8.1 Sự sụp đổ của nhà Đường
Bắt đầu từ cuối những năm 860, nhà Đường đi vào giai đoạn
cuối cùng của sự suy thoái, chuẩn bị đi vào diệt vong. Năm 868, lính thú các
vùng Từ, Tứ bị đi đóng ở Quế Châu nổi loạn, bắc tiến vào Hồ Nam, Triết Tây,
Hoài Nam rồi tấn công và chiếm đóng phủ thành Từ châu. Quân Đường không đẹp
nổi, Đường triều phải mượn quân Hồi Hột vào đàn áp khởi nghĩa. Lãnh tụ nghĩa quân
là Bàng Tích tử trận, nhưng dư chúng phân tán mỏng để sau này tham gia các cuộc
khởi nghĩa khác.
Năm 874, nhân vùng quan đông liên tiếp mấy năm bị thiên
tai, hết lụt đến hạn, bách tính cơ cực, lưu vong rất nhiều, Vương Tiên Chi nhân
vậy khởi nghĩa ở đất Bộc đánh chiếm lấy đất Tào và Bộc, tự xưng là Thiên Phủ
Bình Quân đại tướng quân. Nhân vậy, người Tào Châu là Hoàng Sào cũng đứng lên
khởi nghĩa hưởng ứng. Cả vùng Sơn Đông đại loạn. Tiên Chi tử trận, Hoàng Sào
đứng ra một mình lãnh đạo cuộc khởi nghĩa tự xưng là Thiên Đại tướng quân.
Hoàng Sào phát triển thế lực từ Sơn Đông ra khắp các địa hạt của năm tiết trấn,
Hoài Nam, Trung Vũ (Trần, Hứa châu), Tuyên Vũ (Tống, Bạc, Dĩnh châu) Nghĩa
Thành (Vệ, Hoặc châu) và Thiên Bình (Vân, Tào, Bộc châu) đi đến đâu dân cũng
hưởng ứng hàng loạt. Sào tụ tập quân lên đến hàng mấy chục vạn. Năm 878, Sào
mang quân xuống nam, vượt Trường Giang chiếm Triết Đông, vào Phúc Kiến. Năm
879, Sào đánh chiếm Quảng Châu và làm cỏ nhân dân trong thành. Tiết Độ Sứ Lý
Thiệu bị Sào bắt phải dâng biểu xin triều đình cho Hoàng Sào cai trị cả miền
Nam, kể cả An Nam. Triều Đường từ chối và Thiệu bị Sào giết. Năm sau 880, một
trận dịch lớn xảy ra giết hại đến trên 40 phần trăm quân của Hoàng Sào khiến
Sào phải mang quân về Bắc, đánh chiếm Quế Châu, Hồ Nam, An Huy sau đó hạ được
cả Lạc Dương và kinh đô Trường An, Đường Hi Tông phải chạy vào Thục. Chiếm được
Trường An, Sào tự xưng hoàng đế, đặt quốc hiệu là Tề. Nhưng sau đó, bọn quan
lại địa chủ tổ chức quân Cần Vương từ khắp nơi kéo lại. Đại tướng của Sào là
Chu Ôn (tức Chu Toàn Trung) phản Sào đầu hàng Đường khiến cuộc khởi nghĩa của
Hoàng Sào bị suy yếu dần. Năm 884, Hoàng Sào tự sát.
Cuộc khởi nghĩa của Hoàng Sào tuy thất bại, nhưng chế độ
nhà Đường cũng bị lung đến tận gốc. Vùng Hoa Bắc, chẳng bao lâu rơi vào tay
những sứ quân mà dần dà sẽ tiếm quyền của Đường triều thành lập cục diện Ngũ
Đại Thập Quốc. Vùng Hoa Nam tuy không đến nỗi náo loạn như vùng Hoa Bắc và tuy
bề ngoài vẫn còn giữ một sự thần phục biểu kiến với triều Đường, nhưng bên
trong cũng hoàn toàn do các thế lực địa phương nắm giữ.
