Nhìn Lại Sử Việt - Chương 9: Nhìn lại 1000 năm Bắc thuộc: Tại sao dân Việt không bị đồng hóa?



Chương 9: Nhìn lại một ngàn năm Bắc thuộc: Tại sao dân Việt không bị đồng hóa?

Kể từ khi Triệu Đà đánh chiếm nước Âu Lạc vào khoảng năm 179 Trước Công Nguyên cho đến khi Ngô Quyền phá quân Nam Hán trong trận chiến Bạch Đằng thời Bắc thuộc đã kéo dài 1.117 năm. Trong khoảng trên một ngàn năm này, tuy có những lúc Việt Nam dành được quyền tự chủ trong một thời gian nào đó, đặc biệt là vào giai đoạn chót, chính quyền của họ Khúc và Dương Diên Nghệ đã kéo dài được đến gần một trăm năm, nhưng trong chuỗi thời gian còn lại, dân tộc Việt chịu sự thống trị trực tiếp và một sức ép nặng nề của triều đình phương Bắc.

Hầu hết những dân tộc chịu những áp lực đó, Việt, Ngô, Sở, Nam Chiếu, cho đến Liêu, Hạ, Thổ Phồn, Hồi Hột, Mông, Mãn đều hoặc là đã bị Hán hóa, trở thành dân Hán, hoặc nếu còn giữ lại dân tộc tính của mình thì họ cũng chỉ là những tộc thiểu số trong đất nước Trung Hoa rộng lớn ngày nay. Chỉ có Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản là những dân tộc độc nhất chịu ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa mà vẫn còn giữ được bản sắc dân tộc và độc lập tự chủ của quốc gia mình. Tuy nhiên so với Hàn Quốc và Nhật Bản, Việt Nam chịu áp lực mạnh hơn nhiều. Hàn Quốc và Nhật chưa bao giờ chịu sự thống trị của triều đình Trung Hoa, văn hóa Trung Hoa du nhập vào những nước này có tính gián tiếp và vì vậy được chọn lọc trong khi Việt Nam không có được cái may mắn đó.

Chúng ta tự hào rằng đã giữ được bản chất người Việt và giữ được sự tự chủ cho đất nước của mình, nhưng thiết tưởng cũng nên tìm hiểu xem những yếu tố gì giữ cho chúng ta không bị đồng hoá thành người Hán.

Rõ ràng là dân Lạc cổ, tổ tiên của dân tộc ta không muốn trở thành người Hán. Đó có lẽ là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất khiến cho dân tộc ta vẫn còn giữ được bản sắc và bảo vệ được tự chủ. So với những tộc người chung quanh, Trung Quốc dựng nước sớm hơn và trong thời kỳ cổ đại đã đạt được một nền văn minh cao. Nền văn minh nông nghiệp xuất phát từ nông nghiệp trồng khô dựa trên vùng đất hoàng thổ của vùng trung du Hoàng Hà đã phát triển rất mau và ảnh hưởng đến các dân tộc quanh đó.

Hào quang của nền văn minh này chính là yếu tố hấp dẫn những dân tộc đầu tiên mà nền văn hóa Hán tộc tiếp xúc khi họ bắt đầu phát triển xuống nam vào đầu đời Đông Chu. Sở là nước đầu tiên chịu Hán hóa sau đó là đến Ngô và Việt. Cho đến thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên, những nước này đã bị Hán hóa hầu như không còn phân biệt được với vùng Trung Nguyên nữa. Những khai quật khảo cổ tại vùng Hoa Nam cho thấy ngay từ hậu kỳ của thời đá mới, miền Nam Trung Quốc hiện nay đã có nhiều di tích mang nặng ảnh hưởng của miền Trung Nguyên. Sang đến thời đại đồng thau và sắt thì miền Hoa Nam đã hầu như bị sáp nhập vào văn hóa Hán. Ảnh hưởng của văn hóa Hán này bắt đầu từ thời Ân, Chu; các đồ gốm đào được tại vùng Hoa Nam có niên đại vào thời đó có các loại hoa văn phản ảnh những mô-típ của trung nguyên như hồi văn, lôi văn, quỳ văn, văn chữ mễ, văn ô vuông vân vân..Các nhà khảo cổ học Trung quốc, căn cứ vào những khai quật thu lượm được đã kết luận rằng những tầng văn hóa độc lập với Hán đã mai một vào khoảng cuối thời Tần Hán tại Hoa Nam. Điều này đã chứng tỏ rằng ngay trước khi nhà Tần diệt Sở và tấn công vào vùng Bách Việt, những dân tộc này đã chịu ảnh hưởng nặng của văn hóa Hán tộc và đang trên đà bị đồng hóa. Trong khi đó, văn hóa Đông Sơn của dân Lạc đã phát triển độc lập và tồn tại đến hơn 200 năm sau khi đất nước Âu Lạc bị sáp nhập vào với Trung Quốc. Điều đó đã chứng tỏ sức mạnh về văn hóa của dân Lạc trong việc chống lại với áp lực đồng hóa của phương bắc. Ngoài ra, khác với vùng Hoa Nam, Việt Nam nằm ở biên giới giữa thế giới Trung Hoa và thế giới Đông Nam Á. Qua việc tiếp xúc với những nền văn minh Chàm và Khmer, người Lạc Việt đã thấy có những nền văn minh khác với văn minh Hoa Hạ. Điều này không những đã củng cố thêm cho cá tính riêng của dân Lạc Việt mà còn giúp giới lãnh đạo xã hội Lạc Việt có một tầm nhìn rộng rãi hơn không hoàn toàn thần phục vào đế chế phương Bắc.

