Nhìn Lại Sử Việt - Chương 5: Giai đoạn Bắc thuộc lần thứ 2


Chương 5: Giai đoạn Bắc thuộc lần thứ 2: Từ Mã Viện cho đến cuộc khởi nghĩa của Lý Bí

Tại Trung Quốc từ cuối đời Tây Hán, các nhà hào gia, bao gồm bọn quý tộc, địa chủ, các thương nhân giầu có  càng ngày càng có ảnh hưởng nhiều về chính trị và xã hội. Sang đời Đông Hán, tình trạng này càng trở trên trầm trọng hơn. Tuy rằng vào buổi đầu, các hoàng đế Đông Hán có áp dụng một số biện pháp mới nhằm cấm các hào gia cướp đất của nông dân nghèo nhưng cũng không ngăn chặn được bao nhiêu. Các hào gia nuôi cả ngàn "tân khách", nắm trong tay chục ngàn mẫu ruộng, hàng chục ngàn nông dân, nô tỳ làm vưong làm tướng một cõi. Mã Viện chẳng hạn được tả là có ba ngàn "thực khách " trong nhà. 

Càng về sau tình hình lại càng tệ hơn, thành lập chế độ mà ta tạm gọi là "chế độ môn phiệt" trong đó những họ lớn được coi là "danh gia, vọng tộc" nắm quyền chính trị, được pháp luật bảo hộ có ưu thế tuyệt đối về kinh tế. Theo Tư Mã Quang, thì "cử người hiền không ngoài thế tộc, pháp luật không đụng đến quyền quý" và "thượng phẩm không có người nghèo; hạ phẩm không có thế tộc". Vào cuối đời Đông Hán những giòng họ này tổ chức những đạo quân riêng tự chiếm một số vùng hoặc để tự bảo vệ, hoặc để ủng hộ cho những thế lực cát cứ, tỷ như My Trúc mang tài sản của mình ra để trợ giúp cho Lưu Bị. Một số tướng lãnh của Tào Tháo như Hứa Chử, Điển Vi là những tướng bộ khúc, tức là xuất thân từ những đạo quân riêng của các hào tộc.

5.1 Tình Hình Kinh tế Xã Hội Giao Chỉ sau cuộc chinh phục của Mã Viện

Chế Độ Môn Phiệt tại Giao Chỉ 

Tình hình ở Trung Quốc đã vậy, đất Giao vốn nội thuộc vào triều Hán cũng không thể tránh được. Tại Trung Quốc sự phát triển của chế độ môn phiệt bắt đầu từ việc bỏ chế độ "tỉnh điền" dưới đời Tần giúp cho những nhà có tiền có thể có cơ hội thu góp ruộng đất của những nông dân nghèo mà xây dựng thế lực của mình. Dưới xã hội Lạc, từ thời Hùng vương cho đến cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng, ruộng đất là của chung của công xã. Các Lạc tướng chỉ được hưởng một phần lợi nhuận thu được qua những ruộng đất công này. Có thể các Lạc tướng được hưởng một phần ruộng công mà các thành viên của công xã phải canh tác cho Lạc tướng cũng như các Lạc tướng được hưởng một phần những sản phẩm thủ công mà các thành viên của công xã tạo ra.  Nhưng sau cuộc chinh phục của Mã Viện, những chính sách về ruộng đất tại Trung Nguyên cũng được đem ra áp dụng tại Giao Chỉ, nhất là tại những nơi có quân Hán đồn trú. Có thể rằng chính sách thuế phú nặng nề của Đông Hán cũng là một yếu tố quan trọng dẫn đến việc một phần những ruộng công của công xã biến thành tư điền của những hào tộc. Cũng có thể rằng các quan lại Hán cũng dùng những thủ đoạn như Pháp tại Nam Kỳ khi sang đô hộ Việt Nam, lấy những đất hoang mới do nông dân khai khẩn cấp cho những hào tộc làm của tư. 

Dù sao chăng nữa tuy rằng Hán và các triều đại sau này chưa bao giờ biến được tất cả các ruộng công thành tư điền (Công điền tại miền Bắc Việt Nam tồn tại cho đến khi Cộng Sản miền bắc quốc hữu hoá tất cả ruộng đất vào năm 1956-57) nhưng số ruộng đất tư hóa cũng đủ để nuôi dưỡng một tầng lớp quý tộc điền chủ mới tại Giao Chỉ.

Giai cấp quý tộc mới đó bao gồm những thành phần nào? Khoảng trên một trăm ngôi mộ gạch đời Đông Hán đã được các nhà khảo cổ khai quật từ khoảng những năm 1930 trở về sau. Những ngôi mộ này có niên đại từ nửa sau của thế kỷ thứ 1 sau Công Nguyên cho đến cuối thế kỷ thứ hai tức là từ sau cuộc chinh phục của Mã Viện cho đến đầu thời Tam Quốc.

Những mộ này, và những đồ tùy táng cho ta thấy nhiều dữ liệu về tầng lớp quý tộc mới tại Giao Chỉ. Về phương diện cấu trúc và trang trí, các ngôi mộ này hoàn toàn mang các đặc tính Hán. Các đồ tùy táng, ngoài một vài ngoại lệ, hầu hết tương tự như đồ tùy táng đào được tại những ngôi mộ cùng thời ở phía Nam sông Hà tại Trung Quốc. Điều đó cho thấy tầng lớp quý tộc Giao Chỉ mới này nếu không phải là thuần túy Hán thì cũng là bị Hán hóa rất nhiều và chấp nhận văn minh Hán một cách toàn diện. Khối lượng và sự phong phú của các đồ tùy táng, bao gồm từ những đồ trang sức, vũ khí, đồ gốm cho đến nhạc cụ, bút nghiên cho thấy những người được chôn trong các mộ này rất giầu có và có một đời sống xã hội phong phú. Điều này chứng tỏ rằng họ đã đông đủ để tạo thành hẳn một giai cấp trong xã hội.

Trong những đồ tùy táng tìm được có một số những mô hình nông trại bằng đất nung. Mô hình những nông trại này cho thấy, nhà cửa kho đụn, giếng bếp được bao bọc bởi những lớp tường cao giống như những pháo đài. Những mô hình này tương tự như những mô hình tìm được trong những ngôi mộ bên Trung quốc cùng thời kỳ. Ðiều đó cho thấy rằng tương tự như những vọng tộc bên Trung Nguyên, tầng lớp quý tộc mới này là những điền chủ lớn và họ cũng nuôi trong nhà nhiều tân khách các loại.

Tuy rằng trống đồng Đông Sơn không có mặt trong những món đồ tùy táng tại những ngôi mộ này, nhưng một số vật khác, nổi tiếng nhất là bộ chân đèn tìm thấy tại một ngôi mộ ở Lạch Trường trong đó chân đèn là tượng một người quỳ với vẻ mặt hoàn toàn không phải là người Hán cùng với khoảng mười bức tượng nhạc công khác cho thấy càng về sau, ảnh hưởng của địa phương càng bắt đầu xâm nhập vào tầng lớp quý tộc này. Và với sự Việt hóa tầng lớp quý tộc lãnh đạo địa phương thì quyền lợi của họ với quyền lợi của các quan lại thống trị Ðông Hán gởi sang càng ngày càng cách biệt.

Các cuộc nổi dậy và chính sách “nhu viễn”

Các cuộc nổi dậy đầu tiên chống Hán sau Mã Viện bắt đầu từ quận Nhật Nam, nơi quyền lực Hán yếu nhất.  Năm 100 sau Công nguyên, hơn 2.000 dân huyện Tượng Lâm nổi loạn, cướp bóc và đốt cháy lỵ sở cai trị. Hán phản ứng bằng cách gửi một đạo quân từ các huyện phía Bắc xuống. Sau khi dẹp yên cuộc nổi loạn, triều Hán phải đặt riêng một đội quân đặc biệt để canh giữ. Nhưng đến năm 136 sau Công Nguyên lại có một cuộc nổi dậy khác và lần này quyền lực Hán không thể nào phục hồi được như trước nữa.

Theo Hậu Hán Thư năm 136 sau Công Nguyên một nhóm dân tên là Khu Liên, từ ngoài biên thùy tiến vào tấn công Tượng Lâm, đốt cháy phủ trị và giết các quan lại. Thứ sử Giao Chỉ Phàn Diễn mộ một đạo quân trên mười ngàn người từ các quận Giao Chỉ và Cửu Chân đến chinh phạt. Tuy nhiên đám quân này không những không chịu đi xuống phía Nam mà lại nổi loạn, tấn công và phá hủy các phủ trị tại chính các quận này. Khi một thái thú khác, Giả Xương của Hán dẫn một toán quân khác đi vào Nhật Nam thì cũng bị các toán quân nổi loạn vây chặt.

Khi tin dữ này được báo về kinh đô Lạc Dương, lúc đầu triều đình nhà Hán đã định cử một đạo quân 40.000 người lấy từ bốn tỉnh vùng sông Hà và sông Giang nhưng sau đó đã bỏ kế hoạch qua lời khuyên của một vị quan là Lý Cố, chủ trương hòa giải và dụ dỗ thay vì dùng võ lực. Chính sách này một phần phản ánh sự suy thoái của triều đình Hán lúc đó, nhưng cũng phản ánh một sự thật về địa dư. Hán có thể gửi một đạo quân chinh phục  vùng đất xa xôi này nhưng nếu muốn cai trị nó thì đòi hỏi phải tốn rất nhiều nhân lực và tài lực và một quyết tâm hiếm có. Giao Chỉ đối với triều Hán chỉ là một thuộc địa viễn phương và khi triều đình trung ương bắt đầu suy đồi thì vùng viễn phương là vùng đầu tiên bị bỏ rơi. Thành ra thay vì cử một đạo quân đàn áp, Hán triều theo lời khuyên của Lý Cố cử hai vị quan giỏi xuống miền Nam, Trương Kiều được cử làm thứ sử Giao Chỉ và Trúc Lương làm thái thú Cửu Chân. Trương Kiều đã nổi tiếng trong việc bình phục các bộ lạc người Khương ở Tứ Xuyên, còn Trúc Lương đã bình định các đám nổi loạn tại Trường Sa.

Năm 138 sau CN, Trương Kiều đến Giao Chỉ và đưa ra những chính sách hòa giải. Dân chúng đã mệt mỏi với loạn ly muốn yên ổn. Trương Kiều và Trúc Lương đã dụ hàng được những người nổi dậy. Tuy nhiên, yên ổn này chẳng kéo dài được bao lâu. Sau khi Trương Kiều trở về Bắc, năm 144 CN lại xảy ra một đợt nổi loạn khác. Cũng như lần trước, cuộc nổi dậy bắt đầu từ Nhật Nam và kéo theo các cuộc nổi loạn tương tự tại Cửu Chân và Giao Chỉ. Lại một lần nữa, triều đình Hán dùng chính sách phủ dụ kêu gọi những người nổi loạn trở về.
Từ đời Hoàn Đế trở đi, nhà Đông Hán bước vào giai đoạn suy đồi, loạn lạc nổi lên khắp nơi, báo hiệu cho giai đoạn Tam Quốc. Thành ra các dân không phải Hán tộc tại khắp các nơi đều muốn khởi nghĩa mong thoát khỏi gông cùm cai trị. Đất Giao Chỉ cũng không khác. Năm 157 CN, một cuộc nổi dậy bắt đầu tại huyện Chu Phong, một huyện miền núi nằm giữa sông Mã và sông Cả thuộc quận Cửu Chân, Thanh Hóa hiện nay. Một lãnh tụ địa phương tên là Chu Đạt nổi lên chiếm huyện lỵ và giết viên huyện lệnh. Chu Ðạt sau đó mang một toán quân khoảng bốn năm ngàn người tiến về quận lỵ Cửu Chân. Thái thú Cửu Chân là Nghê Thí bị giết. Cùng lúc, quận Nhật Nam cũng nổi dậy. Tuy nhiên sau đó cuộc nổi dậy bị dẹp yên. Năm 160, Cửu Chân và Nhật Nam lại nổi dậy. Triều đình Nhà Hán phản ứng bằng cách bổ nhiệm lại Hạ Phương làm thứ sử Giao Chỉ. Hạ Phương là người đã bình định được cuộc nổi dậy năm 144 bằng phương pháp hòa bình và được dân chúng yêu thích. Phương sang Giao Chỉ và áp dụng một chính sách hòa giải làm yên được các cuộc nổi loạn.

Lúc này, không phải chỉ có miền Nam mới có biến động, ở phương Bắc tại các vùng núi hiện nay thuộc các tỉnh Quảng Tây và Quí Châu, cũng thuộc Giao Chỉ Bộ, các dân tộc thiểu số cũng vùng lên. Năm 178 thái thú quận Nam Hải (Quảng Châu hiện nay) nổi loạn. Dưới sự lãnh đạo của một người tên là Lương Long, toàn thể các quận thuộc Giao Chỉ Bộ đều nổi lên. Đây là lần đầu tiên toàn thể các quận thuộc Giao Chỉ Bộ nổi dậy một lúc như vậy. Thứ sử Châu Ngung bất lực. Năm 181, Hán cử Chu Tuấn xuống chinh phục lại Giao Chỉ. Chu Tuấn là một trong những tướng tài của nhà Hán, sau này có công trong việc dẹp loạn Khăn Vàng và là người đỡ đầu cho Lưu Bị, người sáng lập ra nhà Thục Hán về sau. Chu Tuấn chia quân ra làm hai đạo và trước khi đi xuống miền Nam, cử người xuống trước dụ dỗ các phần tử thân Hán. Chu Tuấn thành công trong việc dẹp yên được cuộc nổi dậy này, Lương Long bị bắt đem giết. Nhưng chẳng bao lâu sau tình trạng loạn lạc lại bùng lên. Phía Bắc loạn Khăn Vàng bùng nổ, Chu Tuấn bị kêu trở về Bắc để lại con là Chu Phúc cai trị thay thế. Ðến năm 184, dân chúng lại nổi lên giết thứ sử. Hán cử Giả Sung, một viên quan thanh liêm sang làm thứ sử.

Giả Sung đến nơi, đưa ra một bản bố cáo gồm năm điểm, trong đó quan trọng nhất là điều thứ năm, hứa sẽ chọn những người tốt cho làm quan. Với chính sách này hoà bình được nhanh chóng vãn hồi. Nhưng Giả Sung chỉ cai trị được ba năm rồi được thăng thưởng và bổ nhiệm lên phương Bắc. Chính sách của Gỉa Sung bổ nhiệm những viên chức thanh liêm từ các đại gia địa phương là một cơ hội lớn cho những gia đình quý tộc Hán Việt tại đây, mở đường cho những cố gắng đầu tiên dành tự trị cho địa phương và sau này là độc lập.
Năm 196, đế quốc Hán tan rã thành nhiều sứ quân, khởi đầu cho giai đoạn Tam quốc trong lịch sử Trung Hoa. Phía Bắc họ Tào sẽ thành lập nhà Ngụy vào năm 220, sau đó họ Lưu tại Tứ Xuyên và họ Tôn ở Nam Kinh cũng sẽ lần lượt lập ra các nhà Thục Hán và nhà Ngô.