Có quan hệ mật thiết nhất với đất An Nam là tiết trấn
Lĩnh Nam Đông Đạo có trị sở ở Quảng Châu. Tiết độ sứ trấn này là Lưu Ẩn. Ẩn đầu
tiên giữ chức Tiết độ phó sứ giữ quyền lưu hậu ở Quảng châu. Sau khi Hoàng Sào
mang quân về Bắc, Họ Lưu đã chiếm cứ Quảng Châu coi như là lãnh địa riêng của
mình. Năm 897, Lưu Ẩn đã dẹp được một cuộc nổi loạn bên trong tiết trấn và đến
năm 898 Ẩn đã đánh bại Tăng Cổn, khi đó làm thứ sử Quế Châu trong việc tranh
dành quyền kiểm soát vùng Lĩnh Nam. Năm 904, Đường triều cử Thôi Viễn làm Tiết
độ sứ Lĩnh Nam, nhưng Ẩn từ chối không nhận Viễn. Thấy vậy Viễn không dám xuống
Quảng Châu và triều Đường cũng phải chịu, rút Viễn về. Ẩn sau đó cho người mang
đồ hối lộ cho Chu Toàn Trung đang nắm triều chính nhà Đường. Nhờ đó Trung phong
cho Ẩn chính thức làm Tiết độ sứ. Đến
năm 908, khi Chu Toàn Trung cướp ngôi nhà Đường, lập ra nhà Hậu Lương thì lại
phong thêm cho Lưu Ẩn làm Tĩnh Hải Quân tiết độ sứ, An Nam đô hộ. Lưu Ẩn dòm
ngó đất An Nam từ đó. Năm 911, Lưu Ẩn chết, em là Lưu Nghiễm (sau đổi tên là
Lưu Yểm, sau nữa đổi tên là Lưu Cung) lên thay. Được sự giúp đỡ của các sĩ nhân
trung nguyên lánh nạn xuống nam, lại thấy tình hình miền Bắc phân hóa, các địa
phương tự lập, Nghiễm cũng tự xưng là hoàng đế đặt quốc hiệu là Đại Việt, niên
hiệu là Càn Hanh. Tuy nhiên đến năm sau lại đổi quốc hiệu là Hán, tức là nhà
Nam Hán, một trong thập quốc thời Ngũ Đại.
Họ Khúc dấy nghiệp
Tăng Cổn hết làm An Nam Đô hộ vào năm 791. Trong mười năm
sau đó, sử Trung Quốc không nhắc nhở gì đến ai thay thế cho Tăng Cổn cả. Trong
thời kỳ này, chúng ta có thể đoán được rằng thế lực của Đường tại An Nam không còn
gì. Ngay cả quân trú đóng của Đường tại An Nam có lẽ cũng đã rút về nước hết
trong giai đoạn biến loạn thời Hoàng Sào và sau đó. Từ 901 cho đến 905, Đường
Thư chép tên ba người làm An Nam Đô Hộ, nhưng có nhiều lý do khiến ta có
thể nghi rằng những người này tuy được phong như vậy nhưng không hề bước chân
tới đất An Nam. Ba người này là Tôn Đức Chiêu, Chu Toàn Dục và Độc Cô Tổn. Vậy
trong thời gian này ai cai trị đất nước An Nam? Cai trị An Nam lúc đó có lẽ là
họ Khúc mà người đầu tiên là Khúc Thừa Dụ.
Đường thư
và Ngũ Đại sử không chép đến tên
Khúc Thừa Dụ, tuy rằng Ngũ Đại sử (Nam Hán thế gia) có chép đến Khúc Hạo
và Khúc Thừa Mỹ. Tên Khúc Thừa Dụ chỉ được ghi lại trong Tự Trị Thông Giám
của Tư Mã Quang đời Tống, chép rằng "năm Thiên Hựu thứ 3 (906), mùa xuân
tháng giêng phong cho Tĩnh Hải tiết độ sứ Khúc Thừa Dụ chức Đồng Bình Chương
sự" và chua thêm rằng "Khúc Thừa Dụ thừa lúc loạn lạc, chiếm cứ An
Nam". Như vậy có triển vọng rằng sau khi Tăng Cổn và những toán quân trú
đóng của Đường triều về Bắc, Khúc Thừa Dụ đã thừa cơ An Nam không ai cai quản
đứng lên lãnh đạo đất nước. Tự Trị Thông Giám chép:
- Họ Khúc là một họ lớn lâu đời ở Hồng Châu, Thừa Dụ
tính khoan hòa, hay thương người, được dân chúng suy tôn. Gặp thời buổi loạn
lạc, nhân danh là hào trưởng một xứ, Thừa Dụ tự xưng là tiết độ sứ và xin mệnh
lệnh của nhà Đường.
