châu thuộc hai châu
Giao và Quảng cũ, tức là cả sáu châu thuộc nước ta.
Chính giai đoạn này là giai đoạn mà sử ta chép đến cuộc
nội chiến giữa Triệu Quang Phục và Lý Phật Tử. Có thể rằng lúc này Triệu Quang
Phục có liên lạc với Âu Dương Ngủy và chịu sự kiểm soát của Ngủy. Trong thời
gian này, Trần Thư chép, Âu Dương Ngủy nhận được một số vàng lớn từ Viên Đàm
Noãn, thứ sử Giao châu. Ngủy đã dùng một phần số vàng đó cho tên thái thú Hợp
Phố và chỗ còn lại cho con là Âu Dương Ngột. Đàm Noãn chết, Ngủy phong cho con
là Âu Dương Thịnh làm thứ sứ Giao Châu. Nhưng rõ ràng là chức thứ sử Giao Châu
của Thịnh chỉ là hư vị vì tiểu sử của Thịnh cho thấy hầu hết các hoạt động của
Thịnh nằm ở phía bắc châu Quảng chứ không liên quan gì đến châu Giao cả. Lý
Phật Tử ngược lại có thể có quan hệ với Vương Lâm. Lâm là một tên tướng của
Lương rất có uy thế tại vùng Quảng Tây hiện nay. Cho đến năm 557 khi Lâm hàng
Trần, Lâm và Âu Dương Ngủy vẫn đối nghịch nhau tại vùng Lĩnh Nam. Việc Vương
Lâm nổi lên chống Trần Bá Tiên có thể là nguyên nhân khiến Lý Phật Tử rời khỏi
cơ sở của mình ở vùng núi mà tìm cách tranh quyền với Triệu Quang Phục tại vùng
đồng bằng; và khi Vương Lâm đầu hàng Trần Bá Tiên thì có thể là nguyên nhân
khiến Triệu Quang Phục và Lý Phật Tử giảng hoà và quyết định chia đôi cai trị.
Năm 563, Âu Dưong Ngủy chết, con là Âu Dương Ngột lên
thay làm thứ sử Quảng Châu kiêm tổng đốc binh mã 19 châu. Năm 569 Âu Dương Ngột
nổi dậy chống nhà Trần, nhưng thất bại và bị tiêu diệt. Tình hình vùng Lĩnh Nam
rối ren trở lại. Trong dịp này Trần cử một phái đoàn do Nguyễn Trác cầm đầu
sang Giao Châu. Trần Thư chép:
- Sau khi dẹp được Âu Dương Ngột, bọn Di Lão ở Giao chỉ
thường thường tụ họp cướp bóc. Nguyễn Trác phụng mệnh đi sứ để chiêu dụ Giao
chỉ. Trác đến Nhật Nam, miền Tượng quận có nhiều vàng, lông chim trả, châu báu,
những sản vật quý lạ. Các sứ giả trước sau thường lấy những đồ đó đem về. Duy
có một mình Trác trần thân mà về, hành trang quần áo không có gì khác cả.
Chuyến đi của Nguyễn Trác chính trùng hợp với thời gian
Triệu Quang Phục bị mất nước với Lý Phật Tử. Là đồng minh hay phiên thần của Âu
Dương Ngột, Triệu Quang Phục chắc hẳn phải đối phó với Nguyễn Trác. Có thể rằng
Lý Phật Tử đã liên minh với Trác để đánh Triệu Quang Phục. Tuy nhiên điều Trần
thư nói đến "bọn Di Lão ở Giao chỉ tụ họp cướp bóc" cũng có thể là
một cách ám chỉ Lý Phật Tử, vì Lý Phật Tữ đã cùng với Lý Thiên Bảo chạy sang
lánh nạn tại khu vực của những người Di Lão này và như vậy chuyến đi của Nguyễn
Trác có mục đích giúp cho Triệu Quang Phục hơn là chống lại ông. Nhưng điều mà
ta có thể chắc chắn được là vào thời bấy giờ nước ta không thể nào có được một
chính quyền độc lập hoàn toàn, vì nếu có thì Nguyễn Trác và những tên sứ khác
không thể nào có thể đi chiêu dụ khắp nơi cho đến Nhật Nam mà không gặp một
phản ứng nào, lại càng không thể nào vơ vét tài sản mang về như Trần Thư đã
chép ở trên. Chắc hẳn vào lúc đó chính quyền địa phương do ta kiểm soát nhưng
trên nguyên tắc vẫn thần phục nhà Trần.