Tuy nhiên sức mạnh văn hóa này cũng không giúp tổ tiên chúng ta cưỡng lại được những áp lực đồng hóa của phương bắc nếu như phải đối phó với một làn sóng người di cư từ phương Bắc xuống. Trường hợp những người thổ dân Bắc Mỹ trước những đợt di cư của người da trắng từ châu Âu sang; hoặc những người Celt bản xứ tại Anh trước cuộc di cư của những người Anglo Saxon là những trường hợp điển hình. Tổ tiên chúng ta rất có thể bị đẩy lên những vùng núi cao để trở thành những dân tộc thiểu số trên chính đất nước của mình như những người Chuang ở Quảng Tây hiện nay vốn là giòng dõi các tộc Bách Việt trước đây hoặc là những người Bạch ở Vân Nam hậu duệ của vương quốc Đại Lý.

Tại sao những chuyện ấy không xảy ra cho Việt Nam? Khác với Nam Chiếu ở Vân Nam, và các quốc gia thiểu số bên lề đế quốc Trung Hoa khác, dân Lạc Việt ngay từ đầu đã tập trung mạnh mẽ tại các vùng đồng bằng với một nền kinh tế căn bản dựa trên việc trồng cây lúa nước. Ngoài ra khác với vùng Ba Thục, quê hương của các dân Ba và dân Thục nay chỉ còn lại một thiểu số rất nhỏ, vùng đất của dân ta nằm cách xa trung tâm quyền lực và dân cư của Trung Quốc.

Kiểm tra nhân hộ khẩu do nhà Hán thực hiện cho thấy dân cư quận Giao Chỉ đông nhất trong bẩy quận của Giao Châu thời đó, nhiều gấp 7 lần số dân tại Quảng Đông hiện nay. Bảng kiểm tra nhân hộ khẩu tại Giao Châu dưới hai thời Tây Hán và Đông Hán dưới đây cho thấy rõ tình hình dân số giữa Việt Nam hiện nay và vùng Nam Hoa trong thế kỷ thứ nhất và những biến động trong dân số này do di dân tạo ra:

Quận
Tiền Hán (kiểm tra năm CN 2)

Hậu Hán (kiểm tra năm CN140)

Tại Hoa Nam
Hộ
Nhân Khẩu
Hộ
Nhân Khẩu
Nam Hải
19.613
94.253
71.477
250.282
Thương Ngô
24.379
148.160
111.395
466.975
Uất Lâm
12.415
71.162
...
...
Hợp Phố
15.398
78.980
23.121
86.617
Tổng cộng
71.805
390.555


Tại Việt Nam




Giao Chỉ
92.440
746.237
...
....
Cửu Chân
35.743
166.013
46.513
209.894
Nhật Nam
18.263
100.676


Tổng Cộng
143.643
981.755



(Số liệu: Hán Thư và Hậu Hán Thư - Quận Quốc Chí)