Làm cách nào họ Khúc chiếm được chính quyền tại An Nam,
sử cũ không nói rõ, nhưng hầu như chắc chắn việc chiếm giữ chính quyền này xảy
ra một cách hòa bình. Hồng Châu hiện nay là vùng đất thuộc huyện Ninh Giang,
Hải Dưong, chính là nơi Vũ Hồn, An Nam đô hộ trước đó mấy chục năm đến lập
nghiệp. Vùng này như vậy đã bị Hán hóa khá nhiều thành ra có thể rằng sau khi
quân Đường rút hết về Bắc, chính các quan lại địa phương đã mời Thừa Dụ lên nắm
lấy quyền chính để ngăn chặn cho đất nước An Nam không rơi vào tình trạng hỗn
loạn.
Chính quyền mà Khúc Thừa Dụ dựng lên chắc chắn là không
phải chỉ bắt đầu từ năm 906 khi chính quyền phương Bắc bị buộc phải công nhận
Thừa Dụ có toàn quyền chính trị trong vùng (Đồng Bình chương sự). Khúc Thừa Dụ
chết vào năm 907, con là Khúc Hạo lên thay cũng xưng là tiết độ sứ. Lúc này nhà
Đường đã mất, nhà Hậu Lương thay thế cũng công nhận Khúc Hạo làm tiết độ sứ,
nhưng một năm sau (908) lại phong cho Lưu Ẩn kiêm nhiệm "Tĩnh Hải Quân
tiết độ, An Nam đô hộ". Mầm xung đột giữa họ Khúc và Nam Hán đã bắt đầu từ
đó.
Khúc Hạo lên làm tiết độ sứ đã tiến hành một số cải tổ
hành chánh. Trước kia, dưới triều Đường, An Nam đô hộ phủ được chia thành 12
châu, 59 huyện công thêm 41 châu cơ my tức là những nơi có nhiều dân tộc thiểu
số sinh sống chỉ phụ thuộc nhẹ nhàng vào triều Đường. Nhằm xây dựng một lãnh
thổ thống nhất, độc lập tách ra khỏi phạm vi thế lực của chính quyền phương
Bắc, Khúc Hạo chia lại toàn xứ thành các lộ, phủ, châu, xã. Các lộ, phủ, châu
mà Khúc Hạo chia đặt đến nay, ta không rõ là như thé nào. Theo An Nam Chí
Nguyên, Khúc Hạo "đổi các hương thành giáp, đặt một người quản giáp,
một người phó tri giáp coi việc đóng thuế". Ở xã, Khúc Hạo cũng đặt chức
quan, mỗi xã có một người chánh lệnh trưởng và một người tá lệnh trưởng. Về
kinh tế tài chánh, Khúc Hạo đã sửa lại chế độ điền tô và phú dịch. Sử chép rằng
Khúc Hạo "bình quân thuế ruộng, tha
bỏ lực dịch, lập sổ hộ tịch ghi rõ họ tên, quê quán giao cho giáp trưởng trông
coi. Chính sự cốt trọng khoan dung, giản dị. Nhân dân đều được yên vui."
Xem như vậy ta có thể thấy rằng chính quyền Khúc Hạo đã
vươn tới tận địa vực làng xã, là những vùng từ trước tới nay vẫn còn tự trị chỉ
chịu sự kiềm tỏa bên ngoài của chính quyền trung ương. Chế độ công xã nguyên
thủy thịnh hành từ thời Hùng Vương trong xã hội ta, đến thời Khúc Hạo có thể
nói là đã cáo chung. Những tàn dư của chế độ này, hình thức lang, đạo, sau này
chỉ còn tồn tại trong xã hội Mường mà thôi. Cũng chính dưới thời Khúc Hạo và
con là Khúc Thừa Mỹ, giai cấp địa chủ Việt Nam đã trưởng thành và trở thành một
giai cấp phong kiến. Chế độ điền trang, nông nô, nô tỳ hoàn thành dưới thời này
sẽ trở thành một đặc trưng của xã hội Việt Nam trong sơ kỳ thời độc lập và chỉ
tàn lụi sau khi họ Hồ thất bại vào thế kỷ thứ 15.