Sau năm 571, sử ta chỉ chép Lý Phật Tử cai trị xưng là
Hậu Lý Nam Đế cho đến năm 602 thì bị nhà Tùy diệt. Nếu tính về niên kỷ thì Lý
Phật Tử đã trị vì tới 45 năm kể từ khi chia nước với Triệu Quang Phục. Trước
đó, ông chắc hẳn đã theo Lý Bí. Đây là một khoảng thời gian rất dài đối với
tuổi thọ thời đó. Phải chăng danh hiệu Lý Phật Tử là một danh hiệu chung bao
gồm nhiều thế hệ lãnh đạo họ Lý mà vì sự sùng mộ đạo Phật đã cùng được mệnh
danh là Lý Phật Tử? Nếu điều đó đúng thì nó cũng giải thích sự xuất hiện của
một số nhận vật lãnh đạo châu Giao họ Lý trong thời gian này. Trần Thư chép năm
583, thứ sử Giao châu là Lý Hữu Vĩnh dâng voi làm cống nạp cho nhà Trần. Voi
vốn là cống phẩm thường thấy trong những đồ cống nạp của Lâm Ấp hoặc của các
nước phương Nam khác. Việc xuất hiện voi trong danh sách các đồ cống phẩm của
một "thứ sử châu Giao" bao hàm ý nghĩa rằng vị thứ sử này đã theo các
phương thức ngoại giao của một đất nước phưong Nam chứ không phải theo tập quán
của các quan lại đế chế phương bắc.
Tại phương Bắc, năm 581, Dương Kiên cướp ngôi nhà Chu lập
ra nhà Tùy đóng đô ở Trường An. Đến năm 589, Tùy sai quân chia làm hai đường
vượt Trường Giang xuống phía nam diệt nhà Trần thống nhất Trung Quốc. Tại vùng
Lĩnh Nam, một số thứ sử, thái thú đầu hàng nhà Tùy, trong khi một số người khác
chống lại. Tùy thư chép
- Tháng 11 năm Khai Hoàng thứ 10 (590) người Vụ châu
là Uông văn Tiến, người Cối kê là Cao Trí Tuệ, người Tô Châu là Thẩm huyền
Khoái đều cử binh làm phản tự xưng thiên tử, đặt trăm quan. Bọn Sài đạo Nhân ở
Lạc An, Lý Lăng ở Tưởng Sơn, Ngô Đại Hoa ở Nhiêu Châu, Thẩm Hiếu Triệt ở Vĩnh Gia,
Vương Quốc Khánh ở Tuyền Châu, Dương Bảo Anh ở Dư Hàng, Lý Xuân ở Giao Chỉ, đều
tự xưng đại đô đốc đánh phá các châu huyện. Hoàng đế xuống chiếu cho chức
Thượng Trụ Quốc, nội sử lệnh, Viêt Quốc công Dương Tố đi đánh, dẹp được.