So sánh hai cuộc kiểm kê nhân hộ khẩu cách nhau trên một trăm năm trên, ta có thể thấy ngay mức độ gia tăng dân số tại những quận thuộc vùng Hoa Nam là dựa trên di dân rất nhiều. Trong vòng trên một trăm năm, số nhân khẩu tại Nam Hải (khu vực Quảng Châu hiện nay) tăng 2,5 lần trong khi sô hộ tăng hơn ba lần. Điều này chứng tỏ rằng có một phong trào di cư từ miền Bắc xuống với số người di cư phần lớn là những hộ trẻ chưa có con cái hoặc là những người độc thân. Tương tự như vậy, quận Thương Ngô (khu vực Quế Lâm hiện nay) đã gia tăng số nhân khẩu lên hơn gấp ba, trong khi số hộ tăng hơn bốn lần. Mặc dầu vậy, so với Giao Chỉ thì ngay cả sau một trăm năm di dân hai quận Nam Hải và Thương Ngô họp lại vẫn còn ít dân hơn.

Tại những quận ở Việt Nam, tuy rằng ta không có con số cho quận Giao Chỉ trong cuộc kiểm kê năm 140, nhưng dựa vào những số liệu cho các quận Nhật Nam và Cửu Chân, ta có thể thấy dân số tại hai quận này phần chính là gia tăng một cách tự nhiên. Coi số liệu cho hai quận Nhật Nam và Cửu Chân như là tiêu biểu cho toàn thể vùng sinh sống của người Việt, ta thấy số gia tăng nhân khẩu là 31 phần trăm trong khi số gia tăng hộ khẩu là 27 phần trăm, Như vậy trái với tại các quận phương bắc, số nhân khẩu trong một hộ nhiều hơn một chút, phù hợp với việc gia tăng dân số một cách tự nhiên.

Điều này không có nghĩa là các quận của Việt Nam không có những người Hán di cư tới. Tình trạng rối loạn cuối đời Tây Hán trong những năm từ CN9 cho đến CN23 khi Vương Mãng tiếm ngôi nhà Hán đã đẩy một số đông người Hán từ Bắc chạy xuống Nam. Hầu hết những người này chắc hẳn định cư tại các quận phương Bắc, nhưng chắc hẳn cũng có một số di cư xa hơn xuống định cư tại các vùng thuộc Việt Nam hiện nay, nhưng con số này chắc chắn không đủ lớn để chi phối về văn hoá xã hội dân Lạc. Hầu hết những người nhập cư này vì vậy dần dà đã bị hấp thụ vào trong xã hội bản xứ và trở thành "người Nam".

Tiến trình này tiếp tục diễn ra trong những thế kỷ sau đó, Căn cứ vào những dữ liệu của các cuộc kiểm tra nhân hộ khẩu của các triều đại sau đó, ta thấy, nếu vào đời Hán, con số hộ tại hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây hiện nay của Trung Quốc chỉ bằng một nửa số hộ tại Việt Nam thì đến thế kỷ thứ 4, số hộ tại hai tỉnh này đã hơn gấp rưỡi số hộ tại Việt Nam (1,68 lần). Sang thế kỷ thứ năm, số hộ tại Lưỡng Quảng đã tăng lên gần gấp năm lần (4,85 lần) và đến thế kỷ thứ 8 thì hơn gấp năm lần (5,36 lần).

Những con số này tuy rằng không phản ảnh dân số thực sự tại Việt Nam cũng như tại Lưỡng Quảng nhưng nó cũng cho thấy sự khác biệt trong áp lực đồng hóa tại vùng Hoa Nam so với Việt Nam. Nó đã giải thích rõ tại sao sau này, vùng Hoa Nam đã trở thành một bộ phận cơ bản của lãnh thổ Trung Quốc. Sang thế kỷ thứ 9 với vùng Hoa Nam bắt đầu được định cư khá dầy đặc, số lượng người Hoa di cư sang Việt Nam có thể đông hơn, nếu sự thống trị của các chính quyền phương Bắc vẫn đuợc duy trì trong những thế kỷ tới; nhưng đây lại là vào lúc gần cuối thời kỳ cai trị của Trung Quốc. Dân Việt đã trưởng thành hơn và đã đủ lực lượng để có thể đứng ra tự chủ.