Khúc Thừa Mỹ và cuộc xâm lược của Nam Hán
Khúc Hạo chết, con là Khúc Thừa Mỹ lên thay. Vào lúc này,
Quảng Châu dưới sự cai quản của anh em Lưu Ẩn đã mở rộng ra ngoài lãnh thổ Lĩnh
Nam Đông Đạo đầu tiên của mình. Phía đông đánh chiếm vùng Triều Châu và Thiều Châu,
phía Tây mở ra đến đất Dung, Ung, Quế và Quản. Năm 908. Lưu Ẩn tuy được Lương
phong cho làm "Tĩnh Hải quân tiết độ sứ, An Nam đô hộ" nhưng thấy thế
lực hãy còn chưa đủ không dám mang quân sang xâm lược Việt Nam. Khúc Hạo cũng
biết âm mưu của họ Lưu nên sai con là Khúc Thừa Mỹ làm "khuyến hiếu
sứ" sang ở triều đình Nam Hán để xem xét tình hình hư thực.
Thừa Mỹ sau khi sang sứ bên Quảng châu về thay cha làm
tiết độ sứ, thấy thế lực họ Lưu mạnh mẽ e sợ sức mình không đủ chống cự nên sai
sứ sang nạp cống cho triều đình Hậu Lương, hy vọng rằng có thể nhờ sức Hậu
Lương mà ngăn chặn Nam Hán. Tuy nhiên Hậu Luơng thực tế cũng không giúp gì hơn
cho Thừa Mỹ ngoài việc lấy lại chức "Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ" từ trong
tay Lưu Yểm và phong lại cho Thừa Mỹ. Thế lực thật sự ngăn chặn Nam Hán sang
xâm lược Việt Nam là liên minh giữa Thừa Mỹ và Vương Thẩm Trí người chiếm giữ
vùng Phúc Kiến hiện nay. Thẩm Trí và Thừa Mỹ đều quan ngại về sức mạnh của Nam
Hán và vì vậy hai bên kết giao thành một liên minh tạm thời. Cả hai cũng đều
dựa vào Hậu Lương để kiềm chế Nam Hán bành trướng.
Tuy nhiên Hậu Lương không phải là một cây cột vững chắc
gì để có thể dựa được. Năm 923, nhà Hậu Lương sụp đổ. Trung Quốc chia làm tám
nước cát cứ, nước nào cũng xưng đế. Tại miền Lĩnh Nam, cha con họ Lưu, nay đã
chiếm toàn bộ lưu vực sông Tây Giang muốn bành trướng thế lực sang An Nam để
lập lại toàn bộ đế quốc cũ của Triệu Đà. Một cuộc chiến giữa họ Khúc và Nam Hán
là không thể nào tránh khỏi.
Nhưng ngay sau khi Hậu Lương sụp đổ, Nam Hán cũng chưa
thể tính đến việc tiến đánh An Nam được vì còn Vương Thẩm Trí ở Phúc Kiến và
còn bị đe dọa của nước Sở mới thành lập tại Hồ Nam. Năm 928, Nam Hán đánh bại được một cuộc xâm
lược của Sở. Sau đó hai bên thông hiếu, Nam Hán lập con gái của Sở Vương Mã Ân
làm hoàng hậu. Biên thùy phía tây bắc của Nam Hán như thế là yên.
Cơ hội cho Nam Hán tấn công An Nam cuối cùng đã đến khi
vào năm 929, Vương Thẩm Trí chết. Trong hai năm 930 và 931, đất nước của Thẩm
Trí bị tan rã vì nội chiến. Nhân cơ hội này, năm 930, Lưu Yểm sai tướng là Lý
Thủ Dung và Lương Khắc Trinh đem quân sang đánh Khúc Thừa Mỹ. Quân Nam Hán tiến
vào Giao Châu, Thừa Mỹ chống cự không nổi bị bắt sống đem về Quảng Châu. Ngũ
Đại Sử chép rằng, "khi Thừa Mỹ bị bắt mang về đến Nam Hải, Lưu Yểm lên
lầu Nghi Phượng nhận tù, nói với Thừa Mỹ rằng: ‘Ông thường bảo ta là ngụy đình,
nay lại bị trói quặt tay lại là làm sao?’ Thừa Mỹ cúi đầu nhận tội. Yểm bèn tha
tội cho."
Sau khi chiếm được Giao châu, Lương Khắc Trinh mang quân
vào miền nam (Ái, Hoan) rồi vượt qua Hoành Sơn đánh vào Chiêm Thành cướp rất
nhiều báu vật rồi về. Nam Hán sau đó cử Lý Tiến sang làm thứ sử Giao Châu cùng
Khắc Trinh giữ thành Đại La.