Thực ra Dương Tố chỉ mới xuống đến vùng Triết Giang, Phúc
Kiến mà thôi chứ chưa từng xuống đến vùng ngoài Ngũ Lĩnh chứ chưa nói đến Việt
Nam hiện nay. Chính sách của nhà Tùy bấy giờ đối với vùng ngoài Ngũ Lĩnh là
dung dưỡng và ràng buộc "thừa chế bổ bọn cừ suý làm thứ sử thái thú"
rồi về. Thành ra ta có thể chắc rằng Lý Xuân vẫn tiếp tục được làm thứ sử Giao
châu. Nhà Tùy lúc đó chưa nắm hết được miền Lĩnh Nam. Thế lực của Tùy còn yếu,
tình trạng cát cứ còn mạnh, cho nên Tùy bắt buộc phải trao chính quyền địa
phương cho các hào trưởng địa phương, tuy rằng về danh nghĩa những người này
vẫn nhận chức tước ở triều đình trung ương. Thiền Uyển Tập Anh, truyện
"Pháp Sư Đàm Thiên" có nhắc đến lời Tùy Cao Tổ (Dương Kiên) "đất
Giao châu tuy rằng nội thuộc nhưng chỉ là đất cơ mi (ràng buộc) mà thôi".
Năm 597, Tùy đặt phủ Tổng quản ở Quế Châu sai Lệnh Hồ Hi
làm tổng quản, có quyền bổ nhiệm từ thứ sử trở xuống. Đến đây nhà Tùy đã kiểm
soát thêm một phần vùng đất Lĩnh Nam. Các hào trưởng cát cứ lần lượt bị gọi vào
triều chầu hoàng đế. Năm 602, Tuỳ thư chép:
- Lệnh Hồ Hi phụng chiếu gọi cừ suý Giao châu là Lý
Phật Tử vào triều. Phật Tử muốn làm loạn, xin đến tháng trọng đông sẽ lên
đường. Bàn ý của Lệnh Hồ Hi cũng chỉ muốn ràng buộc Phật tử nên y theo lời xin
của y. Có người đến cửa khuyết tố cáo Hi ăn hối lộ của Phật Tử. Vua nghe có ý
ngờ. Khi Phật Tử làm phản hỏi đến nơi, vua giận lắm sai bắt Lệnh Hồ Hi đem về
triều. Đến khi tổng quản là Lưu Phương bắt được Phật Tử đem về kinh sư, nói
rằng ở nhà Hi không có tang vật, vua mới tỉnh ngộ.
Tóm lại trong thời kỳ sử ta chỉ chép đến Lý Phật Tử, sử
Trung Quốc nhắc đến ba người họ Lý: Lý Hữu Vinh, Lý Xuân và Lý Phật Tử. Phải
chăng ba người đó chỉ là một hay là ba thế hệ của một giòng họ Lý cai trị đất
Giao trong gần 50 năm. Đây là một vấn đề mà chúng ta vẫn còn chưa có bằng chứng
giải quyết.
Giai đoạn này, sử ta và sử Trung Quốc chép gần giống
nhau. Để đối phó với nhà Tùy, Lý Phật Tử sai người anh là Lý Đại Quyền giữ
thành Long Biên; tướng là Lý Phổ Đĩnh giữ thành Ô Diên còn tự mình giữ thành cũ
của Việt Vương (tức thành Cổ Loa).
Tháng giêng năm 603, nhà Tùy cử Lưu Phương dẫn quân thuộc
27 doanh sang chinh phục. Lưu Phương
chia quân theo đường Vân Nam tiến xuống. Tới núi Đô Long, gặp quân của Phật Tử.
Quân ta thua, quân Tùy kéo thẳng đến chỗ Phật Tử đóng binh. Lưu Phương sai
người dụ Phật Tử ra hàng rồi bắt đem về Trường An. Thế là nước ta lại rơi trở
vào vòng thống trị của Trung Quốc thêm ba trăm năm nữa.
Trong suốt thời kỳ Bắc thuộc, có lẽ chỉ trong thế kỷ thứ
sáu với nhà Tiền Lý qua các triều đại của tiền Lý Nam Đế, Triệu Việt vương và
hậu Lý Nam Đế là đất nước ta được hưỏng một thời gian tự trị nhiều nhất, trên
60 năm nếu kể từ lúc Lý Nam Đế nổi dậy đuổi quân Lương. Chính vì vậy mà thế kỷ
này là lúc thành hình của dân tộc tính Việt Nam, mở đường cho các triều đại độc
lập của các thế kỷ thứ 10 và 11. Một số những phong cách của thời kỳ này sẽ
xuất hiện trong các triều đại độc lập về sau này.