Yếu tố thứ ba mà có lẽ không kém phần quan trọng là tiếng nói. Khác với tiếng nói của những tộc Bách Việt, tiếng Việt thuộc một họ ngôn ngữ hoàn toàn khác với tiếng Hán. Đặc biệt cấu trúc và văn phạm tiếng Việt khác xa với cấu trúc và văn phạm tiếng Hán. Chính vì vậy, trong suốt ngàn năm nội thuộc, mặc dầu bị tiếng Hán xâm nhập, tiếng Việt phải thay đổi để du nhập những từ ngữ và một số yếu tố Hán khác, nhưng tiếng Hán chưa bao giờ có thể trở thành thông dụng trong xã hội Việt Nam. Có thể những tầng lớp quý tộc học nói và sử dụng tiếng Hán cũng như sau này những nhà quý tộc và tầng lớp trên của xã hội Việt Nam sử dụng tiếng Pháp, nhưng tiếng Việt vẫn là thứ tiếng của đại đa số quần chúng trong xã hội. Việc tồn tại của tiếng Việt là một yếu tố rất là quan trọng vì bất kỳ những gì mà người Hán muốn đưa ra trên phương diện văn hóa để đồng hóa người Việt đều phải chuyển qua một môi trường mới mà tự nó nó đã làm sai lệch đi những điều mà người Hán muốn. 

Cùng với tiếng nói là các truyền thống và một ký ức tập thể về những anh hùng dân tộc. Những câu truyện về bà Trưng, bà Triệu, Triệu Quang Phục, Phùng Hưng đã hun đúc tinh thần của người dân Lạc Việt trong suốt những thế kỷ bị đô hộ. Sự tồn tại của dân tộc Việt là một quyết định tập thể của cả một xã hội, chấp nhận mọi hiểm nguy để làm sao bảo tồn được những di sản của mình.
Xã hội Việt Nam khi Ngô Quyền dành được độc lập vào thế kỷ thứ 10 khác hẳn với xã hội Lạc Việt cách đó một ngàn năm trước khi Triệu Đà chinh phục nước Âu Lạc. Để có thể tồn tại, người Việt đã phải hiểu rõ nền văn minh Trung Quốc như thế nào để có thể tùy tiện đối phó. Họ biết Trung Quốc từ những cái hay cái đẹp nhất cho đến những cái gì tệ hại nhất. Để có thể tồn tại, họ đã phải Hán hóa học hỏi những thủ đoạn của người Hán để đối phó với ngưòi Hán. Trong quá trình Hán hóa đó nhiều giá trị tinh thần cũng như là những nét văn hóa đặc thù của dân tộc đã bị mất đi, nhất là khi những giá trị đó không cần thiết cho việc đấu tranh để tồn tại. Nhũng mất mát đó có thể được thấy rõ khi ta so sánh nghệ thuật tạo hình Đông Sơn với nghệ thuật tạo hình của những thế hệ về sau. Cái vẻ đẹp và những nét độc đáo trong trống đồng và điêu khắc Đông Sơn đã được thay thế bởi những hình ảnh tầm thường bắt chước theo các lối hội họa và điêu khắc của Trung Quốc.

Sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc, xã hội Việt Nam thời Ngô Vương là một xã hội đã bị Hán hóa rất nhiều. Các vị sư Việt Nam như Ngô Chân Lưu đã có thể làm thơ đối đáp qua lại với các sứ thần triều Tống. Để đạt đến tình trạng này, tiến trình Hán hóa của dân Việt đã phải trải qua nhiều giai đoạn; mỗi giai đoạn đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình tiến hoá của xã hội Việt Nam.
Giai đoạn thứ nhất bắt đầu từ khi Triệu Đà chinh phục nước Âu Lạc cho đến cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Trong giai đoạn này, sức mạnh của Hán chưa vươn tới được vùng đồng bằng sông Hồng, nhà Triệu và các vua đầu đời Tây Hán hầu hết còn dựa vào các tầng lớp cai trị cũ của xã hội Lạc như các Lạc Hầu, Lạc tướng. Theo Sử KýHán Thư thì chính sách cai trị của Tây Hán là "lấy tục cũ của nó mà cai trị" thành ra có nơi "trưởng lại tuy có đặt, dẫu có cũng như không". Chiếm cứ đất Âu Lạc, nhà Hán chỉ quan tâm đến những đồ thổ sản quý lạ và những đồ mà bên Trung Nguyên không có thành ra trong thời gian này, ngay cả đến lương ăn, tiền bạc vật dụng của bọn quan lại cai trị đều được chở từ phương Bắc sang. Tuy rằng nhà Tây Hán cũng bắt đầu chính sách "di dân khẩn thực" ở Giao Chỉ, đưa tù nhân hoặc dân nghèo người Hán tới ở lẫn lộn với người Việt nhưng con số này còn ít và không ảnh hưởng đến xã hội của người Việt bao nhiêu mặc dầu một số những khía cạnh của văn hóa Trung Quốc đã bắt đầu xâm nhập đặc biệt là trong lãnh vực kỹ thuật. Việc làm đất bằng trâu bò đã bắt đầu phổ biến cùng với các nông cụ bằng sắt. Truyền thuyết của ta nói rằng ông tổ nghề rèn sắt Việt Nam là Lư Cao Sơn học được kỹ thuật rèn sắt tại đất Thục (Tứ Xuyên). Thục là một trung tâm sản xuất sắt quan trọng ở đời Hán. Kỹ thuật gốm cũng phát triển mạnh thêm với các loại gốm cứng có độ nung cao và có hoa văn trang sức. Tuy nhiên, sự phân ranh văn hóa và chính trị giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn rõ rệt, và Việt Nam vẫn còn là một phần quan trọng của một nền văn minh Đông Nam Á, có quan hệ thương mại mật thiết với các nước tại phương Nam.