Phản ánh uy quyền gia tăng của địa phương với trung ương, nhà Hán phải lập ra chức Mục Bá trao quyền hành rộng rãi cho các thứ sử địa phương. Nhưng Giao Chỉ Bộ không được quyền lợi này. Trong giai đoạn này thứ sử Giao Chỉ là Trương Tân. Tân là một người rất mê đạo Lão. Vì đạo Lão là một yếu tố quan trọng trong việc nổi loạn Khăn Vàng cho nên điều này có thể giải thích vì sao Trương Tân lại bị đổi đi Giao Chỉ thay vì được giữ một chức vị khác ở trung nguyên. Nhưng quyền hành thật sự trong quận Giao Chỉ lúc đó nằm trong tay Sĩ Nhiếp giữ chức thái thú quận Giao Chỉ. Tân phải lo cho hai quận Thương Ngô và Uất Lâm ở phía bắc Giao Chỉ Bộ vốn đang bị Lưu Biểu lĩnh chức Kinh Châu Mục dòm ngó. Cuộc chiến giữa Tân và Biểu diễn ra thường xuyên. Nhiếp lúc đó ủng hộ Tân. Triều đình Hán thì quá xa để có thể giúp gì cho Trương Tân ngoài việc chuyển bộ Giao Chỉ thành Giao Châu và phong Tân làm Giao Châu Mục. Năm 205, Tân bị chính một bộ tướng của mình ám hại. Lưu Biểu lập tức sai Lại Cung sang thay thế Tân. Hán triều phản ứng bằng cách phong cho Sĩ Nhiếp làm An Viễn tướng quân coi cả bảy quận của Giao Chỉ bộ và giao cho Nhiếp việc kháng cự lại Lưu Biểu. Với Sỹ Nhiếp, giới môn phiệt Hán Việt đã đạt được quyền lực tối cao tại Giao Chỉ.

Những tài liệu về lịch sử trên cho thấy, mặc dầu bị thâm nhiễm sâu xa văn hóa Hán và có thể hầu hết gốc là người Hán, nhưng tầng lớp quý tộc mới này, tạm gọi là lớp quý tộc Hán Việt dần dà đã Việt hóa và trở thành tầng lớp lãnh đạo hầu hết các cuộc khởi nghĩa chống lại sự thống trị của các triều đại Trung Quốc sau này. Có nhiều lý do để giải thích sự kiện đó. Giao Chỉ là một trong những nơi mà chính quyền Trung Quốc dùng để lưu đày những thành phần bị coi là chống đối với vương triều đương thời hoặc là những kẻ bị thất thế trong những cuộc đấu tranh nội bộ dành quyền lực trong triều đình. Những người này, khi xuống miền nam, đã có sẵn tinh thần chống đối với chính quyền phương bắc và dễ dàng hội nhập vào xã hội sở tại cũng như là lãnh đạo các cuộc chống đối.
Mặt khác, Giao Chỉ là đất cực nam của đế quốc Hán, số lượng những người Hán di cư xuống ở Giao Chỉ không có bao nhiêu vì vậy những gia đình Hán định cư tại đây, dần dà bị hấp thụ vào trong xã hội Lạc. Một trong những trường hợp điển hình của việc này là Lý Bí tức Lý Nam Ðế.

5.2 Sỹ Nhiếp và sự hình thành tầng lớp môn phiệt Lạc Việt

Lý Bí là người Việt đầu tiên xưng đế hiệu, tách mình ra khỏi đế quốc Hán tộc. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Lý Bí người Long Hưng, Thái Bình, có tổ tiên là người Hán. Vào cuối đời Tây Hán, khổ vì loạn lạc, gia đình tổ tiên ông lánh sang ở Giao Châu, sau bảy đời trở thành người Nam. Trường hợp Lý Bí có thể so sánh với trường hợp Sỹ Nhiếp. Tiên tổ của Sỹ Nhiếp, vốn người Vấn Dương nước Lỗ, thời Vương Mãng cũng lánh nạn sang châu Giao đến đời thứ sáu là Sỹ Nhiếp (Tam Quốc Chí - Sỹ Nhiếp truyện). Như vậy, thế hệ mà tổ tiên Lý Bí bắt đầu được coi là người Nam nằm đúng trong thời Sỹ Nhiếp cai trị vùng đất Giao chỉ. Trường hợp Lý Bí không phải là trường hợp độc nhất của một gia tộc người Hán trở thành người Nam trong thời đại của Sỹ Nhiếp. Để tìm hiểu lý do có sự chuyển biến này, ta phải quay lại một chút về những gì xảy ra tại Trung Quốc và Giao Châu trong thời Tam Quốc.

Trước hết ta thử tìm hiểu về Sỹ Nhiếp. Tổ tiên họ Sỹ gốc ở Sơn Đông, chạy loạn Vương Mãng cuối đời Tây Hán xuống định cư tại Thương Ngô, trị sở của Giao Chỉ Bộ lúc đó. Gia đình họ Sỹ là tiêu biểu cho những gia đình di dân người Hán tại vùng đất thuộc địa này. Họ được triều đình thống trị Trung Quốc ưu đãi vì coi như là những đại diện cai trị. Mặt khác, họ lại có những liên hệ mật thiết với dân chúng Lạc địa phương. Dưới đời Hoàn Đế nhà Đông Hán, Sỹ Tứ được bổ nhiệm làm thái thú Nhật Nam, khởi đầu cho việc tham chính của dòng họ Sỹ.
Sỹ Nhiếp là con trưởng của Sỹ Tứ. Sinh năm 137, thời trẻ Nhiếp đã từng đến Dĩnh Xuyên để học kinh Xuân Thu và kinh Thư với Lưu Tử Kỳ. Sau khi đậu Hiếu Liêm, Nhiếp được cử vào triều lĩnh chức thượng thư lang. Khi cha chết, Nhiếp trở về quê ở Thương Ngô. Hết tang, Nhiếp được cử Mậu Tài và được bổ làm huyện lệnh tại Tứ Xuyên. Khi Giả Sung sang làm thứ sử, Nhiếp được thăng thái thú Giao Chỉ. Giữa Nhiếp và Chu Phúc con Chu Tuấn có một sự cạnh tranh kịch liệt. Phúc là người ngoài, chỉ tùy thuộc vào đội quân riêng gồm những người Hán đi theo mình, trong khi đó Nhiếp là một người địa phương, có một sự ủng hộ rộng lớn trong dân chúng. Sử Trung Hoa chép, Phúc bị giết bởi đám cướp người Man, ta có thể nghi ngờ rằng có bàn tay Sĩ Nhiếp trong việc này, vì khi Phúc chết, Nhiếp đã nhanh chóng nắm lấy quyền kiểm soát toàn bộ Giao Chỉ. Nhiếp phong cho ba người em làm thái thú Hợp Phố, Cửu Chân và Nam Hải.

Cũng trong lúc này, nhiều chuyện quan trọng xảy ra ở phương Nam. Năm 192, một người tên là Âu Liên nổi lên giết huyện lệnh Tượng Lâm, và tự xưng làm vua, thành lập ra nước Lâm Ấp. Cùng lúc với sự xuất hiện của Lâm Ấp là sự phát triển của vương quốc Phù Nam. Phù Nam được thành lập vào thế kỷ đầu tiên sau công nguyên tại đồng bằng sông Cửu Long. Sang thế kỷ thứ hai, vua nước Phù Nam mở rộng đất đai bằng cách tấn công các nước láng giềng, chinh phục hơn mười vương quốc dọc theo đường hàng hải tới tận bán đảo Mã Lai và Sumatra. Thủ đô của Phù Nam, Óc Eo, đã cho thấy nhiều bằng chứng có liên hệ với phương Tây. Các đồng tiền cổ La Mã có khắc hình Antonius Pius và Marcus Aurelius đã được tìm thấy tại đây. Năm 166, một nhóm thương gia tự xưng là đại diện của Marcus Aurelius đã đến Long Biên lỵ sở của Giao Chỉ Quận, trên đường đi đến kinh đô nhà Hán tại Lạc Dương. Thời gian này chính là thời gian cực thịnh của Phù Nam với toàn bộ đường hàng hải từ eo biển Malacca cho đến Giao Chỉ nằm trong tay sự kiểm soát của vương quốc này. Liên lạc giao dịch giữa Đông và Tây Á yên bình, thành ra việc buôn bán giữa Đông và Tây trở nên tấp nập. Sự phồn vinh của Giao Chỉ dưới thời Sĩ Nhiếp một phần là hậu quả của chuyện đó. Và chính sự phồn vinh này đã mang lại sức mạnh kinh tế cho thế chính trị của Sĩ Nhiếp và giúp ông đối phó một cách hữu hiệu với tình thế biến đổi ở phương Bắc.

Xã Hội Giao Chỉ  dưới thời Sỹ Nhiếp

Những biến động tại Trung Quốc vào cuối đời Hán hầu như không có ảnh hưởng gì đến khu vực Sĩ Nhiếp cai trị. Lúc này là thời hoàng kim của nền văn minh thương mại Đông Nam Á và quận Giao Chỉ đóng một vai trò quan trọng trong nền văn minh này. Sĩ Nhiếp đóng đô tại Luy Lâu (gần Hà Nội) hiện nay. Luy Lâu là một trung tâm chính trị quan trọng ngay từ đầu thời Đông Hán. Đối với dân chúng, Nhiếp là một vị quan mẫu mực. Tam Quốc Chí của Trần Thọ nhận định về Sĩ Nhiếp như sau:

"Nhiếp có học vấn rộng rãi và rất rành việc cai trị. Đối với kẻ dưới khiêm cung, kính trọng kẻ sỹ, rộng lượng và cởi mở. Trong thời đại lọan, Nhiếp đã giữ yên ổn cho một vùng rộng lớn. Trong hơn hai mươi năm trời, ông đã ngăn chặn được biến loạn trong vùng khiến cho dân chúng có thể yên ổn làm ăn."

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, sự phồn vinh của Giao Chỉ trong thời kỳ Sĩ Nhiếp chính trùng với việc phát triển và cực thịnh của một nền văn minh ở phương nam, nền văn minh Phù Nam. Điều này được chứng tỏ bởi sự hiện diện của những người sách Hán gọi là Hồ trong đám tòng nhân của Sĩ Nhiếp. Tam Quốc Chí chép:

- Mỗi khi Nhiếp ra ngoài, có nhã nhạc nổi lên, xe ngựa chiếm đầy đường, những tòng nhân người Hồ thắp nhang tháp tùng, thê thiếp hàng chục người đi theo trên những chiếc xe che kín".

Hồ là tên người Hán dùng để gọi những người Trung Á và Ấn Độ. Vào thời này, tại Bắc Ấn, đế quốc Kushana đang hưng thịnh, mở rộng các đường dây liên lạc thương mại và truyền bá Phật Giáo ra khắp châu Á. Giao Châu là một nơi tiếp xúc chính của những nguồn ảnh hưởng từ phương Tây tới. Đến đây là lúc chúng ta cần nói đến tình hình Ấn độ và việc phát triển Phật Giáo Đại Thừa.

Đế Quốc Kushana và Việc Phát Triển của Phật Giáo tại Việt Nam

Cuộc xâm lăng Ấn Độ của Alexander Đại Đế đã để lại một số những vương quốc do người Hy Lạp lập nên tại miền Bắc Ấn, Pakistan và Afghanistan hiện nay. Những vương quốc này dần dần hấp thụ và phối hợp văn hóa Ấn độ và Hy Lạp tạo nên một nền văn minh mới, văn hóa Bactria. Đến đầu công nguyên thì các vương quốc này bị một nhóm người khác mới đến từ vùng Trung Á thay thế. Những cuộc xâm lăng mở rộng cương vực của triều Hán đã đẩy những dân du mục Trung Á, Hung Nô, Nguyệt thị về phía Tây và Nam. Môt nhóm dân tộc này, sử Hán chép là Đại Nguyệt Thị vượt qua hồ Aral tại Tây Bá Lợi Á và dần dà tiến về phía Ấn độ. Thế kỷ thứ 1 sau Công Nguyên, Kujula Kadphises, vua Nguyệt Thị chinh phục vùng Bắc Ấn và lập ra đế quốc Kushana, một đế quốc bao gồm một vùng rộng lớn chiếm hầu hết Pakistan hiện nay và lan rộng đến lưu vực sông Hằng.

Chính vào thời đại này, trong Phât Giáo xuất hiện một thay đổi lớn. Phật Giáo nguyên thủy kể từ khi Phật Thích Ca nhập Niết Bàn, đã được truyền bá đi khắp Ấn độ nhưng đến sau đời vua Asoka (A-Dục) thì bắt đầu phân hóa và suy thoái. Một số các trường phái mới xuất hiện với truyền thống riêng và cung cách diễn giải những lời Phật dậy riêng. Có tất cả 18 trường phái xuất hiện, mà một số sau này sẽ hợp lại tạo ra Phật giáo Đại thừa. Theo truyền thuyết, Phật Giáo Đại Thừa được thành lập vào khoảng thế kỷ thứ ba trước Công nguyên bao gồm các giáo phái Madhyamika (Bát Nhã), Yogacara, Saddhamapundarika (Diệu Pháp Liên Hoa) và Dhyana (Thiền ở Việt Nam và Trung Hoa, Zen tại Nhật Bản). Thế kỷ thứ 2 sau công nguyên, (cuối đời Hán và trước Sỹ Nhiếp khoảng 50 năm) nhà triết gia vĩ đại nhất của Phật Giáo Đại thừa, Nagarjuna (ta gọi là Long Thụ Bồ tát) xuất hiện và chỉnh lý lại các giáo lý cũ. Ông và đệ tử ông là Aryadeva có thể coi như là những người sáng lập ra Phật Giáo Đại Thừa sau này. Quan điểm chính trong bộ kinh Đại Tạng của ông viết ra là cả chủ thể và khách thể trong vũ trụ đều là ảo ảnh và chỉ có một chân lý thật sự vượt ra ngoài mọi chuyện quán tưởng của con người mà ta chỉ đạt được khi "ngộ" đạo. Những ai đạt được mức ngộ đó tức là thành Phật.

Phật Giáo Đại Thừa xuất hiện và phát triển đúng vào lúc đế quốc Kushana đang thịnh. Cũng như sau này đạo Thiên Chúa La Mã được các nước đế quốc phương Tây lợi dụng để bành trướng ảnh hưởng, đế quốc Kushana cũng dùng Phật Giáo Đại Thừa để tạo ảnh hưởng cốt nắm quyền kiểm soát các con đường thương mại giữa Đông và Tây. Các nhà truyền giáo được gởi đi qua hai ngả, mạn Bắc vượt qua vùng Trung Á theo con đường lụa vào Trung Quốc và mạn nam theo đường biển qua Tích Lan, Sumatra, Java, Phù Nam, Lâm Ấp, Giao Chỉ vào miền Nam Trung Quốc. Thành Luy Lâu lúc đó trở thành một trung tâm Phật Học lớn cho toàn vùng. Những nhà sư truyền giáo từ Ấn độ sang thường dừng bước tại Luy Lâu và những tăng lữ người Hoa sang Ấn độ thỉnh kinh thường cũng dừng lại đây để học tiếng Sanskrit trước khi khởi trình.