Trong những phần trước chúng ta đã nói đến sự hình thành
và phát triển của tầng lớp môn phiệt châu Giao. Đến thế kỷ thứ sáu, tầng lớp
này đã mạnh đủ và ý thức đủ để thấy họ bị chèn ép bởi tầng lớp môn phiệt phương
Bắc. Từ đó, ước vọng tách ra thành một đất nước độc lập đã nổi lên dẫn đến cuộc
khởi nghĩa của Lý Nam Đế. Lý Nam Đế chính là kết thúc logic của sự phát triển
của tầng lớp này. Vì không có một khuôn mẫu tổ chức xã hội nào khác để so sánh
cho nên họ chỉ có thể thành lập một chính quyền dập khuôn theo chính quyền của
đế chế Trung Quốc. Đó chính là điều mà Lý Bí đã làm khi ông thành lập một chính
quyền mới, tự xưng là Nam Đế, đặt niên hiệu, lập triều chính rập khuôn theo như
những triều đại ở phương Bắc. Tuy rằng triều đại của ông chỉ ngắn ngủi có vài
năm, nhưng nó đã mở đường, làm một mẫu mực cho các triều đại Việt Nam về sau
này.
Tuy nhiên, bên cạnh truyền thống chính trị du nhập từ
phương Bắc vào còn một truyền thống khác mà ta tạm gọi là truyền thống
"vua" của dân Lạc trái với truyền thống "đế" của Trung
Quốc.
Nếu cuộc khởi nghĩa của Lý Bí hãy còn là một sự kết hợp
giữa truyền thống Lạc và Hán với Triệu Túc đóng vai "thái phó" đại
diện cho truyền thống Lạc trong triều đình của nhà Tiền Lý, thì cuộc chinh phục
của Trần Bá Tiên đã khiến cho hai truyền thống này thể hiện ra riêng rẽ trong
phản ứng kháng chiến chống lại quân xâm lược từ phương Bắc.
Giòng họ Lý, khởi đầu với Lý Bí và kế tiếp theo đó là Lý
Thiên Bảo và Lý Phật Tử, chạy lên núi và là đại diện cho việc du nhập mô hình
"đế" vào trong hệ thống chính trị Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến
chống lại quân Trần-Lương, Lý Thiên Bảo chạy lên núi đến động Dã Năng, tự xung
là Đào Lang vương. Việt Điện U Linh Tập dẫn lời Sử Ký của Đổ Thiện chép lại
chuyện Lý Thiên Bảo như sau:
- Thiên Bảo chạy đến động Dã Năng tại nguồn con sông
Đào Giang. Ông thấy vùng này xinh dẹp, đất đai rộng lớn và mầu mỡ có nhiều sản
vật, bèn xây một cái thành ở lại đây. Dân chúng nghe tiếng quy tụ theo càng
ngày càng đông, đức năng lan ra khắp nơi xa gần. Đất nước Dã Năng từ đó được
thành lập và Thiên Bảo được tôn làm Đào Lang Vương. Khi ông mất không có người
thừa kế, mọi người bèn tôn Lý Phật Tử lên thay. Trần Bá Tiên về Bắc, Phật Tử
mang quân xuống đông. Chúng khuyên Phật Tử hãy tự xưng làm đế. Phật Tử nghe
theo, bèn xưng là Nam Đế.
