Chương 7: Giai đoạn Bắc thuộc lần thứ ba: Từ sự sụp đổ của nhà Tiền Lý cho đến cuối đời Đường
7.1 Việt Nam dưới triều Tùy và Đường
Giống như nhà
Tần trước đó 800 năm, nhà Tùy nổi lên chỉ trong một thời gian ngắn rồi suy tàn
mở đường cho nhà Đường mà sau đó sẽ mang văn minh Trung Quốc lên đến một đỉnh
cao mới. Tuy nhiên trong thời gian ngắn ngủi đó, Tùy cũng đã làm được một số
việc.
Đầu đời Tuỳ,
vì có hiện tượng quận huyện quá nhiều - dân ít, quan nhiều - nên năm 583, Tùy
đã bỏ tất cả các châu lập thành quận, rồi đến năm 607 đời Tùy Dạng Đế lại bỏ
quận lập châu. Cũng năm 607, Tùy dời quận trị Giao Chỉ từ Long Biên đến Tống
Bình (miền Hà Nội ) hiện nay. Từ đó vùng Hà Nội trở thành khu vực trung tâm của
miền Bắc nước ta. Dưới thời Tùy đất nước ta được chia thành các quận sau:
- Giao Chỉ gồm toàn bộ vùng Bắc Bộ hiện
nay (30.056 hộ)
- Cửu Chân là vùng Thanh Hóa hiện nay
(16.135 hộ)
- Nhật Nam gồm Nghệ An, Hà Tĩnh hiện
nay (9.915 hộ)
Ngoài ra còn
ba quận nhỏ nữa thuộc vùng Bình Trị Thiên là vùng đất mà Tùy chiếm được của Lâm
Ấp. Trong thời gian ngắn ngủi trước khi Trung Quốc đại loạn trở lại Tùy đã tìm
cách làm một số cải tổ như áp dụng chế dộ "quân điền" cải cách ruộng
đất, phát ruộng cho nông dân nghèo để làm giảm bớt thế lực của các hào tộc. Số
lượng hộ khẩu tăng vọt lên vào đời Tùy có lẽ đã phản ảnh một phần sự thành công
của chính sách đó. Tuy nhiên chẳng bao lâu sau loạn lạc đã trở lại.
Cuối triều
Dạng đế, vì thi hành bạo chính, lại thêm mở các cuộc chiến tranh xâm lược các
lân bang, dân chúng đói khổ nổi lên khắp nơi. Bắt đầu từ năm 611 khi cuộc đại
khởi nghĩa của nông dân bắt đầu bùng lên thì triều đình Tùy không còn kiểm soát
được các địa phương khác nữa. Đất Giao Châu ở vào vùng cực nam của đế quốc Tùy
vì vậy trở nên hoàn toàn cách tuyệt với Trung Quốc.
Thứ sử Giao Châu
lúc đó là Khâu Hòa. Khâu Hòa, người Lạc Dương, Cựu Đường Thư và Tân
Đường Thư đều có truyện, nhà giầu "ngang vương giả", bố làm quan
võ. Hòa lúc nhỏ tập võ, sau lớn lên theo về văn ra làm quan với nhà Bắc Chu.
Dưới đời Tùy, Hòa làm thái thú tại nhiều quận vùng Hoa Bắc và được tiếng là trị
dân tốt, "vỗ về dân chúng hết lòng, miền xa xôi hoang vu trở nên yên tĩnh"
(Cựu Đường Thư). Theo Tùy thư, "vào cuối đời Đại Nghiệp (605-617) miền Hải Nam bị bọn
quan lại nhũng nhiễu, nhân dân óan hận, nhiều lần nổi lên" Tuỳ triều,
không đủ lực lượng để chinh phục, nên chỉ còn cách chọn những quan lại thanh liêm,
có tài cai trị để làm dịu lòng dân chúng. Khâu Hòa lúc đó đã ngoài sáu mươi
tình nguyện đi Giao Châu.
Giống như
dưới thời Sỹ Nhiếp và Đỗ Tuệ Độ, trong cuộc loạn cuối đời Tùy, Khâu Hoà đã giữ
được cho đất Giao Châu là một ốc đảo hòa bình trong khi cả đế quốc Trung Hoa
rộng lớn bị rối loạn.
Cựu Đường
Thư chép (dưới thời
Khâu Hòa):
- Các dân
man di từ các vương quốc ở vùng biển phía nam, các dân man ở Nam và Tây Nam
châu Giao và các dân sống ở các đảo ngoài khơi đại dương ... đi thuyền đến sau
khi vượt qua ngàn dậm biển ... mang các hàng hóa đến vào qua đường Giao Chỉ như
họ đã làm trong thời Hán Vũ Đế.
Và khi Khâu
Hòa đến Giao Chỉ thì đã:
- Xoa dịu
được các hào tộc địa phương và lấy được sự thần phục của các giống man di.
..tất cả các tộc man ở phía Tây Lâm Ấp đã gởi cống Hòa trân châu, sừng tê, vàng
bạc và những đồ trân quý xứng đáng với một bậc vương hầu.
Sau khi Lâm
Sỹ Hoằng nổi dậy ở Giang Tây, tự xưng là Sở Đế chiếm cứ từ Cửu Giang (Giang
Tây) đến Phiên Ngung (Quảng Đông), Giao Châu hoàn toàn cách tuyệt với Trung Quốc.
Vùng Giang Nam đại loạn. Tiêu Tiễn (một tôn thất nhà Lương cũ) nổi lên ở Ba
Lăng (Hồ Nam) sau đó đánh bại Lâm Sỹ Hoằng chiếm vùng đất của Hoằng. Thái thú
Uất Lâm là Nịnh Trường Chân theo hàng Tiêu Tiễn. Tiễn nghe tin đất Giao Chỉ
giầu có sai Nịnh Trường Chân đem đánh Hoằng. Hoằng sai trưởng sử là Cao Sỹ Liêm
đem quân chống, thắng được Nịnh Trường Chân. Tuy nhiên sau khi nghe nhà Tùy mất
ngôi, Hoằng cũng theo về hàng Tiêu Tiễn.
Năm 618, cha
con Lý Uyên và Lý Thế Dân dựa vào sự giúp đỡ của rợ Đột Quyết, chiếm kinh thành
Tràng An lập ra nhà Đường. Khi Tiêu Tiễn bị Đường diệt. Hòa hàng Đường và được
Đường tiếp tục cho cai trị ở Giao Châu. Thế là đất ta lại chịu sự cai trị trực
tiếp của Trung Quốc. Tân Đường Thư chép:
- Đến đời Vũ Đức (618-627) các đất Ninh
Việt, Uất Lâm đầu hàng, bấy giờ mấy châu Giao, Ái mới thông.
Nhà Đường bãi
bỏ các quận do Tùy lập, khôi phục hệ thống các châu nhỏ như thời Nam Bắc Triều.
Năm 622, thời Đường Thái Tông, Đường thành lập hai phủ Tổng Quản để kiềm chế
nước ta. Phủ tổng quản thứ nhất được đặt tại Tống Bình, cai quản mười châu
thuộc đồng bằng sông Hồng và sông Mã. Phủ tổng quản thứ hai được đặt tại vùng
đồng bằng sông Cả, nhằm kiểm soát biên thùy với Lâm Ấp và các tộc thiểu số
thuộc vùng núi. Ái Châu (Thanh Hóa) nằm trong phủ tổng quản Giao Châu trị sở ở
Tống Bình nhưng lại đóng một vai trò quan trọng trong việc kiềm chế các tỉnh
miền Nam.
Năm 628, Đường
đổi tên tổng quản phủ thành Đô Hộ phủ, một tổ chức hành chánh mới đuợc đặt ra
nhằm cai trị những dân tộc không phải là dân Trung Quốc (man di) ở các nơi biên
duyên. Giao Châu Đô Hộ Phủ sau nhiều lần thay đổi, đến năm 679 thì được đổi
thành An Nam Đô Hộ Phủ. Vùng đất Việt bắt đầu được Trung Quốc gọi là An Nam bắt
đầu từ đó.
Đối với các
dân tộc thiểu số ở vùng núi thì nhà Đường đặt ra các châu cơ mi. An Nam Đô Hộ
Phủ có 41 châu cơ mi. Châu mục các châu cơ mi này thường là thủ lĩnh các bộ lạc
thiểu số, họ phải nạp cống phú hàng năm. Đối với những người này, chính sách
của nhà Đường là vừa mua chuộc, vừa nhượng bộ. Một số những thủ lĩnh này được
phong làm thứ sử, tỷ như Dương Thanh là một tù trưởng được phong làm thứ sứ
Hoan Châu.
An Nam Đô Hộ
Phủ là một tổ chức chính quyền có tính tự trị cao. Lúc đầu chính quyền tại đây
phụ thuộc trực tiếp vào triều đình trung ương; nhưng sau phụ thuộc vào Tiết độ
sứ Lĩnh Nam (trị sở tại Phiên Ngung, Quảng Châu bây giờ)
Đời Đường.
chính quyền đô hộ đã mở rộng được cơ sở thống trị đến tận dưới cấp huyện. Dưới
huyện, Đường chia thành các hương (làng); đại hương từ 160 hộ đến 540 hộ; tiểu
hương từ 70 đến 150 hộ. Dưới hương là xã. Tiểu xã từ 10 đến 30 hộ; đại xã từ 40
đến 60 hộ.
Nếu trong
những triều đại trước, phương thức cống nạp là phương thức quan trọng nhất để
khai thác tiềm năng kinh tế Việt Nam, thì dưới triều Đường, cống nạp trở thành
thứ yếu và chỉ có tính cách tượng trưng. Phương thức khai thác quan trọng nhất
là tô thuế. Thuế đánh quan trọng nhất là vào ruộng lúa, sau đó là nghề dệt.
Theo phép tô dung điệu thời Sơ Đường (tô tức là thuế ruộng lúa; điệu tức là
thuế đánh vào nghề dệt; và dung tức là thuế hoặc sưu dịch cá nhân). Trong những
năm đầu đời Đưòng vì Giao Châu là vùng xa xôi nên các thuế này chỉ đánh nặng
bằng nửa số tô thuế tại Trung Quốc. Cựu Đường Thư viết:
- Các châu
ở Lĩnh Nam thì số gạo nộp thuế quy định như sau: thượng hộ, một thạch hai đấu;
trung hộ, tám đấu, hạ hộ sáu đấu. Các hộ Di Lão thì nộp một nửa.
Đặc biệt là
số tô điệu ở An Nam không dùng thóc gạo mà căn cứ vào trị giá để đổi ra tơ đem
nộp cho triều đình. Ngoài các hình thức thuế chính trên, dân chúng còn phải nộp
các loại thuế đay, gai, bông, vân vân..
Phương pháp
cống nạp vẫn được duy trì, tuy rằng ở mức tượng trưng. Theo quy định của nhà
Đường, mỗi quận hàng năm phải đem cống một số sản phẩm tương đương với 50 tấm
lụa. Đồ cống vật bao gồm những sản phẩm địa phương. Theo sách Thông Điển hàng
năm An Nam Đô Hộ Phủ phải nạp 10 tấm vải tơ chuối, 2000 quả cau, 20 cân da cá,
20 cái mật trăn, 200 cặp lông trả. Quận Nhật Nam phải cống 2 ngà voi, 4 sừng
tê, 20 cân trầm hương 4 thạch vàng thiếp vàng quý. Sắt và muối là độc quyền buôn
bán của triều đình. Chính quyền đặt chức Diêm Thiết quan để quản lý việc buôn
bán các sản phẩm này. Theo Thái Bình Hoàn Vũ Ký, nhân dân châu Lục (vùng Thái
Bình hiện nay) thuộc An Nam chủ yếu sống bằng nghề là muối và mò ngọc châu hàng
năm phải nộp một số thuế cố định là 100 hộc gạo mỗi hộ.
Những năm đầu
triều Đường, tình hình tương đối yên ổn. Phú thuế vừa phải cho nên dân chúng
bắt đầu phục hồi. Trong giai đoạn này đất ta cũng nhận được một số lượng quan
trọng các di dân từ phương Bắc xuống, đặc biệt là tại vùng đồng bằng sông Hồng.
Tầm mức quan trọng của số lượng di dân này đã được thể hiện trong những thống
kê về nhân hô khẩu thực hiện dưới triều Đường. So sánh hai cuộc kiểm tra hộ
khẩu tại châu Giao vào đầu thế kỷ thứ 8, ta thấy số hộ gia tăng nhanh gấp ba
lần số nhân khẩu làm giảm mạnh số nhân khẩu trung bình trong mỗi hộ. Điều này
phù hợp với cung cách di dân của Trung Quốc.