Một trong những nhà sư nổi tiếng sử còn chép lại là Khương Tăng Hội. Ông không biết họ gì, chính tên của ông chỉ có nghĩa là vị sư người Khương tên là Hội. Khương là tên người Hoa gọi một sắc dân tại Trung Á, thuộc đế quốc Kushana hồi đó. Sử chép, gia đình Tăng Hội gốc người Khương nhưng đã mấy đời sống tại Thiên Trúc (Ấn độ). Đến đời phụ thân ông, buôn bán tại Giao Chỉ và định cư tại đây. Sau khi song thân mất, Tăng Hội, lúc đó mười tuổi, thụ nghiệp làm sư. Ông học tất cả các kinh điển của cả Phật lẫn Nho và có công phiên dịch nhiều cuốn kinh Phật từ chữ Phạn sang chữ Hán. Sau này ông vân du lên phía Bắc và lập ra nhiều ngôi chùa. Năm 247 sau Công nguyên, ông đến Kiến Nghiệp (Nam Kinh) thuyết phục Ngô chủ Tôn Quyền theo Phật Giáo và mang đạo Phật vào triều đình Ngô. Ông tạ thế năm 280 sau công nguyên.

Khương Tăng Hội không phải là Hồ Tăng độc nhất đến Giao Chỉ đươc ghi trong sử. Trong cuốn "Lịch sử Phật Giáo Việt Nam từ khởi thủy cho đến thế kỷ 13", ông Trần Văn Giáp có chép đến một số người khác như một vị sư Thiên Trúc tên là Kalyanaruci đã dừng lại dịch kinh Phật tại Giao Chỉ vào thế kỷ thứ 3 và một vị sư Ấn Độ khác tên là Jivaka đã đến Phù Nam và sau đó đi dọc lên theo bờ biển làm nhiều phép lạ để sau cùng đến Lạc Dương vào cuối thế kỷ thứ ba. Những điều này cho thấy đất Việt nam hồi đó phải là một trung tâm khá quan trọng trên đường truyền bá kinh Phật cũng như thương mại giữa hai nền văn minh Ấn Hoa. Liên hệ giữa những người lái buôn nước ngoài và sự phổ biến của Phật Giáo diễn tả một tình trạng tiêu biểu trong thời Sĩ Nhiếp. Dưới thời ông, Phật Giáo đã được truyền bá mạnh mẽ và có thể coi là đại biểu của nền văn hóa từ phương nam đi lên.

Tổng hợp Nho Phật: Sự xuất hiện của văn hóa Lạc Việt

Song song với việc phổ biến Phật giáo, là việc mở rộng Nho Học. Loạn lạc tại Trung Nguyên đã khiến cho một số những học giả người Hán chạy xuống miền Nam. Ðám này gồm có một số nho giả thật sự rành rõi kinh sử đi theo Chu Tuấn xuống miền Nam rồi tỵ nạn tại đây. Tuy rằng, sau này khi Sỹ Nhiếp thần phục Tôn Quyền, một số đã trở về Bắc hoặc chạy sang Thục theo Lưu Bị, nhưng trong lúc ở lại đây họ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền bá Nho giáo vào Giao Chỉ.

Giai đoạn Sĩ Nhiếp là một giai đoạn thành lập của văn hóa Lạc Việt. Cả ba trào lưu, Nho, Phật, Lão đều được thịnh hành. Đạo Phật, như đã trình bày rất thịnh, thành công trong việc đi sâu vào trong lòng người dân Lạc và kết nạp tôn giáo cổ thờ lâm thần và thủy thần của người Lạc thời cổ. Trong khi đó Nho Giáo trở thành ý thức hệ của tầng lớp lãnh đạo phần lớn là người Hán di dân hoặc những thành phần địa phương muốn được nhận vào hàng ngũ thống trị. Đạo Lão được du nhập vào Giao Chỉ đồng thời với đạo Nho. Lão Giáo tuy hiện nay thường được coi như là một đạo giáo yếm thế thoát tục, nhưng vào thời đó Lão Giáo còn có tinh thần chính trị rất mạnh chống lại chế độ phong kiến Nho Giáo. Tinh thần đối kháng đó sau này sẽ được đồng hóa vào tinh thần dân tộc của dân Lạc cổ tạo ra một đặc tính của dân Việt hiện đại. Trong thời này đã có nhiều đạo sỹ đi xuống miền Nam tu luyện và truyền đạo.

5.3 Từ Lạc đến Việt: Sự chuyển mình của dân tộc Việt Nam

Cộng với nền văn hóa cổ truyền của dân Lạc, ba nguồn văn hóa khác từ phương nam lên và từ phương bắc xuống đã được dung hợp để tạo thành một nền văn hóa mới, nền văn hóa Lạc Việt. Nhưng để đạt được sự dung hợp này, dân Lạc cũng được nhờ vào một số những điều trùng hợp xảy ra bắt họ phải tự tạo cho mình một sắc thái mới. Thứ nhất, việc chia Giao Châu thành ra hai châu Quảng và Giao dưới thời Tôn Quyền đã tách bốn quận miền Bắc thuộc các tộc Bách Việt cũ ra khỏi ba quận miền Nam thuộc văn hóa Lạc. Sự phân tách này đã khiến cho bốn quận trên mau chóng bị Hán hóa nhưng lại giúp cho vùng Giao Châu dưới sự cai trị của Sỹ Nhiếp cách ly được những áp lực trực tiếp do sự di cư của người Hán xuống miền Nam.

Sự cách ly đó có thể khiến đất Giao Chỉ hội nhập vào với nền văn hóa Nam phương từ Ấn Độ sang nếu không có sự kiện rằng vùng đất Nhật Nam đã tách ra từ cuối đời Đông Hán để trở thành nước Lâm Ấp. Những cuộc xâm lăng liên tục của Phù Nam và Lâm Ấp đã khiến dân Lạc đã không hấp thụ được nhiều những ảnh hưởng văn hóa từ phương Nam mà càng ngày càng gắn bó vào với nền văn minh Trung Quốc nhưng lại không trở thành một phần của Trung Quốc. Lạc đã trở thành Việt.

Họ Sỹ diệt vong

Cuộc đàn áp của Mã Viện với sự tiêu diệt tầng lớp lãnh đạo dân Lạc cũ tại Giao Chỉ cộng thêm với sự Hán hóa xã hội Lạc đã dập tắt một phần nào các sự chống đối chế độ cai trị của Hán trong nhiều năm tại Giao Chỉ. Chỉ đến khi một tầng lớp lãnh đạo mới, giai cấp quý tộc Việt nổi lên thì cuộc đấu tranh dành độc lập của dân tộc Việt Nam mới bắt dầu mạnh trở lại. Nhưng tại Cửu Chân, vốn là vùng đất biên duyên của xã hội Lạc cũ, tiến trình Hán hóa và đàn áp không được đẩy mạnh như tại Giao Chỉ. Và chính tại đây những thành phần cũ của xã hội Lạc đã nổi lên một lần chót trước khi tàn lụi để nhường chỗ cho một tầng lớp mới tiếp tục cuộc đấu tranh cho đến lúc thành công, đó là cuộc khởi nghĩa của bà Triệu. Nhưng để tìm hiểu cuộc khởi nghĩa này chúng ta phải trở lại bối cảnh của châu Giao đương thời và trước đó.

Sau cuộc đàn áp của Mã Viện, các cuộc khởi nghĩa của nhân dân Giao Chỉ và Cửu Chân đã trầm lắng trong một thời gian dài, nhưng tại Nhật Nam, vùng đất cực nam của đế quốc Hán, nền tảng của chính quyền cai trị không được vững mạnh. Chính vì vậy sự bóc lột của chính quyền Đông Hán đã khiến nhân dân nổi dậy và cuối cùng đã thành công trong việc thành lập một nhà nước mới, nhà nước Lâm Ấp mà sau này trở thành Chiêm Thành. Biên giới đế quốc Hán thu lại chỉ còn tới bờ sông Gianh (Linh giang). Được sự ủng hộ của đồng bào bên kia biên giới, nhân dân Cửu Chân đã nhiều lần nổi dậy chống lại Hán triều. Năm 144, nhân dân Cửu Chân nổi lên cùng với sự ủng hộ của một ngàn dân Nhật Nam đánh phá các thành ấp. Thứ sử Giao châu là Hạ Phương đã mang quân đàn áp mạnh cuộc khởi nghĩa đó. Đến năm 157, truớc sự tham tàn của tên huyện lệnh huyện Cư Phong, người huyện này là Chu Đạt đã nhóm họp nhân dân nổi lên giết huyện lệnh rồi tiến quân phá lỵ sở của quận Cửu Chân (Tư Phố).

Về cuối đời Đông Hán, chính sự trung ương suy đồi, các quan lại địa phương mặc tình tham nhũng bóc lột nhân dân khiến cho các cuộc khỏi nghĩa càng ngày càng nhiều. Đặc biệt các cuộc khởi nghĩa này không những bao gồm chỉ dân Lạc không mà cả những người Hán ngụ cư và dần dà trở thành người Nam. Cuộc khởi nghĩa của Chu Đạt là một trường hợp điển hình. Chu Đạt, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, không hề được nhắc tới trong sử Việt Nam. Trái lại cuộc nổi dậy này đã được nhắc nhiều tới trong sử Trung Quốc. Điều này có thể chỉ cho ta thấy rằng Chu Đạt không phải là người Lạc mà là người Hán. Cuộc khởi nghĩa của Chu Đạt không bị thất bại vì một lực lượng mang từ Trung Quốc sang nhưng đã bị thất bại khi bị đô úy Cửu Chân là Ngụy Lãng với một đạo binh địa phương khác đánh thua. Điều này cho thấy tầng lớp lãnh đạo Hán Việt vào thời này hãy còn chia rẽ chưa biết là Hán hay là Việt. Cuộc nổi dậy của Chu Đạt chỉ giới hạn trong địa phận Cửu Chân. Điều này chứng tỏ rằng xã hội Hán Việt hãy còn chỉ mới phát triển mạnh tại vùng trung ương mà chưa lan sang đến các quận ngoài biên. Ngoài ra việc Chu Đạt nổi lên tại huyện Cư Phong là một điều khác đáng chú ý. Cư Phong là một huyện miền núi của Thanh Hóa, Chu Đạt có thể là một viên chức coi giữ việc quân ở huyện này.

Tình hình xã hội trở nên ổn định hơn vào lúc mạt kỳ Đông Hán, khi Sỹ Nhiếp lên nắm chính quyền ở Giao Chỉ và mở cửa thông thương với vùng Đông Nam Á. Sỹ Nhiếp đầu tiên theo nhà Hán tại Lạc Dương, nhưng khi đế quốc Hán bị phân chia thành ba trong thời Tam Quốc thì Nhiếp hàng Ngô và được Ngô cho tiếp tục cai trị vùng Giao Chỉ và Cửu Chân. Sau khi Nhiếp chết, Tôn Quyền bắt đầu tìm cách lấy lại việc cai trị trực tiếp vùng này.

Khi họ Sỹ hàng Ngô, Tôn Quyền cử Bộ Trắc sang làm thứ sử châu Giao. Thủ phủ của châu Giao được đổi từ Thương Ngô sang Nam Hải (nay là Quảng Châu). Năm 211, khi Lưu Bị mang quân đánh Ngô báo thù cho Quan Vũ, Bộ Trắc mang theo mười ngàn binh sỹ Giao Châu về giúp Tôn Quyền chống lại Lưu Bị.  Phá xong Lưu Bị, Bộ Trắc được Tôn Quyền giữ lại ở Hồ Nam để phòng Thục, và đưa Lữ Đại sang thay làm thứ sử Giao Châu đóng ở Nam Hải. Lữ Đại thấy châu Giao quá rộng nên đề nghị với Tôn Quyền tách Giao châu ra làm hai với bốn quận phía Bắc (Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm và Hợp Phố) lập thành một châu mới gọi là Quảng Châu, lỵ sở ở Nam Hải; còn ba quận còn lại (Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam) làm Giao Châu. Việt Nam ngày nay và vùng Bách Việt cũ bắt đầu tách ra từ đó.

Sỹ Nhiếp chết vào năm 226 thọ được 90 tuổi. Ngay sau đó, Tôn Quyền phong Sỹ Huy con Sĩ Nhiếp làm An Viễn tướng quân. Tuy nhiên để giảm bớt uy quyền của họ Sỹ, Quyền đổi Huy sang làm thái thú Cửu Chân và cử Trần Thì sang làm thái thú Giao Chỉ; Đái Lương làm thứ sử Giao Châu. Khi Đái Lương và Trần Thì đến Giao Chỉ thì Sỹ Huy đã dàn quân tại biên giới ngăn chặn và cả hai phải dừng lại tại Hợp Phố. Trước sự chống đối của Sỹ Huy, Tôn Quyền phong Lữ Đại kiêm nhiệm thứ sử châu Giao và mang quân đánh Sỹ Huy. Đại dùng mưu dụ Sỹ Huy hàng rồi giết hết cả tông tộc họ Sỹ. 

Hành động phản bội này đã khiến cho nhân dân châu Giao nổi dậy chống lại Lữ Đại. Đại đàn áp thẳng tay, giết chết hàng vạn người. Lữ Đại ở lại Giao châu năm năm. Trong thời gian này hai châu Giao và Quảng lại được sáp làm một. Và mặc dầu những đàn áp tàn khốc của Lữ Đại, dân chúng trên toàn hai châu tiếp tục nổi dậy. Tam Quốc Chí - Ngô thư chép rằng "miền biên giới, bốn quận Nam hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Châu Quan vẫn chưa yên". Ngoài ra, trong suốt thời gian này, Lữ Đại chưa bao giờ thành công trong việc giữ ổn định vùng biên giới với Lâm Ấp. Và mặc dầu Đại nói đã bình định được Cửu Chân, nhưng ngay sau khi Đại rời nhiệm sở, Ngô đã phải cử Chu Trị mang quân sang Cửu Chân để "bình định đám Di Việt"

Lữ Đại bị gọi về Ngô vào năm 231 để trấn áp một cuộc nổi dậy khác ở Hồ Nam. Các quan lại nhà Ngô sang thay thế đã ra sức áp bức bóc lột nặng nề nhân dân châu Giao. Nông dân bị bắt đi lao dịch xa; thợ thủ công bị trưng dụng gởi sang Kiến Nghiệp, thương nhân bị cấm đi lại buôn bán. Các nguồn lợi về thương mại quốc tế nay bị thâu thẳng về Ngô. Theo Hậu Hán Thư "kẻ lữ hành không qua lại buôn bán, nhân dân không có của cải gì để sống, người nghèo khó chết đói đầy đường". Tình hình đã chín mùi để có một cuộc khởi nghĩa rộng lớn mới.