Động Dã Năng của Lý Thiên Bảo và Lý Phật Tử trong mô tả
như vậy là một cảnh thiên đường. Ở đầu nguồn sông Đào Giang, nó làm chúng ta
nhớ lại câu chuyện huyền thoại về Đào Nguyên của Đào Uyên Minh đời Tấn. Đào
Nguyên là một nơi giả tưởng, trong đó dân chúng sống chất phác thanh bình. Theo
Đào Uyên Minh, thời Tấn có người tiều phu vào trong núi Thiên Thai kiếm củi, bị
lạc, bèn đi dọc một con suối để tìm đường ra. Hai bên suối nhiều cây đào mọc
hoang nên gọi là Đào Nguyên. Đi một hồi lâu thì thấy suối đi vào một cái động.
Bước vào trong động đi thêm một hồi lâu nữa thì ra đến một nơi bằng phẳng, đất
đai mầu mỡ, cây cỏ tốt tươi, người ở đông đúc, nhưng phục sức, ngôn ngữ đều
khác với người bên ngoài. Tiều phu hỏi
thì nói rằng họ đều là dân chúng chạy loạn thời Tần Hán, vào đến nơi này ở đã
mấy trăm năm, không hề biết bên ngoài thời thế đổi thay đã bao nhiêu triều rồi.
Ở đấy ít lâu, tiều phu nhớ nhà đòi về. Về sau, tiều phu lại tìm đến nơi Đào
Nguyên đó thì chỉ thấy rừng núi mông mê không làm sao tìm ra đường cũ được.
Ta không biết huyền thoại Đào Nguyên được chính Lý Phật
Tử sử dụng hay là các sử gia đời sau đưa ra để biện minh cho giai đoạn mà thanh
thế họ Lý xuống đến thấp nhất. Tuy nhiên, đây là một quả là một biện pháp tuyên
truyền rất hay. Chính quyền họ Lý bỏ chạy vào trong núi và mất tích trong nhiều
năm không có liên lạc gì với vùng đồng bằng. Lý Phật Tử vì vậy phải đưa ra một
giải thích nào đó khiến cho dân chúng chấp nhận sự chính thống của mình. Một
nơi như là Đào Nguyên chính là một nơi lý tưởng, một "thế ngoại chi
cảnh" mà khi người ta rời khỏi thì không còn cách gì tìm ra đường trở lại nữa.
Bằng cách mô tả khu động Dã Năng và huyền thoại Đào Nguyên hầu như giống hệt
nhau, Lý Phật Tử đã khẳng định Dã Năng và Đào Nguyên đều là hai nơi bên ngoài
trần thế và vì vậy một khi rời ra người ta không thể nào quay trở lại được.
Hơn nữa Đào Nguyên và đất nước Dã Năng của Lý Phật Tử là
những huyền thoại về một chính quyền thời thịnh trị. Điều này không những quảng
cáo cho tài cai trị của họ Lý mà còn có tác dụng hấp dẫn với những người dân ở
đồng bằng chịu sự áp bức và bóc lột của các chính quyền phương Bắc. Người dân
tại Đào Nguyên đã tìm được ra cảnh thiên đường này sau khi chạy trốn loạn lạc
vào cuối đời Tần. Họ không hề biết đến các đời Hán và những đời sau đó: Họ đã
vượt ra khỏi tầm kiểm soát của quan lại triều đình phương Bắc. Qua việc khẳng định
đất nước Dã Năng này với Đào Nguyên, Lý Phật Tử đã khẳng định sự khác biệt của
mình với các triều đại phương Bắc.
Nếu Lý Phật Tử dùng những huyền thoại của Trung Quốc để
khẳng định sự khác biệt giữa Nam và Bắc thì Triệu Quang Phục đã dùng những
huyền thoại cũ của chính dân Lạc để khẳng định sự độc lập của dân tộc mình.
Sống và chiến đấu trong vùng đầm lầy ở Chu Diên, giữa những người dân Lạc đã
không bị ảnh hưởng nhiều của văn hóa Trung Quốc, Triệu Quang Phục đã dùng những
hình tượng thể hiện một truyền thống lâu đời của vương quốc Văn Lang qua đó lấy
sự ủng hộ của quần chúng. Chử Đồng Tử cưỡi rồng giáng thế trao cho Triệu Quang
Phục móng rồng là biểu tượng quyền lực của ông có thể bảo vệ được đất nước.