Họ Khúc đã mang lại cho dân Việt gần một nửa thế kỷ bình
yên và thịnh vượng. Những di tích khảo cổ của thời kỳ này cho thấy văn hóa và
kinh tế đều phát triển. Nhưng là một ốc đảo bình yên đã khiến giới lãnh đạo
Việt Nam thời đó quên việc vũ bị mà chỉ trông cậy vào sự yểm trợ của bên ngoài.
Đó chính là lý do họ Khúc thất bại. Tuy nhiên chính trong giai đoạn này mà dân
tộc tính Việt Nam đã được hình thành với một sự khẳng định: "Ta không phải
là Hán, ta là Việt". Sự khẳng định này sẽ là chủ đề trong suốt thời kỳ độc
lập về sau này.
8.2 Dương Diên Nghệ và Ngô Quyền
Mặc dầu Nam Hán đã chiếm đuợc An Nam và bắt được Khúc
Thừa Mỹ, nhưng chúa tôi Nam Hán cũng biết rằng họ không đủ sức để kiểm soát
được toàn bộ vùng đất này. Chính chúa Nam Hán Lưu Yểm đã nói với tả hữu rằng
"Dân Giao Châu chỉ có thể ràng buộc
được mà thôi" (Ngũ Đại Sử - Nam Hán thế gia). Vì vậy sau khi
diệt được họ Khúc, Nam Hán chỉ cử Lý Tiến làm Giao Châu thứ sử, lo chiếm cứ
vùng đồng bằng sông Hồng phì nhiêu và giầu có nhất của đất Việt mà thôi, còn
những vùng khác thì Nam Hán tìm cách chiêu dụ những quan lại cũ của họ Khúc
hoặc những thổ hào địa phương, để cho họ tự trị, không can thiệp vào. Một trong
những người đó là Dương Diên Nghệ.
Dương Diên Nghệ xuất thân từ một hào tộc vùng Ái Châu. Sử
chép họ Dương nuôi ba nghìn con nuôi chứng tỏ rằng đây là một thế lực rất mạnh.
Từ con nuôi ở đây được dùng để chỉ những thực khách và có thể quân lính riêng
của họ Dương. Dương Diên Nghệ được họ Khúc trao cho cai trị hai châu Hoan và
Ái. Quan hệ giữa Dương Diên Nghệ và gia đình họ Khúc hiện không được biết rõ. Có
thể Dương Diên Nghệ, cũng như các giới quý tộc cát cứ tại châu Âu thời Trung
Cổ, chỉ công nhận họ Khúc như là một cấp chỉ huy tối cao, trong khi vẫn giữ
quyền tự trị trong khu vực mình. Điều này cũng thể hiện qua việc, sau khi quân
Nam Hán bắt được Khúc Thừa Mỹ rồi, tướng Nam Hán là Lương Khắc Trinh mang quân
qua Ái và Hoan đánh Chiêm Thành, vào kinh đô của Chiêm, cướp bóc một số bảo vật
rồi về. Trong cuộc viễn chinh này không thấy nhắc nhở gì đến việc đụng độ với
quân của Dương Diên Nghệ.
Để mua chuộc Dương Diên Nghệ, Nam Hán phong cho Nghệ làm
thứ sử Hoan Châu và Ái Châu hy vọng rằng giữ được sự hợp tác của Nghệ với triều
đình Nam Hán. Khác với Khúc Thừa Mỹ vốn xuất thân từ châu Giao vùng bị Hán hóa
nặng nhất thành ra quá sợ hãi trước thanh thế của phương Bắc, Dương Diên Nghệ
là người Ái Châu vì vậy ít bị Hán hóa hơn và còn gần gũi với văn hóa và truyền
thống cổ truyền của dân Lạc Việt cũ. Không trông đợi vào một triều đình Hậu
Lương ở quá xa và không có thế lực gì để có thể áp lực được với Nam Hán, Dương
Nghệ bắt đầu tuyển mộ và tập hợp một đạo quân để đánh lấy lại đất nước. Lý Tiến
thấy Dương Nghệ chiêu mộ binh lính, bèn cho người đem tiền của đút lót cho Diên
Nghệ để Nghệ giải tán quân đội, nhưng Nghệ không chịu.