Bà Triệu khởi nghĩa: sự vùng dậy cuối cùng của xã hội Lạc cũ

Cuộc nổi dậy bắt đầu với việc xâm lăng của Lâm Ấp. Năm 248, Lâm Ấp mở rộng thế lực của mình lên phía Bắc, chiếm hết phần còn lại của quận Nhật Nam và tiến quân vào Cửu Chân. Một đội quân của Ngô đụng với quân Lâm Ấp ở biên giới Cửu Chân và bị thua. Nhân cơ hội, nhân dân toàn thể châu Giao nhất tề nổi dậy chống lại sự thống trị của triều đình Ngô.  Một số huyện thành bị thất thủ, "toàn thể Giao châu chấn động" (Tam Quốc Chí - Ngô Thư). Nhà Ngô cử Lục Dận làm thứ sử Giao Châu lãnh chức An Nam hiệu úy (danh từ An Nam lần đầu tiên xuất hiện từ đây) mang tám ngàn quân sang đàn áp. 

Lục Dận tiến binh vào Giao Chỉ, dùng mưu mô dụ dỗ mua chuộc khiến ba nghìn nhà ở Cao Lương dưới quyền thủ lãnh Hoàng Ngô đầu hàng. Sau đó Dận tiến binh vào Cửu Chân, một mặt dùng của cải tiền bạc mua chuộc những thủ lĩnh nghĩa quân, mặt khác ra sức trấn áp những lực lượng không chịu thần phục. Ngô Thư chép Dận đã dụ hàng được hàng trăm thủ lãnh nghĩa quân và năm vạn nhà dân. Cuộc khởi nghĩa của bà Triệu chính nằm trong bối cảnh đó.

Theo các sử liệu Việt Nam, bà Triệu húy là Triệu Thị Trinh sinh năm Bính Ngọ (226). Bà là em ruột Triệu Quốc Đạt, một tù trưởng ở Cửu Chân - điều này cho thấy bà là dòng dõi một lạc tướng của dân Lạc cũ - Năm 19 tuổi, (245) bà cùng anh chiêu mộ binh mã chuẩn bị chống Ngô. Có người khuyên bà lấy chồng, bà nói "Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá tràng kình ở biển đông đánh đuổi quân Ngô, dựng lại giang sơn, cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người". Bà giết chị dâu, một tên phản nghịch, rồi cùng anh bỏ lên núi luyện tập sỹ tốt. Sau hai anh em khởi binh đánh phá quận huyện. Đến trận thứ 39 thì Triệu Quốc Đạt chết. Bà tự mình chỉ huy, xưng là Nhụy Kiều Tướng Quân. 

Sau nhà Ngô sai Lục Dận cầm quân sang đánh. Tuy đã nhiều phen cùng bà giao chiến nhưng vẫn thua. Lục Dận phong bà là Lệ Hải Bà Vương định mua chuộc, nhưng bà không chịu. Quân Ngô rất sợ, thường có câu:

Hoành qua đương hổ dị
Đối diện bà vương nan 

(Có nghĩa là Vung giáo chống hổ dễ, đối diện bà vương khó)

Về sau có kẻ phản bội, mách với Lục Dận rằng, bà là nữ tướng nên "ái khiết úy ô" (yêu cái trong sạch, ghét cái dơ bẩn). Quân Ngô bèn cởi trần truồng tới đánh. Bà hổ thẹn, giao quân cho ba tướng rồi lên núi Tung Sơn, lập đàn minh thệ trời đất "sinh vi tướng, tử vi thần" (sống làm tướng, chết làm thần) rồi tự vẫn.
Câu chuyện này có nhiều tính chất thần thoại. Chúng ta khó có thể tin được một người nữ tướng kiên cường như bà Triệu lại có thể vì hổ thẹn bởi cái sự trần truồng của quân Ngô mà bỏ tướng, bỏ quân lên núi tự vẫn. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, bà chống nhau với quân Ngô được năm sáu tháng, nhưng sau vì quân ít thế cô đánh mãi phải thua. Bà mang quân chạy đến Bồ Điền thì tự tử. Bấy giờ bà mới 23 tuổi. 

Điều chắc chắn là việc bà Triệu khởi nghĩa hẳn là có thật. Không những ký ức của nhân dân Việt Nam còn nhớ bà mà cả các sách dã sử của Trung Quốc như Nam Việt ChíGiao Châu Ký cũng đều ghi lại hình ảnh bà Triệu, một người con gái cài trâm vàng, mang guốc ngà, cưỡi voi chiến đấu trước trận tiền. Thái Bình Hoàn Vũ Ký, một bộ sách đời Tống (thế kỷ thứ 10) cũng chép lại chuyện bà Triệu nhưng đã đưa những hình ảnh xấu xa như nói bà Triệu "vú dài năm thước"
Đáng chú ý tại đây là tất cả các sách sử của ta đều chép cuộc khởi nghĩa của bà Triệu, kể cả bộ An Nam Chí Lược của Lê Tắc, một người Việt theo hàng quân Nguyên và chạy sang Trung Quốc khi quân Mông Cổ bị ta đánh thua, trong khi chính sử của Trung Quốc (Tam Quốc Chí) không hề nhắc đến tên tuổi bà. Điều đó cho thấy rõ những sự kiện của năm 248 đã được hai bên ghi nhớ lại một cách khác nhau. Đối với người Hoa họ chỉ ghi lại sự thành công của Lục Dận trong việc thu phục và dụ hàng những lãnh tụ nghĩa quân - có thể là những thành phần Hán Việt bất mãn vì chính sách bóc lột của Ngô. Còn đối với cuộc khởi nghĩa của bà Triệu, các sử gia Trung Quốc cho rằng đó chỉ là một cuộc nổi loạn bình thường của dân man di đương nhiên cần phải dập tắt và không có giá trị lịch sử để được ghi lại. Nhưng đối với dân Việt, cuộc khởi nghĩa của bà Triệu là sự kiện đáng ghi nhất của thời đại này. Sau Hai Bà Trưng, bà Triệu là đại biểu cho tinh thần bất khuất của dân Lạc vốn dù có bị Hán Hóa một phần nhưng cũng không hề thay đổi.

Những sự kiện xảy ra trong năm 248 cho ta thấy một xã hội Lạc đang trên đà chuyển biến sang một xã hội mới. Chính sách bóc lột của nhà Ngô đã đẩy tất cả các tầng lớp trong xã hội, dù Hán dù Lạc vào vị thế chống đối. Cuộc xâm lăng của Lâm Ấp đã cung cấp tia lửa cho các cuộc nổi dậy này. Nhưng giai cấp lãnh đạo mới của Lạc Việt hãy còn phân rẽ, chưa quyết định mình là Hán hay là Việt. Chính vì thế khác với cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, lần này không có một cuộc nổi dậy chung đoàn kết dưới lá cờ của một lãnh tụ độc nhất mà trái lại, ta có một số đông đảo những nhóm nhỏ chiến đấu riêng lẻ. Nhờ đó nên Lục Dận mới có thể thành công chiêu dụ những lãnh tụ nghĩa quân một cách tương đối dễ dàng. Nhưng nếu tầng lớp quý tộc Hán Việt mới phân rẽ và đầu hàng thì người dân Lạc qua bà Triệu đã vẫn tiếp tục chiến đấu. Bà Triệu là người đàn bà cuối cùng lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa trong lịch sử Việt Nam. Thất bại của bà là dấu hiệu cáo chung của xã hội Lạc cổ truyền, một xã hội mà có thể đã phục hồi được phần nào dưới chế độ cai trị cởi mở của Sỹ Nhiếp. Sau bà Triệu, việc lãnh đạo cuộc đấu tranh dành độc lập chuyển sang tay một tầng lớp mới: tầng lớp thống trị Lạc Việt. 

5.4 Việt và Chàm, hai di duệ của xã hội Lạc: Sự thành lập nước Lâm Ấp

Việc chuyển biến xã hội dân Lạc ở vùng sông Hồng và sông Mã thành Việt đã được thúc đẩy mạnh hơn bởi sự đấu tranh với một chi nhánh khác cũng của nền văn hóa Lạc, nhưng lại ngả theo văn minh Ấn Độ. Đó là xã hội Lâm Ấp hay là Chiêm Thành. Sự hình thành của nước Lâm Ấp tại vùng cực nam của nước Văn Lang cũ đã là sự kiện quan trọng trong lịch sử nước Việt trong gần một thiên niên kỷ rưỡi. Phải cho đến khi nước Chiêm Thành hoàn toàn bị các chúa Nguyễn tiêu diệt vào thế kỷ thứ 17 thì mới kết thúc cuộc tranh chiến giữa hai giòng của một dân tộc gốc này. Nhưng trước hết chúng ta hãy thử tìm hiểu về sự xuất hiện của nước Lâm Ấp trong những năm đầu tiên của thiên niên kỷ thứ nhất.

Cương Vực đất Lâm Ấp

Nước Lâm Ấp phát xuất từ huyện Tượng Lâm thuộc quận Nhật Nam xưa (nay thuộc tỉnh Quảng Nam). Nhật Nam có thuộc cương vực nước Văn Lang cũ hay không? Đó là một điều còn chưa xác định. Nước Văn Lang thời vua Hùng rộng lớn đến mức nào, đến nay không còn có một tài liệu nào xác định cả. Tất cả những điều viết về cương vực nước ta thời Văn Lang trong các chính sử như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư hoặc Việt Sử Thông Giám Cương Mục đều là những đoán phỏng của các cụ ta dựa vào những sự kiện đời sau. Ngay cả tên các bộ thuộc nước Văn Lang cũng là lấy tên các huyện thời Hán, Đường đặt ra cả. Về nước Âu Lạc cũng vậy. Phải đến khi Triệu Đà đánh chiếm Âu Lạc ta mới thấy chép Triệu Đà chia nước Âu Lạc thành hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Khi nhà Hán chinh phục nước Nam Việt, ta cũng chỉ được thấy chép hai viên điển sứ nhà Triệu đến Hợp Phố đầu hàng nhà Hán mà không thấy nhắc nhở gì đến Nhật Nam cả.

Nhưng khi Hán Vũ Đế chia đất Nam Việt ra thành quận huyện thì ta lại thấy có tên Nhật Nam. Nhật Nam là bộ phận của đất Văn Lang và Âu Lạc từ trước hay là bị nhà Triệu đánh chiếm sau này rồi nhà Hán tiếp thu và đặt quận huyện? Hay là sau khi diệt được nhà Triệu, Hán đã phái quân lâu thuyền từ Hợp Phố vào chinh phục những bộ lạc từ Quảng Bình trở vào đến Quảng Nam để lập ra quận Nhật Nam? Điều đáng ghi nhận là tất cả những điều này đều có thể xảy ra được, nhưng chúng lại khó có triển vọng là đã xảy ra. Nhà Triệu, từ Triệu Đà trở về sau đều quá bận rộn với biên giới phía Bắc để nhắm đến phương Nam. Còn về nhà Hán, ta thấy cũng khó có khả năng xảy ra một cuộc viễn chinh như vậy. Ngay cả sau khi diệt xong nước Nam Việt, Lộ Bác Đức cũng đã ngần ngại không tiến quân vào đất Âu Lạc mà chỉ đóng quân tại Hợp Phố và cho người dụ hàng. Lại nữa, nếu có một cuộc tiến quân như vậy, chắc hẳn cũng sẽ được nhắc tới trong sử Trung Quốc. Nhưng Hán Thư của Ban Cố cũng như Sử Ký của Tư Mã Thiên đều không nhắc nhở gì đến chuyện đánh vào phương Nam cả. Thành ra quận Nhật Nam có khả năng nhiều là đất cũ của nước Văn Lang thời Hùng Vương như các sử gia của ta vẫn khẳng định. 

Những khai quật khảo cổ cho thấy những di tích của nền văn minh Đông Sơn đã có mặt tại Quảng Bình. Trống đồng Đông Sơn cũng được tìm thấy tại Kontum và nhiều nơi khác trong vùng Tây Nguyên. Điều đó cho thấy những cư dân tại đây nếu không phải là một thành phần của xã hội Lạc thì cũng có quan hệ mật thiết với xã hội Lạc của các vua Hùng. Có thể họ là một trong số mười lăm bộ tộc liên kết lại để bầu lên Hùng Vương và vì vậy sau đó bị sáp nhập vào với Âu Lạc rồi Nam Việt và sau cùng thuộc Hán. Nhưng trái với những cư dân tại vùng châu thổ sông Hồng hoặc sông Mã, đây là vùng biên viễn của đế quốc Hán và vì vậy họ đã mau chóng có cơ hội để thoát khỏi ách thống trị của Hán tộc. 

Quận Nhật Nam dưới thời Lưỡng Hán

Dưới thời Hán, quận Nhật Nam được chia làm năm huyện: Chu Ngô, Tỷ Cảnh, Lô Dung, Tây Quyển và Tượng Lâm. Quận trị được đặt tại Chu Ngô (nay thuộc Thừa Thiên). Đến đời Vương Mãng quận trị được rời sang Tây Quyển (miền sông Nhật Lệ, Quảng Bình gần Đồng Hới) và đổi tên là Nhật Nam Đình. Huyện Tượng Lâm là huyện cực nam của quận nằm tại Quảng Nam ngày nay. 

Dân cư vùng này thời Hán hãy còn bán khai so với dân tại vùng đồng bằng sông Hồng. Sách Lâm Ấp Ký chép:

- Người ta đều ở tổ và ngủ trên cây. Thành ngoài tiếp với núi. Gai góc, lau cỏ, rừng rậm mây trùm, khói che mờ mịt không phải là chỗ người ta ở yên được. .. Phía nam huyện Chu Ngô có giống người Văn Lang. Họ ở ngoài đồng ruộng, rừng rú, không có nhà cửa, chỉ nghỉ ngơi và ngủ trên cây. Ăn cá sống, làm nghề lấy hương để đổi chác với người nước ngoài. Thật như dân đời thái cổ.
Còn Trương Trọng, thái thú Nhật Nam thời Hán Minh Đế được dẫn lời trong sách Cổ Kim Thiện Ngôn nói rằng:

- (dân chúng ở đây) tính tình hung hãn, chiến đấu gan dạ, quen ở núi ở nước, không quen đất bằng.

Việc ở tổ và ngủ trên cây nói trên có thể chỉ việc người ta làm nhà sàn bằng những thân cây còn để nguyên vỏ, giữ nguyên chạc để gác gỗ, tre làm sàn, như kiểu "nhà sàn Đông Sơn". Còn việc cư dân quen ở núi, ở nước, có ý nghĩa rằng cư dân sống chủ yếu là săn bắn, đánh cá thay vì làm ruộng. Tóm lại dưới thời Hán đa số dân Nhật Nam hãy còn sống một cuộc sống nguyên thủy, nhưng không phải là họ không biết đến nông nghiệp. Những nhà khảo cổ đã tìm thấy di tích một hệ thống tưới tiêu nước tại vùng Do Linh (Quảng Trị) cũng như nhiều cuốc đá.

Trước khi tách ra thành một nước riêng, dân chúng Nhật Nam đã nhiều lần nổi lên chống lại ách cai trị của người Hán. Hậu Hán Thư chép, năm Vĩnh Nguyên 12 thời Hòa Đế (năm 100 CN), hơn hai ngàn người ở huyện Tượng Lâm đã nổi lên cướp phá các huyện trong quận. Hán phải mộ binh từ các quận Giao chỉ và Cửu Chân đi đánh, chém chết người cầm đầu mới yên. Nhằm tránh sự nổi lên nữa, một mặt Hán đặt riêng một đạo quân trú đóng tại Tượng Lâm, mặt khác vào năm 102, Hán triều cho dân Nhật Nam được miễn ba loại thuế để giảm bớt các bất mãn. 