Hầu hết những
người Hoa sang định cư tại Việt Nam đều hoặc là thương gia hoặc là binh sỹ. Nếu
có mang gia đình thì họ chỉ mang theo một số người thân rất nhỏ mà thôi. Những
thành phần quan lại hoặc nho sỹ bị lưu đầy cũng vậy. Hình thức di dân này đã
dẫn đến việc giảm số lượng nhân khẩu trung bình cho mỗi hộ.
Về thành
phần, những người di dân này thuộc đủ mọi loại, nhưng một bộ phận quan trọng là
thành phần những quan chức, nho sỹ triều Đường có tội bị đầy sang Giao Châu.
Trong những biến động vào sau thời Cao Tông khi Vũ Hậu lâm triều, rất nhiều
những bậc đại thần đã bị biếm đầy đi sang vùng Lĩnh Nam trong đó có Việt Nam.
Một điển hình là Chử Toại Lương, một trong những khai quốc công thần thời Sơ
Đường. Năm 657, Toại Lương bị tố cáo là âm mưu phản nghịch và bị đổi đi làm thứ
sử Ái Châu. Toại Lưong chết tại Ái Châu vào năm 658. Hai người con Toại Lương
theo cha sang Ái Châu cũng bị giết sau khi cha chết. Đa số những người bị lưu
đày này là những bậc túc nho. Vì vậy, khi bị lưu đầy sang châu Giao những người
này đã có ảnh hưởng rất lớn trong việc phát triển giáo dục và nâng cao cuộc
sống văn hóa tại đây. Một trong những
nhân vật điển hình là Vương Phúc Thì, thuộc một gia đình văn học lâu đời ở Sơn
Tây. Dưới thời Cao Tông, Vương bị biếm làm một chức huyện lệnh tại Giao Chỉ.
Con của Vương Phúc Thì là Vương Bột, một trong tứ kiệt đời Sơ Đường. Chính
trong lúc đi thăm cha ở Giao Chỉ, Vương Bột đã làm bài "Đằng Vương
Các" tự, một trong những tuyệt tác của văn học sử Trung Quốc.
Những người
di dân thuộc tầng lớp quý tộc này hội nhập với những hào tộc bổn xứ tạo ra một
tầng lớp lãnh đạo mới càng ngày càng có ảnh hưởng thêm ở địa phương. Nếu trước
đây, các chính quyền trung ương chỉ coi họ là "thổ hào", "man
hào" nhất loạt xem là hàn tộc, không được giữ những chức vụ quan trọng
trong triều đình thì dưới triều Đường và chế độ khoa cử đặt ra, nhiều người
trong bọn họ đã có những cơ hội vượt qua được giới hạn đó. Con cái của họ được
đi học càng ngày càng đông và có người đã đỗ đến tiến sỹ, khoa thị có danh vọng
nhất đời Đường. Tại Ái Châu, gia đình họ Khương, Khương Thần Châu, Khương Công
Phụ, Khương Công Phục đều đã đỗ đại khoa làm những chức quan tại Trung Nguyên.
Đặc biệt Khương Công Phụ đã làm đến chức tể tướng, đồng bình chương sự. Đỗ Anh
Sách, "thổ hào ở khê động" đời Đường Đức Tông làm quan đến An Nam phó
đô hộ. Nhiều nam hào, khê động hào khác như Vương Quý Nguyên, Đỗ Tồn Thành,
Phạm Đình Chi đã làm những tướng lãnh trong quân đội Đường.
Mặc dầu vậy,
kể từ sau đời Cao Tông, nhiều cuộc khởi nghĩa đã bùng lên. Càng ngày giai cấp
quý tộc Việt Nam càng cảm thấy họ khác biệt với Trung Quốc. Và với khoảng trung
diệp đời Đường khi đế chế suy thoái ngoài không đủ sức bảo vệ cho dân chúng
chống lại ngoại xâm; trong không đủ sức ngăn chặn những tham quan ô lại hút máu
dân chúng thì phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam đã càng nổi lên mạnh
để đến khi nhà Đường diệt vong, đất Giao đã có đủ sức mạnh để dành độc lập,
hoàn toàn tách ra khỏi đế chế phương Bắc.
Trong những
năm đầu dưới sự thống trị của nhà Đường, sử sách Trung Quốc không ghi chép một
cuộc bạo động nào tại Giao Châu cả, ngoại trừ một cuộc nổi dậy của dân Lão ở
Minh Châu năm 638. Cuộc bạo động này sau đó đã được Đô Hộ Lý Đạo Ngạn vỗ về dẹp
yên. Minh Châu sau đó được sáp nhập vào Hoan Châu. Tuy nhiên với thời gian,
triều chính Đường bắt đầu hủ hóa, nhất là tại các vùng biên duyên nơi sự kiềm
chế của các chức năng như ngự sử đài không được chặt chẽ. Và khi chính quyền
bắt đầu trở nên hà khắc, bóc lột dân chúng quá mức, tự nhiên nhân dân có những
phản ứng chống lại.
Vào khoảng
giữa thế kỷ thứ bảy, sau khi Đường Cao Tông băng hà, hoàng hậu Vũ Tắc Thiên lâm
triều âm mưu chiếm đoạt giang sơn họ Lý, sát hại nhiều công thần, lại dùng bọn
Lai Tuấn Thần tố cáo dò xét các quan lại gây ra một bầu không khí bất an trong
toàn bộ hệ thống quan lại sỹ phu Đường triều. Các đại thần lo thủ thân, hoặc hùa
theo hoặc mặc cho quan lại cấp dưới vơ vét bóc lột nhân dân.
Năm 684, thứ
sử Dương châu là Từ Kính Nghiệp, cháu của Từ Tích, một trong những khai quốc
công thần của Đường Triều nổi lên chống lại Vũ hậu. Sau khi Kính Nghiệp thất
bại, tất cả những quan lại nào trước kia có quan hệ với gia đình Từ Tích đều bị
thanh trừng. Một số bị giết, một số khác bị lưu đầy. Trong số bị lưu đầy này có
Lưu Diên Hựu bị biếm làm An Nam Đô Hộ.
Cho đến khi Diên Hựu sang làm An Nam Đô Hộ, thuế phú tại
An Nam được đánh nhẹ bằng nửa thuế phú tại Trung Nguyên. Nhà Đường sở dĩ làm
vậy vì biết rõ những khó khăn trong việc cai trị một tộc dân không phải là
người Hán. Diên Hựu sang, lập tức tăng thuế lên gấp đôi. Điều này đã khiến quần
chúng căm giận nỗi lên khởi nghĩa.
Thay vì tìm cách thuyết phục và giải tỏa bằng cách giảm
nhẹ thuế như các quan lại Đường trước đó đã làm, Diên Hựu đã làm cho cuộc khởi
nghĩa nổ bùng ra lớn hơn khi giết Lý Tự Tiên người lãnh đạo cuộc nổi dậy này.
Mặc dầu Tự Tiên bị giết, nhưng dân chúng dưới sự lãnh đạo của Đinh Kiến tiếp
tục nổi dậy tiến vào bao vây phủ thành Tống Bình trị sở của phủ Đô Hộ. Quân
Đường trong thành ít ỏi không đủ sức chống cự nổi nghĩa quân chỉ đắp lũy cầm cự
chờ quân cứu viện. Triều Đường ra lệnh cho thứ sử Quảng Châu là Phùng Nguyên
Thường đem quân sang cứu Diên Hựu. Muốn lợi dụng việc này để gây ảnh hưởng tại
An Nam, Nguyên Thường dẫn một đạo quân đi thuyền từ Quảng Châu sang An Nam xây đồn đắp lũy rồi cho người thuyết phục
Đinh Kiến chứ không chịu giải vây cho Diên Hựu vốn đang bị nguy cấp trong
thành.
Mùa hè năm 687, nghĩa quân phá thành Tống Bình và giết
Diên Hựu. Thấy thế Nguyên Thường mang quân chạy về Quảng Châu. Phải mãi sau này
khi triều Đường sai tư mã Quế Châu là Tào Huyền Tĩnh mang quân sang đàn áp,
Đinh Kiến bị giết chết thì cuộc nổi dậy mới bị tan vỡ.
Cuộc khởi nghĩa của Lý Tự Tiên và Đinh Kiến có một số
điểm hoàn toàn khác với các cuộc khởi nghĩa trước đây tại nước ta. Đây là một
cuộc khởi nghĩa của nông dân cầm đầu bởi những người mà ta không biết gì hơn
ngoài cái tên của họ và việc họ thuộc thành phần giai cấp thấp hèn của xã hội
An Nam thời đó. Truyện Lưu Diên Hựu trong Tân Đường Thư chép rằng
Lý Tử Tiên và Đinh Kiến là "lệ hộ" (giai cấp cùng đinh).
Một điều đáng chú ý nữa là cuộc khởi nghĩa này là phản
ứng với một quyết định hành chánh đơn thuần: việc tăng tô thuế gấp đôi của Lưu
Diên Hựu. Điều này chứng tỏ khả năng của Đường Triều trong việc kiểm soát xã
hội An Nam thời đó đến mức nào. Một quyết định hành chánh đơn thuần không thể
tạo ra một phản ứng bạo động như vậy nếu nó không bị người ta coi như là một đe
dọa lớn lao và trực tiếp đến đời sống. Việc tăng thuế gấp đôi chỉ có ý nghĩa đe
doạ như vậy nếu chính quyền có khả năng thiết thực ép buộc nông dân phải đóng
những món thuế đó. Sự vắng mặt của tầng lớn môn phiệt, các hào tộc trong cuộc
khởi nghĩa cùng với việc dân chúng nổi lên chỉ vì việc tăng thuế gấp đôi này
cho thấy thời Sơ Đường, chính quyền đã thành công trong việc thu hút các tầng
lớp "lãnh đạo" của nước ta vào trong hệ thống cai trị của Đường
triều.
Chính sách này được chính thức hóa bằng một chiếu chỉ đưa
ra vào năm 676 xuống các châu Quảng (Quảng Đông), Quế (Quảng Tây) và Giao (Việt
Nam) ra lệnh cho các quan lại người Hán phải tổ chức lựa chọn những người địa
phương vào các chức vụ cai trị. Cứ bốn năm một lần, các thứ sử phải tiến lên
triều đình danh sách những người lãnh đạo địa phương (tù trưởng Ly, Lão) để giữ
những chức vụ từ ngũ phẩm trở xuống (theo pháp chế nhà đường, chức tư mã hoặc
trưởng sử chỉ ngũ phẩm; huyện lệnh, lục phẩm).
Phải đến khi nhà Đường suy vi, đất An Nam bị Lâm Ấp rồi
Nam Chiếu xâm lược, giai cấp lãnh đạo nước ta mới bắt đầu trở lại với những
tham vọng độc lập mới. Nhưng cuộc khởi nghĩa này cho thấy sau hơn 60 năm dưới
sự cai trị của triều đường, mặc dầu sự phản bội của tầng lớp lãnh đạo, xã hội
cổ truyền của Việt nam vẫn có thể nổi dậy và chiến thắng chính quyền cai trị
của Đường dù là trong một thời gian ngắn. Điều đó báo hiệu cho những thành công
trong việc dành độc lập về sau này.
Trong khoảng ba mươi lăm năm từ cuộc khởi nghĩa của Lý Tự
Tiên và Đinh Kiến đến cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan, chính sử Trung Quốc
không cho ta biết bao nhiêu về tình hình tại An Nam. Tuy nhiên tình hình tại
Trung Quốc bước vào một giai đoạn suy thoái tạm. Năm 690, Vũ Hậu Tắc Thiên phế
bỏ nhà Đường lập ra nhà Châu. Tắc Thiên giữ quyền cai trị đến năm 705 mới bị
truất phế. Nhà Đường trung hưng. Nhưng trong thời gian này, toàn bộ đế quốc
Đường ở vào trong tình bất ổn. Tinh thần quan lại đi xuống, tình trạng tham
nhũng tràn lan. Tại những vùng biên duyên như đất An Nam, các quan lại lại càng
mặc sức tham nhũng, bóc lột nhân dân. Tình trạng sa đoạ của các quan lại thời
đó xuống đến nỗi, trong thời Trung Tông (705-709) viên An Nam Đô Hộ là Khúc Lãm
đã bị chính một thuộc viên của y giết chết vì quá tham lam và tàn ác.
Trong những năm này vì vậy sự cai trị của nhà Đường tại
nước ta, hoàn toàn dựa trên vũ lực và sự đàn áp. Đến năm 722, tình hình đã chín
mùi cho một cuộc khởi nghĩa mới. Cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan tại Hoan Châu
(Nghệ An).