Cuối năm 931, Dương Diên Nghệ mang quân từ Ái châu ra vây
thành Đại La. Hán chủ biết tin, sai chức thừa chỉ là Trình Bảo mang quân sang
tiếp viện cho bọn Lý Tiến và Lương Khắc Trinh, nhưng Trình Bảo chưa tới nơi thì
Diên Nghệ đã chiếm được thành. Lý Tiến và Lương Khắc Trinh chạy trốn về Quảng Châu.
Trình Bảo đem quân đến Giao Châu, tiến tới thành Đại La. Diên Nghệ đem quân ra
ngoài thành chiến đấu, chém Trình Bảo tại trận tiền. Thế là chỉ chưa đầy một
năm chính quyền thống trị của Nam Hán tại Giao châu đã bị lật đổ. Đánh bại xong
quân Nam Hán, Dương Diên Nghệ tự xưng là tiết độ sứ, phân phong các tướng sỹ
thân tín trấn trị các châu trong vùng Tĩnh Hải. Đinh Công Trứ (bố của Đinh Bộ
Lĩnh) được coi giữ Hoan châu; Ngô Quyền được phong giữ Ái châu và được Dương
Diên Nghệ gả con gái cho. Sử sách không thấy nhắc đến những châu khác như
Phong, Trường hoặc Lục, nhưng có lẽ ngoại trừ Giao châu mà Dương Diên Nghệ cai
trị trực tiếp và Hoan, Ái là hai nơi mà ông khởi nghiệp, các châu khác vẫn giao
cho các hào tộc địa phương cai trị với một quan hệ tương đối lỏng lẻo đối với
chính quyền trung ương.
Dương Diên Nghệ cai trị đất An Nam được sáu năm. Tình
hình nước ta ra sao trong thời gian sáu năm đó không thấy được nhắc đến trong
các thư tịch của Trung Quốc cũng như của ta, nhưng căn cứ trên những sự kiện
xảy ra về sau này, ta có thể đoán lúc đó là một thời kỳ rối loạn. Diên Nghệ đã
từ châu Ái ra và đuổi quân Nam Hán về nước, những người đã cộng tác với Nam Hán
chắc hẳn bị trừng trị, hoặc bị giết, hoặc bị tịch thu tài sản, hoặc lưu đày.
Nhưng có thể nói rằng những thành phần có cảm tình với Nam Hán chiếm một số
lượng không nhỏ trong xã hội Việt nam thời đó, nhất là trong giới quý tộc của
châu Giao. Họ bao gồm những thành phần sỹ phu Trung Quốc trốn tránh cảnh hỗn
loạn tại Trung Nguyên về cuối triều Đường sang Giao Châu định cư lập nghiệp đến
những gia đình hào tộc Hán hóa và vẫn còn tin tưởng vào một sự phục hồi của đế
chế. Những người đó chắc hẳn đã không phục Dương Diên Nghệ, coi ông là một
người nhà quê từ một vùng biên cương nổi lên đánh cướp lấy chính quyền chính
thống của Nam Hán. Trong thời Dương Diên Nghệ cai trị, chắc hẳn đã có nhiều âm
mưu giết ông để chiếm lấy chính quyền.
Những âm mưu này cuối cùng đã thành công. Tháng ba năm
937 Dương Diên Nghệ bị hào trưởng đất Phong Châu là Kiều Công Tiện giết, đoạt chức
tiết độ sứ. Kiều Công Tiện là đại biểu cho các thành phần thân Hán trong xã hội
An Nam thời đó. Kiều Công Tiện giết Dương Diên Nghệ rồi, châu Giao yên tĩnh,
chứng tỏ rằng hầu hết các đại tộc ở đây đều, nếu không ủng hộ Kiều Công Tiện
thì cũng không chống đối ông. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là đa số dân
chúng châu Giao ủng hộ Kiều Công Tiện. Đối đầu trước đạo quân của Ngô Quyền từ
Ái Châu ra, Kiều Công Tiện phải cầu cứu với Nam Hán chứng tỏ rằng Kiều Công
Tiện không động viên được người dân thường của châu Giao, những người mà phải
cầm giáo mang tên ra chiến trường chiến đấu, ủng hộ cho mình.