Nhưng sang đến năm Vĩnh Hòa thứ 2 (137), vùng biên giới này lại nổi lên sóng gió. Một nhóm người từ bên ngoài biên giới Nhật Nam có tên gọi là Khu Liên (có thể là đám người Mã Lai) đông đến mấy ngàn người đánh thành và chùa, giết trưởng lại. Thứ sử là Phàn Diễn, động viên một vạn binh sỹ ở Giao chỉ và Cửu Chân, đi đánh. Nhưng binh sỹ đã nổi dậy đánh phá quận trị. Tuy rằng quan lại Hán cuối cùng đã đàn áp được cuộc nổi dậy của binh sỹ ở hai quận này, nhưng vì thế mà tình hình Nhật Nam càng nghiêm trọng hơn. Thị ngự sử của Hán là Giả Xương mang quân vào đánh Nhật Nam, bị thua và bị bao vây trong thành hơn một năm trời, lương thực thiếu hụt. Triều đình Hán rất là lo âu. Năm sau Hán Thuận Đế phải triệu tập văn vũ bách quan để hỏi phương lược. Các quan đều bàn sai đại tướng mang bốn vạn quân các châu Kinh, Dương, Duyện, Dự sang đàn áp nhân dân Nhật Nam. Nhưng bấy giờ chính tình hình nội bộ bên trong đế quốc Hán cũng gặp nhiều khó khăn, nhân dân nổi lên mạnh mẽ, nên sau cùng Thuận Đế nghe lời chức đại tướng tòng sự trung lang là Lý Cố bỏ việc mang đại quân sang mà dùng kế "dĩ Di công Di" để dẹp loạn. Hậu Hán Thư, Giao chỉ Chuyện chép lời bàn của Lý Cố như sau

- (Sau khi trình bày bảy lý do tại sao không nên gởi quân viễn chinh sang, Lý Cố nói tiếp) Nay nên chọn những người có dũng lược, có nhân huệ, có tài tướng soái để làm chức thứ sử, thái thú, sai họ cùng sang ở Giao Chỉ. Ở Nhật Nam quân ít, không lương, giữ không được, đánh cũng không xong nên rút hết lại dân về bắc đưa vào Giao Chỉ, việc xong rồi lại trở về nơi cũ. Lại mộ bọn Nam Di khiến chúng tự đánh lẫn nhau, mang vàng lụa tư cấp cho chúng. Kẻ nào làm kế phản gián có thể lấy được đầu giặc sẽ phong hầu, cắt đất mà thưởng.

Thuận đế phong Chúc Lương làm thái thú Cửu Chân, Trương Kiều làm thứ sử Giao chỉ thi hành kế sách của Lý Cố. Cuối cùng cuộc nổi dậy đã bị dẹp yên. Sáu năm sau, vào năm Kiến Khang nguyên niên (144), dân Nhật Nam lại nổi lên, kéo theo sự nổi dậy của Giao Chỉ và Cửu Chân, thứ sử Hạ Phương dùng những hành động mua chuộc và lời lẽ nhẹ nhàng để phủ dụ yên được tình hình.

Những cuộc nổi dậy tại Nhật Nam và phản ứng tương đối trái ngược giữa Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam cho thấy sự bắt đầu hình thành của hai xã hội mới. Sự phân biệt giữa hai từ "dân" và "di" cho thấy xã hội Lạc cổ tại Giao Chỉ đã bắt đầu phân hóa, có một tầng lớp khá đông đảo những người hấp thụ văn hóa Hán, trong khi ở Nhật Nam con số những người này còn rất nhỏ. Chính vì thế Lý Cố mới có thể đề nghị di tản những người này về Giao Chỉ để đợi khi yên sẽ đưa họ trở về Nhật Nam. Nhật Nam đã sẵn sàng để tách ra khỏi đế quốc Hán một khi đế quốc này không còn đủ mạnh để có thể tiếp tục giữ vùng này bằng vũ lực nữa. Và đó là điều đã xảy ra.

Sự thành lập nước Lâm Ấp

Nước Lâm Ấp được thành lập vào thời Hán mạt. Theo Tấn Thư, Lâm Ấp truyện:
"Lâm Ấp lập nên vào đời Hán mạt. Cuối đời Hán, viên công tào ở huyện Tượng Lâm họ Khu có con tên là Liên giết huyện lệnh tự lập làm vua, con cháu nối dõi nhau. Vua sau không có người kế tự, cháu ngoại là Phạm Hùng lên thay."
Tấn Thư không chép rõ Lâm Ấp được thành lập vào năm nào thời Hán mạt. Thủy Kinh Chú chép rõ hơn:

- Lâm Ấp dựng nước bắt đầu từ cuối đời Hán. Trong cuộc loạn thời Sơ Bình (190-193 CN) lòng người mang những mối nghĩ khác. Viên công tào huyện Tượng Lâm họ Khu có con tên là Liên, đánh huyện, giết huyện lệnh, tự xưng làm vua. Gặp lúc loạn ly, nước Lâm Ấp bèn lập.

Điều đáng chú ý ở đây là sự trùng hợp giữa tên của tộc người ở ngoài cõi Nhật Nam - Khu Liên - trong cuộc nổi dậy năm 136 và tên của vị vua sáng lập nước Lâm Ấp. Đây có lẽ không phải là một sự trùng hợp ngẩu nhiên. Khu Liên có thể là tên của tộc người và rồi các sử gia Trung Quốc dùng lầm để chỉ thành tên một cá nhân. 

Những ghi chép trong sử Trung Quốc về sự thành lập của nước Lâm Ấp rất sơ lược và chắc chắn là có nhiều chỗ thiếu sót. Điều đó có thể thấy qua sự kiện rằng ngay từ sau khi thành lập, Lâm Ấp đã là một nước mạnh có đủ thế lực để mang quân lên phía Bắc đánh chiếm quận Nhật Nam.

Đời thuộc Ngô, khi Lữ Đại làm thứ sử châu Giao, (khoảng năm 226-231) Lâm Ấp đã bắt đầu sai sứ thông hiếu với Trung quốc. Tuy nhiên đến năm Xích Ô thứ 11 đời Ngô Tôn Quyền (248) khi nhân dân Cửu Chân và Giao Chỉ nổi dậy chống Ngô, thủy quân của Lâm Ấp đã tiến lên đánh quân Ngô ở Cửu Chân. Lâm Ấp đã thắng Ngô và chiếm được hết vùng Nhật Nam ở phía nam sông Gianh. Nhà Ngô vì vậy phải bãi bỏ quận Nhật Nam. 

Đời vua sau cùng của triều đại Khu Liên không có con trai, cháu ngoại là Phạm Hùng lên thay lập nên một triều đại mới. (Theo L.Finot và G.Maspéro, chữ Phạm ở đây không phải là họ mà là phiên âm của chữ Varman, tên Phạn của các vua Lâm Ấp và Phù Nam, điều này cho thấy Lâm Ấp đã chịu ảnh huởng sâu xa của văn hóa Ấn Độ) 

Mặc dù triều đại mới, các cuộc tiến công của Lâm Ấp vào Giao Châu thuộc Ngô vẫn tiếp tục. Quân Ngô phải luôn luôn chống trả với những cuộc tấn công của Lâm Ấp, thiệt hại rất nặng. 

Các cuộc tấn công của Lâm Ấp còn tiếp diễn vào những triều đại về sau. Năm 344, vua Lâm Ấp là Phạm Văn tiến đánh Nhật Nam, Cửu Đức, Cửu Chân, Thủy Kinh Chú chép rằng "trăm họ đều chạy trốn, nghìn dặm không có khói". Đến năm 347, Lâm Ấp lại đem quân đánh Cửu Chân, giết thái thú Hạ Hầu Lãm, san bằng huyện thành Tây Quyển.

Những cuộc tấn công cướp bóc của Lâm Ấp vào Giao Châu có tác động đẩy mạnh nhanh thêm xã hội Lạc trong con đường chuyển biến thành Việt. Lâm Ấp, từ chỗ là đồng bào cùng một nền văn hóa, nay trở thành một kẻ thù. Để tồn tại người dân Lạc ở Giao Chỉ và Cửu Chân chỉ còn một cách: học hỏi văn minh Hán để có thể tự tồn. Xã hội Lạc ngày xưa nay đã chia thành hai nhánh thù nghịch với nhau.

5.5 Hán hay Việt, các cuộc tranh chấp trong tầng lớp môn phiệt Giao Châu trong thời Lưỡng Tấn và Lục triều
 
Sự sụp đổ của tầng lớp lãnh đạo trong xã hội Lạc (các Lạc tướng) sau cuộc đàn áp của Mã Viện đã mở đường cho một tầng lớp lãnh đạo khác nổi lên thay thế. Những người này, chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Hán, có thể tạm gọi là tầng lớp lãnh đạo Hán Việt. Tầng lớp này chính là tầng lớp được chính quyền cai trị Trung Quốc dựa vào để có thể kiểm soát xã hội dân Việt. Chính phải qua tầng lớp này mà chính quyền thống trị mới có thể thu thuế, bắt dân sưu dịch, thu nạp cống phẩm. Thành ra họ cũng được chính quyền thống trị bổ nhiệm làm một số những chức vụ tại địa phương. Đến thời Sỹ Nhiếp. thế lực của những tầng lớp hào tộc địa phương đã mạnh đủ để có thể chiếm giữ chính quyền toàn châu trong một thời gian dài. Thất bại của họ Sỹ và việc thành lập nước Lâm Ấp đã buộc chặt xã hội châu Giao vào quỹ đạo của đế chế và nền văn minh Trung Quốc. Nhưng bên trong tầng lớp này, một cuộc tranh chấp gay gắt đã diễn ra: độc lập hay hội nhập? Hán hay Việt? Vấn đề này đã chi phối toàn bộ lịch sử châu Giao trong giai đoạn Lưỡng Tấn và Lục Triều

Xã Hội Giao châu trong thời Lưỡng Tấn và Lục Triều

Cuộc khởi nghĩa của bà Triệu và Triệu Quốc Đạt cho thấy ở nhiều miền núi thuộc nước ta chế độ tù trưởng vẫn còn tồn tại, (Triệu Quốc Đạt theo truyền thuyết và sử cũ là tù trưởng Nông Cống). Đây cũng là nơi hãy còn tàn dư nguyên thủy về vai trò phụ nữ trong xã hội. Các bộ lạc này vẫn nằm ngoài phạm vi chế độ quận huyện. Thủ lãnh những bộ lạc này là những người mà sử Trung Quốc gọi là những "Ly súy", "Di súy". 

Tuy nhiên tại vùng đồng bằng, dưới áp lực của chế độ cai trị Trung Quốc, do sự bóc lột của các quan lại Trung Quốc, đã thành hình một xã hội mới phân hóa thành nhiều giai cấp. Ở dưới tầng thấp nhất là những nông dân bị bần cùng hóa trở thành những người lưu vong, sử cũ Trung Quốc gọi là “những dân vong mạng ở châu Giao”. Trên nữa là tầng lớp nông dân trong những công xã. Họ vẫn còn sống và tồn tại được tại những nơi chôn nhau cắt rốn của họ tuy rằng cũng bị bóc lột một cách thậm tệ và càng ngày càng nhiều người trong bọn họ bị đẩy vào tình trạng bần cùng hóa phải đi làm thuê cho các hào tộc. Mặc dầu vậy, những tập quán của xã hội cũ vẫn còn được bảo vệ tại nhiều vùng. Theo Tam Quốc Chí - Ngô Thư

- Ở hai huyện Mê Linh thuộc Giao Chỉ và Đô Lung thuộc Cửu Chân, anh chết, em lấy chị dâu làm vợ, đời đời vẫn theo tục đó; trưởng lại có biết cũng không thể cấm đoán nổi. Ở Nhật Nam, trai gái đều trần truồng, không lấy thế làm thẹn.
Trên cùng là tầng lớp môn phiệt địa phương. Tầng lớp này có thể là người Hán, các quan lại sỹ tộc sang định cư tại đây, cũng có thể là các tù trưởng, tộc trưởng người Việt dần dà bị Hán hóa. Chính quyền thống trị muốn thu được tô thuế, bắt dân sưu dịch, tróc nã cống phẩm tất phải dựa vào tầng lớp này. Con cháu của họ được học trong những trường học mà chính quyền đô hộ hoặc sỹ phu Trung Hoa mở. Một số được cử làm "hiếu liêm", "Mậu tài" và được bổ làm quan. Trong khoảng đầu đời Đông Hán cá biệt có người làm đến các chức vụ cao như Lý Tiến làm đến thứ sử; Lý Cầm làm tư lệ hiệu úy, nhưng kể từ cuối đời Đông Hán, khi chế độ môn phiệt tại Hán phát triển thì những giới hào tộc địa phưong không còn cơ hội làm quan to ở địa phương và làm quan ở Trung Nguyên nữa.  Dù Hoa, dù Việt họ cũng vẫn bị chính quyền trung ương coi như là "hàn môn", không được bằng sỹ tộc phương bắc. Sự kỳ thị đó cuối cùng đã là yếu tố chính dẫn đến việc lựa chọn con đường Việt của các tầng lớp hào tộc địa phương vào cuối đời Lục Triều với cuộc khởi nghĩa của Lý Bí và đất nước Vạn Xuân.

Đào Hoàng và cuộc chiến tại Giao châu vào cuối thời Tam Quốc

Năm 263, Ngụy cho Chung Hội và Đặng Ngải đem binh diệt Thục Hán tại Tứ Xuyên, đe dọa Đông Ngô từ phía Tây. Bấy giờ Tôn Tư, thái thú Giao Chỉ của Ngô là người mà chính Tấn Thư phải viết "Tôn Tư tham bạo làm cho bách tính khổ sở", lại thêm Ngô gởi quan sát chiến là Đặng Tuân sang Giao Chỉ bắt cho được nhiều dân Việt sang Ngô làm lính chống lại Tào Ngụy. Vì vậy mà nhân dân càng phẫn nộ hơn. Nhân đó, quận lại Giao Chỉ là Lữ Hưng với sự giúp đỡ của binh lính địa phương đã nổi lên giết chết Tôn Tư và Đặng Tuân. Sau đó Lữ Hưng đầu hàng Ngụy. Bấy giờ quan lại nhà Ngô ở Cửu Chân, Nhật Nam cũng hưởng ứng theo. Năm 264, Ngụy phong Lữ Hưng làm "Đốc Giao Chỉ Thượng Đại Tướng Quân" tước Định An hầu và cử Hoắc Dặc, Kiến Ninh, thái thú cũ của nhà Thục Hán nay hàng Ngụy làm Giao Châu thứ sử. Ngoài ra Ngụy cũng cử một vạn quân đồn điền sang giúp Lữ Hưng. Nhưng binh lính chưa kịp sang thì Hưng đã bị viên công tào Lý Thống giết chết. 