Trái với cuộc khởi nghĩa của Lý Tự Tiên và Đinh Kiến, vốn
là một cuộc khởi nghĩa thuần túy của nông dân Lạc Việt, cuộc khởi nghĩa của Mai
Thúc Loan có liên hệ nhiều với những diễn biến xảy ra tại các vùng khác của
Đông Nam Á. Để có thể hiểu thêm về cuộc khởi nghĩa này ta cần phải nhìn lại
những chuyện gì xảy ra ở phía Nam đất An Nam thời đó.
Trong những thế kỷ từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 6, đế
quốc Phù Nam cực kỳ hưng thịnh đã giữ yên ổn con đường hàng hải ở phía Nam biển
Đông. Trong giai đoạn này, đạo Phật tại Phù Nam hưng thịnh đến nỗi vào năm 535,
một phái bộ của Trung Quốc đã đến Phù Nam để xin kinh Phật cũng như xin gởi
tăng lữ sang Trung Quốc để giảng dạy kinh Phật. Nhưng đến cuối thế kỷ thứ 6 (khoảng
năm 598), Phù Nam bị một vương quốc mới nổi lên, vương quốc Chân Lạp chinh
phục. Đế quốc Phù Nam sụp đổ để một khoảng trống quyền lực trong vùng này. Trong suốt thế kỷ thứ bảy, vùng hạ lưu sông Mê Kông và các hải đảo rơi vào tình
trạng phân hóa và hỗn loạn. Trên đại lục, Chân Lạp phát triển cả sang phía Bắc
và phía Tây và dưới thời vua Isanavarman đã thần phục được cả Lâm Ấp, sửa soạn
cho giai đoạn Angkor vinh quang của đế quốc Khmer vào thế kỷ thứ 9. Trong khi
đó ngoài hải đảo, tại Java và Sumatra, các vương triều mới lập sau sự sụp đổ
của đế quốc Phù Nam đấu tranh với nhau để dành quyền bá chủ trên biển.
Cũng trong thời gian đó vương quốc Lâm Ấp ở phía nam nước
ta cũng rơi vào tình trạng khủng hoảng. Năm 645, vua Lâm Ấp là Phạm Chấn Long
bị bầy tôi là Mahaman Đa Gia Đốc giết chết, cùng với cả họ. Họ Phạm tuyệt diệt
từ đó. Dân trong nước lập Bhadrecavarman con của em gái Chấn Long với người
chồng Bà La Môn lên làm vua, nhưng ít lâu sau lại phế bỏ Bhadrecavarman mà lập
cháu họ của Chấn Long làm vua vào năm 653, lấy hiệu là Vikrantavarman. Chính
trong giai đoạn này, sách sử Trung quốc không thấy nhắc đến tên Lâm Ấp nữa mà
đưa ra một tên mới là Hoàn Vương. Trung tâm chính trị của Lâm Ấp cũng chuyển về
phía nam, từ khu vực My Sơn - Trà Kiệu hiện nay chuyển xuống vùng Phan Rang-Nha
Trang.
Sang thế kỷ thứ 8, vương quốc Sumatra, Srijivaya đánh bại
được các vương quốc cạnh tranh và nắm quyền kiểm soát mặt bể. Thuyền của
Srijivaya đi đánh phá khắp nơi, có lần đổ bộ lên cả miền Bắc nước ta cướp phá,
sử Trung Quốc gọi là giặc Chà Và.
Tình trạng rối loạn tại Lâm Ấp và các nước phía Nam đã
đẩy nhiều loạt người tỵ nạn chạy sang vùng phía Nam của An Nam sinh sống, đặc
biệt là tại châu Hoan (Nghệ An) Điều tra nhân hộ khẩu triều Đường cho thấy giữa
hai kỳ kiểm tra vào năm 700 và 742 số hộ khẩu đăng ký tại Hoan Châu đã gia tăng
46 phần trăm trong khi số nhân khẩu tăng 200 phần trăm. Nếu so sánh số nhân
khẩu trung bình trong mỗi hộ, ta thấy tỷ số này cũng tăng gấp đôi, chứng tỏ
rằng những người di cư mới đi chạy sang An Nam mang theo cả đại gia đình và
giòng họ chứ không phải kiểu cá nhân như trường hợp di dân Trung Quốc tại miền
Bắc.
Chính trong hoàn cảnh quốc tế và quốc nội đó, Mai Thúc
Loan đã dựng cờ khởi nghĩa tại châu Hoan. Theo sử ta, Mai Thúc Loan, người
Thiên Lộc (nay là Can Lộc, Hà Tĩnh) có sức khoẻ, da đen, nổi dậy chiếm miền
trung lưu sông Lam xây thành đắp lũy trên núi Hùng Sơn (Nam Đàn, Nghệ An) chống
lại quân Đường tự xưng hoàng đế, tục gọi là Mai Hắc Đế. Sau Hắc Đế liên kết
được với dân thuộc 32 châu lại kết giao với Lâm Ấp ở phía Nam, Chân Lạp ở phía
Tây và nước Kim Lân (có thể là Sumatra hay một nước thuộc Mã Lai) mang quân ra
bắc đánh chiếm phủ thành. Đô Hộ là Quang Sở Khách phải bỏ thành chạy. Mai Hắc
Đế làm chủ nước nam, quân đội đông đến 40 vạn. Đường sai Tả Giám Môn Vệ Tướng
quân là Dương Tư Húc sang đánh. Tư Húc chiêu mộ được hơn 10 vạn quân, cùng
Quang Sở Khách mang quân đi theo đường cũ của Mã Viện ven theo bờ biển, xuất kỳ
bất ý tiến đánh Hắc Đế. Hắc Đế không kịp đối phó, bị thua to, phải trốn chạy rồi
chết. Tư Húc tàn sát quân nổi dậy, chôn xác thành một cái gò cao rồi về.
Ba mươi hai châu mà Mai Hắc Đế liên kết được chắc hẳn là
những châu cơ mi. Nhà Đường đặt nhiều châu cơ mi để ràng buộc những dân thiểu
số miền núi. Đã có thời có đến 27 châu cơ mi nằm trong sự kiểm soát của Phong Châu
và khoảng một chục châu nằm trong sự kiểm soát của Hoan Châu. Như vậy ta có thể
thấy những thành phần đi theo Mai Hắc Đế rất là phức tạp. Họ bao gồm những đám
quân nước ngoài (Lâm Ấp, Chân Lạp, Sumatra), dân thiểu số miền núi cùng với
nông dân vùng đồng bằng. Chính nguồn gốc Hắc Đế cũng có nhiều điều không rõ.
Xuất thân từ một làng nghèo ven biển, nước da đen của ông có thể là một dấu
hiệu ông có giòng máu Lâm Ấp hoặc Mã Lai trong người.
Đạo quân 40 vạn người của Mai Hắc Đế chắc chắn là một đạo
quân ô hợp; có lẽ bao gồm nhiều nhóm khác nhau. Khó có thể tưởng tượng một sự
hòa hợp giữa những đội dân quân của nông dân, nổi lên chống lại sự áp bức của
quan lại Đường với những đám quân Lâm Ấp, Chân Lạp mà mục tiêu tham gia vào chỉ
cốt để cướp bóc. Có lẽ vì vậy mà ông đã thất bại mau chóng trước một số quân
Đường ít hơn. Điều chắc chắn là các sử gia Việt Nam đã không coi trọng Mai Hắc
Đế bằng bà Trưng, bà Triệu hoặc Lý Bí những người đã nổi lên chống đế quốc
Trung Quốc trước ông, hoặc Phùng Hưng, người đi sau ông. Có thể rằng Mai Hắc Đế
quá đặc biệt. Ông có thể bị coi là đại biểu cho một cố gắng của nền văn minh
Nam Phương theo Ấn Độ tấn công vào tiền đồn của văn minh Bắc Phương theo Trung
Hoa và đã bị bác bỏ vì dù muốn dù không, xã hội Việt Nam lúc đó đã lựa chọn
theo con đường phương bắc rồi.
An Nam Đô Hộ Phủ và cuộc khủng hoảng thời Trung Đường
Kỷ nguyên Khai Nguyên và Thiên Bảo đưới thời Đường Huyền
Tông được coi như là thời đại hoàng kim của triều Đường cũng như là của lịch sử
Trung Quốc. Trong giai đoạn này, kinh tế phát triển, văn học nghệ thuật, nhất
là thơ văn đạt đến một đỉnh cao mà sau này không còn đạt tới được. Tuy nhiên
bắt đầu tử nửa sau của thế kỷ thứ 8, Đường triều bắt đầu suy thoái. Huyền Tông,
sau những năm đầu chăm lo triều chính, càng về già càng trở nên hoang dâm vô
độ, đam mê Dương Thái Chân, vốn là vợ chưa cưới của Thọ Vương con mình, cướp về
phong làm Quý Phi và trọng dụng thân tộc họ Dương. Anh Dương Thái Chân là Dương
Quốc Trung được phong làm tể tướng. Ba người chị của Dương Thái Chân đều được
phong làm "quốc phu nhân"
Quốc Trung làm tể tướng, "cùng binh độc vũ",
gây chiến liên miên với các nước bên ngoài nhằm làm quên đi những khó khăn
trong nước. Tuy nhiên vào lúc này, binh lực nhà Đường đã yếu không còn đủ sức
để thôn tính thêm nữa. Năm 749, quân Đường đánh Thổ Phồn (Tây Tạng) ở Thạch Bảo
Thành, đại bại quân sỹ bị thương vong rất nhiều. Năm 751, là năm đánh dấu sự
suy thoái về quân sự của triều Đuờng. Phía Đông Bắc An Lộc Sơn đánh Khiết Đan,
đại bại trở về quân lính chết hơn hai vạn người; phía Nam Kiếm Nam tiết độ sứ
Thuần Vu Trọng đánh Nam Chiếu cũng đại bại, quân lính chết trên một vạn người.
Phía Tây, Đường đụng với đế quốc Arab của các giáo chủ Abbasid tại Baghdad.
Trong một trận đánh tại gần Samarkand, quân Đường cũng bị đại bại trước liên
quân Arab và Đại Thực (Thổ Nhĩ Kỳ).
Đằng sau những thất bại đó là tình trạng một chính quyền
trung ương ngày càng yếu đi. Các phiên trấn trở nên mạnh lên và không theo lệnh
của chính quyền trung ương nữa. Miền biên cương của đế quốc Đường nằm trong tay
các tiết độ sứ. Lúc đầu các tiết độ sứ chỉ nắm việc quân, nhưng sau các tiết độ
sứ kiêm luôn cả việc cai trị và tài chính trở thành một quyền lực chúa tể trong
khu vực mình. Năm Thiên Bảo thứ 14 (755), An Lộc Sơn, một trong những tiết độ
sứ đó khởi loạn chiếm hai kinh Trường An và Lạc Dương. Đường Huyền Tông phải
chạy vào Thục. Đế quốc Đường lâm vào cảnh nội chiến. Giai đoạn mà sử Trung Quốc
gọi là "loạn An - Sử" (755-763) đã đánh cho triều Đường một đòn chí
mạng khiến đế quốc Đường không bao giờ vực lại được như trước nữa.
Trong khoảng nửa thế kỷ sau đó, miền Hoa Bắc bị tàn phá
bởi những cuộc nổi loạn liên miên của các phiên trấn, trong khi tại miền Tây,
các tộc Thổ Phồn (Tây Tạng) và Hồi Hột (Uygurs) trở nên cường thịnh và tiến vào
cướp phá có khi đến tận kinh đô Lạc Dương.
Sự suy thoái của quyền lực đế chế có ảnh hưởng ngay đến
phương nam.Từ đời Chí Đức (757) trở đi đất An Nam cũng được đặt dưới quyền một
tiết độ sứ. Tuy nhiên khi quân đội trú đóng của Đường triều được rút về Bắc để
giúp quân triều đình chống lại những cuộc ngoại xâm, nội loạn, những tộc Sơn
Việt ở vùng Quế (Bắc Quảng Tây), Dung (nam Quảng Đông), Uất (Tây Quảng Tây) đã
nổi dậy, đuổi quân Đường đi và thành lập ít nhất là bảy vương quốc độc lập, cắt
đứt mọi liên lạc bằng đường bộ giữa An Nam và Trung Nguyên. Phải hai năm sau,
vào năm 758, Đường mới phản công, nhưng cũng chỉ thành công được một phần trong
việc bình định vùng này. Chính vào năm đó Đường đổi tên An Nam thành Trấn Nam.
Đất Nam nay không còn yên nữa!