Mặc dầu Dương Diên Nghệ chỉ xuất hiện một cách ngắn ngủi
trong lịch sử Việt Nam nhưng có thể nói ông đã đóng một vai trò rất quan trọng
trong xã hội Lạc Việt thời đó, và mặc dầu ông đã chết, nhưng gia đình ông vẫn
tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong đời sống chính trị nước Việt. Như
chúng ta sẽ thấy ở những phần sau, con ông, Dương Tam Kha sau này đã tìm cách
cai trị nước Việt khi Ngô vương băng hà, một giai đoạn mà nước Việt đang bị tan
rã thành các mảnh vụn, mỗi mảnh do một sứ quân chiếm đóng. Điều đáng chú ý hơn
nữa là trong suốt gần một trăm năm sau đó, việc lấy con gái họ Dương được coi
như là một điều kiện không thể thiếu cho ngai vàng nước Việt. Ba triều đại
thành lập sau khi Dương Diên Nghệ chết đều lập con gái họ Dương làm hoàng hậu
trong đó hai triều đại, Đinh và Lê, lập cùng một người. Chúng ta có thể phỏng
đoán rằng đối với dân Việt ở thế kỷ thứ 10, Dương Diên Nghệ là người đã khởi
đầu cho truyền thống độc lập của dân tộc, và vì vậy, một cuộc hôn nhân với họ
Dương là hình thức để chính thống hóa quyền cai trị trước con mắt của nhân dân.
8.3 Ngô Quyền phá quân Nam Hán
Nghe tin Dương Diên Nghệ bị giết, Ngô Quyền con rể Dương
Diên Nghệ mang quân từ Ái Châu ra đánh Kiều Công Tiện. Ngô Quyền là người Phong
Châu. Thân phụ ông Ngô Mân từng làm chức huyện lệnh tại vùng này. Phong Châu là
vùng đất tổ của dân Lạc. Hùng Vương đã đóng đô tại đây. Vào cuối thế kỷ thứ 8,
người anh hùng dân tộc Phùng Hưng, Bố Cái Đại Vương cũng xuất phát từ vùng này.
Đây là một vùng mà truyền thống dân tộc Lạc vẫn còn rất mạnh và nhiều đời sản
xuất ra những lãnh tụ trong các cuộc chiến chống lại phương Bắc. Kiều Công Tiện
tuy cũng người đất Phong nhưng có vẻ đã đi theo đường khác.
Tục truyền, khi Ngô Quyền sinh ra một luồng hào quang đã
xuất hiện bao phủ khắp người ông và trên lưng ông xuất hiện ba cái nốt ruồi.
Những chuyện đó được coi như là báo hiệu rằng ông sẽ có một sự nghiệp vĩ đại về
sau này, thành ra bố mẹ mới đặt tên là Quyền. Lớn lên ông nổi tiếng khắp nơi về
tài trí, dũng lực và lòng can đảm. Sau Ngô Quyền đi theo Dương Diên Nghệ. Năm
931 khi Dương Diên Nghệ phá quân Nam Hán ông vừa ba mươi ba tuổi. Sau khi thành
công, Diên Nghệ gả con gái cho ông và giao cho ông trần thủ Ái Châu. Ái Châu là
quê hương và là căn cứ địa của Dương Diên Nghệ. Việc Ngô Quyền được giao cho
trấn thủ đất này là một bằng chứng cho thấy khả năng cũng như là sự trung thành
của Ngô Quyền đối với họ Dương. Chính vì vậy khi Dương Diên Nghệ bị giết ông
bèn mang quân ra Giao Châu phục thù cho chủ tướng.
Thấy Ngô Quyền đem quân ra đánh, Kiều Công Tiện vội vã
cho người mang của cải sang đút lót Nam Hán để cầu xin cứu viện. Lúc bấy giờ
chúa Nam Hán là Lưu Yểm vẫn chưa từ bỏ ý định xâm lược nước ta, muốn nhân việc
này để đánh cướp lấy Giao Châu. Lưu Yểm phong con là Lưu Hồng Thao làm Tĩnh Hải
Tiết Độ sứ, tước Giao vương ý muốn sau khi cướp được nước ta thì lấy châu Giao
cho Hồng Thao làm phong ấp, chỉ huy một đạo quân mang tiếng là giúp Kiều Công
Tiện chống lại Ngô Quyền đi đường thủy sang nước ta. Còn chính Lưu Yểm cũng chỉ
huy một đạo quân khác đóng tại Hải Môn trấn làm hậu bị. Tham chiếm nước ta, Lưu
Yểm đã bất chấp cả lời khuyên của quần thần. Ngũ Đại Sử - Nam Hán thế gia
chép:
- Trước tác tá lang Hầu là Dung khuyên Lưu Yểm thôi
binh để cho dân nghỉ ngơi, Yểm không nghe. Yểm lại hỏi Sùng Văn Sứ Tiến Ích về
mưu kế. Ích nói rằng:"Nay mưa dầm hàng tuần, đường bể hiểm trở xa xôi; Ngô
Quyền lại là một người kiệt hiệt chớ nên coi thường. Đại quân nên cẩn thận giữ
gìn, dùng nhiều kẻ dẫn đường rồi sau hãy tiến. Lưu Yểm không nghe lời Tiến Ích
cứ cho tiến quân sang gấp. Hồng Thao thống lĩnh thủy quân, đem chiến thuyền men
theo bờ bể Đông Bắc do cửa sông Bạch Đằng tiến vào Giao châu.