Những việc đó xảy ra đúng vào lúc tại phương Bắc, nhà Tấn lên thay nhà Ngụy. Tình hình tại Giao Châu lúc đó không rõ rệt. Ta không biết Lý Thống ủng hộ Ngô hay không, nhưng chắc hẳn tình hình lúc đó rối loạn với các phe thân Ngô và thân Tấn đánh lẫn nhau. Năm 271, tướng Ngô là Đào Hoàng, dụ được thủ lãnh người Việt là Lương Kỳ tại Phù Nghiêm quay trở lại chống Tấn đã đánh bại được tướng Tấn là Đổng Nguyên, lập lại chính quyền Ngô tại Giao Chỉ. Thắng Tấn, Đào Hoàng đã tổ chức đàn áp dã man. Hoàng đem quân đàn áp Phù Nghiêm đặt thành quận Vũ Bình (Phù Nghiêm xưa là đất huyện Phong Khê đời Hán, tức là vùng Vĩnh Phúc Yên trở lên phiá Bắc. Biến loạn về cuối đời Hán đã giúp vùng này thoát khỏi tay thống trị của Ngô).

Cuộc chiến giữa Tấn và Ngô tại Giao Chỉ là biểu hiện đầu tiên của các cuộc tranh chấp trong nội bộ tầng lớp lãnh đạo địa phương trong đó việc theo Tấn hoặc theo Ngô thay đổi tùy theo vị thế của các phe nhóm. Tuy nhiên, các cuộc chiến tranh liên miên, cộng thêm với những cướp phá của Lâm Ấp đã khiến dân chúng mỏi mệt và sẵn sàng chấp nhận bất kỳ một chế độ nào miễn là nó mang lại cho người dân một mức độ hòa bình ổn định nào đó. Và dân Việt đã tìm được chế độ đó dưới thời Đào Hoàng.

Thắng được Tấn, Hoàng được Ngô phong làm thứ sử Giao Châu. Năm 280, khi Tấn diệt Ngô, Hoàng hàng Tấn và vẫn được Tấn Vũ Đế cho giữ chức cũ. Đào Hoàng cai trị ở Giao Châu hơn 30 năm và là một trong những quan lại Trung Quốc tương đối được lòng người nhất. Tấn Thư chép "khi (Hoàng) chết, cả châu khóc như mất người thân".

Giống như Sỹ Nhiếp, Đào Hoàng cai trị Giao Châu vào một lúc mà chính quyền trung ương tại TrungQuốc còn đang suy yếu, trong khi những thế lực địa phương đã tàn hại lẫn nhau trong những cuộc chiến tương tàn. Chính vì vậy mà Đào Hoàng đã có tự do để thực hiện một số những chính sách mà sau này có ảnh hưởng sâu xa đến xã hội Việt.

Dưới thời Đào Hoàng, lần đầu tiên có sự tách biệt giữa những khu vực xã hội của người Lạc đã bị Hán hóa một phần và những đồng bào của họ tại vùng trung du và miền núi hãy còn chống lại ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa. Sự phân hóa xã hội Lạc Việt tại miền Bắc thành ra hai tộc người Việt và Mường có thể đã manh nha trong giai đoạn này.

Hoàng tìm cách củng cố các vùng biên thùy bằng cách thiết lập một số quận mới và đặt binh trú đóng để phòng giữ. Huyện Mê Linh tiếp giáp với vùng núi Tây Bắc, được đổi làm quận Tân Hưng (sau đổi thành Tân Xương); vùng bắc sông Hồng được đặt thành quận Vũ Bình; vùng phía nam quận Cửu Chân, thung lũng sông Cả được chuyển thành quận Cửu Đức.

Dưới thời Đào Hoàng, hệ thống cai trị địa phương được tổ chức lại, các tầng lớp "hào tộc" địa phuơng được cải tổ để trở thành một giai cấp thống trị thực sự có khả năng để tự nắm lấy vận mệnh của mình. Cũng dưới thời Đào Hoàng, sự phân cách giữa xã hội Lạc bị Hán hóa và những hậu duệ khác của xã hội Lạc như Lâm Ấp đã trở thành đông cứng lại dưới dạng những biên cương lịch sử. Xã hội châu Giao tại vùng đồng bằng nay đã hoàn toàn nằm trong quỹ đạo của nền văn minh Trung Hoa.

Giao Châu trong giai đoạn Lưỡng Tấn - Lương Thạc

Đào Hoàng chết, Tấn cử Ngô Ngạn sang thay. Ngô Ngạn cai trị Giao châu được hai mươi năm thì xin về nước, Tấn cử Cố Bi thay. Cố Bi chết, em là Cố Thọ xin lãnh việc trong châu. Bọn quan lại địa phương không chịu. Thọ xin về triều, được phong làm Giao Châu thứ sử. Sau đó, Thọ giết trưởng sử Hồ Triệu. Đốc quân là Lương Thạc chạy thoát được bèn khởi binh bắt Cố Thọ giết đi. Lương Thạc đón con Đào Hoàng là Đào Uy bấy giờ đang làm thái thú Thương Ngô làm Giao Châu thứ sử. Ba năm sau, Đào Uy chết, Thạc lại lập em Uy là Đào Thực rồi con là Đào Tuy nối tiếp làm thứ sử Giao Châu. Lương Thạc tự xưng là thái thú Tân Xương.

Cần lưu ý rằng Tân Xương vốn chính là Mê Linh cũ, đất của các vua Hùng và Hai Bà Trưng. Đây cũng là một địa điểm chiến lược giữ cửa ngõ đồng bằng sông Hồng về phía Bắc. Tấn Thư không nói ra, nhưng có thể đằng sau cái chức vụ thái thú Tân Xương của Tấn, Lương Thạc còn có một danh hiệu gì khác nối liền với truyền thống lâu dài của xã hội Việt nữa.

Vào lúc bấy giờ triều Tấn đã tan vỡ, kinh đô Lạc Dương bị người Hồ ở phương Bắc vào chiếm. Tấn triều chạy về phương Nam dựng đô ở Kiến Nghiệp gọi là Đông Tấn. Bị mất phương Bắc, chính quyền Tấn tìm cách củng cố thế lực ở phương nam, thay thế những giòng họ "hào tộc" thời Ngô cũ bằng những giòng họ từ Bắc xuống. Điều này đã tạo nhiều cuộc nổi dậy bởi những tầng lớp hào tộc Ngô cũ trên khắp vùng Giang Nam. Việc bình định hai châu Giao và Quảng được giao cho Đào Khản. Trong những năm đầu, Khản bận lo việc bình định châu Quảng nên liên minh với Lương Thạc, nhưng sau khi dẹp yên châu Quảng rồi Đào Khản bắt đầu tính tới châu Giao.

Bấy giờ Vương Cơ xin làm thứ sử Giao Châu. Cơ vốn tự lập làm thứ sử Quảng Châu, nhưng sợ triều Tấn đánh nên lánh xin làm thứ sử Giao châu. Triều đình Tấn muốn lợi dụng Cơ để đánh Lương Thạc nên phong Cơ làm thứ sử. Thạc biết nói rằng "Gã Vương đã phá hoại châu Quảng, sao lại còn đến đây phá hoại châu Giao nữa. Rồi cấm người trong châu không cho ra đón Cơ. Chức phủ Tư Mã là Đỗ Tân đem quân đánh Thạc bị Thạc đánh thua. Thạc lại sợ kiều dân (tức là những người từ Trung Nguyên mới đến nhập cư) theo Vương Cơ bèn bắt giết cả, rồi tự phong làm thái thú Giao Chỉ. Vương Cơ không vào được Giao Châu bèn ở lại Uất Lâm định mưu mộ binh đánh chiếm Giao Châu, nhưng rồi bị Đào Khản giết chết. (Tấn Thư)

Năm 322 triều đình Tấn cử Vương Lượng làm thứ sử Giao Châu và dặn Lượng phải giết Lương Thạc. Lượng mưu giết Thạc, thuê thích khách nhưng không thành. Thạc đem binh vây Lượng ở Long Biên. Lượng bị thua, Thạc chặt tay đoạt cờ tiết của Lượng, Đào Khản được tin sai tham quân là Cao Bảo mang quân sang giúp Lượng, nhưng quân chưa tới nơi, Lượng đã chết. Bảo bèn tiến quân đánh giết được Lương Thạc. Đào Khản được phong kiêm nhiệm Giao Châu thứ sử. Cuộc nổi dậy của Lương Thạc đến đó là chấm dứt.

Lương Thạc xuất hiện như là một nhân vật điển hình của lịch sử Việt Nam trong giai đoạn này. Xuất thân là một người lính, Tấn Thư chép “Lương Thạc xuất thân hạ tiện”, Lưong Thạc đã trở thành lãnh tụ của giới quyền lực địa phương đúng vào lúc mà sức mạnh của đế chế trung ương đang bị tê liệt vì những chuyện xảy ra ở phương Bắc. Thạc sẵn sàng dung nhượng với các thế lực phương bắc ở mức độ mà mình vẫn có thể giữ được một mức chủ động nào đó.  Một trong những dữ kiện khác của cuộc nổi dậy của Luơng Thạc là sự khởi đầu của một tinh thần dân tộc có tính bài ngoại. Việc Lương Thạc giết hết những người mới đến ngụ cư tại châu Giao trong lúc chiến đấu với Vương Cơ là một trường hợp khởi đầu điển hình.

Giao Châu vào cuối đời Đông Tấn

Cuối đời Đông Tấn, nông dân Triết Giang do Tôn An cầm đầu đã nổi lên làm rung chuyển triều đại. Trong bốn năm từ 398 đến 402 quần chúng đi theo Tôn An có đến hàng triệu. Sau Tôn An bị Lưu Dụ đánh bại và giết chết. Dụ giết hại đến hai mươi vạn quân của Tôn An. Lưu Dụ nhân thế chuyên quyền và cướp ngôi nhà Tấn lập ra nhà Lưu Tống.

Triều đại nhà Tấn đã dẫn đến một sự thay đổi quan trọng trong thế giới văn minh Trung Hoa. Trước đó văn hóa Trung Quốc chỉ được tập trung vào một số nơi tại Hoa Bắc nơi các nhà nho tụ tập. Kể từ khi loạn Ngũ Hồ xảy ra, các miền Hoa Trung và Hoa Nam đã đón nhận một số đông những sỹ phu miền Bắc. Văn hóa Trung Quốc được phổ biến rộng rãi qua những lớp sỹ phu này. Mặc dầu ở tận cùng cực nam của đế quốc Trung Hoa, nhưng châu Giao cũng nhận được một số những người tỵ nạn đó. Các sỹ phu hào tộc phương Bắc này dần dần trở nên mạnh và họ đã là những hạt nhân của một lớp lãnh tụ mới trong những năm sau của giai đoạn Lục Triều.

5.6 Đỗ Tuệ Độ và Lý Trường Nhân

Vào cuối thời Đông Tấn, Việt Nam đã phân chia thành nhiều xã hội khác biệt dựa theo những biên thùy văn hóa và địa lý khá rõ rệt. Tại vùng đồng bằng và một phần trung du, là xã hội Việt bao gồm những thành phần người Hán di cư xuống miền nam lâu đời và đã bị Việt hóa cùng với những tầng lớp nông dân và quý tộc Lạc cũ bị Hán hóa một phần. Những người này, sử Trung Quốc gọi là "thổ nhân" để phân biệt với những người Hán mới tới trú ngụ mà họ gọi là "kiều nhân". Tại vùng trung du là những thành phần dân Lạc vẫn còn tiếp tục giữ lại nhiều phong cách của thời đại Hùng Vương xa xưa, không chịu chế độ quận huyện của Tấn triều hoặc các triều sau đó mà vẫn sống dưới sự quản hạt của những lãnh tụ truyền thống của họ. Những người này, sử Trung quốc gọi là "Ly" hay là "Ly man" và sau cùng là một lớp người khác không phải người Hán nhưng cũng từ Trung Quốc di cư xuống ở những vùng cao mà sử Trung Quốc gọi là "Lào" hay " Di Lão". Phía Nam là nước Lâm Ấp đương cường thịnh cùng với Phù Nam tạo ra một biên thùy văn hóa khác phân định ranh giới giữa văn hóa Hán và văn hóa Đông Nam Á chịu ảnh hưởng của Ấn Độ. 

Sau khi miền Bắc Trung Quốc bị những giống người Hồ từ phía Bắc xâm chiếm, số lượng người Hán đổ về phương nam càng ngày càng đông. Tuy nhiên phần lớn những dân Hán này đều định cư ở vùng Quảng Châu thay vì đi sâu hơn xuống phía Nam. Nếu trong thời Lưỡng Hán, số dân chúng châu Quảng thấp hơn là tại châu Giao nhiều thì đến cuối đời Tấn dân số châu Quảng đã vượt hơn hẳn số dân tại Giao châu. Các dữ kiện về kiểm tra nhân hộ khẩu từ thời Đông Hán cho tới cuối đời Tấn cho thấy dân số đất Quảng đã vượt gấp đôi dân số đất Giao chỉ trong khoảng gần hai trăm năm. Đây là một trong những yếu tố khiến cho những đặc tính dân tộc của người Việt không bị tiêu hủy dưới khôi lượng đông đảo của những người Hán ngụ cư như trường hợp các tộc Bách Việt tại Quảng châu.

Một số những hiện vật khảo cổ đào được vào thời này cho thấy phong tục tập quán của người Lạc cũ đã bắt đầu thay đổi theo phong cách Hán. Việc giã gạo bằng chầy tay như mô tả trên các trống đồng Đông Sơn không còn nữa, thay vào đó người ta thấy xuất hiện những loại cối giã gạo đạp chân như tại nông thôn Việt Nam về sau này. Từ tập tục ở nhà sàn, người Lạc đã chuyển dần sang ở nhà đất bằng. Nhiều mô hình nhà trung gian bằng đất nung đào được cho thấy sự chuyển tiếp này đã diễn ra trong suốt giai đoạn Đông Hán cho đến Tấn. Tuy nhiên môt số những phong tục khác như tục nhuộm răng, ăn trầu, vẽ mình, dùng trống đồng, búi tóc, vẫn còn được dân chúng Lạc giữ gìn cho đến mãi về sau này. Đó chính là những cái đã giúp phân định ranh giới giữa Hán và Việt.
Những cuộc tấn công cướp phá liên miên của Lâm Ấp đã đẩy mạnh thêm xã hội Việt đi sâu vào trong quỹ đạo của văn minh Hán. Điều này đã phản ảnh rõ trong phản ứng của người Việt trước các cuộc tấn công của Lâm Ấp. Nếu trong những năm thời Đông Hán và Ngô khi Lâm Ấp mang quân tấn công vào Nhật Nam và Cửu Chân thì dân Việt đã đồng tình nổi lên tìm cách lật đổ chế độ cai trị thì dưới thời Tấn thì dân chúng đã cùng với quan lại Tấn triều họp sức để đẩy lùi Lâm Ấp trở lại qua bên kia biên giới. 