Tuy nhiên so với vùng Lưỡng Quảng thì Việt Nam hãy còn
yên lắm. Một phần có lẽ vì việc đàn áp đẫm máu cuộc nổi dậy của Mai Thúc Loan
đã làm mất đi một số những người có thể nổi dậy tại Việt nam. Một phần khác có
thể vì những biện pháp sau đó của triều Đường nhằm xoa dịu những bất bình của
dân chúng cũng đã có ảnh hưởng. Phải đến năm 767 khi xảy ra cuộc xâm lăng của
những tộc người từ Indonesia lên, thì sự kiểm soát của triều Đường đối với đất
An Nam mới tan rã và mở đầu cho một nửa thế kỷ đấu tranh mới.
Năm 761, một người Nhật tên là Abe No Nakamaro (tên Hán
là Triêu Hành) được bổ làm Trấn Nam Đô Hộ. Nakamaro sang Đường du học từ năm
717 khi mới 19 tuổi. Năm 753, Nakamaro về Nhật, nhưng thuyền ông gặp bão và sau
nhiều ngày lênh đênh bị dạt vào châu Hoan. Nakamaro ngay sau đó trở về lại
Trường An, nhưng chỉ mấy năm sau lại được bổ nhiệm trở về An Nam. Trong thời
Nakamura làm đô hộ này, vùng Hà Tĩnh hiện nay lần đầu tiên được tách ra khỏi
Hoan Châu lập thành một châu mới gọi là Diễn Châu. Tên Diễn Châu bắt đầu có từ
thời đó.
Năm 767 Nakamura được Trương Bá Nghi thay thế. Dưới thời
Trương Bá Nghi, một tai vạ lớn xảy ra cho đất Việt thời đó mà hậu quả khiến cho
sự cai trị của Đường triều bị lung lay tới tận gốc rễ, không bao giờ hồi phục
được như trước nữa: cuộc xâm lược của Java.
Bắt đầu từ giữa thế kỷ thứ tám, một vương triều mới nổi
lên tại vùng trung Java của Indonesia. Vương triều mới này gọi là vương triều
Cailendra mà người ta thấy lần đầu xuất hiện trong một tấm bia đào được tại
miền trung Java có niên đại là 732. Quan hệ giữa Cailendra và Srijivaya ra sao
ta không rõ. Có thể lúc đầu Cailendra thần phục Srijivaya nhưng dần dà đã nổi
lên đánh bại Srijivaya để dành quyền bá chủ vùng biển phía Nam. Một tấm bia đào
được tại phần cuối của bán đảo Mã Lai gần Singapore có niên đại 775 đã nhắc đến
cả Cailendra lẫn Srijivaya.
Cailendra cường thịnh lên đã tìm cách lập lại uy thế của
Phù Nam cũ (Ghi Chú: Cailendra tiếng Mã Lai có nghĩa là vua núi. Nó là dịch nghĩa
của chữ Phù Nam cũng là núi. Phù Nam là âm Hán phiên âm của chữ Phnom hiện vẫn
còn là núi trong tiếng Khmer). Các vua Cailendra đã tổ chức nhiều cuộc xâm lược
các quốc gia tại bán đảo Đông Dương. Họ đã tấn công Chân Lạp, bắt Chân Lạp phải
thần phục và nhiều lần tấn công Lâm Ấp. Một tấm bia bằng tiếng Phạn đào được
tại Nha Trang có niên đại 774 kể lại một
cuộc tấn công của Cailendra như sau:
- Môt bọn người ngoại quốc sống bằng những thức ăn ghê
tởm hơn xác chết, đáng sợ, đen thui và gầy guộc, khủng khiếp và dữ tợn như thần
chết, đã đi thuyền tới đốt phá đền thờ Po Nagar và cướp đi mất chiếc linga
thiêng liêng.
Cũng trong giai đoạn này, kể từ năm Chí Đức (756), thư
tịch Trung Quốc đã không nhắc tới tên Lâm Ấp nữa. Một tên mới xuất hiện: Hoàn
Vương với trung tâm quyền lực chuyển từ vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi (kinh đô tại
vùng Trà Kiệu) về Nha Trang, Phan Rang.
Năm Đại Lịch thứ hai đời Đường Đại Tông (767) Cailendra
mở cuộc đại tấn công vào miền Bắc Việt Nam, mở đầu là vùng duyên hải, sau tiến
lên vây hãm phủ thành Tống Bình (Hà Nội hiện nay). Đô hộ Trương Bá Nghi chống
cự không nổi phải cầu viện Cao Chính Bình, hiệu úy châu Vũ Định. Chính Bình
mang quân xuống và cuối cùng phá được quân Cailendra tại Chu Diên, giải vây cho
Bá Nghi.
Thấy phủ thành Tống Bình cũ đã bị tàn phá quá nhiều, Bá
Nghi bỏ thành cũ, xây thành mới gần đó, ngay tại khu vực Hà Nội hiện nay gọi là
La Thành. Cùng với việc xây dựng La Thành, chính quyền Đường lúc đó cố gắng tìm
cách phục hồi lại tình trạng cũ như trước loạn An Sử. Năm 768 một chỉ dụ mới,
bỏ tên Trấn Nam, phục hồi lại tên An Nam cũ.
Tuy nhiên những cố gắng đó chỉ phục hồi lại cái vỏ bề
ngoài mà thôi. Cuộc xâm lược của Cailendra mặc dầu ngắn ngủi nhưng là một bước
ngoặt trong quan hệ của Đường triều với vùng đất An Nam. Việc Trương Bá Nghi
phải bỏ thành cũ xây thành mới là một bằng chứng cho thấy sự tàn phá dữ dội của
quân Chà Và đối với vùng Giao Châu. Sự kiện Cao Chính Bình mang quân tiếp viện
cho Trương Bá Nghi cho ta thấy hai điều. Thứ nhất lực luợng Đường triều tại An
Nam lúc đó đã kiệt quệ không còn sức chống cự với lại quân Chà Và; thứ hai,
triều Đường đã không đủ sức để gởi viện quân; các địa phương chỉ có cách tự
thương lượng để cứu vớt lẫn nhau mà thôi. Cuộc xâm lược của Cailendra đã mở đầu
cho sự suy sụp của đế quốc Đường tại Việt Nam. Nếu trong những năm trước đó, An
Nam là một ốc đảo yên tĩnh giữa một đế quốc Đường xáo trộn thì một phần tư thế
kỷ sau của thế kỷ thứ 8 là một thời kỳ nhiều biến động, trong đó người Việt lại
một lần nữa tìm cách thoát ra khỏi sự đô hộ của Trung Quốc.
Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng
Sự sụp đổ của chính quyền Đường khởi đầu với việc chính
quyền dân sự không còn kiểm soát được quân đội nữa. Năm 782, Tư Mã Diễn châu là
Lý Ích Thu và thứ sử Phong châu là Lý Bì Ngạn nổi loạn tự xưng là Tiết Độ sứ.
Cả hai đều bị Tiết độ sứ Phủ Lương Giao bắt giết. Ít lâu sau đó, sau khi đô hộ
Trương Ứng chết, trưởng sử Lý Nguyên Độ nổi loạn, nhưng cuối cùng bị tướng
Đường là Lý Phục bắt giết. Những cuộc nổi loạn liên miên này đã làm suy thoái
trầm trọng sự kiểm soát của Đường triều với dân chúng, mở đường cho cuộc nổi
dậy của Phùng Hưng.
Phùng Hưng là hào trưởng đất Đường Lâm. Theo sử ta, ông
người Lạc, đời đời làm quan lang. Đường Lâm thuộc về Phong Châu ở hữu ngạn sông
Hồng ngay dưới chân núi Tản Viên vốn là nơi cội nguồn của dân Lạc Việt. Hai Bà
Trưng cũng phát tích từ nơi này và kinh đô cũ của các vua Hùng cũng ở gần đó.
Lúc này, Cao Chính Bình, nhân có công phá giặc Chà Và tại
Chu Diên, được cử làm đô hộ An Nam. Cao Chính Bình theo Tân Đường Thư là
một người tham lam, đánh thuế rất nặng (Tân Đường Thư viết "trọng
phú liễm") khiến không những nhân dân oán ghét mà ngay cả những hào tộc
cũng bất bình. Chính vì vậy, nhân cuộc nổi dậy của Lý Nguyện Độ, Phùng Hưng đã
cùng với em là Phùng Hải nổi lên đánh chiếm Đường Lâm và các vùng chung quanh,
làm chủ một vùng rộng lớn tại Phong châu. Hưng xưng là "Đô Quân", Hải
xưng là "Đô Bảo" cát cứ tự thủ chống lại chính quyền Đường. Năm 791,
Hưng lãnh đạo quần chúng tiến xuống phủ thành đô hộ chống lại Cao Chính Bình.
Khởi đầu Phùng Hưng đánh mãi không thắng. Sau nhân được
Đỗ Anh Hàn, một người đồng hương và là lãnh tụ của nhân dân Lão giúp sức (Tân
Đường Thư chép Đỗ Anh Hàn là "quân man tù trưởng" thủ lãnh dân
Lão) bày mưu đánh bại Cao Chính Bình. Chính Bình thua chạy về thành Đại La.
Phùng Hưng mang quân vây phủ thành, Chính Bình lo sợ quá sinh bệnh mà chết.
Chính Bình chết rồi, dư chúng mở cửa thành ra hàng.
Phùng Hưng vào thành, tổ chức việc chính trị, mong xây
dựng quyền lực được lâu dài, nhưng theo Việt Điện U Linh Tập - dẫn Giao
Châu Ký, một cuốn sách đã thất truyền - thì ông chỉ cầm quyền được bảy năm
thì mất. Khi ông mất, nhân dân lập đền thờ và tôn là Bố Cái Đại Vương. Phùng
Hưng chết, nội bộ chính quyền phân rẽ. Tướng của Phùng Hưng là Bồ Phá Lặc ủng
hộ cho con Phùng Hưng là Phùng An lên thay, đem quân đánh Phùng Hải. Phùng Hải
trốn chạy vào núi, sau không biết ra sao. Sau nhà Đường sai Triệu Xương sang
làm đô hộ An Nam. Xương sai sứ dụ Phùng An. An liệu thế không chống nổi, bèn
đầu hàng Triệu Xương. Đất nước ta lại rơi vào tình trạng đô hộ của Trung Quốc.
Cuộc nổi dậy của Phùng Hưng nằm trong truyền thống của
dân Lạc Việt cổ. Giống như Triệu Quang Phục, ông cũng xuất thân từ thành phần
quý tộc của xã hội Lạc Việt và cai trị theo tinh trần truyền thống của dân Lạc
Việc chứ không phải Hán. Việc dân chúng tôn ông làm Bố Cái Đại Vương là một
bằng chứng rõ rệt. Vua (chữ nôm cổ đọc là bua, là một cách phát âm trệch của từ
bố). Nó cũng được thể hiện một cách rõ rệt qua việc chiết tự. Chữ
"vua" theo chữ nôm được viết một bên là chữ "vương" và một
bên là chữ "bố". Đó chính là khái niệm chính trị cơ bản của dân Lạc
về một người cai trị, phải chăm lo cho dân như con đỏ. Dân Lạc thời xưa gọi Lạc
Long Quân bằng bố là vậy. Cuộc khởi nghĩa của ông thành công trong khi những
cuộc nổi dậy khác như của Lý Nguyên Độ thất bại là vì ông đại biểu cho một
phong trào rộng lớn có cỗi rễ ăn sâu trong xã hội dân Lạc Việt. Tục thờ phụng
ông trong những thế kỷ sau này cho thấy ảnh hưởng của Phùng Hưng ăn sâu như thế
nào trong lòng dân tộc. Nhưng trái với những cuộc khởi nghĩa trước, Phùng Hưng
không phải là một nhà lãnh đạo quân sự, ông dùng người khác để chỉ huy quân
đội. Xã hội Lạc Việt đến thời này đã phức tạp đủ để có thêm nhiều đòi hỏi khác
mà chỉ một tài năng quân sự không không đủ. Ngoài ra, Triệu Quang Phục còn phải
cần dùng đến hiện tượng "móng rồng" để động viên dân Lạc Việt, nhưng
đến Phùng Hưng thì sự nhờ cậy vào huyền thoại cũ đã không còn cần thiết nữa. Xã
hội Lạc Việt đã tiến bộ đủ để có thể không còn phải dựa vào huyền thoại. Tình
hình đã chín mùi để dân lạc Việt có thể tách ra khỏi đế quốc Trung Hoa dành lại
độc lập. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu đó, còn phải mất trên một trăm năm nữa.