Bắt đầu với các chính sách "khai hóa" của Tích Quang và Nhâm Diên, đặc biệt là sau cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, quan hệ Hán Việt bước sang một giai đoạn mới. Chính sách tích cực đồng hóa khởi đầu với Tích Quang và Nhâm Diên đã được củng cố thêm qua cuộc chinh phục của Mã Viện. Đất Việt Nam từ một miền "ngoại địa" của đế quốc Trung Hoa nay được coi như là một quận cực nam của đế quốc, vùng biên thùy giữa nền văn minh Hán và các văn minh khác. Trong cuộc đàn áp cuộc khởi nghĩa của hai bà Trưng, Mã Viện đã giết rất nhiều "cừ súy" tức là những lãnh tụ khởi nghĩa theo Hai Bà Trưng, phần lớn những người này chắc hẳn là những Lạc tướng cũ. Và những thành phần quý tộc khác của dân tộc Việt. Sau khi chinh phục xong Cửu Chân, Viện còn đày hơn 300 "cừ súy" sang Linh Lăng nữa, như vậy có thể nói, sau cuộc đàn áp của Mã Viện, giai cấp quý tộc cũ của dân Việt đã suy vi. Những người còn lại gia nhập vào trong một tầng lớp quý tộc mới: tầng lớp quý tộc Hán Việt mà dần dà về sau đã lãnh đạo đất nước trong cuộc giải phóng ra khỏi tay đế chế Trung quốc. Điều này đã được thấy rõ khi từ đó trở đi sử sách không còn nhắc đến danh hiệu Lạc tướng nữa. Chế độ Lạc tướng có tính cách thế tập đã bị hủy bỏ.

Sự sụp đổ của tầng lớp quý tộc Lạc Việt dẫn đến sự thành hình của một tầng lớp môn phiệt. Đây là giai đoạn  mà nho học bắt đầu được đưa vào Việt Nam và được phổ biến trong các thành phần quý tộc mới. Tuy nhiên song song với việc truyền bá của Nho học là sự xuất hiện của Phật Giáo. Phật Giáo đến với Việt Nam thẳng từ Thiên Trúc và như vậy cho một quan điểm chống lại với văn hóa Trung Quốc. Trái với nho học, Phật Giáo đã đi thẳng vào đại đa số trong xã hội dân Việt, những huyền thoại về Man Nương, về Chử Đồng Tử trong Lĩnh Nam Chích Quái là những bằng chứng điển hình. Giai đoạn này là giai đoạn xảy ra một sự phân ly về văn hoá ngay chính trong nội bộ xã hội Việt với tầng lớp quý tộc lãnh đạo bị Hán hóa trong khi đại đa số quần chúng vẫn còn giữ theo những tập quán cổ xưa của người Việt. Sự kháng cự của dân chúng trước những cố gắng Hán hóa được nói rõ qua bài biểu của Tiết Tổng trình lên cho Ngô chủ năm 231, nói rằng không có cách nào để "khai hóa" dân Việt. Tổng viết:

- Dân chúng sống như cầm thú, họ vấn tóc và đi đất; thay vì nón mũ thì họ cắt một miếng vải để che đầu. Quần áo thì cài khuy bên trái (tả nhâm - một dấu hiệu của man di đối với người Hán).