Với sự suy yếu của triều Tấn tại trung nguyên, quyền lực của Tấn tại châu Giao nay tùy thuộc hoàn toàn vào sự trung thành với triều đại của các hào tộc địa phương. Độc lập hay tiếp tục là một phần của đế chế, đó là quyết định mà những hào tộc ở đây phải lựa chọn. Đại biểu của hai khuynh hướng đó trong suốt gần một trăm năm là hai họ: họ Đỗ và họ Lý.

Đỗ Tuệ Độ và con đường trung thành với đế chế

Theo Tống thư - Đỗ Tuệ Độ truyện,  Đỗ Tuệ Độ người Châu Diên, Giao Chỉ, là con thứ năm của Đỗ Viện, thái thú Giao chỉ. Tổ tiên họ Đỗ vốn là người ở vùng Kinh Triệu (Trường An), nhân tằng tổ sang lãnh chức thái thú tại Ninh Phố nên định cư ở đây. Họ Đỗ vốn là một hào tộc. Đỗ Viện đã từng lãnh lần lượt các chức thái thú Nhật Nam, Cửu Chân rồi Giao chỉ. Khoảng năm 380, chức vụ thứ sử Giao Châu khuyết, Cửu Chân thái thú là Lý Tốn tiếm quyền tại châu Giao. Tống Thư mô tả Lý Tốn và con là người "dũng mãnh có quyền lực, kiềm chế toàn bộ châu Giao". Khi nghe tin Tấn cử Đằng Độn Chi sang làm Giao Châu thứ sử, Lý Tốn quyết định kháng cự, sai hai con mang quân chặn các đường thủy lục tiến vào châu Giao để chống lại.

Nhưng Lý Tốn không tính tới lòng trung thành của các hào tộc khác trong châu. Chỉ mười tháng sau, Lý Tốn bị Đỗ Viện giết chết và họ Đỗ đón Đằng Độn Chi vào. Độn Chi ở lại Giao Châu trên mười năm. Trong thời gian đó, vùng đất Giao Châu luôn luôn bị Lâm Ấp tấn công cướp phá. Sau khi Độn Chi về nước, năm Long An thứ ba đời Tấn An Đế (399) vua Lâm Ấp là Phạm Hồ Đạt mang quân ra đánh cướp Nhật Nam, bắt thái thú là Cảnh Nguyên, sau đó tiến ra Cửu Đức, bắt thái thú là Tào Bình rồi tiến ra Giao Chỉ, vây thành Long Biên. Đỗ Viện lúc đó là thái thú Giao Chỉ cố thủ giữ thành. Chiến thuật của Viện dùng để phá Lâm Ấp là chiến thuật du kích điển hình mà các triều đại Việt sau này dùng để chống lại quân Trung Quốc. Tống Thư - Đỗ Tuệ Độ Truyện chép:

- Viện cùng người con thứ ba là Huyền Chi ra công cố thủ, hay sử dụng những mưu lược dựa vào những phương tiện sẵn có, đại phá được Lâm Ấp, đuổi Hồ Đạt chạy ra khỏi Cửu Chân, Nhật Nam về đến Lâm Ấp mới thôi.

Viện nhân đó được phong làm Giao Châu thứ sử, tuớc Long Nhương Tướng Quân. 

Lúc bấy giờ, nhà Tấn đã gần đến lúc diệt vong. Trung Nguyên đại loạn. Năm Long Hy thứ sáu (410) tước Quán Quân tướng quân là Lư Tuần chiếm cứ Quảng Châu sai người sang thông hiếu với Đỗ Viện. Viện cự tuyệt, giết sứ giả. Cùng năm đó, Viện chết, các quan lại trong châu cử người con thứ năm là Đỗ Tuệ Độ lên thay làm Giao Châu thứ sử. Triều đình Tấn không cách làm gì khác hơn là cho sứ giả sang chính thức phong cho Tuệ Độ làm chức Tổng Quản Giao châu Chư Quân Sự, Quảng Vũ Tướng Quân kiêm nhiệm Giao châu thứ sử. Việc triều đình Tấn vội vã phong cho Tuệ Độ chức vụ cao như vậy là nhằm việc chiêu dụ Tuệ Độ tham gia giúp Tấn trong việc đàn áp cuộc nổi dậy của Lư Tuần.

Lư Tuần vốn là đồ đảng của Tôn Ân. Năm 398, Ân đã lãnh đạo một cuộc nổi dậy lớn của nông dân tại Triết Giang, đồ đảng theo có đến hàng triệu người. Khi Ân bị Lưu Dụ (người sau này cướp ngôi nhà Tấn lập ra nhà Lưu Tống) đánh bại, Lư Tuần đầu hàng Tấn và chiếm giữ Quảng Châu. Nhưng đến năm 410, Lư Tuần lại phản, mang quân lên vây kinh đô Kiến Khang. Trong lúc Tuần tiến quân lên Bắc, Lưu Dụ mang quân đánh úp Quảng Châu. Tuần phải mang quân về giữa đường lại bị Lưu Dụ đánh thua. 

Tuần mang quân xuống nam, phá Hợp Phố rồi tiến quân vào Giao Chỉ. Lúc đó là năm Long Hy thứ 7 (411). Quân của Tuần tiến thẳng tới đánh thành Long Biên. Tống Sử  - Đỗ Tuệ Độ Truyện kể lại:

- Tuệ Độ đem sáu ngàn quan văn vũ đánh chặn Tuần ở Thạch Kỳ. Phá được quân của Tuần, bắt được trưởng sử của Tuần là Tôn Kiến Chi. Tuần tuy thua, nhưng dư đảng còn đến ba ngàn quân thiện chiến. Lúc đó hai con Lý Tốn là Lý Dịch, Lý Thoát chạy ra Thạch Kỳ liên kết với đám dân Ly, Lào nổi dậy. Tuần biết bọn Dịch với họ Đỗ có thù bèn cho người đến dụ. Bọn Dịch bèn cùng đám "Ly soái" (tức là những thủ lĩnh người Lạc còn chưa bị Hán hóa) mang sáu ngàn quân đến theo. Tháng sáu năm Canh Tý (tức 411) Tuần mang quân đến bến Nam của thành Long Biên. Sáng sớm đánh thành, hẹn vào trong thành mới thổi cơm ăn. Tuệ Độ mang của cải của riêng mình và tông tộc đem ra khao thưởng quân sỹ rồi cùng hai em là thái thú Giao chỉ Tuệ Kỳ, thái thú Cửu Chân Chương Dân xuất quân thủy bộ ra chống. Tuệ Độ tự leo lên một chiếc thuyền cao đốc chiến, phóng tên lửa và đuốc đuôi trĩ để đốt cháy thuyền địch. Rồi bộ quân cũng từ hai bên bờ đổ ra bắn. Chiến thuyền của Tuần đều bị trúng tên lửa tan vỡ. Tuần cũng bị trúng tên rơi xuống nước mà chết.

Tuệ Độ sai vớt thây Lư Tuần lên chặt đầu gởi về kinh sư, lại bắt giết cha của Lư Tuần và hai người con gởi đầu về kinh đô nhà Tấn. Bọn Lý Dịch Lý Thoát và những thủ lĩnh người Lạc cũng bị Tuệ Độ giết hết. 

Cuộc chiến chống lại Lư Tuần cho ta thấy mức độ phân hóa xã hội tại châu Giao vào thời này. Trong lúc những người dân Lạc cũ cũng vẫn còn tiếp tục sự chống đối của họ đối với đế chế Trung Quốc, một bộ phận quan trọng của xã hội nay đã chấp nhận cuộc sống bên trong đế chế và chống lại những thay đổi mà họ cho rằng có thể làm cho cuộc sống của họ trở nên khó khăn hơn.

Năm 420, thừa tướng nhà Tấn là Lưu Dụ phế vị vua cuối cùng của triều Tấn là Tấn Cung Đế, tự lập làm vua, lập ra nhà Lưu Tống. Giao Châu vẫn nằm dưới sự cai trị của Đỗ Tuệ Độ. Tống thư khen ngợi Tuệ Độ là người "mặc áo vải, ăn cơm rau, cần kiệm chất phác" cai trị giỏi đến nỗi "kẻ gian trộm cướp không có, ban đêm không phải đóng cửa thành; trên đường không ai nhặt của rơi". Nhưng khi Tuệ Độ chết đi, con là Hoàng Văn lên thay không được bao lâu, thì được triều đình Tống điều lên kinh giữ một chức quan trong triều. Hoàng Văn ra đi đến Quảng Châu bị bệnh chết. Việc cai trị Giao Châu lại rơi vào tay các tên quan từ phương Bắc xuống.

Lý Trường Nhân và nền tự chủ dưới thời nhà Lưu Tống

Dưới thời Tống, nhân dân không những chịu khổ vì chiến tranh liên miên mà còn bị bọn quan lại bóc lột tàn tệ. Tống Hiếu Vũ Đế (454-464) là một kẻ tham tài lợi, hễ chức thứ sử, thái thú nào bãi quan trở về đều bị bắt phải dâng tiền của vì vậy bọn quan lại tha hồ vơ vét của nhân dân. Trước tình thế đó tình cảm đối với đế chế cũng bị hao mòn. Tình trạng yếu kém của chính quyền trung ương Tống cũng là một điều khác giúp cho việc tách ra tự trị trở nên có khả năng hơn.
Tháng ba năm Thái Thủy thứ tư đời Tống Minh Đế (468) thứ sử Trương Mục bị bệnh chết, một lãnh tụ người Việt là Lý Trường Nhân đã nổi dậy cướp lấy chính quyền tự lập làm thứ sử. Tống thư chép chuyện như sau mặc dầu nhầm họ của ông chép là họ Hiếu:

- Thứ sử Trương Mục bị bệnh chết, thổ nhân là Hiếu Trường Nhân làm loạn giết sạch những người lưu ngụ từ Bắc sang không chừa người nào tự xưng là thứ sử Giao châu.

Nhà Tống cử Ngô Hỷ sang làm thứ sử Giao Châu, rồi cử Tông Phụng Bá, nhưng không ai dám đi. Sau cử Lưu Bột. Lưu Bột sang bị Trường Nhân chia binh chống cự không vào được. Cuối cùng triều Tống phải mặc nhiên chấp nhận cho Trường Nhân làm thứ sử Giao châu. Được vài năm Trường Nhân chết, em họ là Lý Thúc Hiến lên thay. Thúc Hiến nộp đơn xin Tống cho làm thứ sử Giao Châu. Tống không chịu, chỉ cho Thúc Hiến làm Ninh Viễn Tư Mã kiêm lĩnh thái thú hai quận Vũ Bình và Tân Xương đồng thời cử Thẩm Hoán sang làm Giao Châu Thứ Sử. Nhưng theo Nam Tề Thư  "Thúc Hiến được nhân tình theo phục đã đem binh giữ những chổ hiễm yếu không nhận Thẩm Hoán". Thẩm Hoán phải ở lại Uất Lâm rồi chết ở đó. Lý Thúc Hiến vẫn tự trị ở Giao châu. Thế là Giao châu vào cuối đời Lưu Tống đã trở thành một đất nước tự trị do các nhà môn phiệt địa phương cai quản.

Vào lúc đó, triều Tống bên Trung Quốc bắt đầu đi vào giai đoạn diệt vong. Phía Bắc bị mất vùng Hoài Bắc, Hoài Tây cho Bắc Ngụy. Bên trong con cháu họ Lưu Tống tàn sát lẫn nhau. Cuối cùng đến đời Tống Thuận Đế thì bị Tiêu Đạo Thành cướp chính quyền lập ra nhà Tề gọi là Tề Cao Đế (479). Tiêu Đạo Thành lên ngôi xuống chiếu tha tội cho Giao châu và công nhận cho Lý Thúc Hiến làm Giao Châu thứ sử. Nhà Tề trong lúc ly loạn nên không muốn tạo ra những phiền nhiễu ở phương xa trong lúc đang củng cố quyền hành. Nam Tề Thư cũng phải công nhận "Dân Giao Châu cậy ở nơi hiểm trở xa xôi nên luôn luôn muốn phản loạn" 

Tuy nhiên khi Lý Thúc Hiến đoạn tuyệt mọi cống hiến với Tề thì Tề không thể nào không có phản ứng. Năm 485, Tề cử Đại Tư Nông Lưu Khải làm Giao Châu thứ sử, điều quân các quận Nam Khang, Lư Lăng và Thủy Hưng sang đánh. Lý Thúc Hiến đầu hàng. Giao Châu lại rơi trở về tay các quan lại phương Bắc.
Cuộc khởi nghĩa của Lý Trường Nhân là cuộc khởi nghĩa quan trọng nhất trong giai đoạn từ sau Hai Bà Trưng cho đến cuộc nổi dậy của Lý Bôn. Sử Trung Quốc chỉ giới thiệu ông là một "thổ nhân". Điều này có lẽ ám chỉ ông là người giòng giõi dân Lạc chứ không phải là Hán. Chắc chắn là ông không hề giữ một chức vụ gì trong chính quyền đô hộ. Điều quan trọng ở đây là khi nổi dậy, Lý Trường Nhân đã giết hết các quan lại và những người lưu ngụ Trung Quốc. Đây là một hành động cực đoan nhưng đã chỉ cho thấy bắt đầu có một ý thức dân tộc trong cộng đồng châu Giao biểu hiện ý thức khác biệt giữa dân Việt và dân Hán. Chính quyền của Lý Trường Nhân và Lý Thúc Hiến xây dựng là một chính quyền độc lập. Tuy rằng Lý Trường Nhân mới chỉ xưng làm thứ sử, nhưng mầm móng của một quốc gia Việt độc lập đã bắt đầu hình thành báo hiệu cho sự thành lập của đất nước Vạn Xuân trong thế kỷ tới.

5.7 Tình Hình Kinh Tế Xã Hội Việt Nam cho đến thời Lương
 
Ðến cuối thế kỷ thứ năm, tại phương bắc, nhà Tề càng ngày càng đi vào tình trạng suy đồi. Năm 502, Tiêu Diễn một hoàng thân trong hoàng tộc Tề, phế Tề Hoà Đế tự lập lên làm vua lấy hiệu là Lương Vũ Đế, lập ra nhà Lương. Không khác gì những triều đại trước từ Đông Tấn trở đi, khó khăn chính của nhà Lương vẫn là làm sao khẳng định được quyền lực của chính quyền trung ương trước thế lực của những hào tộc địa phương. Riêng tại Giao châu vấn đề này còn bị làm phức tạp hơn vì kinh tế châu Giao vẫn hướng về việc giao dịch với các nước khác ở phương Nam thay vì hướng về Bắc.

Một trong những biện pháp nhà Lương thực hiện để tăng cường kiểm soát vùng đất Giao châu là phân nhỏ các châu quận để đặt thêm quan cai trị, Dưới thời Hán, châu Giao bao gồm toàn bộ vùng nam Trung quốc và miền Bắc Việt Nam. Sang thời Ngô mới tách thành hai châu Giao và Quảng trong đó Quảng Châu bao gồm hầu hết miền Nam Trung quốc trong khi Giao Châu bao gồm miền Bắc nước ta ngày nay cùng một phần của miền Nam các tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây hiện thời. Đến đời Lưu Tống, năm 471, chính quyền lại cắt quận Hợp Phố (bán đảo Lôi châu, Quảng Đông hiện nay) cùng với một phần các quận Uất Lâm và Ninh Phố lập ra một châu mới gọi là Việt châu. Giao Châu như vậy chỉ còn toàn bộ miền Bắc Việt Nam hiện thời. Riêng về phần quận Nhật Nam, sau nhiều năm dành dật với Lâm Ấp trong các đời từ Tấn đến Tề, cuối cùng toàn bộ quận Nhật Nam bị rơi vào tay Lâm Ấp dưới thời nhà Tề. Biên giới Giao Châu chỉ còn lại từ đèo Ngang trở ra Bắc.