Triệu Xương sang Việt Nam vào lúc nhà Đường bắt đầu phục
hồi lại phần nào sau gần nửa thế kỷ loạn lạc, cát cứ. Xương cai trị An Nam Đô
Hộ Phủ mười lăm năm. Trong thời gian này, thay vì tìm cách đàn áp những cố gắng
tự tìm ra một bản sắc dân tộc mới của dân Lạc Việt, Xương có vẻ đã chiều theo
những cố gắng đó để chính thống hóa sự cai trị của mình. Theo Việt Điện U
Linh Tập, Xương đã đi đến các xóm làng, tìm hiểu về các tín ngưỡng và tập
tục của dân Lạc Việt. Xuơng thu thập những truyền thuyết và dã sử Việt Nam
thành ra một tập sách có tên là Giao Châu Ký. Bộ sách này nay đã thất
truyền, chỉ còn lại một phần được ghi lại trong Việt Điện U Linh Tập.
Đây là tài liệu độc nhất còn lại nói chuyện về Phùng Hưng. Xương xây dựng lại
La Thành, mở rộng và đắp thành cao lên. Dưới thời Xương, tình hình An Nam Đô Hộ
Phủ nói chung là thái bình ổn định.
Năm 802, Xương cáo là có bệnh xin về Bắc. Triều Đường cử
Bùi Thái sang làm đô hộ. Thái sang, thay đổi các chính sách cũ của Xương. Thấy
nhân dân "rất hung tợn", lại sai đắp và mở rộng thêm La Thành cũng
như bắt dân xây thêm hai thành Hoan và Ái. Trước tình thế đó, nhân dân Lạc Việt
nổi lên chống Thái. Hoàn Vương, Côn Lôn cũng nhân vậy mang quân xâm lược. Cuối
năm 802, Hoàn Vương đánh chiếm hai châu Hoan và Ái. Hai tháng sau, An Nam tướng
là Vưong Quý Nguyên nổi dậy, chiếm La Thành. Bùi Thái phải chạy trốn về Trung
Quốc. Rúng động trước tình trạng này, Đường Đức Tông phải gởi Triệu Xương sang
An Nam lần nữa. Các cuộc nổi dậy mới dần lắng xuống.
Sau Triệu Xương, những đô hộ khác, như Trương Chu, Mã
Tổng cũng đều áp dụng những chính sách mềm dẻo thỏa hiệp với các lực lượng địa
phương cho nên tình hình tương đối yên ổn. Tình hình bắt đầu thay đổi vào
khoảng những năm 820 sau cái chết của Đường Hiến Tông khi triều Đường bắt đầu
một cuộc suy thoái dài hạn dần dà dẫn đến việc diệt vong của triều đại. Đô Hộ
An Nam lúc đó là Lý Tượng Cổ, một tôn thất nhà Đường. Theo Tân Đường Thư,
Tượng Cổ là một con người "khắc nghiệt, hung bạo, mất lòng mọi
người". Tượng Cổ vì vậy bị nhân dân oán ghét và tính chuyện nổi loạn. Lúc
đó, tại Hoan Châu có người hào trưởng tên là Dương Thanh, được coi như là một
tay kiệt hiệt và có uy thế trong vùng. Tiên tổ Dương Thanh có người đã làm thứ
sử châu Hoan trong thời Khai Nguyên (713-741). E ngại trước thanh thế của Dương
Thanh, Tượng Cổ cho vời Dương Thanh làm nha môn tướng giữ ở La Thành để kiềm
chế.
Trước tình thế đó, Thanh càng ngày càng sinh bất mãn và
bắt đầu âm mưu nổi dậy chống lại Tượng Cổ. Cơ hội đến với Thanh vào năm 819 khi
người Man Hoàng động (một dân tộc thiểu số tại vùng Quảng Tây, nay là người
Choang) nổi dậy. Quân Đường dưới sự chỉ huy của Bùi Hành Lập đánh mãi không
thắng. Tượng Cổ phát khí giới và trao cho Thanh ba ngàn quân đi giúp Hành Lập.
Có phương tiện trong tay, Thanh cùng con là Chí Liệt và người thân là Đỗ Sĩ
Giao nửa đêm quay trở lại tập kích phủ đô hộ. Sau vài ngày quân nổi dậy của
Thanh giết chết được Tượng Cổ cùng hơn một ngàn gia thuộc bộ hạ của Tượng Cổ,
chiếm lấy phủ thành.
Đường triều, lúc đó đã suy yếu, biết rõ những khó khăn tổ
chức một cuộc chinh phục quân sự để chiếm lại vùng đất An Nam bèn dùng thủ đoạn
mua chuộc. Vua Đường xuống chiếu "tha tội" cho Dương Thanh và cử
Thanh làm thứ sử Quỳnh Châu (nay thuộc đảo Hải Nam) và cử Quế Trọng Vũ sang làm
đô hộ An Nam. Nhưng Thanh không chịu và khi Quế Trọng Vũ sang đến nơi, Thanh
cho quân chặn ở biên giới. Trọng Vũ phải dừng lại ở Hải Môn.
Không có binh lực trong tay, Quế Trọng Vũ dùng kế ly gián
Dương Thanh với các thuộc hạ. Thủ đoạn này bình thường có lẽ đã không thành
công nếu Trọng Vũ không nhờ được chính bản chất con người Dương Thanh giúp cho
công việc trở nên dễ dàng hơn. Sử chép rằng Dương Thanh không được lòng người
theo phục và có những hành động tàn bạo khiến nhiều người chống đối. Sự thật ra
sao, chúng ta khó có thể biết được vì đây là những lời nhận định của các đối
thủ ông. Tuy nhiên sự kiện xảy ra là sau vài tháng, Quế Trọng Vũ đã thu thập
được sự ủng hộ của các hào trưởng bản xứ, chiêu dụ những người cầm đầu và binh
lính trong quân đội của Dương Thanh. Thanh bị cô lập. Sau chính những bộ hạ của
Dương Thanh nổi dậy, chiếm La Thành. Thanh và con là Chí Trinh bị giết. Chí
Liệt và Đỗ Sĩ Giai chạy về giữ Trường Châu (Ninh Bình) sau cùng cũng phải đầu
hàng Quế Trọng Vũ.
Quế Trọng Vũ dùng cách gì để ly gián Dương Thanh hiện
không có tài liệu nào nhắc đến vì vậy không có thể xác minh được. Nhưng có
triển vọng rằng Trọng Vũ đã dùng một số những tăng lữ Phật Giáo để vận động các
tín đồ Phật Giáo Lạc Việt đi theo mình để lật đổ Dương Thanh. Việc sử dụng Phật
giáo vào những ý đồ chính trị là một chuyện không phải là không có. Trong những
thế kỷ trước, đế quốc Kushana tại Trung Á đã gởi những nhà truyền giáo đạo Phật
đi phổ biến Phật Giáo nhằm mở mang ảnh hưởng của họ và bảo đảm quyền kiểm soát
hai con đường thương mại buôn bán với Trung Quốc. Chính vì vậy, một sự trùng
hợp giữa việc xuất hiện một môn phái Thiền Tông mới và những sự kiện của năm
820 khiến chúng ta phải suy nghĩ. Nếu sự trùng hợp này không phải là ngẫu
nhiên, người sáng lập ra môn phái Thiền Tông thứ nhì tại Việt Nam có thể là do
Quế Trọng Vũ gởi sang.
Năm 820, có một nhà sư già từ Trung Quốc sang An Nam. Sư
họ Trịnh người Quảng Châu, không rõ tên là gì chỉ biết đạo hiệu mà các đệ tử
truyền lại là Vô Ngôn Thông. Đầu tiên sư tu ở chùa Song Lâm tại Triết Giang,
sau đó lên Giang Tây học với thiền sư Mã Tổ. Mã Tổ chính là đệ tử của Huệ Năng người
sáng lập ra Thiền Tông nam phái tại Trung Quốc. Sau khi Mã Tổ viên tịch, Vô
Ngôn Thông tiếp tục học với Hoài Hải, người truyền nhân của Mã Tổ. Hoài Hải
viên tịch vào năm 814, Vô Ngôn Thông trở về tu ở Quảng Châu. Tại Quảng Châu, sư
cùng với sư Huệ Tịch lập ra phái Thiền Quế Dương, một phái Thiền nhỏ bị tịch
diệt vào cuối đời Đường.
Sang Việt Nam, sư gặp sư Cẩm Thành đón về tu ở chùa Kiến
Sơ, thuộc hương Phù Đổng (Tiên Du, Bắc Ninh) và truyền bí quyết của Thiền Quan
Bích cho Cẩm Thành. Sư viên tịch vào năm 826. Cẩm Thành sau đó viên tịch vào
năm 860. Khi sang An Nam vào năm 820, Vô Ngôn Thông đã già lắm rồi. Sư chắc hẳn
không sang Việt Nam để kiếm một người thầy hay đệ tử, và lại càng không phải để
kiếm một nơi an bình để tu luyện.
Vô Ngôn Thông sang Việt Nam đúng vào lúc đang xảy ra
những biến loạn sâu sắc nhất. Vào lúc đó, khi các phe phái đang đấu tranh dành
quyền lực tại Đại La và điệp viên của Quế Trọng Vũ đang đi về mua chuộc những
thế lực địa phương ủng hộ cho việc trở lại của Đường triều thì sự hiện diện của
một môn phái Phật Giáo mới từ Trung Quốc sang hẳn phải có một ý nghĩa chính trị
nào đó. Có thể rằng Vô Ngôn Thông sang Việt Nam là nhằm động viên các cộng đồng
Phật Giáo Lạc Việt lúc đó nổi lên ủng hộ Đường triều. Cần lưu ý là Thiền Tông
thời đó có ảnh hưởng quan trọng trong giới quý tộc và tầng lớp lãnh đạo Lạc
Việt thời đó. Nhiều gia đình hào tộc đã có con em đi tu và lập chùa trên đất
của mình. Chùa Kiến Sơ mà Vô Ngôn Thông tu, khi mới sang An Nam là một bằng
chứng. Chùa này được dựng lên khi họ Nguyễn, một hào tộc ở hương Phù Đổng,
chuyển tư đệ của mình làm chùa và mời sư Cẩm Thành về trụ trì. Cẩm Thành chắc
hẳn có một quan hệ nào đó với họ Nguyễn đó.
Sự suy thoái của triều Đường vào những năm cuối của thế
kỷ thứ tám đã khiến cho các chùa chiền và điền trang của họ trở thành những thế
lực quan trong tại các địa phương ảnh hưởng đến quần chúng chung quanh đó. Cần
nhớ, xã hội Lạc Việt thời đó là một xã hội mà đại đa số dân chúng còn chưa biết
đọc biết viết. Số người có văn hóa chỉ giới hạn trong một thiểu số những con em
các đại tộc được đi học và trong giới tăng lữ mà thôi. Tiến trình học tập đã
khiến những người này thấm nhuần văn hóa Trung Quốc dẫn đến việc họ có quan
điểm cảm tình nhiều với Đường Triều. Việc nổi dậy của Dương Thanh có thể đã
khiến cho cộng đồng Phật Giáo ở đây e ngại và đứng lên ủng hộ cho Quế Trọng Vũ
chống lại Dương Thanh chăng?
Tuy nhiên, nếu không có những mâu thuẫn căn bản trong nội
bộ cộng đồng Lạc Việt thời đó thì mọi cố gắng ly gián của Quế Trọng Vũ đều sẽ
vô hiệu. Vậy thì những nguyên nhân nào đã dẫn đến sự thất bại của Dương Thanh?
Nhà Tùy và trong những năm đầu đời Đường áp dụng chính
sách ba thuế, "tô, dụng, điệu". Các phép này đều thu thuế dựa trên
xuất đinh. Về binh chế, Đường áp dụng chính sách phủ vệ, bắt lính từ các tráng
đinh có đóng thuế. Khi một nông dân nghèo quá phải đi làm nô tỳ cho những nhà
giầu có thì chính quyền mất đi một xuất thuế và xuất binh vì vậy Đường đã áp
dụng chính sách quân điền, bảo đảm cho mỗi người nông dân có một thửa ruộng để
sinh sống ngăn chặn những tầng lớp môn phiệt phát triển không cho lũng đoạn xã
hội. Tại Việt Nam, chế độ quân điền này cũng được áp dụng và đã có tác động làm
giảm thế lực của những đại tộc. Chính vì vậy, trong hai thế kỷ thứ bảy và thứ
tám, ta không thấy nhắc nhở gì nhiều đến những giòng họ như họ Đỗ hoặc họ Lý
vốn vẫn chi phối tình hình chính trị trong những thế kỷ trước. Có thể rằng
những giòng họ này đã bị thu hút vào trong chính quyền của Đường triều.
Tuy nhiên kể từ những năm giữa của thế kỷ thứ 8, những cuộc
chiến tranh liên miên, đầu tiên là chống với những lân bang ở phía Tây và phía
Bắc, sau đó là nội chiến cát cứ, nông dân ly tán chạy vào nương tựa những nhà
quyền quý. Để có đủ lính, Đường bỏ chế độ phủ binh, áp dụng chính sách lính mộ.