Điều này làm ta nhớ câu chuyện trong Lĩnh Nam Chích Quái nói về Lạc Long Quân
trong đó kể:"Hễ dân có việc lại lớn tiếng gọi Long Quân rằng "Bố ơi,
bố ở đâu mà không lại cứu chúng con". Long Quân tới ngay. Sự linh hiển cảm
ứng của Long Quân, người đời không thể lường nổi."
Tuy nhiên, sáu thế kỷ dưới sự cai trị của người Hán không
thể nào không để lại những dấu ấn sâu đậm về văn hóa xã hội. Người Việt nay
không còn là người Lạc thời xa xưa nữa. Thành ra, nếu việc bắt chước các hình
thức triều chính của phương Bắc không thỏa mãn được nguyện vọng sâu xa của dân
Việt thì việc trở lại với hình thức xã hội cổ truyền cũng không đáp ứng được
nhu cầu mới của xã hội. Để có thể tách rời vĩnh viễn ra khỏi đế quốc Trung Hoa
xã hội Việt Nam cần có một cái gì hội nhập hai yếu tố Hán và Lạc để thành một
sắc thái mới độc nhất, sắc thái Việt. Yếu tố tổng hợp đó chính là Phật Giáo. Và
tuy rằng phải mất ba thế kỷ nữa, nền độc lập của Việt Nam mới được vững bền,
nhưng những bước đầu của việc tổng hợp đó chính bắt đầu trong thế kỷ thứ sáu
này.
Đến thế kỷ thứ sáu, Phật Giáo tại Việt Nam đã có một lịch
sử trên ba trăm năm. Phật Giáo Việt Nam trong giai đoạn này phần lớn được du
nhập trực tiếp từ Ấn Độ sang qua ngả đường biển. Thời Nam Tề, Tề Cao Đế
(479-482) khi dự định gởi nhà sư sang châu Giao đã được thiền sư Đàm Thiên
khuyên rằng:
- Giao Châu có đường thông sang Thiên Trúc. Phật Giáo
vào Trung Quốc, chưa phổ cập đến Giang Đông mà xứ ấy đã xây ở Liên Lâu hơn 20
bảo tháp, độ được 500 vị tăng và dịch được 15 bộ kinh rồi. Thế là xứ ấy đã có
đạo Phật trước ta.
Nhưng dưới thời Lý Phật Tử, Phật Giáo Việt Nam lần đầu đi
vào con đường Việt Nam hoá và tổng hợp hai giòng Phật Giáo Thiên Trúc và Trung
quốc. Nhà Tiền Lý rất hâm mộ Phật Giáo. Ngay từ khi lên ngôi, Lý Bí đã cho xây
chùa Vạn Phúc cùng lúc với cung Vạn Thọ để làm nơi thờ Phật. Hiện tại chùa này
còn một pho tượng Phật A Di Đà với nghệ thuật điêu khắc theo kiểu Long Môn cho
thấy đạo Phật lúc đó đã thịnh hành đến mức nào tại Việt Nam. Phật Giáo trong
giai đoạn đầu được phổ biến nhiều trong dân gian dưới hình thức Tịnh Độ Tông
thờ Phật A Di Đà và phối hợp với tục thờ phủ mẫu (các nữ thần nông nghiệp) vốn
có trước đó của dân Lạc. Hiện khá nhiều chùa chiền miền Bắc Việt Nam còn có hậu
điện thờ các vị mẫu như mẫu Thượng Ngàn, mẫu Thiên Phủ và mẫu Thoải (Thủy). Nhưng
phải đến khi Tì Ni Đa Lưu Chi sang Việt Nam lập ra giòng Thiền đầu tiên của
Việt Nam thì đạo Phật mới xâm nhập nhiều vào giới trí thức.