Sau khi điểm qua những cố gắng của những triều đại trước nhằm Hán hóa dân Việt, Tổng viết:

- Thư tịch chép các hoạt động khai hóa đã kéo dài tới bốn trăm năm nay nhưng theo những gì thần nhận thấy kể từ khi đến đây thì sự thật đã không phải như vậy.

Và Tổng đưa ra một vài thí dụ cho thấy mặc dầu những cố gắng của quan lại Trung quốc, dân chúng Việt vẫn còn giữ lấy những tập quán cổ truyền:

- Tại Châu Nhai, cứ đến tháng tám các tộc trưởng các tộc họ tập hợp tất cả các thanh niên nam nữ lại. Con trai, con gái được tự chọn lấy người phối ngẫu và trở thành vợ chồng; bố mẹ không có quyền gì can thiệp vào. Tại Mê Linh ở Giao Chỉ và Đô Long ở Cửu Chân, cứ anh chết thì em lấy chị đâu. Điều này đã xảy ra từ bao nhiêu đời trở thành một tập quán ăn sâu vào đến nỗi các huyện lệnh đành phải chịu. Tại Nhật Nam, đàn ông đàn bà trần truồng đi ra ngoài không chút hổ thẹn.

Tiết Tổng viết bài biểu này năm năm sau khi họ Sỹ bị diệt vong. Dưới thời Sỹ Nhiếp, một cố gắng tìm cách dung hòa hai nền văn minh Nam Bắc đã được thí nghiệm. Nhưng triều đại của Sỹ Nhiếp quá ngắn không đủ lâu để tạo ra một tổng hợp mới. Sau khi Sỹ Nhiép chết, các cố gắng lại tiếp tục tìm cách Hán hóa xã hội Việt. Tuy rằng không hoàn toàn thành công, nhưng những cố gắng này đã đưa Việt Nam đi sâu thêm vào trong quỹ đạo của nền văn minh Trung Quốc. Ngoài ra, sự thành lập nhà nước Lâm Ấp thù nghịch ở phía Nam cũng là động cơ lớn thúc đẩy xã hội Việt Nam đi sâu vào hướng đó. Tuy nhiên, một bộ phận khá đông dân Việt nhất là tại các vùng biên duyên, vùng đồi núi ngoài khu vực đồng bằng phì nhiêu, vẫn còn không chịu sự thúc ép của chính sách Hán hóa.

Họ trở thành những dân mà thư tịch Trung quốc gọi là các dân "Ly, Lão" và dần dà vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chính quyền đô hộ. Cuộc kiểm tra nhân khẩu thời Tấn cho thấy rõ mức độ tách ra đó. Kiểm tra hộ tịch thời Tây Hán năm CN 2 cho thấy số hộ trong ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam lên đến 143.643 hộ, thì số hộ đếm được trong cuộc kiểm tra hộ tịch vào thế kỷ thứ tư của nhà Tấn chỉ còn 25.600 hộ, mất gần năm phần sáu dân số trong vòng bốn thế kỷ. Một phần sự mất mát này nằm trong sự phát triển của chế độ môn phiệt, trong đó những người nông nô, hay nô tỳ của các nhà quyền thế không còn được ghi lại trong danh sách hộ tịch nữa nhưng một phần lớn nữa là nằm trong việc nhiều vùng đất rộng lớn trước thuộc quận huyện cai trị trực tiếp của các quan lại thời Hán, đến thời Tấn đã trở thành các châu cơ mi chỉ chịu sự ràng buộc nộp cống mà thôi. 