Song song với việc bỏ phủ binh, Đường cũng bỏ chính sách quân điền và áp dụng
một chính sách thuế khác. Năm 780, Đường bỏ chế độ tô dụng điệu và thay vào đó
một chết độ thuế mới gọi là chính sách "lưỡng phú". Chính sách thuế
mới này không dựa trên xuất đinh mà dựa trên diện tích ruộng. Chế độ quân điền
bị bãi bỏ. Viẹc bãi bỏ chế độ quân điền tạo điều kiện cho sự nổi lên của một
tầng lớp môn phiệt mới, đặc biệt là tại các vùng biên duyên của Giao Châu, (các
vùng như Hoan, Ái, Phong, vân vân) nơi mà đất đai còn rộng rãi để cho các nhà
có thế lực chiếm hữu.
Những đại gia này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong
trường chính trị Lạc Việt của các thế kỷ sau. Dương Thanh chính là điển hình
của một trong những đại tộc mới đó. Sử chép tổ tiên Dương Thanh đã từng làm thứ
sử Hoan Châu thời Khai Nguyên. Như vậy có thể tổ tiên Dương Thanh ở trong đoàn
quân sang Lạc Việt vào thời Mai Thúc Loan và định cư ở đó.
Dương Thanh là người châu Hoan là một lý do nữa để cho
giới hào tộc ở châu Giao chống đối. Đến cuối thế kỷ thứ tám, sự khác biệt giữa
châu Giao và những châu khác trong An Nam Đô Hộ phủ đã trở nên khá rõ. Tại Giao
(vùng đồng bằng sông Hồng chung quanh khu vực Hà Nội), nông nghiệp ổn định, trù
phú; tình trạng Hán hóa khá cao trong khi các vùng khác hãy còn chậm tiến hơn
và hãy còn giữ lại rất nhiều yếu tố của một nên văn hóa biên cương. Điều đó
không có nghĩa là dân chúng châu Giao không thèm khát việc dành quyền độc lập
với đế chế Đường triều so với dân chúng các châu khác như Phong, Ái, Hoan.
Nhưng sự kiện là tất cả lãnh tụ các cuộc nổi dậy của dân Lạc Việt trong thế kỷ
thứ 9 đều xuất phát từ các châu khác ngoài châu Giao là một điều đáng để ta suy
nghĩ. Kinh tế và nông nghiệp phát triển đã buộc Đường triều phải mở rộng nền
hành chánh tuyển dụng những người địa phương vào các chức vụ cai trị cấp thấp.
Những người này, chắc hẳn hầu hết là người châu Giao, tạo ra một tầng lớp thư
lại mới mà cảm thấy quyền lợi của họ bị đe dọa khi Dương Thanh nổi lên và trao
quyền lại cho những người vùng khác. Tất cả những yếu tố đó khiến cho cuộc khởi
nghĩa của Dương Thanh trở thành cuộc khởi nghĩa đầu tiên bị thất bại không phải
vì thua một đạo quân phương Bắc mà vì phân hóa nội bộ. Nó đã vạch rõ những mâu
thuẫn trong xã hội Lạc Việt trước hai con đường: "đế chế" và
"độc lập" mà chỉ sau một thế kỷ nữa, với những thảm trạng của ngoại
xâm mới hòan toàn được giải quyết.
Nam Chiếu là một đất nước của những người thuộc sắc tôc
Tầy-Thái ở vùng Vân Nam. Quý Châu hiện nay. Thoạt kỳ thủy, đây là một liên minh
bộ lạc; chiếu là tên họ gọi quân trưởng của bộ lạc. Có tất cả sáu chiếu lớn là:
Mông Tủy, Việt Tích, Lãng Khung, Đặng Thiểm, Thi Lãng và Mông Xá. Chiếu Mông Xá
ở xa về phía nam nhất nên gọi là Nam Chiếu. Cương Vực của những chiếu này theo Cựu
Đường Thư thì :"khoảng giữa
quận Vĩnh Xương và Diên châu bên Nam Thiết Kiều. Đông giáp Thoán Châu, đông nam
giáp Giao Chỉ, tây giáp nước Ma Già Đà (Magadha, tên một nước cổ nằm trên sông
Hằng, Ấn Độ), nam giáp nước Nữ Vương, tây nam giáp nước Phiếu (Miến Điện cổ
đại) bắc giáp châu Ích, đông bắc giáp châu Kiềm cả quận Vu". Tóm lại tức
là toàn bộ tỉnh Vân Nam và môt phần tỉnh Quý châu hiện nay.
Cuối đời Khai Nguyên, quân trưởng Nam Chiếu là Bì la cáp
cường thịnh, năm chiếu kia suy nhược, Bì La cáp bèn hối lộ cho Tiết độ sứ Kiếm
Nam của Đường xin sáp nhập sáu chiếu làm một, dựng thành một nước lớn. Đường
phong Bì La cáp làm Vân Nam vương, dựng đô ở thành Đại Lý (phía tây Côn Minh).
Năm 757-763, Nam Chiếu hàng phục được nước Phiếu mở đưòng thông với phương Tây.
Thoạt đầu Nam Chiếu thần phục nhà Đường, nhưng sau này khi cường thịnh lên,
nhất là khi nhà Đường bị loạn An Sử, Nam Chiếu đã thừa cơ đánh chiếm Tủy Châu
(nay thuộc Tứ Xuyên) rồi từ đó khi thì hàng phục, khi thì liên kết với Thổ Phồn
chống lại Đường triều. Sang thế kỷ thứ
9, khi nhà Đường ngày một suy yếu thì Nam Chiếu lại càng mở rộng những cuộc tấn
công vào vùng biên duyên của đế quốc Đường. Năm 829, đời Phong Hựu, Nam Chiếu
đã tấn công vào đến tận Thành Đô (thủ phủ Tứ Xuyên) cướp bách mang đi. Về mặt
Đông Nam, Nam Chiếu cũng thừa việc nhà Đường suy yếu tấn công xâm lược. Tuy
nhiên những cuộc xâm lược này chỉ có được một mức độ to lớn vào giữa thế kỷ thứ
9 khi tình hình An Nam có những biến động.
Cuộc nổi loạn của Dương Thanh tuy không thành công, nhưng
đã cho thấy thế lực triều đình nhà Đường lúc đó ở phương nam suy yếu thế nào.
Tuy rằng Quế Trọng Vũ đã dùng kế lý gián giết được Dương Thanh, nhưng những
người theo Dương Thanh đã chạy lên các vùng núi liên kết với các sắc tộc thiểu
số (người Lão) và luôn luôn quấy rối khu vựa Giao châu. Các đô hộ của Đường gởi
sang An Nam sau này, hầu hết đều phải dựa vào những hào tộc địa phương mới có
thể giữ vững thế lực, tuy rằng tình hình cũng không lúc nào được yên.
Năm 823, đô hộ An Nam là Lý Nguyên Hỉ báo về với triều
đình rằng dân Lão đã tấn công và cướp bóc Lục Châu. Năm 824, giặc "Hoàng
Động Man" phối hợp cùng với Hoàn Vương từ ngoài biển vào đã tấn công cướp
phá, và chiếm Lục châu, giết thử sử châu này. Theo tờ trình của Lý Nguyên Hỉ
thì những vụ này là do tàn dư của Dương Thanh mời đến. Trong những năm sau đó
giặc giã và các vụ nổi loạn xảy ra liên miên. Năm 828, thứ sử Phong châu là
Vương Thăng Triều nổi dậy, bị Đô Hộ Hàn Ước giết chết. Nhưng cũng chính năm đó,
Hàn Ước vì tham ô tàn bạo, bóc lột dân chúng nhiều quá, bị quân lính của chính
mình nổi lên, phải chạy về bắc.
Trước tình thế đó, triều Đường phải thay đổi chính sách,
nhân nhượng đối với dân chúng. Tháng 4 năm 836, vua Đường đưa ra một sắc chỉ
miễn thuế cho vùng đất An Nam. Đô hộ Điền Tảo được lệnh phải đi các nơi công bố
sắc chỉ này để trấn an dân chúng. Đồng thời Đường cũng gởi Mã Thực sang thay
Điền Tảo làm đô hộ.
Mã Thực là một trong những viên quan giỏi của triều Đường
thời đó. Tân Đường thư khen là Mã Thực sang An Nam áp dụng những chính
sách "thanh tĩnh, không phiền khiến cho dân Di liền yên". Một trong
những chính sách mà Mã Thực dùng để vỗ yên dân chúng là tìm cách mua chuộc
những thủ lĩnh người Việt đưa họ thành trảo nha cho nhà Đường. Năm 838, Mã Thực
tậu lên vua Đường rằng:
- Thủ lĩnh các châu cơ mi hoặc giữ sào huyệt cố thủ,
hoặc bị Nam Man (Nam Chiếu) dụ dỗ, không thể chiêu dụ được, việc thật đáng lo.
Tôi từ khi đến trấn trị đến nay, dụ bảo việc nghịch thuận, Từ đó các thủ lĩnh
đất cơ mi đều đến nạp khoản sai con em đến phủ xin chịu phú tô ước thúc"
(Tân Đường Thư - Mã Thực truyện).
Mã Thực mang lại một sự ổn định tạm thời cho vùng đất An
Nam, nhưng sau khi Mã Thực đi thì tình hình biến động trở lại. Sau Mã Thực là
Vũ Hồn. Vũ Hồn, theo như trong bộ Công Dư Tiệp Ký của Vũ Phương Đề, một
hậu duệ của ông viết vào thế kỷ 18, thì đã mê phong thổ Giao châu đến nỗi sang
định cư tại làng Mộ Trạch làm thủy tổ họ Vũ ở đó. Nhưng chắc hẳn là Vũ Hồn đã
quay trở lại An Nam về sau này, vì năm 843, khi Hồn bắt dân chúng xây lại La Thành,
quân đội đã nổi dậy, đốt cháy thành và đuổi Vũ Hồn về Bắc. Đến khi Lý Trác trở
thành kinh lược sứ An Nam thì tình hình trở thành tồi tệ hơn nữa.
Lý Trác là một tên tham quan tàn bạo nhất mà triều Đường
gởi qua An Nam. Chính Tân Đường Thư đã phải viết :" Đời Đại Trung
(847-860), Lý Trác làm kinh lược sứ An Nam, hà khắc tham lam, đem mỗi đấu muối
đổi lấy một con trâu, người An Nam không chịu được" Sử Đường cũng coi Lý
Trác là người đã gây ra cuộc chiến với Nam Chiếu tại An Nam. Bất mãn trước sự
bóc lột trắng trợn của Lý Trác, thổ nhân Tây Bắc liên minh với tướng Nam Chiếu
là Đoàn Tú Thiên nổi dậy, mang quân vây phủ đô hộ. Lý Trác cho quân đàn áp,
nhưng không được.
Vào lúc đó thử sử Ái châu là Đỗ Tồn Thành cũng nổi lên chống
lại Lý Trác. Theo Đường thư, Đỗ Tồn Thành thuộc giòng họ Đỗ đã nổi tiếng ở An
Nam từ thời Tề, Lương và rất có uy tín với dân chúng. Tuy Lý Trác giết được Đỗ
Tồn Thành, nhưng truyện đó chỉ làm cho ngọn lửa chống đối tiếp tục nổ ra thêm
mà thôi.
Không những vậy, Lý Trác còn có những quyết định tự chặt
vây cánh của mình nữa. Từ trước, tù trưởng Lý Do Độc của động Thất Oản của châu
Lâm Tây (Hưng Hóa) vẫn chỉ huy một đội quân của Đường gọi là "quân mùa
đông", phòng chống ở biên giới chống lại Nam Chiếu. Lý Trác tâu với vua
Đường cho bãi bỏ "quân mùa đông" nói rằng một mình quân của Lý Do Độc
cũng đủ sức canh phòng quân Nam Chiếu được rồi. Sau vua Nam Chiếu gả con gái
cho con trai của Do Độc. Do Độc mang cả động Thất Oản ra hàng. Thế là thế lực
Nam Chiếu vươn tới sát phủ thành An Nam. Lúc đó là năm 854, tình thế đã sẵn
sàng cho một cuộc xâm lược lớn của Nam Chiếu vào đất An Nam.
Cuộc Xâm Lược của Nam Chiếu
Năm 858, triều Đường cử Lý Hộ sang làm đô hộ An Nam. Lý
Hộ mới đến An Nam đã giết Đỗ Thủ Trừng, con của Đỗ Tồn Thành. Họ Đỗ căm tức,
cùng người Nam Chiếu kéo xuống đánh phá phủ thành An Nam, Lý Hộ phải chạy về
Bắc. Lúc bấy giờ vua Nam Chiếu là Phong Hựu đã chết, Đoàn Tú Long lên thay. Tú
Long tự xưng là hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Lý và mang quân quấy phá biên
cương của Đường.