Sang đời Lương, năm 507, Quảng Châu lại bị cắt ra làm hai, miền Tây Quảng được tách ra thành một châu mới gọi là Quế Châu ( Quảng Tây ngày nay). Nhưng phải đến năm 523 thì việc cải tổ hành chánh châu quận của Lương mới lan sang đến châu Giao. Trong cuộc cải tổ này, quận Cửu Chân (Thanh Hoá) được nâng lên thành châu gọi là Ái châu, quận Cửu Đức (Nghệ An - Hà Tĩnh)  được chia làm ba là Đức Châu, Lợi Châu và Minh Châu. Đến năm 535, nhà Lương lại cắt vùng bể của Giao Chỉ ra thành lập Hoàng Châu (Quảng Yên, Hòn Gay ngày nay). Như vậy là đến đời Lương miền bắc nước ta có tất cả 6 châu tuy rằng quan trọng nhất vẫn là Giao Châu với trị sở nằm tại Long Biên. Theo quan điểm của nhà Lương, việc đặt thành nhiều châu như vậy được coi như là một biện pháp an ninh nhằm tổ chức phòng thủ cho đế chế cũng như là một sự tưởng thưởng cho dân chúng trong châu về sự quan tâm của triều đình chứ không căn cứ vào tài nguyên hoặc dân số. Chính vì vậy mà ta không thể so sánh một châu như châu Giao với những châu như Ái hay Đức chứ chưa nói đến những đơn vị nhỏ như Lợi Châu hoặc Hoàng Châu.

Việc lập những châu nhỏ này cũng là phương cách nhà Lương dùng để giải quyết mâu thuẫn giữa trung ương và các hào tộc địa phương. Các châu lớn có tầm quan trọng chiến lược như Giao và Quảng được trao cho các người thân trong hoàng tộc cai trị. Năm 541 Lương Vũ Đế cử hai người cháu sang làm thứ sử các châu Giao và Quảng. Những châu nhỏ hơn đuợc trao cho những nhân vật có thế lực yếu hơn hoặc những hào tộc địa phương.

Tuy nhiên, hậu quả của chính sách này là mâu thuẫn quyền lực giữa địa phương và triều đình được chuyển hóa sang thành một cuộc đấu tranh dành quyền lực giữa các thứ sử châu nhỏ và thứ sử châu lớn. Cuộc đấu tranh giữa hào tộc và quan lại trong châu chuyển thành đấu tranh giữa các lực lượng của các châu với nhau. Lập ra nhiều châu nhỏ như vậy, nhà Lương hy vọng rằng sẽ ngăn chặn và lái những tham vọng độc lập hoặc tự trị của các địa phương qua việc thu hút những dân địa phương vào trong khuôn khổ đế chế. Nhưng dù có chia nhỏ thế nào chăng nữa cũng không có đủ chức vụ và quyền lực để thỏa mãn những tham vọng của tất cả những người địa phương. Ngoài ra, sự quen thuộc với những phép tắc của triều đình trung ương chỉ làm cho người ta mất đi sự sợ hãi đối với chính quyền và làm gia tăng thêm ước vọng làm ra một chính quyền tương tự.

Giao Châu dưới thời Lương

Việc phổ biến rộng rãi các công cụ bằng sắt đã nâng năng suất của nông nghiệp lên cao hơn. Kinh tế đã dồi dào đủ để có thể nuôi sống một tầng lớp quý tộc cũng như là cung ứng những khoản thuế khóa và cống nạp cho chính quyền cai trị.

Ngoài nghề trồng lúa, mà dân ta đã biết làm hai mùa từ trước khi dân chúng Hoa ở Trung Nguyên biết  - sách Dị Vật Chí của Dương Phù đời Đông Hán viết "Lúa mỗi năm trồng hai lần về mùa hạ và mùa đông ở Giao Chỉ gọi là lúa Giao Chỉ”- dân ta còn biết trồng nhiều thứ ngũ cốc và các loại cây hoa mầu khác như khoai lang - Nam Phương Thảo Mộc Trạng chép "khoai lang trồng vào tháng hai đến tháng mười thì được dỡ củ.. sản xuất ở Giao Chỉ, Vũ Bình, Cửu Chân, Hưng Cổ.." - các loại cây có củ khác như khoai sọ, củ từ, củ mài và các loại đậu. Nghề trồng dâu nuôi tầm, đay, gai cũng phát triển. Đặc biệt là việc trồng bông. Ngữ Lục Địa Lý Chí của Trương Bột, đầu thế kỷ thứ 4 chép "Huyện Định An ở Giao Chỉ có loại cây bông, quả như chén rượu, miệng có tơ như tơ tầm có thể dệt thành vải." Các loại cây ăn trái cũng được trồng một cách thông dụng, một vài loại như cam, quít đã nổi tiếng là ngon và được coi như là những cống phẩm dâng cho triều đình Trung Quốc. Với sự phát triển của nông nghiệp, một số những ngành khác như săn bắn, hái lượm, ngư nghiệp và chăn nuôi trước kia có thể là những hoạt động sinh hoạt chính nay đã trở thành thứ yếu.

Cùng với việc phát triển của nông nghiệp, thủ công nghệ cũng có những bước tiến lớn. Từ thời Đông Hán trở về sau, kỹ thuật rèn chế đồ sắt đã phát triển. Theo Tấn Thư - Đào Hoàng Truyện các đồ điền khí bằng sắt đã được chế tạo tại chỗ thay vì phải nhập từ Trung Quốc. Trong các ngôi mộ của thời này đào được đã thấy có rất nhiều những di vật bằng sắt, từ các đồ điền khí (lưỡi cầy, lưỡi cuốc, rìu vv..) cho đến vũ khí (kiếm, dao găm, giáo, kích, lao vv..) và những đồ gia dụng (đinh, nồi, đèn vv..). Theo Ngô Thời Ngoại Quốc Truyện thì vào lúc đó tại nước ta, người ta đã bịt cựa gà chọi với lưỡi sắt chứng tỏ rằng vào thời đó việc sử dụng sắt đã được phổ biến rộng rãi. Với sự phát triển của đồ sắt, đồ đồng đã đi vào suy thoái. Việc đúc đồng được giới hạn trong việc sản xuất những đồ gia dụng và các đồ minh khí cùng một số đồ trang sức mà thôi.

Cùng với hai nghề đúc đồng và sắt, nhiều ngành thủ công mới cũng được phát triển. Sử cũ đều nói Giao châu nhiều vàng bạc. Việc khai thác và làm đồ trang sức bằng vàng bạc đạt được nhiều tiến bộ so với trước. Trong các ngôi mộ khai quật có niên đại từ Đông Hán cho đến Lục Triều người ta đã phát hiện được rất nhiều đồ trang sức bằng vàng bạc như vòng, nhẫn, bông tai, trâm, lược cũng như một số đồ đồng mạ vàng cung cách chế tạo tinh xảo. Theo Nam Tề Thư, cứ vài năm một lần Giao Châu phải cống cho triều đình Trung Quốc một chiếc mũ đâu mâu bằng bạc.

Trong quá trình giao lưu văn hóa với vùng ảnh hưởng của văn minh Ấn độ, Giao Châu cũng học được nghề sản xuất thủy tinh (ngọc lưu ly). Sách Bão Phác Tử của Cát Hồng đời Tấn chép "Ngoại quốc làm bát thủy tinh bằng cách họp năm loại tro cát mà chế thành. Nay châu Giao, châu Quảng đều học được phép đó".
Trong giai đoạn này nghề dệt đặc biệt phát triển. Ngoài việc trồng dâu nuôi tằm, do trồng được bông, nên đương thời dân ta đã dệt được vải và được các giới thống trị Trung Quốc ưa chuộng. Cống phẩm của Sỹ Nhiếp gởi cho Tôn Quyền có hàng ngàn tấm vải cát bá loại mịn. Nghề làm giấy cũng được truyền sang Giao Châu ngay sau khi được phát minh tại Trung Quốc. Theo Nam Phương Thảo Mộc Trạng, Giao Chỉ có nhiều cây mật hương, người ta lấy vỏ và lá của nó dùng làm giấy gọi là giấy mật hương, mầu trắng có vân, mùi rất thơm và bền chắc, bỏ xuống nước không hỏng. Năm Thái Khang đời Tấn, con buôn Đại Tần (Byzantine) dâng ba vạn tờ giấy này cho vua Tấn. Nghề thủ công phát triển đến nỗi dưới triều Ngô, thợ thủ công của châu Giao vẫn thường bị bắt gởi lên kinh đô của Ngô ở Kiến Nghiệp để phục vụ.

Về thương mại, việc sáp nhập Giao Châu vào trong đế chế Trung Quốc đã thúc đẩy việc phát triển thương mại cả quốc tế lẫn quốc nội. Các con buôn Trung Quốc đã sang Giao châu mua bán lâm thổ sản như ngọc châu, hương liệu, sừng tê, ngà voi, san hô vv.. và mang sang bán ở Giao Châu các loại vũ khí, gương đồng, bình đồng sản xuất tại Trung Quốc.

Thương mại quốc tế được đặc biệt phát triển. Dưới thời Tam Quốc và Lục triều, con đường buôn bán với các nước ở phương Tây qua ngả đường bộ bị tắc nghẽn, tất cả mọi thông thương với miền Nam Trung Quốc "đều phải qua ngả Giao Chỉ" (Lương Thư). Luồng thương mại quốc tế bắt đầu từ cảng Alexandria ở Ai Cập qua nam Ấn Độ vượt biển qua các nước Phù Nam, Lâm Ấp đến Giao Chỉ. Nhà địa lý Hy lạp Ptolemy đã mô tả con đường này trong cuốn sách địa lý của ông viết vào thế kỷ thứ ba sau công nguyên.

Các việc buôn bán này thường bị chính quyền đô hộ đánh thuế rất nặng. Đó cũng là một lý do dẫn đến những cuộc chiến tranh với Lâm Ấp. Tấn Thư chép "Xưa các nước ngoài cõi, thường mang báu vật đi đường bể tới Nhật Nam buôn bán. Thứ sử Giao Châu và thái thú Nhật Nam thường thường tham lợi, mười phần đánh thuế tới hai ba phần. Đến đời thứ sử Khương Tráng, sai Hàn Chấp làm thái thú Nhật Nam. Chấp lấy thuế đến quá nửa, vì thế các nước oán giận." Năm 347 vua Lâm Ấp là Phạm Văn mang quân ra đánh Nhật Nam lấy cớ là bảo vệ cho thương mại quốc tế, đã bắt giết thái thú Nhật Nam là Hạ Hầu Lan.

Năm 522 triều đình nhà Lương ra lệnh phát hành một loại tiền mới thay cho loại tiền cũ của Tấn, nói rằng dân Quảng và Giao chỉ dùng vàng và bạc làm tiền tệ trao đổi chứ không chịu dùng tiền của triều đình. Hai mươi năm sau, khi một loạt tiền mới khác được đúc ra, tình trạng cũng vẫn không thay đổi. Điều đó cho thấy thương mại quốc tế đóng một vai trò quan trọng như thế nào đối với sinh hoạt tại Giao Châu thời đó.

Thuế Khoá và cống phẩm

Tài liệu độc nhất còn ghi lại về các thứ thuế đánh vào dân chúng tại Giao Châu thời Đông Hán được chép trong Hậu Hán Thư  ghi rằng "tha tô ruộng, tiền canh phú và cỏ khô trong hai năm cho huyện Tượng Lâm". Tiền canh phú là thuế mà người dân phải trả nếu không muốn bị đi lao dịch hoặc đi lính ở nơi biên thùy. Cỏ khô có lẽ là thuế đặc biệt mà người dân phải trả khi khai hoang một khu đất mới. Không có chi tiết gì về các mức thuế trên, nhưng có lẽ chúng rất nặng vì Hậu Hán Thư đưa ra nhận định về cuộc nổi dậy của dân chúng năm 184 là "phú thuế quá nặng, trăm họ xác xơ" và để đối phó với cuộc khởi nghĩa này, thứ sử Giả Tông đã phải đề nghị "tha miễn các loại phú dịch". Ngoài các loại thuế đánh vào nông dân, các triều đình Trung Quốc đã giữ độc quyền về việc khai thác và buôn bán sắt và muối, lập một viên quan riêng để chăm lo việc này gọi là Diêm Thiết quan.

Sang thời Ngô, phương pháp khai thác chính là việc cống nạp. Tiết Tổng viết "Đối với Giao Châu chỉ quý ở chỗ lấy những của báu phương xa, ngọc châu, hương liệu, ngà voi. sừng tê, đồi mồi để chơi ngắm chứ bất tất phải trông vào phú thuế để lợi cho Trung Quốc" (Tam Quốc Chí - Ngô Thư). Tuy nhiên Tiết Tổng cũng cho biết rằng "tô ruộng, thuế hộ chỉ lấy đủ để cung cấp (cho quan lại tướng sỹ ở Giao Châu)". Như vậy cho thấy rằng thuế đời Ngô vẫn còn và đánh thêm vào việc lao dịch để thu hoạch những đồ cống phẩm.
Trái với Ngô, dưới thời Tấn, một hệ thống thuế đồng nhất có vẻ đã được đưa ra cho Giao Châu, tuy rằng ta không biết rõ việc thực hiện thu thuế như thế nào. Một trong những loại thuế đó là thuế vải lụa được đánh vào các hộ trồng dâu, dệt vải. Số lượng vải lụa các hộ phải đóng thay đổi tùy theo chỗ xa hay gần kinh đô hoặc các thủ phủ cai trị địa phương. Theo dữ liệu của Tấn Thư, mức độ thuế phải đóng tại Giao Châu bằng một phần ba mức độ tại Trung Nguyên với những hộ mà chủ gia đình là phụ nữ chỉ phải đóng một nửa. Các loại thuế khác cũng tương tự như dưới thời Đông Hán, nhưng ta không biết rõ các thuế suất được tính như thế nào.

Dưới các đời sau, như Tống, Tề, Lương vì tình hình chính trị suy yếu, thuế phú bênTrung Quốc thu không đủ nên đặt ra nhiều loại thuế hơn nữa. Vào lúc đó, thuế khóa rất nặng kể hàng trăm thứ. Theo Lương Thư làm nhà lợp ngói, cây dâu cao một thước đều phải chịu thuế. Dân nghèo phải bán cả vợ con lấy tiền nộp thuế mà không đủ. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc những cuộc khởi nghĩa nổ lên trong thời gian này mà kết thúc là việc thành lập đất nước Vạn Xuân của Lý Bí.