Giai đoạn Hán hóa thứ hai mở đầu với Mã Viện đã kết thúc vào thế kỷ thứ sáu với cuộc khởi nghĩa của Lý Bí. Chế độ môn phiệt tại Trung Quốc bắt đầu từ đời Đông Hán để lên tới mức cực thịnh thời Lục Triều đã ảnh hưởng mạnh đến xã hội Việt Nam. Các tầng lớp quý tộc địa phương, dù gốc Hán hay gốc Việt đều bị coi như là hàn môn không hề được làm quan tại Trung Nguyên. Trong khi đó, những đại tộc ở Việt Nam, thâm nhiễm văn hóa Trung Quốc bắt đầu có ý thức hơn về khả năng và vai trò của họ. Sự suy yếu của quyền lực Trung Quốc dưới thời các triều Lương và Trần đã cho những tầng lớp này một cơ hội để làm chủ vận mệnh của mình. Trong khoảng hơn nửa thế kỷ, đầu tiên dưới Lý Bí, và sau đó dưới Triệu Quang Phục và Lý Phật Tử, dân tộc Việt đã có thể tự do dưới sự lãnh đạo của các lãnh tụ của mình tìm cách đưa ra một phương thức tồn tại mới, không những khác biệt với chính thể và văn hóa phương Bắc, nhưng cũng khác biệt với những nền văn minh chịu ảnh hưởng Ấn Độ ở phương Nam. Ý thức Việt đã ra đời và phát triển mạnh trong thời này cùng với sự phát triển của Phật Giáo như là một ý thức hệ đối kháng với ý thức hệ của Nho giáo. Huyền thoại móng rùa vàng trong truyện Triệu Quang Phục chính là một trong những cố gắng để nối lại với truyền thống Lạc Việt thời trước. 

Với nhà Đường, Trung Quốc đi vào một thời đại cực thịnh mới. Với miền Hoa Nam nay hoàn toàn bị Hán hóa, áp lực của Đường triều vào xã hội Việt Nam trở thành nặng nề hơn bao giờ hết. Tuy nhiên điều may mắn là đến thời Đường, dân Việt đã có gần một ngàn năm để làm quen vói những áp lực phương Bắc, thành ra dân ta đã đủ sức để kháng cự. Mặc dầu vậy, văn hóa Đường đã để lại những nét sâu đậm trong xã hội Việt Nam. Một phần lớn những từ ngữ Hán-Việt trong tiếng Việt hiện nay được du nhập vào tiếng Việt trong thời Đường. Cách dùng những từ này trong tiếng ta là theo lối Đường chứ không theo tiếng Trung Quốc hiện đại và cách phát âm những từ này trong tiếng ta cũng là theo cách phát âm của thời Đường chứ không phải theo cách phát âm hiện đại của người Hoa. 

Cũng trong thời đại này sự phân chia cộng đồng người Lạc cổ thành Việt và Mường đã hoàn tất với người Mường còn giữ được những nét chính của nền văn hóa Việt Nam cổ đại trong khi người Việt bị ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Đường triều. Sự xâm lược của những nước lân bang, từ Chiêm Thành, Côn Luân cho đến Nam Chiếu mà hầu hết là do những thành phần Lạc không chịu Hán hoá (Mường) đã cho dân Việt thấy rõ khoảng cách giữa họ và những tộc lân bang chịu ảnh hưởng của một nền văn minh khác. Một biên thùy văn hóa mới đã được vạch ra giữa Việt và Mường cũng như giữa Việt và Chiêm Thành. 

Tuy nhiên ở một mức độ nào đó, một cái lõi căn bản của thời Văn Lang và Âu Lạc vẫn còn tồn tại giữ cho Việt và Hoa tách biệt. Tiếng nói của dân Việt vẫn còn tồn tại, mặc dầu nó đã thay đổi và vay mượn rất nhiều những từ của Hán. Ngoài ra những truyền thuyết và huyền thoại về một quá khứ xa xăm vẫn được kể lại từ đời này qua đời kia đã là những chỗ dựa vững chắc giữ cho dân Việt chống lại mọi cố gắng hoàn toàn trở thành Hán. Cuộc đấu tranh để tồn tại trong thế giới bị chi phối bởi đế quốc Trung Hoa khổng lồ đã tạo ra trong các tính người Việt hai phản ứng mâu thuẫn với nhau. Qua những thế kỷ bị trị, người Việt đã thành ra có một phản ứng bẩm sinh chống lại sự thống trị của người Hán, và mở rộng ra mọi sự thống trị của ngoại bang. Thời Tấn, chính một trong những tên quan cai trị vào bậc tốt của Trung Quốc tại Việt Nam, Đào Hoàng, đã phải dâng biểu nói rằng "người Giao Châu, chán ở yên vui, thích làm họa loạn, rất khó cai trị". Nhưng ngoài phản ứng đối kháng bẩm sinh ra đó, trong người Việt lại có một mặc cảm tự ti đối với người Hoa và thông thường vẫn nhìn sang Trung Quốc hoặc rộng hơn, ra nước ngoài để tìm những chính sách hoặc mô hình hoạt động. Và hai phản ứng đối nghịch đó vẫn còn tồn tại trong xã hội Việt Nam cho đến ngày nay.