Đầu năm 861, được Đường viện binh thêm quân Ung, Quảng và
động viên thêm quân các đạo lân cận, Lý Hộ mang quân từ Vũ Châu sang đánh Nam
Chiếu chiếm lại được phủ thành. Tuy nhiên biết rằng thế lực họ Đỗ rất mạnh,
Đường triều đổi chính sách, tìm cách mua chuộc. Lý Hộ bị giáng chức đầy ra đảo
Hải Nam, Vương Khoan được cử sang thay, mang sắc chỉ xin lỗi họ Đỗ về việc giết
nhầm Đỗ Tồn Thành và Đỗ Thủ Trừng cùng truy phong Đỗ Tồn Thành chức Kim Ngô
tướng quân.
Năm 862, Nam Chiếu mở một cuộc đại tấn công vào An Nam.
Vương Khoan chống cự không nổi phải cáo cấp về với Đường triều. Triều Dương cử
Thái Tập sang làm An Nam kinh lược chiêu thảo sứ. Thái Tập điều động ba vạn
quân ở các đạo Hứa, Hoạ, Từ, biện, Kinh Tương, Đàm, Ngạc sang, lập đồn phòng
thủ chống giữ, Nam Chiếu phải lui quân. Nhưng tiết độ sứ Lĩnh Nam tây đạo là
Thái Kinh thấy Thái Tập chống Nam Chiếu
thành công, sợ rằng Tập có thể lập nhiều công át được mình, mới tâu với vua
Đường xin rút các thú binh về để đỡ tốn. Thái Tập xin để lại 5 ngàn quân cũng
không được triều Đường phê chuẩn. Đến tháng 11 năm đó, Nam Chiếu lại mang ba
mươi vạn quân sang đánh An Nam. Thái Tập cầu xin quân cứu viện. Đường triều cho
quân sang cứu, nhưng tiết độ sứ Lĩnh nam đông đạo là Vi Trụ sợ quân Nam Chiếu
tiến đánh vùng Ung Quảng nên xin với vua Đường để quân lại giữ vùng này, bỏ mặc
cho An Nam chống cự với Nam Chiếu.
Không có viện quân, Thái Tập chống giữ không nổi. Năm
863, quân Nam Chiếu phá thành Đại La, Thái Tập nhảy xuống sông tự tử. Quân Nam
Chiếu chia nhau đóng giữ các nơi, đốt phá nhà cửa, giết hại nhân dân. Theo Tự
trị Thông Giám "Nam Chiếu hai lần đánh hãm Giao Chỉ giết và cướp bắt
đến 15 vạn người". Sau đó Nam Chiếu để lại hai vạn quân trấn giữ An Nam
sai Dương Tư Tấn đóng tại phủ thành đô hộ. Vua Nam Chiếu sai Đoàn Tú Thiên giữ
chức An Nam đô hộ, Phạm Nế Ta làm An Nam đô thống, và Triệu Nặc Mỵ làm Phù Da
đô thống cùng chia nhau trấn giữ An Nam.
Tháng 8 năm Hàm Thông thứ 5 (864), nhà Đường phong Kiêu
Vệ tướng quân Cao Biền làm An Nam Đô Hộ Bản Quản Kinh Lược Chiêu Thảo Sứ với
trách nhiệm chiếm lại An Nam. Biền luyện quân ở Hải Môn chưa tiến quân ngay.
Mãi tới tháng 8 năm Hàm Thông thứ 6(865), sau khi tập luyện quân sỹ một năm tại
Hải Môn, Biền mới đem 5000 quân vượt biển sang Giao châu. Tháng chín, Biền đến huyện
Nam Định đúng vào lúc quân Nam Chiếu đang tụ họp cướp gặt lúa của dân. Biền tập
kích, đại phá quân giặc, cướp được lúa nuôi quân rồi thừa thế tiến đánh Long
châu (Long Biên). Nam Chiếu đốt hết của cải và súc vật rồi bỏ chạy. Nhưng khi
tin thắng trận của Cao Biền được báo về Hải Môn, giám quân là Lý Duy Chu dìm đi
không báo về triều. Sau mấy tháng không thấy tin tức gì, triều đình xét hỏi Lý
Duy Chu báo là Cao Biền đóng quân tại Phong Châu không chịu tiến binh. Vua
Đường liền sai Hữu Vũ tướng quân là Vương Án Quyền sang thay Cao Biền và triệu
Biền về triều hỏi tội.
Trong khi đó Biền nhận được thêm bảy ngàn quân của Vi
Trọng Tể sang tiếp viện đã bao vây được quân Nam Chiếu trong thành Đại La. Cũng
vào lúc ấy, Biền biết được tin của Lý Duy Chu muốn hãm hại mình bèn sai Vương
Huệ Tân và Tăng Cổn đem tờ biểu cáo tiệp về triều. Trên đường về Vương và Tăng
phải trốn ở một hòn đảo trên vịnh Hạ Long để tránh đội thuyền của Lý Duy Chu và
Vương Án Quyền. Biền vây thành Đại La được mười ngày thì được tin Duy Chu và Án
Quyền đến. Biền bèn giao binh quyền lại cho Vi Trọng Tể rồi chỉ đem theo một
trăm tùy tùng trở về Bắc. Nhờ Vương Huệ Tân và Tăng Cổn mang được biểu cáo tiệp
về triều trước, vua Đường biết được rõ tình hình An Nam nên khi về triều Biền
được thăng kiểm hiệu công bộ thượng thư và lại trở về trấn giữ An Nam.
Trong
khi Biền đi vắng tướng sỹ không phục Lý Duy Chu và Vương Án Quyền nên mở vòng
vây thành Đại La, quân Nam Chiếu trốn
được quá nửa. Biền trở lại đốc thúc quân sỹ phá được phủ thành. Biền sau đó đem
quân đánh thành Bá Phong, tướng Nam Chiếu là Dưong tập Tư ra đánh bị thua. Quân
Biền nhảy vào thành giết chết đô hộ An Nam của Nam Chiếu là Đoàn Tú Thiên, các
tướng là Phạm Tế Na, Triệu Nặc Mỵ và hơn ba vạn quân Nam Chiếu. Nhà Đường từ đó
lại chiếm giữ được An Nam. Tuy sau này, Nam Chiếu còn một đôi lần mang quân
xuống quấy phá, nhưng không bao giờ còn nghiêm trọng được như lần này.
Cuộc xâm lược của Nam Chiếu có một ý nghĩa quan trọng
trong việc tạo thành dân tộc Việt. Với hầu hết những dân tộc thiểu số miền núi
tham gia vào phía Nam Chiếu, sự phân cách giữa những người Việt ở miền xuôi và
miền núi đã hoàn tất. Có lẽ giai đoạn này là giai đoạn kết thúc việc phân cách
xã hội Lạc cổ đại thành ra Việt và Mường vốn đã bắt đầu từ mấy trăm năm trước.
Các bằng chứng về ngôn ngữ cho thấy tiếng Việt và tiếng Muờng chỉ bắt đầu tách
rời nhau và phát triển theo các chiều hướng khác nhau kể từ cuối thế kỷ thứ 9.
Một số những giòng họ, như họ Đỗ, vốn đóng những vai trò quan trọng trong chính
trường An Nam trong những thế kỷ trước trở nên suy thoái và hầu như không còn
can dự vào chính sự Đại Việt trong những thế kỷ sau. Quan trọng hơn, cuộc xâm
lược của Nam Chiếu đã cho nhân dân Lạc Việt thấy rõ rằng không thể trông cậy
vào bên ngoài để bảo vệ hay tranh đấu thay cho mình. Những người Việt chống Đường lúc đầu đã hoan
nghênh cuộc tiến công của Nam Chiếu, nhưng họ đã bị đẩy ra ngoài khi Nam Chiếu
chiếm được đất An Nam. Quân chiếm đóng Nam Chiếu chia nhau cướp phá, tàn sát
nhân dân. Cựu Đường Thư kể lại:
- Dân chúng trốn nạn ra ở tại các hang động khe núi.
Số quan lại văn vũ chạy loạn đến Hải Môn cũng không nhỏ.. nhưng một số hào kiệt
đã xuất hiện trong đám lưu dân. Những người này được dân chúng ủng hộ và bảo vệ
cho dân chống lại sự cướp phá của giặc.
Đoạn văn ngắn ngủi
này của Cựu Đường Thư cho thấy ảnh hưởng của cuộc xâm lược của Nam Chiếu
đối với đất An Nam. Đối với giai cấp lãnh đạo, đây là một lúc thật là đau đớn.
Phe chống Đường thì thấy rõ là đã bị đồng minh của mình là Nam Chiếu lợi dụng
trong khi phe thân Đường thì cũng thấy bị triều Đường bỏ mặc. Với nhận thức đó,
bình minh của thời kỳ độc lập đã ló dạng với dân tộc Việt.
Năm Hàm Thông thứ 7 (866) nhà Đường đổi An Nam Đô Hộ phủ
thành Tĩnh Hải Quân Tiết Trấn phong Cao Biền làm tiết độ sứ. Biền cho tổ chức
lại chính quyền cai trị đồng thời chấn chỉnh lại tình hình trong nước. Hiện
không rõ cơ cấu chính quyền Cao Biền thành lập sau khi đánh bại quân Nam Chiếu
ra sao, nhưng chắc hẳn chính quyền mới mà Biền thành lập phải dựa nhiều vào
những thế lực địa phương vì vào thời bấy giờ nhà Đường đã suy vi, không đủ thế
lực để còn chi phối các địa phương nữa.
Về việc tái thiết, trước hết Biền cho xây đắp lại phủ
thành đô hộ, thường gọi là Đại La Thành mở mang cho quy mô rộng lớn hơn trước
nhiều. Theo các tài liệu để lại, thành có chu vi dài 1982 trượng (khoảng trên 7
cây số), cao hai trượng sáu thước (10 mét), chân thành rộng hai trượng năm
thước (khoảng 10m), nữ tường (tường nhỏ bên trong) bốn mặt cao 5 thước ba tấc (2m).
Phía ngoài thành còn có một lũy bảo vệ. Chung quanh thành đặt vọng lâu, trong
thành có cống thoát nước. Theo Tư Mã Quang trong Tự Trị thông giám,
trong thành Cao Biền còn xây nhà đủ cho khoảng 40 vạn người ở (Hà Nội trước năm
1940 chỉ có khoảng 20 vạn người). Dấu vết thành Đại La nay còn tồn tại ở ngoại
ô thành phố Hà Nội hiện nay. Sau này đời Lý, Lý Công Uẩn dời đô đến đây và đổi
tên là Thăng Long.
Sau nhiều năm loạn lạc, lại bị quân Nam Chiếu cướp phá,
dân chúng ly tán khắp nơi, thành ra một trong những việc đầu tiên Biền phải làm
là tụ họp những người đào vong cho họ định cư trở lại thành những xóm làng mới
khai khẩn những đất ruộng bị bỏ hoang. Ngoài ra Biền cũng có thể cho tướng sỹ
khẩn hoang lập đồn điền và tạo ra những hương ấp mới. Việc này được xác định,
hương ước của nhiều làng tại miền Bắc và miền Bắc Trung Bộ hiện nay của Việt
Nam còn ghi rõ rằng những làng đó do Cao Biền sáng lập. Theo An Nam Chí
Nguyên, "Cao Biền chia đặt hương thuộc ở An Nam lên đến 159
hương"
Trong thời gian chiến tranh với Nam Chiếu sổ sách giấy tờ
của chính quyền cai trị đã bị mất mát gần hết - Khi quân Nam Chiếu chiếm được
phủ thành đô hộ, chỉ có một viên lại của Thái Tập là Phàn Xước mang được ấn của
Thái Tập qua sông chạy trốn về bắc. Cao Biền cho tiến hành lập lại sổ sách,
chỉnh đốn công thuế.
Sử chép rằng Cao Biền đào sông, khơi ngòi , mở đường lộ,
lập quán trọ cho khách đi đường trên khắp đất An Nam. Nhiều đoạn đê, nhất là
đoạn đê trên vùng gần Hà Nội hiện nay được đắp để chống lụt lội. Để củng cố
đường giao thông bể giữa Ung châu, Quảng châu với An Nam, Cao Biền mộ thợ đục
phá những đá ngầm dưới bể, đào thành ghềnh Bắc Thú ở Hải Môn gọi là cảng Thiên
Uy, khiến thuyền bè vận chuyển quân đội, lương thực từ Ung, Quảng sang An Nam
được dễ dàng hơn. Trong những năm đầu các hoạt động kinh tế sản xuất còn chưa
hồi phục, để đảm bảo cho dân chúng không bị đói khổ nổi lên làm loạn, chính
quyền không những không thu được phú thuế mà còn phải mang tiếp tế từ phương
bắc xuống. An Nam Chí Lược của Lê Tắc đã trích lại một tấm bia dựng năm
870 nói về công lao của Cao Biền tại đất An Nam đã nhắc nhở đến việc vận chuyển
tiếp tế từ bên Trung Quốc sang để cứu đói.