Theo truyền thuyết, Thiền Tông bắt đầu từ ngài Ca Diệp
tông giả làm tổ thứ nhất. Đức Phật trong hội Linh Sơn giơ bông hoa trước chúng
đệ tử mỉm cười (niêm hoa vi tiếu). Tất cả đều không hiểu ý, duy có ngài Ca Diệp
mỉm cười lĩnh hội được ý Phật. Đức Phật liền nói:"Ta trao cho ông Diệu Tâm
Niết Bàn". Từ đó Ca Diệp thành sơ tổ của Thiền Tông. Ca Diệp sau truyền
lại cho A Nan làm tổ thứ hai; cứ như vậy cho đến Đạt Ma là tổ thứ 28. Đạt Ma
sau đó sang Trung Quốc vào khoảng năm 520 đời Lục Triều. Ông xuống Kiến Nghiệp
giảng đạo cho Lương Vũ Đế, rồi lên phía bắc tu tại chùa Thiếu Lâm ở Hà Nam và
truyền bá đạo Thiền cho Trung Quốc. Đạt Ma truyền cho Tuệ Khả. Tuệ Khả truyền
cho Tăng Sán. Trong số các đồ đệ của Tăng Sán có Tì Ni Đa Lưu Chi, sau này trở
thành tổ đầu tiên của Thiền Tông Việt Nam.
Tì Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci) người Thiên Trúc, sang
Trung Quốc theo học với Tăng Xán, sau khi truyền yếu quyết, Tăng Xán khuyên Tì
Ni Đa Lưu Chi đi về Nam. Năm 580, sư đến Giao Châu và tu ở chùa Pháp Vân, một
trong bốn ngôi chùa chính được xây vào thời Sĩ Nhiếp. Tại đây sư trụ trì cho
đến khi viên tịch vào năm 594 sau khi truyền lại y bát cho Pháp Hiền làm tổ thứ
hai của Thiền Tông Việt nam. Pháp Hiền sau đó xây một ngôi chùa mới tại Từ Sơn
và truyền dậy đạo Thiền cho hơn ba trăm đệ tử.
Theo Thiền Uyển Tập Anh, Pháp Hiền người Chu Diên, họ Đỗ.
Như vậy chắc hẳn Pháp Hiền có một quan hệ gì với họ Đỗ vốn đã từng cai trị châu
Giao trong các thế kỷ thứ tư và thứ năm. Trước khi theo học với Tì Ni Đa Lưu
Chi, Pháp Hiền đã học và được nhà sư Quán Duyên ở chùa Pháp Vân độ làm tăng,
nhưng chỉ đạt được yếu quyết về Thiền học khi theo học với thầy mới.
Sự phát triển của Thiền Tông Việt Nam kể từ thời Pháp
Hiền cho thấy mức độ ủng hộ của giới quý tộc và có thể của cả chính quyền đối
với Phật Giáo rất là mạnh. Ngay cái tên Lý Phật Tử cũng có thể cho thấy một
phần nào quan hệ của Phật Giáo đối với nhà Tiền Lý này. Chính những sư tăng Thiền
Tông Việt Nam sau này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong các chính quyền độc
lập đầu tiên của nước Việt.
Thế kỷ thứ
sáu là một thế kỷ bản lề trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Qua Triệu Quang
Phục, những di sản của thời kỳ Tiền Việt được truyền lại qua những thế kỷ để
đến tay các nhà lãnh đạo đất nước trong những giai đoạn sắp tới, trong khi
những diễn biến chính trị từ Lý Bí qua Triệu Quang Phục và Lý Phật Tử cũng như
sự phát triển mạnh mẽ của Phật Giáo Thiền Tông là những dấu hiệu sớm báo hiệu
phương cách mà dần dà dân tộc Việt Nam có thể tách ra được khỏi vòng cai trị
của đế quốc phương Bắc trong các thể kỷ thứ 10 và thứ 11.
Toàn bộ: NHÌN LẠI SỬ VIỆT - LÊ MẠNH HÙNG