Khi thủy quân của Hồng Thao đến Giao châu thì Ngô Quyền
đã giết được Kiều Công Tiện, làm chủ toàn bộ Giao châu và sửa soạn chống lại
quân Nam Hán. Chiến lược của Hồng Thao là mang quân vào sông Bạch Đằng đi ngược
lên đến vùng Tiên Du là nơi Nam Hán hy vọng có nhiều thành phần ủng hộ mình trước
khi đổ quân xuống băng qua sông Đuống tiến về thành Đại La.
Nhưng Ngô Quyền đã đoán trước chiến lược này nên đem quân
chặn ngay tại cửa sông Bạch Đằng. Trước hết ông cho người cắm cọc lớn ở cửa bể,
đầu cọc vót nhọn bọc sắt. Khi nước triều lên, đầu cọc chìm dưới nước không ai
trông thấy. Chỉ khi nước triều xuống cọc mới nổi lên mà thôi. Khi chiến thuyền
của Hồng Thao xuất hiện, Quyền sai những thuyền nhẹ nhân nước triều lên ra
khiêu chiến thủy quân của Hồng Thao rồi giả vờ trốn chạy. Hồng Thao thúc thủy
quân đuổi theo. Khi nước triều xuống, các chiến thuyền của Nam Hán mắc phải cọc
không di động được. Đại quân của Ngô Quyền đổ ra tấn công. Chiến thuyền của Nam
Hán bị đắm rất nhiều, quá nửa quân giặc bị chết đuối. Hồng Thao cũng bị giết
chết. Khi tàn quân Nam Hán chạy về tới Hải Môn báo tin thất trận Bạch Đằng, Lưu
Yểm chúa Nam Hán khóc lóc thương xót con và thu thập tàn binh rút về Quảng
Châu. Nam Hán không bao giờ giám tấn công Việt Nam nữa.
Truyền thuyết Việt Nam cho chiến thắng sông Bạch Đằng này
được nhờ vào sự giúp đỡ của thần linh. Theo Việt Điện U Linh tập, trong
lúc sửa soạn cuộc kháng chiến chống lại quân xâm lược Nam Hán, Ngô Quyền nằm
mộng thấy một ông già tự xưng là Phùng Hưng đến nói tự mình sẽ dẫn một vạn thần
binh đến giúp cho Ngô Quyền chống lại quân Nam Hán. Khi trận chiến Bạch Đằng
xảy ra, theo Việt Điện U Linh tập, người ta có thể nghe được trên không
trung có tiếng ngựa hí người reo. Với truyền thuyết về trợ giúp của Phùng Hưng,
Ngô Quyền đã nối lại được với truyền thống vương quyền cổ của dân Lạc Việt
trước khi bị người Hán cai trị. Ông đã mở đầu cho một truyền thống vương triều
Việt kéo dài đến mấy trăm năm cho đến khi những thay đổi của thời Hậu Lê mới
hết.
Chiến thắng
Bạch Đằng xảy ra vào mùa thu năm 938 và được dân Việt Nam coi như là một mốc
lịch sử trong tiến trình độc lập của dân tộc. Với chiến thắng này, dân Việt Nam
đã chứng tỏ khả năng tự chủ của mình sau hơn một nghìn năm bị đô hộ bởi các
triều đại phong kiến phương Bắc. Kể từ chiến thắng này về sau, các triều đại
Trung Quốc không bao giờ còn có thể cai trị đất Việt nửa. Một vận hội mới đã mở
ra cho dân Việt.
Toàn bộ: NHÌN LẠI SỬ VIỆT - LÊ MẠNH HÙNG