Để ngăn trước các cuộc tấn công của Nam Chiếu, Cao Biền
mang quân đánh các thủ lãnh các tộc người ở vùng Tây Bắc trước đây theo Nam
Chiếu, giết chết tù trưởng hai động bắt hàng 17 ngàn người. Sau đó, Biền định
rõ biên giới An Nam đặt thú binh tại những nơi biên ải để phòng chống lại các
cuộc xâm lược của Nam Chiếu và Chiêm Thành. Vùng đất An Nam nhờ đó mà được yên
ổn trong mấy chục năm sau đó.
Giai đoạn cuối thế kỷ thứ 9, mở đầu với Cao Biền này được
ghi nhớ là một giai đoạn phồn vinh của đất An Nam. Nhưng để đạt được như vậy,
Cao Biền đã phải nhượng bộ nhiều cho tinh thần độc lập của dân tộc Lạc Việt.
Trong những năm nằm dưới sự cai trị của Nam Chiếu, khi mà
tình hình kinh tế chính trị bị suy thoái, dân chúng tan tác khắp nơi, thì dân
Lạc Việt cũng có một sự phục hưng những truyền thuyết và những giá trị tinh
thần có từ thời Hùng Vương về trước. Người ta trông cậy vào nhũng truyền thống
và những giá trị đó để tồn tại, để vượt qua những nỗi tuyệt vọng của hiện tại.
Để thắng quân Nam Chiếu, Cao Biền đã phải dựa vào những truyền thuyết đó, để
động viên dân Lạc Việt theo mình. Theo Việt Điện U Linh tập, sau khi
sang đến An Nam, Cao Biền đã dựng một đàn tế kêu gọi các hạo khí anh linh địa
phương hiển linh để giúp mình. Sau đó, Biền đã được Lý Ông Trọng hiển linh giúp
đỡ, nhờ đó đánh đuổi được quân Nam Chiếu.
Lý Ông Trọng là một hình tượng đặc biệt hay được các quan
lại Trung Quốc sử dụng trong cố gáng nhằm làm cho dân Việt chấp nhận sự cai trị
của phương Bắc. Trước Cao Biền, Triệu Xưong cũng đã từng nói là mộng thấy Lý
Ông Trọng, cùng nhau đàm luận kinh Xuân Thu và cho lập đền thờ. Theo Lĩnh
Nam Chích Quái, Lý Ông Trọng là một
người khổng lồ sống vào cuối đời Hùng Vương. Sau đến thời An Dương Vương, nhân
Tần Thủy Hoàng muốn mang quân sang xâm lược, An Dương Vương bèn mang ông sang
cống nhà Tần. Thủy Hoàng mừng lắm phong ông làm chức Tư Lệ Hiệu Úy. Tần thôn
tính thiên hạ, ông được Thủy Hoàng sai mang quân trấn đất Lâm Thao, uy danh
lừng lẫy, Hung Nô không dám xâm phạm. Sau ông cáo lão về lại đất nam. Hung Nô
lại xâm phạm, Thủy Hoàng cho người vời ông, ông không chịu trốn vào rừng. Thủy
Hoàng cho đúc đồng dựng tượng của ông ở ngoài cửa Kim Mã, kinh thành Hàm Dương,
trong bụng có chỗ trống, chứa được mấy chục người để làm chân tay cử động. Hung
Nô trong thấy tưởng ông còn sống, không dám phạm cõi Tần nữa.
Với tư cách là một anh hùng địa phương, nhưng cuộc đời
toàn bộ dùng để bảo vệ cho đế chế, Lý Ông Trọng là nhân vật lý tưởng cho một cố
gắng hòa hợp Đường Việt. Theo Việt Điện U Linh Tập, Biền cho sửa sang
lại đền thờ của Lý Ông Trọng, tạc gỗ làm đền gọi là đền Lý Hiệu Úy. Đền này nay
thuộc huyện Từ Liêm, gần thủ đô Hà Nội. Một nhân vật khác được Cao Biền cho thờ
phụng là Cao Lỗ. Theo Việt Điện U Linh Tập, một đêm Cao Biền nằm mông
thấy Cao Lỗ, người đã làm ra nỏ thần cho An Dương Vương, đến nói chuyện. Biết
rằng Cao Lỗ bị các Lạc tướng dèm pha nên bị An Dương Vương giết, Biền hỏi Cao
Lỗ vì sao lại bị các Lạc tướng thù ghét đến như vậy, thì được Lỗ cho biết chỉ
vì ông ta là người phương bắc cho nên không được các Lạc tướng chấp nhận.
Cuộc đối thoại giữa Cao Biền và Cao Lỗ cho thấy rõ mặc
dầu những cố gắng của Cao Biền, nhưng xã hội Lạc Việt lúc đó đã vượt qua khỏi
giai đoạn mà có thể có được một sự hòa hợp giữ đất An Nam nằm trong đế quốc
Trung Hoa rồi. Chính vì vậy, mặc dầu dân Lạc Việt có ghi ơn Cao Biền, gọi Cao
Biền là Cao vương, và giữ một hồi ức về một thời kỳ phồn vinh trong mấy năm
dưới sự cai trị của Biền đến nỗi, trong bài chiếu dời đô, Lý Công Uẩn phải nhắc
đến với những giòng chữ trân trọng, nhưng những cố gắng
của Biền nhằm kết hợp các hạo khí anh linh của nước ta vào mục tiêu bảo vệ đế
chế đã bị dân chúng chế diễu. Các truyền thuyết như Cao Biền yểm âm binh, âm
binh dậy non, Cao Biền cưỡi diều giấy đi tuần hành các nơi trong nước, tìm các
huyệt đế vương để yểm đã được lưu hành rộng rãi trong dân gian là những bằng
chứng cụ thể cho sự thất bại đó của Biền. Giả sử như những quan lại Trung Quốc
áp dụng những chính sách đó của Cao Biền trước đó vài trăm năm thì có thể rằng
cục diện sẽ đổi khác. Nhưng đến thời Cao Biền thì đã quá muộn, hai bên đã bước
đi sâu vào hai con đường khác nhau, và việc ly dị chỉ còn là vấn đề thời gian
mà thôi.
Truyện thần sông Tô Lịch giải thích việc Cao Biền rời
khỏi đất An Nam là bằng chứng rõ nhất chứng tỏ sự thất bại trong chính sách của
Biền. Theo Lĩnh Nam Trích Quái và Việt Điện U Linh Tập, một buổi
sáng, Biền ra đứng trên thành, nhìn ra sông thấy một trận gió lớn nổi lên, sóng
nước cuồn cuộn, mây trời mờ mịt, có một dị nhân đứng trên mặt nước, mình cao
hai trượng, mặc áo vàng, đội mũ tía tay cầm hốt vàng rực rỡ trên một khoảng
trời, chập chờn lên xuống trong không gian. Mặt trời lên đến ba con sào, khí
mây vẫn còn chưa tan. Biền rất kinh dị, muốn yểm thần. Đêm nằm mộng thấy thần
đến bảo rằng:
- Chớ yểm ta, ta là tinh Long Đỗ đứng đầu các địa
linh, ông xây thành ở đây, ta chưa được gặp nên tới xem đó thôi, ta có sợ gì
bùa phép.
Biền kinh hãi. Sáng hôm sau, cho lập đàn, niệm chú, lấy
kim đồng thiết phù để yểm. Đêm hôm đó sấm động ầm ầm, gío mưa dầm dập, đất trời
u ám, thần tướng hò reo, kinh thiên động địa. Trong khoảnh khắc, kim đồng thiết
phù bắn ra khỏi mặt đất biến thành tro, bay tan trong không.
Biền kinh hãi nói rằng: "Xứ này có thần linh dị, ở
lâu chắc chuốc lấy tai vạ."
Năm 868, Cao Biền được triều Đường đổi đi làm tiết độ sứ
Thiên Bình. Biền dâng biểu tiến cử cháu họ mình là Cao Tầm vốn làm tướng tiên
phong dưới quyền mình lên thay chức Tĩnh Hải tiết độ sứ. Năm 878 Tăng Cổn lại
thay Cao Tầm làm tiết độ sứ. Cổn chính là tiểu hiệu trước của Cao Biền trong
cuộc chiến chống Nam Chiếu. Cao Tầm và Tăng Cổn tiếp tục chính sách của Cao
Biền, cho nên trong khi trung nguyên rối loạn thì tại An Nam được yên ổn, các
mặt kinh tế văn hóa đều phát triển. Các khai quật khảo cổ cho thấy về kiến
trúc, cái gọi là "phong cách Đại La" mà đã trở thành điển hình trong
kiến trúc Việt Nam bắt đầu từ thời này.
Tăng Cổn làm tiết độ sứ được 14 năm. Trong thời gian này
Cổn có soạn sách Giao Châu Ký nay đã thất truyền. Tuy nhiên cuốn sách
này đã được dùng làm cơ sở cho một số những tác phẩm của các tác giả Đại Việt
sau này, quan trọng nhất là các cuốn Việt Điện U Linh Tập và Lĩnh Nam
Trích Quái qua đó, ta có thể tạo lại một phần những gì Cổn viết trong Giao
Châu Ký. Căn cứ vào những gì còn lại, ta thấy Tăng Cổn là một trong những
người đầu tiên viết lại về cuộc chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh. Cổn cũng ghi
lại khá chi tiết về cách cai trị của các vua Hùng trong đó mọi quyết định vua
làm đều phải tham khảo ý kiến của các Lạc hầu, Lạc tướng. Tuy nhiên điều này
chưa chắc đã tin được vì nó có thể chỉ phản ảnh những gì xảy ra trong thời Tăng
Cổn mà thôi. Trong thời gian này, triều
đình trung ương rối loạn vì các cuộc khởi nghĩa nông dân lớn, đặc biệt là cuộc
khởi nghĩa của Hoàng Sào. Chính quyền Đường triều không còn có một khả năng nào
để có thể can thiệp vào nội bộ An Nam, và Tăng Cổn chỉ có thể ngồi yên được ghế
Tiết Độ Sứ nếu có sự ủng hộ của tầng lớp hào tộc lãnh đạo địa phương vốn không
những nắm về hành chánh mà còn cả trong quân đội nữa, vì phần lớn quân đội
Đường tại An Nam lúc này đều là những dân địa phương được tuyển tại chỗ. Có lẽ
vì vậy mà Tăng Cổn được dân chúng khen là "Tăng thượng thư" (thượng
thư hiền lành như sư tăng).
Cũng như hầu hết các quan lại thời Đường, Tăng Cổn cũng
là một nhà thơ. Một số những bài thơ của Tăng Cổn để lại đã phản ảnh rõ một
tinh thần mới trong những quan lại nhà Đường gởi sang An Nam. Sau gần một nghìn
năm bị nội thuộc vào các đế quốc phương Bắc, dân Lạc Việt vẫn còn giữ được cá
tính riêng biệt, và các quan lại Đường tại đây vẫn còn có cảm giác là những kẻ
ngoại lai, tỷ như hai câu đầu một bài thơ của Tăng Cổn được ghi lại trong Việt
Điện U Linh Tập:"Giang sơn đất Việt có tự nghìn xưa, Đường triều nhân
sỹ chỉ là những người mới". Hai câu này cho thấy, trong buổi hoàng hôn của
Đường triều, Tăng Cổn đã nhận thấy rằng dù rằng các triều đại lên xuống thay
nhau, các truyền thống của một dân tộc có gốc rễ bền chặt từ bao nhiêu đời là
những cái gì vĩnh viễn trường tồn.
Năm 892 Chu
Toàn Dục sang thay Tăng Cổn làm tiết độ sứ. Toàn Dục là anh của Chu Toàn Trung,
người sau này sẽ cướp ngôi nhà Đường. Sau Toàn Dục là Độc Cô Tổn, tuy nhiên
những người này chưa chắc đã đến được An Nam bởi vì từ sau năm 780 cuộc khởi
nghĩa của Hoàng Sào đã lan rộng ra khắp cả Trung Quốc. Cơ hội cuối cùng đã đến
để dân Lạc Việt tách khỏi đế quốc phương Bắc đi theo con đường của mình.
Toàn bộ: NHÌN LẠI SỬ VIỆT - LÊ MẠNH HÙNG